Dám Sống Khác Thường

Share

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá (Palm Sunday), năm nay là ngày Chúa Nhật 20/3/2016, là ngày Chúa Nhật khởi đầu của Tuần Lễ Thương Khó/Phục Sinh với sự kiện Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem một cách vinh hiển.  Bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng đều ký thuật lại sự kiện này (Ma-thi-ơ 21.1-11; Mác 11.1-11; Lu-ca 19.28-40; Giăng 12.12-19 – Bản dịch 2002). Nhưng khi so sánh, chúng ta có thể thấy rõ Lu-ca ký thuật một số chi tiết rất khác biệt với Ma-thi-ơ, Mác và Giăng. Ba sách Phúc Âm này ký thuật lại đặc biệt sự kiện dân chúng lấy những cành chà là để trải đường đi và tung hô “Hô-sa-na!”. Lu-ca không ký thuật những chi tiết đặc biệt này nhưng ký thuật lại lời tung hô của dân chúng – là lời lập lại lời ca của các thiên sứ báo tin cho các mục đồng biết Chúa Giê-su giáng sinh.

Tất cả những ký thuật giống nhau của bốn sách Phúc Âm và những ký thuật “khác biệt” kể trên trong Lu-ca cho thấy một hình ảnh Chúa Giê-su “khác thường” và qua đó thách thức mỗi người chúng ta và hội thánh hãy sống “khác thường” để trở nên “phi thường” cho Ngài.

1. Hãy tin cậy và làm theo lời kêu gọi “khác thường” của Chúa.

Ngoại trừ Phúc Âm Giăng, cả ba Phúc Âm Ma-thi-ơ và Mác, Lu-ca đều cùng ký thuật lại việc Chúa Giê-su sai các môn đệ vào làng trước mặt để đem một con lừa con chưa từng có ai cưỡi về cho Ngài:

28 Dạy xong những điều ấy, Đức Giê-su dẫn đầu đoàn dân đi lên Giê-ru-sa-lem. 29 Khi đến gần làng Bết-pha-giê và Bê-tha-ni, bên núi Ô-liu, Ngài sai hai môn đệ đi, và dặn rằng: 30 “Các con hãy vào làng trước mặt, sẽ thấy một con lừa con đang cột ở đó, chưa từng có ai cưỡi. Hãy mở dây dắt nó về đây. 31 Nếu ai hỏi: ‘Tại sao các anh mở lừa ra?’ các con cứ đáp: ‘Vì Chúa cần nó.’ ” 32 Các môn đệ ấy ra đi, gặp đúng như điều Ngài đã báo trước. 33 Khi họ đang tháo lừa con, các người chủ nó hỏi: “Tại sao các anh tháo lừa con ra?” 34 Họ đáp: “Vì Chúa cần nó!” 35 Họ dắt lừa con về cho Đức Giê-su, phủ áo mình trên lưng lừa, rồi đỡ Ngài lên cưỡi (Lu-ca 19.28-35).

Chúa Giê-su căn dặn các môn đệ từng chi tiết một rất rõ ràng, và những điều này thật là kỳ lạ: “hãy vào làng trước mặt, sẽ thấy một con lừa con đang cột ở đó, chưa từng có ai cưỡi. Hãy mở dây dắt nó về đây. … Nếu ai hỏi… các con cứ đáp… dắt lừa con về…” Đây là một con lừa nhỏ bé mà khi ngồi lên nó thì hai bàn chân của Chúa Giê-su chắc chắn sẽ chạm đất. Tư thế ngồi trên lưng lừa con với hai bàn chân lê trên mặt đất để đi vào thành Giê-ru-sa-lem như vậy thật là kỳ lạ. Người ta có thể mĩa mai: “Trò gì thế này?”. Lẽ ra Chúa Giê-su phải sai các môn đệ đem về một con lừa khỏe mạnh to lớn hay một con ngựa chiến để vào thành Giê-ru-sa-lem một cách oai nghi và “ấn tượng”.

Dù không hiểu được tại sao Chúa Giê-su lại căn dặn kỳ lạ như vậy, các môn đệ vẫn làm theo y như lời Ngài dạy. Dù cách Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem như vậy thật là kỳ lạ nhưng điều kỳ diệu là dân chúng lớn tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời: “36 Ngài cưỡi lừa đi, nhiều người trải áo mình ra trên đường. 37 Lúc đến gần sườn núi Ô-liu, cả đoàn môn đệ đông đảo đều mừng rỡ lớn tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời về những việc quyền năng họ đã được chứng kiến.(19.36-37). Trải áo ra đường là nghi thức truyền thống của người Do Thái khi đón tiếp đoàn diễn hành của nhà vua! Nếu các môn đệ không làm theo điều căn dặn “kỳ lạ” đầu tiên thì họ sẽ không thấy được diễn tiến xảy ra của điều “kỳ lạ” tiếp theo và sau cùng sẽ không thấy được dân chúng đón tiếp Chúa Giê-su một cách vinh hiển.

Chúa kêu gọi chúng ta hãy hết lòng tin cậy và làm theo Lời Chúa mặc dù Lời Chúa thường bày tỏ những điều mà lý trí của con người nói là “kỳ lạ” hay “khác thường”. Tất cả những ai tin cậy và vâng theo điều Chúa sai bảo đều sẽ được Chúa ban cho kết quả “diệu kỳ” và “phi thường”. Họ sẽ kinh nghiệm được những gì mà Áp-ra-ham ngày xưa và David Wilkerson của thế kỷ 20 đã kinh nghiệm.

–Áp-ra-ham đang sống định cư, giàu có và an bình tại thành phố Cha-ran. Chúa bảo Áp-ra-ham hãy rời khỏi Cha-ran để sống như là dân du mục đi lãng du khắp xứ Ca-na-an cách đó trên 600 cây số đường chim bay. Ngài hứa sẽ ban xứ này cho dòng dõi của ông vào 400 năm sau (Sáng Thế 11.31-12.5; 15.12-16). Chúa bảo ông đi đến nơi này định cư trong một thời gian rồi sau đó lại đi đến một nơi khác trong một thời gian – để ông thấy toàn thể xứ Ca-na-an tươi tốt như là đất “đượm sữa và mật ong”. Rõ ràng là Chúa kêu gọi ông từ bỏ cuộc sống định cư ổn định ở Cha-ran để sống cuộc sống du mục suốt đời lang thang nay đây mai đó trong xứ Ca-na-an. Áp-ra-ham có thể lý luận phản đối: “Con đang sống định cư bình an, giàu có và thoải mái tại Cha-ran. Tại sao Chúa kêu con thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con, bắt con phải sống cuộc sống nữa “du mục” nữa “định cư” – đi lang thang hết nơi này đến nơi nọ chỉ để thấy đất đai mà đến 400 năm nữa Chúa mới ban cho dòng dõi của con?  Tại sao Chúa làm một chương trình kỳ lạ quá vậy? Cứ để cho con sống ở Cha-ran. Con sẽ dặn con cháu là đến thời điểm 400 năm nữa thì xuống Ca-na-an sống như Chúa đã hứa! Như vậy có phải là đơn giản, dễ dàng và an toàn cho con không? Nhưng Áp-ra-ham hết lòng tin cậy và vâng theo cái chương trình “kỳ lạ” của Chúa. Kết quả là cứ mỗi lần ông nghe theo Lời Chúa dời đi, là mỗi lần Chúa đổ thêm ơn phước và sự thịnh vượng giàu có “diệu kỳ” trên ông. Điều này cho thấy đức tin cộng với sự vâng lời sẽ làm chúng ta thấy những phép lạ diệu kỳ.

–David Ray Wilkerson (1931-2011) là một mục sư phục vụ Chúa lần lượt tại một số hội thánh nhỏ vùng “ngoại ô” tại tiểu bang Pensylvania từ năm 1952 đến năm 1958. Năm 1958 ông được Đức Thánh Linh kêu gọi làm một điều “khác thường” là rời hội thánh “tỉnh lẻ” để đến thành phố New York cách đó trên 270 cây số với một sứ mạng “khác thường”.  Ông không phải là một chuyên gia tâm lý về thanh thiếu niên và không có “nghiệp vụ” chuyên môn về vấn đề tội phạm của giới trẻ thành phố. Ông cũng không phải là một mục sư chuyên về mục vụ thanh thiếu niên. Nhưng Đức Thánh Linh bảo ông hãy đến New York để giảng Tin Lành mà giải cứu giới thanh thiếu niên băng đảng và nghiện ngập ma túy. Chỉ bằng vào lời kêu gọi của Đức Thánh Linh và tình yêu thương những người trẻ, ông tìm đến và chia xẻ Tin Lành cho những băng đảng thanh thiếu niên. Giới chức pháp luật và nhiều người lắc đầu xem ông là một người hoang tưởng – người “bất bình thường”.

Thế nhưng Chúa đã dùng lời giảng của David Wilkerson để biến đổi rất nhiều thanh thiếu niên giúp họ thoát khỏi vấn nạn nghiện ngập và ăn năn tin nhận Chúa. Sau một thời gian đầy khó khăn, kết quả đầu tiên là Nicky Cruz, thủ lãnh của băng đảng “The Mau-Maus” và một số rất đông trong băng đảng này ăn năn tin nhận Chúa. Ngay sau khi tin nhận Chúa, Nicky Cruz dẫn băng đảng của mình đến đồn cảnh sát để giao nạp dao và súng ngắn! Nicky Cruz trở thành một trong những phụ tá đắc lực cho David Wilkerson và sau này là một nhà truyền giảng rất được ơn. Từ đó David Wilkerson lập nên chương trình “Thách Thức Các Bạn Trẻ” (Teen Challenge) mà theo thời gian được phát triển thành một mạng lưới với những trung tâm phục vụ xã hội và chia xẻ Tin Lành. Người “bất bình thường” đã làm “công việc phi thường” cho Ngài.

Khi Chúa kêu gọi chúng ta hay hội thánh của Ngài, Chúa luôn luôn có một tiến trình bày tỏ hay mặc khải từng bước một. Nhiều khi những bước này, theo con mắt con người của chúng ta, thật “kỳ lạ”. Nhưng mỗi bước đi vâng phục như vậy sẽ dẩn chúng ta đến thêm một kinh nghiệm quyền năng lớn lao hơn và một kết quả “diệu kỳ” hơn. Hãy tin cậy và vâng phục vào Lời Chúa như tác giả Thánh Thi: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thánh Thi 119.105).

2. Hãy làm những việc “khác thường” trái với những gì con người và truyền thống mong đợi.

Dân Do Thái muốn có một Đấng Cứu Thế của chính trị — một người lật đổ đế quốc La-mã và tái lập một nước Do Thái độc lập. Chúa Giê-su từ chối làm loại Đấng Cứu Thế như vậy – Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem trên con lừa con với hai chân lê trên mặt đất. Thay vì dấy lên dân chúng để đánh đuổi Tổng Đốc La-mã ra khỏi dinh Tổng Đốc, Chúa Giê-su vào đền thờ Do Thái và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đó vì chúng bóc lột kẻ nghèo và làm ô uế đền thờ (Lu-ca 19.45-56). Đó không phải là điều mà dân Do Thái mong đợi!

Chúng ta sống theo Đấng Cứu Thế là Đấng làm những điều “khác thường.” Ngài không làm theo những gì mà người Do Thái mong đợi. Ngài từ chối bị đồng hóa với mọi ý kiến mà con người thế gian theo đuổi; Ngài không thỏa hiệp với mọi thẩm quyền của thế gian; và chúng ta được kêu gọi trở nên giống như Ngài.

Chúng ta hãy xét lại xem chúng ta đang tìm kiếm những điều gì? Có phải là chúng ta là những Cơ-đốc nhân sống để được những người có thế lực và thẩm quyền thế gian chấp nhận mình hơn là được Chúa chấp nhận không? Có phải chúng ta là những Mục sư tìm cách được ban trị sự chấp nhận hơn là được Chúa kêu gọi không? Có phải chúng ta là những người lãnh đạo tìm kiếm sự yêu chuộng của các tín hữu có thế lực ngầm trong hội thánh, nên không dám giảng dạy Lời Chúa cách ngay thẳng không? Có phải là chúng ta để cho những truyền thống rất lâu đời nhưng không hợp thời làm ảnh hưởng Hội Thánh? Chúng ta có quá chú trọng lễ nghi, điều lệ nhưng không đặt trọng tâm giúp dân sự có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su và sống kết quả cho Ngài? Hội Thánh chúng ta có tạo môi trường yêu thương với sự thờ phượng sống động để giữ thanh thiếu niên và đào tạo thế hệ kế tiếp hay không? Chúng ta có đang mở lòng và sẵn sàng nghe tiếng Chúa phán, “Này Ta đang làm một điều mới”? (I-sa 43.19a), và đồng hành với Ngài để thực hiện những điều mới – những điều “kỳ lạ” hay “khác thường”.

Cho đến nay vấn đề hội thánh phục vụ cộng đồng vẫn là một điều “khác thường” trong suy nghĩ và chiến lược phát triển hội thánh. Chúng ta thử lấy mục vụ phục vụ cộng đồng của hội thánh tại Úc làm một thí dụ. Chúng ta thử xem xét ở Úc, cộng đồng nghĩ gì về hội thánh và hội thánh có thể phục vụ gì cho cộng đồng.

Thống kê cho biết chỉ có khoảng 10% dân Úc đến nhà thờ một lần một tháng. Tỷ lệ này vẫn khá cao so với tỷ lệ chưa đến 1% người Việt tại Úc đi thờ phượng Chúa Nhật. Hầu hết người dân Úc nghĩ rằng hội thánh, theo cái nhìn thiện cảm nhất của họ, là một cái gì đó đã lỗi thời; theo cái nhìn đầy ác cảm nhất, là một tổ chức băng hoại, che dấu những vụ lạm dụng tình dục trẻ em, và kỳ thị những ai không đồng ý với mình! Không có bao nhiêu người muốn đến nhà thờ trừ khi họ được những người bạn mà họ cho là rất tốt và rất đáng tin cậy mời họ.

Qua chương trình thăm dò những người sống trong những chung cư là những người có lợi tức thấp – về những dịch vụ phục vụ mà họ cần nhất, Học viện McCrindle cho biết đó là: các chương trình sinh hoạt thanh thiếu niên, dạy trẻ, lớp huấn nghệ, huấn luyện những kỹ năng làm cha mẹ vv… Cũng qua thăm dò này, những cơ sở vật chất và công ích cần nhất cho họ là: công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, nhà trẻ vv… Tòa nhà hội thánh và những buổi thờ phượng là những “nhu cầu” ít cần đến nhất!

Chúng ta có thể giải thích như thường lệ rằng đó là vì họ là những người không tha thiết tìm kiếm đời sống tâm linh. Nhưng chúng ta không thể không đặt câu hỏi là hội thánh có bước ra khỏi bốn bức tường của nhà thờ để tìm đến và phục vụ họ một cách thích hợp không? Chúng ta không thể làm ngơ về sứ mạng kết hợp phục vụ cộng đồng với tình yêu thương chia xẻ Tin Lành mà Chúa Giê-su dạy trong Mác 10.45: “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.”

Có phải những thống kê và thăm dò kể trên cho thấy là thật ra các hội thánh ở Úc có khả năng và cơ hội để xây dựng những mục vụ phục vụ cộng đồng “mới” để qua đó chia xẻ Tin Lành một cách thích hợp? Là không nên mở thêm hội thánh bằng cách xây những nhà thờ mở cửa chỉ vào ngày Chúa Nhật và gần như là đóng cửa vào 6 ngày còn lại – mà thay vào đó là xây dựng những trung tâm “mới” là những trung tâm giữ trẻ, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, nơi tư vấn và hỗ trợ các cha mẹ hay các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn vv… Những nơi này hoạt động như là những trung tâm của những cộng đồng đức tin sống động cung ứng những phục vụ cần thiết cho cộng đồng và qua đó chia xẻ Tin Lành. Các tường trình khảo sát sự tăng trưởng hội thánh ở Úc cho biết mục vụ phục vụ cộng đồng tốt và thích hợp là một trong những nhân tố trọng yếu giúp hội thánh phát triển thật sự về phẩm chất và số lượng. Tầm vóc thật sự của một hội thánh không phải là do có nhiều tín hữu, cơ sở lớn và tiện nghi nhưng là do sức sống thờ phượng và phục vụ.

Trong một hội nghị về sứ mạng chia xẻ Tin Lành tại Úc, mọi người tham dự đã cùng nhận lấy câu sau đây làm câu châm ngôn: “Để đến với những người chúng ta chưa từng đến trước đây chúng ta cần làm những điều mà chúng ta chưa từng làm trước đây”.

3. Hãy ca ngợi Chúa khi gặp những sự chống đối vì mình đang làm điều “khác thường”

Lu-ca 19.28-40 không thuật lại những chi tiết về dân chúng đem những cành cây chà là lót đường cho Chúa Giê-su và những lời tôn ngợi “Hô-sa-na!…” như sách Ma-thi-ơ, Mác và Giăng ký thuật. Lu-ca muốn nhấn mạnh Chúa Giê-su là Vua Cứu Chuộc của dân Do Thái với những lời tung hô Ngài như sau: “Phước cho Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, Bình an trên trời, vinh quang trên các nơi chí cao!” (19.38). Lời tung hô này đã lập lại lời bài ca mà các thiên sứ đã tôn vinh Chúa Giê-su lúc Ngài hạ sinh. Trong Phúc Âm Lu-ca sự giáng sinh và sự chết của Chúa Giê-su được bao phủ lên bằng những bài ca ngợi Ngài như là Vua Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại và là Hoàng Tử Bình An (Prince of Peace) – Đấng đem bình an đến cho đất và trời.

Người Pha-ri-si không thể ca ngợi như vậy. Họ không thể hiểu được rằng dân chúng tung hô ca ngợi Chúa Giê-su là hành động tiên tri cho một sự kiện giải cứu lịch sử sắp xảy ra. Nó còn lớn hơn sự giải cứu tổ phụ họ khỏi Ai-cập. Vì không phải con chiên làm sinh tế chết thay và giải cứu tổ phụ họ, nhưng là Chiên Con của Đức Chúa Trời sắp sửa “cất tội lỗi thế gian đi”. Người Pha-ri-si kinh hãi vì tiếng ồn ào và huyên náo của cuộc chào đón Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem sẽ có thể khiến quân La-mã kéo đến đàn áp. Ngày Lễ Vượt Qua luôn luôn là hình ảnh của sự xung đột chính trị, khi người Do Thái ăn mừng cách Đức Chúa Trời dẫn họ ra khỏi Ai-cập – đắc thắng một siêu đế quốc. Thế nên chúng ta có thể thấy sự kiện dân chúng tung hô ca ngợi Chúa Giê-su như là một vị vua là một hình ảnh “phản động” và có thể là quân La-mã chiếm đóng phải đến để giải tán! Mọi bất ổn ở Giê-ru-sa-lem đều sẽ làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của giới lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái thời đó trong đó có người Pha-ri-si. Người Pha-ri-si kinh hãi và yêu cầu Chúa Giê-su bảo các môn đệ hãy im lặng đi (19.39).

Nhưng Chúa Giê-su chẳng chút sợ hãi và Ngài trích một câu Kinh Thánh và nói: “Nếu họ nín lặng, đá sẽ tung hô” (19.40b). Khi chúng ta làm điều “khác thường” Chúa muốn, cả thế giới đã được Ngài sáng tạo sẽ kết nối với nhau để tôn ngợi các công việc “diệu kỳ” của Ngài. Công việc “khác thường” Chúa kêu gọi chúng ta, chắc chắn sẽ không họp lý trong ánh mắt của con người và sẽ bị thẩm quyền thế gian chế riễu hay chống đối. Nhưng nếu chúng ta tin cậy và vâng phục Chúa thì từ công việc “khác thường” Chúa sẽ khiến chúng ta thành người làm việc “phi thường” để Chúa được tôn cao.

Thử xem đến một thách thức cho hội thánh của Chúa là ngày nay là “giới khoa học và trí thức không tin Chúa”, chế riễu mục vụ đặt tay cầu nguyện chữa bệnh. Họ cho rằng đây là trò dùng bầu không khí sôi động vì có số đông người và âm nhạc cảm động – để tạo ra một tâm lý cảm xúc dâng cao làm cho những sự đau đớn bị mất đi tạm thời mà tưởng lầm rằng đã được chữa lành! Bạn có bị rúng động trước những tin này để phải “im lặng” hay bạn sẽ ca ngợi Chúa hơn nữa. Bạn sẽ tiếp tục lấy đức tin cùng sự hiểu biết lẽ thật về tình yêu thương đầy quyền năng chữa lành của Chúa để cầu nguyện công bố chữa lành?

Xin bạn đọc chú ý là người viết dùng nhóm chữ “giới khoa học và trí thức không tin Chúa” vì có “giới khoa học và trí thức tin kính Chúa”. Họ là những thiên tài khoa học như Sir Isaac Newton, Pascal, Einsteins. Họ là những khoa học gia hay chuyên gia có kiến thức và tư cách nổi bật mà mọi người trên thế giới đều biết đến như John Glenn, Neil Armstrong (các phi hành gia vũ trụ Hoa Kỳ). Họ là các cựu Tổng Thống Hoa Kỳ như Jimmy Carter, Georges W Bush cha và con vv. Giới này chủ trương rằng khoa học là một trong những phương tiện quư báu Chúa ban cho con người để giúp con người phát triển đời sống và đặc biệt để khám phá sâu nhiệm hơn về quyền năng sáng tạo và tình yêu thương lớn lạ của Đức Chúa Trời.

Giới khoa học và trí thức không tin kính cố tình hay làm ngơ trước sự thật là có biết bao nhiêu người tin kính lẫn chưa tin đã được chữa lành bởi tình yêu thương và quyền năng của Chúa Cứu Thế Giê-su! Gạt sang một bên những trường hợp giả dối hay lợi dụng, không ai có thể chối cãi rằng có rất nhiều cơ đốc nhân, sau khi đã tĩnh thức đời sống theo Chúa để nhận lãnh Đức Thánh Linh đầy dẫy một cách trọn lòng, đã được Chúa dùng trong mục vụ cầu nguyện công bố để chữa lành cho nhiều người khác. Đáng tiếc thay là có nhiều hội thánh của Chúa lại tiếp thu những lý luận và thái độ chế riễu của giới khoa học không tin kính để công kích sự đặt tay cầu nguyện chữa bệnh (và những mục vụ khai phóng quyền năng mà Đức Thánh Linh vận hành thực hiện qua những con người và hội thánh mở lòng tiếp nhận Ngài).

Nhưng vui mừng thay trong không khí kỷ niệm tuần lễ thương khó của Chúa, chúng ta có thể lớn tiếng ca ngợi: “Ha-lê-lu-gia! Hãy ca ngợi danh Chúa. Hỡi các tôi tớ của CHÚA, hãy ca ngợi.” (Thánh Thi 135.1 đặc biệt Thánh Thi 148-150). Chúa đã làm điều “khác thường” nhất là đến thế gian để gánh lấy tội lỗi và hình phạt của toàn thể nhân loại trong đó có mỗi người chúng ta. Ngài đến để chết thay cho chúng ta. Và Ngài đã sống lại để biến đổi chúng ta trở nên những con người làm việc “phi thường” cho Ngài – là việc Ngài kêu gọi chúng ta.

KẾT: Hãy sống “khác thường” để Chúa ban kết quả “phi thường”.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá (Palm Sunday), trong năm nay là ngày Chúa Nhật 20/3/2016, là ngày Chúa Nhật khởi đầu của Tuần Lễ Thương Khó/Phục Sinh với sự kiện Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem một cách vinh hiển. Bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng ký thuật lại hình ảnh “kỳ lạ” về Vua Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem bằng cách cưỡi lừa con chưa từng được ai cưỡi trước đây – để kêu gọi cơ đốc nhân và hội thánh hãy noi gương các môn đệ vâng lời Chúa làm những điều “kỳ lạ” mà Chúa sai bảo, để nhiều người nhận biết Chúa Giê-su là Đấng “diệu kỳ”. Hãy tin cậy và sống làm theo lời kêu gọi “khác thường” của Ngài. Hãy làm những việc “khác thường” trái với những suy nghĩ, truyền thống và xu hướng trước đây không kết quả dù là của xã hội hay của hội thánh. Mỗi bước đi theo lời kêu gọi “khác thường” là thêm một kinh nghiệm nhận lãnh những kết quả và phước hạnh “phi thường” so với những gì đã nhận được trong những bước đi trước đây.

Lu-ca ký thuật lời tung hô của dân chúng nói lên Chúa Giê-su là Vua Cứu Chuộc cho dân Do Thái. Ngài là Vua Cứu Thế của cả nhân loại và là Chúa Bình An cho đất với trời trong đó có cả nhân loại. Do đó chúng ta hãy vững lòng ca ngợi Chúa trong nghịch cảnh hay khi bị chống đối vì dám làm những điều “khác thường” mà Chúa kêu gọi mình.

Sống theo Chúa Giê-su là “dám sống khác thường” với thế gian và trái với mọi truyền thống không đặt trọng tâm xây dựng mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su và kết quả cho Ngài. Dù đó đã từng là truyền thống của hội thánh. Chúa là Đầu Hội Thánh, nên hội thánh Ngài phải “dám sống khác thường”, khác với nếp sống theo truyền thống của những tổ chức tôn giáo. Khi theo Chúa bạn sẽ đồng hành với Ngài trong những bước đi “mới”, sẽ bị người khác coi là người “bất thường” vì dám làm những việc “khác thường”. Nhưng bạn đừng sợ hãi vì Chúa sẽ dùng bạn đem sự đổi mới và dẫn bạn từ kết quả “phi thường” này sang sự “phi thường” khác cho sự vinh hiển của Ngài. “Này Ta đang làm một điều mới… Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới. ” (I-sa 43.19a; 2 Cô-rinh-tô 5.17).  

 

Ánh Dương & AWH

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan