Ngôn Ngữ Thánh Linh Vượt Qua Kinh Nghiệm Lễ Ngũ Tuần – Phần 1

Share

LỜI TỰA

Tôi tin rằng cha tôi, mục sư Kenneth Hagin, là một trong những con người vĩ đại của Đức Chúa Trời ở thế hệ này. Tôi biết tôi hơi định kiến, nhưng tôi tin điều này ngay cả nếu tôi không phải là con trai của ông. Tôi biết chắc rất nhiều người cũng cảm nhận cùng một cách như tôi cảm nhận.

Cả đời tôi, tôi luôn lắng nghe kỹ lời của ba tôi, cố gắng học sự khôn ngoan của ông càng nhiều càng tốt. Tôi luôn luôn kính cẩn về những khải thị mà ba tôi nhận được từ Lời Chúa trong nhiều năm. Trong cuốn sách này ba tôi có nói rằng tất cả những khải thị đến với ông là kết quả của nhiều giờ cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Cá nhân tôi chứng thực cho tính xác thật của câu nói này.

Tôi vẫn còn nhớ rõ về ba tôi lúc tôi sáu bảy tuổi và lúc đó ba tôi đang làm mục sư cho Hội Thánh cuối cùng trước khi ông đi ra cánh đồng truyền giáo. Nhiều lần tôi lên giường ngủ buổi tối trong một tư thất cũ của mục sư, tôi lén nhìn ba tôi – một người đàn ông ở độ tuổi 31 – khi ông ngồi đầu cúi xuống trên bàn làm việc tại góc nhà đang nghiên cứu Kinh Thánh dưới một cái đèn bàn nhỏ.

Đôi khi tôi thức dậy và trở mình lúc nửa đêm, và ba tôi vẫn còn ngồi tại cái bàn đó. Sáng hôm sau mẹ tôi đánh thức tôi dậy để đi học, và ba tôi vẫn còn ngồi đó, nào sách vở nào Kinh Thánh đều mở ra nằm ngổn ngang trên bàn hoặc để rải rác dưới nền nhà.

Ba tôi luôn luôn đứng dậy rời bàn làm việc và ngồi tại bàn ăn để ăn sáng với chị tôi là Pat và tôi trước khi chúng tôi đi học. Nhưng nhiều lần tôi đi học về nhà vào buổi chiều, tôi vẫn thấy ba tôi ngồi tại cái bàn đó, chung quanh toàn là sách vở và Kinh Thánh mở ra.

Tôi nhớ nhiều buổi sáng khi tôi thức dậy và nhận ra rằng ba tôi đã cầu nguyện suốt đêm. Không có đi ngủ nghỉ gì cả, ba tôi liền một mạch đi tắm và làm vệ sinh rồi thì ba tôi đi lo công việc Hội Thánh suốt cả ngày. Ba tôi thường hay nói. “Con biết không, chính Thánh Linh sẽ làm cho ba tươi mới.”

Vì thế nếu bạn đã từng thắc mắc làm sao mà Mục Sư Kenneth E. Hagin đã học được tất cả những gì ông ta đã biết và tất cả những gì ông ta đã giảng dạy cho mọi người trải qua trên bảy mươi năm trong chức vụ thì bây giờ bạn đã biết. Ông đã nhận những sự tri thức khải thị qua việc nghiên cứu Kinh Thánh và những sách vở hay khác và qua việc để nhiều giờ cầu nguyện không thôi. Bạn có muốn đạt đến vị trí mà ba tôi đã đạt trong đời sống thuộc linh không? Vâng, đó là cái giá mà bạn vui lòng để trả.

Trong suốt cuộc phấn hưng ân tứ vào thập niên 1960 và 1970, ba tôi đã nói tiên tri cho đời sống của nhiều người, giải thích về sự cần thiết của quyền năng Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời dùng ba tôi cách lạ lùng để đụng chạm thế hệ đó.

Sau này vào thập niên 1990, dường như những biểu lộ về quyền năng Chúa đã giảm sút. Nhưng bây giờ tôi cảm nhận được tâm linh có một sự vận hành lớn lao của Thánh Linh đang đến. Bởi vì tiếng lạ rất quan trọng, nên chúng tôi đã biên soạn từ các sổ chép tay về sự dạy dỗ của ba tôi về đề tài này và gom nó lại thành một cuốn sách học toàn thư cho thế hệ này đọc. Ba tôi trình bày rất đơn giản, và chúng tôi tin rằng những lời chia sẻ của ông sẽ giúp độc giả hiểu được những lẽ thật quan trọng này.

Tôi cảm ơn Chúa về sự thừa kế mà tôi có, và tôi hãnh diện giới thiệu cho bạn cuốn sách khám phá giá trị lớn lao của việc nói tiếng lạ. Những trang sách này chứa đựng những sự dạy dỗ phong phú và bất hủ của một trong những tiên tri đầy ơn, Kenneth Hagin, mà Chúa đã ban cho thế hệ này. Ông đã về với Chúa vào năm 2003, nhưng những lời dạy và lời cầu nguyện của ông cho Hội Thánh vẫn còn quan trọng và ích lợi, kêu gọi các tín hữu đạt đến mức độ cao hơn trong sự cầu nguyện và sống đầy trọn cơ nghiệp của họ trong Chúa Cứu Thế.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, và Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người sẵn sàng trả giá trong sự cầu nguyện. Chúng ta đã dừng lại ở ngưỡng cửa của quyền năng siêu nhiên quá lâu. Đối với ba tôi, cánh cửa đó chính là cầu nguyện trong tiếng lạ, một ân tứ Chúa cung ứng cho ông qua sự đầy dẫy Thánh Linh. Có nhiều bằng cớ khác của việc đẫy dẫy Thánh Linh trong đời sống một người. Nhưng điều quan trọng là chúng ta bắt đầu với những gì mà Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta trong ân tứ tiếng lạ. Như ba tôi đã rất chí lý, “Người ta đang chết mất, và sự cuối cùng cũng sắp tới. Sự kết thúc muôn vật đang cận kề, và điều gì chúng ta làm, chúng ta phải làm nhanh chóng.”

Vì thế, tôi thúc giục bạn hãy để những lời dạy dỗ của ba tôi khích lệ bạn bước vào những chiều sâu của việc cầu nguyện trong Thánh Linh như chưa hề có trước đây. Đây là lúc để bước qua ngưỡng cửa ấy và bắt đầu bước đi trong quyền năng và khải thị của Thánh Linh trên cơ sở mỗi ngày. Và khi bạn đặt mình sẵn sàng cho Chúa dùng trong sự cầu nguyện, Ngài bắt đầu dùng bạn để làm thành mục đích của Ngài trên đất theo cách mà bạn không hề nghĩ tới.

Kenneth E. Hagin

 

LỜI GIỚI THIỆU

Trải qua nhiều thế kỷ, có nhiều sự hiểu lầm trong Hội Thánh về vấn đề nói tiếng lạ, không chỉ giữa vòng các tín hữu không nói tiếng lạ, mà còn giữa vòng các tín hữu nói tiếng lạ.

