“Đức Chúa Jêsus bảo: “Hãy chăm sóc những chiên con của Ta.” (Giăng 21:15c, BTTHĐ 2010). Tôi hiểu từ “chiên con” ở đây bao gồm những bạn trẻ trong và ngoài hội thánh. Dù có một chiều dài và chiều sâu tương tác với các bạn này trong nhiều năm, tôi phải luôn làm mới lại những hiểu biết của tôi mình về những điều quan trọng mà tôi cần biết khi đến với họ. Qua học hỏi từ cách các danh nhân Kinh Thánh, trải nghiệm của những người đi trước, những bài học kinh nghiệm của chính mình, và từ nhiều bạn trẻ, tôi thấy được những điều quan trọng đó và sự biến hóa của chúng theo thời điểm, địa điểm và hoàn cảnh. Chúng giúp ích rất nhiều cho tôi, đặc biệt là chúng lập nên những chủ đề cho tôi cầu nguyện và thực hành khi vươn đến các bạn trẻ. Vậy xin chia sẻ lại những điều này với các quý vị đang vươn đến các bạn trẻ mà Chúa Giê-xu gọi là “những chiên con của Ta.”
1/ Xin Chúa giúp con thật sự yêu thương họ như là những người “bạn” trẻ của con.
Dĩ nhiên là các bạn trẻ có sự hiểu biết tương đối luôn tỏ lòng tôn trọng những người lớn tuổi hơn họ. Dĩ nhiên là có những lúc và những nơi mà quan hệ giữa các bạn trẻ với tôi là quan hệ giữa một người trẻ và một mục sư, lãnh đạo nhân sự hay một tín hữu khá lớn tuổi hơn họ. Nhưng tôi luôn tìm cách, với lòng chân thật và yêu thương, để họ thấy tôi là một người bạn.
Tôi không giả vờ làm bạn với các bạn trẻ chỉ vì cần lấy lòng họ để họ làm một số việc nào đó cho tôi một cách hết lòng, moi tìm một số thông tin hay sự việc tôi cần biết, hoặc tạo những ấn tượng cho người khác (thường là gia đình của họ) hay hội thánh vv…
Khi còn chưa dọn lòng mình cho các bạn trẻ, tôi thường hiểu cạn cợt Giăng 15:14 – Nếu các con làm theo điều Ta truyền dạy thì các con là bạn hữu Ta – để chỉ giới hạn chuyện làm bạn trong vòng các bạn trẻ có đời sống tin kính tốt hay các thân hữu trẻ cởi mở với hội thánh. Nhưng sau này tôi học biết rằng ngay trong lúc các môn đồ còn chưa hiểu biết về Ngài, Chúa Giê-xu đã gọi họ là bạn trong Lu-ca 12:4, Ta nói với các con là bạn hữu Ta: Đừng sợ những kẻ giết thân thể rồi sau đó không làm gì được nữa.
Tôi luôn cầu xin Đức Thánh Linh rải tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong lòng của mình (Rô-ma 5:5) để tôi luôn xây dựng một tâm tình yêu thương và làm bạn với các bạn trẻ trong và ngoài hội thánh theo cách của Chúa Giê-xu.
Hiểu biết như vậy nhưng tôi đã có nhiều năm trăn trở với một vấn nạn mà trong những lúc tôi yếu đuối thì nó có thể xâm nhập trở lại trong tôi. Đó là làm vấn đề làm sao tôi có thể chịu đựng được những bạn trẻ có linh “nổi loạn” ngấm ngầm trong họ theo kiểu “theo Chúa chứ không theo hội thánh.” Một phần nào chuyện này cũng là do họ bị quá bức xúc quá trước những sai trật trầm trọng của nhiều đời lãnh đạo hội thánh đã qua. Những bạn trẻ này có khá nhiều trong hội thánh chứ không phải là hầu hết họ là ở ngoài hội thánh.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ đặc biệt giữa Chúa và các bạn trẻ này. Tôi cho rằng chúng ta cần dầm thắm mình với ba lẽ thật: (1) Mỗi người trên thế gian này, dĩ nhiên là trong đó có các bạn trẻ mà chúng ta nói đến ở trên, được Chúa dựng nên theo ảnh tượng của Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:26-27); (2) Chúa yêu mỗi người mà Chúa dựng nên như vậy và Ngài không muốn một ai trong họ bị chết mất (Giăng 3:16; 1 Phi-e-rơ 3:9); (3) Không có điều gì mà Chúa không làm được (Lu-ca 1:37), kể cả việc biến đổi họ như là biến đổi kẻ bắt giết dân Chúa là Sau-lơ trở thành Sứ đồ Phao-lô (Công Vụ 9:1-29).
Cho nên tôi cố gắng cầu xin Chúa thêm đức tin cho tôi, rằng trong chương trình của Chúa, sẽ có một ngày những bạn này trở nên những người đầy ơn của Chúa. Nếu cần vài hình ảnh minh chứng thì chắc chúng ta vẫn nhớ được ba thanh niên cùng có tên là Trung và một người có tên là Phương đã ghiền ma túy, sống “nổi loạn” cho đến ngày mà người ta nghĩ là họ tàn đời rồi và chỉ chờ chết. Nhưng chính trong những ngày đó Chúa đã chữa lành, giải cứu và biến họ thành những người điều hành những trung tâm cai nghiện lớn ở Việt Nam.
2/ Xin Chúa giúp con hòa đồng với các bạn trẻ một cách tự nhiên và thích hợp.
Không có điểm chung với nhau thì không thể làm bạn với nhau. Chúa Giê-xu đã đến thế gian trong vị trí là một con người với đầy đủ nhân tính (Phi-líp 2:6-11). Sự hòa đồng này là một đặc tính nền tảng của chương trình cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tôi phải hòa đồng, dĩ nhiên là một cách thích đáng, với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn chưa biết đến Chúa Giê-xu.
Phao-lô nói rằng: “Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối để có thể chinh phục những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào.” (1 Cô-rinh-tô 9:22).
Ông không có ý nói là tôi sẽ ăn mặc theo thời trang của các bạn trẻ hay tập uống bia để có thể tâm sự với họ ở quán bia. Bia rượu là một đề tài khác mà tôi sẽ chia sẻ trong một bài khác. Các bạn trẻ sẽ “kinh hoảng” hơn là “nể phục” khi thấy chúng ta không ăn mặc một cách tự nhiên khi đến với họ mà lại “biến dạng” đi với lời nói, cử chỉ, quần áo và tóc tai hoàn toàn theo thời trang của họ!
Phao-lô có ý nói rằng để vươn đến những người chưa biết Chúa, ông sẽ giả sử đặt đời sống và tâm linh của ông vào tình trạng yếu đuối của đời sống và tâm linh yếu của họ – để Chúa sẽ cho ông thấy những buồn vui, nan đề, trăn trở, yếu đuối và ưu điểm vv… của họ. Chúa sẽ giúp ông ở trong một tri thức lạ lùng là ông không cần phải trãi nghiệm sự yếu đuối và bại hoại của họ – ông không phải phạm tội như họ để hiểu họ – nhưng linh thần ông hiểu thấu được sự đau thương và khả năng bị hư mất của họ. Đó là một trong những bước mà ông dùng để vươn đến với họ, hiểu được tình trạng đời sống vật chất-tình cảm-tinh thần-thuộc linh của họ – để ông có thể yêu linh hồn của họ như Chúa Giê-xu yêu. Và bởi đó ông mới có thể dùng toàn vẹn ơn quyền mà Chúa ban cho ông mà chia sẻ mọi điều với họ một cách sâu nhiệm và yêu thương, và qua đó mời gọi họ đến với Chúa Giê-xu.
Xin đừng hiểu lầm, tôi không có ý chỉ trích những vị được sự kêu gọi đặc biệt của Chúa để sống, ăn mặc và sinh hoạt hoàn toàn giống như họ. Tôi biết một số vị này. Lạ lùng làm sao, cách sống hoàn toàn hòa đồng của họ được các bạn trẻ (một số là thành phần xã hội đen) đón nhận và nể phục. Tôi tin rằng khi kêu gọi họ sống như vậy thì Chúa đã ban cho họ một linh thần và uy quyền bắt phục một cách siêu nhiên – để Thánh Linh Chúa vận hành trong các bạn trẻ khiến các bạn đón nhận một cách tự nhiên.
Chìa khóa của sự hòa đồng như thế nào với các bạn trẻ nằm trong sự kêu gọi vươn đến các bạn trẻ và mức độ của sự kêu gọi đó. Vì từ đó mà Chúa ban ơn quyền, năng lực và thẩm quyền của Ngài cho chúng ta vươn đến các bạn trẻ. Do đó tôi luôn xin Chúa tái xác nhận cho tôi về sự kêu gọi và mức độ của sự kêu gọi vươn đến các bạn trẻ.
Để hòa đồng một cách tự nhiên và thân thiện tôi cố gắng tìm hiểu cách nói chuyện, ngôn ngữ, nếp sinh hoạt, loại nhạc, phim ảnh, những “thần tượng”, cách chọn nhóm bạn và kể cả chuyện ăn uống vv của các bạn trẻ. Mục đích của sự hòa đồng là để hiểu, cảm thông, vươn đến, đặc biệt là giúp đỡ, cầu nguyện và chia sẻ tin lành cho họ.
Tôi tin rằng chúng ta cùng hiểu về một lẽ thật trong sự phục vụ. Đó là sự kêu gọi của Chúa luôn luôn chứa đựng rất nhiều ơn phước và nguồn vui. Không vui sao được khi mà sự vươn đến của chúng ta đã giúp cho nhiều bạn trẻ trong hội thánh được phục hồi, lớn lên và vững mạnh trong đức tin và sự phục vụ. Không vui sao được khi có thân hữu trẻ của chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu. Không mừng sao được khi một số thân hữu trẻ từ chối tin nhận Chúa nhưng sẵn sàng đóng góp với hội thánh để phục vụ cộng đồng (và thường thì các bạn này sẽ qua đó mà thấy rõ hình ảnh Chúa trong hội thánh mà tiếp nhận Ngài!). Không nức lòng sao được khi những gì Chúa cho tôi học được khi vươn đến với các bạn trẻ, sau này, đã cho tôi một kho báu những trãi nghiệm để dùng vươn đến chính các con của chúng tôi. Những vui mừng và ơn phước như trên đang được Chúa dọn sẵn cho người đáp lời Chúa vươn đến các bạn trẻ.
3/ Xin Chúa giúp con không tự tôn hay kiêu ngạo nhưng cùng các bạn trẻ đồng hành với một tâm tình khích lệ, khuyên bảo, hỗ trợ và nhắc nhở lẩn nhau.
Có một giai đoạn tôi đang tự tôn mình lên làm thầy các bạn trẻ mà tôi không biết.
Tôi thấy rõ sự ngây thơ, non nớt, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và “mau nguội” của các bạn trẻ (trong và ngoài hội thánh) trong nhiều mặt. So với họ tôi là một người có tuổi, trưởng thành, chững chạc, hiểu sâu biết rộng, nhiều trãi nghiệm và luôn “nóng” đều đều. Cho nên tôi đã tìm mọi cách để chỉnh sửa, dạy và gò họ vào một khuôn khổ để giúp họ trở nên giống tôi. Tôi dần dần trở nên thầy của họ. Tôi dần dần khiến họ trở nên những “môn đồ” của tôi. Tôi dần dần thấy mình là lãnh tụ thuộc linh của họ.
Cho đến một ngày kia Chúa Giê-xu mở mắt tôi: “Nhưng các ngươi đừng để người nào gọi mình là thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn mọi người đều là anh em.” (Ma-thi-ơ 23:8). Chúa Giê-xu nói rất rõ là tất cả chúng ta chỉ có một Thầy là Ngài. Tất cả chúng ta đều cùng là môn đồ của Chúa Giê-xu. Không ai trong chúng ta là “môn đồ” của một ai khác ngoài Ngài. Tất cả chúng ta là những anh chị em đồng hành trong bước đường trở nên môn đồ của Ngài.
Phao-lô nói về chức năng tự nhiên của những người đồng hành như vậy, trong Rô-ma 15:14: “Thưa anh em, chính tôi tin chắc rằng anh em vốn giàu lòng nhân ái, đầy sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau. Chữ “khuyên bảo” ở đây được dịch ra từ nguyên bản tiếng Hy-lạp thời đó là νουθετει bao gồm các ý nghĩa khuyên bảo, cảnh báo, khuyên răn, nhắc nhở. Cùng một ý với Rô-ma 15:14, Phao-lô viết trong Hê-bơ-rơ 3:13, “Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay,” để không một ai trong anh em bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng (Hê-bơ-rơ 3:13). Chữ “khuyên bảo” trong Hê-bơ-rơ 3:13 được dịch ra từ nguyên bản tiếng Hy-lạp thời đó là παρακαλειτε, cũng bao gồm các ý nghĩa tương tự như là khuyên bảo, chỉ dẫn, khích lệ.
Nói tóm lại, tất cả chúng ta đều là môn đồ của Chúa Giê-xu.
Dù trẻ hay già, thế hệ trước hay thế hệ sau, chúng ta phải là những người đồng hành, hỗ trợ, khích lệ, khuyên răn, cảnh báo lẫn nhau vv để cùng sống đạo, làm chứng, chia sẻ tin lành và dạy người tin trở nên môn đồ của Ngài giống như chúng ta là những môn đồ của Ngài (Ma-thi-ơ 28:18-20).
Hạ mình, hòa đồng với giới trẻ có làm mất đi địa vị và thẩm quyền của chúng ta không? Trãi nghiệm của nhiều người và tâm tình của nhiều bạn trẻ nói là không đâu. Điều đó càng làm họ đến gần những người đi trước họ.
Các bạn trẻ có óc tò mò, tìm hiểu và khám phá. Ma quỷ bắt lấy bản tính này để cám dỗ các bạn trẻ vào con đường sai lạc, tối tăm và tội lỗi. Khi thất bại không làm được những điều đó, chúng kích động lòng tự tôn và kiêu ngạo của tôi. Nếu tôi cứ giữ lấy vai trò người đàn anh hay đàn chị đi trước lấy lòng yêu thương, khiêm nhường chia sẻ lại cho người đi sau là các bạn trẻ — thì chính Chúa Giê-xu và Thánh Linh của Ngài đang ngự trong lòng các bạn trẻ sẽ vận hành trong họ một tâm linh vui thích, yêu thương mà tò mò, tìm hiểu và khám phá xem Chúa đã làm những gì cho tôi. Các bạn sẽ nể phục tôi một cách tự nhiên trong Chúa và không mắc bệnh tôn tôi lên (hay để tôi tôn mình lên) làm lãnh tụ thuộc linh của các bạn. Thế là ma quỷ phải thất bại thêm một lần thứ hai nặng và đau hơn lần thứ nhất.
Nhưng nếu tôi trở nên tự tôn và kiêu ngạo, muốn họ làm môn đồ của tôi thì các bạn trẻ cũng có ơn khôn ngoan và nhận biết của Đức Thánh Linh để thấy ra là họ chỉ có thể làm môn đồ của Chúa mà thôi.
Điều đáng tiếc là các bạn trẻ khác thiếu sự khôn ngoan và nhận biết sẽ hoặc là bị vấp phạm khi nhìn ra những bất toàn của tôi là “lãnh tụ” mà rời khỏi tôi – bằng cách này hay cách khác – trong sự cay đắng, thất vọng và sa sút. Hoặc là họ sẽ tiếp tục say mê lãnh tụ và trở nên môn đồ trung tin của tôi thay vì là môn đồ trung tín của Chúa. Và thế là ma quỷ tạm thời thắng hai trận lớn liên tiếp, vừa đánh bại hơn một nửa thế hệ sau vừa tiếp tục đánh ngã thế hệ trước.
Có thể nói rằng nhiều người đi trước đã xây dựng những người trẻ trở nên những “môn đồ” của họ để họ có thể giữ lấy quyền lực, ảnh hưởng và thẩm quyền của mình trên những người trẻ. Nếu bị vướng mắc vào điều này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thật sự vâng phục Chúa để làm được như Ê-li là dẫn dắt và chuyển giao sứ mạng cùng ơn quyền lại cho Ê-li-sê.
Xin Chúa cho chúng ta xây dựng được một tâm tình như của Phao-lô. Ông dạy dỗ Ti-mô-thê và Tít như là người cha thuộc linh của họ để nuôi dưỡng và dẫn dắt họ trở nên hai môn đồ của Chúa Giê-xu và bởi đó mà họ được Ngài đại dụng đồng công với ông trong những sứ vụ truyền giáo.
4. Xin Chúa giúp con không mặc cảm tự ti nhưng vui mừng phục vụ cho sự thành công của các bạn trẻ trên bước đường cùng trở nên những môn đồ của Chúa Giê-xu.
Ngược lại với tự tôn và kiêu ngạo là mặc cảm tự ti.
Thành thật mà nói, các bạn trẻ của chúng ta giỏi hơn và được ơn hơn chúng ta trong nhiều lãnh vực. Nhiều bạn có lòng sốt sắng nóng cháy một cách bền bĩ. Họ không ngại gian khổ, thiếu thốn và nguy hiểm khi phục vụ Chúa và người khác. Họ không bị rúng động khi bị bắt bớ, tẩy chay, ruồng bỏ hay bị quên lãng. Họ nhắm mục đích mà chạy một cách dứt khoát không ngó lại để tiếc nuối về những cơ hội làm giàu, được danh tiếng và quyền thế vv. Một số bạn trẻ có đời sống cầu nguyện mạnh mẽ và trung tín đặc biệt. Nhiều bạn chịu khổ và hy sinh để có những hiểu biết (và kể cả bằng cấp) thần học một cách sâu xa và xây dựng đức tin trên nền tảng Kinh Thánh. Thế mà một số người trong thế hệ đi trước chúng ta lặng lẽ đứng xa xa khỏi họ vì sợ họ sẽ nổi bật hơn mình. Đó là chưa nói đến chuyện “dìm” các bạn này vì sợ họ lấn át mình hay thay thế mình.
Thật sự thì không có bạn trẻ nào, dù được ơn lớn cách mấy, lại không cần đến những trãi nghiệm của chúng ta là những người đã đi trước trong Chúa. Các bạn này cũng thiếu những ơn, kỹ năng và dĩ nhiên là những trãi nghiệm mà những người đi trước họ đang có. Nếu chịu lắng nghe họ, chúng ta sẽ thấy lòng của họ khao khát mong được sự nâng đỡ và cộng tác của những người đi trước là quý vị và tôi.
Không ai trong chúng ta, nếu ham thích những câu chuyện đáng nhớ trong Kinh Thánh, mà không nhớ đến câu chuyện người quan xét và thầy tế lễ già Hê-li dạy cậu bé Sa-mu-ên cách trả lời Chúa khi nghe tiếng Chúa kêu gọi mình.
Hê-li phạm nhiều tội rất lớn khi để cho hai con trai xúc phạm đến của tế lễ và dâm loạn trong nơi thánh mà không kỷ luật hay cách chức chúng (1 Sa-mu-ên 2:12-17,22-25; 27-36). Nhưng cậu bé Sa-mu-ên được ơn Chúa. Một đêm nọ, Chúa gọi cậu nhưng cậu không phân biệt được tiếng Chúa nên cứ tưởng là Hê-li gọi mình nên chạy đến thưa với ông là “Có con đây, vì ông đã gọi con.” Hê-li nói “Ta không gọi, hãy ngủ lại đi!” Lần thứ hai cũng vậy. Nhưng đến lần thứ ba thì Hê-li biết là Chúa gọi cậu bé Sa-mu-ên. Hê-li dạy cậu bé cách đáp lời khi Chúa sẽ gọi: ‘Lạy Đức Giê-hô-va, xin phán dạy, vì đầy tớ Ngài đang nghe!’” (3:1-9).
Một người dù phạm tội và mất đi ơn được trực tiếp nghe tiếng Chúa phán dạy như Hê-li vẫn có thể truyền đạt cho người được Chúa kêu gọi như Sa-mu-ên biết cách đáp lại lời Chúa kêu gọi.
Chúng ta có thể truyền đạt cho các bạn trẻ những trãi nghiệm thất bại để các bạn trẻ sẽ tránh được những mất mát về thời gian, công sức, tâm trí và những tổn thương, và những thất bại (nhiều khi rất đau thương) mà chúng ta đã trãi qua. Chúng ta có những trãi nghiệm thành công trong Chúa để giúp các bạn trẻ không bị mất những cơ hội Chúa mở đường và nhanh chóng xây dựng những kết quả phục vụ và phát triển cho dân sự và hội thánh của Chúa. Như vậy chúng ta giúp các bạn rút ngắn được bước đường tăng trưởng trở nên người môn đồ hữu dụng cho Chúa.
Có một lúc nào đó, Chúa sẽ cất nhắc các bạn trẻ lên cao hơn chúng ta về địa vị, thẩm quyền, ơn tứ và sứ mạng (cũng như ngày xưa Chúa cất chúng ta lên cao hơn những đàn anh đi trước của chúng ta). Nhưng Chúa vẫn dùng ơn tứ của chúng ta để yêu giúp các bạn trong những giây phút hệ trọng.
Tôi rất thích câu chuyện Giê-trô khuyên Môi-se. Sau khi đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập Môi-se chính thức trở thành người lãnh đạo tối cao của họ. Ơn quyền và sự vinh hiển của Chúa đầy dẫy trong đời sống của Môi-se. Một ngày kia Giê-trô, cha vợ của Môi-se, chỉ là một người chăn chiên bình thường đến thăm Môi-se. Xuất Ai Cập Ký 18 kể lại là khi đến thăm Môi-se và thấy cảnh Môi-se cực nhọc ngồi xét xử dân sự từ sáng đến tối, Giê-trô đã khuyên Môi-se:
Con làm như vậy không tiện. 18 Cả con lẫn những người đến với con cũng đều mệt nhoài. Công việc quá nặng nề cho con, một mình con gánh không xuể. Con sẽ kiệt quệ mà dân cũng mỏi mòn. 19 Con nghe cha nói rồi cha sẽ trình bầy cho con một vài lời khuyên; cầu xin CHÚA ở với con. Con phải là người đại diện của dân chúng trước mặt Đức Chúa Trời và trình cho Ngài biết các cuộc tranh tụng của họ. 20 Con dạy cho họ các mạng lệnh và luật lệ và chỉ dẫn cho họ biết cách họ phải sống và bổn phận họ phải thi hành. 21 Trong toàn dân con cũng phải lựa chọn những người có khả năng, kính sợ Đức Chúa Trời, đáng tin cậy và ghét lợi bất chánh, rồi bổ nhiệm họ vào cấp lãnh đạo, chỉ huy từng ngàn, trăm, năm mươi và mười người. 22 Con dùng họ làm người xét xử thường xuyên để giải quyết những vụ đơn giản, còn vụ khó khăn thì đem trình cho con. Như vậy họ sẽ chia sẻ trách nhiệm với con và gánh nặng của con sẽ vơi đi rất nhiều. 23 Nếu con làm như vậy, và nếu Đức Chúa Trời cho phép, con mới có thể đảm đương trọng trách và dân chúng mới an lòng khi về nhà.
— Xuất Ai Cập Ký 18:17b-23
Một lời khuyên đúng lúc, đầy sự khôn ngoan, đầy lòng hỗ trợ và cảnh báo của Giê-trô đã giúp Môi-se lập nên một hệ thống tổ chức hành chánh, tư pháp và quân đội trong suốt lịch sử dân Y-sơ-ra-ên cho đến khi bị lưu đày.
Một góp phần nhỏ của người đi trước có thể biến đổi làm vững mạnh, thành công và kết quả sâu rộng hơn cho chức vụ của người đi sau. Có rất nhiều những cơ hội như vậy cho quý vị và tôi.
Chúng ta đừng tự tôn, kiêu ngạo, cũng đừng mặc cảm tự ti nhưng hãy cùng với các bạn trẻ khuyên bảo, hỗ trợ, cảnh báo vv lẩn nhau trên bước đường cùng trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu.
(Còn tiếp)
Trần Ngọc