Không Thấy Được Mà Đáng Tin Cậy

Share

Đức Chúa Trời là Đấng không thể hiểu được. Có nghĩa là khi chúng ta thực sự biết Ngài (vì Chúa bày tỏ chính Ngài với chúng ta), thì chúng ta vẫn không bao giờ hiểu tường tận về Ngài. Chúa là Đấng vô hạn, đời đời, và là Ba Ngôi, vì thế Ngài bày tỏ chính Ngài với chúng ta bằng những cách mà chúng ta có thể hiểu. Một nhà thần học từng nói là: Đức Chúa Trời phán với loài người bằng tiếng người, nhờ vậy mà loài người mới hiểu được Đức Chúa Trời.

Dầu vậy, chúng ta vẫn còn mày mò tìm biết Đức Chúa Trời, không chỉ để cá nhân có kiến thức, mà còn phải biết mình đang nghiên cứu cái gì nữa kia. Đặc biệt là sự hiểu biết của chúng ta về Đức Thánh Linh.

Khi nói tới Đức Chúa Cha, chúng ta có một nền tảng kiên cố để nghiên cứu. Hết thảy chúng ta đều có cha đẻ (dù tốt hay xấu), nên chúng ta có được vạch xuất phát để tìm hiểu Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng của mình. Cũng vậy, khi nói tới Đức Chúa Con, chúng ta có một nền tảng kiên cố qua sự nhập thể. Đức Chúa Con đã đến làm người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Các sách Phúc âm cho chúng ta một hình ảnh đẹp đẽ về Chúa Jêsus là Đấng Mê-si, Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người, để giúp chúng ta đến cùng Ngài.

“Công tác cơ bản của Đức Thánh Linh trong giao ước mới là bày tỏ và tán dương Chúa Jêsus”

Nhưng Đức Thánh Linh là Đấng khó hiểu, thậm chí có chút gì đó trừu tượng. Dẫu chúng ta biết và thừa nhận Ngài là một “thân vị” thiêng liêng, chúng ta vẫn còn chật vật tìm kiếm một nền vững chắc để hiểu rõ về Ngài. Về khía cạnh nào đó, điều nầy đã được định trước là vậy. Chúa Jêsus phán với chúng ta rằng: khi Đức Thánh Linh đến, “Ngài sẽ tôn vinh ta” (Giăng 16:14). Nói cách khác, công tác cơ bản của Đức Thánh Linh trong giao ước mới là bày tỏ và tán dương Chúa Jêsus.

Tuy nhiên, Kinh Thánh có một số hình ảnh để giúp chúng ta hiểu hơn về thân vị của Đức Thánh Linh.

Gió, hơi thở, tâm thần

Danh của Đức Thánh Linh (pneuma trong tiếng Hy-lạp) nói lên Ngài là gió, hơi thở và là thần. Gió di chuyển trong không trung một cách vô hình nên có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Trong Giăng 3, Chúa Jêsus phán với chúng ta phải nhờ pneuma mà sanh (Giăng 3:5). Chúa tiếp tục phán rằng: pneuma muốn thổi đâu thì thổi; chúng ta nghe tiếng gió mà chẳng biết gió đến từ đâu và đi đâu (Giăng 3:8). Điều nầy cho thấy, chúng ta biết Đức Thánh Linh giống như cách chúng ta biết gió — tức là sự tác động của Ngài.

“Chúng ta biết Đức Thánh Linh giống như cách chúng ta biết gió — tức là sự tác động của Ngài”

Giống như gió, hơi thở cũng di chuyển vô hình trong không trung — khác ở chỗ, không khí làm cho cơ thể trở nên sinh động. Đức Chúa Trời hà hơi vào A-đam, ông trở nên một loài sanh linh (Sáng thế ký 2:7). Trong Giăng 20:22, Chúa Jêsus hà hơi (breatheson) trên môn đồ mà phán rằng: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh”. Vậy, chúng ta đã biết công tác của Đức Thánh Linh như cách hơi thở đi vào và đi ra, làm cho cơ thể trở nên sinh động.

Từ pneuma cũng ám chỉ khuynh hướng hoặc trạng thái của tâm thần. Chúa Jêsus chúc phước cho người nào “có lòng khó khăn” (Ma-thi-ơ 5:3). Sứ đồ Phi-e-rơ mô tả phẩm chất của một phụ nữ tin kính giống như “sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng” (1 Phi-e-rơ 3:4). Chúng ta có thể liên tưởng đến tâm thần là khuynh hướng vô hình của linh hồn thường uốn nắn hành vi hữu hình của chúng ta.

Sông nước, dầu, chim bồ câu

Ngoài những hình ảnh trên, Kinh Thánh còn có một số hình ảnh khác giúp chúng ta hiểu Đức Thánh Linh và công tác của Ngài. Trong Giăng 7, Chúa Jêsus mô tả Đức Thánh Linh là sông nước tuôn chảy trong đời sống của người nào tin Ngài.

Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển. (Giăng 7:38-39)

Chúng ta có thể liên tưởng sông nước trong Giăng 7 đến nước sự sống được mô tả trong Khải huyền 22 có chép rằng: “ra từ ngai Đức Chúa Trời và ngai Chiên Con, chảy qua giữa đường phố của thành” (Khải huyền 22:1-2). Thành trong câu Kinh Thánh nầy là Giê-ru-sa-lem mới, là nàng dâu của Đấng Christ, là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống. Vậy, Đức Thánh Linh là sông nước hằng sống chảy ra từ Chúa Jêsus đến dân sự của Ngài và từ họ ra đến cả thế giới để chữa lành muôn dân. Đây là dòng sông, “nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời” (Thi thiên 46:4), dòng sông phước lạc của Đức Chúa Trời và nguồn sự sống (Thi thiên 36:8-9).

Liên kết Đức Thánh Linh với hình ảnh sông nước hằng sống cũng gợi cho tâm trí của chúng ta về khái niệm Đức Thánh Linh được “đổ ra” trên dân sự của Ngài (Công vụ 2:3310:45Rô-ma 5:5Tít 3:6), dân sự của Đức Chúa Trời được “đầy dẫy” Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18), và chúng ta được báp-tem trong Đức Thánh Linh cũng như được báp-tem bằng nước (Mác 1:8Công vụ 1:51 Cô-rinh-tô 12:13).

Ngoài hình ảnh về sông nước ra, Kinh Thánh còn liên kết Đức Thánh Linh với hình ảnh xức dầu được dùng để biệt riêng các thầy tế lễ và các vua ở trong Cựu Ước. Đa-vít nhận lãnh Đức Thánh Linh khi tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho ông ở trong 1 Sa-mu-ên 16:12-13. Cả tiên tri Ê-sai và sứ đồ Phi-e-rơ ở trong sách Công vụ đã có sự kết nối với nhau qua những mô tả của họ về Đấng Mê-si.

Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng Tin lành cho kẻ khiêm nhường. (Ê-sai 61:1)
Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép (Công-vụ 10:38)

Cuối cùng, Kinh Thánh liên kết Đức Thánh Linh với hình ảnh chim bồ câu. Đức Thánh Linh “vận hành” trong sự sáng tạo giống như chim bay qua mặt hồ (Sáng thế ký 1:2). Trường hợp dễ nhận biết nhất đó là khi Đức Thánh Linh đậu trên Chúa Jêsus “như hình chim bồ câu” lúc Ngài chịu báp-tem (Ma-thi-ơ 3:16Giăng 1:32-33).

Đức Chúa Trời đang hành động

Nếu chúng ta kết nối các hình ảnh nầy lại với nhau, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của sự chuyển động được mô tả về Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh thổi như cơn gió, hơi thở như không khí đi vào và đi ra khỏi hai lá phổi, tuôn đổ như nước chảy từ dòng thác, vận hành và ngự đến như chim trời. Một vài hình ảnh (cơn gió, hơi thở và tâm thần) vừa là biểu hiện vô hình của Ngài, vừa là bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của Ngài.

Hơn nữa, nếu chúng ta suy xét kỹ những hình ảnh nầy một cách chi tiết hơn, chúng ta thấy có một sự kết nối được lặp lại về sự sống, tình yêu thương, sự khoái lạc và sự vui mừng của Đức Chúa Trời. Dòng nước làm vui thành của Đức Chúa Trời (Thi thiên 46:4). Tình yêu của Đức Chúa Trời được “tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh” (Rô-ma 5:5). Khi đầy tớ của Chúa được xức bằng Thánh Linh của dtc, thì Ngài ban “dầu vui mừng thay vì tang chế, áo ngợi ca thay vì tâm linh sầu khổ” (Ê-sai 61:3).

Điều nầy không có gì lạ khi Đức Thánh Linh liên quan chặt chẽ với tình yêu thương của Đức Chúa Trời khắp cả Kinh Thánh. Hãy xem 1 Giăng 4, chúng ta biết rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:8), ở trong tình yêu thương là ở trong Đức Chúa Trời và có Đức Chúa Trời ở trong chúng ta (4:12; 4:16). Chúng ta biết mình ở trong Đức Chúa Trời và Ngài ở trong chúng ta “vì Ngài đã ban Đức Thánh Linh của Ngài cho chúng ta” (4:13; 4:18). Điều nầy gần giống như việc Đức Chúa Trời ở cùng, tình yêu thương còn lại, và Đức Thánh Linh ngự đến là những biểu hiện khác nhau của cùng một Thực tại.

Thi thiên 36:7–9 cho chúng ta thấy tình yêu bền vững của Đức Chúa Trời qua hình ảnh nương náu dưới bóng cánh, sự dư dật của nhà Chúa (hình ảnh xức dầu), dòng nước và dòng thác.

Hỡi Đức Chúa Trời sự nhân từ Chúa quí biết bao! Con cái loài người nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa.
Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa nguyện; Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa.
Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa; Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng. 

Thánh Linh của Chàng rễ — và nàng dâu

Tất cả những điều nầy dẫn tới đỉnh điểm khi Chúa Jêsus chịu báp-tem. Tại đây chúng ta có Con Đức Chúa Trời giáng thế làm người đang ở trong dòng nước. Ngài chịu báp-tem bằng nước, vừa khi lên khỏi nước, Đức Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu ở trên Ngài mà có chỗ ghi là sự xức dầu. Sau đó, Đức Chúa Cha phán bằng hơi thở, đem tất cả hình ảnh lại với nhau bằng những lời lẽ rất rõ ràng là: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16–17).

Thật ra, Chúa Jêsus chịu phép báp-tem là khởi đầu dẫn tới đỉnh điểm. Kinh Thánh được Thần cảm khiến cặp mắt của chúng ta hướng về Đấng Christ là Con người. Chính Thánh Linh đã đưa Chúa Jêsus vào đồng vắng để chịu cám dỗ, rồi đưa Ngài trở lại cùng dân Y-sơ-ra-ên để rao báo Nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Thánh Linh của Đức Chúa Trời vùa giúp Chúa Jêsus làm chức vụ và thêm sức cho Ngài trên đường tới đồi Gô-gô-tha. Dòng nước nầy có uy lực lớn đến nỗi có thể chảy ngược lên đồi, khi Chúa Jêsus vác thập tự giá leo lên đồi Gô-gô-tha. Đức Thánh Linh thổi qua ngôi mộ trống để Chúa Jêsus, lfaf A-đam thứ hai, trở thành Đấng ban sự sống.

Còn bây giờ, cũng chính Đức Thánh Linh được đổ ra trên dân sự của Đức Chúa Trời, thổi vào đời sống của chúng ta tình yêu thương và sự khoái lạc của Đức Chúa Trời, nhờ đó mà chúng ta sống để phục vụ người khác, Ngài còn ban cho chúng ta tiếng nói để Đức Thánh Linh và nàng dâu, Chim bồ câu của Đức Chúa Trời và nàng dâu của Đấng Christ, thưa với Chàng rễ là: “Hãy đến!”

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan