Trung Hoa: Hudson Taylor

Share

“Hãy lệ thuộc vào điều nầy: Công việc của Đức Chúa Trời được thực hiện theo cách của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thiếu sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời” (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 121). Khi Hudson Taylor đã viết ra câu nầy, ông muốn nói về mọi nhu cầu mà chúng ta cần — như tiền bạc, sức khỏe, đức tin và sức lực. Đó là lời cầu nguyện của tôi dành cho bài viết nầy: tôi mong chúng ta sẽ thấy và kinh nghiệm được những điều mới mẻ cho đời sống mình — thêm đức tin, thêm vui mừng, thêm bình an, thêm yêu thương, và tất cả tiền bạc mà chúng ta cần để làm theo ý muốn của Ngài (cũng có thể chẳng cần đến tiền bạc đâu).

Tất cả đều là vì sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ, như Taylor đã nói rất hay là: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:19). Chính vì thế mà tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ dự phần vào một cuộc liều lĩnh nào đó, ao ước phát triển một mục vụ nào đó, vượt xa tất cả những bất toàn mà chúng ta đã biết và dè chừng, vì sự vinh hiển của Đấng Christ.

Sự cải đạo và được kêu gọi đến Trung Hoa

Hudson Taylor sinh ngày 21 tháng 5 năm 1832, tại Barnsley, nước Anh, trong một gia đình thuộc hệ phái Giám lý rất tin kính. Lúc mười bảy tuổi, ông đã được cải đạo một cách ngoạn mục nhờ vào rất nhiều lời cầu nguyện của mẹ mình. Bốn năm sau, vào ngày 19 tháng 9 năm 1853, Taylor đã giương buồm đến Trung Hoa cùng với Hội Truyền giáo Trung Hoa. Ông không được đào tạo bài bản về thần học hoặc truyền giáo. Ông đặt chân đến thành phố Thượng Hải trong vòng năm tháng rưỡi sau đó.

Ông đã học tiếng địa phương rất nhanh, trong vòng hai năm ở Trung Hoa, ông đã tham gia vào mười chuyến truyền giáo mở rộng vào trong khu vực nội địa. Sau đó, ngày 20 tháng 1 năm 1858, khi ông đã sinh sống ở Trung Hoa được năm năm, Taylor đã kết hôn với một nữ giáo sĩ khác là Maria Dyer. Họ kết hôn với nhau được mười hai năm. Trước khi Maria qua đời lúc ba mươi ba tuổi, bà đã sinh tám người con. Ba đứa chết lúc mới sanh và hai đứa chết khi còn nhỏ, những đứa khác còn sống đều trở thành giáo sĩ cho tổ chức truyền giáo mà cha của chúng đã thành lập, gọi là Hội Truyền giáo Trung Hoa Lục địa.

Giây phút quyết định

Năm năm sau đó, sau khi Taylor bắt đầu thành lập hội truyền giáo riêng của mình — Hội Truyền giáo Trung Hoa Lục địa — và trong lúc sự chán nản kéo dài cùng với nhiều cám dỗ và thất bại về sự thánh khiết, một kinh nghiệm quan trọng đã xảy ra. Hãy để ý những gì ông đã trải qua cho đến khi có sự thay đổi lớn trong đời sống. Ông đã viết thư cho mẹ của mình như sau:

[Con cần sự cầu thay của mẹ] chưa từng là nhu cầu lớn như hiện nay. Bị người khác đố kỵ, bị nhiều người khinh chê, bị người ta ghét bỏ, thường bị lên án vì những điều con không biết hoặc là chẳng có liên quan gì cả, nhiều quy định mới trong đời sống giáo sĩ được thêm vào, một kẻ thù đến từ các tà giáo ngoại đạo và mê tín, làm việc mà không có những tiền lệ trong nhiều lĩnh vực và chỉ có vài người giúp đỡ có kinh nghiệm, cơ thể thường mắc bệnh cũng như tâm trí rối bời và bị rơi vào những hoàn cảnh lúng túng — không phải Chúa đã ban ơn đặc biệt cho con sao, không phải tâm trí của con đã quyết tin rằng công tác nầy thuộc về Ngài và chính Chúa đang ở với con sao . . . Con chắc sẽ ngã lòng hoặc suy sụp quá! Nhưng cuộc chiến nầy thuộc về Chúa, Ngài sẽ chiến thắng. (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 140–41)

Mọi thứ đã được chuẩn bị cho cơn khủng hoảng đã xảy ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1869 ở Chiết Giang. Những gì đã xảy ra vào hôm đó không hề vô ích. Ba mươi năm sau ông đã nhìn lại để dâng lời cảm tạ vì trải nghiệm ngọt ngào ấy:

Chúng tôi không sao quên được phước hạnh đã nhận được qua mấy lời ở trong Giăng 4:14 chép rằng: “uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa” gần ba mươi năm trước. Khi chúng tôi nhận biết rằng: Đấng Christ đã phán thì chắc chắn sẽ xảy ra — từ “sẽ” nghĩa là sẽ, còn “chẳng hề” nghĩa là chẳng hề, và “khát” nghĩa là khát — lòng chúng tôi rất vui khi đón nhận ơn Chúa ban. Chúng tôi ngồi xuống trong tình trạng khao khát, nhưng lại rất vui khi được uống dòng nước ấy, ngợi khen Chúa vì những ngày khô hạn đã qua rồi và qua đi mãi mãi! (Sự chia ly và sự nhóm lại, trang 46)

Chúng ta phải cẩn trọng không nên tỏ thái độ chế nhạo ở chỗ nầy. Taylor không phải là người non nớt. Ông đang nói về trải nghiệm cách đây ba mươi năm mà ông đã vật lộn với thời điểm sa sút của mình. “Những ngày khô hạn đã qua rồi” không có nghĩa là ông không hề khao khát Chúa Jêsus nữa. Chúng ta sẽ trở lại tìm hiểu ý nghĩa chỗ nầy sau. Nhưng bây giờ thì chúng ta nên để ý kỹ hơn, giống như người viết tiểu sử của ông đã nói, cuộc đời ông “được biến cải” kể từ đây. (Sự hình thành Trung Hoa hiện đại, Tập 2, trang 109)

Được duy trì nhờ hiệp một với Đấng Christ

Cũng vừa đúng lúc. Năm 1870 là một năm đầy khó khăn ở trong cuộc đời của ông. Con trai của ông là Samuel đã qua đời vào tháng Giêng. Sau đó vào tháng 7, Maria sinh một con trai tên là Noel cũng qua đời hai tuần sau đó. Nỗi buồn của Hudson càng tăng thêm vào ngày 23 tháng 7, Maria qua đời vì mắc dịch tả. Bà được ba mươi ba tuổi, bỏ lại Hudson ba mươi tám tuổi cùng với bốn đứa con.

“Vào năm 1900, có một trăm ngàn Cơ Đốc nhân ở Trung Hoa, ngày hôm nay có đến khoảng 150 triệu Cơ Đốc nhân”.

Dường như Đức Chúa Trời đã ban cho Taylor một sự thỏa mãn bất thường ở trong Đấng Christ, khác với trải nghiệm ngắn ngủi của sự cải đạo, mà là một cách để sống còn và vượt qua tình trạng buồn thảm đang ùa đến ngay lập tức.

Một năm sau đó, Taylor đã giương buồm trở về Anh Quốc. Khi còn ở đó, vào ngày 28 tháng 11 năm 1871, ông đã kết hôn với một phụ nữ mà ông đã sống đến gần cuối đời, là Jennie Faulding. Họ kết hôn được ba mươi năm cho đến khi bà qua đời vào năm 1904, đúng một năm trước khi ông qua đời.

Vào tháng 2 năm 1905, Taylor đã giương buồm đến Trung Hoa lần cuối cùng. Sau khi thực hiện một chuyến truyền giáo ở nhiều nơi, ông đã qua đời vào ngày 3 tháng 6 ở Changsha, Hunan, hưởng thọ được bảy mươi ba tuổi. Năm 2015 đã đánh dấu kỷ niệm lần thứ 150 ngày Taylor đã sáng lập Hội truyền giáo. Vào năm 1900, có một trăm ngàn Cơ Đốc nhân ở Trung Hoa, ngày nay có khoảng 150 triệu Cơ Đốc nhân. Sự tăng trưởng nầy là việc Chúa làm: người trồng, kẻ tưới, còn Đức Chúa Trời làm cho lớn lên (1 Cô-rinh-tô 3:6). Tuy vậy, đó cũng là bông trái từ sự trung tín. Taylor đã chịu khó nhiều hơn ai hết. Sự khó nhọc ấy được duy trì bằng sự hiệp một với Đấng Christ. Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu xem sự hiệp một có ý nghĩa thế nào đối với Taylor.

Cái vảy mắt

Ngày 4 tháng 9 năm 1869, khi ông được ba mươi bảy tuổi, Taylor tìm thấy một lá thư ở Chiết Giang từ John McCarthy. Đức Chúa Trời đã dùng lá thư ấy để làm đảo lộn cuộc đời của Taylor. “Khi linh hồn tôi đau đớn tột cùng, thì một câu trong bức thư từ McCarthy đã lấy cái vảy ra khỏi mắt tôi, còn Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã bày tỏ với tôi lẽ thật về sự hiệp một với Chúa Jêsus mà tôi chưa hề biết bao giờ” (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 149).

Lời cầu nguyện ở trong Ê-phê-sô 1:18 được đáp lời một cách kỳ diệu: “lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết . . .” Taylor nói rằng: “Khi đọc, tôi đã thấy tất cả! . . . Tôi nhìn Chúa Jêsus và thấy (và khi tôi đã thấy rồi thì niềm vui dâng trào!) rằng Chúa phán: ‘Ta sẽ không lìa bỏ ngươi’”.

Tôi không chỉ thấy Chúa Jêsus sẽ không lìa bỏ tôi, mà tôi còn là một chi thể trong thân thể bằng xương bằng thịt của Ngài nữa. Cây nho không hẳn chỉ có gốc nho, mà bao gồm tất cả — gốc cây, thân cây, nhánh cây, cành cây, lá cây, bông hoa, trái cây. Chúa Jêsus không chỉ là gốc nho — Ngài là đất và ánh nắng mặt trời, là không khí và vòi sen, và gấp mười ngàn lần hơn những gì chúng ta tưởng, mong ước, hoặc cần. Ôi! Thật vui khi thấy lẽ thật nầy! (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 149–50)

Taylor đã nhìn thấy một sự mặc khải mạnh mẽ về sự hiệp một với Chúa Jêsus không thể diễn đạt thành lời, một trạng thái yên ninh, ngọt ngào và quyền năng thật tuyệt đối và vinh hiển, mà lại rất hiệu quả. “Làm thế nào để được thêm vững tin? Không phải nỗ lực bằng sức riêng sau khi đã tin, mà bằng cách yên nghỉ nơi Đấng thành tín” (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 149).

Nghỉ ngơi nhiều thập kỷ ở trong Chúa Jêsus

Bây giờ, ai cũng biết Taylor bị ảnh hưởng nhiều bởi Phong trào Keswick và quan điểm của họ về sự nên thánh, mà đây lại là một phong trào có những kẻ giải thích rất tệ, tức là sai trật đến nghiêm trọng. Kết luận của tôi về Taylor không phải là một trong những kẻ giải thích rất tệ ấy đâu, ông được bảo vệ khỏi những sai trật tệ hại của Keswick nhờ vào sự trung thành của ông với Kinh Thánh, sự chịu khổ và những đau đớn kéo dài cả đời của ông, và đức tin của ông nơi quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

“Taylor đã chịu khó nhiều hơn ai hết. Sự khó nhọc của ông được duy trì bởi sự hiệp một với Đấng Christ”.

Trước hết, Taylor đắm chìm trong Kinh Thánh, và ông giải thích mọi trải nghiệm của mình bằng sự uốn nắn của Kinh Thánh. Điều nầy có nghĩa là đời sống bước đi bằng đức tin của ông không hề bị động như cách ông mô tả.

Nhiều năm trôi qua, Taylor đã chỉnh đốn lại ngôn ngữ của mình, nhưng ông không đánh mất sự hiệp một tuyệt vời với cây nho. Cuộc đời của ông vang vọng lời khẳng định rằng Đức Chúa Trời sử dụng nhiều phương tiện để giữ gìn, đào sâu, và gia thêm trải nghiệm hiệp một của chúng ta với Đấng Christ. Taylor nói rằng: “Sự thông công với Đấng Christ đòi hỏi chúng ta phải đến cùng Ngài. Suy gẫm về cuộc đời và việc làm của Ngài đòi hỏi chúng ta phải chăm chỉ sử dụng những phương tiện của ân điển, và đặc biệt nhất là đọc Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện. Nhiều người thất bại trong việc tuân giữ lấy những điều trên bởi vì họ quen với việc nhịn đói hơn là ăn uống” (Những câu nói bất hủ của Hudson Taylor, trang 2). Thói quen mới của Taylor là đi ngủ sớm và dậy sớm lúc năm giờ sáng “để có thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện (thường là hai tiếng đồng hồ) trước khi một ngày làm việc bắt đầu” (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 145).

Lý do thứ hai vì sao kinh nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời của Taylor còn lại lâu dài, đó là ông đã coi sự chịu khổ là đường lối của Đức Chúa Trời để làm sâu sắc hơn và ngọt ngào hơn sự hiệp một của ông với Đấng Christ.

Người trồng nho làm nhiều thứ để chăm sóc cho nhánh nho. Nhưng một việc mà Chúa Jêsus nhấn mạnh trong Giăng 15, đó là quá trình tỉa sửa. Mục tiêu của việc làm nầy là để bảo quản, làm gia tăng và giúp nhánh cây thật kết quả ở trong sự hiệp một với cây nho. Taylor nói rằng:

Chỉ trong lò thử thách của ân điển Đức Chúa Trời chúng ta mới thấy được sự đẹp đẽ và quyền năng. Vì thế, tất cả những thử thách về tính tình, hoàn cảnh, sự xúi giục, bệnh tật, thất vọng, mất mát sẽ đánh bóng thêm cho mặt gương, và giúp chúng ta phản chiếu trọn vẹn và hoàn hảo hơn sự vinh hiển và phước hạnh của Chúa chúng ta. (Ngày tháng phước hạnh ở Trung Hoa Lục Địa, trang 61)

Cuối cùng, trải nghiệm ngọt ngào của ông trong sự hiệp một với Đấng Christ còn lại lâu dài vì ông đã đón nhận sự tốt lành tuyệt đối và quyền tể trị của Đức Chúa Trời ở trên sự chịu khổ và sự hiệp một của ông với Đấng Christ. Khi ông được năm mươi hai tuổi phải nằm liệt giường và bị lãng quên, ông đã viết như sau: “Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị đời đời, Chúa có quyền làm theo ý Ngài lấy làm đẹp lòng, Chúa có thể không cần giải thích với chúng ta hàng ngàn thắc mắc về cách đối xử của Ngài đối với chúng ta” (Không chết vì sự chết, trang 8).

Nói cách khác, người trồng nho có thể dùng bất kỳ cách nào và bất kỳ ai mà Ngài muốn để tỉa sửa nhánh nho mà Ngài yêu (Giăng 15:1-2).

Được thỏa mãn bởi sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời

Trong khi sự dạy dỗ của Keswick trong nhiều trường hợp đã quá nhấn mạnh tính thụ động của việc đeo đuổi sự thánh khiết và đã nhấn mạnh quá đáng về sự nên thánh như là phương cách để đạt đến “cuộc sống cao hơn”, thì cuộc đời của Taylor làm chứng rằng chúng ta có thể sống bình an, vui mừng, và kết quả nhiều nhất trong hoạn nạn.

“Cuộc đời của Taylor làm chứng rằng chúng ta có thể sống bình an, vui mừng và kết quả nhiều nhất trong hoạn nạn”.

Cho dù Đức Chúa Trời cho phép một sự cố nào đó xảy ra ảnh hưởng cả cuộc đời của chúng ta, giống như Ngài đã làm với Hudson Taylor, hoặc là đào sâu một vấn đề nào đó nhiều hơn, thì chúng ta đừng bỏ cuộc cho đến khi kinh nghiệm được những gì sứ đồ Phao-lô đã trải qua trong Phi-líp 4 và những gì ông đã cầu nguyện trong Ê-phê-sô 3:19 là: “hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời”. Đừng bỏ cuộc trong việc đeo đuổi sự đầy dẫy nầy.

Nếu Hudson Taylor còn sống thì ông sẽ nói: “Điều ấy thuộc về chúng ta là những kẻ ở trong Đấng Christ. Hãy sở hữu. Hãy tận hưởng. Ai biết được Đức Chúa Trời có thể hình thành một mục vụ qua chính cuộc đời của chúng ta để còn lại đến 150 năm thì sao!”

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan