CHƯƠNG 3:
NHỮNG VÍ DỤ VỀ SỰ NỔI LOẠN TRONG CỰU ƯỚC (2)
Kinh Thánh: Sáng thế ký 9:20-27; Lê-vi Ký 10:1-2; Dân số Ký 12:1-15;16
SỰ NỔI LOẠN CỦA CHAM
Thất Bại Của Uy Quyền Đại Diện Là Một Thử Nghiệm Cho Những Người Thuận Phục Uy Quyền
Tại khu vườn thứ nhất, A-đam sa ngã. Tại khu vườn thứ hai, Nô-ê cũng sa ngã. Đức Chúa Trời cứu cả nhà Nô-ê vì sự công chính của ông. Trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, Nô-ê là đầu trong nhà mình. Đức Chúa Trời đặt gia đình của Nô-ê ở dưới uy quyền của ông. Vào thời ấy, Đức Chúa Trời cũng thiết lập Nô-ê làm đầu của trái đất.
Nhưng một ngày kia, Nô-ê uống rượu của vườn nho và bị say. Ông trần truồng ở trong căn lều. Khi Cham con ông thấy cha mình trần truồng, thì hắn ra ngoài nói với hai người anh của mình. Nói về mặt hành vi thì Nô-ê sai; lẽ ra ông không nên say rượu. Nhưng Cham đã không nhận thấy sự nghiêm trọng của uy quyền. Người cha là uy quyền Đức Chúa Trời thiết lập trong gia đình. Tuy nhiên, xác thịt thích trông thấy uy quyền bị bêu xấu để có thể được giải thoát khỏi sự gò bó. Khi Cham trông thấy tình trạng sai trái của cha mình, ông không cảm thấy xấu hổ hay buồn rầu gì cả. Ông cũng không nghĩ đến việc che đậy sự thể. Điều này chứng tỏ ông có tinh thần nổi loạn. Ông đi ra báo cho các anh biết và phơi bày sự xấu hổ của cha mình. Điều này chứng tỏ rằng ông cũng có hành động chỉ trích. Nhưng xin lưu ý cách Sem và Gia-phết đối phó với vấn đề ấy. Họ đi thụt lùi vào căn lều. Họ không xoay mặt lại nhìn sự xấu hổ của cha mình; thay vì vậy, họ che phủ cha mình bằng áo choàng vắt trên vai họ. Sự thất bại của Nô-ê thử nghiệm Sem, Cham, Gia-phết và Ca-na-an là con của Cham. Sự kiện này cho thấy người nào thuận phục và người nào nổi loạn. Thất bại của Nô-ê phơi bày tính nổi loạn của Cham.
Khi Nô-ê tỉnh rượu, ông nói tiên tri rằng dòng dõi của Cham sẽ bị rủa sả và Cham sẽ làm đầy tớ cho các đầy tớ của các anh mình. Người nô lệ đầu tiên trong Kinh Thánh là Cham. Nhóm chữ “Ca-na-an phải làm đầy tớ họ” được dùng hai lần. Điều này có nghĩa là những người không thuận phục uy quyền thì phải làm nô lệ, bị khuất phục dưới uy quyền. Sem thì được chúc phước. Chúa Jêsus được sinh ra từ dòng dõi của Sem. Dòng dõi thuộc Gia-phết là những người rao giảng Đấng Christ. Mọi quốc gia rao giảng Phúc Âm đều là dòng dõi của Gia-phết. Sau trận lụt, người đầu tiên bị rủa sả là Cham. Trải qua các thế hệ, dòng dõi của Cham làm nô lệ khuất phục dưới uy quyền của những người khác. Mọi người học tập hầu việc Chúa phải đối diện với uy quyền. Người ấy không thể hầu việc Đức Chúa Trời với một linh bất pháp.
NA-ĐÁP VÀ A-BI-HU DÂNG LỬA LẠ
Lý Do Bị Lửa Thiêu Hủy
Câu chuyện về Na-đáp và A-bi-hu nghiêm trọng biết bao! Họ trở thành các thầy tế lễ vì họ thuộc về dòng họ A-rôn. Đó là do tình trạng đúng đắn của gia tộc họ trước mặt Đức Chúa Trời, chứ không phải do tình trạng đúng đắn của các cá nhân trong dòng họ ấy. Đức Chúa Trời chỉ định A-rôn làm thầy tế lễ. Dầu xức được đổ trên đầu A-rôn (Lê-vi Ký 8:12). A-rôn là nhân vật chính yếu liên quan đến các của lễ và sự phục vụ. Các con trai của ông chỉ là những người giúp đỡ, nhận lệnh của ông để chăm lo đến những công việc bên bàn thờ. Đức Chúa Trời không có ý định để các con trai của A-rôn làm các thầy tế lễ cách độc lập. Ngài chỉ muốn họ ở dưới uy quyền của A-rôn, Lê-vi Ký chương 8 đề cập đến A-rôn và các con trai của ông mười hai lần. Sau đó, chương chín cho thấy A-rôn dâng sinh tế trong khi các con trai của ông ở bên cạnh giúp đỡ. Nếu A-rôn không chuyển động thì các con trai ông không nên chuyển động. Mọi sự cần phải ở dưới danh của A-rôn. Không điều gì được ở dưới danh của các con trai ông. Khi các con trai ông tự ý đảm nhiệm quyền làm đầu để dâng lên của tế lễ, thì điều đó trở thành lửa lạ. Nhưng các con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu lại tưởng rằng cũng có thể dâng lên của tế lễ. Nếu không có lệnh của A-rôn thì họ dâng lên lửa lạ. Ý nghĩa của lửa lạ là hầu việc Đức Chúa Trời trong khi không chịu tuân lệnh và xem thường uy quyền. Họ quan sát thấy việc cha mình dâng lên của tế lễ là một vấn đề đơn giản. Không có vẻ gì là phi thường cả; vì vậy, họ tưởng mình cũng có thể làm y như vậy. Thế nên, họ tự tiện ra tay đảm đương việc ấy. Điều duy nhất họ suy xét là liệu công việc có thể được hoàn thành hay không. Họ không xét đến vấn đề uy quyền.
Sự Phục Vụ Phát Xuất Từ Đức Chúa Trời
Ở đây, chúng ta thấy một vấn đề rất nghiêm trọng. Hầu việc Đức Chúa Trời và dâng lên lửa lạ là hai vấn đề tương tự, nhưng lại rất khác nhau. Sự phục vụ Đức Chúa Trời xuất phát từ Đức Chúa Trời. Đó là con người hầu việc Đức Chúa Trời nhờ thuận phục uy quyền của Ngài. Kết quả là được chấp nhận. Nhưng, lửa lạ xuất phát từ con người. Không cần vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời hay thuận phục uy quyền của Ngài. Điều duy nhất cần đến là lòng nhiệt thành của con người và kết quả là chết chóc. Chúng ta thường chịu thêm chết chóc khi chúng ta càng phục vụ và công tác. Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời soi sáng cho mình. Chúng ta đang ở dưới nguyên tắc phục vụ hay ở dưới nguyên tắc lửa lạ?
Công Việc Của Đức Chúa Trời Là Một Sự Phối Hợp Trong Uy Quyền
Khi Na-đáp và A-bi-hu thi hành công tác tách rời khỏi A-rôn, họ đang thi hành công tác tách rời khỏi Đức Chúa Trời, vì công việc của Đức Chúa Trời là một sự phối hợp trong uy quyền. Đức Chúa Trời chỉ định họ phục vụ dưới uy quyền của A-rôn. Trong Tân Ước có Ba-na-ba cùng Phao-lô, Phao-lô cùng Ti-mô-thê và Phi-e-rơ cùng Mác. Trong tất cả những cặp ấy, chúng ta nhận thấy một mặt người mang trách nhiệm thì hướng dẫn và mặt khác người giúp đỡ thì bước theo. Trong công việc của Đức Chúa Trời, một số người được thiết lập làm uy quyền trong khi những người khác được lập nên để thuận phục uy quyền. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta làm các thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc. Tương tự như vậy, chúng ta phải hầu việc Đức Chúa Trời theo sự phối hợp trong uy quyền.
Khi một người lẽ ra không được hướng dẫn mà lại bắt đầu hướng dẫn, thì có sự nổi loạn và chết chóc. Vì vậy, người nào hầu việc Đức Chúa Trời mà không chạm đến uy quyền là dâng lên lửa lạ. Nếu có người nói: “Vì anh kia có thể làm điều đó nên tôi cũng có thể làm như vậy”, thì đó là sự nổi loạn. Đức Chúa Trời không những lưu ý đến việc có lửa hay không, mà còn quan tâm đến bản chất của lửa. Tất cả những gì không được A-rôn chỉ dẫn tức không được Đức Chúa Trời chỉ dẫn, đều là lửa lạ. Đức Chúa Trời quan tâm đến việc duy trì uy quyền chứ không phải chỉ [duy trì] sinh tế. Do đó, con người cần phải làm một người bước theo. Người ấy cần phải luôn luôn làm người bổ sung. Một uy quyền đại diện bước theo Đức Chúa Trời. Những người thuận phục uy quyền đều bước theo uy quyền đại diện. Trong các vấn đề hay công tác thuộc linh không phải một cá nhân phục vụ, mà một Thân Thể tập thể phối hợp để phục vụ. Đơn vị của sự phục vụ là sự phối hợp chứ không phải là các cá nhân. Khi Na-đáp và A-bi-hu có nan đề với A-rôn, họ có nan đề với Đức Chúa Trời. Họ không thể công tác tách rời khỏi A-rôn. Người nào xâm phạm đến uy quyền sẽ bị lửa của Đức Chúa Trời thiêu nuốt. Thậm chí chính A-rôn cũng không biết vấn đề quá nghiêm trọng như vậy, nhưng Môi-se thì biết sự nghiêm trọng của việc nổi loạn chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời. Có nhiều người nghĩ rằng họ đang hầu việc Đức Chúa Trời. Nhưng họ công tác một cách độc lập mà không chịu ở dưới uy quyền nào cả. Nhiều người phạm tội mà không nhận thức được mình đang nổi loạn chống lại uy quyền của Đức Chúa Trời. Do đó, những nhà truyền giảng tự do thường thấy tại Trung Quốc trước kia là một sự mất mát lớn cho Hội Thánh.
A-RÔN VÀ MI-RI-AM CHỈ TRÍCH
Vì Chỉ Trích Uy Quyền Đại Diện Mà Phải Gánh Chịu Cơn Giận Của Đức Chúa Trời
A-rôn và Mi-ri-am là anh chị của Môi-se. Trong gia đình, Môi-se ở dưới quyền của A-rôn và Mi-ri-am. Nhưng trong sự kêu gọi và công việc của Đức Chúa Trời thì A-rôn và Mi-ri-am ở dưới quyền của Môi-se. Họ không vui về việc Môi-se thành hôn với người nữ Ê-thi-ô-bi, họ nói nghịch và chỉ trích Môi-se rằng: “Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” (Dân số Ký 12:2). Người Ê-thi-ô-bi là người Châu Phi. Họ là dòng dõi của Cham. Môi-se thành hôn với một người Ê-thi-ô-bi là điều không đúng. Mi-ri-am lớn tuổi hơn Môi-se. Căn cứ trên mối liên hệ gia đình, Mi-ri-am khiển trách em mình thì không sao. Nhưng khi mở miệng, bà lại đụng đến công việc của Đức Chúa Trời và xâm phạm địa vị của Môi-se. Trong công việc Ngài, Đức Chúa Trời đã đặt uy quyền đại diện của Ngài vào tay Môi-se. Việc A-rôn và Mi-ri-am chỉ trích Môi-se vì vấn đề gia đình là một lỗi lầm lớn.
Đức Chúa Trời chỉ định Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Nhưng Mi-ri-am lại khinh thường Môi-se. Do đó, Đức Chúa Trời không vui đối với bà. Chị xử lý em mình thì không sao. Nhưng chỉ trích uy quyền của Đức Chúa Trời thì không được. Cả A-rôn lẫn Mi-ri-am đều không biết uy quyền của Đức Chúa Trời. Vì đứng trên lập trường thiên nhiên mà họ nuôi dưỡng tấm lòng nổi loạn. Môi-se không đáp lại. Ông biết rằng nếu ông là uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định thì không cần ai bảo vệ ông cả. Bất cứ ai chỉ trích ông sẽ chạm đến sự chết. Ông không cần phải mở miệng mình ra. Hễ Đức Chúa Trời ban cho ông uy quyền thì ông không phải biện giải. Một con sư tử không cần được bảo vệ vì nó có uy quyền. Trước hết Môi-se thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Sau đó ông có thể đại diện Đức Chúa Trời để làm uy quyền. Ông rất nhu mì, nhu mì hơn mọi người trên mặt đất (c.3). Uy quyền mà Môi-se đại diện là uy quyền của Đức Chúa Trời. Mọi uy quyền đều được Đức Chúa Trời ủy thác và không ai có thể tước đi.
Những lời nổi loạn của họ bay lên và Đức Chúa Trời nghe được (c.2b). Khi A-rôn và Mi-ri-am xúc phạm Môi-se, họ xúc phạm Đức Chúa Trời ở trong Môi-se. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã nổi giận. Khi một người đụng đến uy quyền đại diện, thì người ấy đụng đến Đức Chúa Trời trong uy quyền đó. Một khi xúc phạm đến uy quyền đã được ủy thác thì người ấy xúc phạm đến Đức Chúa Trời.
Uy Quyền Là Sự Lựa Chọn Của Đức Chúa Trời Chứ Không Phải Sự Thành Đạt Của Con Người
Đức Chúa Trời đã gọi cả ba ra đến cửa vào trại nhóm họp (c.4). A-rôn và mi-ri-am mạnh dạn bước ra, cho là mình sẽ được minh chứng là đúng. Họ nghĩ rằng cuối cùng Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ. Họ nghĩ rằng: “Môi-se ơi, anh đã kết hôn với một người nữ Ê-thi-ô-bi và đã gây nên sự bất hòa trong gia đình. Chúng tôi có nhiều điều phải cho Đức Chúa Trời biết”. Nhưng Đức Chúa Trời phán: “Môi-se là đầy tớ của Ta. Người thật trung tín trong cả nhà Ta. Tại sao các ngươi lại táo bạo đến nỗi chỉ trích đầy tớ Ta?” Uy quyền thuộc linh không đến bởi sự thành đạt của con người, mà có được nhờ sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Những vấn đề thuộc linh hoàn toàn khác với những nguyên tắc thế gian.
Uy quyền là chính Đức Chúa Trời và không thể bị xúc phạm. Người nào chỉ trích Môi-se là chỉ trích sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể xem thường sự lựa chọn của Đức Chúa Trời.
Biểu Hiện Của Sự Nổi Loạn Là Bị Phung
Khi cơn giận của Đức Chúa Trời bùng lên, đám mây rời khỏi đền tạm và sự hiện diện của Đức Chúa Trời không ở đó nữa. Lập tức, Mi-ri-am bị phung (c.10). Đó không phải là bị lây nhiễm, mà bị Đức Chúa Trời phạt. Bị phung không hơn gì việc thành hôn với một người nữ Ê-thi-ô-bi. Ngay khi sự nổi loạn ở bên trong lộ ra thì nó trở thành bệnh phung. Những người mắc bệnh phung phải bị cách ly. Người ta không thể đến gần họ. Họ mất đi mọi mối tương giao.
Khi A-rôn thấy Mi-ri-am bị phung, ông nài xin Môi-se làm người trung gian để Đức Chúa Trời chữa lành cho bà. Đức Chúa Trời chỉ dẫn rằng Mi-ri-am phải bị cách ly ở ngoài trại bảy ngày rồi bà mới được chấp nhận trở lại. Bà mang nhục bảy ngày như thể bị cha mình nhổ nước bọt vào mặt. Phải bảy ngày sau, trại nhóm họp mới tiếp tục cuộc hành trình. Mỗi khi giữa chúng ta có sự nổi loạn và chỉ trích thì sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn nữa và trại [nhóm họp] sẽ không chuyển động. Trụ mây sẽ không xuất hiện cho đến khi những lời chỉ trích được đoán xét. Nếu vấn đề uy quyền chưa được giải quyết thì mọi vấn đề khác vẫn chưa ổn định.
Thuận Phục Uy Quyền Trực Tiếp Của Đức Chúa Trời Và Cũng Thuận Phục Uy Quyền Đại Diện Của Ngài
Nhiều người nghĩ rằng chính mình đã phục tùng Đức Chúa Trời rồi. Họ không biết rằng mình vẫn cần thuận phục uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Những người thật sự thuận phục nhìn thấy uy quyền của Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh – tại nhà mình và tại nơi công sở. Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi không sợ mà chỉ trích đầy tớ Ta, là Môi-se sao?”(c.8). Mỗi khi lời chỉ trích xuất hiện, chúng ta phải cẩn thận lưu ý đến những lời chỉ trích ấy. Chúng ta không thể bất cẩn, nghĩ rằng mình có thể nói nhiều điều một cách thiếu suy nghĩ. Khi có sự chỉ trích, thì chứng tỏ rằng ở bên trong có linh nổi loạn. Sự chỉ trích là mầm mống của sự nổi loạn ấy. Chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời và đừng nói năng một cách thiếu suy nghĩ. Ngày nay nhiều người chỉ trích những người bề trên của mình. Họ chỉ trích các anh em trách nhiệm trong Hội Thánh, nhưng không nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề ấy. Nếu một ngày kia Hội Thánh nhận được ân điển từ Đức Chúa Trời thì Hội Thánh sẽ biệt riêng chính mình khỏi những người chỉ trích đầy tớ Đức Chúa Trời. Hội Thánh sẽ không nói chuyện với họ vì họ bị phung. Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng ta để chúng ta nhìn thấy rằng đây không phải là vấn đề đối với anh em mình, mà là vấn đề đối với uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Nếu đã gặp uy quyền thì chúng ta sẽ nhận thức là còn quá nhiều việc xảy ra mà trong đó chúng ta đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Sau đó quan niệm của chúng ta về tội sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ nhìn thấy tội theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Tội mà Đức Chúa Trời lên án là sự nổi loạn của con người.
CUỘC NỔI LOẠN CỦA BÈ ĐẢNG CÔ-RÊ, ĐA-THAN VÀ A-BI-RAM
Cuộc Nổi Loạn Tập Thể
Dân-số Ký chương 16 nói đến bè đảng của Cô-rê, tức những người Lê-vi và Đa-than cùng A-bi-ram, là những người thuộc chi phái Ru-bên. Những người Lê-vi đại diện cho chi phái về mặt thuộc linh; Đa-than và A-bi-ram đại diện cho những nhà lãnh đạo. Ngoài ra còn có hai trăm năm mươi người có tiếng tăm. Tất cả những quan tướng ấy họp lại với nhau để nổi loạn. Họ công kích Môi-se và A-rôn rằng: “Các ông đã đi quá xa! Vì cả hội chúng đều là thánh khiết …vậy sao các ông tự tôn cao trên hội chúng của Đức Giê-hô-va?” (c.3). Họ đã không tôn trọng Môi-se và A-rôn. Có lẽ họ nói những lời này với tất cả sự chân thành. Họ không nhận thấy uy quyền của Giê-hô-va. Họ tưởng đó là vấn đề riêng tư. Họ coi như ở giữa dân của Đức Chúa Trời không có uy quyền. Khi họ khiển trách Môi-se, họ không đề cập gì đến mối liên hệ của Môi-se với Đức Chúa Trời hay mạng lệnh của Đức Chúa Trời về vấn đề này. Khi nghe những lời buộc tội nặng nề như vậy, Môi-se không nổi giận cũng không bối rối. Thay vào đó, ông sấp mình trước mặt Đức Giê-hô-va. Ông không tự ý làm gì cả. Ông không cố gắng vận dụng uy quyền, vì uy quyền thuộc về Đức Chúa Trời. Ông bảo bè đảng của Cô-rê hãy chờ đến sáng. Vào buổi sáng, Đức Giê-hô-va sẽ chứng minh ai thuộc về Ngài và ai thánh khiết. Ông đáp lại một linh sai trật bằng một linh đúng đắn.
Những lời nói của bè đảng Cô-rê hoàn toàn căn cứ vào lý luận. Lời nói của họ hoàn toàn là những giả thuyết. Nhưng Môi-se đáp rằng Chúa sẽ làm sáng tỏ mọi sự. Vấn đề đó hoàn toàn là việc Đức Giê-hô-va lựa chọn và truyền lệnh. Đó không phải là nan đề của Môi-se mà là nan đề của Đức Giê-hô-va. Họ nghĩ rằng họ chỉ chống lại Môi-se và A-rôn chứ không chống lại Đức Chúa Trời. Họ không có ý định nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Họ có ý định muốn tiếp tục hầu việc Ngài. Họ chỉ khinh thường Môi-se và A-rôn. Nhưng Đức Chúa Trời không thể bị tách rời khỏi uy quyền đại diện của Ngài. Một người không thể có thái độ này đối với Đức Chúa Trời và có thái độ khác đối với Môi-se cùng A-rôn. Không ai có thể một mặt khước từ uy quyền đại diện trong khi mặt khác lại đón nhận Đức Chúa Trời. Nếu thuận phục uy quyền của Môi-se và A-rôn thì họ đã thuận phục Đức Chúa Trời. Nhưng Môi-se đã không tự tôn vì uy quyền của Đức Chúa Trời thuộc về ông. Ông tự hạ mình xuống dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Ông nói với họ một cách hòa nhã rằng: “Hãy cầm lư hương; sáng mai hãy để lửa ở trong và bỏ hương ở trên trước mặt Đức Giê-hô-va. Người nào mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn, ấy là người thánh khiết…” (c.6-7). Môi-se là một người cao tuổi. Ông biết hậu quả của một hành động như vậy và thở dài mà nói: “Hỡi con cháu Lê-vi, các người đã đi quá xa!… Về phần các ngươi, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã biệt các ngươi riêng ra với hội chúng Y-sơ-ra-ên và khiến đến gần Ngài…ấy là nhỏ mọn sao?…Vậy mà ngươi và toàn bè đảng của ngươi đều hiệp lại nghịch cùng Đức Giê-hô-va!” (c.7,9,11).
Khi ấy Đa-than và A-bi-ram không có mặt. Sau đó, Môi-se sai người yêu cầu họ đến. Nhưng họ khướt từ và nói: “Ngươi không có dẫn chúng ta đến trong một xứ đượm sữa và mật đâu, ngươi không cho chúng ta đồng ruộng hay là vườn nho làm sản nghiệp đâu! Ngươi toan khoét mắt của dân này ư? Chúng ta không đi lên đâu” (c.14). Thái độ của họ là nổi loạn. Căn bản là họ không tin lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ chú ý đến ơn phước thuộc về đất này. Họ quên đi lỗi lầm của chính mình – họ là những người không chịu vào xứ Ca-na-an. Nhưng họ quay lại nổi loạn chống lại Môi-se bằng những lời lẽ cay đắng.
Đức Chúa Trời Phải Cất Đi Sự Nổi Loạn Giữa Vòng Dân Ngài
Sau đó Môi-se nổi giận. Ông không trả lời họ, mà cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nhiều lúc sự nổi loạn của con người buộc Đức Chúa Trời phải can thiệp bằng sự đoán xét. Người Y-sơ-ra-ên thử Đức Chúa Trời mười lần và nghi ngờ Ngài năm lần. Nhưng Đức Chúa Trời đã khoan dung và tha thứ hết thảy họ. Tuy nhiên khi cuộc nổi loạn lần này bùng nổ, Đức Chúa Trời can thiệp mà đoán xét. Ngài phán: “Hãy tách khỏi giữa hội chúng này, thì Ta sẽ tiêu diệt nó trong một lát” (c.21). Đức Chúa Trời phải cất đi sự nổi loạn giữa vòng dân Ngài. Môi-se và A-rôn sấp mình trước mặt Đức Chúa Trời và cầu nguyện: “Chỉ có một người phạm tội mà Chúa lại nổi giận cùng cả hội chúng sao?” (c.22). Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Môi-se và A-rôn và chỉ đoán xét bè đảng của Cô-rê thôi. Không những người Y-sơ-ra-ên phải lắng nghe uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định, mà chính Đức Chúa Trời cũng làm chứng trước mặt người Y-sơ-ra-ên rằng Ngài nhậm lời [cầu nguyện] của họ.
Sự nổi loạn là nguyên tắc từ Âm-phủ. Khi họ nổi loạn, cửa Âm-phủ mở ra. Mặt đất mở miệng nuốt chửng Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram, gia đình họ và tất cả tài sản của họ. Họ rơi xuống Âm-phủ khi vẫn còn sống. Cửa Âm-phủ không thể thắng Hội Thánh. Nhưng linh nổi loạn có thể mở ra cửa ấy. Hội Thánh không đắc thắng được vì bên trong Hội Thánh có những kẻ nổi loạn. Khi không có sự nổi loạn, thì mặt đất không thể mở miệng của nó ra. Mọi loại tội lỗi đều tuôn ra sự chết. Chỉ có sự thuận phục uy quyền mới đóng chặt cửa Âm-phủ và tuôn đổ sự sống.
Những Người Thuận Phục Hành Động Không Bởi Giáo Lý Mà Bởi Đức Tin
Khi những kẻ nổi loạn chỉ trích Môi-se về việc không dẫn họ vào miền đất đượm sữa và mật và về việc không ban cho họ những cánh đồng cùng vườn nho làm sản nghiệp, lời nói của họ có phần nào đúng sự thật. Khi ấy họ ở trong đồng vắng và thật sự chưa vào miền đất đượm sữa và mật. Xin chú ý rằng mỗi khi con người hành động và đoán xét theo giáo lý hay theo những gì họ nhìn thấy bằng cặp mắt thuộc thể của mình thì họ đang theo đường lối lý luận. Nhưng những người thuận phục uy quyền sẽ bước vào xứ Ca-na-an bởi đức tin. Đường lối của linh không bao giờ được những người tranh cãi và lý luận chấp nhận. Những ai bởi đức tin mà bước theo sự dẫn dắt của trụ mây cùng trụ lửa và theo sự lãnh đạo của Môi-se, tức uy quyền đại diện, mới vui hưởng sự đầy trọn của Linh. Mặt đất mở miệng nó ra vì những kẻ nổi loạn. Đó là con đường chết dẫn họ vào Âm-phủ một cách nhanh chóng. Những người không thuận phục uy quyền có cái nhìn thông suốt, nhưng họ chỉ nhìn thấy sự hoang vu trong đồng vắng. Chỉ những người hình như mù quáng, mò mẫm tiến lên bởi đức tin, không để ý đến tình trạng hoang tàn hiện tại, mới có thể bước vào xứ Ca-na-an. Những người đi trên con đường thuộc linh nhìn thấy lời hứa phước hạnh trong tương lai bằng cái nhìn của đức tin. Vì vậy, một người phải gặp uy quyền, được Đức Chúa Trời giới hạn và được uy quyền đại diện của Ngài dẫn dắt. Nếu một người chỉ nhìn thấy cha, anh em hay chị em của mình thì người ấy chưa biết uy quyền là gì và chưa gặp Đức Chúa Trời. Trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề uy quyền là một khải thị ở bên trong chứ không phải là một giáo điều ở bên ngoài.
Sự Lây Lan Của Sự Nổi Loạn
Trong Dân-số Ký chương 16 có hai cuộc nổi loạn. Từ câu 1 đến 40, chúng ta có sự nổi loạn của các nhà lãnh đạo, trong khi từ câu 41 đến 50, chúng ta có sự nổi loạn của toàn thể hội chúng. Linh nổi loạn dễ lây lan. Sự đoán xét hai trăm năm mươi người cũng chưa đủ để cảnh cáo toàn thể hội chúng. Họ nhìn tận mắt lửa ra từ Đức Chúa Trời thiêu hủy hai trăm năm mươi người đốt hương. Nhưng họ vẫn nổi loạn. Thậm chí họ buộc tội Môi-se là đã giết chết những người ấy. Môi-se và A-rôn không thể mở mặt đất ra; Đức Chúa Trời là Đấng mở mặt đất ra. Môi-se không thể thiêu hủy người ta bằng lửa; đó là lửa phát ra từ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, tức Đấng phán xét người ta. Một số người chỉ có thể nhìn thấy qua cặp mắt riêng của mình. Họ không nhận thấy rằng mọi uy quyền đều thuộc về Đức Chúa Trời. Những người như vậy rất táo bạo; họ không sợ hãi ngay cả khi nhìn thấy sự phán xét, vì họ không nhận biết uy quyền. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm. Khi toàn thể hội chúng công kích Môi-se và A-rôn, vinh quang của Đức Chúa Trời hiện ra, điều này chứng tỏ rằng uy quyền là từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời can thiệp để phán xét. Một cơn dịch khởi phát thình lình và 14.700 người bị chết. Môi-se thật nhạy bén trong cảm nhận thuộc linh của mình. Ông lập tức truyền A-rôn lấy lư hương, để lửa vào trong đó và đặt hương trầm lên trên để làm tế lễ vãn hồi cho hội chúng. A-rôn đứng giữa kẻ chết và người sống và cơn dịch được chặn lại.
Đức Chúa Trời có thể khoan dung mười lần lằm bằm của dân Ngài trong đồng vắng. Nhưng Ngài không thể chịu nổi việc uy quyền của Ngài bị xúc phạm. Đức Chúa Trời có thể khoan dung nhiều tội lỗi và thậm chí có thể tha thứ chúng. Tuy nhiên, một khi sự nổi loạn xuất hiện thì Đức Chúa Trời không thể khoan dung điều đó, vì nổi loạn là theo nguyên tắc của sự chết. Đó là theo nguyên tắc của Sa-tan. Do đó, tội nổi loạn nghiêm trọng hơn bất cứ loại tội lỗi nào khác. Mỗi khi người nào đó chống lại uy quyền thì Đức Chúa Trời lập tức can thiệp để phán xét. Vấn đề này nghiêm trọng biết bao!
Nghê Thác Thanh