Bạn đọc thân mến,
Tình bạn trong sạch, trung thành và cao thượng là một tình bạn hiếm quý. Nhắc đến tình bạn như vậy, không ai mà không nghĩ đến tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than. Chúng ta học, nghe và đọc rất nhiều về Đa-vít nhưng ít nghe nói đến Giô-na-than. Giô-na-than có những đức tính cao quý không kém Đa-vít về lòng trong sạch, trung thành, hiểu biết và vâng phục ý Chúa và cao thượng. Ước mong rằng mỗi người chúng ta sẽ có được những người bạn như Giô-na-than trên bước đường đồng hành với Chúa và hiệp một với nhau để làm chứng, xẻ chia Tin Lành và xây dựng hội thánh của Chúa.
1. Giô-na-than có địa vị cao quý hơn Đa-vít và có một khởi đầu sáng lạng trước Đa-vít.
Đang khi Đa-vít còn là một thiếu niên chăn chiên thì Giô-na-than đã là “Thái tử” sẽ nối ngôi vua Sau-lơ. Vào thời đó dân Y-sơ-ra-ên đang “khởi nghĩa” chống lại quân đô hộ Phi-lít-tin trong một tình trạng hết sức yếu kém và chênh lệch về vũ khí trang bị. 1 Sa-mu-ên 13.19-22 cho biết như sau:
19 Bấy giờ, trong cả xứ Y-sơ-ra-ên không tìm được một người thợ rèn, vì người Phi-li-tin tự bảo: “Phải cấm, không cho bọn Hy-bá rèn gươm hoặc giáo.”20 Toàn dân Y-sơ-ra-ên đều phải xuống mướn người Phi-li-tin mài lưỡi cày, cuốc, rìu, hoặc lưỡi hái. 21 Tiền công mài lưỡi cày và lưỡi cuốc là tám gờ-ram bạc, mài chĩa ba, rìu, và gậy thúc bò là bốn gờ-ram bạc. 22 Vì thế, trong ngày giao tranh, không một người lính nào của vua Sau-lơ hoặc Giô-na-than có được trong tay một cây gươm cây giáo gì cả. Chỉ vua Sau-lơ và con trai vua là Giô-na-than mới có.
Thế nhưng với một ngàn quân trang bị thô sơ và chỉ có một cây gươm, Giô-na-than đã lập một chiến công rất lớn là giết quan tổng trấn Phi-lít-tin tại Ghê-ba. Đây là một chiến thắng đánh dấu sự biến đổi tinh thần của dân Y-sơ-ra-ên từ chỗ thụ động chống trả trở nên hùng tráng khởi nghĩa chống người Phi-lít-tin. Trước chiến thắng ở Ghê-ba, Sau-lơ và dân Y-sơ-ra-ên đã đánh bại Na-hách vua Am-môn vì Na-hách đưa ra một điều kiện hết sức sĩ nhục – là mỗi người Y-sơ-ra-ên phải chịu cho Na-hách móc con mắt phải (11.1-15). Nhưng chiến thắng trước Na-hách là chiến thắng thụ động của một sự “phải chống trả” kẻ thù kéo đến sĩ nhục trong khi chiến thắng ở Ghê-ba là một chiến thắng chủ động “giải phóng” dân sự của Chúa khỏi sự đô hộ của người Phi-lít-tin tại Ghê-ba. Sau chiến thắng này vua Sau-lơ có thể kêu gọi và dân chúng tích cực đáp lời tham gia kháng chiến dưới quyền lãnh đạo của ông (13.1-3).
Người Phi-lít-tin biết rõ nếu không hành động cương quyết và mau chóng thì chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên ở Ghê-ba sẽ trở nên một mối đe dọa rất lớn nên đã tập trung một lực lượng hùng mạnh với 3000 chiến xa gỗ và 6000 kỵ binh cùng rất nhiều bộ binh đến đóng quân tại Mích-ma. Lực lượng kháng chiến Y-sơ-ra-ên chưa đủ lớn mạnh về tinh thần chiến đấu lẫn trang bị vũ khí (chỉ có 2 cây gươm, một cho Sau-lơ và một cho Giô-na-than!) nên chưa đánh mà đã tan hàng từ 3000 người còn khoảng 600 người (13.15c). Theo con mắt quân sự của con người chúng ta thì đây là một trận chiến giữa “châu chấu” Y-sơ-ra-ên và con voi khổng lồ Phi-lít-tin.
Thêm một lần nữa tại Mích-ma, Giô-na-than đã kích động nên một chiến thắng vang dội gấp chục lần chiến thắng ở Ghê-ba. Với lòng tin cậy Chúa, nhân cơ hội thám thính và bén nhạy bắt được dấu hiệu Chúa ban chiến thắng, Giô-na-than và người cầm gươm cho ông đã can đảm chủ động tấn công tiêu diệt toán quân tiền tiêu Phi-lít-tin. Đang khi Giô-na-than và người cầm gươm tiêu diệt chúng, Chúa khiến đất rúng động và làm quân Phi-lít-tin kinh sợ và trở nên hỗn loạn chém giết lẫn nhau. Đây là cơ hội bằng vàng cho Sau-lơ tập trung quân để tấn công và đại thắng. Sự chiến thắng rõ ràng đến nổi những người Y-sơ-ra-ên trước đó đã sợ hãi ẩn trốn trong các hang đá nay cũng tham gia truy kích quân Phi-lít-tin (14.1-20).
So với vua cha Sau-lơ thì Giô-na-than trổi hơn trong phép hành binh theo sát ý Chúa. 1 Sa-mu-ên 14.1-46 ký thuật lại Sau-lơ làm điều trái nghịch với phép hành binh và không bén nhạy bắt lấy cơ hội Chúa ban. Chúa ban cho cơ hội truy kích quân thù. Sau-lơ buộc quân lính giữ lời thề không được ăn trước khi chiều tối. Không ăn để có sức thì làm sao truy kích được chiến xa gỗ và kỵ binh đang tháo chạy! Lời thề của Sau-lơ cho thấy Sau-lơ thiếu trầm tĩnh và sáng suốt trong việc giải quyết chiến trường và kết quả là “vô tình” cản trở ý định của Chúa ban cho quân Y-sơ-ra-ên cơ hội tiêu diệt toàn bộ quân Phi-lít-tin. Trái lại Giô-na-than thấy rõ và nắm lấy cơ hội Chúa ban cho nên ông ăn mật ong mà ông thấy được để có sức truy kích tiêu diệt chúng.
Đến tối sau khi cho quân sĩ ăn uống, Sau-lơ cho cầu hỏi ý Chúa có nên đuổi theo quân Phi-lít-tin không? Chúa không trả lời. Sau-lơ hỏi Chúa ai vi phạm lời thề. Chúa chỉ ra Giô-na-than. Sau-lơ định xử tử Giô-na-than nhưng binh sĩ thề bảo vệ Giô-na-than. Chúng ta cần chú ý là không như trường hợp thời Giô-suê Chúa phạt quân Y-sơ-ra-ên thất trận trước thành A-hi nhỏ bé vì trước đó A-can đã giữ lại những thứ mà Chúa dạy phải thiêu hủy sau khi chiếm được thành Giê-ri-cô (Giô-suê 6-8), tại Mích-ma, Chúa không phán lời trách phạt Giô-na-than hay gây ra sự thảm bại cho quân Y-sơ-ra-ên. Giô-na-than có vô tình vi phạm lời thề của Sau-lơ nhưng ông không làm điều gì nghịch ý của Chúa.
Trước khi biến cố Gô-li-át xảy ra thì trong dân Y-sơ-ra-ên, Giô-na-than có uy quyền và địa vị và được lòng quân sĩ chỉ sau Sau-lơ. Ông là thái tử nhưng luôn đi đầu trong chiến trận, có tài lãnh đạo, can đảm, tin cậy hết lòng vào dấu hiệu Chúa bày tỏ và nắm bắt mọi cơ hội Chúa ban để đánh hạ quân thù. Giô-na-than có những phẩm chất lãnh đạo, khả năng hành quân và “đức tin” rất giống Đa-vít sau này. Có thể nói là Giô-na-than có tài và đức hơn vua cha là Sau-lơ. Trước mặt mọi người ông thật xứng đáng sẽ là người nối ngôi vua Sau-lơ sau này.
2. Nhưng “Thái tử” Giô-na-than yêu quý Đa-vít và vui mừng với ý Chúa sẽ chọn Đa-vít làm vua sau này.
Biến cố Gô-li-át thách thức Y-sơ-ra-ên cho thấy một chìa khóa thuộc linh về vấn đề đắc thắng những thế lực thù nghịch dân Chúa. Chỉ có người được Chúa xức dầu mới chiến thắng được kẻ thù khổng lồ và hùng mạnh. Đức Chúa Trời đã bỏ vua Sau-lơ vì những tội lỗi ông phạm nghịch (1 Sa-mu-ên 15) nên ông và toàn quân Y-sơ-ra-ên “khiếp vía kinh hồn” trước Gô-li-át (17.11). Đa-vít đã được Chúa sai tiên tri Sa-mu-ên bí mật xức dầu (16.1-13). Thần Chúa ở cùng ông nên ông không sợ hãi và cũng không cần cậy vào những vũ khí của con người mà vua Sau-lơ ban cho ông. Đa-vít, đang tuổi thiếu niên, ra trận với cây gậy, cái ná và năm viên đá cuội vì vũ khí của ông là vũ khí siêu nhiên – là sự xức dầu, danh Chúa và “đức tin” vào chiến thắng Chúa ban. Chiến thắng Chúa ban cần phải được sự góp phần bằng hành động thực hiện của con người tin kính. Với sự di động lanh lẹ và tài bắn ná của mình Đa-vít giết Gô-li-át làm cho quân Phi-lít-tin tan rã và quân Y-sơ-ra-ên truy kích chúng (17.41-54) – lần này vua Sau-lơ không còn thề cấm ăn uống khi truy kích quân thù!
Tài dùng binh của Đa-vít và lòng dân mến mộ chàng khiến cho vua Sau-lơ trở nên ganh ghét, tự suy diễn nghi ngờ về lòng dân yêu quý Đa-vít và bắt đầu tìm cách giết chàng. Đáng lẽ “Thái tử” Giô-na-than phải hùa theo vua cha. Từ khi có biến cố Đa-vít giết Gô-li-át những hào quang của chiến thắng Ghê-ba và Mích-ma của Giô-na-than trở nên tầm thường. Trong con mắt của cái “tôi” tham quyền và đa nghi sự dữ như của Sau-lơ thì Đa-vít là cái gai độc mà vua Sau-lơ và “Thái tử” Giô-na-than phải tiêu diệt. Nhưng “Thái tử” Giô-na-than không phải là Sau-lơ. Giô-na-than chủ động để kết nghĩa anh em sống chết với Đa-vít:
“Đa-vít vừa tâu xong với vua Sau-lơ, tâm hồn Giô-na-than liền gắn bó với tâm hồn Đa-vít, và Giô-na-than yêu mến Đa-vít như chính mình. 2 Hôm ấy, vua Sau-lơ giữ Đa-vít lại, không cho chàng trở về nhà cha mình nữa. 3 Giô-na-than và Đa-vít lập giao ước kết bạn với nhau vì Giô-na-than yêu mến Đa-vít như chính mình. 4 Giô-na-than cởi áo khoác đang mặc cho Đa-vít, cũng cho luôn binh phục, gươm, cung và đai thắt lưng của mình nữa.” (18.1-4).
Giô-na-than đã hết sức tìm cách giải hòa giữa vua cha Sau-lơ và Đa-vít nhưng không được vì Sau-lơ chỉ biết đến ngôi vua nên chỉ biết đến Đa-vít là kẻ thù phải tiêu diệt. Giô-na-than đã chứng tỏ lòng khẳng khái và công chính của ông khi trước mặt triều đình đã công khai chất vấn tại sao Sau-lơ muốn Đa-vít phải chết – đến nỗi Sau-lơ muốn cầm giáo đâm ông:
30 Vua Sau-lơ giận dữ mắng Giô-na-than: “Thật là một đứa con hư đốn! Ta biết ngươi chọn con trai Y-sai làm bạn, chỉ để chuốc nhục vào thân và gây nhục cho mẹ ngươi đã sanh ngươi ra! 31 Ngươi nên nhớ rằng ngày nào con trai Y-sai còn sống trên đất này, ngươi không chắc gì được lên ngôi. Bây giờ hãy sai người đi bắt nó đem về đây cho ta, vì nó phải chết!” 32 Giô-na-than hỏi cha: “Tại sao anh ấy phải chết? Anh ấy đã làm gì?” 33 Vua Sau-lơ giương cây giáo lên, định đâm Giô-na-than. Lúc ấy Giô-na-than mới biết rõ cha mình quyết định giết Đa-vít. 34 Giô-na-than nổi giận, đứng dậy rời bàn tiệc. Hôm ấy, ngày thứ hai trong dịp lễ Trăng Mới, anh không ăn gì cả, vì anh lo buồn cho Đa-vít bị cha anh sỉ nhục (1 Sa-mu-ên 20.30-34).
Giô-na-than tìm mọi cách để vô hiệu hóa những âm mưu của Sau-lơ định thủ tiêu Đa-vít và đã thành công. Điều đáng quý hơn hết trong Giô-na-than là lòng kính sợ Chúa trên hết của ông và lòng vui mừng chấp nhận ý Chúa về ngôi vua Y-sơ-ra-ên sau này không phải là cho ông. Đang trong lúc Đa-vít còn là một kẻ đào tẩu với một nhóm nhỏ quân lính và bị Sau-lơ săn đuổi liên tục thì “Thái tử” Giô-na-than đã thấy trước và vâng phục hình ảnh Chúa đặt Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên sau này. Ông vui mừng vì Chúa đặt Đa-vít lên cao hơn và thành công hơn ông. Ông thỏa lòng làm giao ước với Đa-vít để trở nên người đứng sau lưng Đavít. Thật khó mà tìm được một người hết lòng vâng phục Chúa với một tâm tình cao thượng và vui mừng như Giô-na-than:
14 Đa-vít ẩn náu trong đồng vắng, trong các nơi hiểm hóc trên đồi núi sa mạc Xíp. Vua Sau-lơ cứ lùng bắt chàng ngày này qua ngày kia, nhưng Đức Chúa Trời không để cho Đa-vít rơi vào tay vua. 15 Đa-vít đang ở Hô-rết, trong đồng vắng Xíp khi chàng hay tin vua Sau-lơ ra quân để tìm cách giết hại chàng.16 Bấy giờ Giô-na-than, con vua Sau-lơ, đến Hô-rết thăm Đa-vít và khuyên chàng vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời. 17 Giô-na-than bảo Đa-vít: “Anh đừng sợ. Bàn tay của vua Sau-lơ, cha tôi, không thể nào đụng đến anh được. Chính anh sẽ làm vua dân Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ đứng thứ nhì, sau anh một bậc. Ngay cả vua Sau-lơ, cha tôi, cũng biết điều ấy.” 18 Sau khi hai người lập giao ước với nhau trước mặt CHÚA, Đa-vít tiếp tục ở lại Hô-rết, còn Giô-na-than trở về nhà (1 Sa-mu-ên 23.14-18).
Lời kết:
“Thái tử” Giô-na-than và “người chăn chiên” Đa-vít cùng có những tài năng về lãnh đạo và hành quân, đặc biệt là hành quân không phải theo tham mưu của con người nhưng theo ý Chúa. Cả hai có “võ nghệ cao cường” với Giô-na-than giết tổng trấn Ghê-ba và Đa-vít giết Gô-li-át. Cả hai đều không ganh ghét hay nghi ngờ những người có ơn hay có tài trong dân Chúa nhưng trái lại yêu quý và trọng dụng họ. Mặc dù Đa-vít có tài và được ơn Chúa hơn Giô-na-than, và trong con mắt của “cái tôi” của con người thì Đa-vít là một đe dọa trầm trọng cho địa vị “Thái tử” của Giô-na-than, nhưng họ trở nên yêu mến nhau với một tấm lòng hiệp một, trong sạch và cao thượng. Chìa khóa của tình bạn yêu mến hiệp một lạ lùng này là do hai người dù sống trước thời Chúa Giê-su cả ngàn năm, không biết việc Chúa Giê-su tóm tắt luật pháp của Đức Chúa Trời trong hai điều răn kính thờ Chúa trên hết và yêu thương người khác như chính mình (Mác 12.29-30) – nhưng lạ thay, hai người đã sống cuộc đời trên đất theo hai điều răn đó. Họ cùng nhìn vào ý Chúa muốn dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng kẻ thù. Họ cùng dốc đổ cuộc đời mình cho ý Chúa. Họ không tham muốn ngôi vua, quyền lợi hay danh vọng. Họ để cho Chúa cất nhắc mình lên theo ý của Ngài. Những phẩm chất cao quý như vậy đã khiến Giô-na-than không thấy mình là người sẽ nối ngôi vua cha Sau-lơ nhưng thấy rất rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ đặt Đa-vít lên làm vua thay Sau-lơ và ông sẽ là người thân tín nhứt đứng sau lưng Đa-vít.
Giô-na-than ở trong một thảm cảnh éo le và đau đớn cùng cực nhưng ông đã sống đẹp lòng Chúa một cách toàn vẹn. Ông biết vua cha Sau-lơ không vâng phục Chúa, đặc biệt trong việc dùng binh lực Y-sơ-ra-ên để lùng giết Đa-vít. Ông biết Chúa chọn Đa-vít làm vua thay vua cha Sau-lơ. Ông giữ mình trong chỗ có thể vừa hỗ trợ hết lòng cho Đa-vít vừa cùng vua cha tranh chiến với quân thù Phi-lít-tin. Sau lần gặp gỡ và giao ước với Đa-vít kể trên, chúng ta không còn thấy Giô-na-than được nhắc đến cho đến khi 1 Sa-mu-ên 31 ghi lại ông và các em và vua cha cùng tử trận trên chiến trường chống lại quân thù Phi-lít-tin. Ai cũng chấm dứt cuộc đời tạm trên thế gian này bằng cái chết. Nhưng cái chết của Giô-na-than là một cái chết cao đẹp của một người đã sống trọn chữ “vâng phục Đức Chúa Trời”, “tận tụy với dân Chúa Y-sơ-ra-ên” và dung hòa được giữa “hiếu thảo với vua cha Sau-lơ đã bị Chúa bỏ” với “hết lòng với người bạn được Chúa xức dầu làm vua sau này là Đa-vít”. Ai tin kính sẽ tiếp tục sống đời sống vĩnh phúc trong nước Thiên Đàng. Đa-vít và Giô-na-than không thể cùng bên nhau trong đời này như ước nguyện của họ nhưng họ đang cùng nhau trong nước vĩnh phúc của Đức Chúa Trời
Cầu xin Chúa cho con dân Chúa chúng ta, các Mục sư, các vị lãnh đạo Giáo Hội được Thánh Linh ban ơn sống yêu quý nhau và hiệp một với nhau như Giô-na-than và Đa-vít để hội thánh và cộng đồng cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ được Chúa phục hưng biến đổi.
Phạm Phi Phi