CHƯƠNG 15
NHỮNG CỰC ĐOAN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NÓI TIẾNG LẠ
Các tín hữu được đầy dẫy Thánh Linh thường không nhận biết phạm vi hay giá trị đích thực của việc nói tiếng lạ. Trải qua nhiều năm, những sự lạm dụng tiếng lạ đã gây ra nhiều vấn đề trong Hội Thánh, cũng như cho những người bên ngoài Hội Thánh. Nhưng lỗi lầm về giáo lý nói tiếng lạ không hủy đi thực tại. Chúng ta phải bám lấy những gì Kinh Thánh nói.
Cực Đoan #1:
Đuổi Quỷ Bằng Tiếng Lạ
Chẳng hạn, bạn sẽ không thấy nơi nào trong Kinh Thánh ai đó đuổi quỷ bằng tiếng lạ. Một số người gọi việc này là dùng tiếng lạ làm cho ma quỷ “đau đớn”. Nhưng không có Kinh Thánh hỗ trợ cho lập luận này. Nào, cũng đừng quá máy móc ở chỗ là khi bạn cầu nguyện trong Thánh Linh, bạn có thể đuổi quỷ. Tuy nhiên, bạn nên sống theo nguyên tắc được trình bày trong Lời Chúa và không lập giáo lý từ kinh nghiệm cá nhân.
Vì không có câu Kinh Thánh nào hỗ trợ cho việc đuổi quỷ bằng tiếng lạ, bạn cần cẩn trọng về việc hình thành một giáo lý trên sự thực hành đó và tìm cách khích lệ người khác làm như vậy. Thánh Linh có thể ban cho họ sự xức dầu trong sự cầu nguyện để đuổi quỷ, nhưng có khi Ngài không ban gì cả.
Tôi không muốn làm điều gì mà không có bằng cớ của Kinh Thánh hỗ trợ, đặc biệt nếu không có một ví dụ nào trong Kinh Thánh. Khi chúng ta tách khỏi Lời Chúa, chúng ta đặt mình ở vị trí mà sa-tan có thể dẫn dụ chúng ta.
Hãy nhớ những gì Phao lô nói trong 1 Cô-rinh-tô 14:2 “Vì người nói tiếng lạ không phải nói với người …” Vậy thì người đó nói với ai? Kinh Thánh nói, “…Với Đức Chúa Trời.” Dĩ nhiên, tín hữu có thể nói với Chúa về những công việc của ma quỷ. Điều đó có thể là một phần của sự mầu nhiệm mà người đó nói với Chúa. Đây là vấn đề tôi nói đến: Phao lô nói ở đây rằng Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh ân tứ nói tiếng lạ làm phương tiện siêu nhiên để thông công với chính Ngài. Kinh Thánh không có đề cập việc đuổi quỷ trong tiếng lạ.
Chúng ta đã xác định rằng tiếng lạ chủ yếu là ân tứ để tĩnh nguyện, chứ không phải là vũ khí để chống trả ma quỷ. Tuy nhiên một số người đào sâu vào những gì mà họ gọi là “chiến trận thuộc linh” bằng tiếng lạ hay “tiếng lạ chiến trận”. Họ “chống trả ma quỷ” lớn tiếng trong tiếng lạ, đôi khi trong nhiều giờ.
Nhưng bạn sẽ không nhận thêm quyền năng đối với ma quỷ bằng cách la hét trong tiếng lạ. Uy quyền không đi kèm với việc la lớn tiếng. Ma quỷ cũng không sợ tiếng ồn. Chỉ nghe một số lọa nhạc của đời, bạn hiểu được chuyện này.
Tôi thường dùng ví dụ về một người cảnh sát đứng giữa góc đường điều khiển giao thông. Anh ta không cần phải la lớn tiếng. Anh ta chỉ đưa tay ra, và xe cộ sẽ dừng lại bởi vì sắc phục và phù hiệu của anh bảy tỏ rằng anh được ủy thác hay anh có thẩm quyền.
Điều duy nhất bạn làm là nói với ma quỷ, “Ngươi phải đi ngay. Ngươi phải chấm dứt ngay bây giờ trong Danh Chúa Jêsus.” Bạn không cần phải la hét. Ma quỷ nhìn nhận uy quyền.
Toàn bộ ý niệm đằng sau cái gọi là “tiếng lạ chiến trận” rằng bầu trời trên chúng ta đầy dẫy tà linh ma quỷ và bằng cách nào đó chúng ta phải chọc thủng chúng bằng tiếng lạ. Nhưng những tín hữu này dùng những phương pháp không đúng Kinh Thánh để cố làm công việc thuộc linh.
Hẳn nhiên là tôi tin có trận chiến thuộc linh, nhưng nó phải phù hợp với Lời Chúa. Lần nọ tôi hỏi một người lãnh đạo nhóm gọi là cầu nguyện “tiếng lạ chiến trận”, “Anh có câu Kinh Thánh nào hỗ trợ cho những việc anh làm không?”
Anh chỉ cung cấp cho tôi một câu Kinh Thánh. Anh nói, “Thì 1 Cô-rinh-tô 12:10 nói có các thứ tiếng lạ khác nhau.”
Từ câu Kinh Thánh đó, người này và các Cơ Đốc Nhân như anh ta khẳng định rằng có một loại tiếng lạ “chiến trận” để nói với ma quỷ. Nhưng câu Kinh Thánh đó không nói rằng nói các thứ tiếng khác nhau là nói với ma quỷ. Ngoài ra, Kinh Thánh nói, “…Để nhờ lời của hai hay ba người chứng mà vấn đề được xác lập” (Mat 18:16). Câu này (1Cô 12:10) là câu duy nhất mà vị này dùng để biện minh cho lập luận của anh ta.
Một số người có được một kinh nghiệm thuộc linh nào đó và khẳng định rằng mọi người phải có kinh nghiệm giống như họ và cho nó như một giáo lý của Kinh Thánh. Hậu quả là nhiều chuyện xảy ra giữa vòng Cơ Đốc Nhân đều là xác thịt. Và bạn có bao giò để ý những người bắt chước những biểu lộ thuộc linh của người khác hay lập một giáo lý trên sự biểu lộ nào đó điều thuộc về xác thịt. Và bạn có bao giờ để ý những người bắt chước những biểu lộ của người khác thì chính họ sẽ buông xuôi nhanh chóng.
Có khuynh hướng người ta sẽ rơi vào cực đoan khi dùng tiếng lạ chống trả ma quỷ. Trái lại, nếu người ta không cẩn trọng, họ lại rơi vào cực đoan khác và ngưng cầu nguyện tiếng lạ hoàn toàn hoặc ngưng không giúp đỡ theo cách Chúa muốn họ. Tôi sẽ nói cho bạn điều này – chúng ta hãy giữ quân bình thì sẽ được phước.
Cực Đoan #2: Cầu Nguyện Tiếng Lạ Lớn Tiếng Mang Lại Quyền Năng Nhiều Hơn
Những người khác có quan niệm rằng họ sẽ được Chúa nghe bởi vì họ la lớn tiếng khi họ cầu nguyện tiếng lạ. Nhưng những kinh nghiệm lớn lao nhất mà tôi có được trong Chúa xảy đến khi tôi cầu nguyện tiếng lạ cách im lặng, nói với mình và nói với Chúa.
Tôi nghe nhiều người nói với những người mới mẻ về việc cầu nguyện tiếng lạ, “Hãy la lớn lên thì Đức Chúa Trời mới nghe.” Vâng, nếu sự thật là Đức Chúa Trời chỉ nghe những lời cầu nguyện lớn tiếng thì người ta nên dùng mi-crô và mở to mỗi lần người đó cầu nguyện! Bạn thấy đó, tất cả chuyện này đều là xác thịt cả. Đức Chúa Trời nghe đức tin, chứ không nghe tiếng ồn! Và ngoài ra, Ngài cũng không nặng tại!
Đừng hiểu lầm tôi – điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cầu nguyện lớn tiếng khi bạn cầu nguyện. Nhưng nếu bạn cảm nhận được dẫn dắt để cầu nguyện lớn tiếng, bạn cần nhớ rằng Đức Chúa Trời không nghe bạn bởi vì bạn nói lớn tiếng.
Đây là một điều khác cần xem xét: Khi Chúa Jêsus dạy về sự cầu nguyện, Ngài phán, “Riêng phần con, khi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng đóng cửa lại, cầu nguyện với Cha con, là Đấng ở trong nơi kín đáo và Cha con, là Đấng thấy trong nơi kín đáo ấy, sẽ thưởng cho con” (xem Mat 6:6). Nhưng Chúa Jêsus không nói chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện trong phòng riêng. Ngài nói rằng chúng ta không nên cầu nguyện để người ta nghe. Chắc Chắn nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc cầu nguyện tiếng lạ. Chúng ta phải nói với chính mình và nói với Đức Chúa Trời tại Hội Thánh và tại các buổi nhóm đông người khác.
Cực Đoan #3: ‘Lời Cầu Nguyện Vật Lộn’ Trong Xác Thịt
Cách đây nhiều năm, rất nhiều người đổ xô dự các buổi nhóm mà người ta gọi là “buổi nhóm rên siết”. Không làm gì khác ngoại trừ nhóm nhau lại và cố gắng rên siết và quặn thắt trong xác thịt – không có sự xức dầu nào cho việc làm này cả.
Nếu Đức Chúa Trời muốn sản sinh ra một sự vận hành của Thánh Linh qua lời cầu nguyện của dân sự Ngài, Hội Thánh sẽ biết điều đó. Thánh Linh sẽ kiểm soát người ta khi họ cầu nguyện tiếng lạ, và họ sẽ bước vào sự rên siết trong sự cầu nguyện. Nhưng thật vô ích khi ai đó loan báo, “Tối nay chúng ta sẽ sản sinh ra một sự vận hành kế tiếp của Đức Chúa Trời, nào chúng ta hãy bắt đầu rên siết!”
Sự thật thì Thánh Linh giúp các tín hữu cầu nguyện bằng những lời rên siết không thể nói ra trong ngôn ngữ rõ ràng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể loan báo điều đó khi nào họ muốn, “Chúng ta sẽ có buổi nhóm rên siết bây giờ. Nào mọi người hãy rên siết.” Không, cách đó không mang lại kết quả gì. Thánh Linh phải kiểm soát các tín hữu khi họ cầu nguyện trong Thánh Linh; còn không thì những lời rên siết của họ cũng chỉ là sự phô trương của xác thịt mà thôi.
Chúng ta hãy xem những gì tiên tri Êsai nói về đề tài quặn thắt (chuyển bụng).
[bs-quote quote=”Ai đã nghe một việc như thế? Ai đã thấy những điều thế nầy? Có thể một đất nước nào được chuyển bụng sinh ra trong một ngày, hay một nước nào được sinh ra trong một lúc không? Thế mà Si-ôn vừa chuyển bụng đã sinh ra đàn con.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Ê-SAI 66:8″][/bs-quote]
Bạn thấy rằng các lời tiên tri Cựu Ước thường nhiều sự ứng dụng. Trước hết, có một nghĩa tự nhiên. Thứ hai, có những ứng dụng thuộc linh. Trong trường hợp này, câu 8 nói về cả nước Y-sơ-ra-ên được “sinh ra tức thì” trong những ngày cuối cùng. Tôi tin điều này đã xảy ra vào năm 1948 khi dân Y-sơ-ra-ên trở thành một quốc gia có chủ quyền.
