Vinh Dự Của Ca-bê-na-um; Người Bại Được Lành Mác 2:1-12

Share

Phân đoạn này cho thấy Chúa của chúng ta ở Ca-bê-na-um thêm lần nữa. Một lần nữa, Chúng ta lại thấy Chúa làm việc lạ lùng, rao giảng Lời Chúa và chữa lành kẻ bệnh.

Vinh dự thuộc linh và dân sự chẳng biết làm gì cả

   Chúng ta thấy trong mấy câu này là dân sự được chứng kiến những việc thuộc linh rất lạ lùng mà chẳng làm gì cả.

   Đây là một sự thật được lịch sử ở Ca-bê-na-um minh họa rõ ràng. Dường như không có thành phố nào ở Palestine được Chúa thăm viếng trong suốt chức vụ trên đất của Ngài nhiều như thành phố này. Đó là nơi Chúa đã ở lại sau khi Ngài rời khỏi thành Na-xa-rét (Ma-thi-ơ 4:13). Đó là nơi Chúa làm nhiều phép lạ và chia sẻ nhiều bài giảng. Nhưng dường như chẳng có điều gì Chúa Jêsus phán hay làm cảm động tấm lòng của dân sự. Họ chen chúc nhau để nghe Ngài, như chúng ta thấy trong phân đoạn này, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống. Họ đã rất kinh ngạc. Họ đã lấy làm lạ về những việc quyền năng của Ngài. Nhưng họ không được cải đạo. Họ ở dưới ánh nắng chói chang giữa trưa của Mặt trời Công bình, nhưng lòng họ vẫn cứng cỏi.

   Họ đã bị Chúa lên án rất nặng nề là điều Ngài từng làm đối với một nơi nào đó, ngoại trừ thành Giê-ru-sa-lem – “Còn mầy, Ca-bê-na-um, là thành đã được cao tới trời, sẽ hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa mầy, đem làm trong thành Sô-đôm, thì thành ấy còn lại đến ngày nay. Vậy nên ta rao bảo rằng, đến ngày phán xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn mầy” (Ma-thi-ơ 11:23-24).

   Chúng ta nên quan sát kỹ trường hợp của thành Ca-bê-na-um này. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng cho rằng, ngoài rao giảng Phúc Âm thật mạnh mẽ ra, thì không cần phải làm gì nữa cả để cải đạo người khác, chúng ta còn cho rằng Phúc Âm đi tới đâu, thì người ta tin ngay tới đó. Chúng ta quên mất sức mạnh đáng gờm của sự vô tín, và loài người vẫn hằng thù địch với Đức Chúa Trời. Chúng ta quên mất rằng, dân sự ở Ca-bê-na-um đã nghe thấy một bài giảng hoàn hảo nhất, và nhìn thấy nhiều phép lạ sửng sốt cặp theo mà vẫn hư mất trong chính vi phạm và tội lỗi của họ. Chúng ta cần nhớ rằng, sứ điệp Phúc Âm làm cho vài người biết mùi của sự sống, nhưng khiến những kẻ khác biết mùi của sự chết, còn ngọn lửa làm mềm sáp đèn cầy cũng sẽ làm cứng đất sét.

   Trên thực tế, dường như không có gì làm cho tấm lòng con người chai đá bằng việc, thường xuyên nghe Phúc Âm mà vẫn ưa thích tội lỗi và thế gian hơn. Chưa hề có dân sự nào được ưu ái như thành Ca-bê-na-um, chưa hề có dân sự nào cứng cỏi như vậy. Chúng ta hãy cẩn thận đừng theo dấu chân họ. Chúng ta nên cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa nhân từ, xin cứu chúng con khỏi tấm lòng chai đá”.

Hoạn nạn có thể là phước hạnh cho linh hồn

   Điều thứ hai, chúng ta thấy trong mấy câu này rằng hoạn nạn là phước hạnh lớn cho linh hồn của loài người.

   Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, có một người bại được đưa đến cùng Chúa của chúng ta tại Ca-bê-na-um để được chữa lành. Bất lực và yếu đuối, bốn người bạn tốt đã khiêng người bại đang nằm trên giường và thả xuống ngay chỗ Chúa Jêsus đang rao giảng. Ngay lập tức, đối tượng mà người bại này khao khát gặp đã thành hiện thực. Bác sĩ Đại tài của linh hồn và thể xác đã thấy ông và nhanh chóng cứu chữa cho ông. Chúa đã phục hồi sức lực cho ông. Chúa đã tha thứ tội lỗi của ông chính là phước hạnh lớn hơn kìa! Nói tóm lại, người bại được đưa đi từ nhà mình sáng hôm đó – yếu đuối, dựa dẫm và suy sụp cả về thể xác lẫn linh hồn – đã trở về nhà của mình trong niềm hân hoan.

   Có ai nghi ngờ từ lúc đó cho đến cuối đời, người này sẽ cảm tạ Chúa vì mình đã bị bại liệt không? Nếu không mắc bại liệt, có lẽ ông đã sống và chết trong sự thiếu hiểu biết và không bao giờ nhìn thấy Đấng Christ. Nếu không mắc bại liệt, ông ấy có thể đã chăn bầy chiên của mình trên những ngọn đồi xanh mướt của xứ Ga-li-lê suốt cả cuộc đời, và không bao giờ được đem đến gần với Đấng Christ, cũng như không bao giờ nghe thấy mấy lời phước hạnh này: “Tội lỗi ngươi đã được tha”. Bệnh bại liệt thực sự là một phước hạnh. Đâu ai biết đó là khởi đầu của sự sống đời đời cho linh hồn của mình?

   Bao nhiêu người trong tất cả thời đại có thể làm chứng rằng, kinh nghiệm của người bại này cũng là của họ! Họ đã học được sự khôn ngoan từ hoạn nạn. Sự thương xót từ mất mát. Sự ích lợi từ tổn thất. Bệnh tật đã dẫn họ đến với Bác sĩ Đại tài của linh hồn, đưa họ đến với Kinh Thánh, đóng sầm thế gian, cho họ thấy sự dại dột của mình và dạy họ biết cầu nguyện. Hàng ngàn người có thể nói như Đa-vít rằng: tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa (Thi thiên 119:71).

   Chúng ta hãy coi chừng sự lằm bằm trong hoạn nạn. Chúng ta phải biết chắc rằng vác thập tự giá là cần thiết và mọi thử thách đều có lý do khôn ngoan. Bệnh tật và đau khổ là sứ điệp đầy ân điển từ Đức Chúa Trời, và nhằm để kêu gọi chúng ta đến gần Ngài hơn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta bài học qua từng đau khổ. Chúng ta phải thấy mình không từ chối điều Chúa phán truyền.

Quyền tha thứ tội lỗi như thầy tế lễ của Đấng Christ

   Thứ ba, trong mấy câu cuối này, chúng ta thấy được quyền tha thứ tội lỗi như thầy tế lễ của Đức Chúa Jêsus Christ.

   Chúng ta thấy Chúa phán cùng người bại rằng: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha”. Chúa phán mấy lời này với một ý nghĩa. Chúa biết tấm lòng của các thầy thông giáo đang ở xung quanh Ngài. Chúa có ý định cho họ thấy rằng, Ngài mới là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thật và có quyền tha thứ cho tội nhân, mặc dù lời tuyên bố như thế hiếm khi được nói ra. Nhưng Chúa đã phán rõ ràng với họ rằng, Ngài là Đấng có quyền phép: “Con người ở thế gian có quyền tha tội”. Khi phán rằng: “Tội lỗi ngươi đã được tha”, thì Chúa chỉ đang thi hành chức vụ chính đáng của Ngài.

   Chúng ta hãy xem xét thẩm quyền của Đấng có quyền tha tội lớn biết dường nào! Đây là điều không ai làm được ngoài Đức Chúa Trời. Thiên sứ trên trời, loài người dưới đất, Hội Thánh của giáo hội, người hầu việc Chúa thuộc hệ phái nào đi nữa, cũng không thể cất đi gánh nặng tội lỗi khỏi lương tâm của tội nhân, và cho họ được phục hòa với Đức Chúa Trời. Họ có thể chỉ ra nguyên nhân phạm tội. Họ có thể dõng dạc tuyên bố tội lỗi nào sẽ được Chúa tha thứ. Nhưng họ không có quyền tha thứ. Họ không thể cất hết tội lỗi. Đây là đặc quyền riêng của Đức Chúa Trời, và Ngài đã giao hết thẩm quyền này trong tay của Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.

   Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về phước hạnh lớn lao khi Chúa Jêsus là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của mình, và chúng ta biết phải đến cùng ai để được tha thứ tội lỗi! Chúng ta phải có một thầy tế lễ và một của lễ ở giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Lương tâm đòi hỏi một sự chuộc tội cho rất nhiều tội lỗi của chúng ta. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời làm điều tuyệt đối thiết yếu. Không có thầy tế lễ làm sự chuộc tội thì không có bình an cho linh hồn. Đức Chúa Jêsus Christ chính là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mà chúng ta cần, có quyền tha thứ tội lỗi, có lòng nhân từ và sẵn lòng cứu rỗi. Còn bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi xem mình đã biết Chúa Jêsus là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của mình chưa. Chúng ta đã biết Chúa chưa? Chúng ta đã tìm kiếm sự tha thứ chưa? Nếu chưa, chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi của mình.

   Mong rằng chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Đức Thánh Linh làm chứng trong tâm linh rằng, mình đã ngồi dưới chân của Chúa Jêsus và nghe thấy Chúa phán rằng: “Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha”.

 

(Nguồn:https://tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan