ĐỪNG LO LẮNG & HÃY SỐNG VUI
– Gred Biddell –
Chuyển ngữ: THIÊN HỰU
Lời ngỏ
Với tư cách là một bác sĩ, tôi khuyến khích mọi người dành thời gian đọc cuốn sách rất thực tiễn và khích lệ mang tựa đề “Đừng Lo Lắng – Hãy Sống Vui” này và khám phá ra cái chân lý vĩnh hằng liên quan đến sự khôn ngoan của CHÚA đối với vấn đề sức khỏe, chữa lành và sự trường thọ của con người.
Gred Biddell đã mở ra một lãnh vực hoàn toàn mới về sự thông hiểu thuộc linh trong phạm vi của cảm xúc, giãi bày qua một loại kiến thức đến từ Lời Đức Chúa Trời cùng những khám phá trong y giới, những cảm xúc này sẽ tác động ra sao trong tâm trí và thân thể vật lý của chúng ta trong đấu trường tích cực lẫn tiêu cực.
Tôi thích nhất cái chương “Trầm Cảm Là Chuyện Lớn” trong đó Đa-vít đã nếm chịu một thử nghiệm hãi hùng nhất của sự tan gia bại sản vì một kẻ tấn công khủng bố không lường trước. Như hầu hết chúng ta, cảm xúc của Đa-vít đã một thời điên đảo, nhưng nhờ biết Chúa, ông đã động viên chính mình, tìm kiếm Đức Chúa Trời của mình và đã thắng cuộc.
Những cảm xúc như sợ hãi, giận dữ và căng thẳng chắc chắn sẽ làm biến dạng và hủy hoại thân thể vật lý của chúng ta đến mức tối đa. Nhưng áp dụng Lời Chúa, như giữ lấy niềm vui và tiếng cười, tha thứ những kẻ làm tổn thương và xúc phạm. Điều ấy sẽ làm gia tăng lượng hóc-môn kích thích sự vui mừng cách không kể xiết.
Trong khoa Thần Kinh Học Tự Nhiên, những kích thích (hormones) hay nội tiết tố (endorphins) tạo ra sự sung sướng hay giải thích phần nào cách thức vận hành của tâm trí và thân thể chúng ta. Chữ Endorphins (endogenous morphine) ra từ hai chữ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘nội tiết tố’, chất tiết ra từ bên trong cơ thể, và cũng là họ hàng của chất narcotics tự nhiên được hình thành đa dạng bởi não bộ và tuyến yên (pituitary gland). Những nghiên cứu của nhân loại đã cung ứng một trực quan mới và cơ chế của sự đau đớn, khoái cảm, cảm xúc và nhận thức, cũng như một phạm vi rộng về các chứng bệnh có thể cải thiện được nhờ hiểu biết về nội tiết tố.
Trong vài thập niên tới đây, có thể có những cuộc cách mạng trong các ngành gây tê, châm cứu, phân tâm và tâm lý học nhờ sự khám phá ra endorphins. Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn còn lâu mới bắt kịp chân lý của Lời Chúa đã trình bày những nguyên tắc thuộc linh về sức khỏe và sự chữa lành từ cái thời Môi-se viết sách Sáng Thế Ký vào khoảng bốn ngàn năm trước.
Tôi xin chúc mừng Greg về cuốn “Đừng Lo Lắng – Hãy Sống Vui” vì đó là một quyển sách được sự soi sáng của Chúa nhằm giúp đỡ và khích lệ quý vị “đặt lòng tin cậy nơi Chúa với cả tâm hồn và không nương dựa vào sự khôn ngoan riêng của mình.”
Dr. John Green. Bác sĩ Gia Đình. M.B.B.S (QLD) M.D. (M.A.) F.R.C.P. (M.A.)
DẪN NHẬP
Câu nói, “hãy thực hiện những gì mình giảng” đã trở nên rất thực tế với tôi sau khi viết cuốn ‘Đừng Lo Lắng – Hãy Sống Vui’. Sue cùng tôi đã dành ra sáu tuần lễ lưu giảng khắp đất nước New Zealand, và giữa những buổi nhóm tôi thấy mình đang viết rộng ra để hoàn tất cuốn sách này. Trên đường trở về Úc, tôi cảm thấy hài lòng với những nỗ lực của mình, hầu như các chương đều hoàn tất và tất cả điều mình phải làm là kết thúc bản thảo và trình bày dưới dạng sách.
Thế rồi một rắc rối nhỏ xảy ra. Cái đĩa mềm của tôi đã bị hỏng, không thể đọc và không sửa được, nhưng không đến nỗi lo vì tất cả đều được lưu giữ trong ổ cứng. Vài ngày sau, chúng tôi đáp phi cơ về nhà là chặng cuối, như thường lệ, tôi đẩy cái máy tính xách tay cách an toàn vào ngăn hành lý bên trên chỗ ngồi.
Hai tiếng ‘an toàn’ có lẽ không phù hợp tí nào trong trường hợp này bởi vì bay khoảng sáu mươi phút thì phi cơ đụng phải một túi hơi, và cùng lúc ruột gan tôi lộn phèo thì cánh cửa ngăn hành lý bật tung ra rồi cái máy tính xách tay phóng ra như hỏa tiễn đập vào sàn tàu, hỏng vĩnh viễn.
Tổng cộng tôi phải mất mười tám tháng ròng rã nghiên cứu tìm tòi cũng như vô số thời gian viết lách. Điều duy nhất còn lưu lại của quyển sách là cái tựa đề ‘Đừng Lo Lắng – Hãy Sống Vui’ mà tôi đã ghim trên vách của văn phòng làm việc.
Tôi tin rằng quý vị sẽ vui đọc và được phước qua phiên bản thứ hai này cũng như tôi đã vui thỏa khi viết lại một lần nữa.
Chương 1
Cũng được Thạnh Vượng về Phần Hồn
Nhu cầu sống khỏe và sống lâu của nhân loại đã được nâng lên một cách đáng kể trong những năm gần đây. Thế hệ này đang chuyên tâm hơn thế hệ trước trong nỗ lực khám phá ra miền đất vàng của sức khỏe.
Con người thời nay đã đạt đến chỗ mà trước đó chưa ai đạt đến trong sự nghiệp phát triển thân hình và trí tuệ toàn bích. Năm lại năm, các công ty lại thiết kế và sản xuất những máy tập thể dục mới luôn để giảm mỡ, tăng cân và làm đem lại cho quý vị cái dư âm và định nghĩa khi nhìn thấy những người mẫu trẻ trung biểu diễn trên kênh truyền hình thương mại ‘get fit’ hãy gọn lại. Hàng triệu cá nhân bất đắc chí đang bị cuốn hút vào để rồi phải nuốt những viên thuốc mới lạ hoặc ghi danh vào một chế độ dinh dưỡng hay nhất hầu mãi mãi làm thay đổi cuộc đời mình. Tôi tin rằng chất bổ sung thích hợp và những máy tập có thể giúp con người đạt được mục tiêu sống khỏe hơn. Tôi cũng tin rằng nhiều món trong số ấy sẽ phỗng đi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ, để mặc cho người ta lâm cảnh túng ngặt khó khăn. Một số sách nói về sức khỏe hiện đang phổ biến là những sách rất ích lợi cho người đọc. Thật ra, hầu hết con cái Chúa không chỉ đọc suông mà thôi, nhưng còn tiếp thu những nguyên tắc mà những cuốn sách ấy đề ra. Tuy nhiên xin nhớ rằng chẳng có chi thay thế được ‘Lời Đức Chúa Trời’. 1 Ti-mô-thê 4: 7-8 Hãy tránh những việc huyền hoặc, làm ngược với đức tin, nhưng phải luyện lòng tin kính. Thật vậy, sự luyện tập thân thể chỉ ích lợi chút đỉnh còn luyện tập lòng tin kính lại ích lợi mọi bề, vì có lời hứa cho cả đời này lẫn đời sau.
Khi sứ đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê rằng ‘Sự luyện tập thân thể chỉ ích lợi chút đỉnh’ thì ông muốn nói về một xã hội dân sự mà phương tiện di chuyển khắp nơi của họ hầu như là bằng đôi chân vì thời ấy người ta chưa phát minh ra xe hơi, tàu lửa và máy bay. Thời ấy, người ta vận động từ lúc thức dậy vào ban mai, cho đến khi mặt trời khuất dạng vào ban tối. Trong thế giới Tây phương, phần lớn chúng ta phát triển thân hình trọn trịa chẳng khác nào những củ khoai tây, và vì bệnh béo phì và bệnh tim mạch đang trên đà gia tăng cho nên muốn quả tim đập đều đặn cho đến khi Chúa đến thì chúng ta nên chạy vài vòng quanh khu phố của mình cách đều đặn mỗi ngày. Một bà vợ bảo tôi rằng món thể thao mà chồng bà ưa thích là môn surfing. Nếu không ‘surfing trên mạng’ thì ‘surfing trên các kênh truyền hình’, và cứ thế mãi cho đến lúc bà phải cột cái remote control vào bàn chân của ông để làm cho ông giảm cân. Sứ đồ Phao-lô được Đức Thánh Linh mặc khải về phần lớn cơ đốc nhân vẫn chưa…Ông thừa nhận, dù là ít, sự luyện tập thân thể vẫn có những giá trị nào đó trong đời này. Nhưng rồi ông dẫn đến ‘ý chính’ mà mình muốn nhấn mạnh “…còn luyện tập lòng tin kính lại ích lợi mọi bề, vì lời hứa cho cả đời này lẫn đời sau.”
Chủ đề mà sứ đồ Phao-lô dạy trong câu này ấy là ‘sự tin kính và Đức Chúa Trời giữ lời hứa’ hay như chúng ta thường nói ngày nay ‘Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài về cả đời này lẫn đời sau’. Khắp Kinh Thánh, Chúa đã đặt để vào đó hằng trăm lời hứa liên quan đến đời sống và sức khoẻ, như ở đây Ngài đã đề cập ‘sự luyện tập đối lại sự tin kính’. Trong suy nghĩ của Phao-lô, sự luyện tập chỉ là phần nổi của tảng băng, trong khi sự tin kính lại là căn cơ của sức khoẻ và thạnh vượng, không chỉ trong đời này mà còn cả đời sau. Một ví dụ điển hình điều này được tìm thấy trong 3 Giăng 3: 1-2, nói rằng, “Anh thân mến, tôi cầu chúc anh được thạnh vượng trên mọi mặt, được mạnh khỏe về phần xác cũng như vẫn thạnh vượng về phần hồn’. Sứ đồ Giăng đã trình này trong thơ tín của ông những huấn thị từ trời nhằm giúp các tín hữu được khỏe mạnh và thạnh vượng. Khi xem xét kỹ phân đoạn này trong đúng ngữ cảnh, chúng ta thấy thật sự đó là một sự hợp tác giữa Chúa và con người. Chúa muốn nói, “Các con hãy làm phần việc của mình và Ta sẽ làm phần việc của Ta” hay nói cách khác “Đừng mong phần xác của con tự nhiên được thạnh vượng khi con bỏ phí phần hồn của mình trong sự ngặt nghèo”.
Khi ghi danh vào một câu lạc bộ sức khỏe người ta cũng thường chỉ định luôn một huấn luyện viên là người sẽ hoạch định một chương trình tập luyện. Xem giống như câu nói của người xưa, “có công mài sắt có ngày nên kim” (nguyên văn ‘no pain, no gain’ – LND).
Tôi đã gặp hàng trăm người lúc nào cũng tỏ ra bất mãn với thực tại, không phải tôi quá khắt khe đâu, nhưng cốt lỗi là ‘nếu sự thể không thay đổi thì vẫn cứ thế’. Điều này có thể mới mẻ đối với một số người, nhưng Đức Chúa Trời là chuyên gia trong lãnh vực giải quyết mọi ‘nhu cầu của nhân loại’. Chỉ có Chúa mới có câu giải đáp.
Trong kinh nghiệm, tôi đã gặp phần lớn những người đang tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng và chung quy họ không thích tiếp cận với phương thuốc của Chúa. Đa số người ta muốn cái điều tốt nhất từ cả hai – Trời lẫn đời – họ cố đeo bám lấy cái hành trang của quá khứ trong khi khao khát chiếm hữu những lợi ích hiện tại của Đức Chúa Trời.
Cuốn sách ‘Đừng Lo Lắng – Hãy Sống Vui’ này là toàn bộ kế hoạch của Chúa nhằm đem lại sức khỏe và sự trưởng sinh cho con người. Đức Chúa Trời mong muốn con dân Ngài hiểu rằng sở ước và mục đích của Ngài trên dân sự là muốn họ sống lâu và thạnh vượng trên đất. Tôi xin khuyến khích quý vị hãy mời Chúa làm huấn luyện viên riêng của mình. Hãy nhập cuộc vào những nguyên tắc của Ngài, hãy rũ bỏ những hành lý cản trở như sự giận dữ và những cảm xúc tiêu cực, rồi ngồi lại để nhìn xem và kinh ngạc về những gì Chúa đã làm.