10 Lý Do Bạn Phải Sẻ Chia Tài Chánh Với Người Phối Ngẫu

Share

Tiền bạc không phải là chủ đề hấp dẫn của hôn nhân, nhưng thử xem bao nhiêu cuộc hôn nhân bị phá vỡ vì những rắc rối tiền bạc? Quan trọng lắm đấy bạn!

Vợ chồng có cần phải sẻ chia tài chánh chung với nhau? 

Vừa rồi tôi hỏi trên facebook là có nên có chung tài khoản ngân hàng không thì nhận được trả lời của một số người là họ giữ tài khoản riêng.

Hoặc là mỗi người đóng góp cho một nữa tổng số chi phí, hoặc là chia ra mỗi người chi cho một số khoản chi nào đó. Có thể là họ có chung một tài khoản chuyên về một việc nào đó, nhưng họ giữ lại phần lớn tiền riêng của họ.

Tôi nghĩ là những cách kể trên càng ngày càng phổ thông, đặc biệt khi cả hai vợ chồng cùng đi làm. 

Thật là nguy hiểm khi có một trong hai người không biết và không có quyền rút tiền từ tài khoản của gia đình. Nhiều bạn đồng ý rằng đó là một nguy hiểm trong trường hợp có một người đi làm. Người đi làm dễ nghĩ rằng đây là tiền của mình làm ra và mình có toàn quyền trên số tiền này. Nhưng cả hai đi làm thì cả hai giữ riêng tiền mình đi làm có được và chỉ cần đóng góp chung vào những chi tiêu gia đình.

Đây là điều hết sức sai lầm.

Tôi không có ý nói rằng các bạn không được phép có tài khoản ngân hàng riêng để dùng cho những mục đích nào đó. Nhưng các bạn phải có một kế hoạch tài chánh CHUNG. Mỗi người trong đôi bạn phải thấy rằng tất cả tiền làm ra là tiền cho gia đình.

Cho nên tôi sẽ trình bày 10 lý do tại sao thật là quan trọng các cặp vợ chồng cần phải biết rằng tiền họ làm ra là CHUNG, không phải của anh ấy hay của cô ấy cho dù mỗi người có nhiều tài khoản ngân hàng riêng để dùng cho những mục đích riêng.

1. Đôi bạn trở nên một khi kết hôn – thế nên tiền của đôi bạn cũng trở nên một nửa!

Mục đích của hôn nhân là kể từ giờ phút đó vợ chồng trở nên một… Thống kê cho thấy những cặp vợ chồng không có kế hoạch tài chánh chung bị thất vọng nhiều hơn những cặp làm điều này. 

Những cặp vợ chồng đặt 80% tiền làm riêng của mình vào quỹ CHUNG gia đình hạnh phúc hơn những cặp chỉ đặt vào 70%. Đây là điều đáng được kể là “vấn đề” nhé.

2. Sẻ chia tài chánh có nghĩa là hai bạn cùng dốc đổ “tất cả” vào đời sống hôn nhân.

Khi người ta giữa lại tiền của họ, có nghĩa là họ giữ lại một phần của chính họ. Giống như là chúng ta đang nói, “Tôi cần số tiền này phòng khi hôn nhân của chúng tôi không được,” hay “Tôi giữ lại vì tôi vẫn phải có sự độc lập cho mình.”

Nếu bạn lo ngại rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ không được, hay vẫn cần độc lập, lẽ ra bạn không nên kết hôn.

Các nghiên cứu luôn lập đi lập lại những chỉ số cho thấy các cặp vợ chồng hoàn toàn dốc đổ cam kết sáng tạo ra tình yêu. Hành động đơn sơ của sự cam kết thường làm người ta trở nên yêu thương hơn bởi vì họ biết họ đang ở trong sự cam kết cho cuộc đời của họ. Vậy nên đừng cầm giữ lại!

3. Sự trong sáng hoàn toàn đến từ việc sẻ chia tài chánh chung, không phải từ việc chia tài chánh ra làm 2 phần.

Hôn nhân có nghĩa là trong sáng hoàn toàn. Bạn không thể giữ tiền bạc kín dấu khỏi người phối ngẫu, bởi vì nó sẽ làm nên một khoảng cách giữa hai người. Nếu bạn không biết tình trạng tiền bạc của người kia, thì đó thật không tốt cho hôn nhân của bạn. Bên cạnh sự nguy hiểm này, còn có tình huống nếu một trong hai người bị thương tích hay có nhu cầu đặc biệt mà người kia cần phải mau chóng có thể rút tiền cho chi phí chăm sóc.

4. Nếu các bạn sẻ chia tài chánh, các bạn không phải giữ “hồ sơ” chi tiêu của “chàng” hay của “nàng.” 

Tôi biết một cặp kia theo cách mỗi người giữ riêng tất cả tài chánh của mình. Họ chia ra “xe của anh” và “xe của em.” Nhưng lối sống này dẫn đến những căng thẳng không cần thiết trên những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Thí dụ, họ tranh chấp khi xe của “anh” đậu ở nhà và họ cần lái xe đi 4 tiếng đồng hồ để thăm gia đình. Họ lấy xe của “em” để đi rồi họ bắt đầu cãi nhau. Anh nói rằng em trả tiền xăng vì đây là xe của em. “Em” nói rằng đi thăm “gia đình của anh” thì phải chia đôi tiền xăng. 

Nghe xong, tôi lặng người đi, bởi vì tôi không thể nào tưởng tượng được vợ chồng tôi có thể “thảo luận” kiểu này vì tất cả mọi chuyện mà chúng tôi có là “của chúng tôi.” Như vậy chúng tôi đã tránh được mọi kiểu tranh luận này.

5. Sẻ chia tài chánh cho phép các bạn làm ngân sách gia đình dễ dàng. 

Khi sẻ chia chung tài chánh, các bạn có cái gọi là “thu nhập gia đình.” Các bạn có thể nhìn vào số tiền và cùng quyết định sẽ chi tiêu những thứ gì. Nếu theo cách chia ra độc lập, mỗi người phải giữ tài chánh riêng và đóng góp vào một số tiền nhất định vào quỹ chung mỗi tháng, hay phải luôn phân chia phần trả vào chi phí chung, thì rất khó mà giữ đúng mức chi tiêu và khó tập trung vào những mục tiêu lâu dài của gia đình. 

Có một “thu nhập gia đình” không có nghĩa là các bạn không thể có phần tiền tiêu riêng cần thiết. Kể từ lúc kết hôn sống chung, chúng tôi luôn ngồi xuống mỗi tháng, nhìn vào tài chánh của chúng tôi, quyết định bao nhiêu tiền chúng tôi có thể chi. Chúng tôi định một số tiền riêng cho mỗi người để chi cho các buổi ăn ở ngoài (chỗ làm việc, có bạn vv…), quần áo và các thứ khác. Thế là chúng tôi cùng có một tài khoản chung vì nhiều lý do – nhưng lý do lớn nhất là nó giúp chúng tôi biết có trách nhiệm khi tiêu xài.

Có những tài khoản ngân hàng riêng sẽ khiến khó khăn nhiều hơn khi muốn biết hai người chúng tôi đã chi bao nhiêu và chúng tôi thực sự có bao nhiêu để chi. 

Khi đem tiền giữ chung như vậy, chúng tôi có thể định ra bao nhiêu là chi được và chúng tôi có thể tự do chi tiêu những gì cần thiết trong khoảng tiền đó. Cho nên tôi chẳng phải cảm thấy ái ngại khi có những buổi uống cà phê với bạn. Chồng tôi có thể tiết kiệm tất cả những phần tiêu riêng của anh nên sau mấy tháng như vậy anh có thể mua một cái computer thật vừa ý – là thứ mà chúng tôi không thể trích tiền ra từ “thu nhập gia đình” để mua ngay lập tức. 

“Thu nhập gia đình” giúp chúng tôi ý thức về những gì mà chúng tôi có thể mua sắm và biết được ảnh hưởng của sự mua sắm đó không chỉ là trên tiền “của tôi” hay của “anh” nhưng trên tài chánh của “chúng tôi.” Vì với chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi quan tâm. Tiền bạc chỉ là một phương tiện xây đắp tương lai chung của chúng tôi, vậy thì tại sao chúng tôi không sắp xếp quản lý chung ngay từ ngày đầu tiên?

6. Sẻ chia tài chánh cho phép các bạn lập những mục tiêu hưu trí. 

Một ngày kia, cả hai bạn sẽ không thể làm việc nữa. Và tiết kiệm hưu trí cần phải được cả hai hiệp đồng chung. Chúng ta cần có bao nhiêu cho cả hai hưu trí?

Nếu mỗi người đóng góp vào một quỹ hưu trí riêng thì sẽ khó mà kết hợp mục tiêu này. Người đóng tiết kiệm nhiều hơn có thể sẽ không thỏa lòng khi người kia đóng ích hơn mà lại tiêu xài nhiều hơn. Khi hai bạn có một “ngân sách gia đình”, điều này sẽ giúp cả hai sắp xếp những mục tiêu hưu trí. Đó cũng là lý do tại sao các cặp vợ chồng sẻ chia tài chánh chung tiết kiệm nhiều hơn các cặp không sẻ chia.

7. Sẻ chia tài chánh cho phép hai bạn tiết kiệm cho những mục tiêu ngắn hạn. 

Dù vậy, tạm không nhìn đến những mục tiêu lâu dài. Điều gì xảy ra nếu hai bạn quyết định sẽ đưa cả nhà đi nghĩ trên một chuyến tàu du hành cruise? Làm sao có tiền cho chuyện đó. Có phải là mỗi người phải đóng tiền vô như nhau? Đóng làm sao nếu chuyến đi nghĩ này quan trọng hơn với người này và kém quan trọng hơn với người kia? Một lần nữa, khi hai bạn sẻ chia tài chánh chung hai bạn có thể quyết định dễ dàng hơn.

8. Nếu hai bạn sẻ chia tài chánh, hai bạn có thể vượt qua tình trạng khi có một bạn gặp vấn đề. 

Chuyện gì xảy ra nếu một bạn có vấn đề cờ bạc hay vấn đề chi xài? Nếu một người làm điều họ không làm và sống hai mặt thì làm sao? Khó mà những chuyện này xảy ra nếu tài chánh được sẻ chia và công khai rõ ràng cho cả hai. Khi mà chuyện dấu giữ bí mật không thể dễ dàng, nó cũng thường giúp đầy lui những cám dỗ khiến một bạn rơi vào sự “nghiện” chi xài, hay chi xài cho những điều không tốt cho hôn nhân. Sẻ chia tài chánh là một cách để xây dựng trách nhiệm – và nó hoạt động kết quả!

9. Sẻ chia tài chánh có nghĩa là hai bạn tránh được một loại linh tự động “làm phần riêng của mình” 

Khi hai bạn xé chia tài chánh ra, có một suy nghĩ ngấm ngầm rằng mỗi người có một cổ phần riêng của mình. Nó dẫn đến một sức bùng nổ của điều gọi là “công bình”. Bất cứ khi nào mà trong cuộc hôn nhân hai bạn phải đo lường xem người kia có làm đủ cổ phần của người đó không, thì chuyện đó tạo ra một sự căng thẳng vì con người chúng ta có khuynh hướng so sánh đánh giá phần hùn của người khác. Nếu “nàng” làm ra tiền nhiều hơn, có phải là nàng chỉ phải đóng vào phần tiền của nàng bằng với phần chàng đóng vào và nàng giữ trọn phần tiền còn lại? Nếu chàng được tăng lương phần tăng lương đó có phải đóng góp vào không? Nếu chàng làm tăng ca, liệu nàng phải ráng có tăng ca không? Nếu trước đây nàng ở nhà nuôi con, bây giờ nàng trở lại đi làm, nàng phải đóng góp thêm bao nhiêu cho chi phí gửi con?

Nếu hai bạn cứ phải luôn luôn làm cho mọi thứ này được công bình, sự tập chú của hai bạn sẽ cứ là “quyền lợi của tôi ở đây là gì” hơn là quyền lợi của gia đình là gì. Thực tế, chuyện này rất quan trọng đến nỗi chúng ta đặt nó vào điểm thứ 10 cuối cùng.

10. Sẻ chia tài chánh trong hôn nhân dẫn đến sự tập chú vào gia đình thay vì tập chú vào cá nhân của mỗi người. 

Tôi biết một cặp vợ chồng, khi kết hôn, nghĩ rằng mỗi người phải đóng góp một khoản tiền cho chi tiêu của gia đình mỗi tháng.

Nhưng khi người vợ có thai thì người chồng vẫn không dứt bỏ được ý tưởng muốn cô tiếp tục đóng góp một phần tiền. Anh không có tinh thần đóng thay cho vợ phần góp chi của cô (thí dụ như phần đã chia ra cho cô đóng, tiền điện chẳng hạn) vì cô mới sinh con. Cho nên khi hài nhi còn bé, cô phải nhờ bà ngoại giữ con để cô mau mau đi làm trở lại. Trong lúc đó thì anh ta đã tiêu rất nhiều tiền cho những chuyến đi câu cá, bởi vì anh vẫn hoàn thành trách nhiệm đóng “phần chia” của anh.

Truyền Đạo 4.9-10 chép rằng:

9 Hai người hơn một, Vì họ sẽ được công giá tốt về công lao của mình. 10 Nếu người này ngã. Thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên. Nhưng thật khốn khổ cho người sống một mình mà bị ngã, Vì không có ai đỡ mình lên!

Một trong những ích lợi của hôn nhân là có một người chống đỡ cho mình! Nếu một người bị thất nghiệp trong một thời gian, người kia bước vào giúp đỡ. Nếu một người bị bệnh (hay mới sanh con!), người kia bao phủ. Đó là một trong những nguồn vui lớn nhất của hôn nhân và thỏa lòng cho các cặp vợ chồng khác với các loại tình bạn khác. Khi các bạn hoàn toàn cam kết “mọi điều là chung nhau” cho mối quan hệ, mỗi bạn có thể bắt đầu làm điều mình có thể làm tốt nhất, hơn là phải sống theo cách như là trước khi kết hôn. Vậy nếu một người làm ra tiền nhiều hơn, họ có thể làm việc nhiều hơn trong khi người kia ở nhà chăm sóc các con. Và như vậy sẽ tốt hơn nhiều cho mỗi bạn.

 

Ngọc Nga 

(Lược dịch theo: thrivingmarriages.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan