Chúng ta thường thực hiện những chuyến truyền giáo ngắn hạn theo những cách mà tôi cho là không hiệu quả thật sự.
Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng truyền giáo không phải là một mục vụ làm trong thời hạn một tuần lễ. Nó là một cam kết trọn đời của mỗi một Cơ đốc nhân.
Đó là lý do tại sao tôi không chú trọng đến kiểu truyền giáo ngắn hạn giống như là nhảy dù vào một chỗ nào đó để đem tin lành đến cho một nơi mà Chúa Giê-xu đang hiện diện làm việc. Trừ khi quý vị nói được tiếng và hiểu được văn hóa ở đó, những cố gắng chia sẻ tin lành sẽ chỉ là những kết quả tạm thời.
Để dễ hình dung, xin quý vị cứ tưởng tượng rằng có ai đó đang ở Mông Cổ, chỉ nói được tiếng Mông Cổ, đến xứ sở của quý vị và dùng chỉ 1 tuần lễ ở đó để cố gắng truyền thông một sứ điệp kêu gọi người nghe hãy thay đổi đời sống của họ.
Tôi cho rằng những chương trình ngắn hạn như vậy nên thực hiện với một thái độ học hỏi – tìm biết tấm lòng của Chúa cho đất nước đó và cho những người nghèo khó – và trở về với cái nhìn tìm kiếm cho chính mình một sự tươi mới của khải tượng hay hướng đi cho đời sống mỗi ngày.
Với cái nhìn như vậy, thay vì gọi là “Chuyến Truyền Giáo Ngắn Hạn” chúng ta có thể dùng những từ ngữ “Chuyến Đi Cho Khải Tượng,” “Chuyến Đi Trao Đổi Học Hỏi,” vv.
Mặc dù tôi có những lời phê bình như trên, tôi vẫn là người cổ vũ cho việc đem dân sự ra khỏi chỗ êm ấm và thoải mái, đưa họ đến nơi có một văn hóa khác và nối kết họ với những người nghèo và ngoài lề xã hội. Thực tế mà nói, tôi cho rằng đây mới là điều làm biến đổi đời sống.
Cho nên tôi muốn chia sẻ một kiểu mẫu cho những chuyến ngắn hạn mà chúng tôi đang phát triển với tổ chức Alongsiders International – Người Đồng Hành Quốc Tế vì nó đặt nền tảng trên những nguyên tắc có thể áp dụng ở bất cứ nơi nào. Và tôi hy vọng rằng điều này sẽ là một sự chúc phước cho quý vị cho dù quý vị đang phục vụ ở bất cứ nơi nào.
MÔ HÌNH TRAO ĐỔI HỌC HỎI
Nguyên Tắc #1: Xây Dựng Trên Nền Tảng Mục Vụ Địa Phương Đã Vững Chắc.
Điều này nghe có vẻ trái nghịch, nhưng tôi hy vọng quý vị sẽ đến với một mục vụ địa phương đang phát triển mạnh và nó không thật sự cần đến chương trình ngắn hạn của quý vị để có thể hoạt động mỗi ngày.
Những người địa phương phải được xem là trọng tâm của sự Chúa biến đổi trong bất kỳ mục vụ lành mạnh nào.
Hãy cẩn thận với những mục vụ quá lệ thuộc vào những người tình nguyện ngắn hạn đến từ bên ngoài. Sẽ khó mà duy trì và nuôi dưỡng được chúng. Hy vọng là tôi không quá đáng khi nói rằng những loại dự án này được thảo ra xoay quanh những nhóm phục vụ ngắn hạn vì những nhóm này đem đến tiền bạc hoặc các phương tiện.
Người mà tôi nói đến không phải là một người khách đến với lòng yêu thương những đứa trẻ nghèo khó trong một thời gian ngắn ngủi. Đây là một Cơ đốc nhân sống ở địa phương, cam kết đồng hành với người “chị em” của mình trong nhiều năm.
Với chương trình Người Đồng Hành ở Căm-bốt, chúng tôi xây dựng một phong trào môn đồ hóa hàng trăm Cơ đốc nhân người Căm-bốt trên khắp đất nước. Mỗi người sẽ đồng hành với một trẻ em trong dạng “nghèo khó và cô thế” như là một “người em trai/ em gái nhỏ” ngay trong làng xóm hay khu phố tồi tàn của cộng đồng địa phương. Đây là một phong trào dùng những người trẻ địa phương để biến đổi chính cộng đồng của họ.
Mục vụ này chỉ là giữa hai người, không có điều gì trong phong trào Đồng Hành mà dựa vào người bên ngoài, và chúng tôi không cần nhân sự từ ngoài đến để vui chơi, sinh hoạt hay dạy các em. Chúng tôi huấn luyện người địa phương làm điều này. Và họ làm rất là tốt.
Nguyên Tắc #2: Đến Với Ý Thức Kỹ Năng Sử Dụng Hiệu Quả.
Bây giờ, giả sử là những nền tảng của mục vụ đã được lập nên và xây dựng bởi những người địa phương, và quý vị có thể sẽ cần người từ bên ngoài đến với những kỹ năng giúp làm vững mạnh những công vụ đang được thực hiện.
Nhưng cần chú ý là chúng ta có thể làm xáo trộn sự hợp lý. Chúng ta tuyển mộ những người quản lý ngân hàng đến để sơn cô nhi viện? Chúng ta đem những thầy giáo đi đào mương? Dùng những nhà thiết kế đồ họa xây nhà tranh? Và để cho nha sĩ giảng?
Tất cả những điều này đều có thể được làm thật tốt hơn bởi những người địa phương là những người biết tiếng nói địa phương, biết những cách làm thành thạo hơn và thẳng thắn mà nói là “được việc” hơn. Cùng lúc đó chúng ta đánh mất một cơ hội rất lớn cho những người tình nguyện ngắn hạn khám phá về nghiệp vụ mà Chúa ban cho họ trong bối cảnh toàn cầu – và những cơ hội mà khám phá đó có thể tác động lên cách họ sẽ phục vụ ở quê nhà của họ. Chúng ta đánh mất những hệ quả lâu dài mà chuyến đi ngắn hạn có thể tạo ra.
Thí dụ, một cặp vợ chồng làm việc tại một trại ở New Zealand (dùng cho các trường học hay nhóm đoàn thể đến ở sinh hoạt), đã đến trong 4 tháng để giúp chúng tôi dựng nên một khu trại Đồng Hành, ở Thung Lũng Shalom, Căm-bốt. Họ đem đến những nghiệp vụ chuyên môn rất hữu ích cho chúng tôi, và khi về nhà họ hy vọng sẽ giúp phát triển trại của họ có thêm những sắc thái, hình ảnh toàn cầu và kết nối với trại của chúng tôi.
Đó là hình ảnh diễn tả về kết quả có được khi người ta phục vụ bằng nghề nghiệp, lòng nóng cháy và kỹ năng – trong một chương trình ngắn hạn, nhưng với một khải tượng lâu dài.
Nguyên Tắc #3: Cam Kết Cho Sự Xây Dựng Lẫn Nhau.
Nguyên tắc thứ ba nhấn mạnh về những Trao Đổi Học Hỏi này là sự xây dựng lẫn nhau – cả chủ và khách đều học và dạy cho nhau.
Khi quý vị đến với những ý định tốt để chúc phước, hãy nhận ra rằng quý vị thường đến một nơi mà dân địa phương đã từng có một quá trình lịch sử bị thực dân xâm chiếm hay ngoại bang áp bức. Lịch sử này để lại những vết sẹo – những cảm xúc đau đớn và vô giá trị. Điều này đặc biệt đúng với những người nghèo khổ và ngoài lề xã hội.
Khi chúng ta cứ có một dòng chảy những người huấn luyện từ bên ngoài tuôn đến, là những người không sẵn lòng học biết, chúng ta đang gửi đến người địa phương một sứ điệp nói rằng họ chẳng có gì để đóng góp. Chúng ta làm mạnh thêm mặc cảm tự ti của họ, trong khi (vô tình hay cố ý) đề cao chúng ta bằng những vị trí chuyên gia cấp cao.
Vì cách chúng ta tạo khuôn mẫu cho những trao đổi học hỏi chung với chương trình Những Người Đồng Hành sẽ là như sau:
Nhóm đến thăm được tổ chức xoay quanh một kỹ năng hay mong muốn học hỏi chung. Mọi người tham gia sẽ có một điều gì đó để đóng góp. Họ có thể là một nhóm doanh nhân, người làm vườn chuyên nghiệp, đan giỏ hay làm đèn cầy. Thành thật mà nói, họ có thể là bất cứ nhóm người nào. Xây dựng lẫn nhau có nghĩa là chúng ta có một điều gì đó để cống hiến – một vài điều để dạy và một vài điều khác để học hỏi, và cùng nhau vui thích với chương trình đó.
Sau đó chúng tôi tập hợp lại những người trẻ từ phong trào Người Đồng Hành, là những người có quan tâm đến việc phát triển kỹ năng của họ trong những lãnh vực đó. Có thể họ là những người muốn trở nên doanh gia, hay đan giỏ. Họ cũng có thể đã sẵn là những chuyên gia.
Hai đội này sẽ đến với nhau ở Thung Lũng Bình An (một trại huấn luyện) để dự một chương trình nghỉ dưỡng và sẽ thay phiên nhau để dạy và học lẫn nhau. Đội đến thăm dạy một số điều, và đội trẻ Người Đồng hành dạy một số điều.
Thí dụ, khi một đội hướng dẫn thờ phượng và âm nhạc từ một Hội thánh Singapore đến, chúng tôi tổ chức một kỳ trại chung với tất cả những bạn trong Người Đồng Hành muốn phát triển kỹ năng âm nhạc và thờ phượng.
Các tín hữu Singapore dạy về những mặt khác nhau của sự thờ phượng, và các bạn trẻ Người Đồng Hành dạy họ về múa truyền thống Khmer. Cả hai nhóm đều có cơ hội đóng góp chuyên môn của mình cũng như học hỏi nhóm đối tác. Vào buổi tối họ cùng chia sẻ chương trình hòa nhạc thờ phượng trong tiếng Khmer và tiếng Anh. Đó là phần đúc kết của một trại chia sẻ chung.
Nguyên Tắc #4: Cam Kết Đi Sâu Vào Những Vấn Đề Công Lý.
Khi quý vị dấn thân với những người sống trong sự nghèo khổ, quý vị sẽ đến lúc đối diện với những với đề bất công. Đừng bỏ mất cơ hội để cho sự đối diện này tác động cách sâu xa trên quý vị.
Tôi nhận thấy là hầu hết các đội ngắn hạn đều được huấn luyện tốt về sự hiểu biết về vấn đề văn hóa khác biệt, tính năng động của đội, thái độ người hầu việc vv. Nhưng có một sự thiếu sót nghiêm trọng về học biết những ý nghĩa của tin lành như là “tin lành cho kẻ nghèo” (Lu-ca 4:18). Vâng, tôi đang đề nghị rằng chúng ta phải đọc cho những đội ngắn hạn về sự kiện Chúa Giê-xu lật đổ những bàn buôn bán trong đền thờ.
Với chúng ta là những người hầu như có đầy đủ những gì chúng ta cần, vương quốc Đức Chúa Trời giống như cái gì? (Lu-ca 1:53). Tại sao Giăng Báp-tít dạy hãy ăn năn bằng cách chia cho người nghèo một trong hai cái áo khoác của mình? (Lu-ca 3:11). Tại sao lần gặp gỡ Chúa Giê-xu đưa đến kết quả là Xa-chê cho đi hầu hết tài sản của ông? (Lu-ca 19:8 – khiến Ngài tuyên bố rằng “Hôm nay, sự cứu rỗi đã đến nhà này.”). Tất cả những điều này có ý nghĩa gì trong bối cảnh của một thế giới nghèo khổ?
Khi chúng tôi chào đón những đội ngắn hạn đến với Người Đồng Hành chúng tôi yêu cầu họ suy niệm với những vấn đề kể trên (thường là bằng cách học những chương đầu của Lu-ca), và chúng tôi chia sẻ những dạy dỗ của Kinh Thánh về các vấn đề công lý và sự nghèo khổ.
Những người dấn thân với những chủ đề này thường là những người sẽ nhìn ra những thay đổi lâu dài trong đời sống của họ, đặc biệt khi những người trong cùng đội tiếp tục gặp nhau hàng tháng để trao đổi với nhau về những thay đổi mà họ đang thực hiện.
Nguyên Tắc #5: Bảo Vệ Trẻ Em.
Sau cùng, một lời cảnh báo. Đội ngắn hạn của quý vị phải đặt ưu tiên cao cho vấn đề bảo vệ trẻ em. Phòng giữ trẻ em tránh mọi nguy hại.
Chuyến đến thăm phục vụ cô nhi viện dễ gặp tình huống này.
Quý vị sẽ kinh ngạc khi biết rằng nước Úc đã thông qua đạo luật giới hạn công dân Úc phục vụ tình nguyện tại các cô nhi viện – vì những lý do rất chính đáng.
(Những chuyến thăm cô nhi viện trong những dạng này có thể hại cho các trẻ em khi chúng dễ bị tiếp cận bởi những người đến thăm mà thường thì không thể thanh lọc được lý lịch hình sự của họ. Các nghiên cứu ngày nay cho biết có hơn 80% trẻ em trong cô nhi viện có một trong hai cha mẹ còn sống, là người có thể chăm sóc chúng nếu được hỗ trợ thích đáng)
Với Người Đồng Hành, chúng tôi yêu cầu tất cả những người phục vụ ngắn hạn phải được kiểm tra lý lịch – là điều thiết yếu đối với bất kỳ công việc nào với trẻ em.
Và hiện nay chúng tôi đã xây một trại phục vụ, ở đó tốt hơn cho chúng tôi để tập trung mọi người tham dự những chương trình huấn luyện này trong một môi trường an toàn. Chúng tôi rất thận trọng về việc cho phép những người ngắn hạn đến thăm hay ở trong những cộng đồng ổ chuột hay làng quê vì nó làm dấy lên những mong đợi không mang tính xây dựng giữa những người hàng xóm và tạo nên một tụ điểm không lành mạnh cho các trẻ em mà chúng tôi đang phục vụ. Những vấn đề đó có thể tránh được bằng cách tập trung lại ở một địa điểm trung lập, giống như là một trại, cách biệt hẳn với người dân trong vùng.
Văn Bình & Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)