Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ tìm cách gieo rắc tình cảm sâu sắc là mọi người tùy thuộc lẫn nhau. Trẻ con cần điều này. Nếu chúng không cảm thấy tùy thuộc vào gia đình, nơi phát xuất cũng như tiếp nhận lòng trung thành cùng tình thương, thì chúng sẽ đi tìm ngay một nhóm riêng ở đâu đó. Khi không cảm nhận được sự tùy thuộc thì tự nhiên thấy mất mát, cô đơn và thiếu vắng yêu thương. Nhưng khi cảm thấy tùy thuộc gia đình và thật được quý trọng ở đó thì trẻ con bước vào thế giới mạnh dạn, cảm biết mình được yêu thương và chấp nhận, cũng như có khả năng yêu thương và chấp nhận người khác.
Tôi nhớ những lần khi chúng tôi cảm thấy thực sự tùy thuộc nhau: Cái đêm chúng tôi suýt bị thổi tung cùng với chiếc lều khi một cơn bão khốc liệt ập tới; Những buổi sáng sớm cùng đi kiếm răng cá mập trên bờ biển Venice, bang Florida; Những đêm chúng tôi nằm ngoài trời kể chuyện; Những lần chúng tôi chơi bóng với nhau, cùng dọn sạch sân cỏ, cùng sắp xếp lại phòng cho một người trong gia đình. Chúng tôi cảm thấy tùy thuộc nhau khi cần làm thành công một công việc nào đó. Chúng tôi biết mình tùy thuộc nhau khi mình được nhắc nhở trong thư hay trong một cú điện thoại: “Hãy nhớ, tất cả mọi người yêu ..”.
Đôi lúc vì quá bận tâm đến tầm quan trọng của việc gần gũi và tùy thuộc nhau, chúng ta lại lập ra những kế hoạch khó khăn và phức tạp. Thay vì cố gắng quá mức, tôi sẽ chỉ sử dụng và tăng cường thêm những nguồn đã có sẵn trong gia đình.
Để tăng cường cảm giác tùy thuộc nhau, tôi sẽ dành nhiều thì giờ hơn cho các bữa ăn để chia sẻ những kinh nghiệm cùng sự việc xảy ra trong ngày. Đó là lý do khiến nhiều tác giả cùng nhà viết kịch tập trung những câu chuyện của họ quanh bàn ăn – đáng lẽ ra phải là giờ thoải mái và làm tươi tỉnh – lại là một thủ tục vội vã khiến chúng ta phải ăn hối hả. Giờ ăn có thể tạo cảm giác tùy thuộc nhau rất là sâu sắc.
Để tăng cường cảm giác tùy thuộc nhau, tôi sẽ cố gắng biến giờ đi ngủ thành một trong những thời gian thú vị nhất trong ngày. Giờ đi ngủ có thể dễ bị căng thẳng vì mọi người đều mệt mỏi.
Để trả lời câu hỏi: Điều gì khiến bạn cảm thấy mình tùy thuộc vào gia đình? Một bé mẫu giáo nói: “Mẹ cháu đắp chăn cho cháu và hôn cháu khi cháu đi ngủ mỗi tối”. Và một bạn trẻ nói: “Những giây phút đầy ý nghĩa và hạnh phúc nhất suốt thời thơ ấu của tôi là những lần mẹ tôi đọc chuyện cho chúng tôi nghe trước giờ đi ngủ”. Tôi lấy làm xót thương những gia đình và con trẻ nào phải hối hả và bị phết vào mông mới lên giường ngủ. Giờ đi ngủ là cơ hội quý báu để tạo cảm giác thân thương về sự tùy thuộc vào nhau.
Tôi sẽ cố gắng hết sức biến giờ rãnh rỗi thành một cơ hội để tạo cảm giác tùy thuộc nhau. Nếu chúng ta có giờ nhàn rỗi, thì mối nguy là mỗi thành viên trong gia đình lập kế hoạch đi riêng rẽ và tìm tình bạn bên ngoài gia đình. Tôi sẽ trao dồi nghệ thuật giữ cho gia đình gần gũi và chơi chung với nhau, cùng tham gia những trò vui và những chương trình mà ai cũng thích dự phần.
Trẻ con lúc nào cũng thích những trò vui. Thường thì một bậc phụ huynh phải bị ép mới chịu tham gia. Theo như tôi thấy trong hiện tại thì một gia đình có thể tạo cảm giác tùy thuộc nhau trong sâu sắc nhờ cách biết sử dụng (đặc biệt là phụ huynh) giờ nhàn rỗi. Đó chẳng những chỉ là cơ hội vui chơi mà còn là bối cảnh để học tập những thái độ thiết yếu như tính công bằng, tinh thần thể thao, sự tế nhị, tôn trọng lẫn nhau và biết tán thưởng nhau.
Tổ chức sinh nhật để quan tâm đến con người thay vì quan tâm đến quà tặng cũng tạo cảm giác tùy thuộc nhau. Cảm giác tùy thuộc luôn nảy sinh trong lòng mọi trẻ con được mọi người đánh giá cao và lắng nghe ý kiến. Cảm giác càng gia tăng khi trẻ con được chia sẻ những kinh nghiệm vui vẻ và quan trọng của gia đình. Khi gia đình thảo luận và cùng quyết định với nhau thì mọi người đều cảm thấy tùy thuộc vào nhau.
Tôi sẽ cố gắng mang lại cho con trẻ cảm giác tùy thuộc bằng cách kêu gọi chúng cùng chia sẻ trách nhiệm và công việc của gia đình. Khi nêu rõ là thậm chí trẻ con cũng làm được việc cho người khác, một nhà văn nói: “Làm việc đối với chúng là cùng chia sẻ cảm giác tùy thuộc, sự hiểu biết rằng chính cá nhân chúng rất quan trọng và cần thiết cho hạnh phúc cho toàn thể gia đình”. Dù có than phiền nhưng trẻ con nào được thường xuyên giao trách nhiệm làm việc, tuy nhỏ đến đâu đi nữa, vẫn cảm thấy an tâm và tùy thuộc một cách sâu sắc vào gia đình, trong khi những đứa trẻ không có ý thức về trách nhiệm tập thể đều cảm thấy lạc lỏng và hoang mang.
Bây giờ tôi biết rằng khi trẻ con cảm nhận sự tùy thuộc vào gia đình thì chúng có sự an tâm mà không điều gì khác có thể tạo ra được. Chúng có được sự chững chạc đương đầu với những lời chế giễu của băng nhóm và tiếng la ó của đám đông. Và bây giờ tôi biết rằng từ chỗ biết mình thuộc về một gia đình yêu thương trên đất sẽ tự nhiên đưa con người vào niềm tin chắc là mình cũng thuộc về một cha yêu thương thiên thượng và thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời.
(Nguồn: John M. Drescher, Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình)
Dịch: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam (1998)