“Vậy thì cuộc đời của Áp-ra-ham cũng không thực sự ủng hộ cho học thuyết của anh – học thuyết cho rằng những phép lạ hay những chuyện siêu nhiên không thường thấy mãi cho đến thời của Môi-se và Giô-suê, có phải vậy không?”
“Vâng thưa ông.”
“Còn về Y-sác, Gia-cốp hay Giô-sép, có điều gì dường như là quá đỗi lạ lùng và siêu nhiên đối với anh hay không?”
“Chương hai mươi tám – khải tượng tiên tri về Đấng Cứu Thế; trong khải tượng đó, những vị thiên sứ đi lên đi xuống trên một cái thang trong khi Gia-cốp đang ngủ.”
“Có gì khác trong cuộc đời Gia-cốp nữa không?”
“Chương ba mươi hai. Ông đã thực sự vật lộn cả đêm với Đức Chúa Trời, hay hiện thân của Đấng Christ. Và với Giô-sép, sự lạ lùng đó là những giấc mơ và sự giải nghĩa của chúng.”
Vậy nên tôi nói: “Với những bằng chứng đó, sách Sáng thế ký đã không hỗ trợ cho học thuyết của cậu, đúng chứ?”
“Vâng, đúng là như vậy.”
Và bây giờ chúng ta đang ở sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta đã nói với nhau rằng, cuộc đời của Môi-se và Giô-suê chứa đựng những phép lạ và những sự việc siêu nhiên, vì vậy, hãy lướt qua sách Xuất Ê-díp-tô ký cho đến Giô-suê và đến với sách Các quan xét. Có điều gì trong sách Các quan xét khiến bạn cảm thấy thật lạ lùng không?”
Cậu ta trả lời rằng: “Vâng, thiên sứ của Chúa đã hiện ra bằng xương bằng thịt cho Ghê-đê-ôn, và có những chuyện diễn ra sau đó cùng với cái lốt chiên. Rồi thì thiên sứ của Chúa hiện ra với cha mẹ của Sam-sôn, và chúng ta có một Sam-sôn đầy sức mạnh một cách lạ thường.”
“Vậy thì, sách Các quan xét cũng không hỗ trợ cho học thuyết này, phải không?”
“Vâng.”
“Chúng ta có gì trong sách 1 Sa-mu-ên?”
“Một vị tiên tri trọn vẹn trong lời nói mình.” (1Sam 3: 19-21).
Và cuộc thảo luận cứ tiếp tục theo chiều hướng như vậy. Hết chương này đến chương khác, cậu sinh viên này bị buộc phải liệt kê các sự việc kỳ diệu và siêu nhiên mâu thuẫn với lời khẳng định của cậu ta rằng phép lạ chỉ xảy ra ở ba thời kì trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Cậu sinh viên buộc phải thừa nhận rằng cậu không chỉ không thể bảo vệ được cho quan điểm của mình, mà còn thấy được rằng Kinh Thánh thực sự mâu thuẫn với quan điểm đó.
Sau khi cậu sinh viên đó kết thúc phần thi, chúng tôi đã sát hạch thêm hai thí sinh trẻ đầy triển vọng nữa. Cả hai đều trả lời tốt những câu hỏi chuyên môn liên quan đến Cựu Ước, nhưng phần trình bày của họ cũng khá khổ sở giống như thí sinh đầu tiên khi tôi hỏi họ ba câu hỏi tương tự liên quan đến thần tánh của Chúa Jêsus, sự xưng công bình bởi đức tin, và những ân tứ kì diệu của Đức Thánh Linh. Khi những thí sinh vừa ra về ngày hôm đó, tôi đã đưa ra lời nhận xét với các đồng nghiệp của mình về sự thất vọng bởi trải nghiệm vừa qua. Tôi nói: “Những thí sinh này không tin vào những gì họ tin vì Kinh Thánh dạy điều đó, nhưng họ tin vào những gì họ tin là bởi vì có những người có thẩm quyền trong cuộc đời họ nói với họ rằng các giáo lý đó là đúng. Họ đã không tiếp nhận niềm tin của họ qua việc nghiên cứu Kinh Thánh cách cẩn thận. Họ đã không thể nào bảo vệ cho niềm tin của mình bằng cách sử dụng Kinh Thánh.”
Một trong những giáo sư lớn tuổi nói rằng: “Điều đó là đúng, nhưng tôi phải nói rằng những kinh nghiệm trong ngày hôm nay rất hiếm thấy trong những kỳ thi như thế này.”
