Chìa Khóa Cho Sự Kiên Cường Trong Mục Vụ Và Đời Sống Của Chúng Ta

Share

Những Bài Học Trong Sự Đâm Rễ Trong Tình Yêu Thương Của Chúa

Bạn nghĩ đến điều gì khi nghe từ Kiên Cường?

Dưới đây là một số định nghĩa của sự kiên cường: “khả năng lường trước, chịu đựng và bật mạnh trở lại như trước từ những áp lực và cú sốc bên ngoài”. “Khả năng tận dụng tốt nhất mọi tình huống”. “Khả năng đối phó tốt với áp lực”. Còn đây là một định nghĩa đặc biệt của Cơ Đốc giáo: “Sự kiên cường nghĩa là có sức mạnh để thực hiện lời kêu gọi mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, ngay cả khi điều đó sẽ đau đỡn và khó khăn. Tính kiên cường sẽ được cố định vào một mục đích cao hơn, được thúc đẩy bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, của người lân cận, của thế giới, và được trợ giúp bởi những người bạn. Trong khi những người khác khiến chúng ta thất vọng, thì chúng ta được bồng ẵm bởi Đấng đã gọi chúng ta”.

Ở đây tôi muốn tạp trung vào sự tác động của tình yêu Thiên Chúa trên sự kiên cường của chúng ta. Tôi tin rằng đó là một nguồn lực quan trọng trong việc sống đời sống kiên cường. Hãy đọc Ê-phê-sô 3:14-21 là phân đoạn Phao-lô cầu nguyện cho người Ê-phê-sô. 

Điều đầu tiên cần chú ý đó là Phao-lô đang cầu nguyện – điều này mang tính siêu nhiên. Phao-lô đang cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự hiểu biết về tình yêu của Ngài tuyệt vời như thế nào. Đó phải là công việc của Đức Thánh Linh để khiến chúng ta hiểu được tình yêu của Đức Chúa Trời và làm tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống của chúng ta. Tôi khích lệ chúng ta cầu nguyện lời cầu nguyện của Phao-lô cho chính mình và cầu hỏi Chúa ban cho một sự hiểu biết mới mẻ về tình yêu tuyệt vời của Ngài. 

Được đâm rễ trong Tình yêu của Chúa

Trong đoạn 3:17-19 ông (Phao-lô) đã cầu nguyện rằng những người Ê-phê-sô “được đâm rễ và vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết – hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.”

Hãy hình dung một cái cây bị gió lay và mưa quật. Hoặc có thể bị thổi bay bởi sức nóng. Kinh Thánh sử dụng cách ví von về cây và rễ ở một vài chỗ, chẳng hạn như trong Thi-thiên 1 nói rằng người nào vui vẻ trong Luật pháp của Đức Giê-hô-va “sẽ như cây trồng gần dòng nước, sinh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo”.

Đời sống của chúng ta đang ở trong mảnh đất nào? Điều gì giữ cho đời sống của chúng ta ở đúng chỗ? Điều gì đang nuôi sống cho rễ của chúng ta?

Tôi thực sự bị ấn tượng bởi bức tranh mà Phao-lô vẽ về cuộc sống của chúng ta khi nó bắt nguồn từ tình yêu của Đức Chúa Trời. Tình yêu Thiên Chúa là mảnh đất cho một sự sống kiên cường. Tình yêu ấy mang lại sự vững vàng cho con người bên trong của chúng ta. Hãy hình dung những gốc rễ của cuộc đời bạn trong mảnh đất tình yêu của Đức Chúa Trời. Cuộc đời của bạn được gieo vào trong mảnh đất của tình yêu Ngài. Đời sống của bạn được nuôi dưỡng bằng tình yêu ấy. Chúng ta không phải chỉ được thúc đẩy mạnh một lần một tuần như kiểu uống nước tăng lực mà thay vào đó là sống ở trong và từ trong tình yêu của Ngài. Câu 19 kết nối việc hiểu biết về tình yêu Ngài với việc được đổ đầy với sự trọn vẹn của Chúa. Chúng ta nói về cảm giác “trống rỗng” hoặc “gần đi đến sự trống rỗng” là điều sẽ làm giảm tính kiên cường của chúng ta, nhưng cứ đâm rễ ở trong tình yêu Thiên Chúa giữ chúng ta đầy tràn cảm xúc và tâm linh, ngay cả khi cơ thể chúng ta mệt mỏi. 

Cây trồng trên đất xấu sẽ không khỏe mạnh. Cũng như cá bơi trong nước thải vậy. Mảnh đất mà chúng ta đang ở ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng phục hồi/tính kiên cường của cuộc sống chúng ta đang sống. Ví dụ, nếu chúng ta tin nhiều lời nói dối về bản thân, về người khác hoặc về Chúa, chúng ta sẽ không trở nên kiên cường được.

Câu thoại này trong bài hát “Gây Dựng Đời Sống Con” (Build My Life) nói về tình yêu Thiên Chúa là nền tảng của chúng ta:

“Con sẽ xây dựng cuộc đời mình trên tình yêu của Ngài, đó là một nền tảng vững chắc; Con sẽ đặt để niềm tin của con vào chỉ duy Ngài mà thôi và con sẽ không bị rúng động.”

Một Danh Tính An Toàn

Phao-lô cầu nguyện với Chúa Cha rằng, “bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên” (c. 14-15). Những người theo Chúa Giê-xu là con cái của Đức Chúa Trời và Ngài là Cha chúng ta. Chúng ta đã được nhận làm con nuôi và được chấp nhận. Chúng ta được chào đón. Chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời. Chúng ta thuộc về gia đình của Ngài. Chúng ta có được sự yêu mến của Ngài. Chúng ta không cần sự chấp thuận và chú ý của con người. Cũng không cần phải gây ấn tượng và so sánh bản thân mình với những người khác. Chúng ta có một danh tính an toàn hoặc một “tên gọi” đến từ Chúa. Ngài yêu chúng ta và chẳng có gì chúng ta có thể làm để có được điều đó. 

Việc đâm rễ trong tình yêu của Đức Chúa Trời giúp chúng ta kiên định khi đối mặt với những sự nản lòng và giúp chúng ta vững vàng trước những lời nói dối của kẻ thù cũng như chống lại những cuộc độc thoại tiêu cực của chính chúng ta. Để khi gió thổi, khi thử thách đến; chúng ta được an toàn trong tình yêu của Đức Chúa Trời. Rô-ma 8 nói rằng không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời và rằng Chúa đã chứng mình tình yêu của Ngài dành cho chúng ta một cách dứt khoát tại thập tự giá. Chúng ta nhìn thấy tình yêu của Ngài được thể hiện một cách rực rỡ trong phúc âm. Chúng ta có thể nhận biết rằng chúng ta biết điều chúng ta biết, chúng ta được yêu bởi Đức Chúa Trời. 

Giữa những thay đổi và bấp bênh thì tình yêu của Ngài là chắc chắn. Danh tính của chúng ta trong Đấng Christ vẫn y nguyên khi chức vụ thay đổi hoặc chúng ta không thể làm những gì chúng ta đã làm hoặc kế hoạch của chúng ta bị gián đoạn và chúng ta cảm thấy như mình đang sống trong chỗ tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta không biết ngày mai sẽ đem đến điều gì nhưng chúng ta biết tình yêu của Ngài không bao giờ chấm dứt và “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28).

Mối Quan Hệ Với Chúa

Không có gì quan trọng đối với một đời sống kiên cường hơn mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Rất nhiều sự tập tành, bao gồm tập thể dục, sở thích, nghỉ ngơi và tình bạn sẽ có ích trong việc duy trì tính kiên cường và chúng ta phải tiếp tục tham gia vào những việc đó. Tuy nhiên, không gì trong số những việc đó quan trọng hơn việc hiểu biết và tận hưởng tình yêu của Đức Chúa Trời. Để thay đổi một chút về ẩn dụ từ rễ và đất thành gốc và nhánh cây, thì không có gì quan trọng bằng việc ở trong Đấng Christ, ở đó, như nhánh cây, chúng ta được kết nối với gốc là Đấng Christ (Giăng 15). Ngài là gốc nho, chúng ta là nhánh. Sự sống của Ngài duy trì sự sống của chúng ta. Ngoài Ngài ra, chúng ta không thể làm gì được và chúng ta sẽ khô héo và chết đi. Được kết nối với Ngài, chúng ta có các nguồn lực cần thiết cho một đời sống mà Ngài kêu gọi chúng ta. 

Sức mạnh của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời, Đấng khởi nguồn của chúng ta. Phao-lô cầu nguyện rằng “tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng;” (c.16). Chúng ta yếu đuối và nghèo khó nhưng Ngài cung cấp cho chúng ta sức mạnh để sống đời sống Ngài đã gọi chúng ta khi chúng ta ở gần Ngài. 

Bông Trái Của Tình Yêu Thiên Chúa

Được đâm rễ và lập nền trong tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta phải chia sẻ tình yêu đó ra. Điều đó dẫn đến việc sống một đời sống yêu thương. “Tình yêu của Đấng Christ cảm động chúng ta,” Phao-lô viết trong 2 Cô-rinh-tô 5:14. Như thể tình yêu của ĐỨc Chúa Trời tuôn tràn ra từ trong chúng ta. Những người được đảm bảo về danh tính của mình trong Đấng Christ, khi họ nhận biết tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ, có thể phục vụ như không một ai khác trên thế giới có thể phục vụ. Khi bước đi trong tình yêu của Đức Chúa Trời, chúng ta muốn cho đi. Chúng ta biết chúng ta được yêu thương như thế nào, chúng ta đã nhận được bao nhiêu ân sủng và chúng ta cần phải lan tỏa ra khắp nơi. 

Khi Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đồ, trong Giăng 13 có nói rằng Ngài “biết mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời,… nên đứng dậy khỏi bàn,… và lấy khăn vấn ngang lưng mình”. Ngài được bảo đảm trong tình yêu của Cha Ngài, Đấng đã phán với Ngài khi Ngài làm phép báp têm bằng nước, trước khi Ngài thực thi bất kì chức vụ nào: “Nầy là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.

Tôi nhìn những người khác như thế nào? Tôi có yêu họ không? Ngày hôm nay tôi đã bày tỏ tình yêu tốt chưa? Chứ không phải: Điều này đã thành công như thế nào? Hoặc “Trông tôi có tốt không?” hoặc “Điều này trông sẽ tuyệt vời trong bản tin của chúng tôi.” Được đâm rễ trong tình yêu của Chúa, chúng ta nhìn thấy mọi người chứ không phải các dự án. Công việc của chúng ta là đầy dẫy tình yêu thương. Mặc dù chúng ta không thể quyết định tất cả các kết quả hoặc cách người ta sẽ đáp lại tình yêu của chúng ta hoặc “những kết quả” nào chúng ta sẽ nhìn thấy được, chúng ta có thể lựa chọn yêu tốt hơn. 1 Cô-rinh-tô 13 rất rõ rằng mặc dù tôi có làm lụng vất vả tôi cũng chỉ như chập chỏa ồn ào nếu tôi không yêu mọi người.

Và cũng một điều gì đó tuyệt vời xảy ra khi chúng ta yêu mọi người. Nó cũng làm cho tâm hồn chúng ta tốt đẹp. Chúng ta được làm mạnh sức và được khích lệ trong tiến trình này. Đó là điều Chúa Giê-xu đã dạy: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” (Công-vụ 20-35). Hãy làm những gì mà chúng ta được tạo nên để làm luôn luôn đem đến sức sống cho tâm hồn của chúng ta dù việc yêu thương người khác đôi lúc có thể khó khăn. 

Chúng ta được tạo ra để được đâm rễ trong tình yêu của Chúa với một danh tính được đảm bảo, để được tận hưởng mối quan hệ với Đức Chúa Trời và chảy tràn ra tình yêu thương của Ngài đến với những người xung quanh chúng ta. Hãy giữ hình ảnh này về đời sống của chúng ta khi được trồng trong mảnh đất tình yêu của Đức Chúa Trời luôn ở trong tâm trí của chúng ta. 

 

Hồng Ân

(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan