Mùa Chay (Lenten Season) đã bắt đầu vào ngày thứ Tư 06 tháng 3 năm nay (bài viết vào năm 2019). Mùa Chay kéo dài trong vòng 40 ngày để người tin theo Chúa dành thì giờ đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, xét lòng, ăn năn, xưng tội với Chúa về những lầm lỗi của mình và hứa nguyện sống xứng đáng hơn cho Thiên quốc Chúa. Mùa Chay kết thúc vào ngày Lễ Mừng Chúa Phục Sinh – Đó là Chúa Nhật 21/04/19.
Nếu ghi lại tiểu sử của Chúa Giê-su thì Ngài sống thật là ngắn ngủi ở cõi thế. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Con, chịu hoài thai bởi Đức Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri để dẫn dắt con người trở lại cùng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha. Sự nhập thể (incarnation) của Chúa Giê-su là một sự mầu nhiệm do Ba Ngôi Đức Chúa Trời thực hiện để đưa con người hư mất trở lại trong mối liên hệ tâm linh đời đời với Ngài. Chúa sống ba mươi ba năm tại trần gian. Vì thương yêu nhân loại, Cứu Chúa Giê-su vui lòng lìa bỏ ngôi thiên đàng vĩnh phước, giáng thế làm người trong chuồng chiên máng cỏ tại làng Bết-lê-hem xứ Do Thái, hơn 2000 năm trước đây.
Trong suốt 3 năm thi hành chức vụ rao giảng Tin Lành, chữa lành tật bệnh, đuổi trừ tà ma, Chúa Giê-su đã tận tâm tận lực đưa dắt con người trở lại làm hòa cùng Ðức Chúa Trời. Nhưng tiếc thay con người, vì sự chai cứng lòng mình, vì tội lỗi che mờ chân lý sự sống, đã không tiếp nhận Ngài mà còn chán bỏ, khinh dễ, và chống lại với Ngài. Dầu Chúa Giê-su không hề có một tội nào, loài người vẫn tìm cách vu oan cho Ngài để đòi cho được đóng đinh Ngài trên cây thập giá.
Chúa Giê-su không những tình nguyện giáng thế làm người mà Ngài còn tình nguyện chết thế cho con người. Sứ mạng cứu chuộc tội lỗi nhân loại của Chúa Giê-su đã phải trả một giá thật đắt. Sứ mạng cứu chuộc đó phải trả bằng chính huyết báu của Ngài. Theo luật định của Ðức Chúa Trời đối với tội lỗi thì “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Giêrêmi 18:4). Theo luật pháp Môi-se, nếu không có sự đổ huyết thì không có sự tha thứ (Hêbơrơ 9:22).
Có 7 lời nói cuối cùng của Chúa Giê-su trên cây thập tự. Mỗi lời nói của Chúa Giê-su trên Thập Tự đều bày tỏ cảm xúc khác nhau của tình yêu Ngài. Lời của Ngài nói ra vẫn còn tác động đến con người ngày nay. Lời chót của một người trước khi chết thường cho người còn ở lại biết nhiều điều quan trọng. Nó quan trọng vì đó có thể là một lời nhắn nhủ, dặn dò, hay lời xưng tội những lỗi lầm, hoặc lời tuyên bố chiến thắng một công việc đã hoàn tất.
(1) Lời Bày Tỏ Tình Yêu Kẻ Thù.
Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.
— Lu-ca 23:34
Làm thế nào Chúa Giê-su có thể nói rằng những người này không biết họ đang làm điều gì? Trên một mức độ thì họ phải biết, nhưng họ thật sự không biết tính tàn ác của những gì họ đang làm—rằng họ đã giết Con Đức Chúa Trời.
Trong lời cầu xin Cha tha tội cho những người này là những người xây bỏ Ngài và là những người đang hành hình Ngài, thật sự Chúa Giê-su đang biện hộ cho họ, và bởi việc này Ngài chứng minh cách năng quyền rằng Ngài tin những gì Ngài dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:44). Ngày nay, Chúa muốn chúng ta nên yêu thương nhiều và tha thứ nhiều.
(2) Lời Bày Tỏ Tình Yêu Thương Tội Nhân.
Hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong Pa-ra-đi
— Lu-ca 23:43
Chúa Giê-su phán lời này với tên cướp bị đóng đinh bên cạnh Ngài biết ăn năn. Có một câu chuyện thật sau đây có liên quan đến những lời này. Một đôi vợ chồng ở Mễ-tây-cơ bị móc túi mất thẻ tín dụng, giấy tùy thân, và tiền mặt. Vài người bạn cùng với họ cầu nguyện xin cho họ vượt qua sự đau buồn vì bị trộm và những vật bị trộm có thể được tìm lại. Một tuần sau, đôi vợ chồng nhận được một phong thư lớn . Tất cả những vật có giá trị của họ nằm trong đó. Và một mảnh giấy viết: “Từ tên trộm ăn năn” Và có một bức tranh vẽ ba thập tự. Thập tự bên phải được khoanh tròn. Lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa Giê-su vẫn làm thay đổi con người ngày nay.
(3) Lời Bày Tỏ Tình Yêu Gia Đình Và Bạn Bè.
Đây là con ngươi! … Đây là mẹ ngươi!
— Giăng 19:26-27
Chúa Giê-su nói những lời này với mẹ Ngài và với Giăng, môn đồ thân tín nhất của Ngài, khi Ngài từ trên Thập Tự nhìn xuống họ.
Chúa Giê-su hiểu rằng có khoảng trống để lại trong họ sau khi Ngài về trời, và họ có thể giúp đỡ lẫn nhau để khỏa lấp khoảng trống ấy. Chúa Giê-su yêu họ rất nhiếu dù rằng trong khoảnh khắc thử thách nhất của Ngài, Ngài thấy những nhu cầu của những người Ngài yêu và làm điều cần thiết cho họ. Sau đó, Giăng chăm sóc bà Ma-ri như người mẹ ruột của mình và bà Ma-ri thương Giăng như con bà.
(4) Lời Bày Tỏ Ngài Cần Tình Yêu Của Chúng Ta.
Ta khát
— Giăng 19:28
Một câu chuyện kể về một trung tâm người khuyết tật được điều hành bởi Hội Từ Thiện Truyền Giáo Của Giáo Hội Công Giáo La-mã do bà Tê-rê-sa sáng lập, có một tấm biển lớn treo trên tường có chữ “Ta Khát”. Có người hỏi tại sao họ chọn những lời cuối cùng n ầy của Chúa Giê-su. Một trong những “sisters” giải thích “Tiếng kêu đó của Đấng Christ trở thành tiếng kêu của một chị em của chúng ta, ngay trước khi chị được đem lên thiên đàng.” Bà Tê-rê-sa nói, ‘Cái khát’ của Ngài không bao giờ chấm dứt. Đấng Tạo Hóa của muôn loài, cần tình yêu của tạo vật Ngài. Ngài trông chờ tình yêu của chúng ta cho nhân loại. Lời nói “Ta Khát” này có vang vọng đến tâm hồn của bạn hôm nay không?’”
(5) Lời Bày Tỏ Tình Yêu Cho Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?
— Ma-thi-ơ 27:46
“Điều khiến cho Chúa Giê-su đau đớn tột cùng trên Thập-tự-giá không phải là tội lỗi của chúng ta, vì Ngài biết rằng chúng ta sắp được tha thứ và được cứu. Điều làm cho tim Ngài bị tan vỡ là khi Ngài nghĩ đến việc Cha Ngài sẽ quây lưng lại với Ngài. Cám tạ Chúa, vì Chúa Giê-su trải qua việc này để chúng ta không bao giờ trải qua—không chỉ vì bị đóng đinh, không chỉ đau đớn trong thể xác, đau đớn trong tâm linh, nhưng Ngài cảm nhận rằng Đức Chúa Trời đã thật sự lìa bỏ Ngài . Ngài kêu lên “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi,’ sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Đức Chúa Trời đã lìa bỏ Ngài không? Vâng! Trong khoảnh khắc, vì Chúa Giê-su đã chết như cái chết của một tội nhân, không có Đức Chúa Trời.
“Chúa Giê-su gánh lấy tội lỗi của cả thế gian trong thân thể Ngài trên cây gỗ và những tội lỗi này làm phân cách chính Ngài với Cha (1 Phierơ 2:24). Ngài tình nguyện hiến chính mình Ngài trong vị thế chúng ta. Vâng, Chúa quá yêu chúng ta!”
(6) Lời Bày Tỏ Tình Yêu cho bạn và cho tôi.
Mọi việc đã hoàn tất!
— Giăng 19:30
Chúa Giê–su đã hoàn tất việc gì? Cùng buổi chiều mà Chúa Giê-su treo trên Thập-tự-giá đó, Chiên Con của Lễ Vượt Qua đã hy sinh. Giống như huyết của chiên con cứu dân Do-thái ra khỏi sự hủy diệt trong xứ Ê-díp-tô thể nào thì huyết Chúa Giê-su, Của Tế Lễ Vượt Qua Cao Trọng Nhất đã cứu chuộc chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết thể ấy.
Khi Chúa Giê-su chết trên cây Thập-tự, công việc Ngài đã hoàn thành, và sự cứu rỗi cho chúng ta đã được hoàn tất! “Mọi việc đã hoàn tất” là câu nói hoàn thành sứ mạng tình nguyện chuộc tội của Cứu Chúa Giê-su cho tất cả nhân loại. Lời nói “xong rồi” của Chúa Giê-su trên cây thập tự là tiếng kêu đắc thắng của một sứ mạng đã hoàn tất. Ðó là tiếng nói đắc thắng vì cái chết của Ngài không giống như cái chết của con người bình thường. Cái chết của Ngài là cái chết tình nguyện chuộc tội cho con người.
(7) Lời Bày Tỏ Phần Thưởng của Tình Yêu
Thưa Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha.
— Lu-ca 23:46
Đây là câu nói phó thác cho Đức Chúa Cha. Phúc Âm Giăng 17:4 chép: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. ”
Mỗi chúng ta cũng cần đến với Chúa trong tâm tình nầy: “Kính lạy Cứu Chúa Giê-su, xin giúp con phó thác đời sống mình cho Ngài và hết long làm vui lòng Ngài, như chính Ngài đã phó thác đời sống Ngài cho Đức Chúa Cha. Rồi ngày vui mừng sẽ đến khi chúng con mặt đối mặt với Ngài và nhận phần thưởng thiên đàng – sự sống đời đời trong tình yêu của Ngài và của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.” A-men.
Mục sư Lê Hồng Phúc
(Nguồn: vietchristian.com)