Đại dịch vẫn còn. Nhiều Hội thánh mở cửa đón tín hữu đến nhóm lại nhưng lại rất thưa thớt — hay là ít ra thưa hơn trước đây. Vì nhiều lý do, vài người cần tiếp tục ở nhà. Nhưng còn những hội chúng có ít nguy cơ nhiễm bệnh hay là đã tiêm đủ liều vắc-xin vẫn thích xem tường thuật trực tiếp lâu hơn chúng ta tưởng.
- Như Bonhoeffer đã từng nói trong quyển sách Sống với nhau là: “Sự có mặt của tín hữu kia là niềm vui và sức lực không gì sánh bằng cho tín hữu này”. Chỉ cần Cơ Đốc nhân khác có mặt cũng đủ tác động lên tâm hồn của chúng ta, bề sâu của sự tác động này là điều chúng ta có thể cảm biết được. Đó là một lý do Kinh Thánh khuyên chúng ta phải gặp nhau. Chúng ta là thân thể của Đấng Christ, kết nối với nhau về mặt hữu cơ, sự sống và sức lực của Đấng Christ tuôn chảy ở trong chúng ta thông qua việc ở với nhau.
- Buổi nhóm thờ phượng trực tuyến chỉ có sự dự phần của một chiều, chứ không phải hai chiều. Chúng ta là những người tiếp nhận, chứ không thể ban cho gì cả. Chúng ta thấy người khác hướng dẫn thờ phượng, giảng luận, cầu nguyện — nhưng họ không thể thấy chúng ta. Họ không thấy đôi mắt, bộ dạng, tính đoàn kết của chúng ta. Tích cực mà nói thì chúng ta chỉ là số liệu xuất hiện trên màn hình được tường thuật trực tiếp.
- Chúng ta dùng màn hình để làm việc và giải trí. Nhưng nhóm lại thờ phượng không rơi vào một trong hai phạm trù đó. Theo dõi buổi nhóm thờ phượng trên màn hình có thể làm mờ nhạt đi tính đặc biệt của buổi nhóm, vì số liệu trung bình đã cho thấy mọi người muốn trộn lẫn thì giờ nhóm lại với những thực tại trong đời sống như công việc và giải trí.
- Đến nhóm lại sẽ mất nhiều nỗ lực hơn. Chúng ta phải thay đồ ngủ ra và mặc quần jeans vào. Chúng ta phải chạy xe đi. Nếu có con cái, chúng ta phải làm xong mọi thủ tục để tất cả được chỉnh tề và đi nhóm. Ở xứ lạnh thì có tuyết, đá và không khí lạnh. Tốt thôi! Chúng ta đang dạy con cái và tâm hồn của mình biết quý trọng buổi nhóm thờ phượng. Sự cố gắng dạy chúng ta có một hướng đi lành mạnh, củng cố giá trị cố định của sự nhóm lại với Cơ Đốc nhân khác.
- Không chỉ buổi nhóm thờ phượng thôi đâu; còn cả khoảng thời gian trước khi nhóm lại nữa, những cuộc đối thoại ngắn ngủi, những cái vẫy tay trong phòng nhóm, những lời hỏi thăm đang khi rửa tay trong nhà vệ sinh. Tất cả đều không còn nữa khi nhóm trực tuyến tại nhà. Thay vì ra khỏi nhà lúc 9:10 để kịp giờ nhóm lúc 9:30, đến nơi lúc 9:25, còn vài phút để thông công với nhau — sau đó là thông công không vội vàng và mấy lời khích lệ sau giờ nhóm — thì chúng ta mở máy tính lúc 9:29 và đóng nó lại ngay sau khi hát lễ chung. Càng nhóm trực tuyến chừng nào thì các mối quan hệ của chúng ta càng suy yếu chừng nấy.
- Còn một điều nữa rất khó nói, cho dù nó có liên quan đến điều vừa rồi. Về mặt tâm lý, chắc chắn sẽ bị “kẹt xe” trên đường đến nhà thờ, tìm bãi đỗ xe, đi bộ đến nhà thờ, tìm chỗ ngồi. Sau đó, chắc chắn cũng bị “kẹt xe” nữa khi chúng ta rời khỏi nhà thờ, lái xe về nhà và ngẫm nghĩ về những gì vừa xảy ra. Tất cả đều không còn nữa khi sự cố kẹt xe trước và sau giờ nhóm bị thay thế bằng việc mở và đóng máy tính. Buổi nhóm thờ phượng phải được chuẩn bị cho và được tiếp nhận, rồi dốc sức duy trì chương trì thật tốt nhưng lại bị xao lãng bởi sự thờ phượng quá thoải mái trên ghế nệm.
- Sự cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện với ai nếu cứ ở nhà? Có lẽ là với vợ. Nhưng chúng ta cần Cơ Đốc nhân khác để cầu nguyện nữa. Chúng ta muốn học biết cách vượt qua những biến cố trong đời giống như có Đức Chúa Trời đi bên cạnh, mà thực ra Ngài đang ở cùng. Sự tấn tới như thế sẽ làm suy giảm lối sống tách biệt bấy lâu nay.
- Sự khích lệ. Chúng ta hết sức coi thường sức mạnh thuộc linh của sự khich lệ, từ người khích lệ cho đến người được khích lệ. Một lý do chúng ta nhóm lại là để khích lệ, tức là để gây dựng lẫn nhau. Tôi hỏi thăm một người bạn; anh ta hỏi một tuần qua của tôi như thế nào; tôi nói về thách thức mà mình đang tìm hướng giải quyết; anh ta nói “Đừng bỏ cuộc; Chúa ở cùng anh”. Một cuộc đối thoại 30 giây, chỉ xuất hiện và biến mất như vậy thôi đấy — còn tâm hồn của tôi được nâng đỡ biết bao.
- Thật khó cho người truyền đạo nếu chúng ta cứ ở nhà. Ông không thấy chúng ta. Ômg biết đang có vài người theo dõi, nên cũng cố gắng hình dung ra chúng ta từ bục giảng mỗi khi lướt mắt nhìn vào ống kính hết lần nầy đến lần khác. Nhưng ông làm gì biết chúng ta đang gật đầu hay gật gù. Ông không nhận được tín hiệu phản hồi từ chúng ta. Chúng ta có thể nhảy nhót vui mừng, còn ông thì chẳng biết gì. Giảng luận lành mạnh phải có sự tương tác — còn người truyền đạo của chúng ta thiếu thốn những cặp mắt, những cái gật đầu, sự chú ý của chúng ta, khi ông đang chia sẻ sứ điệp. Mục sư cần nhìn thấy chúng ta.
- Bài giảng sẽ khó nuốt hơn cho chúng ta nếu cứ ở nhà. Ngồi ghế nệm để theo dõi người truyền đạo chỉ có cái đầu xuất hiện trên màn hình cũng không thú vị gì mấy khi ngồi cách xa 20 bước chân, trong căn phòng cách âm hiện đại, xung quanh có hàng tá Cơ Đốc nhân khác cũng đang lắng nghe với chúng ta. Chú ý nghe người truyền đạo giảng bằng hình ảnh 2 chiều chắc chắn sẽ không bằng người truyền đạo giảng bằng hình ảnh 3 chiều.
- Buổi nhóm thờ phượng bên trong nhà thờ của chúng ta không phải lúc nào cũng có bản thảo. Chúng ta sẽ phải hỏi thăm ai đó mà mình chưa hề gặp bao giờ. Một vị khách có thể ngồi ngay bên cạnh để chúng ta có cơ hội chào đón họ. Chúng ta có thể đóng vai trò dẫn dắt người khác đến với Đấng Christ. Ngồi ghế nệm ở nhà thì mấy chuyện nầy làm sao diễn ra được. Mọi thứ đều đã có kịch bản rồi. Hầu như không có những tình huống bất ngờ như vậy đâu.
- Khi chúng ta ở trong phòng nhóm, chúng ta không có phím im lặng. Chúng ta không có phím tạm dừng để làm một ly cà phê. Chúng ta không có phím điều khiển âm thanh. Chúng ta se ít bị cám dỗ mở điện thoại ra xem ai nhắn tin cho mình. Khi chúng ta ở nhà thờ, chúng ta hoàn toàn bị môi trường chi phối hoàn toàn. Chúng ta bị mắc kẹt với Cơ Đốc nhân khác ở trước mặt Đức Chúa Trời. Thật là tốt thay!
- Hát. Có lẽ chúng ta đang nghe hội chúng hát qua mấy cái loa ở nhà, nhưng chúng ta đều biết là nghe loa khác với giọng thật của mọi người ở xung quanh mình. Cũng vậy, đối với việc đọc Kinh Thánh cùng cả hội chúng, hay là đọc một đoạn Kinh Thánh đối đáp, ngay cả nếu phải đọc với khẩu trang. Có một cảm giác không tự nhiên xảy ra với chúng ta và gia đình của mình ở trong phòng khách. Những thành viên trong nhà cần nghe chúng ta hát. Chúng ta đang thêm sức cho họ khi cất tiếng hát. Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta có hát đúng cao độ hay không. Dù họ biết hay không biết, chúng ta đang củng cố thần học của họ bằng giọng hát củ chúng ta.
- Tiệc thánh. Chúng ta mất đi cơ hội để dự Lễ tiệc thánh nếu cứ ở nhà, nhưng chúng ta tin rằng đây là nguồn lực quan trọng để làm vững thuộc linh — chứ không đơn thuần là kỷ niệm.
- Thời gian. Thời gian càng trôi qua, càng được thoải mái khi nhóm thờ phượng ở nhà, thì chúng ta càng “mất dáng” chừng nấy. Chúng ta không nhóm thờ phượng chung nữa. Chúng ta đợi càng lâu, chúng ta sẽ thấy nhóm thờ phượng ở nhà là bình thường. Vì những lý do trên, nhóm thờ phượng ở nhà chẳng phải là lý tưởng đâu!
Chuyện này không dễ với ai cả. Hãy kiên nhẫn với nhau. Hãy yêu thương, thấu hiểu và bày tỏ ân điển với nhau. Nhưng khi yêu cầu giãn cách đang được tháo gỡ, hãy mạnh dạn khích lệ lẫn nhau nhóm lại thờ phượng Chúa.
Con vi-rút nầy thật xấu xa. Tôi hiểu. Hãy bảo vệ thân thể của mình. Nhưng cũng đừng bỏ mặc linh hồn của chúng ta.
(Nguồn: tienphong.org)