Trước hết, có những tín hữu bên ngoài giới Ngũ Tuần và Ân Tứ không nói tiếng lạ. Họ hoặc là không biết gì về đề tài này hoặc là có những quan niệm sai lầm, không đến từ Kinh Thánh về vấn đề tiếng lạ.

Và cũng có những tín hữu trong giới Ngũ Tuần và Ân Tứ cũng biết rất ít về đề tài này, dù chính họ cũng đã nói tiếng lạ. Những tín hữu này không nhận biết giá trị phát sinh từ việc vận dụng ân tứ này, họ cũng không hiểu hết phạm vi – mục đích và công dụng của tiếng lạ. Kết quả là họ thường tách việc nói tiếng lạ ra khỏi ngữ cảnh đúng của nó trong Lời Chúa, và do không biết nên dẫn họ đến những cực đoan và làm nhiều điều không đúng Kinh Thánh. Họ đã sai trật, giải thích tiếng lạ vượt quá những gì Lời Chúa nói.

Trong cả hai trường hợp, việc thiếu hiểu biết về tiếng lạ đã gây tổn thất rất nhiều cho chính nghĩa của Chúa Cứu Thế và đã cướp đi nhiều phước hạnh của vô số người mà Đức Chúa Trời dự định cho họ nhận lãnh.

Xét về Hội Thánh khắp nơi thế giới nói chung, có rất nhiều sự giảng dạy về đề tài Thánh Linh và nói tiếng lạ. Nhưng chúng ta cần phải tra xét những gì chúng ta tin theo ánh sáng của Lời Chúa, chứ không phải theo ánh sáng của giáo phái hay giáo hội của chúng ta giảng dạy.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng những lời Phao lô nói trong I Cô rinh tô 12:1: “Còn về các linh ân, thưa anh chị em, tôi không muốn anh chị em thiếu hiểu biết.” Đức Chúa Trời không muốn chúng ta thiếu hiểu biết về những gì liên quan đến Thánh Linh, tuy nhiên sự thật hiển nhiên là vẫn còn rất nhiều hiểu lầm liên quan đến đề tài nói tiếng lạ.

Tuy nhiên, một điều là chắc chắn: Đây không phải là một đề tài mà chúng ta xem nhẹ hay cho là không quan trọng đối với Hội Thánh, Đức Chúa Trời không làm dày Kinh Thánh bởi những gì kém quan trọng. Ngài cũng không tuyên bố những câu nói không cần thiết – trái lại Ngài có nhiều điều để nói về đề tài này trong Lời Ngài. Đó là lý do tôi muốn bạn hãy nghiên cứu sâu về việc nói tiếng lạ.

Cách đây nhiều năm Chúa đã bảo tôi rằng có một số lãnh vực về sự cầu nguyện và sự cầu thay mà sẽ bị phai nhòa trừ khi chúng ta là những người đã kinh nghiệm ít nhiều trong sự cầu nguyện chuyển giao những lẽ thật này cho thế hệ hiện tại. Đức Chúa Trời cần nhiều con người cầu nguyện để thực hiện công tác trên đất này. Tôi mời bạn hãy trở thành một trong những con người đó – và hãy bắt đầu học hỏi hơn nữa phạm vi và giá trị thật của việc cầu nguyện tiếng lạ.

[Lời tựa này là tổng hợp từ những ghi chép của Mục Sư Kenneth E. Hagin về đề tài tiếng lạ – Soạn giả]

 

PHẦN 1: ĐỨC THÁNH LINH VÀ TIẾNG LẠ

CHƯƠNG 1

BỐN SỰ CHỐNG ĐỐI VỀ VIỆC NÓI TIẾNG LẠ

Những anh chị em thuộc truyền thống không nói tiếng lạ thường hỏi chúng tôi, “Tại sao các anh cứ nhấn mạnh về việc nói tiếng lạ?”

Xin thưa là chúng tôi không nhấn mạnh tiếng lạ! Tuy nhiên, có một số lý do khách quan mà buộc chúng tôi phải nhấn mạnh. Một lý do hiển nhiên là những người không thuộc nhóm ân tứ cứ hỏi chúng tôi về đề tài này nên buộc chúng tôi phải bàn tới! Sau đây cũng là một số lý do khách quan khác khiến chúng tôi nói nhiều về việc nói tiếng lạ:

1. Nói tiếng lạ luôn luôn được bày tỏ khi một người được báp tem bằng Thánh Linh. Đây là bằng cớ siêu nhiên của sự đầy dẫy Thánh Linh trong đời sống của một người. (Chúng ta sẽ bàn thêm về điều này sau).

2. Những ân tứ nói tiếng lạ và thông giải tiếng lạ là ân tứ đặc biệt dành cho thời đại mà chúng ta đang sống (1 Cô 12:1-11).

3. Sứ đồ Phao lô nhấn mạnh về đề tài tiếng lạ. Thật ra, trong thơ tín đầu tiên của ông gửi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, ông đã viết về điều này. (Hãy xem 1 Cô-rinh-tô 14) Tại sao Phao lô nhấn mạnh nhiều về tiếng lạ? Bởi vì thời đó cũng như thời nay, đề tài này bị hiểu lầm rất nhiều.

Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này nhiều khi chúng ta khám phá những gì Lời Chúa nói về sự đầy dẫy Thánh Linh với bằng cớ nói tiếng lạ. Nhưng trước hết, tôi muốn bàn đến một số sự chống đối thông thường mà người ta đưa ra về đề tài tiếng lạ.

Sự chống đối # 1: ‘Chúa Jêsus không nói tiếng lạ, nên tôi cũng không nói tiếng lạ.’

Sự thật thì dù bạn có tìm thấy cả thảy bảy ân tứ khác của Thánh Linh được bày tỏ trong chức vụ của Chúa Jêsus trên đất, bạn sẽ không tìm thấy ân tứ tiếng lạ và sự thông giải tiếng lạ vận hành trong chức vụ của Ngài. Bạn cũng sẽ không thấy ân tứ nói tiếng lạ hay sự thông giải tiếng lạ được bày tỏ trong Cựu Ước (dù bạn thấy ân tứ này được nói tiên tri trong Ê-sai 28:11-12). Hai ân tứ của Thánh Linh này là hai ân tứ đặc biệt của Thời Đại Thánh Linh, là thời đại bắt đầu bằng sự tuôn đổ của Thánh Linh vào ngày Lễ Ngũ Tuần như được ghi lại trong Công Vụ đoạn 2:

Chúa Jêsus đề cập đến ân tứ này rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho dân sự Ngài dưới giao ước mới. Trong Mác 16:17-18, Chúa Jêsus công bố rằng năm dấu lạ siêu nhiên được theo sau những kẻ tin, và một trong những dấu lạ này “…họ sẽ nói tiếng mới” (câu 17).

Một số người cố gắng giải thích sai câu này khi cho rằng, “Tiếng mới có nghĩa là trước đây quý vị thường hay chửi thề và nói lời tục tĩu trước khi tin Chúa, nhưng bây giờ quý vị không làm điều đó nữa. Hay là quý vị trước đây thường nói dối, bây giờ quý vị không nói dối nữa.” Sự thật thì bạn không nên nói những lời như thế, đặc biệt một khi bạn đã trở thành con cái Chúa, nhưng đó không phải là nghĩa câu Kinh Thánh này nói đến.

Tất cả năm ân tứ được liệt kê trong Mác 16:17-18 là siêu nhiên. Các tín hữu đặt tay trên người bệnh và người bệnh sẽ được lành một cách siêu nhiên. Họ sẽ đuổi quỷ bởi quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Nếu họ có uống nhằm thứ chi độc hoặc có bắt rắn thì cũng chẳng bị hại gì – nhờ sự bảo vệ siêu nhiên của Đức Chúa Trời.

Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn bắt rắn độc để chứng minh điều gì đó. Nhưng bạn có thể được bảo vệ cách siêu nhiên như Phao lô khi ông tình cờ nắm phải con rắn độc trong khúc gỗ trên đảo Man-ta (Công vụ 28:3-5). Con rắn đã cắn vào tay Phao lô, nhưng ông đã giũ con rắn vào lửa và nọc độc không ảnh hưởng gì đến ông.

Nếu bốn trong năm dấu lạ được nói đến trong Mác 16 là siêu nhiên thì có lý gì mà Đức Chúa Trời lại thêm một dấu lạ nữa và biến nó thành tự nhiên? Không thể nào có chuyện đó! Ngoài ra, Chúa Jêsus không phán, “Một vài kẻ tin sẽ nói tiếng lạ.” Ngài ám chỉ rõ rằng mọi tín hữu đều có thể nói tiếng lạ.

Vậy thì tại sao phần lớn tín hữu không nói tiếng lạ? Tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể tìm thấy một số lý do tại sao điều này đúng. Đôi khi lý do chủ yếu là liên hệ đến cá nhân. Nói cách khác, một số người có những lý do riêng của họ để không chịu nói tiếng lạ.

Tuy nhiên, tôi đoan chắc lý do số một là thế này: Có quá ít sự giảng dạy quân bình, hợp lý và đúng Kinh Thánh về phạm vi và giá trị của ơn nói tiếng lạ. Hậu quả là nhiều người không biết rõ ân tứ mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ. Họ không nhận biết giá trị của việc nói tiếng lạ – vì nếu họ biết, họ chắc thảy đều muốn nói tiếng lạ rồi.

Sự chống đối # 2: ‘Tiếng lạ thuộc về ma quỷ.’

Khi tôi còn là một người hầu việc Chúa trẻ tuổi, tôi thường thông công với những người Ngũ Tuần bởi vì họ tin sự chữa lành thiên thượng. Tôi được chữa lành và được vực dậy khỏi giường bệnh bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, và việc thông công với những anh chị em khác có cùng một đức tin quý báu đã làm cho đức tin tôi mạnh mẽ. Kết quả là những người hầu việc Chúa trong giáo phái của tôi lo cho tôi rất nhiều, và họ thường cảnh báo tôi về “những người Ngũ Tuần này.” Họ nói rất chân thành, nhưng họ khuyên với một đầu óc bị “nhồi sọ” bởi những quan niệm Thần Học phi Kinh Thánh.

Cụ thể là tôi nhớ những lời của một trong những vị giáo sư Kinh Thánh, một sinh viên tốt nghiệp chủng viện của một giáo phái. Ông nói với tôi, “Tôi nhìn nhận là phần lớn những gì mà các người Ngũ Tuần giảng dạy đều là có nền tảng và đúng cả. Và tôi cũng nhìn nhận rằng họ sống một đời sống kết quả hơn chúng ta sống trong giáo hội của chúng ta. Nhưng việc nói tiếng lạ đó là của ma quỷ!”

Lúc đó tôi chưa trả lời ngay với vị này, nhưng tôi tự nhủ. Đời thuở nào lại có chuyện người ta nhận điều gì đó từ ma quỷ mà khiến họ sống tốt đẹp hơn người khác? Tôi nghĩ ngược lại mới đúng chớ! Ma quỷ mới là kẻ khiến cho người ta làm những chuyện bậy bạ và Thánh Linh mới giúp người ta làm điều đúng chứ, có phải vậy không?

Suy nghĩ phi Kinh Thánh của vị đó nhắc tôi nhớ về một việc đã xảy ra cho người anh em ở đông Texas, là người rất “quậy” trước khi anh ta được cứu ở độ tuổi ba mươi. Khi còn bé, anh ta dự nhóm một Hội Thánh truyền thống, dù lúc đó anh ta chưa được cứu. Nhưng khi anh đến tuổi thiếu niên, người trẻ này rất “quậy” và đi ăn nhậu ở quán sá hàng đêm.

Hễ bạn kể tội nào ra thì người này cũng đã phạm hết trong những năm niên thiếu của anh ta, từ việc say xỉn đến chửi thề cho đến đánh lộn. Thật ra có những đêm anh ta đánh hết những ai dám thách anh và đuổi họ ra khỏi quán ba. Người ta phải gọi hai, ba xe cảnh sát đến để bắt anh vào tù. Người thanh niên này rất gan.

Nhiều năm sau đó, một số tín đồ Ngũ Tuần bắt đầu làm chứng cho anh này, và anh ta tin Chúa, được báp-tem trong Thánh Linh và nói tiếng lạ. Hội Thánh mà anh nhóm hồi còn trẻ đã bỏ bê anh suốt hơn hai mươi năm mà anh ăn chơi trác táng. Vị Mục Sư đó không hề thăm viếng anh ta lần nào. Nhưng thình lình vị Mục Sư mà đã bỏ bê anh này suốt những năm qua đến thăm anh này và tỏ vẻ rất quan tâm tới anh ta – bởi vì anh này đã “nhận một điều gì đó đến từ ma quỷ.”

Chuyện này thật buồn cười nếu không nói là vớ vẩn!

Anh này đã kể riêng cho tôi nghe những gì đã xảy ra lúc vị Mục Sư đến thăm. Anh kể, “Tôi để cho vị Mục Sư đó nói một hồi, nhưng khi ông ta nói, ‘Việc nói tiếng lạ đó là của ma quỷ,’ Tôi ngắt lời ông và nói, ‘Mục Sư ơi, khoan nói nữa, tôi biết tiếng lạ không phải là của ma quỷ bởi vì trước đây tôi đã nhận tất cả những gì ma quỷ cho tôi lúc tôi còn là một tội nhân. Nếu tiếng lạ là của ma quỷ thì tôi chắc đã nhận điều này từ lâu rồi. Nhưng tôi đã không nhận ơn này cho đến khi tôi quay lưng khỏi ma quỷ, và tin Chúa và được đầy dẫy Thánh Linh.”

Dù vị Mục Sư này có cố gắng gì đi nữa, ông cũng không thể nào thuyết phục anh này bỏ việc nói tiếng lạ. Anh biết anh đã nhận ân tứ này từ nơi Chúa.

Đối với tôi, lúc tôi được đầy dẫy Thánh Linh và bắt đầu nói tiếng lạ, tôi đi tìm vị giáo sư Kinh Thánh mà đã nói với tôi tiếng lạ là của ma quỷ. Trong nhiều lần trước đây, ông thường nêu ra vấn đề nhưng lần này tôi đặt vấn đề bởi vì tôi muốn chia sẻ cho ông điều này.

Lần nữa, vị giáo sư Kinh Thánh này cảnh báo tôi về “những người Ngũ Tuần này.” Ông lại nói với tôi,  “Việc tiếng lạ là của ma quỷ.”

Tôi trả lời, “Khoan đã – xin dừng tại đây. Ông nói rằng nói tiếng lạ là của ma quỷ phải không?”

“Đúng rồi!”

Tôi trả lời, “Được, nếu tiếng lạ là của ma quỷ vậy thì toàn bộ giáo phái của chúng ta cũng là của ma quỷ!”

Người này trợn tráo mắt. Ông trông cứ như là ông ta gặp ma. Cuối cùng ông ta nói ấp úng, “Anh nói gì vậy?”

Tôi nói, “Anh biết là tôi đã được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ. Cùng một Thánh Linh mà tôi đã quen biết khi còn ở trong giáo phái của chúng ta, thì cũng cùng một Thánh Linh đó đã tái sanh tâm linh của tôi và làm chứng cho tâm linh của tôi rằng tôi là con cái của Chúa – cũng cùng một Thánh Linh đó đã ban cho tôi nói tiếng lạ ngay tại Hội Thánh Ngũ Tuần khi tôi được đầy dẫy Thánh Linh.

“Những người Ngũ Tuần không có Thánh Linh khác hơn chúng ta có. Thánh Linh không có anh em sinh đôi, sinh ba hay sinh bốn. Chỉ có một Đức Thánh Linh. Và rõ ràng là chỉ có một Đức Thánh Linh mà thôi – nhưng ở một chiều kích khác.

Ông ta phản đối, “Ồ không! Không được! Nói vậy không đúng.”

Tôi nói, “Ông là một học giả Kinh Thánh phải không?”

“Đúng rồi, tôi đã tốt nghiệp chủng viện và tôi đã dạy Kinh Thánh hai mươi lăm năm rồi.”

Tôi nói, “Vậy để tôi hỏi ông một điều. Ông có bao giờ nói tiếng lạ chưa?”

Người này nói, “Ồ không, dĩ nhiên là không.”

Tôi hỏi, “Vậy thì sao ông biết việc nói tiếng lạ đến từ Thánh Linh hay là không?”

“Ông nói ông biết Kinh Thánh. Vậy ông chắc biết câu Châm ngôn nói một người trả lời vấn đề trước khi mình nghe đó là kẻ ngu dại [Châm 18:13]. Theo câu Châm ngôn này, ông quả là kẻ ngu đấy!

Tôi nói tiếp, “Tôi là người duy nhất đủ tiêu chuẩn để bàn về đề tài tiếng lạ trong cuộc trao đổi này. Ông không đủ tiêu chuẩn để cho ý kiến trừ khi ông nói tiếng lạ. Nếu ông nói tiếng lạ, ông có thể cho tôi biết những lời mà Thánh Linh ban cho ông nói. Nhưng tôi có thể cho ông biết chỉ có một Đức Thánh Linh mà thôi. Tôi không nhận một linh mới hay linh lạ nào cả. Ngài chính là Đức Thánh Linh mà tôi nhận lãnh từ trước giờ. Khi tôi được đầy dẫy Thánh Linh, tôi chỉ kinh nghiệm Thánh Linh ở một mức độ lớn hơn thôi. Vì thế nếu nói tiếng lạ là của ma quỷ thì cả giáo phái của chúng ta đều thuộc về ma quỷ!”

Những lời của tôi làm vị giáo sư Kinh Thánh này bị sốc đến nỗi ông cứng miệng luôn, không thể nói lời gì nữa!

Dĩ nhiên, giáo phái đó không phải là của ma quỷ, và nói tiếng lạ cũng không phải của ma quỷ. Tất cả đều là của Đức Thánh Linh. Nói tiếng lạ chỉ mở ra cho bạn một chiều kích sâu nhiệm hơn của cùng một Thánh Linh mà thôi. Bạn có thể bước vào sự sâu nhiệm hơn trong Đức Chúa Trời nếu bạn muốn.

Cha Các Con Sẽ Ban Cho Con Điều Con Cầu Xin

Giờ thì tôi muốn chia sẻ với bạn một điều nữa liên quan đến vấn đề này: Nếu bạn là con cái của Chúa và xin để được nhận lãnh sự đầy dẫy Thánh Linh, bạn sẽ không nhận một linh nào khác.

Tôi nhớ một vị giáo sư Kinh Thánh đến từ một Hội Thánh khác đã dự buổi nhóm của tôi xin được đầy dẫy Thánh Linh. Trước khi tôi cầu nguyện cho ông ta, ông nói với tôi, “Anh Hagin ơi, tôi chỉ muốn nói thật với anh trước. Tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh, và tôi chợt thấy rằng tiếng lạ không phải là của ma quỷ. Nhưng tôi vẫn thấy khó tin chuyện này. Tôi đoán ấy là tôi đã hấp thu lối giảng dạy chống lại tiếng lạ quá lâu. Anh có thể cho tôi biết làm sao tôi biết tôi sẽ không nhận tà linh khi chúng ta cầu nguyện?”

Người này đã nghe đủ loại câu chuyện về việc người ta đã nhận tà linh khi họ cầu nguyện xin nhận báp-tem trong Thánh Linh. Là một Mục Sư non trẻ theo truyền thống, chính tôi cũng đã nghe những câu chuyện này trước khi tôi nhận báp-tem trong Thánh Linh vào năm 1937. Nhưng kể từ đó, trên sáu mươi lăm năm giảng dạy giữa vòng những người Ngũ Tuần, tôi chưa một lần nào thấy ai đó nhận một tà linh khi họ cầu xin để được đầy dẫy Thánh Linh – không thấy có một trường hợp nào cả.

Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi đã thấy một số tín đồ Ngũ Tuần sống theo xác thịt. Nhưng tôi thà có một ít lửa hực trong lúc Đức Chúa Trời hành động hơn là không có tí lửa nào. Tôi thà kinh nghiệm một chút lộn xộn hơn là trật tự của nấm mồ chết mà không có gì xảy ra.

Người này muốn biết chắc là ông nhận lãnh Thánh Linh, chứ không nhận lãnh tà linh nào khác khi chúng tôi cầu nguyện, nên tôi đọc Luca 11:11-13 cho ông,

LUCA 11:11-13

“Trong các con, có người nào làm cha mà con mình xin cá lại cho rắn, xin trứng lại cho bò cạp không? Vậy, nếu các con là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt, huống chi Cha trên trời lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin Ngài sao?”

Tôi hỏi ông, “Ông có con không? Và ông trả lời, “Có chứ!”. Rồi tôi hỏi ông, “Nếu con của ông xin cá, ông có cho nó rắn không, nếu con của ông xin trứng, ông có cho nó bò cạp không?” Người này trả lời, “Ồ dĩ nhiên là không.”

Tôi nói với ông, “Đức Chúa Trời cũng vậy. Tôi muốn chỉ cho ông thấy những gì Chúa Jêsus thật sự nói đến trong đoạn này. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ở chương trước đó trong Luca 10:19, “Này, Ta ban cho các con quyền uy để đạp trên rắn độc, bò cạp, và trên mọi quyền năng của kẻ thù nghịch, không gì làm hại các con được.”

Tôi nói tiếp, “Ông thấy đó, Chúa Jêsus không nói về rắn và bò cạp theo nghĩa đen ở đây. Ngài đang nói về quyền lực của kẻ thù! Ngài đang nói về ma quỷ và các tà linh, và đó là những thứ mà Ngài gọi là rắn và bò cạp.”

Điều này khiến chúng ta biết rằng Chúa Jêsus thật sự muốn nói, “Nếu một người con xin cá, người cha có cho rắn (tà linh) không? Hoặc là nếu xin trứng, người cha có cho bò cạp (tà linh) không?

Rồi thì tôi nói với người này, “Ông là con cái của Chúa, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời là Cha của ông, có phải không?”

Ông ta trả lời, “Phải.”

Rồi tôi nói, “Cũng như ông không bao giờ cho những điều xấu cho con cái của ông, vậy thì ông nghĩ là Cha thiên thượng lại ban cho con cái của Ngài tà linh khi ông xin Ngài Thánh Linh sao?”

Bạn có biết những gì mà người này đã làm khi tôi nói điều đó cho ông không? Ông bắt đầu cười – rồi lập tức ông bắt đầu nói tiếng lạ! Một khi ông được phóng thích khỏi nỗi sợ hãi, thì tôi không cần phải cầu nguyện cho ông để nhận lãnh Thánh Linh!

Ông nói, “Anh Hagin ơi, nếu trước đây tôi mà biết những điều anh vừa nói với tôi, thì tôi chắc có lẽ đã nói tiếng lạ từ lâu rồi!

Người này đã bị trói buộc do hậu quả của những gì ông đã hấp thụ trước đây, đánh mất phước hạnh của Đức Chúa Trời dành cho ông. Ma quỷ đã bơm vào tâm trí ông những ý tưởng sợ hãi rằng ông có thể nhận tà linh nếu ông cầu nguyện xin sự đầy dẫy Thánh Linh.

Bạn ơi, chuyện đó không bao giờ xảy ra cho bạn đâu. Bạn đừng bao giờ sợ nhận lãnh Thánh Linh. Nhưng đây là những điều bạn phải luôn ghi nhớ: Lời Đức Chúa Trời luôn luôn khiến bạn tự do!

GIĂNG 8:32

“Các người sẽ hiểu biết chân lý và chính chân lý đó sẽ giải phóng các người!”

Chúa Jêsus không nói lẽ thật sẽ trói buộc bạn. Ngài nói Lẽ Thật của Lời Chúa khiến bạn tự do.

Hoàn toàn không có nguy cơ là một tín hữu có thể nhận tà linh khi xin Đức Chúa Trời đổ đầy người đó bằng Thánh Linh. Thật ra, tôi có thể nói rõ hơn về điều này và có thể nói như thế này: Nếu một người tuyên bố mình nhận tà linh khi cầu xin Đức Thánh Linh, người đó nói dối!

Ai mà nói rằng Cơ Đốc Nhân có thể nhận tà linh khi người đó xin Thánh Linh là nói Chúa Jêsus là kẻ nói dối. Thà tôi cho con người là dối trá hơn là cho Chúa Jêsus là kẻ nói dối. Như Rô ma 3:4 nói, “Đức Chúa Trời vẫn chân thật dù mọi người đều giả dối…”

Chúa Jêsus phán, “…Huống gì Cha trên trời lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin Ngài sao” (Luca 11:13) Nói cách khác, nếu bạn xin sự đầy dẫy Thánh Linh, đó chính là điều mà bạn sẽ nhận!

Sự chống đối # 3: ‘Tiếng lạ đã chấm dứt.’

Một lần nọ có người đến với tôi và nói, “Ủa chứ anh không biết Kinh Thánh đã nói tiếng lạ đã chấm dứt rồi sao?”

Tôi trả lời, “Ồ không, tôi không biết điều đó, và anh cũng không biết!”

“Tôi biết chứ! Tôi đọc thấy trong Kinh Thánh mà!”

Tôi trả lời, “Được rồi, nếu anh chỉ cho tôi một chương hay một câu Kinh Thánh nào, tôi sẽ thưởng cho anh một ngàn đô la!” Lúc đó tôi cũng không có một ngàn đô la đâu, nhưng tôi cũng không sợ. Tôi biết là tôi sẽ không phải trả số tiền này, bởi vì tôi biết người này sẽ không tìm thấy bất cứ một câu Kinh Thánh nào nói rằng tiếng lạ đã chấm dứt!

Người này nhìn và nhìn, cố tìm một câu nào đó để chứng minh quan điểm của anh. Cuối cùng anh không còn tìm nữa và tôi quyết định giúp anh tìm ra. Tôi nói, “Câu mà anh đang tìm đó chính là I Côrinhtô 13:8.

“Vậy là tôi đúng rồi. Kinh Thánh có nói tiếng lạ đã chấm dứt!”

Tôi nói, “Ồ không, chúng ta hãy đọc câu này, và tôi sẽ chỉ cho anh câu này thật sự nói gì.”

I CÔ-RINH-TÔ 13:8

Tình yêu thương không bao giờ chấm dứt, các việc nói tiên tri rồi sẽ hết, những ân tứ nói tiếng lạ cũng sẽ ngưng, tri thức cũng sẽ hết.”

Tôi bảo người này, “Khi anh đọc cả câu, anh sẽ thấy nó có nghĩa khác. Anh thấy đó, Kinh Thánh nói tiếng lạ sẽ chấm dứt, chứ không nói tiếng lạ đã chấm dứt. Kinh Thánh cũng nói lời tiên tri sẽ thôi và tri thức sẽ biến mất. Tất cả những điều này thuộc về thì tương lai. Vì thế tiếng lạ không chấm dứt cũng như tri thức chưa biến mất!”

Rồi tôi chỉ cho người này câu kế tiếp để anh có thể học biết thêm về những gì Phao lô nói về tiếng lạ trong đoạn này.

I CÔ-RINH-TÔ 13:9-10

“Vì chúng ta chỉ mới hiểu biết một phần nào, chúng ta nói tiên tri cũng chỉ một phần nào thôi. Nhưng khi sự toàn hảo đến thì cái không toàn hảo sẽ hết.”

Một số người đã dùng câu 10 để tìm cách cấm đoán tiếng lạ. Họ tuyên bố cách sai lầm, “Khi Phao lô nói, ‘khi sự trọn lành đến’ ông đang nói về Kinh Thánh. Giờ thì chúng ta có Kinh Thánh đầy đủ rồi, chúng ta không cần ân tứ tiếng lạ siêu nhiên nữa.”

Nhưng sự giải thích câu 10 như thế không hợp lý khi bạn kết hợp câu đó với câu 12.

I CÔ-RINH-TÔ 13:12

“Vì hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ qua gương, đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy tận mặt. Bây giờ chúng ta chỉ hiểu biết một phần, đến bấy giờ chúng ta sẽ biết hoàn toàn như Chúa biết chúng ta vậy.”

Điều rõ ràng là chúng ta chưa thấy mặt đối mặt và chúng ta vẫn còn thấy qua cái gương cách mập mờ. Vì thế rõ ràng là những lời tiên tri cũng chưa chấm dứt, và tri thức cũng chưa biến mất và tiếng lạ cũng không hết!

Những người mà cố cấm đoán tiếng lạ thường dựa trên đoạn Kinh Thánh này nên đọc kỹ I Cô rinh tô 14:39 “Thế thì, thưa anh chị em, hãy khao khát tìm kiếm ân tứ làm tiên tri và đừng ngăn cấm việc nói tiếng lạ.” Sứ đồ Phao lô và Hội Thánh đầu tiên chắc chắn đã không cấm người ta nói tiếng lạ. Thật ra, Phao lô nêu ra một số lý do trong chương Kinh Thánh này để khích lệ người ta nói tiếng lạ, là đề tài chúng ta sẽ bàn đến sau.

Sự chống đối # 4: ‘Chỉ có sứ đồ mới cầu nguyện cho người ta nhận lãnh báp-tem trong Thánh Linh.’

Một số người dùng Công vụ 8:14-17 để chứng minh rằng báp-tem trong Thánh Linh với bằng cớ nói tiếng lạ là chỉ dành cho Hội Thánh đầu tiên đang khi các sứ đồ đầu tiên còn sống. Những người này đã lập luận sai lầm rằng chỉ có những sứ đồ mới giúp người ta nhận báp-tem trong Thánh Linh.

Tuy nhiên, đoạn Kinh Thánh trong Công vụ chứng minh ngược lại mới đúng.

I CÔNG VỤ 8:14-17

“Nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Chúa, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem liền sai Phê-rơ và Giăng xuống thăm. Đến nơi, hai ông cầu nguyện cho các tín hữu nhận lãnh Thánh Linh, vì Thánh Linh chưa giáng xuống trên người nào cả; họ chỉ mới chịu phép báp-tem nhân danh Chúa Jêsus mà thôi. Rồi hai ông đặt tay trên các tín hữu thì họ đều nhận lãnh Thánh Linh.”

Những người mà lập luận rằng tiếng lạ chấm dứt cùng với vị sứ đồ cuối cùng cho rằng các sứ đồ đã nhận Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ Tuần, và họ mới có thể chuyển giao Thánh Linh cho người khác. Nhưng các tín hữu kế tục đã không thể chuyển giao Thánh Linh cho ai khác.

Những người này phản đối, “Đó là lý do Phi-líp không cố gắng chuyển giao Thánh Linh cho những người Sa-ma-ri sau khi ông đã giúp họ tin Chúa. Phi-líp không giúp người ta nhận báp-tem trong Thánh Linh bởi vì ông không phải là sứ đồ đầu tiên. Vì thế Phi-e-rơ và Giăng phải đến Sa-ma-ri để đặt tay cho những tân tín hữu này để họ nhận Thánh Linh. Nhưng khi vị sứ đồ cuối cùng chết, khả năng giúp nhận báp-tem trong Thánh Linh cho người khác cũng đã chấm dứt.”

Nhưng lập luận như thế cũng không hợp với Lời Chúa. Sau này chúng ta sẽ nói đến nhiều về năm trường hợp được Kinh Thánh ghi lại trong sách Công vụ có nói đến việc các tín hữu đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng tôi muốn đề cập đến khía cạnh đặc biệt ở đây. Hai trong số năm trường hợp các tín hữu nhận Thánh Linh, họ đã nhận lãnh mà không có sự đặt tay. Và một trong ba trường hợp kia, những người giúp nhận báp-tem trong Thánh Linh không phải là sứ đồ. Tôi nói về “một môn đồ tại Đa-mách tên là Anania” (Công vụ 9:10) là người đến gặp Sau-lơ ở thành Tạt-sơ (ngay sau đó được gọi là Phao-lô) và đặt tay trên ông để ông được đầy dẫy Thánh Linh (Công vụ 9:17).

Một lần nọ sau khi giảng tại buổi nhóm, tôi ngồi xuống trên một chiếc ghế ở tòa giảng và đặt tay trên một số người sắp hàng đi ngang qua tôi để nhận sự chữa lành và nhận Thánh Linh.

Khi tôi hỏi mỗi người tại sao họ lại tiến lên để được cầu nguyện, thì một người nam đang đứng xếp hàng lên tiếng “Có phải ông tuyên bố ông là sứ đồ không?” Mọi người đều nghe lời thắc mắc của người này qua cái mi-cro.

Tôi trả lời, “Không, tôi không phải là sứ đồ, và tôi cũng không tuyên bố tôi là sứ đồ. Tôi biết chắc tôi không đủ tiêu chuẩn đó.”

Người này hỏi tôi, “Vậy thì ông làm gì mà đặt tay lên người ta để nhận Thánh Linh?”

Dĩ nhiên, ngay lúc người này nói điều đó, tôi “bắt trúng mạch” của anh ta. Nên tôi nói, “Tôi thấy anh biết rõ Kinh Thánh Tân Ước.”

“Đúng vậy! Chúng ta sẽ nói chỗ nào Tân Ước nói, và chúng ta sẽ im lặng chỗ nào Tân Ước im lặng.”

Tôi nói, “Thôi được rồi! Có phải anh nói Tân Ước dạy không có ai ngoại trừ các sứ đồ đầu tiên mới giúp người ta nhận sự đầy dẫy Thánh Linh phải không? Nói cách khác, có phải anh tin rằng chỉ có mười hai sứ đồ mới nhận Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ Tuần, chứ không phải 120 môn đồ phải không?”

Người này trả lời, “Phải!”

“Vậy thì anh cũng tin những sứ đồ này có quyền để chuyển giao quyền năng giúp nhận Thánh Linh cho người khác qua sự đặt tay – nhưng khi vị sứ đồ cuối cùng chết thì tất cả những ơn phước này đều chấm dứt phải không?”

“Vâng, đúng vậy.”

Tôi nói, “Sự khác biệt duy nhất giữa anh và tôi là anh cho rằng anh sẽ nói những gì Tân Ước nói và im lặng những gì Tân Ước im lặng, nhưng anh đang nói dối. Ngược lại, tôi nói những gì Tân Ước nói và im lặng những gì Tân Ước im lặng.”

Người này hỏi, “Anh có ý muốn nói gì?”

Tôi nói, “Chứ còn Anania trong Công vụ đoạn 9 thì sao? Anania không phải là sứ đồ mà.”

Người này nói, “Tôi không biết chính xác ông muốn nói gì.”

Tôi mở Kinh Thánh đến Công vụ đoạn 9 và đọc các câu sau:

CÔNG VỤ 9:10-12,17

“Tại Đa-mách, có một môn đệ của Chúa tên là Anania. Trong khải tượng, Chúa gọi: “Anania!” Ông thưa: “Lạy Chúa, có con đây!” Chúa bảo: “Con hãy đứng dậy đến Phố Thẳng, tìm trong nhà Giu-đa một người tên Sau-lơ quê ở Tạc-sơ, vì người đang cầu nguyện và đã thấy trong khải tượng một người tên Anania bước vào đặt tay trên mình để được sáng mắt lại.” Anania ra đi, bước vào nhà ấy, đặt tay trên Sau-lơ mà bảo: Anh Sau-lơ! Chúa đã sai tôi đến, chính Đức Jêsus đã hiện ra với anh trên con đường anh đi đến đây, để anh được sáng mắt lại và đầy dẫy Thánh Linh!”

Tôi nói với người này, “Bây giờ xin anh hãy trả lời cho tôi, Anania có phải là sứ đồ không?”

Người này nói, “Tôi không biết Kinh Thánh lại nói đến Anania.”

“Anh thấy đó, anh tốt hơn là nên cẩn trọng khi anh nói anh sẽ nói những gì Tân Ước nói. Không một nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng chỉ có những sứ đồ mới có thể giúp người ta nhận báp-tem trong Thánh Linh.”

Khi người này chuẩn bị bỏ đi, tôi nói, “Khoan đã! Trước khi anh đi, tôi hỏi anh là có phải tôi là sứ đồ và cố gắng chứng tỏ rằng tôi không có quyền đặt tay trên người khác để nhận Thánh Linh bởi vì tôi không phải là sứ đồ không. Nhưng tôi muốn chứng minh cho anh từ Lời Chúa rằng những người không phải là sứ đồ cũng có thể đặt tay trên người khác để họ nhận Thánh Linh.

Tôi nói tiếp, “Anh muốn biết bởi uy quyền nào tôi có thể giúp đỡ qua sự đặt tay, và tôi muốn nói cho anh biết. Tôi đặt tay lên người ta để họ nhận Thánh Linh bởi cùng một uy quyền mà “một môn đồ tại Đa-mách tên là Anania đặt tay trên Sau-lơ thành Tạt-sơ. Kinh Thánh nói trong câu 10: ‘…Chúa phán với ông [Anania] trong khải tượng…’”

Từ ngữ môn đồ nghĩa là “một người theo Chúa”. Ông Anania này không phải là sứ đồ. Ông cũng không phải là một tiên tri. Ông cũng không phải là một nhà truyền giảng. Ông cũng không phải là Mục Sư. Ông cũng không phải là một giáo sư. Ông chỉ là người mà bạn và tôi thường gọi là “người hầu việc Chúa tình nguyện,” và ông được chính Chúa Jêsus, là Đầu của Hội Thánh, bảo đặt tay lên Sau-lơ để nhận Thánh Linh.

Tôi tin Đức Chúa Trời đặt câu chuyện này trong Kinh Thánh bởi vì Ngài biết là chúng ta gặp phải cùng một lập luận này từ một số tín hữu khác – cho rằng chỉ có các sứ đồ mới có thể giúp nhận báp-tem trong Thánh Linh và khi vị sứ đồ cuối cùng chết, thì công việc này cũng chấm dứt luôn. Những người lý luận cách đó sẽ câm miệng khi họ khám phá ra những gì Kinh Thánh Tân Ước thật sự nói đến.

Tôi nói với người này, “Tôi đặt tay trên người ta để nhận Thánh Linh bởi vì cùng một Thánh Linh đã hiện ra với Anania tại Đa-mách cũng bảo tôi, ‘Ta muốn con cũng đặt tay lên các tín hữu để họ nhận Thánh Linh.’

“Đó là uy quyền mà tôi giúp đỡ qua việc đặt tay – chính Chúa Jêsus, là Đầu của Hội Thánh. Nếu anh muốn gì, tôi đề nghị anh nên trình với Chúa Jêsus, bởi vì Ngài là Đấng bảo tôi làm việc này.” Nói thế, tôi làm cho anh ta bỏ đi luôn.

Tôi muốn nêu lên một điểm nữa về những gì xảy ra khi Chúa Jêsus bảo tôi rằng Ngài ban cho tôi chức vụ đặt tay để người ta nhận sự đầy dẫy Thánh Linh.

Tôi không nhất thiết là vui về tin này. Tôi thưa với Chúa Jêsus, “Lạy Chúa, con đã nhận quá nhiều sự chỉ trích từ những tín đồ được đầy dẫy Thánh Linh trong Hội Thánh con. Con biết chắc rằng khi con đặt tay trên người ta để nhận Thánh Linh, con sẽ nhận sự chỉ trích hơn nữa! Chúa ơi, con nghĩ là con không muốn làm điều này. Con muốn Ngài ban chức vụ này cho ai khác.”

Vâng, Chúa Jêsus quả quyết là tôi phải làm việc này. Ngài hỏi tôi, “Ai kêu gọi con? Có phải Ta gọi hay người ta gọi?”

Tôi thưa, “Lạy Chúa, Ngài kêu gọi.”

Rồi Ngài hỏi tôi, “Con sẽ khai trình chức vụ của con cho ai – cho Ta hay cho người ta?”

Tôi thưa, “Lạy Chúa, khai trình cho Ngài!”

Rồi Chúa nói, “Như Kinh Thánh chép mọi người đều đứng trước tòa phán xét của Chúa Cứu Thế để khai trình những công việc của mình làm trong thân thể này [2 Cô rinh tô 5:10]. Vào ngày đó, con sẽ đứng trước mặt Ta và khai trình cho Ta. Và tất cả những người đã chỉ trích chức vụ của con cũng sẽ khai trình cho Ta về những gì họ nói nữa. Nói cho cùng, ấy là chức vụ của Ta, và khi người ta chỉ trích chức vụ của con về việc đặt tay, họ đang chỉ trích Ta.”

Chúa Jêsus nói tiếp, “Vì thế con hãy phó những người này vào tay Ta. Họ sẽ phải khai trình với Ta về những gì họ nói. Trong khi đó, Ta đã ban chức vụ này cho con, và con cũng sẽ phải khai trình với Ta về việc con có hoàn tất chức vụ Ta đã ban cho con hay không.”

“Chúa ơi, con đoán là tốt hơn hết con phải làm thôi.”

Chúa Jêsus đáp, “Con chắc chắn phải làm.”

Tôi hỏi, “Nhưng con sẽ nói với người ta điều gì?

Chúa Jêsus ban cho tôi ba trường hợp trong sách Công vụ, những chỗ mà người ta nhận Thánh Linh qua sự đặt tay. Rồi Ngài phán với tôi, “Hãy chia sẻ những câu Kinh Thánh này.”

Vì thế đây chính là điều tôi đã làm. Cảm ơn Chúa về Lời của Ngài! Lời Chúa thật rõ ràng và súc tích.

Đừng Rơi Vào Lối Mòn Của Ngũ Tuần

Trước khi Chúa Jêsus ban cho tôi chức vụ đặt tay, Ngài cũng dùng tôi để giúp cho người ta được đầy dẫy Thánh Linh.

Vào năm 1939, tôi đang giúp cho Hội Thánh của một Mục Sư nọ, và tôi giảng về sự cứu rỗi – lúc đó là sứ điệp duy nhất mà tôi biết cách để giảng. Ngay giữa sứ điệp, tôi bắt đầu nói tiếng lạ. Tôi tin đây là lần thứ hai hay là lần thứ ba mà tôi đã ban phát sứ điệp trong tiếng lạ nơi hội chúng. Tôi nói tiếng lạ ba lần liên tiếp và thông giải mỗi lần tôi nói.

Tất cả sự thông giải này là nói về sự đầy dẫy Thánh Linh, hoàn toàn khác với đề tài tôi đang giảng. Đức Chúa Trời đang tìm cách hướng buổi nhóm sang một hướng khác. (Chúng ta là những người hầu việc Chúa cần nhạy bén với cách mà Thánh Linh sẽ làm trong các buổi nhóm và hòa nhịp với Ngài.)

Bởi sự cảm động của Thánh Linh, tôi thấy tôi làm một điều mà tôi chưa làm trước đây. Tôi chỉ nói, “Nếu ai chưa được đầy dẫy Thánh Linh và muốn được đầy dẫy, xin hãy đứng lên.”

Tức thì năm người đứng lên.

Đứng giữa chỗ bục giảng, tôi nói với năm người này, (và tôi ngạc nhiên khi tôi nói điều này!) “Hãy nhận lãnh Thánh Linh!” Tất cả năm người bắt đầu nói tiếng lạ, bà ta quá phấn khởi đến nỗi bà ra khỏi hàng ghế nhà thờ và bắt đầu nhảy múa.

Vị Mục Sư nhìn tôi ngạc nhiên và nói, “Ô thôi, những người này đã tìm kiếm báp-tem trong Thánh Linh nhiều năm rồi. Họ đã chờ đợi không biết bao nhiêu giờ. Chúng tôi đã khổ cực với họ lắm và rốt cuộc cũng nhụt chí luôn –đặc biệt là người phụ nữ đang vui mừng nhảy múa kia! Chúng tôi không cầu nguyện cho bà nữa, nghĩ rằng bà không thể nhận Thánh Linh được. Không ai cầu nguyện cho bà nữa.

Không lạ gì người đàn bà này nhảy múa xuống dưới hàng ghế. Hội chúng trước đây đã la hét, kêu gào và khóc lóc trong nhiều năm, tìm cách để giúp người đàn bà này nhận báp-tem trong Thánh Linh – và Đức Chúa Trời đã đầy dẫy bà trong giây lát.

Sau buổi nhóm đó vị Mục Sư nhờ tôi tổ chức buổi nhóm phấn hưng kéo dài một tuần lễ tại đó – và cuộc phấn hưng đã kéo dài một tháng mới kết thúc. Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi một cuộc phấn hưng đầy quyền năng đến nỗi số tín hữu học Trường Chủ Nhật và số tín hữu của Hội Thánh vị Mục Sư này nhân lên gấp đôi và tài chánh thì gia tăng gấp ba. Tôi không làm những việc này. Đức Chúa Trời đã làm. Tôi chỉ để Đức Thánh Linh hành động.

Tôi nhớ một buổi tối nọ tại buổi nhóm phấn hưng này. Người ta được đầy dẫy Thánh Linh hàng đêm, nhưng một tối nọ mười hai người tiến lên để nhận Thánh Linh. Đó là con số người tiến lên cầu nguyện đông nhất lúc đó. Tôi muốn giúp mười hai tín hữu này ra khỏi “lối mòn thuộc linh” mà họ đã rơi vào, nên tôi không để họ quỳ gối ngay trên chỗ bục giảng.

Chúng ta thảy đều có rơi vào “lối mòn thuộc linh”, ngay cả chuyện thiêng liêng như quỳ gối cầu nguyện. Điều đó không có nghĩa là quỳ gối cầu nguyện là sai. Xét cho cùng, Phao-lô nói trong Êphêsô 3:14. “…Tôi quỳ gối trước mặt Cha,” và chính bản thân tôi cũng quỳ gối khi cầu nguyện. Nhưng chúng ta có thể rơi vào “lối mòn”, tức chúng ta chỉ tìm kiếm Chúa theo một cách nào đó mà thôi, cho đến khi cuối cùng chúng ta thấy đời sống thuộc linh của chúng ta không tăng trưởng gì.

Đó là những gì đã xảy ra với nhiều tín đồ trong nhóm Ngũ Tuần và Ân Tứ. Khi người ta tìm kiếm Chúa để nhận Thánh Linh, họ thường làm theo “cách mà giáo hội họ thường làm trước đây,” như cầu nguyện ở nhà thờ. Rồi họ cũng thường ngợi khen Chúa ở lý trí, nói như con vẹt những gì họ nghe người khác nói, hơn là ngợi khen Chúa từ tấm lòng – và họ chỉ tới mức đó thôi. Tôi gọi việc này là “lối mòn Ngũ Tuần”. Đó là thói quen mà nhiều người đã thấy khó thoát ra khỏi.

Vì thế tôi chỉ mười hai người tiến lên để nhận Thánh Linh đứng phía trước bục giảng. Rồi tôi nói với họ, “Hãy nhận lãnh Thánh Linh!” – và mọi người bắt đầu nói tiếng lạ cùng một lúc. Điều này xảy ra trong chốc lát! Tất cả đều nhận. Tôi không đụng họ hay đặt tay cho họ gì cả.

Trong suốt thập niên 1940, đây là cách chủ yếu Thánh Linh dùng tôi để giúp người ta nhận báp-tem trong Thánh Linh và Ngài tiếp tục làm việc với tôi theo cách đó nhiều lần trong chức vụ của tôi. Phần lớn tôi không đặt tay trên người ta. Tôi chỉ bảo họ tiến lên và đứng phía trước bục giảng. Rồi thì tôi bảo họ hãy nhận lãnh Thánh Linh và họ đã nhận.

Vì thế bạn có thể thấy rằng theo Kinh Thánh, bạn không phải là một trong số các sứ đồ đầu tiên mới hướng dẫn người ta nhận báp-tem trong Thánh Linh. Bạn không cần phải trở thành một Mục Sư. Ngày nay tín hữu khắp nơi trên thế giới đang giúp người ta nhận sự đầy dẫy Thánh Linh, như một môn đồ tên là Anania đã làm cách đây nhiều năm.

Đây chỉ mới là bốn trường hợp chống đối thông thường mà người ta thường dùng để chống lại việc nói tiếng lạ bởi vì họ không biết Lời Chúa nói gì về việc này. Chúng ta sẽ bàn thêm về chủ đề này, chúng ta sẽ nói đến những câu hỏi và những quan điểm sai lầm khác mà người ta thường nêu ra. Nhưng mẫu số chung ở đây là hãy nhớ khi chúng ta nghiên cứu đề tài này hay bất kỳ đề tài nào khác trong đời sống thuộc linh: “Chúng ta bám lấy Lời Chúa chừng nào thì chúng ta càng đúng đắn trong những gì chúng ta làm.”

 

Kenneth E. Hagin

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan