Nhà văn Pháp Pécaut có kể lại một câu truyện có thật và đầy xúc động, mà ông đã gặp một lần trong đời để rồi vẫn còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Câu truyện như sau:
Một hôm, tôi vừa ra khỏi nhà thì một em bé trạc 12 tuổi chạy đến van nài tôi mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động lòng thương tôi rút ví ra định mua, nhưng tôi lại chỉ có toàn tiền chẵn. Tôi đang ngần ngại thì thằng bé nói ngay:
“Không sao ông ạ, xin ông cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trở lại trả cho ông ngay.”
Tôi nhìn thằng bé với một thoáng nghi ngờ. Nó vội nói:
“Thưa ông, cháu không phải là một thằng ăn cắp đâu ạ!”
Quả vậy, gương mặt xanh xao của nó có vẻ thành thật đến mức tự hào. Tôi liền trao cho nó một đồng tiền vàng, và nó chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, tôi bắt đầu hồ nghi sự ngay thẳng của thằng bé. Và nửa giờ sau thì tôi hết kiên nhẫn, bỏ đi tiếp tục cuộc dạo phố, lòng thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu lổng đầu đường xó chợ như thế nữa….
Buổi trưa, khi về tới nhà, đúng chỗ ban sáng thì tôi lại thấy một đứa bé hơn, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt giống “thằng ăn cắp” như tạc. Nét mặt nó bộc lộ một sự lo âu tuyệt vọng. Nó thổn thức nói với tôi:
“Thưa ông, có phải ông đã đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp. Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền. Cháu… cháu sợ rằng anh cháu chết mất thôi !…”
Tôi bàng hoàng vội hỏi thằng bé trong tiếng nghẹn ngào:
“Thế bây giờ anh cháu nằm ở đâu? Dắt bác đến gặp anh cháu ngay đi…”
Tôi rảo bước gần như chạy sau em bé. Chúng tôi rời khỏi những khu phố giàu sang để lách vào những con hẻm lầy lội tối tăm của một khu lao động nghèo khổ. Em bé dừng lại trước một căn lều xiêu vẹo. Trong một xó tối, tôi nhận ra thằng bé bán diêm quẹt ban sáng. Nó nằm dài bất động trên một đống áo quần cũ rách, mặt trắng bệch vì mất khá nhiều máu. Nó thều thào nhìn tôi:
“Thưa ông, xin ông lại gần cháu hơn một chút với…”
Tôi tiến lại gần, qùy một chân, cúi xuống đỡ lấy bàn tay nhỏ bé và lạnh ngắt. Em nói với tôi, ánh mắt lấp lánh niềm vui ngây thơ:
“Em cháu đã đưa chỗ tiền lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa lừa gạt và ăn cắp. Cháu chỉ có mình nó là em ruột, cháu bị tai nạn thế này, rồi đây… Ôi trời ơi, rồi đây em cháu sẽ ra sao đây?”
Tôi lặng lẽ cúi xuống hôn lên vầng trán bị giập nát vì vết thương của em, và tôi đã hứa với em rằng tôi sẽ hết lòng chăm sóc thằng bé thay cho em. Tôi nói chuyện với em được một lúc, bàn tay gầy guộc của em cứ để mãi trong tay tôi …
Tội nghiệp thằng bé, tôi biết vết thương rất trầm trọng, không còn có thể làm gì để kịp cứu chữa cho em. Thằng bé có lẽ đã cố gắng thoi thóp sống chỉ cốt để gặp được tôi, trăn trối một lời cuối cùng. Bây giờ thì em không còn rên rỉ đau đớn nữa, đôi mắt em liếc nhìn đứa em thân yêu rồi chớp chớp nhìn tôi với một vẻ bình thản gần như hạnh phúc …
Đấy, người bạn bé nhỏ của tôi đã chết như thế đấy. Thằng bé đã cho tôi biết thán phục và thương cảm trước một tâm hồn trẻ thơ vô cùng trong trắng ngay giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ đến cùng cực …
***
Lạy Chúa đã bao lần trong cuộc sống con đã vội vàng hấp tấp kết án người khác khi chưa tìm hiểu nguyên nhân, đã bao lần con nhìn người ăn xin ở chợ, một em bé bán vé số bên đường, một người “homeless” với tấm bảng “Đói, cần việc làm” bằng ánh mắt nghi ngờ. Lạy Chúa, dù biết rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” nhưng sao con vẫn nhìn những người lịch sự, giàu có, thành công ở đời… bằng ánh mắt kiêng nể, kính phục và một ánh mắt nghi ngờ, khinh khỉnh, dè bỉu cho những ai bên ngoài rách rưới, bẩn thỉu… Xã hội cấp tiến đã trang bị cho mỗi người chúng con một sự nghi ngờ tối thiểu để bảo vệ chính mình, “thà nghi lầm còn hơn tin lầm”, đã bao lần … Chúa ơi!
Xin cho con trái tim của Chúa, ánh mắt Chúa, để con nhìn thấy Chúa qua những người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ đó. Xin cho con học được cái nhìn của Chúa để nhìn ai là nhìn vào tâm hồn nơi mỗi người chứ không chỉ dừng lại ở dáng vẻ bên ngoài. Xin cho con luôn biết mở lòng với những người thấp bé, nghèo khổ vì Chúa đang nói với con qua những con người nhỏ bé đó. Amen!
R. Veritas