Nhưng khi Kinh Thánh nói về Si-ôn, không nhất thiết là lúc nào cũng nói về dân Y-sơ-ra-ên. Chẳng hạn, trong đoạn sau, Đức Chúa Trời nói đến điều gì khi Ngài đề cập đến”Núi Siôn”?
[bs-quote quote=”Nhưng anh chị em đến gần núi Si-ôn, gần thành phố của Đức Chúa Trời hằng sống, gần Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ hội họp và Hội Thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, gần Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, gần tâm linh của những người công chính đã được toàn hảo.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”HÊ-BƠ-RƠ 12:22-23″][/bs-quote]
Để ý nhóm từ “Hội Thánh của những con đầu lòng.” Điều này nói đến chúng ta – Hội Thánh. Dưới thời Tân Ước chúng ta là Siôn!
Điều đó mở ra một cái nhìn mới về Ê-sai 66:8 nói, “…Thế mà Si-ôn vừa chuyển bụng đã sinh ra đàn con.” Khi Hội Thánh quặn thawsrt, Hội Thánh sẽ sinh ra những người con thuộc linh.
Tân Ước nói gì về sự quặn thắt? Phao lô đã nói một điều mà làm sáng tỏ hơn sự quặn thắt trong Thánh Linh.
[bs-quote quote=”Các con bé nhỏ của ta, vì các con mà ta lại chịu cơn đau chuyển bụng sinh một lần nữa cho đến khi Chúa Cứu Thế được thành hình trong các con.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”GALATI 4:19″][/bs-quote]
Lại là từ “quặn thắt” (chuyển bụng) nữa. Phao lô đang ám chỉ rằng ông quặn thắt trong sự cầu nguyện cho các tín hữu này khi ông dẫn họ đến với Chúa nhưng họ chưa tăng trưởng trong Chúa như đáng phải có. Kết quả là Phao lô nói ông tiếp tục quặn thắt trong sự cầu nguyện cho họ để họ có thể phát triển đầy trọn trong bước đường theo Chúa.
Sự quặn thắt Phao lô nói đến ở đây giống như cơn đau chuyển bụng của người phụ nữ sắp sanh nở. Trong tự nhiên, việc sanh nở ít ra là rất khó chịu cho người mẹ. Điều tương tự cũng xảy ra trong Thánh Linh khi Thánh Linh kiểm soát một người và ban cho người đó một sự xức dầu để quặn thắt và cầu thay cho những người hư mất.
Một người cầu thay là người thế chỗ người khác. Nên khi một tín hữu đứng tại lỗ hổng và bắt đầu quặn thắt trong sự cầu nguyện cho người hư mất, đôi khi họ cũng cảm thấy bị hư mất.
Tôi nhớ điều này xảy ra cho tôi vài lần, nhưng tôi sẽ chia sẻ một kinh nghiệm nổi bật nhất liên quan đến vấn đề này. Vào tháng 1 năm 1939, tôi đang tổ chức một buổi nhóm phấn hưng tại Hội Thánh Ngũ Tuần ở phía trung bắc Texas. Chúng tôi chỉ có một buổi nhóm tối, nhưng khoảng mười giờ sáng tại phòng khách tư thất Mục Sư, Mục Sư và vợ của ông cầu nguyện với tôi và vợ tôi cho các buổi nhóm sắp tới.
Vào buổi sáng nọ, tôi quỳ gối cạnh ghế trường kỷ và cầu nguyện thì thình lình một gánh nặng cầu thay đến trên tôi. Lúc này tôi chỉ mới vừa được báp-tem trong Thánh Linh 18 tháng, nên những việc của Thánh Linh rất mới mẻ đối với tôi. Không biết nên làm gì với gánh nặng này, tôi đầu phục sự xức dầu trực tiếp của Thánh Linh để rên siết và cầu nguyện trong tiếng lạ. Sâu xa trong lòng tôi, trong con người bề trong của tôi, tôi có cảm nhận là cũng bị lạc mất và là một tội nhân. Tôi biết cảm giác ấy như thế nào bởi vì tôi đã bị hư mất chỉ có vài năm trước đó mà thôi.
Tôi thấy mình kêu gào, “Hư mất rồi! Hư mất rồi! Hư mất rồi!” Dĩ nhiên, tôi biết tôi hiện không hư mất, nhưng tôi đang thế chỗ những người hư mất. Tôi cảm nhận như họ cảm nhận, và tôi đang quặn thắt cầu nguyện cho họ. “Tôi hư mất rồi! Hư mất rồi!” Tôi kêu gào khi tôi tiếp tục cầu nguyện tiếng lạ. Tôi không biết tôi đã cầu nguyện bao lâu theo cách đó bởi vì tôi được đem vào trong Thánh Linh, và thời gian không nghĩa lý gì trong lĩnh vực cầu nguyện. Tôi chỉ biết lần cầu nguyện này kéo dài một thời gian.
Tối hôm đó trong buổi nhóm Hội Thánh, tôi mới giảng được 15 phút khi ngay giữa bài giảng, quyền năng của Chúa giáng xuống. Mỗi tội nhân trong căn phòng này đều được cứu, và mỗi tín đồ sa ngã cũng tái dâng mình tối đó. Không một người nào bị sai sót cả. Đó là điều tôi đã cầu nguyện thay ngày hôm đó. Tôi đã cầu thay cho những người chưa được cứu.
Đây là điều chúng ta cần hiểu: Các Hội Thánh đã đưa ra đủ loại chương trình để chinh phục người hư mất. Nhưng nhiều khi tội nhân không được tái sanh bởi vì không có sự quặn thắt cưu mang trước đó. Dĩ nhiên, tội nhân có thể được tái sanh qua việc lắng nghe và tin Phúc Âm. Nhưng rất thường tội nhân chỉ kinh nghiệm sự tin Chúa ở lý trí, đại khái như, “Tôi tin Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Tôi tiếp nhận Chúa Jêsus.” Nhưng họ chỉ nói ở lý trí, sự dâng mình thật sự cho Chúa không xảy ra trong tâm linh họ.
Trải qua nhiều năm, tôi thấy được rằng vấn đề tin Chúa ở lý trí được giảm thiểu do mức độ cầu thay lớn lao mà Ê-sai 66:8 có nói đến: “Thế mà Si-ôn vừa chuyển bụng đã sinh ra đàn con.” Khi Thánh Linh kiểm soát để cầu thay trong Thánh Linh cho những người hư mất, bạn sẽ nhận một quyền năng lớn lao để sản sinh ra nhwuxng bông trái lâu dài cho Nước Đức Chúa Trời.
Hãy nhớ – chúng ta càng rập khuôn đời sống cầu nguyện chúng ta gần Lời Chúa chừng nào, chúng ta càng sẽ kinh nghiệm những kết quả lớn lao trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta chừng nấy.
Không có một con cái nào sinh ra trong một gia đình nếu không có sự chuyển bụng. Tương tự, không có một con cái nào sinh ra trong gia đình Chúa nếu không có sự quặn thắt thuộc linh. Nhưng bạn không thể tự tạo ra sự quặn thắt nếu không bởi sự giúp đỡ của Thánh Linh cũng như bạn không thể sinh con nếu bạn không mang thai. Trong cả hai trường hợp, bạn có thể rên siêt và quặn thắt bao nhiêu bạn muốn đi nữa thì cũng không có điều gì được sanh ra cả.
Lời Cầu Nguyện Được Xức Dầu
Dĩ nhiên, bạn có thể cầu nguyện và hát trong tiếng lạ bất cứ khi nào bạn muốn, thông công với Chúa khi bạn thông công những sự mầu nhiệm với Ngài (1Cô 14:2). Nhưng bạn phải đến một chỗ mà bạn có thể phân biệt sự khác biệt giữa cầu nguyện tiếng lạ để gây dựng cá nhân và sự cầu thay cho người khác trong Thánh Linh khi Đức Thánh Linh hợp tác với bạn trong sự cầu nguyện.
Hãy để ý những gì sứ đồ Giăng nói về Thánh Linh sống trong bạn.
[bs-quote quote=”Về phần các con được Đấng Thánh xức dầu và tất cả các con đều có sự hiểu biết. Về phần các con, sự xức dầu các con đã nhận nơi Ngài vẫn ở trong các con và các con không cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng sự xức dầu dạy dỗ các con mọi sự và sự xức dầu là thật, không phải giả dối. Như sự xức dầu ấy đã dạy các con, hãy ở trong Ngài.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 GIĂNG 2:20, 27″][/bs-quote]
Ở đây Giăng nói chúng ta có sự xức dầu từ Thánh Linh. Ông nói sự xức dầu đó ở trong bạn. Khi bạn được báp-tem và được đầy dẫy Thánh Linh, bạn bắt đầu nói tiếng lạ bằng tâm linh bạn. Và như em bé sẽ phải học nói tiếng mẹ đẻ thì bạn sẽ thông thạo hơn trong ngôn ngữ Thánh Linh khi bạn thực hành nói tiếng lạ nhiều hơn.
Nhiều lần tôi thức dậy nửa đêm và bắt đầu ngợi khen Chúa và nói tiếng lạ bởi vì tôi muốn. Trong những lúc như thế, tôi không nhất thiết là được xức dầu; tôi chỉ thưa chuyện với Chúa bằng tâm linh tôi.
Nhưng những lúc khác khi tôi nói tiếng lạ bởi sự xức dầu trực tiếp và bởi sự dẫn dắt của Thánh Linh. Khi tôi bước vào lĩnh vực cầu nguyện đó, tiếng lạ tuôn ra từ tôi và tôi không có làm gì cả. Nó chỉ tuôn ra từ tâm linh tôi bởi sự xức dầu của Thánh Linh ở bên trong, và điều duy nhất tôi làm là nói ra những lời này.
Nói những lời rên siết bởi sự xức dầu của Thánh Linh là một kinh nghiệm cầu nguyện mà nhiều tín đồ ân tứ thiếu hụt. Rất thường các tín đồ đã được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ nhưng chưa hề phát triển thêm trong lĩnh vực siêu nhiên của Thánh Linh. Làm sao một tín hữu có thể tăng trưởng hơn nữa trong Chúa? Họ cần cầu nguyện lâu đủ trong tiếng lạ để bước vào lĩnh vực cầu nguyện nơi mà sự xức dầu của Thánh Linh bắt đầu tuôn tràn.
Chúng ta hãy nói về việc cầu nguyện tiếng lạ bởi sự xức dầu của Thánh Linh áp dụng cho sự cầu thay. Chắc chắn bạn có thể quyết định cầu nguyện tiếng lạ cho ai đó mà bạn biết là cần cầu nguyện. Dĩ nhiên, bạn vẫn không biết nên cầu nguyện gì cho người đó bởi vì bạn không biết hết những chi tiết liên quan đến tình huống của người đó.
Nhiều lần tôi chỉ thưa với Thánh Linh Đấng sống trong tôi: “Thánh Linh ơi, con không biết cầu nguyện điều gì trong hoàn cảnh này. Con sẽ cầu nguyện trong tiếng lạ và tin cậy Ngài ban cho con lời để cầu thay cho vấn đề này.” Bạn thấy đó, bạn không cầu nguyện với Thánh Linh. Bạn không nài xin hay cầu khẩn với Ngài. Bạn cầu nguyện với Cha trong Danh Chúa Jêsus. Nhưng bạn có thể nói chuyện với Thánh Linh bởi vì Ngài là một Thân Vị thiên thượng và Ngài đang sống trong bạn. Rồi bạn bắt đầu cầu nguyện trong tiếng lạ, và đôi khi phải dồn hết nỗ lực để cầu nguyện. Theo thiển ý, tôi phải “chủ động” nói ra, buộc mình để cầu nguyện tiếng lạ như tôi phải dùng hết nỗ lực để nói chuyện với ai đó bằng tiếng mẹ đẻ của tôi.
Nhưng sau một hồi, tôi “chạm lửa”, và bắt đầu cầu nguyện với sự xức dầu. Đó là khi tiếng lạ bắt đầu tuôn ra từ tôi mà không cần phải cố gắng gì nữa. Đó cũng là lúc sự đắc thắng đến.
Xin nói lại, đôi khi linh cầu nguyện đến trên bạn, và bạn cảm nhận một gánh nặng mạnh mẽ để cầu nguyện trong Thánh Linh cho ai đó hay cho việc nào đó. Khi điều này xảy ra, sự xức dầu luôn hiện diện và rất mạnh mẽ đến nỗi bạn cảm thấy được thôi thúc để cầu nguyện. Dĩ nhiên, nếu bạn ở gần những người không hiểu những việc của Thánh Linh, bạn nên xin lỗi và tìm chỗ nào đó để bạn ở riêng cầu nguyện cho gánh nặng đó. Chúng ta sẽ nói về điểm này sau.
Trải qua nhiều năm, có những lúc tôi cảm nhận một gánh nặng mạnh mẽ để cầu nguyện. Lúc tôi quỳ gối, tôi ở trong Thánh Linh. Cứ như là tôi quỳ gối trong một đám mây trắng phủ quanh tôi. Mắt tôi mở ra, nhưng tôi không thấy ai xung quanh. Tiếng lạ bắt đầu tuôn ra từ tôi khi tôi cầu nguyện với sự xức dầu mạnh mẽ của Thánh Linh. Trong những lúc cầu nguyện như thế, dường như là tôi không làm gì cả – dĩ nhiên tôi chỉ bắt đầu thôi. Thánh Linh chỉ tự động đến trên tôi. Vấn đề là tôi đầu phục Thánh Linh để cầu nguyện theo ý muốn trọn vẹn của Ngài kèm theo sự xức dầu mạnh mẽ.
Bạn thấy đó, Thánh Linh sẽ không đến trên bạn và tuôn chảy qua bạn nếu bạn không cho phép. Nhưng khi bạn đầu phục Ngài, bạn để cho Ngài ban cho bạn một sự xức dầu mạnh mẽ hơn để cầu nguyện. Đó là khi bạn bước vào lĩnh vực cầu nguyện sâu nhiệm hơn, khi đó tiếng lạ bắt đầu tuôn ra từ bạn kèm theo quyền năng.
Khi sự xức dầu mạnh mẽ đến trên tôi, tôi cầu nguyện trong tiếng lạ càng mạnh và càng nhanh. Tôi cứ cầu nguyện theo cách đó cho đến khi gánh nặng vơi đi và tôi cảm nhận một tín hiệu đắc thắng. Và kết quả của việc đầu phục Thánh Linh để cầu nguyện theo cách này, tôi đã thấy nhiều người được tái sanh và được chữa lành cách siêu nhiên, và tôi đã chứng kiến vô số nhu cẩu được đáp ứng cách lạ lùng trong nhiều năm.
Thật ra, khi bạn bước vào lĩnh vực của Thánh Linh như vậy, như thể là tâm linh bạn đang có mặt ở một nơi nào đó đang giúp đỡ người nào đó, hay bạn nhìn thấy hoàn cảnh nào đó mà Đức Chúa Trời muốn bạn nhìn thấy. Vấn đề không phải là Đức Chúa Trời cất thân thể bạn đến một địa điểm nào đó, dù rằng sự chuyển dịch thân thể bởi quyền năng của Thánh Linh cũng là một kinh nghiệm của Kinh Thánh. Không lạ gì Phi líp đã được Thánh Linh cất đi và ông thấy mình ở một nơi khác (Công vụ 8:39-40). Nhưng đó không phải là điều tôi nói ở đây.
Bạn thấy đó, có thời gian và không gian trong lĩnh vực tự nhiên. Nhưng khi bạn cầu nguyện trong tiếng lạ và bước vào lĩnh vực của Thánh Linh, thì không có thời gian và không gian nữa. Điều này có nghĩa là khả năng Đức Chúa Trời làm việc qua bạn trong sự cầu nguyện thì vô hạn.
Cực Đoan #4: Làm Nhiều Điều Không Gây Dựng Những Người Chưa Biết
Chúng ta đã xem vắn tắt trong 1 Cô-rinh-tô 14:16-17 trước đó, nhưng tôi muốn xem lại các câu Kinh Thánh này. Chúng ta cần nói về một lỗi lầm thông thường mà một số tín hữu đã gây ra làm tổn hại đời sống thuộc linh của những người xung quanh họ.
[bs-quote quote=”Nếu anh chị em chỉ cảm tạ Chúa bằng tâm linh mà thôi, thì thế nào một người bình thường đáp “A-men” cùng với lời cảm tạ của anh chị em được, vì người ấy không hiểu anh chị em nói gì. Vì dù lời cảm tạ của anh chị em thật tốt lành, nhưng không xây dựng được người khác.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 14:16-17″][/bs-quote]
Như đã bàn đến trước đó, khi Phao lô nói về một “người tầm thường (người chưa biết)”, ông nói đến những người không biết những công việc của Thánh Linh. Không may thay, lời mô tả này áp dụng cho nhiều tín hữu trong Hội Thánh ngày nay. Trong một số trường hợp, chính nghĩa của Chúa bị tổn thất nhiều bởi vì các Cơ Đốc Nhân rơi vào quá khích và sai lầm trong lĩnh vực cầu nguyện tiếng lạ trước mặt những người chưa được học biết về những vấn đề thuộc linh. Nói cách khác, một số tín hữu đã không xét đến sự kiện là họ đang ở trước mặt những người bình thường khi họ nói tiếng lạ. Tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn khi một tín hữu nói tiếng lạ “sỗ sàng” ngay trước mặt những người bình thường.
1 Cô-rinh-tô 14:15 cho chúng ta biết rằng chúng ta phải cầu nguyện cả bằng tâm linh lẫn bằng tâm trí hay trí hiểu. Chúng ta phải cầu nguyện bằng hai cách, còn không chúng ta cần biết khi nào cầu nguyện tiếng lạ hay khi nào cầu nguyện bằng tâm trí. Câu 16-17 nêu cho chúng ta một yếu tố quan trọng chúng ta phải xét tới: Khi có mặt người khác, chúng ta cần làm điều gì đó để gây dựng họ.
Tôi luôn luôn cố gắng để vâng theo sự chỉ bảo của Chúa. Chẳng hạn, tôi nhớ cách đây nhiều năm khi tôi tổ chức một buổi nhóm phấn hưng tám tuần tại Oklahoma và vài người trong số chúng tôi được mời đến nhà của một nha sĩ địa phương để ăn bữa. Hầu hết những người đến bữa tối đó đều là những người đầy dẫy Thánh Linh (tín đồ Ngũ Tuần). Nói cách khác, tôi không ở giữa những người không biết về những công việc của Thánh Linh. Nên khi họ nhờ tôi cầu nguyện, tôi bắt đầu cầu nguyện trong tiếng Anh – nhưng chẳng mấy chốc tôi lại cầu nguyện trong tiếng lạ, và ai nấy đều hòa với tôi.
Tối đó chúng tôi có một thì giờ cầu nguyện chung với nhau thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu có người ngoài cuộc (người chưa biết ân tứ Thánh Linh) có mặt, tôi chắc hẳn đã không làm điều đó. Tôi chỉ cầu nguyện trong tiếng Anh mà thôi.
Thế nên Kinh Thánh nói, “…hãy làm mọi sự để xây dựng” (1Cô 14:26). Bạn thấy đó, chúng ta nói tiếng lạ bởi sự cảm động của Thánh Linh, nhưng chúng ta có thể chọn cầu nguyện hoặc không cầu nguyện. Nhưng nếu có ai đó có mặt mà không được gây dựng, thì thật là ích kỷ nếu chúng ta nói tiếng lạ bởi vì nó sẽ tạo ra sự lộn xộn.
Lần khác tôi tổ chức một buổi nhóm phấn hưng tại Arizona, và tôi phải ở nhà của cặp vợ chồng lớn tuổi, anh chị Fisher. Một tối nọ sau buổi nhóm tối, ba đứa con gái lớn cùng những người con rể của cặp vợ chồng này đến ăn tối với chúng tôi. Các chị em phụ nữ thì lo dọn thức ăn, còn chúng tôi là các anh nam thì ở phòng khách nói chuyện, thình lình một gánh nặng – một sự thôi thúc mạnh mẽ muốn cầu nguyện đến trên tôi.
Mọi người có mặt hôm đó đều là tín đồ Ngũ Tuần, nên họ hiểu khi tôi nói với chủ nhà, “Anh Fisher ơi, tôi phải cầu nguyện, và tôi phải cầu nguyện ngay bây giờ!” Anh Fisher gọi các chị em vào phòng khách và nói, “Anh Hagin phải cầu nguyện ngay bây giờ.” Nên chúng tôi thảy đều quỳ gối và bắt đầu cầu nguyện trong tiếng lạ.
Hãy hiểu điều này: Nếu giả dụ những người có mặt hôm đó là những người ngoài cuộc, tôi sẽ không cầu nguyện tiếng lạ như thế trước mặt mọi người. Tôi sẽ tìm một nơi riêng để cầu nguyện cho gánh nặng. Chúng ta cần hiểu những điều này để chúng ta không làm cớ vấp ngã người khác.
Lúc đầu gối tôi chạm đất, tôi ở trong Thánh Linh, cầu nguyện tiếng lạ như mưa rào. Tôi cầu nguyện tiếng lạ rất nhanh khoảng một giờ. Dường như là tôi không làm gì cả. Ý tôi muốn nói ở đây là tiếng lạ chỉ tuôn ra từ tôi như một dòng sông.Tôi biết đây là cách tôi cầu nguyện rên siết trong Thánh Linh cho ai đó bị hư mất.
Lúc cầu nguyện xong, gánh nặng vơi đi, và tôi kinh nghiệm tâm linh nhẹ nhàng. Tôi bắt đầu cười và hát trong tiếng lạ. Rồi tôi thấy một khải tượng. Hôm đó là vào đêm thứ Sáu, và trong khải tượng tôi thấy buổi nhóm tối Chủ Nhật sắp tới. Tôi thấy mình đứng tại bục giảng và nghe tôi giảng. Tôi thấy tôi tựa vào bục giảng và chỉ một người đàn ông lớn tuổi ngồi ở hàng ghế thứ hai.
Trong khải tượng, tôi nói với người đàn ông đó, “Chúa bày tỏ cho tôi rằng ông đã hơn 70 tuổi và ông được nuôi dưỡng bởi người cha người mẹ không tin là có hỏa ngục. Nhưng Chúa bảo tôi hãy nói cho ông biết là ông có một chân dưới địa ngục rồi và một chân kia thì đang trơn trợt.” Rồi tôi thấy ông tiến lên quỳ gối tin Chúa.
Giây phút tôi vào nhà thờ tối Chủ Nhật đó, tôi nhìn quanh quẩn, và quả thật có một ông cụ ngồi ở hàng ghế thứ hai, như tôi đã thấy trong khải tượng.
Nên tôi giảng bài giảng của tôi (đây là một sứ điệp hoàn toàn mới mẻ mà tôi chưa hề nghĩ tới cho đến khi tôi nghe chính mình tôi giảng trong khải tượng). Sau đó, tôi nói những lời mà tôi đã nghe tôi nói trong khải tượng cho người đàn ông này. Ông ta tiến lên. Những người khác cũng tiến lên. Sau buổi nhóm, ông cụ này nói chuyện với vị Mục Sư, “Vị diễn giả này nói tôi đã được ba mẹ tôi dạy rằng không có hỏa ngục. Ba mẹ tôi là những người theo chủ nghĩa thế giới, và họ đã dạy tôi rằng không có hỏa ngục. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi nhà thờ.”
Người này giải thích tiếp rằng ông là một chủ khách sạn. Một số khách đến dự buổi nhóm phấn hưng ở tại khách sạn của ông và họ thuyết phục ông đi nhóm các buổi nhóm tối. Ông cụ này nghĩ, Thôi thì mình đi với họ để rồi lần sau họ đến ở tại khách sạn của mình.
Không ai trong hội chúng tối đó biết để cầu nguyện cho ông này. Không ai biết ông chưa được cứu. Tôi cũng không biết mà cầu nguyện cho ông – nhưng Thánh Linh thì biết.
Rồi ông kể với vị Mục Sư, “Vị diễn giả này nói tôi có một chân dưới địa ngục và một chân đang trơn trợt. Tôi biết ngay là ông ấy muốn nói gì. Tôi bị bệnh tim. Bác sĩ nói tôi có thể chết bất cứ lúc nào.” Rồi với nước mắt vui mừng chảy trên má ông, ông cụ này nói “Tôi rất vui tôi đi nhóm tối nay. Tôi rất vui là tôi đã đến đây.”
Có hai điều cần biết trong câu chuyện này. Trước hết, Thánh Linh biết chúng ta nên cầu nguyện thay cho ai. Trong trường họp này, Chúa cũng biết sự quặn thắt trong sự cầu nguyện là cần thiết để đem con người này đến chỗ ăn năn để ông được cứu rỗi.
Thứ hai, tôi sẽ không cầu nguyện tiếng lạ kiểu đó nếu giả dụ có người ngoài cuộc ở đó. Làm thế sẽ tạo sự lộn xộn và gây ra sự vấp phạm. Có lẽ là người ta sẽ xa lánh không muốn tìm kiếm sự đầy dẫy Thánh Linh, chính là điều mà họ cần để tăng trưởng thuộc linh trong bước đường theo Chúa của họ.
Hãy để tôi nêu ra một ví dụ khác về một phụ nữ bỏ qua câu Kinh Thánh liên quan đến những người bình thường (người ngoài cuộc): “Nếu anh chị em chỉ cảm tạ Chúa bằng tâm linh mà thôi, thì thế nào một người bình thường đáp “A-men” cùng với lời cảm tạ của anh chị em được, vì người ấy không hiểu anh chị em nói gì” (1Cô 14:16). Kết quả là sự cực đoan của phụ nữ này đã gây vấp phạm cho người khác bởi vì người ta đâu có hiểu điều gì xảy ra.
Một Mục Sư Ngũ Tuần cùng vợ của ông được một Mục Sư Ngũ Tuần khác mời dự bữa tiệc cưới của người bà con. Cả ba đều hướng dẫn hôn lễ. Phần lớn những người có mặt tại tiệc cưới đều là những tín đồ truyền thống.
Trước hết, vị Mục Sư bà con của chú rể đọc phần của ông trong buổi lễ rồi kế tiếp là vị Mục Sư khách mời. Rồi đến vợ của Mục Sư khách mời, cũng là nữ Mục Sư, đọc phần của bà. Nhưng ngay giữa tiệc cưới trước mặt mọi người tin Chúa lẫn người không tin Chúa, người chị em này bất chợt quỳ xuống đất, rên siết và quặn thắt, làm giống như bà chuyển bụng sanh con. Bà có lẽ đang quặn thắt cầu nguyện cho ai đó.
Bạn có nhớ tôi đã quặn thắt trong Thánh Linh cho ông cụ tại nhà của ông Fisher. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa hai trường hợp này. Trong trường hợp của tôi, tôi ở tại nhà riêng trước mặt những tín đồ Ngũ Tuần, biết rõ sự quặn thắt trong Thánh Linh là gì. Ngoài ra, tôi cũng ở trong Thánh Linh. Nhưng người chị em này quặn thắt giữa công chúng – ngay giữa lễ cưới nữa chớ! Ngoài ra, bà cầu nguyện kiểu đó ngay trước mặt 200 người không biết gì về những công việc của Thánh Linh. Một điều nữa, bà lúc đó quả đã làm theo xác thịt mà thôi.
Vị Mục Sư đã mời cặp vợ chồng này dự lễ cưới sau này nói với tôi, “Tôi mắc cỡ quá. Tôi không biết nên làm gì, nên tôi chỉ đứng im đó.”
Còn tôi biết điều tôi sẽ làm. Tôi có lẽ gọi bà và yêu cầu bà, “Bà ơi, làm ơn đứng dậy giùm và đừng làm giống con nít nữa. Điều bà làm không đúng Kinh Thánh gì cả! Không khôn ngoan chút nào! Cũng không phải đến từ Chúa gì đâu! Bà chỉ làm trong xác thịt mà thôi!”
Những người dự lễ hôm đó bắt đầu đứng dậy và lái xe bỏ về và bạn hiểu tại sao rồi. Những người này hoảng sợ bởi vì họ đâu có biết “mu tê” gì về công việc của Thánh Linh. Và khi họ rời đó, họ lằm bằm, “Tôi biết mà, cái bọn tiếng lạ đó khùng điên rồi!”
Biết bao nhiêu vấp phạm do những tín đồ Ngũ Tuần gây ra cho Hội Thánh khi hành xử thiếu khôn ngoan như người chị này đã làm. Do vậy mà nhiều Cơ Đốc Nhân không nhận được các phước lành mà Chúa muốn cho họ có.
Khi ai đó hành xử thiếu khôn ngoan trước mặt những người không hiểu gì về công việc của Thánh Linh như người chị em này đã làm, thì người lãnh đạo Hội Thánh có thể đứng lên và giải thích điều nào nên làm. Hành động của chị em này không đúng bởi vì những gì bà làm không gây dựng Hội Thánh. Một lần nữa, Kinh Thánh nói rõ ràng, “Hãy làm hết thảy để được gây dựng” (1Cô 14:26). Điều này có nghĩa gây dựng những người có mặt, chứ không chỉ là những người cầu nguyện tiếng lạ mà thôi. Hơn nữa, Kinh Thánh cũng nói, “Nhưng hãy làm mọi sự một cách thích đáng và trong trật tự” (1Cô 14:40).
Nếu bạn có một gánh nặng để cầu nguyện tiếng lạ khi bạn ở với những người không hiểu gì, hãy đứng dậy và xin lỗi đi chỗ khác. Hãy đi cầu nguyện riêng một mình để bạn không làm gián đoạn người khác. Đành rằng Thánh Linh có thể ban cho ai đó lời nói hay sự thôi thúc để cầu nguyện, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta bỏ trách nhiệm thuộc linh là phải tìm kiếm để gây dựng người khác một cách thích đáng và trong trật tự (1Cô 14:23).
Tại các buổi nhóm cầu nguyện khi mà mọi người cầu nguyện lớn tiếng trong Thánh Linh thì cầu nguyện tiếng lạ cùng với những người khác là đúng. Nhưng cho dù buổi nhóm nào đi nữa, hãy biết chắc là bạn không làm người khác phân tâm. Đừng cầu nguyện kiểu nào đó mà lôi kéo sự chú ý về chính bạn.
Lần nọ tôi nghe một câu chuyện về một phụ nữ đã vi phạm trầm trọng nguyên tắc này. Lúc đó có một Mục Sư đang giảng trong buổi nhóm, và ngay giữa bài giảng, bà này đứng lên rồi bắt đầu nói tiên tri. Bà tuyên bố, “Chúa bảo tôi là hãy cầu nguyện cho ông.” Bà đặt tay trên vị Mục Sư này và bắt đầu cầu nguyện tiếng lạ. Rồi bà đẩy ông này xuống rồi đỡ ông lên, cứ cầu nguyện tiếng lạ.
Tôi đảm bảo với bạn là làm thế thì không phải phép và không theo trật tự nào cả. Tín đồ đứng lên và bỏ về hết. Dĩ nhiên, tín đồ bị vấp phạm. Những tín đồ bình thường không hiểu chuyện gì xảy ra. Cả các tín đồ Ngũ Tuần cũng không hiểu nốt luôn! Nên hôm sau số người đến nhóm thưa thớt hơn!
Nếu gánh nặng của người phụ nữ này thật sự đến từ Chúa thì bà nên làm gì? Chuyện làm gián đoạn bài giảng không phải là “điều phải phép và trong trật tự.” Bà rõ ràng là lôi kéo sự chú ý về bà khi bà đứng trên tòa giảng và cầu nguyện cho vị Mục Sư theo cách đó. Bà đáng lý rời buổi nhóm và tìm một chỗ nào đó để cầu nguyện tiếng lạ một mình cho đến khi gánh nặng vơi đi.
Nhưng người đàn bà này muốn mọi người thấy bà! Bà này hành xử trong xác thịt và gây cớ vấp phạm đối với công việc Chúa và cho mọi người dự nhóm.
Lạm dụng tiếng lạ quả là không gây dựng ai. Nhưng nếu mọi tín hữu luôn cố gắng bước đi trong tình yêu thương thì sẽ giải quyết vấn đề. Tình yêu thương luôn đặt người khác trước (1Cô 13:8).
Vì thế, để giữ sự quân bình trong lĩnh vực tiếng lạ, trong mọi trường hợp, hãy tự hỏi câu hỏi này: Tôi có thể gây dựng chính tôi, nhưng tôi sẽ làm gì để gây dựng người khác quanh tôi?
Chúng ta đã bàn đến chỉ một vài “cực đoan” thường thấy liên quan đến việc nói tiếng lạ mà các tín hữu có thể rơi vào. Tôi đã cố gắng chỉ cho bạn thấy quan điểm của Kinh Thánh về mỗi kiểu cực đoan này. Bởi vì các tín hữu trong các ví dụ trên đã đi quá phạm vi tiếng lạ của Kinh Thánh nên họ phạm phải lỗi lầm.
Nào bây giờ chúng ta sẽ nói về phạm vi của Kinh Thánh về việc nói tiếng lạ. Phần lớn các tín đồ Ngũ Tuần chỉ kinh nghiệm sơ sơ trong lĩnh vực cầu nguyện này. Nhưng Đức Chúa Trời đang kêu gọi dân sự Ngài bước cao hơn. Đây là thời kỳ cuối cùng, và có nhiều điều cần phải cầu nguyện theo ý muốn trọn vẹn của Ngài!