Thời gian sẽ thử luyện căn cơ hành động của tất cả chúng ta. Sau một buổi nhóm thành công; đám đông đến ca ngợi chúng ta với những lời lẽ tuyệt vời. Những lần như thế, tôi đã suy lắng xem cái động cơ phục vụ của mình là gì? Phải chăng đó là vì sự ca ngợi của con người hay là vì một khát vọng chân chính muốn thấy bầy chiên được gây dựng trong Đức Chúa Trời? Đôi lúc tôi phải tự thú với mình và với Chúa là cái cớ tích của mình có chứa đôi chút kiêu hãnh.
Cái gánh nặng của sứ điệp này là, động cơ chủ yếu của tôi là gì? Điều gì đã thôi thúc tôi trong chức vụ? Có lúc một lãnh đạo thực sự không biết cái cớ tích căn bản của mình là gì.
Có lần tôi làm việc bên cạnh một lãnh đạo xuất sắc, rốt đã ngã gục vì tội vô luân. Ngẫm nghĩ, điều gì đã thực sự khiến anh ấy sa ngã? Tôi nghĩ có lẽ là vì sự yếu đuối trong lãnh vực tình dục hay là một khuynh hướng hành động trong lãnh vực tâm sinh lý chăng. Cuối cùng Chúa tỏ cho thấy; cái năng lực thực sự của sự thành công bề ngoài của người ấy đến từ khát vọng trả thù. Nếu một ai đó vượt qua anh ta, một tiếng nói mạnh mẽ trong anh sẽ lên tiếng đại loại như sau, “ta sẽ giành lại, ta sẽ cho ngươi biết là ta có thể làm điều ấy.” Thảm kịch chính là cái động cơ chủ yếu của lòng đã đem lại sự thành công bề ngoài lại chứa những mầm mống thất bại để cuối cùng hạ anh xuống.
Một vị lãnh đạo tiêu biểu khác được rất nhiều người theo và ủng hộ đã bị hạ bệ vì quan hệ tình ái bất chính và sau đó không lâu đã chết vì xuất huyết não. Tôi đã hỏi vị lãnh đạo, ai đã cùng làm việc bên cạnh ông ấy, ông xem cái động cơ căn bản của con người ấy là gì. Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp, “Tôi tin rằng ấy chính là lòng ganh ghét đói với người anh của ông ta.” Cái động cơ cốt lõi của ông ta là ‘ganh ghét’. Điều này khiến tôi ngạc nhiên, nhưng một vị mục sư khác từng làm việc với ông ấy đã xác nhận điều này.
Xin cùng lướt qua vài vị tôi tớ Đức Chúa Trời và tra cớ tích căn bản của mỗi người.
- Giô-sép là con người thành công ở mọi chỗ, khi còn là người em trong gia đình, trong lúc bị khước từ, trong cương vị quản gia tại Ai-cập, ở tù vì chịu bất công, hay ở đỉnh cao tể tướng của một quốc gia. Tại sao? Chính vì cảm nhận số phận đến từ sự nhận biết người cha đặc biệt yêu thương ông. Trong cái động cơ căn bản ấy không hề có hạt giống hủy diệt. Chúa Jêsus có cái cớ tích căn bản ấy, “Ta phải lo việc của Cha Ta.” Cha Ngài đã tái xác nhận điều này lúc khởi đầu chức vụ, “Nầy là Con Yêu Dấu của Ta.” Một động cơ cao quí cuối cùng phải đạt đến một mục đích cao trọng nếu làm theo những nguyên tắc của Đức Chúa Trời.
- Động cơ cán bản của Đa-vít là tình yêu dành cho bầy chiên và tình yêu đối với Đức Chúa Trời. Danh vọng không phải là mơ ước của lòng ông. Có nhiều lúc bị sự xấu xa tác động, có khi lên mình kiêu hãnh và cũng có khi bị dân chúng I-sơ-ra-ên ảnh hưởng đến ‘cái tôi’ của ông. Nhưng cái động cơ căn bản của ông là tinh ròng và đáng khâm phục.
- Sau-lơ thì hoàn toàn trái lại. Động cơ căn bản của ông là thèm muốn sự công nhận. ngay khi còn trẻ, lúc còn mai danh ẩn tích, khi Sa-mu-ên đến tìm ông. Thực ra Sau-lơ đã chất chứa tham vọng nổi danh. Về sau lên ngôi vua, ông đã cho xây tượng đài của chính mình. Điều này có thể đúng về chúng ta. Có thể sức mạnh thôi thúc chúng ta là phục vụ để được nhìn nhận. Nhiều điều được thực hiện dường như với một động cơ trong sạch, nhưng trong chỗ sâu kín nhất lại là một sức mạnh khiếm khuyết thôi thúc. Một vị lãnh đạo như thế có thể kiêng ăn cầu nguyện, hạ mình, thăm viếng trẻ mồ côi, nhưng bị điều khiển bởi khát vọng ẩn kín bất toàn.
- Giô-áp, quan tổng binh dưới triều đại vua Đa-vít, dầu là người thô kệch, vẫn trung thành với Đa-vít. Nhưng khi vương quốc được chuyển giao qua Sa-lô-môn thì người ta đã thấy cái động cơ ẩn tàng lệch lạc trong con người của ông.
- Động cơ chủ yếu của Môi-se là phải giải phóng dân sự mình ra khỏi vòng nô lệ. Ông đã cố thực hiện bằng sức mình, nhưng Chúa biết căn cơ cốt lõi của ông là tinh ròng. Sau này ông được kêu gọi thực thi sứ mạng ấy bằng phương cách của Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người giữa vòng chúng ta cũng thế. Chúng ta cố làm theo cách của mình, nhưng Đức Chúa Trời thấy động cơ của chúng ta.
Biết bao lần một lãnh đạo làm những điều đáng kể cho Đức Chúa Trời, nhưng khi được đặt vào vị trí quyền lực thì mới rõ ra cái cớ tích căn bản của người ấy là bất chính. Người ta cho rằng quyền chức đã làm cho hư hoại, nhưng tôi tin rằng những mầm mống khuyết tật đã nằm sẵn trong vài động cơ căn bản ấy.
Có chăng những dấu hiệu của động cơ lệch lạc trong một con người? Thường thì nó được che dấu rất kỹ, nhưng đối với người thuộc linh thực sự thì không. Kẻ yếm thế nghĩ rằng hầu hết mọi người đều có những động cơ xấu, và nhằm những lúc thấy mình đúng, người ấy bèn lên giọng, “Tôi đã bảo anh (chị) rồi đấy thôi. “-Nhưng người thuộc linh suy xét mọi sự và không bị ai đoán xét mình.”
Những dấu hiệu của một động cơ lệch lạc là:
1. Khuynh hướng qui ngã – hướng về cái ‘tôi’.
2. Thiếu một sự phục vụ ẩn mình.
3. Không thăm viếng Ghinh-ganh – lễ cắt bì của thập tự giá.
4. Không nương cậy – đi theo sự độc đoán của tấm lòng xác thịt.
5. Thích được sủng ái – ít chịu tan vỡ.
6. Để cho người khác theo mình hơn là theo Chúa Cứu Thế.
7. Đời sống tâm giao nông cạn.
8. Thiếu mềm mại hoặc nhẫn nại.
9. Tham quyền cố vị.
10. Thích sống trên những người mình phục vụ.
Có thể nào thay đổi động cơ cốt lõi không?
Một số người là không thể biến dịch. Trong bản chất người ấy có cái gì khiếm khuyết trong cấu tạo cơ bản có thể ví như chương trình DOS trong máy tính vậy. Cần phải reformatted (tái định dạng)! Chẳng hạn như Giu-đa đã bị định sẵn cho sự hủy diệt. II Cô 11:12-15 nói về những kẻ cơ hội, những giáo sư, sứ đồ giả và các thiên sứ sáng láng.
Một số phải bị hạ xuống. Chẳng hạn như Nê-bu-cát-nết-sa phải trải qua bảy năm.
Hãy phơi bày dây mơ rễ má của mình ra trong ánh sáng của thập tự giá.
– Sách Gióp 14: 7-9, “Khi cây bị đốn, ta vẫn còn hy vọng. Cây sẽ mọc lại, đâm chồi nẩy lộc..” Người thợ gốm phải làm lại từ đầu, Gie 18:4 “Khi nào bình đang nắn bị hỏng, như thường xảy ra với đất sét trong tay người thợ gốm, anh nắn lại một bình khác, vừa ý mình.”
Làm thế nào để có thể thay đổi cái căn cơ cốt lõi của mình?
1. Phải chân thành với chính mình, với Đức Chúa Trời và với người khác.
2. Phải nhìn nhận mình là xấu xa không có đủ sức để thay đổi. Điều thực sự cần là ăn năn thực sự và xưng nhận tội lỗi.
3. Tự nguyện hoàn toàn đầu phục cuộc đời trong tay Chúa Cứu Thế để Ngài thay đổi và kiểm soát.
4. Sẵn sàng để cho lửa của Đức Chúa Trời lan qua quí vị.
5. Phải cởi mở, chân thành, chịu trách nhiệm và thuận phục một người trưởng thành thuộc linh đáng tin cậy.
Nguồn: John Walton, Khôn Ngoan Thực Tiễn.