Tiếp theo bài viết “11 Dấu Hiệu Khô Cạn Và Kiệt Sức,” Mục sư Carey Nieuwhof sẻ chia về 12 bí quyết giúp ông phục hồi. Phục hồi ở đây không phải là trở lại tình trạng bình thường cũ trước khi ông bị khô kiệt vì nó sẽ đem ông quay trở lại với sự khô kiệt đó. Nhưng đó là phục hồi bằng một tình trạng “bình thường mới” với đời sống đầy trọn sự quân bình giữa nguồn vui, quan hệ, cảm hứng và năng lực mới trong một Đức Chúa Trời làm tươi mới lại mọi sự.
Tôi chưa bao giờ trải qua một điều sâu thẳm, hay nói trắng ra, một sự sợ hãi kinh khủng, như lần tôi bị khô kiệt vào năm 2006.
Khô cạn kiệt sức đem sự mệt mỏi và tối tăm, mà trước khi chưa bị rơi vào nó bạn kiểm soát được, đến chỗ bạn không thể kiểm soát được bất cứ điều gì.
Tôi thường được nghe các lãnh đạo thổ lộ cho tôi biết họ đang, ngay hiện tại, ở trong tình trạng khô cạn kiệt sức.
Có vẻ như là sự khô cạn, mất sức và bị tràn ngập đang trở thành những chứng bệnh trong đời sống và mục vụ lãnh đạo.
Nếu bạn đang chiến đấu với nó, tất cả những gì tôi có thể nói, là tôi hiểu nó, và tôi đang cố kéo bạn ra khỏi nó và cầu nguyện cho bạn.
Tôi đã sẻ chia một phần câu chuyện của tôi trên trang mạng với bài “11 Dấu Hiệu Khô Cạn Và Kiệt Sức.”
Chẩn đoán sự khô cạn kiệt sức là một điều. Nhưng bạn có thể làm gì để phục hồi?
Xin sẻ chia với bạn hành trình của tôi. Trong khi sự phục hồi của mỗi người sẽ khác nhau, có 12 chìa khóa, mà nhìn lại, đã làm nền tảng cho sự phục hồi của tôi.
Không Phải Là Một Sự Chữa Lành Ngay Tức Khắc
Tôi mất sáu tháng để chuyển được từ tình trạng “khủng hoảng” (20% bình thường) đến “hoạt động được” (khoảng 60%).
Mất một năm nữa để tăng từ 60% đến 80% mức bình thường’.
Thêm ba hay bốn năm nữa để sau cùng trở lại được 100% — như trường hợp của tôi. Trở nên một con người mới bình thường.
Trong tiến trình, tôi hoàn toàn phải tái tạo lại khuôn mẫu và nhịp điệu sinh hoạt để có thể phát triển một sự bình thường mới Tại sao? Bởi vì để phục hồi khỏi sự khô kiệt và bị tràn ngập, bạn cần phải có những khuôn mẫu tốt hơn, không phải chỉ một thái độ tốt hơn là đủ.
Tôi được hỏi nhiều lần những khuôn mẫu đó là gì. Tôi sẻ chia về chúng trên khóa học mà tôi dạy trên mạng, gọi là Người Lãnh Đạo Tạo Tác Động Cao (The High Impact Leader). Tôi sẽ cho bạn biết thêm về điều này ở phần cuối của bài này.
12 Bí Quyết Để Trở Lại Bình Thường Từ Tình Trạng Khô Cạn Kiệt Sức
Trong tiến trình phục hồi, dưới đây là 12 điều đã giúp tôi rất nhiều. Trong lúc tình cảnh của bạn có thể khác với tôi, tôi sẻ chia với hy vọng rằng chúng giúp ích cho bạn.
1. Tâm Sự Với Người Thân Thiết
Điều này rất khó, tôi nghĩ, cho hầu hết các lãnh đạo, đặc biệt các vị là người nam.
Tôi đoán là bạn sẽ chống lại việc này vì tự ái hay kiêu hãnh. Nhưng tự ái có lẽ lại là điều làm bạn khô cạn kiệt sức. Đừng quên điều này: Lòng hạ mình sẽ đem bạn ra khỏi chỗ mà lòng kiêu hãnh đặt bạn vào trong.
Hãy nuốt lấy lòng tự ái hay kiêu hãnh và tâm sự với ai đó là bạn đang có nan đề. Khó thật, nhưng đó là bước thứ nhất để tiến đến sự phục hồi. Khi bạn nhìn nhận điều này với người khác, bạn đang, sau cùng, đi đến chỗ tự nhận với chính mình.
2. Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ
Bạn không thể ‘làm’ sự phục hồi một mình. Thực sự là bạn không thể. Tôi đã đến với một người tư vấn được huấn luyện chuyên môn và có một nhóm bạn đồng hành với tôi trên con đường phục hồi.
Bạn cần nói chuyện với bác sĩ của mình và với một người tư vấn chuyên môn là Cơ Đốc Nhân. Bạn cũng cần nhiều người khác. Tôi có họ là những người cầu nguyện thay cho tôi.
Vợ tôi, Toni, là một “chỗ nương tựa” ngoại lệ và tốt không thể tưởng được.
Tôi không thể nào đi hành trình phục hồi mà không có những người này. Tôi là một người nam, và tôi có khuynh hướng tự giải quyết những nan đề của mình.
Nhưng nan đề này quá lớn với tôi, mặc dù nó không lớn hơn Chúa hay cộng đồng yêu thương và hỗ trợ mà Ngài ban cho tôi. Vậy thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tự lập là một ân tứ đến từ Chúa, nhưng cô lập là một đồ dùng của ma quỷ thù nghịch. Đừng để cho mình tự cô lập.
3. Hãy Nương Dựa Vào Những Người Bạn Thân Thiết.
Đúng là điều này có thể nằm trong điều 2 ở trên nhưng những người nam luôn quên nó. Các bạn thân thiết là những người mà bạn cần đến.
Các bạn nam à, chúng ta thường có khuynh hướng không có nhiều bạn và chúng ta cũng ít bộc lộ ra tâm sự bên trong. Đó là những lỗi lầm lớn. Hãy nương dựa vào những tình bạn.
Những người bạn đến nhà của tôi và cầu nguyện cho tôi. Họ gọi điện thoại cho tôi.
Một ngày nọ, một người bạn gọi đến và chỉ nói đơn giản, “Tôi biết là bạn không cảm hứng hôm nay, nhưng mặt trời sẽ mọc trở lại. Nó sẽ mọc lên.” Tôi không thể nói cho quí vị biết là những chữ này đã thật là ý nghĩa làm sao với tôi trong ngày đó. Các bạn thân thiết của bạn quan tâm đến bạn. Hãy nương dựa họ.
4. Luôn Nương Dựa Trong Chúa
Bởi vì Ngài có vẻ im lặng không có nghĩa là Ngài vắng mặt. Tôi đã không cảm nhận được về Chúa trong nhiều tháng. Ngay cả lúc đọc Kinh Thánh hay đang khi thờ phượng.
Nhưng tôi không cho phép tôi bỏ cuộc. Trong những giây phút quan trọng này bạn sẽ hoặc là ngã ra khỏi Chúa hay ngã vào trong Ngài. Hãy ngã vào trong, thật mạnh. Cho dù bạn cảm nhận như là không có gì.
Tôi đã làm như vậy, và thế rồi cảm nhận sự mật thiết với Chúa quay trở lại. Chỉ vì bạn không cảm nhận ra tình yêu của Chúa không có nghĩa là Ngài không yêu bạn. Cảm xúc của bạn sẽ tự nhiên nối kết theo sự vâng phục của bạn.
5. Nghỉ Ngơi
Tôi đã rất mệt mỏi về cả thân xác lẫn cảm xúc khi bị khô kiệt. Tôi ngủ 10 tiếng đồng hồ một ngày trong suốt 1 tháng, chưa kể thêm vào những giấc ngủ ngắn mỗi ngày.
Giấc ngủ là vàng bạc; Thiếu ngủ là mắc nợ. Và nợ cần phải trả cho hết.
Tôi đã trả nợ giấc ngủ trong tháng đó và tôi luôn luôn cố gắng bảo đảm là tôi không mắc nợ. Nếu mắc nợ ngủ trong một hay hay tuần, tôi phải ngủ nhiều hơn mức trả nợ.
Chúng ta được dựng nên để nghỉ ngơi, và nghỉ ngơi trong Chúa. Trong khi cá nhân tôi không có lấy những ngày nghỉ sa-bát hay nghỉ dưỡng bệnh (dù ban quản trị có đề nghị tôi), có một số người khác làm như vậy.
Trong giai đoạn phục hồi, tôi sợ thiếu nợ ngủ vì nó sẽ làm tôi không trở lại được bình thường. Thế là tôi xin nghỉ 3 tuần để ngủ, và sự nghỉ ngơi giúp tôi dần dần phục hồi lại.
6. Tìm Một Số Điều Nào Đó Để Tránh Sự Chú Tâm Vào Sự Đau Đớn Của Mình
Vấn đề với nỗi đau (ít nhất là nỗi đau của tôi) là khi chúng ta không làm gì thì chúng ta chỉ tập chú vào nỗi đau của mình.
Nỗi đau có đặc tính ích kỷ. Nó đòi hỏi tất cả mọi sự chú tâm của bạn trừ khi bạn quyết định không chú tâm đến nó.
Bị lệch hướng là một dụng cụ rất mạnh làm cho tâm trí bạn cứ nghĩ đến những chuyện khác với chuyện mà bạn muốn tập chú vào. Hãy xem một cuốn phim tốt. Ra ngoài thư giản và ăn tối. Chạy xe ra vùng ngoại thành. Dự một buổi họp mặt. Đi nghe hòa nhạc. Thật không dễ làm những điều này nhưng chúng thật ích lợi cho bạn.
Vào lúc mà tình trạng của tôi tồi tệ nhất, tôi cố gắng đến dự những buổi họp mặt. Mặc dù tôi không muốn nói chuyện với ai, có khi còn ‘núp’ sau vợ tôi (nàng thấp hơn tôi một cái đầu và nhẹ hơn tôi gần 45 ký). Nhưng ít nhất là tôi đã chịu đi ra ngoài.
Một tối nọ, chúng tôi tiếp đãi một buổi họp mặt ăn tối. Tôi rời khỏi bàn ăn sớm và khóc trong phòng ngủ của mình trong suốt thời giờ sau đó. Nhưng ít nhất là chúng tôi có buổi họp mặt. Nó giúp tâm trí tôi đi ra khỏi cái chu kỳ trầm cảm.
7. Làm Mọi Việc Bạn Có Thể Làm Được
Một lần nữa, bạn có thể cần có một kỳ nghỉ “sa-bát” dài. Còn tôi, tôi lấy 3 tuần nghỉ và sau đó trở lại làm việc. Trong tuần lễ làm việc đầu tiên, để viết 3 hàng chữ trong điện thư (email) tôi phải mất một khoảng thời gian rất dài, dài bằng với khoảng thời gian mà trước đây tôi có thể viết rất nhiều thứ trên trang mạng của tôi. Nhưng rõ ràng là tôi đang tập chú làm điều tôi có thể làm được.
Vào những ngày cuối tuần đầu tiên, tôi giảng. Những người biết rõ tôi ra sao trước đây đều nói với tôi, “Chúng tôi không biết là Mục sư đã bị tệ hại như thế nào nhưng Mục sư giảng tốt một cách lạ lùng.” Tôi biết rõ bên trong tôi đang cảm nhận gì (sự khô kiệt), nhưng thật là tốt khi mà tôi vẫn có thể hữu ích cho những người khác trong một vài sự làm việc nào đó.”
Với tôi, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là tôi khám phá ra là mình vẫn có thể làm được một vài điều nào đó.
Khi bạn bị khô kiệt, hãy tập trung vào điều bạn có thể làm, đừng tập chú vào điều bạn không thể làm được.
8. Đừng Làm Điều Gì Bất Thường Hay Dại Dột.
Hãy gạch đít điều này. Vì căn bệnh của tôi liên hệ đến tâm trí của tôi. Tôi bị cám dỗ làm đủ mọi chuyện mà chúng có thể phá hoại đời sống của tôi.
Tôi cảm thấy muốn bỏ đi sự kêu gọi của mình, trốn chạy khỏi mọi người và mọi sự mà tôi biết, ngay cả vợ và các con của tôi.
Vào lúc tệ hại nhất, những ý nghĩ chấm dứt mọi quan hệ vượt vào trong tâm trí tôi. Tôi thật tạ ơn Chúa là tôi đã không chịu phục theo những ý tưởng như vậy.
Mỗi ngày, tôi nói với chính mình: “Đừng làm chuyện gì dại dột hôm nay.” Và khi tôi không làm điều gì như vậy thì đó là lúc sự phục hồi đang diễn tiến. Tôi cảm ơn Chúa tôi đã không làm bất cứ chuyện gì bất thường hay vô trách nhiệm.
Khi bạn không ở trong tình trạng tốt đẹp nhất, tránh làm chuyện dại dột đã là một chiến thắng.
9. Hãy Tin Cậy Phó Thác Một Lần Nữa
Một trong những nhân tố làm cho tôi suy sụp là có một số mối quan hệ (không phải trong gia đình của tôi) mà trong đó sự tin cậy bị tan vỡ. Trong khi bị tổn thương và bi quan vào nhiều
thời điểm khác nhau, tôi đã làm một quyết định với ý thức rõ ràng – là tiếp tục tin cậy và phó
thác.
Điều kỳ diệu là có rất nhiều người đáng tin cậy và phó thác. Và Chúa luôn luôn là người như vậy. Tin cậy phó thác một lần nữa sau khi lòng tin bị tổn thương sẽ làm tươi mới và sống động trở lại lòng của bạn – và sau cùng đem lòng hy vọng trở lại.
10. Theo Dõi Chặt Chẽ Sự Quân Bình
Tôi thường tự cao về khả năng có thể chịu đựng đến mức làm việc lâu hơn và siêng năng hơn bất cứ ai khác. Tự cao như vậy không phải là điều tốt đâu.
Bây giờ tôi theo dõi chặt chẽ cảm xúc, sự nghỉ ngơi và sự quân bình về thời gian với người khác và thời gian một mình. Tôi có hơi quá chú tâm vào điều này. Bởi vì tôi không thể không làm như vậy được.
Tôi đã xây cho mình một thời khóa biểu vì nếu không có nó, bờ vực thẳm suy sụp đã dồn tôi vào một xó góc nguy hiểm.
Một thời khóa biểu thật quân bình là người bạn tốt nhất của người lãnh đạo. Càng có như vậy, bạn càng tiến triển tốt hơn.
11. Hãy Canh Chừng Để Thấy Ra Những Dấu Hiệu Cảnh Báo
Tôi ráo riết canh chừng 11 dấu hiệu khô cạn sa sút. Từng hồi từng lúc, tôi sẽ thấy một ít dấu hiệu cảnh báo đang len lỏi trở lại. Tôi sẻ chia với người chung quanh tôi ngay và khi tôi cảm nhận mình đang tiến đến bờ vực, tôi cầu nguyện và thực hiện những bước hành động sửa sai.
Đôi khi bạn có thể bị cảnh báo lầm. Một lần kia, trong 2 ngày liền tôi có ý nghĩ là tôi đang rơi vào một tình trạng khô kiệt nhẹ. Tôi cảnh báo mình ngay. Rốt cuộc, đó chỉ là sự bực mình của tôi về một vấn đề lãnh đạo làm sinh ra những triệu chứng này. Ngay sau khi tôi giải quyết vấn đề lãnh đạo đó, chỉ qua một đêm thì các triệu chứng biến mất.
Nhưng loại canh chừng này là trọng tâm cho sự giữ gìn diễn tiến phục hồi được tốt.
12. Phải Nhận Trách Nhiệm Cho Sức Khỏe Tâm Linh Của Chính Mình
Không một ai khác là người phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe của bạn. Bạn chính là người chịu trách nhiệm. Hãy cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tìm những tình bạn xây dựng đời sống, vận dụng năng lực, ăn uống đúng chế độ, làm việc, yêu thương cách sâu đậm.
Những điều này nuôi dưỡng tâm linh bạn. Nếu bạn không nhận trách nhiệm cho chính mình, sẽ không có ai nhận trách nhiệm này.
Tìm Được Sự Bình Thường “Mới” (mà tôi tình cờ khám phá ra)
Tôi mất gần 5 năm mới trở lại bình thường… nhưng tôi sớm nhận ra rằng đây là một sự bình thường “mới”. Lần này, tôi cần một sự “bình thường mới”
Lý do: Trở lại với cái bình thường cũ trước đây sẽ đem bạn trở lại với sự khô kiệt mà bạn đã bị.
Từ nhiều năm nay, tôi làm việc rất nhiều để thiết lập những nhịp điệu và mẫu sinh hoạt để duy trì đời sống của mình.
Trong quá trình đó, tôi tình cờ khám phá ra một số việc.
Những thói quen mới, nhịp điệu và mẫu sinh hoạt không chỉ giúp tôi thoát khỏi tình trạng khô kiệt, chúng cũng giúp tôi làm việc kết quả hơn và hữu hiệu hơn.
Tôi đã dùng những năm của khoảnh tuổi 30 để viết được một cuốn sách. Từ ngày ra khỏi tình trạng khô kiệt, tôi đã viết được ba cuốn và đang viết cuốn thứ tư.
Tôi bắt đầu đi thuyết giảng với các lãnh đạo, viết bài trên trang mạng này và hướng dẫn một chương trình nói chuyện trên mạng về mục vụ lãnh đạo, đang trong khi tôi đang phục vụ toàn thời gian. Và tôi vẫn có nhiều thời giờ cho gia đình và sự nghỉ dưỡng hay giải trí.
Quả là một chặng đường dài cho tôi, và tôi phải giữ lòng tin chắc rằng Chúa vẫn chưa ngừng điều Ngài muốn làm trên tôi. Mười một năm sau ngày khô kiệt, tôi hết sức cảm tạ Ngài. Hội thánh chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ và kết quả như hiện nay.
Tôi tận hưởng những gì tôi đang làm hơn trước. Những cơ hội trước mặt tôi chưa bao giờ lớn hơn như bây giờ.
Có bao nhiêu phần của những điều kỳ diệu này mà tôi có thể tưởng tượng ra được vào 11 năm trước đây? Phải nói là 0%. Nhưng tôi phải quyết không bỏ cuộc cho dù lúc đó chỉ thấy 0%. Trong những thời khắc và ngày mà tôi vẫn không cảm nhận được là có tốt lành, tôi quyết bám lấy hy vọng là mặt trời sẽ mọc trở lại. Và điều đó đã xảy ra.
Đó là câu chuyện của tôi.
Tôi cầu nguyện cho các bạn và hy vọng rằng những gì tôi viết ra ở đây có giúp ích một phần nào đó cho các bạn đang khi các bạn cảm thấy mình thất bại, tuyệt vọng hay (lầm) tin rằng mọi sự đã hết rồi!
Không phải như vậy đâu. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Hằng Sống. Ngài yêu thương các bạn. Câu chuyện của bạn là gì? Điều gì sẽ giúp bạn hay những ai là người mà các bạn yêu quí?
(Nguồn: How I Recovered From Burnout: 12 Keys to Finding Your New Normal, churchleaders.com)
Chuyển ngữ: Nguyễn Bình & Văn Bình (BBT)