Hudson và Maria Taylor (1858–1870)
Góc nhìn của Desiring God
Vui mừng đời đời trong Jêsus Christ
Khi mặt trời mọc vào buổi sáng ở Chinkiang, tia sáng bất khuất ở trong đôi mắt của Maria mờ dần.
Đã qua mấy đêm rất dài của những năm tháng đầy đau đớn ở Trung Hoa, Hudson Taylor sợ rằng vợ của ông sẽ qua đời khi ông dõi theo cuộc chiến của nàng chống lại bệnh tật, nhưng ông thấy ngày ấy đã đến rồi — 23 tháng 07 năm 1870 — sẽ là ngày cuối cùng họ được ở cùng nhau, ít ra là trong đời nầy. Đức Chúa Trời của nàng đã đến đem con gái của Ngài về nhà. Tấm lòng tan vỡ của một người chồng đã nhìn thấy sinh lực được hồi phục và cạn kiệt dần trong cơ thể còn rất trẻ của nàng. Bà chỉ mới được 33 tuổi.
“Em ơi, em có biết mình sắp qua đời chăng?”
“Chết sao? Anh nghĩ vậy à?”…
“Đúng vậy, em sắp được về nhà rồi! Em sắp được gặp Chúa Jêsus”.
“Em xin lỗi anh”.
“Đi gặp Chúa Jêsus mà có gì phải xin lỗi chứ?”
“Không phải! Ý em không phải thế. Anh ơi, đã mười năm qua, không hề có một áng mây nào ở giữa em và Cứu Chúa của mình. Em không thấy có lỗi khi sắp được gặp Ngài… Nhưng em thấy buồn vì anh phải ở một mình từ bây giờ. Tuy vậy,… Chúa sẽ ở cùng anh và chu cấp mọi nhu cầu của anh”. (Hudson Taylor và Maria, trang 229)
“Không hề có áng mây nào”. Ngay cả khi những bệnh viện ở Anh Quốc có thể giúp bà khỏe lại. Ngay cả sau khi bà vừa mới chôn Noel, đứa con trai mới sinh, cách đây ba ngày, một kỳ mang thai mệt mỏi dưới nhiệt độ nóng nực của mùa hè oi bức. Ngay cả sau khi bà vừa mới chôn Sammy, một bé trai chỉ mới 5 tuổi, trong cùng một năm đó. Gia đình nhà Taylors đã trải qua hết cơn bão nầy đến cơn bão khác vào năm 1870, còn nhiều điều khốn khó trước đó nữa, nhưng Maria có thể nói bằng hơi thở cuối cùng của mình rằng: “Không hề có áng mây nào”.
Khi sự chết chồng chất suốt cuộc sống hôn nhân của Hudson và Maria, ấy không phải là sự thù địch duy nhất mà họ đã đối diện và cùng nhau vượt qua đâu. Kể từ ngày gặp nhau, họ đã chịu khổ (và đón nhận) rất nhiều nghịch cảnh và sự cự tuyệt mà các cặp vợ chồng nào cũng có thể hình dung được. Rất nhiều người trong chúng ta sẽ nản chí trước những áp lực cỏn con và sụp đổ trước những gánh nặng nhỏ nhặt nào đó, nhưng Đức Chúa Trời đã bồng ẵm Hudson và Maria Taylor khi họ đi cùng nhau, tay trong tay, qua nhiều trũng bóng chết. Tình yêu của họ trở thành một câu chuyện lắm chuyện vui buồn trong sự mầu nhiệm của hôn nhân, mà đó là tình yêu giữa Đấng Christ và Hội thánh của Ngài (Ê-phê-sô 5:31-32).
Tình yêu bắt đầu
Hudson gặp Maria lần đầu tiên khoảng mười bốn năm về trước trong một cộng đồng giáo sĩ tại Ningpo ở Trung Hoa. Ông đã tiên phong chia sẻ Phúc âm cho một cộng đồng ở Swatow cùng với bạn thân của mình là William Burns. Cả hai rất vui trước sự tiếp đón đầy bất ngờ từ cánh đồng truyền giáo ấy cho đến khi Burns bị bắt, còn Taylor thì quay trở về Shanhai để được tiếp tế. Cả hai bị cấm không được đặt chân đến Swatow. Sự tiếp trợ đầy chua xót nầy đã khiến Taylor đi đến Ningpo vào tháng 10 năm 1856.
Maria Dyer là người đã vốn quen thuộc với những chuyện đau buồn từ trước khi gặp Hudson. Bà sinh ra ở Trung Hoa, là con gái của Samuel và Maria, họ là hai người giáo sĩ cho Trung Hoa. Tuy nhiên, cha của bà đã qua đời khi bà chỉ mới 6 tuổi. Còn mẹ của bà cũng qua đời khoảng bốn năm sau đó. Bây giờ, bà và em gái là Ellie là những đứa trẻ mồ côi phải sống dưới sự bảo hộ của bà Mary Ann Aldersley, là người đang có một trường học tại Ningpo dành cho các bé gái.
Nhiều năm sau đó, trong khi bà đang dạy các bé gái và truyền giáo cho người Hoa ở trong vùng, “anh ấy đã xuất hiện — chàng giáo sĩ đã gây ấn tượng trong mắt của bà cũng là người có cùng khao khát về sự thánh khiết, muốn sống một cuộc đời ý nghĩa và ở trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Ông khác xa những người khác… Ông dường như đang sống trong một thế giới thật và có một Đức Chúa Trời vĩ đại thực sự” (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, trang 62). Còn bà, không còn nghi ngờ gì nữa, đã bị cuốn hút bởi người đàn ông nầy vì chính bà, dù đã trải qua rất nhiều mất mát và đau khổ, vẫn đang sống trong một thế giới thật với một Đức Chúa Trời vĩ đại thực sự.
Tình yêu bị cấm cản
Đáng tiếc thay, cho dù Hudson có là người đàn ông ở trong mắt của Maria nhiều thế nào chăng nữa, thì những người khác ở trong khu giáo sĩ, đặc biệt là bà Aldersley, đều không thích chuyện tình cảm của họ. Một vài giáo sĩ bị Hudson làm cho mất mặt vì Hudson đã làm cho diện mạo của mình giống như người Hoa, một hành động lìa bỏ lối sống của giáo sĩ (dù đã có hiệu quả) rất quyết liệt vào thời bấy giờ. Trong mắt họ, sống “khác biệt” như vậy thật buồn cười, thật xấu hổ mới đúng.
Vì vậy, khi Maria xin phép được gặp Hudson, bà Aldersley đã nhất quyết từ chối nhiều tháng trời. Còn sự chờ đợi của Maria lại cho thấy chính ân điển lạ lùng sau nầy đã gìn giữ họ suốt những ngày tháng đau khổ hơn thế nữa:
Mặc dù tôi cảm thấy niềm vui lớn nhất trong đời nầy đó là được phép yêu người mà tôi đã đề cập rất rõ ràng ở trong thư, được sống gần gũi và chia sẻ đời sống thuộc linh cùng anh ấy cũng như được sang sẻ những điều mà hai người bình thường có thể làm, tôi muốn anh ấy không đặt tôi ở vị trí ưu tiên ở trong lòng mình. Tôi muốn anh ấy là người kính mến Chúa nhất cũng như tôi yêu mến Ngài hơn hàng vạn điều quý giá ở trong đời nầy. (Hudson và Maria, trang 96)
Cậu mợ của Maria đang sống ở Anh Quốc, họ là những người bảo hộ chính thức của bà, cuối cùng đã viết thư cho phép bà có được sự kết hiệp nầy. Trong khi vẫn còn vài người có thái độ cấm cản, Hudson và Maria đã kết hôn vào ngày 20 tháng 11 năm 1858.
Công việc bị cấm cản
Tuy nhiên, sự thù địch rất dữ tợn mà họ đã trải qua trong thời gian tìm hiểu nhau đã cho thấy họ sẽ phải chịu khổ nhiều khi sống với những người chưa hề biết Chúa Jêsus.
Trong lúc chuẩn bị kết hôn, Hudson đã cho Maria một cơ hội để rút lui khỏi những nguy hiểm mà họ chắc chắn sẽ đối diện:
“Anh không thể buộc chặt lời hứa của chúng mình nếu em không muốn chia sẻ cuộc đời nầy với anh. Em đã thấy cuộc sống của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn sau nầy rồi đấy”. “Anh quên rồi sao?” bà đáp lại, “Em là đứa trẻ mồ côi ở một nơi rất xa. Đức Chúa Trời là Cha của em trong suốt những ngày tháng ấy. Anh có nghĩ em sợ tin cậy Ngài trong ngày hôm nay sao?” (Hudson và Maria, trang 110)
Cuộc đời họ thực sự có những lúc khó khăn, vô cùng khốn khó, dù là sự hoài nghi rất quyết liệt và sự bắt bớ đến từ người Hoa, hoặc là những lời chỉ trích và chống đối từ quê nhà ở nước Anh, hoặc là sự chia rẻ và nỗi dậy ở trong tổ chức của họ, hoặc là bệnh tật không thể tránh khỏi đã lây nhiễm gia đình và những người họ yêu thương, hoặc là sự thiếu thốn về tài chính mà họ hy vọng sẽ được tiếp trợ. Sự chịu khổ là mối đe dọa đầy tối tăm và cận kề thường vây quanh sợi dây bện ba của tình yêu thương mà họ dành cho nhau. Tuy nhiên, Hudson đã có lần viết rằng: “Những khó khăn là cơ hội để Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài. Không có khó khăn thì chúng ta không bao giờ biết được Đức Chúa Trời là Đấng thấu hiểu, thành tín và toàn năng” (Bí quyết thuộc linh, trang 140).
Sự thù địch ở trong xã hội mà họ đã trải qua khi đi từ làng nầy sang làng khác cũng leo đến đỉnh điểm ở trong một hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm vào ngày 22 tháng 8 năm 1868, trong cuộc bạo loạn ở Yangchow.
Cuộc bạo loạn bùng nổ
Những gì xảy ra ở Yangchow có thể đã xảy ra ở bất kỳ nơi nào của đất nước Trung Hoa. Gia đình nhà Taylor vốn biết rằng cuộc bạo loạn nầy sẽ đe dọa công tác truyền giáo của họ. Ngay cả nếu người Hoa không thấy phản cảm trước sứ điệp của họ, thì họ cũng biết rằng Sa-tan chắc chắn không thích điều đó, cho nên nó sẽ làm mọi cách để hủy phá công việc của họ.
Những tin đồn thất thiệt bắt đầu lan ra khắp Yangchow vào tháng 8 năm 1868, hai năm sau khi gia đình Taylor ổn định chỗ ở cùng với đội ngũ của mình. Những lời dối trá buộc tội “người nước ngoài” bắt cóc trẻ em, có những hành động tàn nhẫn và những cách chữa trị bệnh bất lương. (Hudson và Maria, trang 197). Những kẻ bạo loạn đầu tiên tập trung lại vào một ngày Chúa Nhật nọ, trong đó có hàng trăm người rất hung dữ và điên loạn. Các giáo sĩ đã cầm chân của họ lại để chờ chính quyền địa phương đến can thiệp, cuối cùng họ cũng đến. Nhưng ba ngày sau, đám đông đã gia tăng thêm số lượng và lòng căm phẫn.
Hàng ngàn người đã đánh sập cánh cổng của khu giáo sĩ. Hudson và một người đàn ông khác đã xông ra khỏi đám đông để xin chính quyền địa phương đến giúp đỡ. Maria (đang mang thai đứa con thứ sáu lúc bấy giờ) và những người khác đã làm hết sức mình để sống sót trong lúc chờ đợi. Đám đông đá tiến vào trong nhà, cướp phá mọi thứ và đốt trụi những gì còn lại. Khi ngọn lửa bốc lên và gạch đá bay tứ tung, Maria buộc phải nhảy từ lầu hai xuống đất (cách mặt đất từ 3 đến 5 mét), trong khi các giáo sĩ khác tự thoát thân trở về nhà của họ.
Cuối cùng, sau nhiều lần phải sống trong cảnh kinh hoàng như thế, Hudson đã thuyết phục được viên chức tư pháp ở địa phương và cuộc bạo loạn đã được giải tán. Khi các viên chức hỏi Maria muốn họ phải bị trừng phạt như thế nào, thì bà đáp rằng:
Trừng phạt? Tôi còn không dám nghĩ tới câu hỏi đó nữa bởi vì những gì xảy ra chẳng là gì cả đối với tôi. Sự đền bù mà tôi muốn kiến nghị đó là đất nước có thể mở rộng cửa đón nhận công việc của chúng tôi… Tôi sẽ bỏ qua những tổn thất về mặt thể xác và những lo lắng về mặt tinh thần, dù chúng tôi phải chịu đựng rất nhiều, nếu nhà nước có thể tiến hành cho phép chúng tôi lan truyền nước Chúa. (Hudson và Maria, trang 207, 209)
Vào ngày 18 tháng 11, chỉ ba tháng sau đó, Hudson và Maria đã quay lại Yangchow cùng với đội ngũ của mình, họ quyết tâm rao truyền Đấng Christ ở nơi nào chưa biết đến danh của Ngài, cho dù Yangchow đã đáp trả lòng thương xót và sự hy sinh của họ bằng những điều ác đi nữa. “vì một cánh cửa rộng lớn và hứa hẹn đã mở ra cho tôi”, gia đình nhà Taylor nói rất hay, “dù ở đó vẫn còn nhiều sự chống đối”. (1 Cô-rinh-tô 16:9)
Gia đình có tang quyến
Vào giữa lúc họ đã bắt đầu cuộc sống ở Yangchow và cuộc bạo loạn xảy ra vào năm 1868, Hudson và Maria đã mất đứa con đầu lòng rất yêu dấu của họ là Gracie vì bệnh nặng. Bệnh tật đã trở thành mối đe dọa dai dẳng, nhưng đó mới chỉ là cái chết đầu tiên mà họ phải chịu đựng cùng với nhau. Trong một lá thư gửi cho mẹ của ông, Hudson đã viết rằng:
Đứa con gái yêu dấu của chúng con là Gracie! Chúng con nhớ giọng nói dễ thương của nó vào buổi sáng, một trong những âm thanh mà chúng con thường nghe thấy lúc thức dậy, suốt cả ngày cho đến xế chiều! Khi con đi qua những nơi thường dắt nó theo bên cạnh, những kỷ niệm ùa về đau đớn vô cùng, “Con không còn cơ hội để nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nó nữa sao…không còn cơ hội để nhìn thấy ánh mắt long lanh sáng ngời của nó nữa sao?” Nhưng nó không bị hư mất. Con sẽ không còn được gặp lại nó nữa. Con rất biết ơn vì nó đã được cất khỏi cuộc đời nầy, còn hơn là những đứa khác, mặc dù nó là tia nắng ban mai trong cuộc đời của chúng con. (Bí quyết thuộc linh, trang 101)
Hai năm sau đó, điều kiện sống khắc nghiệt đến mức gia đình Taylor đã quyết định gửi bốn đứa con lớn của mình trở về nước Anh. Sammy được 5 tuổi, rất yếu ớt, đã qua đời trước khi trở về nước Anh. Đến bây giờ, họ đã mất ba đứa con, bao gồm một đứa nữa lúc ra đời vào năm 1865.
Ngoài ra, còn một đứa nữa là Noel và sau đó là Maria cũng qua đời vào năm 1870. Hudson viết rằng: “Chính Ngài và chỉ có Ngài mới biết nàng có ý nghĩa thế nào đối với tôi”. “Chúa biết đôi mắt tôi bừng sáng lên và tấm lòng tôi vui mừng khi thấy nàng… Nhưng Ngài biết cất nàng đi là điều tốt lành — cũng là điều tốt đẹp dành cho nàng, vì yêu mà Ngài đã cất đi sự đau đớn ở trong nàng — ấy cũng là việc tốt lành đối với tôi là người bây giờ phải chịu vất vả và khó nhọc một mình, nhưng không ở một mình, vì Đức Chúa Trời ở gần tôi hơn bao giờ hết” (Bí quyết thuộc linh, trang 133). Mất đi tia sáng ở trong mắt và niềm vui ở trong lòng đã giúp ông nhìn thấy và cảm biết được sự gần gũi của Đức Chúa Trời.
Sau khi mất đi con gái, con trai, đứa con mới sinh, rồi đến người vợ Maria trong khi mang vác trọng trách chia sẻ Phúc âm, Hudson đã viết cho người cộng sự của mình rằng: “Vậy thì sao, Chúa Jêsus có thể đáp ứng mọi nhu cầu của tôi chăng? Có, Ngài không chỉ đáp ứng nhu cầu thôi đâu! Dẫu cho con đường của tôi có rối ren thế nào, chức vụ có khó khăn ra sao; dẫu cho nỗi buồn khi mất đi những người thân yêu to tát thế nào, họ đang ở xa tôi bao nhiêu; dẫu cho tôi yếu đuối thế nào, linh hồn tôi mong mỏi điều gì nhất — thì Chúa Jêsus có thể đáp ứng hết mọi điều đó, tất cả, và còn hơn thế nữa” (Bí quyết thuộc linh, trang 130).
Những bí quyết thuộc linh cho hôn nhân
Chúng ta học được gì từ câu chuyện tình yêu thật can đảm của Hudson và Maria Taylor cho hôn nhân và chức vụ trong ngày hôm nay? Chúng ta có thể rút ra được ít nhất là ba bài học về sự bền đỗ.
Đầu tiên, một hôn nhân Cơ Đốc thật sẽ đem đến sự sáng và sự tươi tỉnh ở mọi nơi. John Pollock đã viết rằng: “Chính tấm lòng nhiệt thành của bà đã hòa quyện vào tấm lòng ấm áp của ông để yêu và được yêu”. “Bà đã cho ông có được sự hài hòa trọn vẹn, một thứ tình cảm có thể nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhau đến nỗi hai người đã có một tình yêu dư dật để làm tươi tỉnh mọi người, người Hoa hay người Âu, khi họ tới gần” (Hudson và Maria, trang 114). Khi hôn nhân đã thấm sâu ở trong Phúc âm thì chẳng thể làm gì khác hơn là chia sẻ Phúc âm ấy. Không những thế thôi đâu, họ còn sang sẻ ân điển ấy nữa. Người nào đến gần không thể nào tránh khỏi sự hiện diện của Đấng Christ tràn ngập ở trong họ. Vậy thì tình yêu hôn nhân của chúng ta có đang tuôn tràn và làm tươi tỉnh con cái, Hội thánh, hàng xóm của chúng ta chăng? Tình yêu ấy có lan đến người nào chưa biết Chúa Jêsus chăng?
Thứ hai, họ có được sinh lực, sự hy sinh, và sự bền đỗ là vì họ đã được thỏa mãn ở trong Chúa Jêsus hơn mọi điều khác. Vào những mùa hè cơ cực ấy, chính mùa hè mà Maria phải sanh nở, em bé qua đời, rồi bà cũng qua đời, Hudson đã viết về bà rằng: “Tôi chẳng thể làm gì khác hơn ngoài việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ và lấy làm lạ về ân điển đã nâng đỡ và yên ủi những người làm mẹ có đầy tình yêu thương như thế. Bí quyết nằm ở chỗ Chúa Jêsus phải là Đấng làm thỏa mãn mọi khao khát ở trong lòng và linh hồn của họ” (Bí quyết thuộc linh, trang 127). Bởi vì Maria đã sống nhờ vào nguồn nước hằng sống, bà vẫn còn đầy tình yêu thương để ban cho dù mọi thứ ở xung quanh mình, ngay cả chính thân thể của bà, không cho phép điều đó.
Hudson cũng tìm thấy chính nguồn nước hằng sống ấy vào năm trước khi bà qua đời, sau khi nhận ra tình trạng thuộc linh và lòng nhiệt thành bị trồi sục của mình qua nhiều năm. Sau một thời gian trao đổi thư từ đã làm thay đổi đời sống mình cùng với một người bạn và cũng là cộng sự trong công tác làm giáo sĩ, Taylor đã viết rằng:
Dường như tôi chỉ mới chạm đến bờ mép, mà cảm thấy như một đại dương bao la; chỉ mới uống được một ngụm, mà đã thỏa mãn lắm rồi. Giờ đây, Đấng Christ quả thật là tất cả đối với tôi, chính Ngài là quyền phép duy nhất ở trong chức vụ, là cơ sở duy nhất để có được niềm vui bền vững… Cây nho không đơn thuần chỉ có gốc nho, mà là tất cả — gốc rễ, thân cây, nhánh cây, cành cây, lá cây, nụ hoa, trái cây. Chúa Jêsus không chỉ có thế — Ngài còn là mặt đất và ánh nắng mặt trời, là không khí và cơn mưa, Ngài là Đấng còn hơn cả những gì chúng ta cần, tưởng đến, hoặc mơ ước gấp vạn lần. Thật là vui khi nhìn thấy được chân lý nầy! (Bí quyết thuộc linh, trang 118, 122)
Hudson đã đối diện với rất nhiều sự thay đổi vào năm ấy, nhiều cơn bão kéo đến vào những năm tiếp theo, người ta nói rằng: “Niềm vui mới của Hudson Taylor và kinh nghiệm thuộc linh của ông dường như đã trở nên sâu sắc hơn những áp lực đang cản trở ông vào thời ấy” (Bí quyết thuộc linh, trang 129). Sự thỏa mãn mà ông đã kinh nghiệm được không chỉ giúp ông vượt qua những khổ sở, mà còn khiến sự chịu khổ thêm cho ông niềm vui tột cùng ở trong Chúa Jêsus. Vậy thì chúng ta có đang uống nước hằng sống đó chăng? Chúng ta có dành thời gian để cùng uống nước hằng sống ấy với người phối ngẫu của mình chưa?
Thứ ba, họ sống qua ngày bằng sự cầu nguyện và sự kiên nhẫn. Taylor đã nói một câu rất nổi tiếng rằng: “Chúng ta phải đặt Chúa ở trước mặt mình; tức là chúng ta phải sống trong đường lối của Ngài và tìm các làm vui lòng cũng như tôn vinh hiển Ngài trên hết mọi sự, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Hãy ghi nhớ điều nầy: công tác của Đức Chúa Trời, phải được hoàn thành bởi đường lối của Đức Chúa Trời, sẽ không bao giờ thiếu sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời” (Bí quyết thuộc linh, trang 90–91). Điều nầy đã xảy ra như thế nào trong hôn nhân của chúng ta? Người nào đã biết và dõi theo cuộc đời của họ cũng làm chứng rằng: “Đối với Hudson và Maria, dù đi cùng nhau hay đi một mình, lúc nói hay im lặng, khi vội vã hay chậm rãi, sự cầu nguyện là phản ứng tự nhiên của con cái đối với Cha trên trời”. (Hudson và Maria, trang 124).
Đời sống cầu nguyện rất gần gũi và liên tục của họ trở nên ngọt ngào và được thực hiện cùng với sự nhẫn nại. Taylor nhớ lại rằng: “Theo thói thường thì sự cầu nguyện được đáp lời và tài chính được tiếp trợ, nhưng nếu chúng ta tiếp tục chờ đợi thì chúng ta sẽ nhận được phước hạnh thuộc linh là điều còn quý hơn cả việc thoát khỏi những thử thách” (Hudson và Maria, trang 125). Ông tin rằng phước hạnh của sự cầu nguyện không được đáp lời (ngay cả lời cầu xin để có tiền mua đồ ăn!) còn quý hơn phước hạnh của những lời cầu nguyện được đáp lời, hoặc là được đáp lời quá nhanh. Ông tin chắc rằng điều nầy xảy ra vì Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta phước hạnh lớn hơn thế nữa. Vậy thì chúng ta có đang cầu nguyện nhờ cậy Chúa tiếp trợ mọi nhu cầu chăng? Chúng ta có thực sự tin rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng nhu cầu nào đó vì chúng ta đã cầu nguyện chăng? Chúng ta có đón nhận những lời cầu nguyện không được đáp lời bằng hy vọng, lòng biết ơn và thậm chí là sự vui mừng giống như Hudson và Maria chăng?
Một lần nọ, khi Hudson đang tiên phong mở đường cho Phúc âm, ông cảm thấy khó thở và thân thể yếu dần. Ông đã viết cho Maria về cái chết đang đến gần rằng: “Em yêu dấu ơi, anh đang tưởng đến việc sẽ được ôm em trong vòng tay của mình. Có lẽ Chúa yêu dấu sẽ thấy rằng chúng ta có những hy sinh rất nhỏ vì danh của Ngài và công tác mà Chúa đã giao phó” (Hudson và Maria, trang 189). Đúng vậy, chỉ là những hy sinh rất nhỏ. Ông đã sống sót trong ngày hôm đó, nhưng phải chôn người vợ yêu dấu của mình vào đúng ba năm sau đó. Nhưng Hudson và Maria đã rất vui khi họ sống liều lĩnh và chịu mất mát hết mọi thứ, ngay cả mất nhau trong đời nầy, vì cớ danh Ngài.
(Nguồn: https://tienphong.org/mot-hon-nhan-lam-chuyen-buon-vui/)
Desiring God bắt đầu từ năm 1994 khi John Piper giao lại mục vụ ghi âm cho trợ lý của ông là Jon Bloom. Từ những băng đĩa và một vài quyển sách của John Piper, mà Desiring God đã trở thành một mục vụ quốc tế ở trên mạng điện tử với hơn 12,000 tài liệu miễn phí và có khoảng 3,5 triệu người truy cập mỗi tháng. Hôm nay, John Piper vẫn là giáo sư lãnh đạo mục vụ nầy.