Tại sao Tiên Tri Ê-li-sê nguyền rủa “những đứa trẻ” chế nhạo ông khiến chúng bị gấu vồ chết (II Các Vua 2: 23-24)? Có phải đó là 42 đứa trẻ?
Đó không phải là 42 đứa trẻ. Có một số vấn đề về cách dùng chữ trong ký thuật và hành vi của 42 người trong đoạn Kinh Thánh này mà chúng ta cần hiểu rõ.
Thứ nhứt, đáng lẽ phải dùng chữ “thanh niên” thay vì “đứa trẻ”.
Hầu hết các bản dịch tiếng Anh và Việt trong thế kỷ 20 đều dựa trên bản King James của đầu thế kỷ 17 (1612). Không ai có thể phủ nhận giá trị văn chương và dịch thuật của bản King James nhưng không phải là bản này không có nhiều sai sót. Một trong những sai sót đó là đã dịch từ Hy-bá-lai נערים, negnarim trong II Các Vua 2: 23 là “children” (trẻ nhỏ) trong khi ý nghĩa thông thường của chữ này là “youth” (thanh thiếu niên).
Từ thập niên 1970s, các bản dịch tiếng Anh “chính quy” như NIV, NRSV, NAB và New King James vv… đã lần lượt hiệu đính lại cho đúng. Tuy nhiên cho đến nay, trong các bản dịch tiếng Việt, chỉ có Bản Dịch 2011 dịch là “thiếu niên”. Từ “thiếu niên” tiếng Việt không nói đến lứa tuổi trên 16 và không chính xác như “youth” trong tiếng Anh dùng để chỉ lứa tuổi trên 12 đến 18.
Với phong tục Y-sơ-ra-ên nói riêng và vùng Trung Đông thời đó nói chung, trên 12 tuổi là tuổi bắt đầu trưởng thành, có thể đứng ra làm nhân chứng. Đặc biệt chữ נערים, negnarim cũng được vua Sa-lô-môn dùng xưng mình trước mặt Chúa trong I Các Vua 3.7 vào lúc sau khi ông lên ngôi vua lúc 20 tuổi. Như vậy theo sát nghĩa kinh văn và phong tục thời đó thì đây là những thanh niên từ 18 đến 20 tuổi. Cũng chú ý là con số 42 bị hai con gấu cái vồ chết có nghĩa rằng phải có đông hơn 42 người. Có phải đây là một đám đông kiểu “băng đãng” thường thấy trong xứ thời đó không?
Thứ hai là thái độ rất phạm thượng của đám đông này.
Bản Truyền Thống 1925 chép chúng nhạo báng tiên tri Ê-li-sê: “Ớ lão trọc, hãy lên! Ớ lão trọc, hãy lên” (c.23b). “Hãy lên” ở đây nói đến việc tiên tri Ê-li được cất lên trời trước mắt Ê-li-sê (2.1-12) và sau đó biến cố trọng đại này cùng với những phép lạ phục vụ mà Ê-li-sê làm để phục vụ dân Chúa đã được loan ra khắp nơi (2.13-22). Như vậy, chúng không chỉ nhạo báng cá nhân tiên tri Ê-li-sê vì ông có đầu “trọc” mà còn thách thức Ê-li-sê hãy lên trời như Ê-li cho chúng thấy và tin. Trong thời Cựu Ước, nhạo báng tiên tri là người được Chúa trao chức vụ tiên tri và nhạo báng công việc lạ lùng quyền năng của Đức Chúa Trời đều bị trừng phạt nặng nề. Không lâu trước đó, trong II Các Vua 1: 1-16 khi vua A-cha-xia sai quan dẫn lính đến bắt tiên tri Ê-li thì Ê-li gọi lửa từ trời xuống đốt thiêu hai đợt quan quân được sai đi. Khi vị quan dẫn đợt quân thứ ba đến với lời lẽ tôn trọng thì Ê-li cùng đi với họ đến gặp vua.
Ý nghĩa tôn trọng người được Chúa xức dầu phục vụ.
II Các Vua 2: 23-24 không phải là một câu chuyện Chúa phạt chết 42 đứa trẻ chỉ vì chúng chế nhạo một người đầu trọc hay hói hay đội mão epithet. Ở đây ký thuật một sự cố rất nghiêm trọng xảy ra do một đám đông trên 42 thanh niên chế nhạo tiên tri của Chúa và phạm thượng Chúa; và chúng bị Chúa trừng phạt bằng cái chết.
Nhưng quan trọng hơn hết, đoạn Kinh Thánh này nhắc nhở con dân Chúa, những người lãnh đạo và Hội thánh Chúa cần dạy dỗ các tín hữu dù trẻ hay già, biết tôn trọng người lãnh đạo và tôn kính những điều lớn lạ Chúa làm.
Tổng Hợp: Nguyễn Bình