Cha mẹ không thể thay đổi màu mắt của con mình, nhưng họ có thể đem lại cho đôi mắt ấy ánh sáng nồng ấm của sự cảm thông, hiểu biết. Họ không thể biến đổi nét mặt của con mình, nhưng bằng nhiều cách, họ có thể đem lại cho con mình nét mặt rạng rỡ lòng nhân đức, thái độ tử tế thân thiện – những điều mà rốt lại có thể mang lại hạnh phúc nhiều hơn là vẻ toàn hảo giúp đoạt ngôi hạng trong các kỳ thi hoa hậu. Cha mẹ không thể đem đến cho con cảm giác an tâm bằng cách cung cấp cho nó vật chất một cách thừa thải, nhưng họ có thể ôm con mình trong vòng tay yêu thương.
Cha mẹ quá ích kỷ hoặc quá nuông chìu sẽ tạo nên tình trạng bất an trong đời sống con cái. Peter Bertocci phát biểu: “Tình yêu ích kỷ là thứ tình yêu hủy phá nhiều hơn sáng tạo.” Con cái cần một bối cảnh để thành nhân – một các tính mạnh mẽ, hữu ích và chân thật. Khi cha mẹ quá ích kỷ, nhân cách đứa con không phát triển được, giống như một cây bị còi cọc vì mọc quá gần một cây lớn. Những cha, mẹ ích kỷ thương con chỉ vì những gì mà đứa con ấy làm cho mình. Đây là thứ tình yêu có hại, chỉ nghĩ đến mình.
Mặt khác, khi cha mẹ quá nuông chìu, không đặt ra những giới hạn nào rõ rệt, thì sẽ khiến cho con bối rối. Mặc dù nên có ít luật lệ thôi, nhưng số ít luật lệ được tuân giữ một cách nhất quán ấy sẽ tạo nên tình trạng ổn định.
Có hai loại tự do: tự do sai lầm khi người ta tùy tiện làm điều mình thích, và tự do đích thực khi người ta được quyền làm những gì mình phải làm.
– Charles Kingsley
TRẺ CON CẦN SỰ AN TÂM
Jim tự nguyện đến để xin được tư vấn. Vào độ tuổi 19, anh là điển hình của tình trạng bất an vô vọng. Các buổi tư vấn đã cho biết nhiều nguyên do đưa đến tình trạng này. Anh nói mình chưa bao giờ biết đến hạnh phúc. Ngoài mặt anh cố làm ra vẻ bạo dạn, nhưng trong lòng anh luôn sợ hãi muốn trốn chạy. Anh đến với ma túy và rượu để kéo lê cuộc sống. Giờ đây anh hoàn toàn bế tắc. Trong cơn tuyệt vọng anh cần sự giúp đỡ.
Một đứa trẻ khao khát sự an ninh. Để có cảm giác yên ninh, nó có thể bám chặt lấy chiếc mền, hay kéo con gấu nhồi bông hoặc con búp bê theo mình đi khắp nơi. Đứa bé có nhu cầu nội tâm là cần có cái gì chắc chắn, an toàn làm điểm tựa và cảm thấy sợ hãi khi thiếu những điều ấy.
Healy và Bronner trong cuốn “Những hiểu biết mới về tình trạng thiếu niên phạm pháp và cách giải quyết” (New Light on Delinquency and Its Treatment) nói rằng nếu nhu cầu được an ninh cho con em mình cũng như làm giảm thiểu những nguyên nhân gây bất an.
Những Tình Trạng Gây Bất An
Không phải tất cả mọi nguyên nhân của tình trạng bất an đều được đề cập đến trong trường hợp của Jim, nhưng có những lý do chính. Đó là gì?
1. Mâu thuẫn giữa cha mẹ. Jim chẳng bao giờ thấy cha mẹ mình sống yêu thương và hòa thuận cả. Họ thường xuyên cãi vả nhau. Không khí căng thẳng. Anh bị kẹt ở chính giữa. Bất cứ lúc nào anh cũng cảm thấy gia đình mình có thể tan vỡ.
Trong một cuộc nghiên cứu về các thiếu niên có vấn đề, ba nguyên nhân sử dụng ma túy được đề cập thường xuyên nhất theo thứ tự từ cao đến thấp là: (1) Xung đột giữa cha mẹ, (2) Ước muốn thay đổi tính cách, và (3) Áp lực của nhóm bạn đồng trang lứa. Những thiếu niên này có cha mẹ thường xuyên xung đột với nhau; chúng không thích chính mình và muốn cá tính mình bằng cách dùng ma túy; và chúng bị buộc phải dùng ma túy vì áp lực chúng cảm nhận từ những bạn khác.
Không điều gì đáng sợ hơn đối với trẻ con khi nhìn thấy cha mẹ, những người chúng biết rõ nhất cũng như nương dựa vào để sống lại cứ cãi vả nhau như là thù địch. Điều này không có nghĩa là cha mẹ chẳng bao giờ nên tranh luận trước mặt con cái. Việc có những dị biệt sâu sắc để rồi giải quyết chúng bằng tình yêu thương có thể giúp cho con đối diện cuộc đời với cái nhìn thực tế. Nếu một đứa trẻ thấy được tình yêu thương giữa cha mẹ sau khi bất đồng thì có thể nó sẽ được chuẩn bị để đối diện với tình trạng xung khắc hơn là đứa trẻ chẳng bao giờ biết cha mẹ mình có những bất đồng. Tuy nhiên điều này hoàn toàn khác với những ông bố, bà mẹ liên tục xung đột với nhau.
2. Tình trạng thường xuyên di chuyển chỗ ở. Gia đình Jim đã nhiều lần dọn nhà. Jim chẳng bao giờ cảm thấy yên tâm tại bất cứ đâu. Anh chưa bao giờ có bạn thân và anh khiếp sợ khi nghĩ đến những tình huống mới.
Nhiều gia đình liên tục dời chỗ ở. Hơn một phần tư dân số (Hoa Kỳ) đổi chỗ ở mỗi năm. Rất ít gia đình ở cố định trong thời gian mười năm hoặc hơn. Sức mạnh vững chắc và ổn định của đại gia đình đang mất dần đối với cả cha mẹ lẫn con cái.
Cách đây nhiều năm, một bé gái có vẻ như bị bịnh. Bác sĩ khám nhiều lần nhưng vẫn không sao tìm được nguyên do cho căn bệnh của em. Sau nhiều tháng, cô bé thú thật với bố mẹ: “Con lo sợ bố mẹ sẽ dọn nhà lần nữa trong lúc con đang đi học.”
Việc dọn đến nơi ở mới buộc đứa trẻ phải thích ứng với nhà mới, bạn mới, trường mới cùng vô số kinh nghiệm mới khác. Đứa trẻ có thể dễ dàng cảm thấy bất an, nhất là trong trường hợp nó không được hưởng sự ấm áp cũng như sức mạnh trong các mối tương quan tình cảm với anh chị em mình và của bố mẹ.
3. Thiếu kỷ luật thích đáng. Jim chẳng bao giờ biết giới hạn thực sự cho đời sống mình là ở đâu cả. Khi cha mẹ anh cảm thấy vui vẻ, họ nuông chìu con quá đáng. Còn khi họ bất hòa với nhau thì Jim trở thành cái đích để họ trút đổ cơn giận.
Để có sự yên ninh và cảm giác yên tâm, đứa trẻ cần một số luật lệ cho đời sống. Những đứa trẻ bất an nhất là những em xuất thân từ các gia đình không có các giới hạn nào rõ rệt cho hành vi của chúng. Một số thiếu niên than phiền rằng cha mẹ không quan tâm đầy đủ đến chúng để đặt ra những giới hạn như thế. Giới trẻ tuổi hành động như thể họ bị đối xử tồi tệ hoặc bất công trước những hạn chế, nhưng họ lại âm thầm hài lòng vì những giới hạn này đem lại cho họ cảm giác yên ninh. Quí cha mẹ hãy lưu ý điều này.
Nhu cầu về kỷ luật sẽ được bàn ở một chương khác. Nhưng vì nó liên quan mật thiết đến cảm giác yên ninh nên nó được đề cập cách ngắn gọn ở đây.
Một cô gái 17 tuổi thấy khó tin được Đức Chúa Trời yêu thương cô bởi vì cô không còn có thể tin vào tình yêu thương của con người nữa. Cô ta thật khổ sở. Khi thú nhận điều này với nhân viên tư vấn, cô tiết lộ rằng trong gia đình cô thiếu những biểu lộ tình thương. Cô không bao giờ biết chắc rằng mình được yêu thương hay cần đến.
Một ngày kia tại nhà bạn, cô thấy người mẹ hôn chào tạm biệt con gái bà và bảo: “Này con cưng, mẹ mong con về nhà lúc 11 giờ tối nay. Đừng về trễ nhé. Mẹ sẽ chờ con đấy!” Như có thanh gươm đâm vào tim, cô thắc mắc tại sao mẹ cô dường như chẳng bao giờ để ý xem cô ở đâu hoặc lúc nào sẽ về nhà. Để xem gia đình có thực sự quan tâm đến mình không, cô đã quyết định đi chơi thật khuya để biết đâu gia đình sẽ lo sợ cho an ninh của cô hoặc có lẽ sẽ gọi báo cảnh sát chăng.
Cô ta đến một buổi biểu diễn văn nghệ vào giờ khuya cốt chỉ để có chỗ ngồi. Sau đó, cô đi bộ một mình trên các đường phố đến khi cô cảm thấy sợ hãi. Cô tìm đến bến xe buýt rồi ngồi phịch lên băng ghế, mệt lã và thèm ngủ, nhưng kiên quyết chờ câu trả lời.
Vào sáng sớm hôm sau, cô loạng choạng tiến đến trước cửa nhà mình rồi bước vào cách ồn ào với hy vọng là ai đó sẽ nghe. Không ai gọi vọng ra, không ai chú ý cả. Vào buổi điểm tâm chẳng ai buồn hỏi cô đã ở đâu suốt đêm qua hoặc về nhà khi nào. Cô đã nhận được câu trả lời! Cô phải tiếp tục kéo lê cuộc sống với nỗi đau đớn sâu xa trong lòng.
4. Sự vắng mặt của cha mẹ. Jim chẳng những nếm trải những xa lạ của nơi ở mới mỗi lúc gia đình dọn nhà, mà cha mẹ anh cũng thưởng hay vắng nhà nữa. Bố anh ít khi ở nhà, ngay cả vào buổi tối. Vì mẹ anh cũng đi làm, nên mỗi chiều tan học, anh lại về với ngôi nhà vắng lặng. Sự vắng mặt của cha mẹ tạo nên tình trạng bất an.
Một nghiên cứu sinh đã điện thoại cho hàng chục gia đình khoảng 9 giờ tối để hỏi xem các bậc cha mẹ có biết con mình đang ở đâu không. Anh thuật lại rằng: “Năm cuộc gọi đầu tiên, tôi nghe con cái trả lời không hề biết cha mẹ mình đang ở đâu.”
5. Sự chê bai liên tục. Cha mẹ của Jim thường xuyên chồng chất trên anh các lời chê bai. Anh cảm thấy rằng chẳng có điều nào anh làm là đúng cả. Nỗi khiếp sợ về sự thất bại luôn ám ảnh anh. Anh sống với cảm giác là mình bất tài. Khi xin việc làm, nỗi lo lắng của anh luôn phát lộ trước mặt người phỏng vấn. Khi thực hiện một nhiệm vụ mới, anh nghĩ chắc mình không thể thành công. Anh cảm thấy mình bị khướt từ.
Sheldon và Eleanor Glueck, trong cuốn “Quá trình tạo nên một tội phạm, một ngàn tội phạm thiếu niên”, cũng như trong các công trình nghiên cứu tương tự, cho thấy việc bị cha mẹ hất hủi là tác nhân chính dẫn con cái đến một cuộc đời phạm pháp.
Lòng trẻ con tan vỡ nếu chúng cảm thấy cha mẹ không yêu quí chúng, thường xuyên chê bai chúng, hoặc không dành thời gian cho chúng, hoặc nếu chúng ý thức rằng cha mẹ không cần chúng trước hết. Cha mẹ cũng có thể khiến con cái có cảm tưởng bị hất hủi khi làm điều gì đó cho con với thái độ miễn cưỡng.
6. Dùng tặng vật thay vì đích thân dành thì giờ cho con. Jim cảm biết rất rõ ràng cha mẹ anh thường xuyên cho anh quà và tiền bạc hơn là đich thân chơi với anh. Vào sinh nhật của anh cũng như vào dịp Giáng sinh họ cho anh thật nhiều quà. Nhưng ngay từ khi còn rất bé thì anh cũng đã cần cha mẹ nhiều hơn là quà tặng của họ. Khi anh lớn hơn thì tiền bạc và quà tặng của bố mẹ đối với anh dường như là sự đền trả cho anh vì thiếu thì giờ và tình thương của họ dành cho anh.
Lời của một số bài hát trong vài thập niên qua nói về tình trạng cha mẹ cho con cái mọi thứ trừ ra chính họ. Nhiều bài trong số đó đã do những thanh niên bị hất hủi, bất an viết ra.
7. Cha mẹ bất an. Dù vậy, đằng sau sự bất an của giới trẻ là sự kiện chính những bậc cha mẹ cảm thấy bất an. Tình hình thế giới bất ổn khiến chúng ta phải trả giá. Một bé gái tám tuổi trong gia đình dọn đến ở tại một ngôi nhà đẹp trong thành phố đã tỏ vẻ lo lắng. Khi cha mẹ thuyết phục cô tỏ cho biết điều đang khiến cô lo âu, thì cô nói ước chi gia đình dọn về miền quê, vì thành phố có thể bị dội bom. Cô bé đã nghe cha mẹ nói về mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân là điều có thể hủy diệt những thành phố lớn.
Những chuyện như giá sinh hoạt tăng vùn vụt, thuế má ngày càng cao, tình trạng suy thoái kinh tế, mất mùa, thiên tai, chiến tranh, lo âu về nghề nghiệp, cùng vô số những chuyện khác được đem ra bàn cách bất cẩn trước mặt con cái có thể gây cho chúng sợ hãi và bất an. Những phụ huynh bàn luận trước mặt con cái tình trạng thiếu niên phạm pháp, ma túy, tình dục và những lo âu của chính họ về việc nuôi dạy con có thể gây cho chúng sự hốt hoảng trong lòng. Một đứa bé tình cờ nghe cha mẹ nói về tình trạng ô nhiễm, đã hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có chắc là có đủ không khí cho mọi người không?”
Thời đại của chúng ta là thời đại âu lo. Đó là thời đại mà trẻ con cố sức gánh vác những âu lo của bố mẹ tới một mức độ lớn hơn là mức chúng đáng phải gánh. Sự than phiền kinh niên của bố mẹ sẽ tác động lên con cái: “Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.” (Math 6:34)
Những cha mẹ quá lo lắng sẽ gặp khó khăn khi đưa ra kỷ luật nhất quán. Họ đi từ thái cực này đến thái cực khác. Họ ngã từ thái độ nuông chìu con đến thái độ khe khắt, tùy vào tâm trạng họ hiện có. Khi họ có lập trường kiên định về bất cứ việc gì thì họ cảm thấy có thể mình sai khi quá nghiêm khắc. Khi họ không thể quả quyết một điều mà trong thâm tâm họ biết là đúng thì họ có mặc cảm tội lỗi.
Trẻ con sớm học biết lợi dụng sự bất an của cha mẹ để đạt được những ham muốn trước mắt mà thường cuối cùng là những điều tai hại. Để được yên ninh, trẻ con cần biết chúng đang đứng ở đâu. Khi chúng nhận ra rằng cha mẹ chúng thường thay đổi lập trường thì chúng thấy bất an.
(Nguồn: John M. Drescher, Seven Things Children Need)
Dịch: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam