Tác giả bài bày là Joe McKeever, tính đến nay đã hầu việc Chúa trong chức vụ Mục sư 40 năm và quản nhiệm 6 hội thánh.
Đức Chúa Trời luôn luôn tinh luyện, tái tạo, bao bọc, làm trưởng thành và chuẩn bị chúng ta cho những phục vụ có tầm vóc chiến lược.
Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa; và bản thân chúng tôi là đầy tớ của anh em vì Đức Chúa Jêsus
2 Cô-rinh-tô 4:5 (BTTHĐ 2010)
Chúa có nguyên cớ tốt khi Ngài sai phái những người lãnh đạo trẻ đến với những hội thánh nhỏ bé vì có rất nhiều điều để học hỏi ở đó.
Chúa ban phước cho những bầy chiên nhỏ bé khi họ chịu đựng những người chăn hay lãnh đạo trẻ và chưa kinh nghiệm khi họ lập lại những lỗi lầm mà những Mục sư hay lãnh đạo trước đó đã phạm phải. Sự kiên nhẫn của bầy chiên nhỏ bé thật là lạ lùng – đến nỗi đôi khi tôi tưởng như là mình đến ba hội thánh đầu tiên mà tôi phục vụ và nói rằng, “Quý vị có thể tha thứ cho tôi không?”
Có lẽ bài học lớn nhất mà các Mục sư và lãnh đạo trẻ phải học biết trước khi họ có thể làm những công việc tốt nhất cho Chúa là: Quý vị chưa thể chăn bầy hay lãnh đạo hội thánh cho đến khi quý vị thắng được chính mình.
Là một người lãnh đạo được Chúa sai phái đến một hội chúng có thể là một chức vụ làm cho chúng ta hăng say vô cùng. Bất thình lình mọi người tìm đến quý vị để xin sự hướng dẫn. Họ không giải quyết những nan đề để chờ đưa đến cho quý vị làm như quý vị là một bậc cao trọng nào đó. Nhiều người cứ ép quý vị phải ngồi vào ghế danh dự trong bàn. Quý vị có thể tìm ra trong Kinh Thánh sự bào chữa về mục vụ giảng dạy của mình, thay cho Chúa Quyền Năng. Ôi thật là kỳ diệu.
Có một cái bẫy cho những người khinh suất. Nhưng đó không phải là một điều mới mẽ gì. Quý vị chỉ là một người đứng sau một hàng dài những người cần hiểu biết về những gì mình tưởng là người khác phải mang ơn mình.
Thật ra tất cả mọi điều quý vị làm chẳng là gì cả. Đức Chúa Trời phán với Y-sơ-ra-ên,
10 Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã đưa anh em vào xứ mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, để ban cho anh em những thành lớn và tốt đẹp mà anh em đã không xây cất, 11 những căn nhà đầy đủ mọi vật tốt mà anh em không sắm sửa, những giếng nước mà anh em không phải đào, cây nho và cây ô-liu mà anh em không trồng; khi anh em được ăn uống no nê, 12thì phải cẩn thận kẻo anh em quên Đức Giê-hô-va là Đấng đã đem anh em ra khỏi Ai Cập, tức khỏi nhà nô lệ.
Phục Truyền 6:10–12
Hãy nhìn vào những gì tôi đã làm với công lao khó nhọc, sự tận hiến và cam kết!
Rất dễ rơi vào cái bẫy đó. Quý vị được kêu gọi đến một hội thánh lớn, được cấp bằng tiến sỹ, được trường đại học vinh danh, được báo hay trang mạng của giáo hội trân trọng đăng tải thông tin về chính mình.
Ôi tôi thật là…
Nhìn vào tôi đây. Tôi làm được mọi điều như vậy vì tôi thật là tốt, tài năng và đầy ơn, tận hiến và siêng năng. Ôi đúng là Chúa vinh danh tôi vì sự trung tín của tôi.
Sự kiêu ngạo đi trước nhiều điều, nhưng đặc biệt là nó mở đường cho sự gục ngã, sự trừng phạt, sự nhục nhã. Và hãy tin tôi, bạn ơi, quý vị không muốn Đức Chúa Trời hạ quý vị xuống. Hãy hỏi Nê-bu-cát-nết-za về làm sao mà điều đó đã xảy ra.
Có lẽ lời khuyên tốt nhất mà một người có thể sẻ chia với người lãnh đạo trẻ là: Hãy thắng lấy chính mình.
Khốn khổ thay cho những người lãnh đạo trẻ tìm được sự thành công và khen ngợi quá sớm, trước khi họ học biết được những yếu đuối và yếu điểm của họ và trước khi học biết được rằng không phải chính mình định hướng những bước đi của mình nhưng chỉ có Đấng Christ có thể làm được mọi sự! Khốn khổ thay cho những người lãnh đạo trẻ là người không có thời giờ hay lý trí để vượt qua chính mình.
Người lãnh đạo như thế trở nên “thiêng liêng quá mấu”, đầy kiêu ngạo về những thành quả của mình và say sưa trong sự coi thường những người lãnh đạo khác. Họ chê cười những Mục sư hay lãnh đạo của những hội thánh nhỏ. Nếu những vị này có khả năng như mình thì đến nay họ đã phải thành công như mình rồi! Sau hết, hãy nhìn vào chính mình. Mình đã làm được mọi sự.
Thế nên Chúa ban một đặc ân cho quý vị là những lãnh đạo trẻ này: Ngài đem đến cho quý vị những người hay phê phán tiêu cực, những người muốn nắm quyền hội thánh, những người bất mãn nghĩ rằng quý vị dựa vào sự kêu gọi để hành xử như là một mục sư đầy ơn, những người nói xấu. Có một số người trong quý vị nhận ra là trong Ban Trị Sự có người tìm cách đẩy quý vị đi, một số tín hữu giàu có không thích quý vị và có một vài nhân sự đang nổi loạn và có những tin đồn trong khu phố nghịch lại với quý vị.
Quý vị viết những bài viết mà họ hãnh diện, nhưng khám phá ra là những người phê bình xé ra và vạch bới từng câu và giải thích làm cho những tuyên ngôn mà quý vị cho là hay nhất trở thành những điều sai trật. Nhiều chủng viện không còn mời quý vị giảng dạy hay thuyết giảng như trước.
Những cố gắng tốt nhất của quý vị để phát triển hội thánh chỉ nhận được sự chú ý rời rạc của hội chúng. Nhân sự chống lại quý vị và tiền dâng khô cạn dần.
Chào đón quý vị bước vào mục vụ. Chúa vẫn ngự trị trên ngai, và quý vị sẽ tồn tại.
Đức Thánh Linh đang làm cho quý vị trở nên một người lãnh đạo thuộc linh hàng đầu. Và điều đó đòi hỏi nhiều sự chịu tổn thương và đau đớn – làm cho quý vị có cảm giác như là bị từ chối, từ bỏ và thất bại. “Hoạn nạn là điều tốt cho con, Nhờ đó con học biết luật lệ của Chúa” (Thi Thiên 119:71).
Chúa luôn luôn làm việc để tinh luyện, tái tạo, bao phủ, làm chúng ta trở nên trưởng thành hơn, và chuẩn bị chúng ta cho những phục vụ chiến lược cao hơn. Phải đem vàng vào lửa để đốt tan mọi tạp chất (1 Phê-rơ 1:7).
Ngài đang làm việc để biến đổi một Mục sư hay lãnh đạo trẻ trở thành một người giảng vững chắc; một người chăm xem đến Ngài và trả lời trách nhiệm với chỉ duy Ngài; một người có thể nương tựa vào Ngài để được đặt vào bệ chân của Chúa Giê-su, tìm kiếm ý chỉ của Ngài, và chờ đợi cho đến khi nhận lãnh từ Ngài, và sau đó ra đi thực hiện ý chỉ đó.
Không một ai được sinh ra với một địa vị đặc ân có sẳn. Đó là một kết quả của nhiều điều, nhưng quan trọng nhất là do “một sự vâng phục bền bĩ trong suốt chặng đường đi theo sự kêu gọi.”
Vậy nên người Mục sư hay lãnh đạo trẻ hãy quyết tâm phát triển, trở nên giống như Đấng Christ, để có thể nói với Giăng Báp-tít, “Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Và chúng ta có thể nói một cách thánh rằng “ít hơn cái tôi nhiều hơn của Chúa Giê-su.” Trong kinh nghiệm của tôi, ít hơn cái tôi là điều vô cùng đau đớn nên đừng cầu xin điều này trừ khi quý vị muốn nó. Chúa sẽ đem quý vị vào chỗ của nó.
Thế nên tôi muốn sẻ chia với các Mục sư và lãnh đạo trẻ…
Hãy bỏ đi cách để cho mọi điều xảy ra trong hội thánh trở thành riêng tư của mình, cho dù là thuận hay chống. Quả thật là nếu hội thánh tốt đẹp, quý vị nhận được nhiều sự ghi công cho dù quý vị có hay không có xứng đáng. Cũng vậy, nếu hội thánh thất bại không tăng trưởng mạnh, giống như một huấn luyện viên của một đội banh không thắng được nhiều trận thi đấu, ai đó sẽ đổ lỗi cho quý vị. Người ta thay đổi huấn luyện viên mỗi năm bởi vì cho dù gốc rễ của vấn đề là ở khâu nhân sự hay một ngàn lý do nào đó, huấn luyện viên là người có thể thay thế được. Dù chuyện này có xảy ra thì quý vị không được phép làm cho điều này trở thành một vấn đề cá nhân con người. Đó không phải là về con người của quý vị. Hãy bỏ đi việc phải quảng bá hay quảng cáo về chính mình.
Cũng trong lúc đó hãy cảm tạ rằng tất cả đều là về Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi thời điểm chín muồi, quý vị sẽ tràn ngập sự tạ ơn Chúa đã có thể dùng một người mà mà người ta gọi là kẻ thất bại như quý vị. Sẽ đến lúc quý vị sẽ kinh ngạc về ân sủng và lòng thương xót của Đấng Christ. Quý vị sẽ khóc và suy niệm về thập giá. Quý vị sẽ muốn quỳ xuống mỗi khi bước vào nhà của Chúa.
Đây không phải là một hành trình ngắn ngủi, nhưng thật là xứng đáng để mất cái tôi của mình trong Ngài và nhận ra Ngài là đủ cả (2 Cô-rinh-tô 3.5).
Nephtali
(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)