11. Con Người: Nơi Cư Ngụ Của Đức Chúa Trời
Sâu thẳm trong mỗi con người có một nơi thiêng liêng, nơi đó tồn tại bản chất huyền bí của con người anh ta. Thực thể sâu thẳm bên trong này là một phần của con người, cái mà tự nó thuộc về nó mà không liên quan gì đến bất cứ phần nào khác thuộc bản chất phức tạp của con người. Ðó là cái “Tôi là” của con người, một món quà của Ðấng Ta Là, Ðấng đã tạo nên anh ta.
Ðấng Ta Là chính là Ðức Chúa Trời, Ðấng không có nguồn gốc và tự tồn tại; cái “Tôi là” của con người có nguồn gốc từ Ðức Chúa Trời và luôn lệ thuộc nơi quyền năng sáng tạo của Ngài để được tiếp tục tồn tại. Một là Ðấng Tạo Hóa chí cao, tồn tại từ trước vô cùng, Ngài ngự trong ánh sáng không thể đến gần được. Cái kia là một tạo vật, và dù được nhiều đặc quyền hơn hết thảy mọi tạo vật khác, nhưng vẫn chỉ là một tạo vật, tồn tại bởi sự hào phóng của Ðức Chúa Trời và là một người cầu xin trước ngai của Ngài.
Thực thể sâu thẳm bên trong con người, cái mà chúng ta đang nói đến, được gọi trong Kinh Thánh là “tâm linh của con người”. “Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Ðức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:11). Vì sự tự biết mình của Ðức Chúa Trời nằm trong Thánh Linh đời đời, nên sự tự biết mình của con người được nhận thức bởi chính linh của anh ta, và sự hiểu biết của anh về Ðức Chúa Trời đến bởi sự linh cảm trực tiếp của Thánh Linh Ðức Chúa Trời trên tâm linh con người.
Tầm quan trọng của toàn bộ việc này không thể được đánh giá quá cao khi chúng ta suy nghĩ, học hỏi và cầu nguyện. Nó bày tỏ tính thuộc linh cần thiết của loài người. Nó phủ nhận việc con người là một tạo vật có phần tâm linh mà tuyên bố rằng anh ta là một tâm linh có thân thể. Ðiều khiến anh ta được gọi là một con người không phải là cái thể xác bên ngoài nhưng là tâm linh bên trong, nơi mà hình ảnh của Ðức Chúa Trời từ ban đầu đã ở đó.
Một trong những lời tuyên bố đem lại sự giải phóng trong Thánh Kinh Tân Ước là như thế này: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Ðức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:23-24). Bản chất của sự thờ phượng được bày tỏ ở đây, hoàn toàn mang tính thuộc linh. Tôn giáo thật được dời khỏi sự kiêng ăn (xác thịt) và việc giữ những ngày tháng (các ngày lễ, ngày thánh v.v…), từ bỏ những bộ trang phục và các nghi lễ, rồi nó được đặt vào đúng chỗ của mình – trong sự hiệp nhất của tâm linh con người với Thánh Linh Ðức Chúa Trời.
Từ quan điểm của con người, sự mất mát bi thảm nhất mà con người phải chịu đựng xảy đến trong sự Sa ngã, là việc Thánh Linh Ðức Chúa Trời lìa khỏi nơi thánh bên trong của con người. Tại trung tâm sâu thẳm bên trong và bị che giấu của con người, có một bụi cây thích hợp làm nơi ngự trị của Ðức Chúa Trời Ba Ngôi. Tại đó, Ðức Chúa Trời hoạch định sẽ ngơi nghỉ và chiếu sáng với ngọn lửa thuộc linh thánh khiết. Con người, bởi tội lỗi mình, đã để mất đặc quyền tuyệt vời khôn tả này và bây giờ phải sống ở đó một mình. Vì đó là một nơi hết sức riêng tư nên không một tạo vật nào có thể xâm phạm vào; không một ai có thể vào ngoại trừ Ðấng Christ, và Ngài chỉ vào với lời mời gọi bởi đức tin. “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải huyền 3:20).
Bởi sự vận hành huyền diệu của Thánh Linh trong sự tái sanh, cái mà Phi-e-rơ gọi là “bổn tánh Ðức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:4) đã bước vào tâm điểm sâu thẳm bên trong của lòng người tin và bắt đầu ngự trị ở đó. “Nếu ai không có Thánh Linh của Ðấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài,” vì “chính Ðức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời” (Rô-ma 8:9, 16). Một người như thế là một Cơ Ðốc nhân thật, và chỉ những người như thế mà thôi. Lễ Báp-têm, sự tuyên xưng đức tin, việc tiếp nhận các thánh lễ, việc trở thành thành viên của Hội Thánh (hữu hình) – những điều này không có ý nghĩa gì trừ phi công việc tối cao của Ðức Chúa Trời trong sự tái sanh cũng diễn ra. Những cái bên ngoài mang tính tôn giáo có thể có một ý nghĩa nào đó cho những linh hồn có Chúa ngự trị; còn đối với bất cứ người nào khác, chúng không chỉ vô dụng mà còn có thể thực sự trở thành những cái bẫy, lừa dối họ vào một cảm giác an toàn giả tạo và nguy hiểm.
“Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết” còn hơn là một câu nói khôn ngoan, nó là một mạng lệnh nghiêm túc được đặt để lên trên chúng ta bởi Ðấng quan tâm đến chúng ta nhiều nhất. Ðối với mạng lệnh đó, chúng ta phải hết sức cẩn thận chú ý đến, nếu không, một lúc nào đó chúng ta sẽ để nó tuột mất.