Tất cả những thí sinh đã tham gia vào kỳ thi đó tự tin rằng họ tin vào những gì họ tin đơn giản là bởi vì Kinh thánh đã dạy điều đó, nhưng họ đã bị một cú lừa ngoạn mục. Nếu điều đó được cho là đúng trong bối cảnh chủng viện thần học, thì bạn thử nghĩ xem điều đó còn được cho là đúng đến mức nào trong một môi trường không phải là môi trường học thuật? Kinh nghiệm và truyền thống đã quyết định phần lớn những gì mà tín hữu nhà thờ tin tưởng, nhiều hơn so với việc nghiên cứu cẩn thận, kiên nhẫn và nghiên cứu Kinh Thánh cá nhân.
J.I. Packer viết: “Không ai dám tuyên bố là có thể tách ra khỏi truyền thống. Thực ra, một cách chắc chắn để bị chủ nghĩa truyền thống nuốt chửng bạn là cứ cho rằng bạn hoàn toàn miễn dịch với nó…. Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta có truyền thống hay không, nhưng đó là liệu rằng các truyền thống của chúng ta có mâu thuẫn với tiêu chuẩn tuyệt đối duy nhất trong những vấn đề này: Kinh Thánh.”
Cả Packer và tôi đều không tuyên bố rằng tất cả truyền thống là xấu. Tôi đồng ý với tuyên bố của Packer rằng:
“Tất cả Cơ-đốc nhân vừa là những người hưởng lợi và cũng vừa là nạn nhân của truyền thống – những người hưởng lợi là những người nhận được sự nuôi dưỡng bằng lẽ thật và sự khôn ngoan từ sự thành tín của Đức Chúa Trời trong các thế hệ trước đây, những nạn nhân là những người giờ đây đã xem nhẹ những điều cần cần phải được chất vấn, do đó đã xem những mẫu mực của niềm tin và cả những qui tắc hành xử chỉ là một cái gì đó nhân tính, tạm thời và tương đối. Chúng ta đều là những người hưởng lợi từ những truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan và lành mạnh, và đồng thời cũng là nạn nhân của những truyền thống nghèo nàn, dốt nát và không lành mạnh.”
Chẳng hạn như, có rất nhiều Cơ-đốc nhân, những người tin vào thần tánh của Chúa Jesus, nhưng họ không thể nào bảo vệ cho lẽ thật về thần tánh của Ngài bằng Kinh Thánh. Mặc dù họ tin là Kinh Thánh dạy rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, nhưng họ đã không tin vào niềm tin này thông qua một nghiên cứu cẩn thận về Kinh Thánh. Đó là một phần của truyền thống mà những người giảng dạy đã trao cho họ. Trong trường hợp này, họ được hưởng lợi từ truyền thống bởi vì truyền thống đặc biệt này hoàn toàn dựa vào sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
Tuy nhiên, khi những hệ thống niềm tin của chúng ta vượt qua các nguyên tắc nền tảng cơ bản của đức tin (thần tánh của Chúa Jêsus, sự xưng công bình bởi đức tin, sự đền tội thay của Chúa Jêsus, v.v …) đến những điều không phải là nền tảng (kiểu mẫu làm phép báp-têm, cách cư xử khi dự tiệc thánh, hay một quan điểm đặc thù nào về thiên hy niên) chúng ta phụ thuộc vào truyền thống nhiều hơn là chúng ta tưởng. Trong những trường hợp như vậy, Packer đã đưa ra một lời khuyên khá bổ ích như thế này: “Những gì chúng ta cần phải làm là nhận ra rằng trong đời sống chúng ta có đầy những truyền thống, cả tốt lẫn xấu, nhiều hơn rất nhiều mức độ chúng ta có thể nhận ra, và chúng ta cần phải học cách đặt ra câu hỏi dưới ánh sáng của Kinh thánh về những gì mà cho đến nay chúng ta vẫn thường xem nhẹ.”
Tuy nhiên, một số người lại không thừa nhận tầm ảnh hưởng của truyền thống và các yếu tố khác của môi trường xung quanh trong việc quyết định hoặc định hình quan điểm của chúng ta. Edward Gross đã đặt ra câu hỏi là tại sao lại có nhiều sự diễn giải đến như vậy. Câu trả lời của ông ta như sau:
Có hai lý do đơn giản lí giải tại sao lại có quá nhiều sự diễn giải đến như vậy: thiếu sự nghiên cứu tổng quan và thiếu sự tuân thủ các quy tắc đơn giản của thông diễn học (khoa học giải thích Kinh Thánh).
Kế đến, ông nêu lên ba quy tắc thông diễn học hiệu quả được tóm tắt bởi Charles Hodge đó là Kinh Thánh phải được giải nghĩa theo ngữ nghĩa lịch sử của nó, Kinh Thánh giải thích Kinh thánh và không thể nào tự mâu thuẫn, và phải tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh để giải nghĩa Kinh Thánh. Gross kết luận rằng:
Việc sử dụng các quy tắc này sẽ giúp chúng ta xác định được ý nghĩa thực sự của Kinh Thánh. Nếu Cơ-đốc nhân luôn kết hợp một sự nghiên cứu kỹ lưỡng với những quy tắc đơn giản này, thì sự khác biệt về cách giải thích sẽ thực sự biến mất.
Tôi chắc chắn rằng có những người cũng có cùng một suy nghĩ như Gross rằng việc thiếu sự nghiên cứu và sự khác biệt về thông diễn học có thể giải thích cho sự đa dạng của thần học cùng thời. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng các nhà thần học đương đại hoặc những nhà giải kinh sẽ đồng ý với Gross.
Khi tôi ở tại Chủng viện thần học Dallas, tất cả mọi người trong khoa mà tôi biết đều đồng ý với ba quy tắc thông diễn được tóm tắt bởi Hodge, và tất cả chúng tôi đều tin vào sự nghiên cứu toàn diện về Lời Chúa. Dầu vậy, chúng ta có những khác biệt đáng kể so với quan điểm thần học cách tân mà Gross trích dẫn trong cuốn sách của ông. Có phải chúng tôi, những người thuộc phái Thời triệu, đã không nghiên cứu Kinh thánh một cách toàn diện như các nhà thần học cải cách mà chúng ta không đồng ý với họ không? Có phải chúng tôi không nhất quán trong việc áp dụng ba nguyên tắc thông diễn học vừa nêu không? Sự thật có thể thấy được là việc thiếu nghiên cứu toàn diện về Kinh Thánh và các nguyên tắc thông diễn học không giống nhau có thể không giải thích được phần lớn những khác biệt thần học hiện đại.
XÉT LẠI TRUYỀN THỐNG VỀ VẤN ĐỀ CÁC ÂN TỨ THÁNH LINH
Nếu bạn muốn nhốt một Cơ đốc nhân mới tin Chúa trong một căn phòng với một cuốn Kinh Thánh và bảo người đó nghiên cứu những điều Kinh Thánh nói về chữa lành và phép lạ, anh ấy sẽ không bao giờ rời khỏi phòng mà cho rằng những ân tứ phép lạ đã chấm dứt. Tôi biết được điều này từ kinh nghiệm của riêng tôi. Trước khi tôi trở lại với Chúa vào năm tôi mười bảy tuổi, tôi đã không được đào tạo về thần học, về Kinh thánh, hoặc về lịch sử Cơ-đốc giáo. Ngay sau khi Chúa cứu tôi, tôi đã bắt đầu “ăn nuốt” Kinh Thánh. Tôi đọc Kinh Thánh ngày và đêm và ghi nhớ những lời trong Kinh Thánh. Khi tôi bắt đầu hỏi giáo viên Cơ-đốc của tôi về những phép lạ trong Kinh thánh, tôi được dạy rằng Đức Chúa Trời không còn làm những điều này qua con người nữa. Tôi được dạy rằng phép lạ thực sự, và quan trọng nhất, là sự biến đổi của con người hư mất. Vì những người tin kính mà tôi kính trọng đã nói với tôi điều này, và vì tôi không thấy phép lạ nào theo kinh nghiệm của mình để phản bác lời dạy này, tôi đã chấp nhận quan điểm đó như là lẽ thật. Tôi đã tự truyền bá quan điểm đó cho mình và nhanh chóng quên mất việc cầu xin phép lạ hoặc sự chữa lành.
Đây không phải là một hệ thống giáo lý mà tôi có thể tự mình tìm ra. Tôi đã được dạy rằng những ân tứ Thánh Linh đã không còn nữa. Lúc này đây, 27 năm sau, ở tuổi 44, tôi đã có đặc ân ở cả hai phía của cuộc tranh luận thần học này. Tôi hoàn toàn tin là Kinh Thánh không dạy rằng những ân tứ của Thánh Linh đã chấm dứt cùng với sự qua đời của các sứ đồ. Đó không phải là sự dạy dỗ của Kinh thánh mà đã khiến cho nhiều người không tin vào chức vụ trong thời hiện tại của phép lạ.
Có một lý do cơ bản khiến các Cơ-đốc nhân tin vào Kinh thánh nhưng lại không tin vào những ân tứ của Đức Thánh Linh trong ngày hôm nay. Đơn giản là vì: họ chưa bao giờ nhìn thấy những ân tứ đó được vận hành. Tất nhiên, truyền thống của họ ủng hộ cho sự thiếu vắng niềm tin của họ, nhưng truyền thống của họ sẽ không có cơ hội thành công nếu nó không kết hợp với sự thiếu kinh nghiệm của họ về phép lạ. Tôi sẽ nói rõ hơn: Không phải Cơ-đốc nhân không tin tưởng vào những ân tứ của Thánh Linh vì Kinh Thánh dạy rằng những ân tứ này đã chấm dứt; nhưng họ không tin vào những ân tứ của Thánh Linh là bởi vì họ không kinh nghiệm được.
Không một người nào cho rằng các ân tứ Thánh Linh đã chấm dứt mà tôi biết cố gắng chứng minh quan điểm của mình dựa trên một mình Kinh Thánh. Tất cả những người này đều dựa vào cả Kinh thánh lẫn dữ kiện hiện tại hoặc trong quá khứ để hỗ trợ cho quan điểm của họ. Thường thì người ta không thấy được rằng việc dựa vào với dữ kiện lịch sử, quá khứ hoặc hiện tại, thực sự là một sự lý luận từ kinh nghiệm, nói đúng hơn là, một sự lý luận từ sự thiếu kinh nghiệm.
Tôi đã từng tranh luận với một nhà thần học nổi tiếng về chủ đề những ân tứ của Thánh Linh. Tôi cho rằng không có bất kì bằng chứng nào trong Kinh Thánh nói rằng các ân tứ của Đức Thánh Linh đã chấm dứt. Ông ta trả lời như thế này: “Tôi sẽ không đi xa, nhưng tôi biết rằng anh không thể nào chứng minh sự chấm dứt của những ân tứ từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta không thấy rõ sự vận hành những ân tứ đó trong phần sau của lịch sử hội thánh, và chúng cũng không thuộc về truyền thống thần học của chúng ta.”
Vị này đã giảng dạy tại một chủng viện theo hướng những ân tứ Thánh Linh đã không còn nữa, nhưng trong cuộc trò chuyện cá nhân, ông sẵn sàng thừa nhận rằng học thuyết này không thể được chứng minh bằng Kinh Thánh.
Ông đã đề cập đến lý do quan trọng thứ hai tại sao người ta không tin vào những ân tứ của Thánh Linh, đó là, họ không thể tìm thấy những phép lạ lớn như thời Tân Ước trong lịch sử của giáo hội. Lí do thứ ba cho sự không tin vào các ân tứ Thánh linh là sự thay đổi gây ra bởi việc sử dụng sai trái, hay việc lãnh hội sai trái, những ân tứ trong các hội thánh và các phong trào chữa bệnh trong cùng thời điểm.
Không có lý do nào trong số này được đặt nền tảng trên Kinh thánh. Chúng dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Trên thực tế, trong trường hợp của hai lí do đầu tiên, chúng dựa trên sự thiếu kinh nghiệm cá nhân.
Thường thì những người ân tứ ngũ tuần bị cáo buộc là đã xây dựng thần học của họ dựa trên kinh nghiệm. Tuy nhiên, tất cả những ai cho rằng phép lạ đã chấm dứt suy cho cùng thì đều xây dựng thần học của họ về những ân tứ Thánh Linh dựa trên sự thiếu kinh nghiệm của mình. Ngay cả những sự cổ súy việc lạm dụng những ân tứ Thánh Linh cũng là một sự tranh cãi dựa trên kinh nghiệm tiêu cực.
Cho nên, ý tôi muốn nói là những lý do thực sự để không tin vào những ân tứ của Thánh Linh ngày nay đều không dựa trên Kinh Thánh; chúng dựa trên kinh nghiệm. Trong các chương tiếp theo, tôi muốn xem xét chi tiết hơn ba lý do này.
(còn tiếp)
Dịch: David Tô