Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.22

Share

22. Không Có Gì Thay Thế Cho Thần Học

Tri thức quan trọng nhất và hữu ích nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có được đó là tri thức về thần học.

Môn thần học có lẽ nhận được sự lưu ý ít hơn bất cứ những môn học nào khác, tại vì nó chỉ cho chúng ta thấy rằng con người còn đang giấu mình trong những bụi cây trong vườn Ê-đen sau khi đã phạm tội và lìa khỏi sự hiện diện của Ðức Chúa Trời. Nó tạo sự cảm biết sâu sắc bực bội, khó chịu khi con người phải đương đầu trước vấn đề “mối tương giao mật thiết với Ngài”. Học thần học chỉ ra một khoảng cách sâu thẳm giữa Ðức Chúa Trời và loài người, vì thế cho nên loài người chỉ có thể sống bình an với chính họ bằng cách “quên rằng mình vẫn chưa hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời”.

Nếu không có Ðức Chúa Trời, thì mọi sự sẽ hoàn toàn khác hẳn đối với chúng ta. Chúng ta sẽ không mang một gánh nặng trong tâm trí nếu không có ai để chúng ta cuối cùng phải giải thích hành động của mình. Chúng ta chỉ cần phải sống trong luật lệ, không phải làm những nhiệm vụ quá khó khăn đối với tổ quốc, và sẽ không có gì phải sợ cả.

Nhưng Ðức Chúa Trời đã dựng nên trái đất và đặt để con người quản lý nó cùng với ý thức đạo đức, thì bổn phận nặng nề của chúng ta là phải học biết ý muốn Ðức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài.

Ðối với tôi, thuyết hiện sinh phủ nhận sự tồn tại của Ðức Chúa Trời và rồi tiếp tục dùng ngôn ngữ của thuyết hữu thần để thuyết phục con người sống đúng đắn là một điều hết sức mâu thuẫn. Một tác giả người Pháp, ông Jean-Paul Sartre, chẳng hạn, đã khẳng định cách thẳng thắn rằng ông đại diện cho thuyết hiện sinh vô thần. Ông nói: “Nếu Chúa không tồn tại thì chúng ta không tìm thấy những giá trị hay mạng lệnh để hướng tới, cái có thể hợp pháp hóa hành vi chúng ta. Vì thế trong thực tại sáng chói của những giá trị, chúng ta không có lời bào chữa sau lưng mình, cũng không có sự biện hộ ở phía trước chúng ta. Chúng ta hoàn toàn cô đơn, và không hề có lời bào chữa nào.” Nhưng trong đoạn tiếp theo ông lại khẳng định, “Con người chịu trách nhiệm về hành động của chính mình, và một kẻ hèn nhát cũng phải có trách nhiệm về sự hèn nhát của mình.”

Ðối với tôi, dường như những lý lẽ đó đã thừa nhận lẽ thật về những điều mà nó cố gắng tìm cách để phủ nhận. Nếu không có Ðức Chúa Trời, thì không thể có những từ như “trách nhiệm”. Không một phạm nhân nào mà cần phải sợ một quan án vốn không tồn tại; người đó cũng không cần lo lắng về việc phạm luật vốn chưa được thông qua. Chính sự nhận biết rằng luật lệ và quan án là thực sự tồn tại đã dóng lên trong lòng những kẻ phạm luật một hồi chuông lo sợ, vì biết rằng có một ai đó mà chính mình phải chịu trách nhiệm; nếu ngược lại, thì quan niệm về tinh thần trách nhiệm sẽ không thể có một ý nghĩa nào.

Ðiều này chính xác là vì Ðức Chúa Trời thực hữu, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài, và đó là thần học tối quan trọng. Chỉ có sự khải thị của Ðức Chúa Trời mới có câu trả lời cho những vấn nạn không thể trả lời được về Ðức Chúa Trời và số phận con người. Nếu chúng ta để cho những câu trả lời đầy năng quyền này bị lãng quên, và đi tìm kiếm những lời giải đáp ngoài sự mặc khải của Ðức Chúa Trời cho loài người qua Kinh thánh, thì đối với tôi, đó là điều dường như chẳng khác gì hơn là sự điên rồ.

Không có một tài xế nào bào chữa được cho hành động điên rồ khi bị lạc đường vì không tham khảo bản đồ, nhưng lại tìm đường bằng cách quan sát đường bay của những con ong rừng, xem xét sự chuyển động của những tinh tú, hoặc là dùng xí ngầu để tìm hướng đi. Nếu không có bản đồ, một người có thể định hướng bằng các ngôi sao; nhưng đối với một du khách muốn tìm đường về nhà, thì các ngôi sao quả là vật thay thế điên rồ nhất cho bản đồ.

Không có bản đồ nhưng người Hy Lạp đã làm những vật định hướng rất đáng khâm phục; người Hê-bơ-rơ thì có bản đồ và vì thế họ không cần đến triết lý con người. Những đoạn có tính chất hùng biện của Ê-sai, và những bài thánh vịnh đầy cảm hứng của Ða-vít đã chứa đựng sự giúp đỡ thực tế cho loài người hơn là tất cả những sản phẩm trí tuệ ưu tú nhất của Hy Lạp trong suốt những thế kỷ đã qua.

Sự thờ ơ hiện tại của con người văn minh đối với Lời Kinh Thánh được hà hơi là một điều đáng xấu hổ, và là một sự xúc phạm; vì chính những phân đoạn Kinh Thánh đó cho họ biết tất cả những gì họ muốn biết hay nên biết về Ðức Chúa Trời, linh hồn mình và số phận con người. Thật mỉa mai một điều là con người đã và sẽ tiêu phí thời gian lẫn tiền bạc trong nỗ lực khám phá những bí mật quá khứ của mình khi mà tương lai họ mới thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Không một người nào cần chịu trách nhiệm về tổ tiên của mình; và cái quá khứ duy nhất họ phải chịu trách nhiệm là cái quá khứ ngắn ngủi mà họ đã sống ở trên trần gian này. Học biết làm thế nào tôi có thể thoát khỏi tội lỗi tôi đã phạm trong những ngày qua, làm thế nào tôi có thể sống tự do khỏi tội lỗi và cuối cùng bước vào sự hiện diện phước hạnh của Ðức Chúa Trời trong một ngày mai vui vẻ – Những điều đó đối với tôi quan trọng hơn bất cứ gì đã khám phá được từ những nhà nhân chủng học. Thật là một sở thích sai lầm kỳ dị khi tôi thấy loài người cứ chúi mũi vào bụi đất mà tìm kiếm quá khứ của họ trong khi họ được trang bị để nhìn lên sự vinh hiển tột cùng của Ðức Chúa Trời.

Bất cứ điều gì kéo tôi ra khỏi Kinh Thánh thì nó là kẻ thù của tôi, mặc dù nó có vẻ vô hại ra sao.

Bất cứ điều gì lôi kéo sự chú ý của tôi khi tôi suy gẫm về Ðức Chúa Trời và những điều thuộc cõi vĩnh hằng đều làm thương tổn linh hồn tôi. Nếu để sự lo âu về cuộc sống thế chỗ cho Lời Chúa trong tâm trí tôi, thì tôi sẽ phải mất mát những điều mà lẽ ra tôi đã sở hữu. Nếu tôi chấp nhận bất cứ thứ gì khác thay vì Kinh Thánh thì tôi đã bị lừa, và đã bị cướp đoạt hết những điều tốt đẹp mà chỉ còn lại sự nhầm lẫn đời đời của tôi mà thôi.

Bí mật của sự sống có tính chất thần học và chìa khóa vào thiên đàng cũng vậy. Chúng ta học thì khó khăn, quên lãng lại rất dễ dàng và phải chịu nhiều điều rối trí. Vì thế chúng ta nên đặt để lòng mình vào việc nghiên cứu thần học. Chúng ta nên giảng về nó trên tòa giảng, hát về nó trong các bài thánh ca, dạy dỗ nó cho con cháu chúng ta và biến nó thành đề tài chính của những cuộc nói chuyện khi chúng ta gặp các bạn Cơ Ðốc của mình.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan