Bạn có tin được không? Trong lúc đĩa cứng của computer mà chúng ta thường dùng không có sức chứa hơn 4 gigabytes thì nghiên cứu của Paul Reber, Giáo sư Tâm Lý của Northwestern University, cho thấy là não của con người có sức chứa 2.5 triệu gigabytes. Bộ não của chúng ta có sức chứa vô hạn cho những gì chúng ta có thể nhớ được.
Có nghĩa là về lý thuyết, con người có thể ghi nhớ những phần rất lớn của Kinh Thánh, nếu không nói là có thể ghi nhớ toàn bộ Kinh Thánh. Một người viết thánh ca nổi danh là Fanny Crosby có thể đọc lại dễ dàng Ngũ Kinh, hầu hết các bài Thi thiên và Nhã Ca. Và thực sự là bà có thể học thuộc 5 chương trong một tuần!
Để cho Thánh Linh có thể dùng Kinh Thánh để biến đổi chúng ta, chúng ta cần biết Kinh Thánh nói gì. Vì vậy học thuộc là một cách tuyệt vời làm cho chúng ta gần gũi với Kinh Thánh. Học thuộc lòng là một trong những cách có thể tạo ra một tác động biến đổi sự trưởng thành của đời sống thuộc linh của chúng ta.
Sau đây là 10 gợi ý giúp chúng ta ghi nhớ được Kinh Thánh:
1. Bắt đầu học thuộc những đoạn nhỏ và tăng lên dần dần
Như tục ngữ xưa (tiếng Anh) có nói, “Làm sao ăn cả con voi? Mỗi lần một miếng, dĩ nhiên.” Đó cũng là cách ghi nhớ những đoạn Kinh Thánh. Nếu bạn muốn học thuộc một đoạn của thư Ê-phê-sô, hãy bắt đầu với hai câu. Khi đã thuộc lòng, học thuộc tiếp hai câu nữa. Bạn sẽ được cả một đoạn trong một thời gian ngắn!
2. Đọc lớn lên
Không điều gì giúp bạn học thuộc bằng cách đọc đi đọc lại. Suốt ngày hãy đọc đi đọc lại những câu bạn muốn ghi nhớ. Đôi khi trong tuần lễ, hãy đi bộ và đọc đi đọc lại những phần dài hơn mà bạn mới học thuộc – để làm chúng luôn tươi mới trong tâm trí bạn.
3. Viết xuống
Hãy giữ một cuốn sổ ghi chú và viết nhiều lần các câu Kinh Thánh. Viết tay giúp ghi khắc vào tâm trí của bạn. Hoặc là mở ra một trang Word hay Google và đánh máy chúng.
4. Vẽ hình
Nếu bạn là một người thích viết nhật ký Kinh Thánh và bạn đã sẵn biết tạo hình và vẽ nghệ thuật, bạn có thể vẽ hình để giúp bạn hiểu và cô đọng phần Kinh Thánh mà bạn ghi nhớ. Thời giờ bạn đầu tư vào việc vẽ hình, vẽ nền và tô màu cũng chính là thời giờ suy gẫm câu hay đoạn Kinh Thánh đó.
5. Lắng nghe
Nghe đi nghe lại giúp học thuộc lòng. Hãy lắng nghe các thu âm Kinh Thánh hay tạo ra một cái cho chính bạn và thường xuyên lắng nghe.
6. Đem theo bên mình câu hay đoạn Kinh Thánh được chép ra
Có một số người đặt những câu hay đoạn Kinh Thánh ở mọi nơi trong nhà hay chỗ mà họ hiện diện lâu. Họ đặt chúng trên tủ lạnh hay bàn giấy, trong xe hay phòng tắm, hoặc tạo chương trình gửi chúng hiện lên màn hình computer hay điện thoại di động vv…
7. Làm phiếu ghi nhớ
Đã từ lâu, giới học sinh thường dùng thẻ hay phiếu ghi nhớ – vì rất hiệu quả. Sáng tạo cho bạn với địa chỉ câu hay đoạn ở mặt bên này và lời của chúng ở mặt bên kia. Bạn có thể dùng để tự đố chính mình, hay nhờ người khác khảo bài mình.
8. Có một người bạn cùng học thuộc lòng
Học thuộc lòng đòi hỏi nhiều việc phải làm khiến cho nó có thể khó cho bạn tự kỷ luật mình. Có một ai đó cùng học với bạn sẽ tạo ra động lực bạn cần có. Thật ích lợi khi có người cùng học chung bên mình.
9. Dùng những ứng dụng app Kinh Thánh
Có nhiều ứng dụng ghi nhớ lưu động có thể giúp bạn cài đặt những mục tiêu ghi nhớ.
Hãy kiểm tra những nơi như:
● Bible Memory: Scripture Typer với chương trình giúp bạn ghi nhớ các câu Kinh Thánh bằng cách tập chú vào 3 lãnh vực: nghe, thấy và (đánh vào) bộ nhớ.
● Bible Memory: BibleMe có bộ nhớ Kinh Thánh dùng phương pháp học và “thi”. Chắc là bạn luôn có điện thoại di động nên hãy dùng ứng dụng này để đem Kinh Thánh vào lòng của bạn.
10. Dịch ra một ngôn ngữ khác
Nếu bạn biết hai ngôn ngữ, dịch câu hay đoạn Kinh Thánh mà bạn muốn ghi nhớ ra ngôn ngữ khác để quen thuộc với chúng. Càng quen thuộc thì càng dễ nhớ.
Cần nhớ nhé: Khi bạn học thuộc Kinh Thánh, bạn sẽ bị cám dỗ dùng nó để gây ấn tượng cho những người khác. Hãy chống lại cám dỗ đó. Bạn không học thuộc Kinh Thánh vì mục đích như vậy, bạn làm điều này để Kinh Thánh biến đổi bạn từ bên trong.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: thenivbile.com)