Chương 4
Cười Vẫn Là Liều Thuốc Hay Nhất Của Chúa
Châm ngôn 17:22, “Tấm lòng vui vẻ là liều thuốc hay; tinh thần suy sụp làm xương cốt khô héo”. Ai cũng biết và công nhận câu nói khá phổ biến, “tiếng cười bằng mười thang thuốc” không chỉ là câu châm ngôn hữu ích mà còn là thực tế của đời sống.
Tôi tin rằng nhiều người ở thế giới Tây phương đã nhận ra chân lý này sau khi xem bộ phim ‘Patch Adams’ trong đó phác họa một sinh viên trẻ trung cố đưa tiếng cười vào bệnh viện nơi anh ta đang thực tập để chứng minh phương pháp của mình về điều trị đường ruột, đi ngược lại với sự hướng dẫn và mong muốn của ban giảng huấn nơi đào tạo anh.
Theo nghiên cứu của Đại học Y-khoa The Linda’ School of Medicine, hai mươi sinh viên đã chịu một cuộc khảo cứu có liên quan đến tiếng cười. Những học giả trẻ này được đi thí nghiệm sau những pha cười ngất vì xem một cuốn phim hài, và người ta khám phá rằng các tế bào bạch cầu nhằm chống lại bệnh tật trong cơ thể họ đã gia tăng hai mươi lăm phần trăm, là kết quả của tiếng cười. Trái lại, giận dữ dẫn đến sự tắc nghẽn tế bào hồng cầu và bị xem là một trong những nguyên nhân của bệnh tim mạch.
Thực ra, khi cười là lúc chúng ta bồi bổ cơ thể của mình. Một nụ cười chân chính lành mạnh không những chỉ bơm và xoa dịu trái tim, mà còn đem lại cho các cơ bụng, ngực, vai và cổ sự khỏe khoắn lạ thường. Ngày nay chúng ta đều biết rằng cười không những chỉ kích hoạt não bộ mà còn làm cho thông lá phổi. Ô-sê 4:6, “Dân Ta bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết”. Đã đến lúc con người không thể xem thường chân lý của Lời Chúa nữa, nhất là nếu chúng ta có ý định sống lâu và sống khỏe trong tuổi xế chiều của mình. Nguyên thủy, câu Kinh Thánh này được viết cho tuyển dân Chúa từ hằng ngàn năm trước, dầu vậy vẫn còn áp dụng cho chúng ta ngày nay. Cũng nên lưu ý rằng phần còn lại của câu này tiếp tục giải thích lý do dân sự thời Ô-sê gặp nan đề vì thiếu thông tin mà là vì chối bỏ sự hiểu biết mà Chúa đã cung ứng cho họ.
Kinh Thánh kết hợp với y-khoa đã cung ứng mọi thông tin cần thiết trong lãnh vực sức khoẻ. Nan đề của chúng ta không còn là ‘thiếu thông tin’, mà là thiếu thực hành Lời Chúa, và quá dung túng đối với cảm xúc cùng sự biếng nhác. Nói cách đơn giản, cười chính là món quà Chúa ban cho người, để phục hồi năng lực cho cơ thể đồng thời vượt qua những tác động của stress. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cười làm giảm kích tố adrenalins gây nên stress, mà thặng dư adrenalins có thể gây ra rối loạn chức năng cơ thể chẳng hạn như bệnh tim và trầm cảm. Cười làm gia tăng chức năng tuần hoàn và kích thích ‘tế bào T’. Cười cũng làm cho cân bằng nhịp tim và huyết áp, tiết ra nội tiết tố ‘lạc quan’ từ não bộ vốn tác dụng như những loại thuốc giảm đau tự nhiên.
Một nghiên cứu của Đại học Duke đã khám phá những người hung hăn thù hận thường chết ở tuổi năm mươi nhiều hơn những người không thù hằn từ bốn đến bảy lần. Được phép, tôi xin viết lại câu chuyện sau đây. Một lần nọ tôi đáp máy bay đến một thành phố mà mình chưa từng đến giảng trước đây. Trên đường về từ phi trường, người tài xế cho hay rằng vị mục sư của nhà thờ mời tôi đến giảng có việc phải đi khỏi thành phố, nhưng ông ấy đã sắp đặt trước cho tôi đến ở với cụ thân sinh của ông. Điều ấy không có gì trở ngại vì tôi vốn thích gặp gỡ và giao lưu với những người mới quen, nhưng tôi là loại người không ưa bị bỏ ngơ trong bất cứ việc gì, thế nên tôi tiếp tục nói chuyện và hỏi người lái xe, “Ông mục sư ấy bao nhiêu tuổi nhỉ?” Anh tài xế trả lời ngay không chút lưỡng lự khiến tôi ngạc nhiên không ít, “Chừng sáu lăm hay sáu ba thì phải”. Đến đây, tôi liền làm một con tính, toán là môn khá của tôi, chẳng cần mệt trí tôi cũng hiểu rằng mình có thể lâm vào thế kẹt. Câu hỏi tiếp tự nhiên vuột miệng, “Vâng thế cụ thân sinh của ông mục sư được bao nhiêu nhỉ? “Khoảng chín hai, chín ba gì đó, tôi nghĩ là chín ba đấy”, anh ta túm tím.
Trong suốt cuộc hành trình hằng giờ còn lại, cuộc đối thoại của chúng tôi tự nhiên im bặt vì trí óc tôi bắt đầu tấp nập những việc sắp tới, mà chắc hẳn sẽ là một tuần lễ tệ hại nhất trong đời. Tôi thấy mình cầm muỗng đút thức ăn cho một cụ già, rồi dọn dẹp chén dĩa sau bữa ăn! Tôi nghĩ ít ra đời sống cầu nguyện của mình sẽ được gia tăng vì rất có thể người bạn già này cần được cầu nguyện, và tôi có thể thực hành. Sau cùng, tôi thấy mình đứng trước cửa căn nhà mà mình sẽ trọ cùng với hành lý trong tay, và phía bên kia cánh cửa là một cụ già đẹp lão và trẻ nhất mà tôi chưa từng thấy đang chờ sẵn. Cụ Roy nở một nụ cười truyền cảm rộng đến vành tai trên gương mặt. “Này, tôi tên Roy” cụ nói với giọng khàn khàn, “Cần tôi giúp bớt một túi xách không?”
Trong những chuyến đi của mình, tôi đã từng ở với những người rất tuyệt vời, nhưng có lẽ đây là lần để lại nhiều kỷ niệm vui thú nhất trong đời tôi. Con người của Chúa theo đúng nghĩa này đã làm cho tôi cười từ ngày này qua ngày khác khi ông chia sẻ những cuộc phiêu lưu cùng những gian truân trong chức vụ. Nhà truyền đạo lão thành này đã chu du khắp thế giới vì Chúa Cứu Thế, ông có quá nhiều chuyện kể khiến tôi cứ mãi thích thú trong suốt tuần lễ ở bên ông.
Cười vẫn là một thành tố của trường thọ và thành công, cũng giống như thời của Sa-lô-môn vậy. Vì vua thời cựu ước này đã bám chặt vào một nguyên tắc của Chúa và ông đã ghi lại trong sách Châm ngôn để các thế hệ tiếp nối được chúc phước và thạnh mậu trong tuổi già.
Tấm lòng vui vẻ là liều thuốc hay; tinh thần suy sụp làm xương cốt khô héo.
— Châm ngôn 17:22
Sau buổi chiều đầu tiên vui vẻ bên nhau, cụ Roy thình lình đứng dậy và bảo rằng đã đến giờ tôi phải nghỉ ngơi. Tôi tưởng đây chỉ là cách khôi hài để cho tôi biết đã đến giờ nghỉ trưa và cụ cần chợp mắt một lát, nhưng thay vì về phòng, cụ lại ngồi bên bàn làm việc, mở lap-top và bắt đầu viết lách.
Tôi chưa từng thấy một người nào ở miệt vườn này sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại này như thế và tôi buột miệng hỏi một câu thật ngu xuẩn, “Này cụ Roy! Ai đã dạy cụ sử dụng máy vi tính này vậy” Chẳng ai dạy cả,” trả lời, “vi tính sách tay ấy có kèm sách theo hướng dẫn mà.”. Sau này tôi được biết chính cụ bà đã tặng cho cụ ông cái lap-top vào dịp sinh nhật thứ chín…mươi của cụ. Theo nguyên văn Hi-bá trong Cựu ước, cười là điều ích lợi cho chúng ta, không những chỉ đem lại cảm giác lành mạnh mà còn khiến chúng ta thoã mãn, chăm chỉ và khéo léo hơn trong công việc mình làm. Lắm người thuộc thế hệ lão thành ngày nay đang khổ vì chứng bệnh alzheimers hoặc chứng mất trí nhớ tạm thời. Những cụ già tội nghiệp này có thể nhớ những chuyện xa xưa thời trai trẻ nhưng hết sức khó khăn để nhớ những sự việc vừa xảy ra hôm qua, và ở đây, tôi hoàn toàn thích thú được bầu bạn cùng một cụ già dám thách thức tuổi tác!
Cụ Roy không chỉ thọ hơn các bạn đồng thời của mình mà thôi, nhưng trí nhớ của cụ cùng khả năng diễn đạt còn vượt xa những người trẻ ngày nay. Hồi tưởng ngồi trong căn nhà của cụ Roy, lắng nghe cụ giãi bày Lời Đức Chúa Trời, cùng cười với nhau khi cụ ôn lại chuyện xưa. Ngẫm lại, tôi thấy lời của tiên tri Ê-sai thật đúng làm sao! Ê-sai 40:29-31, “Ngài ban năng lực cho người kiệt lực và mệt mỏi; các thanh niên sẽ vấp và ngã quỵ. Nhưng ai trông đợi nơi Chúa sẽ được phục hồi sức mới, cất cánh bay cao như chim phượng hoàng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không kiệt sức.”
Đời tôi đã từng gặp nhiều người kiệt sức. Hoặc là họ quá đuối mệt đến nỗi không còn màng đến chức vụ hay công việc hội thánh hoặc là không còn chút sức lực nào nữa để tiếp tục công việc của mình trong chuỗi ngày lặng lẽ trôi qua. Thật ngoài sức tưởng tượng! Ông bạn già Roy mới quen của tôi đã từng được chỉ định vào chức vụ lãnh đạo thanh niên của một hội thánh đang lên khi ông ở độ ngoại bát tuần, thử đoán xem nào, nhóm trẻ này phất lên như diều gặp gió vậy! Thế rồi, chưa hết ngạc nhiên, cụ công bố rằng sẽ không thể đến nghe tôi giảng vào Chúa nhật tới vì phải cùng cụ bà đi xa vài trăm cây số để giảng cho một buổi lễ đính hôn.
Chẳng cần phải mất nhiều thời gian để hiểu ra vị thánh đồ lão thành này nhận lãnh nguồn sức từ đâu. Lúc nào cụ cũng sống trong Lời Chúa. Suối nguồn tươi trẻ của cụ đến trực tiếp từ Đức Thánh Linh. Lời Chúa luôn luôn tác động nếu chính ta hành động theo Lời Ngài. Vào khoảng ngày thứ ba, cụ Roy cho tôi biết có một thanh niên vừa mới cưới vợ sẽ ghé qua để xin tư vấn, và cụ hỏi tôi xem có thể nói chuyện riêng với thanh niên này hay không. Trong phiên hội thoại này, chàng trai giải thích rằng vợ anh đã ly hôn vì anh ta không thể làm trọn chức năng nam giới, và dù bác sĩ của anh đã kê toa cho thuốc ‘Viagra’, nhưng vợ anh chỉ đáp ứng cách miễn cưỡng mà thôi.
Đến chiều hôm nay khi chúng tôi quây quần bên bàn ăn. Cụ Roy hỏi đoán chừng, “Có phải anh chàng thanh niên ấy đã nói với ông rằng anh ta đang dùng Viagra không?” Rồi cụ nói tiếp, “Tôi thực sự không hiểu có gì trục trặc với những thanh niên ngày nay.” Rồi vợ ông xen vào, “Này Roy, sao mình không nói cho Greg nghe về lần gặp bác sĩ để kiểm tra gần đây nhất?”. Cụ Roy liếc nhìn vợ rồi quay qua nhìn tôi, “Tháng trước tôi tự đi đến một trong số những bác sĩ kia. Muốn trẻ như tôi thì ông cần phải làm những việc ấy nhé. Vâng! Đang khám nghiệm nửa chừng, tôi bảo, Này bác sĩ, tôi hơi có vấn đề về ‘chuyện ấy’, bác sĩ có cách gì giúp không? Tôi nghĩ mình phải nói lại cho rõ bởi lẽ nghe ông bác sĩ ấy lí nhí trong miệng, ‘Được thôi Roy, tôi cho rằng cụ phải dùng đến Viagra. Cụ biết đây, nam giới ở tuổi của cụ thì suy nhược dục tính là chuyện tự nhiên thôi.’ Tôi đáp, “Không phải thế đâu bác sĩ, ông hiểu sai hoàn toàn rồi, tôi chẳng cần thuốc thang gì để kích thích chuyện ấy, nhưng tôi cần cái gì đó để làm cho giảm bớt.” Tôi quay nhìn cụ bà để biết xem cụ ông có suy diễn chút nào không và bà nói, “Ổng đang nói sự thật trăm phần trăm đấy Greg ạ! Đến nay ở tuổi chín hai mà ổng còn sung như lúc còn trẻ vậy.”
Đất nước chúng ta ngày nay đang quan tâm nhiều đến căn bệnh bất lực, và dường như nhiều người trẻ đang bị ảnh hưởng xấu của căn bệnh này y như nhiều bậc tiền bối của chúng ta. Thời gian gần đây tôi để ý thấy các bệnh viện chuyên về lãnh vực này thường xuyên quảng cáo trên nhiều tờ báo chính trên toàn quốc. Muốn cải thiện phẩm chất đời sống của bệnh nhân, tự nhiên các bác sĩ phải nhập cuộc, họ chẳng dại khi chi ra một số tiền lớn như thế cho việc quảng cáo nếu không có số lượng bệnh nhân đông đảo để bảo kê. Nam giới cả trẻ lẫn già đang tiêu ngốn hằng triệu đô-la vào đủ loại thuốc viên, thuốc chích, thuốc bôi cùng những thứ khác không kể hết, để chấn chỉnh sự bất lực hầu đem lại kết quả mong muốn. Nguyên nhân của chứng bất lực thật đa dạng, không chỉ dựa vào lãnh vực cảm xúc mà thôi để xác định. Một lối sống thiếu đúng đắn như hút sách, nghiện ngập và lạm dụng ma tuý đều đóng vai trò tích cực trong việc khép lại các chức năng cơ thể. Stress, âu lo, hoảng sợ cùng những xáo trộn cảm xúc ngoài ý muốn đều là những yếu tố gây khiếm khuyết cho sự làm việc của cơ thể, và cuối cùng chúng sẽ gây ra sự suy sụp và thiểu năng.
Tất cả cảm xúc của con người đều xuất phát từ đấu trường tâm trí là chỗ hằng ngày diễn ra sự tranh chiến giữa thiện và ác, giữa xấu và tốt. Nếu không đối phó với những cảm xúc tiêu cực đang xâm lấn đời sống tư duy, rốt lại chúng sẽ nắm quyền kiểm soát và thắng cuộc chiến, để lại trong chúng ta một vết thương tâm linh, một thân thể bệnh tật hoặc cả hai. 2 Cô-rinh-tô 10:4-5, “…đánh đổ các lý luận và mọi sự kiêu căng nghịch với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chúng tôi cũng bắt mọi tư tưởng phải vâng phục Chúa Cứu Thế.” Cụ Roy sống một đời luôn làm đầy cuộc sống và tâm trí mình bằng tiếng cười và niềm vui của Chúa, và giờ đây cụ thâu gặt những ích lợi mà cụ xứng đáng nhận lãnh. Cụ là một bức tranh của sự lành mạnh, cứ luôn tươi tốt trong tuổi già, về cả phương diện trí não, thể xác lẫn tâm linh. Phục truyền 34:7, “Môi-se qua đời lúc ông được một trăm hai mươi tuổi, nhưng mắt ông không làng, sức ông không giảm.”
Như Môi-se đã vui hưởng sự khỏe mạnh phi thường cho đến ngày đi về nhà đoàn viên bên Chúa, thì mỗi con dân Chúa cũng có thể được như vậy. Theo sứ đồ Giăng, sự khỏe mạnh và thạnh vượng vượt trỗi chính là ý muốn của Chúa dành cho chúng ta. 3 Giăng 1:2, “Anh thân mến! Tôi cầu chúc anh được thạnh vượng trên mọi mặt, được khỏe mạnh về phần xác cũng như vẫn thạnh vượng về phần hồn.”
Cười nên là một thông lệ trong đời sống chúng ta cũng như ăn và ngủ vậy, vì có khả năng đem chúng ta từ mặt đất lên một thế giới kỳ ảo. Mỗi lần cười, dù chỉ trong khoảnh khắc, theo bản năng não bộ chúng ta tương tác với cơ thể để sản sinh ra những nội tiết tố và não tiết tố cần thiết tác dụng như thuốc giảm đau tự nhiên.
Tại Nhật, nhiều tập đoàn lớn đã nhận ra điều này khi tình cờ bắt gặp một con chúm chín thật ngộ nghĩnh. Các vị giám đốc của những công ty này đã thiết lập những phòng cười nhộn thường xuyên để các nhân viên đều đặn đến ‘xả hơi’. Thoạt tiên, những công nhân người Nhật này cho rằng chỉ đứng quanh quất ở đó và cười không không như thế quả là phí thời gian, nhưng tổng giám đốc của những công ty này đã ghi nhận được sự gia tăng kỷ lục về sản xuất và cho thấy các nhân viên đang được cải thiện cả tinh thần lẫn thân thể. Phúc trình của một số bác sĩ hiện nay cho thấy rằng cười cách thoải mái cũng đem lại lợi ích cho trái tim con người giống như vận động thư giãn, như tản bộ trong công viên chẳng hạn.
Cười cũng lây lan giống như ngáp vậy. Tôi để ý rằng nếu một người trong một căn phòng đông đúc ngáp dài ngáp ngắn, thì một chuỗi phản ứng bắt đầu, và chỉ trong chốc lát mọi người đều ngáp theo. Trong khi ấy cười còn có thể lây lan nhanh hơn cả một cơn dịch cúm bình thường bộc phát vào mùa đông. Hầu như chúng ta ai cũng đều kinh nghiệm những lần cười ngây ngất, cười bò lăn bò lóc không thôi, tuy nhiên đồng thời chúng ta thường không thể nhớ tại sao mình lại cười ngay từ đầu. Một cơn dịch cười đã lan tràn khắp Ấn Độ, ở đó mọi tầng lớp xã hội đã thấy được ích lợi của cười nên tụ tập nhau nơi công viên, chốn công cộng để cùng nhau cười. Các doanh nhân, bác sĩ, những kẻ ăn mày đứng cạnh nhau chọc cho nhau cười hầu đem lại sức khỏe và sống lâu.
Theo Đại học American University in Whashington D.C., sự hài hước có một tiềm năng chữa bệnh rất lớn. Trong ba thập niên qua, giới y khoa đã bắt đầu lưu ý nghiêm túc hơn về sức mạnh chữa bệnh của sự khôi hài cùng những cảm xúc tích cực gắn bó với nó. Hài hước và tiếng cười hiện đang được các nhà tâm thần trị liệu và các chăm sóc viên khác sử dụng như những công cụ để duy trì và nâng cao sức khoẻ. Thậm chí sự hài hước còn có ảnh hưởng lâu dài để kiện toàn công hiệu của hệ miễn nhiễm. Trong chăm sóc y tế, hài hước liệu pháp có thể giúp giải tỏa stress và những bệnh tật liên đới. Nó tác dụng như một chiến thuật nghịch đảo và là một công cụ trị liệu cho căn bệnh trầm cảm.
Những chuyên gia trong lãnh vực cười đang khuyến khích mọi người tham gia vào các sinh hoạt náo động ích lợi cho bản thân. Họ còn gợi ý là nếu chúng ta không có gì để cười thì nên nhảy cho đến khi cười mới thôi. Những người nổi tiếng trong y giới bảo rằng những tiếng cười giả tạo ấy cũng tạo ra những hoá chất tương tự trong não giống như cười thiệt vậy. Những nghiên cứu khá thuyết phục ở Nam Phi cho thấy hiệu quả của tiếng cười đã đem lại sự chữa bệnh bằng cách dùng ‘hơi gas gây cười’ để điều trị chứng vã rượu. Ở New York người ta cũng bắt đầu những thí nghiệm tương tự bằng cách dùng ‘ô-xýt-ni-trô’ để giúp cai nghiện thuốc lá. Tôi đã gặp nhiều Cơ đốc nhân bảo rằng họ không thể nhớ lần chót họ cười là khi nào, và thậm chí không biết làm sao để cười. Nỗi bất hạnh là hố ngăn cách giữa thực tại của con người và ý chí của Chúa dành cho họ. Nếu đây quả là trường hợp của quý vị thì đây là một tin mừng. Chúa đang ra sức ban sự bình an và vui mừng cho những ai đang gặp khó.
Gióp 8:21, “Ngài sẽ khiến cho miệng anh đầy tiếng cười, môi anh đầy tiếng reo vui.” Nếu cảm nhận một nụ cười đến, xin đừng để nó tắt lịm. Hãy để nụ cười ấy truyền khắp thế giới quanh ta như cơn dịch khởi lây lan. Châm ngôn 15:13-15, “Lòng vui tươi làm mặt mày hớn hở; lòng buồn rầu, tinh thần suy sụp. Lòng dạ sáng suốt tìm kiếm tri thức, nhưng miệng kẻ ngu dại ăn điều ngu xuẩn. Người khốn khổ thấy mỗi ngày đều là hoạn nạn, nhưng tấm lòng vui mừng dự tiệc luôn luôn.”
Chuyển ngữ: THIÊN HỰU