Cuộc Chiến Giữa Cái Tôi Và Sự Hiệp Một

Share

Chúa Giê-su biết mình sẽ lên thập giá và trở về cùng Cha, nên Ngài cầu nguyện khẩn thiết cho sự hiệp một của các môn đệ và Ngài cũng đang khẩn thiết cầu nguyện cho sự hiệp một trong Hội Thánh chúng ta ngày nay.

11 Con không ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn ở lại trong trần gian, còn Con đi về cùng Cha. Thưa Cha Thánh, xin bảo toàn họ trong uy danh Cha mà Cha đã ban cho Con để họ hiệp nhất cũng như Cha và Con… 20 Không những Con cầu thay cho họ thôi đâu, mà còn cho những người nào tiếp nhận lời họ và tin theo Con nữa. 21 Thưa Cha, Con cầu xin cho họ tất cả đều hiệp nhất cũng như Cha trong Con và Con trong Cha, để họ cũng ở trong Cha và Con. Do đó, thế gian sẽ tin rằng chính Cha đã sai Con đến (Giăng 17.11,20-21, Bản Dịch 2002).

Sự hiệp một là lý do Chúa Giê-su được sai đến cứu chuộc nhân loại – đem sự thuận hòa giữa người với Trời và người với người. Hiệp một và cầu nguyện là hai điều kiện khởi đầu để Chúa dấy lên những cơn phục hưng. Tiếp tục hiệp một cầu nguyện là điều kiện để Chúa tiếp tục duy trì sự phục hưng và mở rộng ra tầm vóc cũng như chiều sâu của những cơn phục hưng. Hiệp một và tiếp tục hiệp một là hai mặt trận chính yếu trong cuộc chiến thuộc linh giữa ma quỷ với mỗi cơ đốc nhân và hội thánh của Chúa.

Để cùng với Chúa xây dựng sự hiệp một của các cơ đốc nhân, trong hội thánh địa phương, giữa các hội thánh và giữa các giáo hội vv – chúng ta cần suy xét đến những ý nghĩa căn bản của sự hiệp một và dựa vào đó mà định hướng giải quyết một nan đề đang ngăn trở và phá hoại tiến trình xây dựng sự hiệp một: nan đề “cái tôi” của con người và hội thánh.

I. NHỮNG Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA SỰ HIỆP MỘT.

1. Hiệp Một Là Bản Tính Yêu Thương Kết Hợp Toàn Vẹn Của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Một nền tảng lẽ đạo chung của tất cả các hội thánh Cơ Đốc là tín lý Đức Chúa Trời (God) là “Một” với ba “Thân Vị” hay “Ba Ngôi” khác nhau nhưng hiệp một với nhau là: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiệp một sáng tạo vũ trụ và loài người (Sáng Thế 1-2, Bản Dịch 2002). Ba Ngôi Đức Chúa Trời cùng hiệp lại vận hành khi Ngôi Hai là Chúa Giê-su chịu báp tem (Ma-thi-ơ 3.13-17; Mác 1.9-11; Lu-ca 3.21-22). Chúa Giê-su xác định Ngài và Đức Chúa Cha là một (Giăng 1.1-4; 10.30; 17.10-11,21-22) vv…

Bản tính hiệp một này không phải là một sự hiệp lại một cách máy móc (mechanistic) của những người khác tâm tình và ý hướng để họ có thể làm việc chung được dễ dàng và kết quả. Bản chất của Đức Chúa Trời là mối quan hệ yêu thương và hiệp lại với nhau một cách toàn vẹn: “7 Các con yêu dấu! Chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau, vì tình yêu thương xuất phát từ Đức Chúa Trời. Ai thương yêu thì đã được Đức Chúa Trời sinh ra và nhận biết Đức Chúa Trời. 8 Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương(1 Giăng 4.7-8). Đức Thánh Linh “đổ đầy” tình yêu thương hiệp một trong người tin kính: “Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta(Rô-ma 5.5). Do đó dấu hiệu và bằng chứng đầu tiên của sự hiệp một là nếp sống kết hợp với nhau bằng loại tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Tình yêu thương hiệp một là một loại dầu thánh làm đẹp lòng Chúa để Chúa ban phước toàn vẹn (Thánh Thi 133.1-3). Chúa ban cho người và nơi có sự hiệp một yêu thương một đặc ân rất lớn:

Chưa ai thấy Đức Chúa Trời bao giờ. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài trong chúng ta được toàn hảo…16 Chúng ta đã nhận biết và tin tưởng tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu thương, ai ở trong tình yêu thương ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy” (1 Giăng 4.12,16).

Hiệp một và yêu thương nhau là dấu hiệu Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài ở trong chúng ta một cách “toàn hảo”. Đây là tình trạng đầy dẫy bông trái Đức Thánh Linh và là dấu ấn là Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta thuộc về Ngài.

Điều kiện đầu tiên để cho Đức Thánh Linh giáng trên hội thánh đầu tiên và khởi đầu cuộc ‘phục hưng’ đầu tiên trong lịch sử hội thánh của Chúa, được ký thuật trong Công Vụ 2, là đời sống hiệp một và yêu thương (bên cạnh sự vâng phục Chúa Giê-su ở lại Giê-ru-sa-lem cầu nguyện) của các môn đệ: “Tất cả các người đó đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục cùng với các bà và Ma-ri là mẹ Đức Giê-su và các em trai Ngài(Công Vụ 1.14).

Không có tình yêu thương thì cái gọi là hiệp một chỉ là một sự “đoàn kết” bề ngoài giả tạo.

20 Nếu ai nói: Tôi yêu kính Đức Chúa Trời mà lại ghét anh chị em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương anh chị em mình là người thấy được, thì không thể yêu kính Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được. 21 Và chúng ta có điều răn này: Ai yêu kính Đức Chúa Trời thì cũng phải thương yêu anh chị em mình” (1 Giăng 4.20-21).

Tất cả đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục là xương sống của mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với nhau. Sự hiệp một qua những hình thức thông công xã giao hay cộng tác chung bề ngoài chỉ nối kết một phần nào đó của tâm hồn chúng ta với nhau. Nó sẽ không lâu dài khi có những loại sự cố khác nhau xảy ra. Nhưng nếu tất cả đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục thì sự nối kết tâm linh thì sẽ không thế nào bị phân rẽ.  Đây là nơi Chúa khai phóng và soi dẫn mọi khải tượng sẻ chia Tin Lành quyền năng và thiết lập hội thánh đầu tiên. Khi các môn đệ và mọi người. Khi các môn đệ tất cả đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục thì Đức Thánh Linh giáng trên họ với kết quả 3000 người tin Chúa tại Giê-ru-sa-lem là nơi mà không lâu trước đó có những con người bắt bớ đã đóng đinh Chúa Giê-su (Công Vụ 2). Từ chỗ một nhóm người lãnh đạo Hội Thánh An-ti-ốt đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục thì Đức Thánh Linh ban khải tượng truyền giáo để từ đó Tin Lành như vết dầu loang trên khắp đế quốc La-mã thời đó và tiếp tục loang đến khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Thiếu sự đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục thì mọi chương trình hay kế hoạch tổ chức chung đều sẽ thất bại hay gặp nhiều lủng củng và khó khăn sâu xa khi bước vào giai đoạn thực thi một dự án chung. Do đó cầu nguyện và hiệp nguyện là hai nền tảng đầu tiên của một tiến trình xây dựng sự hiệp một. Chưa cầu nguyện cho nhau tức là chưa có ý định kết hiệp với nhau. Chưa hiệp nguyện, chưa hiệp nhau lại để cầu nguyện, tức là tinh thần hiệp một chưa đủ mạnh. Chúng ta cần xin Chúa thêm sức và thêm đức tin cho mình để sẵn sàng thông cảm, chấp nhận sự khác biệt và tha thứ cho nhau (Ê-phê-sô 4.32 – 5.1) để có thể bắt đầu cầu nguyện thay cho người khác, hội thánh khác và giáo hội khác, và sau đó tiến đến sự hiệp nguyện với nhau.

2. Hiệp Một Là Kết Hợp Với Nhau Như Các Chi Thể Trong Một Thân Thể Cho Mục Đích Sẻ Chia Tin Lành Và Xây Dựng Hội Thánh Của Chúa.

Mỗi người trong chúng ta, mỗi hội thánh địa phương, mỗi giáo hội và mỗi tổ chức cơ đốc vv… là một chi thể trong thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-su, như Phao-lô nói đến trong 1 Cô-rinh-tô 12.12-14:

12 Vì như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể và tất cả chi thể của thân tuy nhiều nhưng vẫn thuộc về một thân thể. Chúa Cứu Thế cũng vậy. 13 Vì trong cùng một Thánh Linh mà chúng ta chịu phép báp-tem để sát nhập vào một thân thể, người Do Thái cũng như Hy Lạp, kẻ nô lệ cũng như tự do, tất cả chúng ta đều được uống cùng một Thánh Linh. 14 Vì thân thể không phải chỉ có một chi thể nhưng nhiều chi thể….

Cường độ yêu thương và nối kết phối hợp với nhau của các chi thể trong một thân thể sâu xa và mạnh mẽ khác biệt với mối quan hệ giữa những con người làm việc với nhau theo “hợp đồng” của thế gian. Các công ty ngoài đời có thể vì quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của mình mà phải tôn trọng và cam kết làm tròn mọi trách nhiệm về tài chánh, tổ chức và hành chánh vv… theo mức quy định trong hợp đồng. Nhưng nếu không có lợi ích rõ ràng và thực tế, vì bảo vệ quyền lợi của chính mình, họ sẽ không bao giờ đầu tư thêm về tài chánh, nhân sự và tài nguyên ở ngoài mức quy định của hợp đồng. Khi cần duy trì quyền lợi và vị thế lâu dài, họ sẽ sớm rút ra khỏi “hợp đồng” cho dù sẽ gây thiệt hại cho những thành viên còn lại trong “hợp đồng” này.

Nhưng các chi thể trong một thân thể chỉ có một quyền lợi duy nhất, không phải sự sống của chính mình, nhưng là sự sống chung của tất cả các chi thể, tức là sự sống của thân thể. Nếu thân thể sống, tất cả cùng sống. Nếu thân thể chết, tất cả cùng chết. Nếu một phần thân thể không hoạt động thì thân thể đó bênh tật hay bại liệt. Nếu thân thể sống lại, tất cả cùng sống lại:

7 Vì không một ai trong chúng ta sống cho chính mình hoặc chết cho chính mình, 8 vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa; và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Như thế, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa cả.(Rô-ma 14.7-8).

Nói tóm lại, sự sống của Chúa Giê-su trong chúng ta chính là sức sống của sự hiệp một của các cơ đốc nhân và các hội thánh.

Nếu sau khi hiệp nguyện và được Chúa thăm viếng soi dẫn để thực hiện một mục vụ chung nào đó – như sẽ tổ chức bồi linh chung, huấn luyện chung, Lễ Giáng Sinh Chung, Đại Hội vv… — thì điều cần trước tiên là xây dựng sự sống của Chúa Giê-su trong ban tổ chức và nhân sự phục vụ cùng con dân Chúa. Đó là xây dựng những bản tính và mỹ đức của Ngài như trong sạch, vâng phục, hiệp một trong hình ảnh các chi thể của một thân thể, thương xót, yêu thương tha thứ và cam kết phục vụ vv… Đây là những phẩm chất giúp chúng ta hay các hội thánh phối hợp với nhau một cách hài hòa và đẹp lòng Chúa. Thiếu những phẩm chất này làm sinh ra những vấn đề tranh cãi, ganh tỵ, tìm tư lợi, bè phái, bằng mặt nhưng không bằng lòng vv… là những gốc rễ xấu làm hư hoại trước là mục vụ chung và sau là tình hiệp một thông công giữa các thành viên của mục vụ chung.

Chúa Giê-su đến thế gian với mục đích duy nhất là rao giảng Tin Lành (bằng nhiều phương cách và nội dung khác nhau), xây dựng hội thánh của Chúa (Ma-thi-ơ 16.17-19) và làm vinh hiển Đức Chúa Trời là Cha. Ba khía cạnh này là những tiêu chuẩn để xác định một dự án chương trình chung nào đó có thật là cần thiết và đúng ý nghĩa hiệp một. Một dự án chung hội đủ những điều kiện như: *có tác dụng trực tiếp hay gián tiếp về khía cạnh sẽ chia Tin Lành cho người khác hay cộng đồng, *góp phần xây dựng hội thánh địa phương, *và hướng dẫn mọi người liên hệ tôn cao ca ngợi Chúa – là một dự án mà chúng ta và các hội thánh cần đặt ưu tiên đầu tư vào.

3.  Hiệp Một Trên Nền Tảng Tình Yêu Sẻ Chia Và Lòng Tôn Trọng Nhau.

Mỗi chi thể là hình ảnh nói về mỗi người tin kính trong hội thánh địa phương, mỗi hội thánh địa phương trong cộng đồng các hội thánh, mỗi giáo hội và mỗi cơ quan Cơ Đốc trong một quốc gia và thế giới. Chúa dựng nên mỗi chi thể có một chức năng phục vụ trong một môi trường riêng, có sức tăng trưởng riêng và có tầm quan trọng như nhau với thân thể là Chúa Cứu Thế Giê-su. Tất cả được dựng nên để kết hợp phục vụ thân thể là Chúa Cứu Thế Giê-su:  

15 Nếu chân nói: Vì tôi không phải là tay, tôi không thuộc về thân thể. Có phải vì nói như thế mà chân không thuộc về thân thể sao? 16 Và nếu tai nói: Vì tôi không phải là mắt, tôi không thuộc về thân thể này. Có phải vì nói như thế mà tai không thuộc về thân thể sao? 17 Nếu toàn thân thể là mắt cả thì nghe làm sao? Nếu tất cả là tai thì ngửi thế nào? 18 Nhưng Đức Chúa Trời đã xếp đặt mọi chi thể trong thân thể, mỗi bộ phận tùy theo ý Ngài. 19 Nếu tất cả chỉ là một bộ phận thì thân thể ở đâu? 20 Nay tuy có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân thể… (1 Cô-rinh-tô 12.15-19).

Do đó các chi thể hoạt động đúng chức năng Chúa định đều có một linh thần và bản năng yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ nhau.

Tinh thần và bản năng đó có một chiều sâu sẽ chia lạ lùng: “26 Nếu một chi thể đau đớn, tất cả các chi thể cùng đau. Nếu một chi thể được tôn trọng, tất cả các chi thể khác cùng vui mừng” (1 Cô-rinh-tô 12.26). Người hay hội thánh có tinh thần và bản năng này nhận biết và sẽ chia với cái đau của người hay hội thánh khác. Họ tự nhiên vui với cái vui của người hay hội thánh khác. Không cần phải thúc giục, họ luôn tha thiết cầu nguyện và tìm cách hỗ trợ người hay hội thánh khác. Họ không bao giờ mặc cảm hay ganh tị nhưng tạ ơn Chúa khi người khác hay hội thánh khác được Chúa ban ơn lớn mạnh về linh vụ, tổ chức và số người nhóm lại. Họ không cao ngạo nhưng tìm phục vụ cho các nhu cầu của những người hay những hội thánh nhỏ hơn hay yếu kém hơn.

Tình yêu thương mang lấy gánh nặng của nhau, lòng tôn trọng và sự cam kết phục vụ nhau là những dấu chỉ mức trưởng thành của tinh thần hiệp một của chúng ta.

II. NHẬN DIỆN NHỮNG “CÁI TÔI” CẢN TRỞ VÀ PHÁ HOẠI SỰ HIỆP MỘT.

Kinh Thánh và lịch sử Hội Thánh chỉ ra rất nhiều hình ảnh “cái tôi” là nguồn gốc của mọi cản trở và phá hoại sự hiệp một yêu thương với Đức Chúa Trời và với người khác. Ngày nay những “cái tôi” đó vẫn tiếp tục hoạt động trong mỗi con người chúng ta, hội thánh hay giáo hội trong những dạng khác nhau. Chúng ta cần nhận diện, ngăn chặn và trừ khử những cái tôi này trong tiến trình hiệp một.

1. “Cái Tôi Muốn Bằng Chúa”

Ngày xưa A-đam và Ê-va vì muốn bằng Chúa mà mắc mưu Sa-tan phạm tội không vâng phục Chúa ăn trái cấm (Sáng Thế 3.1-7). Ngày nay nhiều tôi tớ Chúa đã được Chúa ban ơn quyền rất lớn nhưng sau đó không những đã không giữ lòng trung tín tạ ơn và vâng phục mà còn tự tôn xưng mình lên là Chúa. Một trường hợp điển hình là Sun Muyng Moon là người cùng thời với Mục sư David Cho Yonggi. Sun Muyng Moon khởi đầu chức vụ Mục sư với ơn lớn và quyền phép trong lời giảng nhưng sau này tự tôn xưng mình chính là Chúa Cứu Thế. Trái ngược lại với Moon, khi Phao-lô và Ba-na-ba làm phép lạ chữa lành người liệt chân từ lúc sơ sinh ở thành Lít-tra, dân chúng bèn gọi Ba-na-ba là thần Mộc Tinh và Phao-lô là thần Thủy TinhNt: Dia (Zues)

. Thầy tế lễ thần Mộc Tinh đem của lễ dâng để tôn thờ hai ông; nhưng hai người đã xé áo mình và làm hết mọi cách để mọi người biết mình chỉ là những người được Chúa dùng và khuyên dạy họ phải tôn thờ Chúa (Công Vụ 14.8-18).

Cách giải quyết “Cái Tôi Muốn Bằng Chúa” là nhận biết khi làm xong hay làm thành công những điều Chúa dặn bảo, hãy nói: ‘Chúng con là những đầy tớ vô dụng, chỉ làm bổn phận của chúng con.’ (Lu-ca 17:10).  Luôn quy mọi vinh hiển cho Chúa và kính thờ Chúa hết linh hồn, hết lòng, hết sức và hết ý.

2. “Cái Tôi Độc Quyền Là Hội Thánh Đúng Tiêu Chuẩn Của Chúa”

“Chủ Nghiã Độc Quyền” có cách biện chứng rất thâm độc. Nó vừa ủng hộ việc chúng ta tuyên xưng rằng Chúa là trên hết tất cả (để làm chúng ta an tâm rằng chúng ta kính thờ Chúa cách đẹp lòng Ngài) vừa dối gạt chúng ta, khiến chúng ta không thấy rõ hay không chấp nhận là mỗi cơ đốc nhân, mỗi hội thánh và mỗi giáo hội là một chi thể trong thân thể của Chúa Giê-su. Nó khiến chúng ta sống trong một thế giới thuộc linh “ảo tưởng” là hiệp một với Chúa nhưng không hiệp một với các cơ đốc nhân, hội thánh và giáo hội khác là một điều đẹp lòng Chúa.

Satan rất thích chúng ta có tinh thần “Chủ Nghiã Độc Quyền” vì nó đem đến sự nguy hại như sau:

  • Chúng ta có tinh thần kiêu ngạo, xây dựng tháp Ba-bên cho tổ chức, Hội Thánh hay giáo hội của mình. Đây là điều Chúa ghét và Ngài sẽ hủy diệt những ai phạm vào điều này (Châm ngôn 16.18).
  • Chúng ta chỉ chú tâm đấu đá nhau về những điều khác biệt như giáo lý, giáo nghi rồi chúng ta diệt nhau. Satan xưa nay thắng chúng ta không phải là tấn công trực diện mà tấn công vào nội bộ để chúng ta tự động tan rả.
  • Người ngoài nhìn chúng ta không có sự yêu thương và họ bị vấp phạm không tin Chúa. Nếu không yêu thương người anh chị em trong Chúa Giê-su thì nói yêu thương cứu người là điều vô cùng phi lý.

Dưới ảnh hưởng của “chủ nghĩa độc quyền”, chúng ta sẽ dễ cho rằng “hội thánh hay giáo hội của tôi mới là chính thống” để định hướng xác định những ai đáng cho chúng ta hiệp một. Họ cố trưng dẫn Kinh Thánh, giáo lý, giáo nghi và văn hóa để chứng minh những sự khác biệt giữa họ với những hội thánh hay giáo hội khác. Thật ra, những điều họ nêu chỉ là những điều không quan trọng không ảnh hưởng đến tính chất của “nền tảng và lẽ đạo căn bản” của Hội Thánh của Chúa. Do đó chúng ta không nên dựa vào những điều này để kết luận ai là “chính thống” hay “hội thánh thật” đáng để hiệp tác và ai là “tà giáo” hay “hội thánh chưa đủ tiêu chuẩn” không đáng hiệp tác hay cần phải tẩy chay.

Một thí dụ điển hình là có những hội thánh truyền thống xem các hội thánh “Ân Tứ” là tà giáo và ngược lại có những hội thánh “Ân Tứ” coi các hội thánh truyền thống khác là thiếu quyền năng không đủ tiêu chuẩn là hội thánh! Tinh thần coi thấp các hội thánh và giáo hội khác là nguồn gốc sâu xa của hầu hết những sự chia rẻ, chống đối lẫn và công kích lẫn nhau.

Cách giải quyết: Chiến đấu và bảo vệ cho sự hiệp một giữa mình với Chúa và với nhau chống lại thế lực tối tăm để cùng chung hoàn thành sứ mạng Chúa.

Ngày xưa, sứ đồ Giăng khi còn non trẻ trong chức vụ đã ngăn cấm một người nhân danh Chúa Giê-su đuổi quỷ vì người đó không thuộc về nhóm của các môn đệ theo Chúa Giê-su. Nói cách khác, sứ đồ Giăng lúc đó cho rằng chỉ có nhóm của ông được độc quyền đuổi quỷ mà thôi. Chúa Giê-su đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra nguyên tắc rất quan trọng như sau:“Đừng ngăn cấm! vì ai không chống đối các con là người thuận với các con!” (Lu-ca 9.49-50).  

Điều này có nghĩa là nếu ai nhân danh Chúa Giê-su giải cứu người khác khỏi quyền lực ma quỷ là người cùng phe mình. Trọng tâm Chúa Giê-su muốn nói là đừng ngăn cấm họ vì thêm một người đuổi quỷ cứu người thì thêm một người cùng phe mình chống lại ma quỷ và thêm nhiều người được cứu. Do đó chúng ta cần tập trung vào sứ mạng Chúa Giê-su giao. Cuộc chiến là chúng ta chống ma quỷ không phải chống nhau.

Ngày nay hầu hết các hội thánh và giáo hội trên thế giới đều hướng về tinh thần Cơ Đốc liên hiệp toàn cầu (Ecumenism) dựa trên sự cùng chung hai điều quan trọng. Do đó để có sự liên hiệp cho Hội Thánh Việt Nam chúng ta có thể dựa trên nguyên tắc chung này.

1) Cùng chung những lẽ đạo quan trọng có tính chất “nền tảng và bản chất” như những lẽ đạo về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-su, sự tái sinh, sự trở lại của Chúa Giê-su vv;

2) Cùng chung lòng thi hành đại mạng lệnh rao truyền Tin Lành và xây dựng vương quốc Chúa.

Nếu chúng ta tôn cao Chúa thì phải quý trọng thân thể của Ngài. Vì Chúa Giê-su đã đổ huyết ra để mua chuộc Hội Thánh. Quý trọng thân thể của Ngài là quý trọng những chi thể khác trong thân thể đó tức là quý trọng mọi cơ đốc nhân khác, hội thánh khác và giáo hội khác mình. Bản chất và sức sống của sự hiệp một đẹp lòng Chúa là sự hài hòa giữa “hiệp một với Chúa” và “hiệp một với nhau với nhau”: Vậy anh chị em là thân thể của Chúa Cứu Thế và mỗi người là một phần của thân thể ấy (1 Cô-rinh-tô 12.27). Chi thể nào hiệp lại với Chúa và với các chi thể khác thì mới trở nên chi thể trong thân thể Chúa. Tinh thần hòa đồng để có và giữ sự hiệp một với Chúa và hiệp một với nhau sẽ tiêu diệt nhưng đồn lũy tranh chấp, chia rẽ, tranh đấu nghiêm trọng trong nội bộ chúng ta. Nó sẽ chấm dứt sự tự cô lập mình, tư duy và hành động “độc tài”. Vì “Chủ Nghĩa Độc Quyền” sẽ dẫn đến sự độc tài.

3. “Cái Tôi Muốn Mình Lớn Hơn Người Khác” –

Ngày xưa, các sứ đồ tranh giành và cãi lẩy với nhau về ai là lớn hơn (Mác 10.35-45; Lu-ca 9.46-48), thậm chí họ tranh cãi với nhau ngay sau khi vừa dự Lễ Vượt Qua với Chúa Giê-su (Lu-ca 22.24-27). Ngày nay đang trong lúc nhiều tôi tớ Chúa, hội thánh và giáo hội đang tìm cách hiệp tác với nhau để thi hành đại mạng lệnh sẽ chia Tin Lành và xây dựng vuong quốc Chúa thì một số lại để cho bị vướng vào vấn đề so sánh kèn cựa với nhau về vấn đề có “tổ chức lớn mạnh hơn” hay “được ơn hơn” – để dựa vào đó mà thầm kín xây dựng vai trò lãnh đạo hay thẩm quyền cho chính mình hay lợi dụng chương trình chung để làm lợi cho cá nhân hay tổ chức riêng của mình. Thái độ này làm họ tập trung năng lực linh vụ, tổ chức và tài nguyên của họ cũng như của chương trình chung, không còn hướng vào mục đích sẻ chia Tin lành và xây dựng hội thánh của Chúa nhưng vào những mục đích chứng tỏ “họ làm hay hơn” hay “họ được ơn hơn” người khác hay hội thánh khác.

Cách Giải Quyết: Xây Dựng phẩm tính Trung Tín, Khiêm Nhường, Tinh Thần Hy Sinh Phục Vụ và muốn người khác được Chúa dùng lớn hơn mình

Với Chúa Giê-su, tầm vóc hay vị trí “lớn” của một người hay hội thánh không phải là do những khía cạnh như là *được ơn hơn hay có quyền phép hơn, *đang phát triển hơn, *có tổ chức, nhân sự, tài chánh và tài nguyên mạnh hơn vv… Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su dùng những tiêu chuẩn như sau để đánh giá là “lớn”:

3.1. Lòng trung tín.

Trong ẩn dụ về những người được chủ trao cho 5 nén bạc, 2 nén bạc và 1 nén bạc, Chúa Giê-su có lời khen như nhau cho người dùng 5 nén để làm lợi 5 nén và người dùng 2 nén để làm lợi 2 nén: “Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín! Anh đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt anh cai quản những công việc lớn hơn, hãy vào chung vui với chủ anh” (Ma-thi-ơ 25.21,23). Chúa khen họ đã trung tín như nhau. Chúa không khen người làm lợi 5 nén là tốt hơn người làm lợi 2 nén.

3.2. Khiêm nhường.

1 Lúc ấy các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Ai là người lớn nhất trong Nước Thiên Đàng?”2 Gọi một đứa bé đến, Ngài để nó đứng giữa các môn đệ, 3 và đáp: “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không thay đổi và trở nên giống như một đứa bé, các con không thể vào Nước Thiên Đàng được. 4 Vì thế, ai khiêm nhường như đứa bé này, ấy là người lớn nhất trong Nước Thiên Đàng (Ma-thi-ơ 18.2-4).

3.3. Tinh thần phục vụ và hy sinh cho sự sẻ chia Tin Lành.

44 Còn ai muốn làm đầu trong các con, thì phải làm nô lệ cho mọi người. 45 Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mác 10.44-45).

Dĩ nhiên không ai mà không mong muốn kết quả thấy được rõ ràng về mặt số lượng như: người tin Chúa, nhân sự, tổ chức, cơ sở vật chất, tài nguyên v.v… nhưng Chúa Giê-su nói rất rõ rằng những điều này không phải là do con người hay tổ chức hội thánh làm nên: “Ngoài Ta ra các ngươi chẳng làm chi được(Giăng 15.4c, Bản Truyền Thống). Tất cả là do Ngài sắp đặt và ban cho kết quả. Đừng vì được Chúa ban cho những kết quả này để xưng rằng “tôi” hay “hội thánh của tôi” là “đầu”. Thay vì vậy, hãy cảm tạ và tôn cao Chúa, và nhìn thấy tinh thần phục vụ hy sinh là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu.

3.4 Mong muốn người khác được Chúa dùng cách thành công và tôn trọng hơn chính mình.

So sánh ganh tị là mở cửa cho ma quỷ bước vào đời sống để hủy diệt mình. Vua Sau-lơ vì ganh tị với Đa-vít chỉ vì câu nói “Sau-lơ giết hàng ngàn, Đa-vít giết hàng vạn!” thì không lâu sau ác thần nhập vào ông (1Sa-mu-ên 18:6-10, Bản Dịch 2002).

Giăng Báp-tít dù có chức vụ thành công trước Chúa Giê-su và ông đã báp-tem cho Chúa Giê-su nhưng ông nói “Nhưng Đấng đến sau ta, vĩ đại hơn ta, ta không đáng xách dép cho Ngài” (Ma-thi-ơ 3:11). Khi hai môn đệ của Giăng trong đó có Anh-rê rời ông để đi theo Chúa Giê-su, Giăng không hề hối tiếc và buồn (Giăng 1:35-40). Ít lâu sau có người thưa với Giăng, “Thưa thầy, Người đã đến với thầy bên kia sông Giô đanh mà thầy đề cao, hiện đang làm phép báp-tem và thiên hạ kéo nhau đến với Người.” Giăng không hề ghanh tị đáp: “Trời không cho thì chẳng ai lãnh được gì cả!” (Giăng 3:26,27). Với tâm tình muốn người khác được tôn trọng và thành công hơn mình của Giăng, Chúa Giê-su đã nâng cao ông giữa mọi người như sau, “Thật Ta bảo các con, giữa vòng những kẻ do đàn bà sinh ra không ai lớn hơn Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 11:11). Chính Chúa Giê-su cũng có tâm tình muốn các môn đệ Ngài làm những việc Ngài làm và làm việc vĩ đại hơn Ngài (Giăng 14:12).

Kinh Thánh dạy, “Hãy tôn trọng mọi người” (2Phê-rơ 2:17). “Đừng làm điều gì vì tham vọng ích kỷ hoặc hư vinh nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình” (Phi-líp 2:3). Phao-lô nói, “Nếu một chi thể đau đớn, tất cả các chi thể cùng đau. Nếu một chi thể được tôn trọng, tất cả các chi thể khác cùng vui mừng (1Cô-rinh-tô 12:26). Chìa khoá để không tự cao khoe mình là tôn trọng và coi người khác hơn mình; Biết đau buồn khi thấy anh em mình hay Hội Thánh bạn thất bại sa ngã và cầu thay nâng đỡ họ; Không ganh tị nhưng vui mừng khi thấy các anh chị em khác hay Hội Thánh khác thành công.

Do đó bốn phẩm chất trung tín, khiêm nhường, tinh thần phục vụ hy sinh và tinh thần muốn người khác được tôn trọng và thành công hơn mình là bốn tiêu chuẩn đầu tiên xác định kết quả và tầm vóc thật của sức sống hiệp một trong một người hay một hội thánh. Áp dụng bốn tiêu chuẩn này sẽ giúp chúng ta không còn phải so sánh, tự cao, ganh tỵ hay mặc cảm về tầm vóc hội thánh hay giáo hội nhưng chú trọng vào đời sống trung tín phục vụ và bởi đó mà có lòng cảm thông, tôn trọng cũng như nhận biết phẩm chất của nhau để có thể hiệp một cầu nguyện và cộng tác cho vương quốc của Chúa.

III. TÓM LƯỢC.

1. Chúa Giê-su cầu nguyện cho sự hiệp một của các cơ đốc nhân, các hội thánh và các giáo hội vì sự hiệp một sinh ra sức sống biến đổi thế gian từ chỗ không tin trở nên tin nhận Ngài để nhận sự cứu rỗi và sức sống phục hưng của hội thánh.

2. Mỗi ý nghĩa của sự hiệp một soi tỏ cho thấy những hành động đáp ứng cần có để xây dựng sự hiệp một:   

a. Hiệp một là bản chất và bản tính của Ba Ngôi Đức Chúa Trời luôn quan hệ với nhau dựa trên sự kết hợp và yêu thương nhau một cách toàn vẹn. Tinh thần tất cả đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện liên tục là xương sống của sự xây dựng và gìn giữ mối quan hệ tốt, để dẫn đến sự tuôn đổ của Thánh Linh.

b. Hiệp một là do bản chất của mỗi cơ đốc nhân, mỗi hội thánh và mỗi giáo hội là một chi thể trong thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-su nên mỗi thành phần này cần phải xây dựng đời sống của Chúa Giê-su trước tiên trong chính mình. Áp dụng thực tế, điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nài xin Chúa giúp chúng ta xây dựng cho chính mình và những tầng lớp khác nhau trong hội thánh hay giáo hội có những phẩm chất của Chúa Giê-su như: trong sạch, vâng phục, hiệp một trong hình ảnh các chi thể của một thân thể, thương xót, yêu thương tha thứ và cam kết phục vụ vv…

c. Cũng do đặc tính cùng là các chi thể trong một thân thể nên xây dựng sự hiệp một tức là xây dựng lòng sẻ chia, yêu thương và tôn trọng nhau giữa các cơ đốc nhân, các hội thánh và các giáo hội.

3. “Cái tôi” dù là của cá nhân hay của tổ chức hội thánh vv luôn luôn là một vi khuẩn độc hại, đặc biệt vì nó luôn luôn bị ma quỷ lợi dụng để gây chia rẽ và phá hoại sự hiệp một. Chúng ta cần khẩn thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta được Chúa “cảnh tỉnh và chặn đứng” kịp thời những loại cái tôi này để cậy nhờ ơn sức và sự khôn ngoan của Chúa để cùng nhau mở mang vương quốc Chúa.

  1. Hãy quy mọi vinh hiển cho Chúa, nhận biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng và kính thờ Chúa hết linh hồn, hết lòng, hết sức và hết ý để qua đó có khả năng nhận ra, phòng ngừa và trị tận gốc “cái tôi muốn bằng Chúa”.
  2. Hãy xác định hiệp một tức là hiệp một với Chúa và hiệp một với nhau để tẩy sạch “cái tôi độc quyền là hội thánh đúng tiêu chuẩn”.
  3. Hãy chú trọng xây dựng bốn phẩm chất: trung tín, khiêm nhường, tinh thần hy sinh phục vụ và muốn người hay Hội Thánh khác được tôn trọng và thành công hơn mình – để chiến thắng “cái tôi muốn mình lớn hơn người khác”.

 

DTCMS & Người Dọn Đường.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan