Martyn Lloyd-Jones: Đức Chúa Trời Làm Nóng Cháy Bài Giảng Của Ông

Share

Martyn Lloyd-Jones (1899–1981)

Vào tháng 7 năm 1959, Martyn Lloyd-Jones và vợ là Bethan đang nghỉ dưỡng ở xứ Wales. Họ đến nhóm tại một nhà nguyện nhỏ để tham dự buổi cầu nguyện vào sáng Chúa Nhật, Lloyd-Jones hỏi mấy người có mặt ở đó là: “Anh chị em có muốn tôi chia sẻ Lời Chúa sáng nay không?” Mọi người ngần ngại bời vì ông vẫn còn trong kỳ nghỉ dưỡng, họ không muốn dốc cạn sức của ông. Nhưng vợ ông thì nói rằng: “Hãy để ông ấy nói. Giảng luận là công tác cả đời của ông ấy mà” (Martyn Lloyd-Jones, trang 373). Đó là một lời phát biểu rất đúng. 

Trong phần giới thiệu của quyển sách nổi tiếng Nhà truyền đạo và giảng luận, ông nói rằng: “Giảng luận đã trở thành công tác cả đời của tôi . . . đối với tôi, công tác giảng luận là tiếng gọi cao cả, vĩ đại và vinh dự nhất dành cho người nào được kêu gọi” (trang 17).

Nhiều người gọi ông là nhà truyền đạo cuối cùng của hệ phái Giám lý ủng hộ chủ nghĩa Calvin, bởi vì ông đã kết hợp tình yêu của Calvin dành cho chân lý và giáo lý Cải chánh vững vàng với tinh thần nóng cháy và nhiệt thành của cuộc phấn hưng trong vòng hệ phái Giám lý vào thế kỷ 18 (Năm Lãnh đạo Tin lành, trang 55). Trong vòng 30 năm, ông đã đứng rao giảng trước bục giảng tại Nhà nguyện Westminster ở Luân Đôn. Mỗi tuần đều có ba bài giảng khác nhau: vào tối thứ Sáu, sáng và chiều Chúa Nhật.

Vào cuối sự nghiệp của mình, ông nói: “Tôi nói thật là mình không dám nghe bản thân giảng một lần nào cả” (Nhà truyền đạo và giảng luận, trang 14). Nhưng đó không phải là cảm nhận của người khác. Khi J.I. Packer còn là sinh viên chỉ mới 22 tuổi, ông đã nghe Lloyd-Jones giảng mỗi tối Chúa Nhật suốt học kỳ 1948–1949, ông nói mình “chưa hề nghe ai giảng như thế”. Bài giảng đã tác động đến ông “bằng một dòng điện có tầng số cao, làm cho ít nhất một trong số nhiều thính giả cảm biết được sự thực hữu của Đức Chúa Trời hơn bất kỳ người nào khác” (Năm Lãnh đạo Tin lành, trang 170).

Bác sĩ linh hồn

Con đường của Lloyd-Jones đến Westminster cũng ly kỳ. Ông sinh ra ở Cardiff, xứ Wales, vào ngày 20 tháng 12 năm 1899. Ông chuyển đến Luân Đôn cùng gia đình khi 14 tuổi và học trường y tại Bệnh viện St. Bartholomew, ông nhận bằng MD vào năm 1921 và trở thành trợ lý trưởng của ngài Thomas Horder. Ông Horder nổi tiếng đã mô tả Lloyd-Jones là “người có tư duy nhạy bén mà tôi từng biết” (Năm Lãnh đạo Tin lành, trang 56).

Vào giữa năm 1921 và 1923, Lloyd-Jones trải qua một sự cải đạo vô cùng sâu sắc. Giai đoạn ấy đã thay đổi cuộc đời ông đến nỗi sự giảng luận đã trở thành niềm đam mê còn lớn hơn việc trở thành một bác sĩ. Ông cảm thấy một sự thôi thúc trong lòng phải quay lại xứ Wales để rao giảng. Bài giảng đầu tiên của ông tại quê nhà là vào tháng 4 năm 1925, ông đánh lên một nốt nhạc sau này đã trở thành cờ hiệu suốt cuộc đời của mình: xứ Wales không cần phải nói thêm về công tác xã hội; nó cần “một sự phấn hưng thuộc linh thật lớn”. Chính lá cờ phấn hưng, quyền năng và sự sống thật nầy đã trở thành niềm đam mê trọn đời của ông (Năm Lãnh đạo Tin lành, trang 66).

Ông được mời làm mục sư của Hội thánh Sứ mạng Phong trào Tiến Lên Bethlehem ở Sandfields, Aberavon, vào năm 1926, và kết hôn với một trong những sinh viên y khoa của mình là Bethan Phillips. Họ có hai người con gái là Elizabeth và Ann.

Công tác giảng luận của ông đã được Anh quốc và Hoa Kỳ biết đến. Sự giảng luận ấy rất phổ biến, rõ ràng, giáo lý vững chắc, lô-gíc và nóng cháy. Vào năm 1937, ông đã giảng tại Philadelphia và G. Campbell Morgan tình cờ có mặt ngày hôm đó. Ông ta vô cùng ấn tượng đến nỗi đã nhìn thấy Lloyd-Jones trở thành người cộng tác hỗ trợ cho Hội thánh Westminster ở Luân Đôn.

Lloyd-Jones và G. Campbell Morgan đã cùng hầu việc Chúa với nhau đến khi Morgan về hưu vào năm 1943. Sau đó, Lloyd-Jones là mục sư chịu trách nhiệm giảng luận duy nhất gần 30 năm. Nhiều người bị thu hút vì tính rõ ràng, quyền phép và chiều sâu của giáo lý, mà ông đã rao giảng đến nỗi vào một sáng Chúa Nhật năm 1947 có khoảng 1500 người nhóm lại và tối Chúa Nhật có khoảng 2000 người. Ông mặc một cái áo dài Geneva màu đen và không đùa giỡn hay giở trò bịp nào cả. Giống như Jonathan Edwards cách đây 200 năm trước, ông đã chiếm lấy cảm tình của mọi người bằng khải tượng về chân lý đầy thuyết phục và mãnh liệt.

Lloyd-Jones mắc bệnh vào năm 1968, ông xem đó là dấu hiệu để nghỉ hưu và tận hiến đời sống mình vào công trình viết lách. Ông tiếp tục công tác nầy trong vòng 12 năm rồi qua đời bình yên trong giấc ngủ vào ngày 1 tháng 3 năm 1981.

‘Chúng ta cần phấn hưng’

Từ ngày đầu tiên đến lúc cuối đời, chức vụ của Lloyd-Jones kêu gọi phải có sự sâu sắc trong hai khía cạnh — sự sâu sắc về giáo lý theo Kinh Thánh và sự sâu sắc về trải nghiệm thuộc linh sinh động. Ánh sáng và sức nóng. Lô-gíc và lửa. Lời Chúa và Thánh Linh. Hết lần nầy đến lần khác, ông phải chiến đấu với hai mặt trận: một mặt chống lại chủ nghĩa tri thức mang tính thể chế, hình thức, đã chết; mặt khác chống lại chủ nghĩa cảm tính hời hợt, hào nhoáng, thiêng về giải trí, lấy con người làm trung tâm. Đối với Lloyd-Jones, hy vọng duy nhất về một giải pháp lâu dài đó là có một sự phấn hưng tập trung vào Đức Chúa Trời mang tầm vóc lịch sử.

Khi sự phấn hưng xảy ra, nó sẽ xảy ra rõ ràng. Nó không phải là một trải nghiệm lặng lẽ ở trong Hội thánh. Nhiều điều xảy ra khiến cả thế giới phải ngồi dậy và chú ý. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với Lloyd-Jones. Ông cảm thấy choáng ngộp trước sự mục nát của thế gian và sự yếu đuối của Hội thánh. Ông tin rằng hy vọng duy nhất phải là một điều gì đó thật kinh ngạc.

Hội thánh Cơ Đốc ngày nay đang tuột dốc và suy yếu đến thảm thương. Hội thánh không còn đủ sức để giữ vững tính chính thống nữa. Tất nhiên, chúng ta phải giữ sự chính thống, nếu không chúng ta vẫn chưa hiểu được sứ điệp . . . Chúng ta cần có uy quyền và chúng ta cần sự nhận thức . . . Thật chẳng hiểu nỗi, chúng ta đang sống trong thời kỳ cần vài sự chứng minh đặc biệt — nói cách khác, chúng ta cần sự phấn hưng. (Thánh Linh tể trị, trang 25)

Đối với Lloyd-Jones, sự phấn hưng là một cách bày tỏ quyền phép để chứng minh lẽ thật của Phúc âm cho thế gian đã cứng lòng trong nỗi tuyệt vọng. Gánh nặng ở trong lòng của Lloyd-Jones là danh của Đức Chúa Trời được tôn cao và sự vinh hiển của Ngài được bày tỏ ra cho cả thế giới. Ông nói rằng: “Chúng ta nên khao khát muốn nhìn thấy những gì sắp xảy ra sẽ thu hút muôn dân, các dân tộc và khiến họ phải dừng lại và suy nghĩ lại” (Phấn hưng, trang 120).

Năng lượng sạch

Lloyd-Jones đã có nhiều kinh nghiệm khác thường giúp ông biết rằng mình cần phải sẵn sàng đón nhận mọi việc ở dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Thí dụ, Stacy Woods mô tả tác động vật lý mà một trong những bài giảng của Lloyd-Jones đã làm ra như sau:

Thật kỳ lạ, sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trong Hội thánh ngày hôm đó. Cá nhân tôi cảm thấy có một bàn tay muốn đẩy tôi đi qua các dãy ghế. Vì một lý do nào đó, đến cuối bài giảng, các cơ quan không hoạt động, bác sĩ phải đi thẳng vào phòng thay đồ, còn mọi người ngồi yên không cử động. Đã 10 phút trôi qua trước khi mọi người tìm lại được sức lực để đứng dậy, chẳng ai nói chuyện với ai cả, họ âm thầm ra khỏi nhà thờ. Tôi chưa từng gặp hoặc chứng kiến bài giảng luận nhận được phản hồi quá sức tưởng tượng như vậy ở trong hội chúng. (Martyn Lloyd-Jones, trang 377)

Một minh họa khác từ những ngày đầu tiên ở Sandfields. Một phụ nữ từng làm nghề đồng bóng đến nhóm lại vào một tối nọ. Bà đã làm chứng mình được cứu như thế này:

Lúc tôi bước vào nhà nguyện và ngồi xuống với mọi người, tôi biết có một nguồn sức mạnh siêu nhiên nào đó. Tôi cảm nhận mình đã gặp nguồn sức mạnh siêu nhiên nầy trong buổi nhóm cầu nguyện, nhưng có một sự khác biệt; Tôi có cảm nhận nguồn sức mạnh ở trong nhà nguyện của ông là nguồn năng lượng sạch. (Martyn Lloyd-Jones, trang 221).

Lloyd-Jones biết từ Kinh Thánh, lịch sử và trải nghiệm của mình rằng công tác siêu nhiên của Thánh Linh đã thách thức sự phân loại chính xác. Ông nói rằng: “Con đường phước hạnh không thể dò được. Chúng ta phải hết sức cẩn thận không được giới hạn chúng, hay là hệ thống chúng quá đáng, hay tệ hơn nữa là máy móc chúng” (Niềm vui khó tả, trang 243).

Thà tin hơn là chết

Đây là những lời dạy dỗ thật tuyệt vời từ một nhà phát ngôn đấu tranh cho sự nghiệp Cải chánh ở Anh quốc trong thế hệ ngày nay. Trừ khi chúng ta nghĩ Lloyd-Jones là một kẻ theo phong trào ân tứ giấu tên ngấm ngầm phát triển, ông đã làm cho phong trào Ngũ tuần và ân tứ phải vỡ mộng một cách rất cẩn thận.

Thí dụ, đối lập với rất nhiều phong trào ân tứ ngày nay, ông kiên quyết rằng sự phấn hưng được xây dựng dựa trên giáo lý lành; có Đức Thánh Linh ngự trị và vận hành tùy theo ý Ngài; người ta được báp-tem bằng Đức Thánh Linh không nhất thiết phải nói tiếng lạ; còn trải nghiệm thuộc linh không bao giờ được ban cho để họ khoe mình, nhưng cho họ được thêm sức để làm chứng và làm vinh hiển Đấng Christ. Cuối cùng, Lloyd-Jones viết rằng: “Bài kiểm tra tối hậu đối với bất kỳ điều gì cho rằng đó là công tác của Đức Thánh Linh là Giăng 16:14 — ‘Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta’” (Đức Thánh Linh tể trị, trang 106).

Nhưng để cảnh báo và làm cho hài hòa mọi thứ, Lloyd-Jones quay trở lại với lời khẳng định mạnh mẽ về sự bày tỏ quyền phép siêu nhiên mà thế gian cần đến phát điên. Đối với người nào ngồi chỉ tay về sự thái quá của những người tốt trong phong trào ân tứ, thì ông nói rằng: “Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót họ! Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót họ! Thà cả tin còn hơn sống với xác thịt, sự tự mãn và sự chết” (Thánh Linh tể trị, trang 83).

Để bày tỏ quyền năng của Ngài

Lời khuyên của Lloyd-Jones dành cho chúng ta khi lựa chọn giữa việc không phê phán mà cả tin thiếu cơ sở Kinh Thánh và việc chống lại sự dập tắt Thánh Linh là gì?

Lời khuyên cơ bản của ông đó là chúng ta “không thể làm gì để tạo ra” sự phấn hưng thật, cho nên chúng ta phải chịu khó cầu nguyện, kiên nhẫn và không được giới hạn Chúa về mặt thời gian (Niềm vui khó tả, trang 139, 231, 247). Nhưng dường như chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn là chỉ cầu nguyện. Lloyd-Jones từng bày tỏ sự cảm kích của ông dành cho lời cầu nguyện từ D.L. Moody khi ông ấy xin Chúa ban cho “sự sẵn lòng” (Niềm vui khó tả, trang 220). Nếu sự sẵn lòng là điều quan trọng, thì có những phương tiện của ân điển bên cạnh sự cầu nguyện có thể làm sạch tấm lòng và uốn nắn nó càng ngày càng giống Đấng Christ hơn. Một người có thể suy gẫm Kinh Thánh, tiếp nhận lời khuyên từ Cơ Đốc nhân khác, lấy làm xấu hổ về tội lỗi và cứ thế mà tiếp tục.

Nhưng không chỉ thế thôi đâu, Lloyd-Jones còn dạy rằng Đức Thánh Linh có thể bị dập tắt vì những hình thức thể chế hóa cằn cỗi. Nói đến tình trạng tê liệt của những Hội thánh coi trọng hình thức, ông nói rằng:

Không phải vì tay Đức Chúa Trời ngắn quá đâu, mà bởi vì Hội thánh đã thể chế hóa mọi thứ bằng “sự khôn ngoan” và thông minh riêng của mình, Hội thánh đã dập tắt Thánh Linh và khiến Đức Thánh Linh không thể nào bày tỏ quyền phép của Ngài. (Thánh Linh tể trị, trang 50)

Đó là một lời tuyên bố mạnh mẽ từ một người tin vào quyền tể trị của Đức Thánh Linh – chính những hình thức thể chế hóa có thể “chèn ép” Đức Thánh Linh không thể bày tỏ quyền phép của Ngài. Nếu Đức Thánh Linh là Đấng tể trị bị cản trở và dập tắt, như Lloyd-Jones (và sứ đồ Phao-lô!) đã nói, thì thật không đúng khi nói rằng chúng ta không thể làm gì để chuẩn bị chào đón Ngài. Trừ khi chúng ta không muốn Ngài hiện diện mà thôi. Hay là nói rằng chúng ta không thể làm cho Đức Thánh Linh ngự đến trong năng quyền, thì chúng ta có thể làm mọi cách khiến Ngài không thể hiện diện với chúng ta.

Lloyd-Jones dẫn chúng ta vào con đường ngay thẳng bằng một trong những lời khuyên tuyệt vời của ông để kết thúc bài viết nầy như sau:

Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa, nài xin Ngài làm điều nầy thêm một lần nữa. Không phải để chúng ta có thêm trải nghiệm hay sự phấn khích, mà để bày tỏ quyền năng của Ngài và Danh lớn của Chúa được vinh hiển cũng như được tán dương giữa hội chúng. (Sự phấn hưng, trang 117)

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan