Từ Vực Sâu Lên Chốn Cao

Share

Phần Hai

HÀNH TRÌNH VƯỢT BIỂN

   Hành trình vượt biển thật kinh khủng, cái chết cầm chắc trong tay, đi mà không biết điều gì đang chờ phía trước. Chiếc tàu nhỏ bé bị quá tải đã không đi xa được vì máy đã bị hỏng. Bao người chen nhau dành chút không khí để thở trong khoang tàu bé tí. Tôi được người lái tàu ưu tiên cho tôi ngồi gần cửa hầm, ông là người rủ tôi đi khi thấy đức tin của tôi lúc tôi làm chứng cho ông về Chúa. Tuy vậy, với thế ngồi gập đầu gối tới cằm cả ngày thì có thở được cũng chẳng làm đỡ hơn tí nào. Nên người lái tàu cho phép tôi lên boong tàu để thư giãn.

   Khi lên boong tàu tôi hoảng hốt, vì thành tàu và mặt nước gần như xấp xỉ. Hễ tàu nghiêng một chút thì nước sẽ tràn vào. Qua ngày thứ hai thì máy tàu bị hư, nên tàu cứ lênh đênh như vậy, trôi theo dòng nước. Ông chủ tàu và tôi đều im lặng. Tôi hết lòng cầu nguyện. Bao nhiêu câu Kinh Thánh thuộc lòng bây giờ cứ thế mà tuôn ra. Vậy mà nó làm yên lòng mọi người trong tàu.

   Hôm sau, gặp phải tàu đánh cá Côn Đảo chặn lại, họ đòi bắt chúng tôi về giam. Tôi van xin bao nhiêu cũng không được, vì chỉ có tôi hiện diện trên boong tàu. Khi họ bắt đầu kéo tàu, thì tôi kêu lên: “Chúa ơi, lòng của con người trong tay Ngài khác nào dòng nước chảy, Ngài muốn làm nghiêng lệch bề nào tùy ý Ngài. Vậy, xin Ngài điều khiển lòng của những người này để họ thả chúng con đi đi.” Tôi bảo mọi người trên tàu đưa tất cả tiền Việt Nam và vàng họ có cho tôi, rồi tôi cầm nó đi thương lượng với Công an Côn Đảo. Nào ngờ đâu, họ chấp nhận và còn giúp chúng tôi sửa máy tàu chạy đến số ba, họ còn cho một nồi cháo với con cá to bằng bắp đùi.

   Tạ ơn Chúa, thế là tàu thoát nạn. Mọi người trên tàu nài xin tôi tiếp tục cầu nguyện. Còn lời nào để xin đâu, tôi chỉ lặp lại hết tất cả câu Kinh Thánh mà mình nhớ. Sáng hôm sau, tàu lại gặp một con tàu to khác phía trước. Lần này thì tiêu rồi, vì đâu còn gì để trao đổi nữa. Tôi kêu van hết mực, xin Chúa đừng để gặp người dữ và ác, cũng đừng để họ bắt chúng tôi. Xin thiên sứ Ngài bao vây tứ phía.

   Cuối cùng cũng bị họ chặn đường. Nhưng tạ ơn Chúa, đó là tàu lành, đến giúp chúng tôi biết cách chạy cho tốt và tránh mắc vào lưới câu Côn Đảo. Họ còn chỉ chúng tôi là có một tàu Pháp đang chờ bên ngoài hải phận để cứu những người vượt biển như chúng tôi. Tạ ơn Chúa làm sao.

   Thế nhưng, chưa ra được hải phận thì hôm sau mưa bão kéo đến. Chiếc tàu nhỏ tràn ngập nước, hết thảy mọi người đều đã mệt lả trong tàu. Tôi van xin với Chúa, nói: “Chúa ơi, sao Ngài cứu con khỏi chết vì bệnh, để bây giờ con chết đuối ở đây?”, rồi tôi hét lên: “Con sẽ không chết, không, con sẽ không chết, con sẽ đi bộ trên mặt nước như Phi-e-rơ.” Rồi tôi bảo tất cả mọi người hãy ăn năn với Chúa hết tội lỗi mình. Cứ thế tôi la, tôi cầu, tôi khuyên, tôi giảng đạo cho mọi người tin Chúa Giê su, để nếu có chết thì linh hồn được cứu. Không ngờ, một giọng Huế từ đâu vọng tới:

“Đồng bào hãy bình tĩnh, đây là tàu Pháp đến cứu đồng bào đây!”

   Thật hay giả đây? Tiếng nói từ đâu vậy? Đó là giọng của Bác sĩ Lê Văn Châu, ở Canada, một thiện nguyện viên trên tàu Pháp cứu người vượt biển.

   Mưa bão quất vào mặt, nào còn thấy được gì. Rồi một chiếc ca-nô cập vào, người lái tàu tắt máy, những người cứu hộ đã đến giúp những phụ nữ, trẻ em xuống trước. Khi ấy mới biết có một em bé 3 tháng tuổi trên tàu.

   Chiếc tàu Pháp này tên MARY KINGSTOWN, của Pháp, do một cặp vợ chồng tỷ phú người Monaco tên là Andre Gill mua, gởi ra Thái Bình Dương để cứu người Việt Nam vượt biển. Và có nhóm thiện nguyện Việt kiều từ Canada và Pháp cùng làm việc trên tàu lớn đó.

   Thế là thoát chết sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tuy thời gian trên biển cả ngắn hơn những tàu khác, nhưng nguy hiểm khốc liệt chẳng kém.

   Lúc đó người ta kiểm tra mới biết chiếc tàu nhỏ vượt biển của chúng tôi chứa đến 70 người, trong khi số ban đầu được tính đi chỉ là 35 người. Tàu quá tải mà chẳng ai trên tàu biết. Chiếc tàu Pháp này tiếp tục hành trình để tiếp tục cứu những chiếc tàu vượt biên khác.

   Vào ngày giờ này 33 năm về trước, tàu Mary Kingstown đã vớt con tàu sắp chìm của chúng tôi, Bảy mươi người vượt biển trên con tàu mong manh nhỏ bé, đang bị vỡ dần vì quá tải. Trong cơn tuyệt vọng giữa biển, trời bao la đang có giông bão, thì con tàu hùng vĩ đã đến đưa Ca-nô kéo chúng tôi lên, 70 người trên một con tàu nhỏ mong manh với sức chứa tối đa là 20 người.

   Giờ phút vừa sung sướng vì không bị chết chìm, vừa ngơ ngác không biết có thật không, trạng thái lâng lâng khó tả. Chúng tôi được cho một bộ đồ để thay cho bộ quần áo quá dơ bẩn trên người. Được tắm rửa, được cho ăn, dù là đồ hộp, nhưng sao ngon thế. Chúng tôi đã được cứu để tiếp tục ở trên tàu lênh đênh thêm 10 ngày nữa, và vớt thêm 4 tàu khác. Tổng cộng số thuyền nhân của 5 tàu nhỏ Việt Nam là 327.

   Không biết 326 người khác sống như thế nào trên những nước tiếp nhận họ. Còn tôi khi được vào trại tị nạn ở Palawan, Philippines, tôi vô cùng hạnh phúc vì được sống và phục vụ đồng hương. Giờ đây khi nhìn lại ngày ấy với hành trang đến Pháp là một chiếc túi nhỏ so với ngày nay nhà tôi đã quá nhiều đồ đạc đến nỗi phải vứt đi bớt (dù có chút luyến tiếc); Cũng có gia đình, có con, nhưng vẫn chưa có được cảm giác thỏa lòng như 6 tháng “thiên đàng” trong trại tị nạn.

   Nhưng thời gian ở đó chỉ vỏn vẹn 6 tháng, rồi ngày 8 tháng 11 năm 1988, tôi cùng một số người khác được nước Pháp đón sang. Sáu giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 1988, tôi đặt chân lên phi trường Charles de Gaulle hùng vĩ của Paris, trong bộ đồ mỏng manh với thời tiết lạnh buốt của mùa đông xứ lạnh.

   Cuộc sống tiếp diễn, nhưng những vô ưu của những tháng ngày ở trại tị nạn không còn nữa. Khi đến nước Pháp, tôi lại không rành tiếng Pháp nên khó khăn chồng chất mỗi ngày.

   Niềm hy vọng về cuộc sống tự do mà tôi hằng mơ ước dần tan trước một nền văn hoá, ngôn ngữ khác lạ. Tôi có cảm giác mình đang đi xuống cầu thang, càng bước càng xuống thấp, có những lúc chênh vênh như muốn té ngã. Rồi thì cũng té thật. Té ngã bao lần, đứng lên rồi lại té ngã, cảm giác xoay tròn của đường đời và sự mất quân bình trong tâm lý, tâm trạng, hoàn cảnh, mối quan hệ…khiến cho những lần ngã là những lần để lại những vết thương lâu lành và vết sẹo thật sâu.

   Chúa vẫn dõi theo từng tâm trạng, dẫn đưa cuộc đời, từng ngước mặt bước lên cầu thang, và những lần đi xuống. Nhưng những lần đi xuống vẫn là những lần để lại cho tôi những bài học thấm thía, hầu cho không bị tiền tài, danh vọng làm mờ mắt tâm linh, biết nhìn rõ được giá trị đời đời, vĩnh cửu. Để cho đến cuối cùng không bị lạc mất giữa dòng đời suy bại này.

   Ba mươi ba năm xứ người: ba chìm, năm lặn, bảy nổi, chín lênh đênh, nhưng hướng cuối cùng là đường về Thiên Quốc với Chúa Giê-su, Đấng Cứu Rỗi linh hồn và cứu tôi thoát chết. Ngài vẫn là nơi tôi cần bám mỗi ngày, với mong ước có nhiều người đi cùng, nhất là trong mùa dịch nguy hiểm năm 2021 này, đang khi tôi thuật lại câu chuyện cuộc đời mình.

(CÒN TIẾP – ĐÓN XEM PHẦN 3)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan