Cố gắng điều khiển một người — trong hôn nhân, việc nuôi dạy con cái, hội thánh hoặc chính phủ — là điều ác. Kinh Thánh công nhận thẩm quyền, nhưng có quan điểm mạnh mẽ chống lại sự điều khiển (tước đi sự tự do phải lẽ). Nếu một người lạm dụng quyền hành do Đức Chúa Trời ban cho, họ sẽ trở thành thủ phạm của sự tà ác.
Đây là một trong những sự thật đáng ngạc nhiên hơn khi tôi nghiên cứu Kinh thánh về vấn đề “Khi Nào Nên Đi Ra Khỏi.” Đây là cái nhìn sâu sắc khiến tôi kinh ngạc: Đức Chúa Trời luôn luôn đúng và luôn luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng ta; nếu Ngài áp đặt chúng ta làm những gì chúng ta nên làm, theo một nghĩa nào đó, chúng ta sẽ tốt hơn. Bằng mọi biện pháp, sự áp đặt đó sẽ cấu thành sự điều khiển nhân từ. Nhưng Chúa không làm việc theo cách đó. Ngài phán lẽ thật. Ngài mời gọi. Nhưng Ngài không điều khiển. Dù là Đức Chúa Trời quyền năng với thẩm quyền tể trị, Ngài không bao giờ điều khiển áp buộc chúng ta theo cách tước đi sự tự do riêng của chúng ta.
Một trong những lời tuyên bố nổi tiếng nhất trong Kinh thánh là lời tuyên bố của Giô-suê, “Hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự” (Giô-suê 24:15). Dân Y-sơ-ra-ên không bị buộc phải tuân theo; họ đã nghe lẽ thật và được mời gọi hãy vâng phục. Nếu họ không tuân theo, họ phải gánh chịu hậu quả, nhưng họ không bị áp buộc phải vâng theo.
Môi-se không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo điều khiển áp buộc. Ông thúc giục dân Y-sơ-ra-ên chiếm lấy đất hứa, nhưng họ từ chối. Thay vì buộc họ đi vào trận chiến, ông đã thông báo hậu quả: theo mệnh lệnh của Chúa, họ sẽ lang thang trong sa mạc trong 40 năm.
Gần như là ngay lập tức, một số nhà lãnh đạo đứng dậy và nói, “Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ đi ngay bây giờ.” Môi-se cầu xin họ đừng: “Đức Giê-hô-va đã phán với tôi: ‘Hãy bảo chúng: Đừng đi lên và chớ tham chiến vì Ta không ngự giữa các ngươi đâu; nếu lên đó, các ngươi sẽ bị quân thù đánh bại.’”(Phục truyền Luật lệ Ký 1: 42ff.).
Họ cứ đi và bị đánh bại thê thảm. Môi-se không đẩy họ vào Đất Hứa khi họ đáng lẽ phải vào, cũng không cản đường họ khi họ không nên vào. Ông chỉ nói với họ điều gì sẽ xảy ra nếu họ không vâng lời Đức Chúa Trời, điều họ đã làm hai lần.
Chú ý: cuối cùng người lãnh đạo được Đức Chúa Trời lựa chọn đã thúc giục họ không đi nhưng ông vẫn để họ đi. Một nhà lãnh đạo tin kính khuyên nhủ nhưng người đó không cố gắng điều khiển áp buộc và kiểm soát.
Khi tôi còn là một thanh niên, “phong trào chăn chiên” đã trở nên phổ biến trong một số lãnh vực của hội thánh. Với một động lực tốt là khuyến khích mọi người phát triển trong sự thánh khiết, nó đã trở nên một quyền lực điều khiển và kiểm soát rất mạnh khi mà tài chính của mọi người, các quyết định hôn nhân, thậm chí cả các quyết định dạy nghề và bán nhà đều do ban lãnh đạo chi phối theo tiêu chí “trách nhiệm giải trình”.
Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo cuối cùng đã ăn năn; trong nhận thức muộn màng, họ nhận ra rằng họ lấy “kiểm soát và điều khiển” thay thế cho “thuyết phục” và mọi người bị tổn hại.
Chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu của Đức Chúa Trời bằng cách sử dụng các phương pháp của Sa-tan.
Chúa Giêsu đã không điều khiển và kiểm soát. Ngài nói lên lẽ thật và để cho người ta chọn tránh xa Ngài hoặc Ngài chọn cách tự bỏ đi (cuốn sách của tôi có phần phụ lục với 41 trích dẫn trong Kinh thánh chứng minh điều này). Và Tân Ước nói về “quỷ ám” nhưng không bao giờ nói về “Chúa ám” với ý Chúa chiếm hữu theo những thuật ngữ tương tự. Đúng vậy, chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng Phao-lô chỉ ra rằng “Tâm linh của các nhà tiên tri phải thuận phục các nhà tiên tri.” (1 Cô 14:32). Thánh Linh vận hành trong chúng ta, nhưng Ngài không kiểm soát, điều khiển áp buộc để tước lấy quyền tự do của chúng ta.
Đó là những gì ma quỷ làm.
Lý do khiến sự kiểm soát và điều khiển áp buộc tôn giáo rất nguy hiểm là vì lòng trung thành tận cùng của chúng ta là dành cho Đức Chúa Trời. Khi ai đó tìm cách kiểm soát và điều khiển chúng ta, họ đang đặt họ vào chỗ chống nghịch lại Chúa, muốn chúng ta theo họ thay vì theo Chúa.
Họ có thể nghĩ rằng họ đang làm điều của Đức Chúa Trời làm nhưng, một lần nữa, chúng ta sẽ không làm điều Đức Chúa Trời làm nếu chúng ta không sử dụng các phương pháp của Đức Chúa Trời. Phương pháp của Đức Chúa Trời là nói lẽ thật và mời gọi sự vâng phục.
Phao-lô khuyến khích chúng ta tôn trọng thẩm quyền lãnh đạo hội thánh: “Các trưởng lão khéo lãnh đạo Hội Thánh thì càng phải được kính trọng nhiều hơn, nhất là những người chịu khó nhọc trong việc truyền đạo và dạy dỗ. Vì Kinh Thánh dạy: “Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa,” và, ” Người làm công đáng được nhận tiền công.” (1 Ti-mô-thê 5: 17-18). Nhưng ngay lập tức sau đó ông bảo chúng ta phải làm gì khi các trưởng lão làm hỗn loạn: “Hãy công khai khiển trách những kẻ cứ tiếp tục phạm tội, để những người khác phải sợ. ” (câu 20)
Phao-lô kêu gọi chúng ta thừa nhận và tôn trọng thẩm quyền được sử dụng với sự tin kính, nhưng đứng lên chống lại những người lạm dụng quyền hành của họ vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời.
Các hội thánh của Đức Chúa Trời thuyết phục và mời gọi nhưng không ép buộc — với việc dùng mặc cảm tội lỗi và “trách nhiệm giải trình” vì thực ra chúng là một cách nói hoa mỹ để kiểm soát, hoặc thậm chí là để lôi cuốn. Các hội thánh của Chúa chỉ công bố lẽ thật và mời gọi bạn hãy đáp ứng và để cho bạn thử nghiệm, suy xét, và áp dụng lẽ thật.
Tôi cũng nên đề cập, cũng giống như trên, rằng kiểm soát và điều khiển trong hôn nhân cũng là một điều tà ác. Cho dù bạn nắm giữ tiền hoặc tình dục để kiểm soát người phối ngẫu của mình, hay bạn lạm dụng thể chất hoặc bạo lực (thao túng trí tuệ) để kiểm soát người bạn đời của mình, bạn đang hành động theo một kiểu tà ác đặc biệt. Trong tất cả các lập luận về vai trò của hôn nhân, sự kiểm soát điều khiển phải được loại bỏ khỏi thực đơn trong bất kỳ hình thức hôn nhân nào theo Kinh thánh. Những người tin kính cố gắng thuyết phục và mời gọi, nhưng họ không kiểm soát điều khiển.
Những cố gắng kiểm soát điều khiển người khác là phạm thượng về thẩm quyền và sự tôn thờ. Đó là lý do tại sao các chế độ độc tài là tà ác. Đó là lý do tại sao (trong số những thứ khác) chế độ nô lệ là một điều ghê tởm như vậy. Đời sống cao cả nhất của con người là đời sống phó thác cho Đức Chúa Trời trên hết mọi người và mọi vật. Khi tôi muốn bất cứ ai tập trung vào việc làm hài lòng tôi, tôi đang hành động như một kẻ chống lại Chúa; Tôi đang yêu cầu họ đáp lại tôi như thể họ chỉ đáp lại Chúa. Kiểm soát điều khiển là độc hại và cần được công nhận như vậy.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: thrivingmarriages.com)