“Linh hồn Ta đau buồn cho đến chết… Xin Cha cất chén nầy khỏi Con, nhưng không theo ý Con mà theo ý Cha”
– Ma-thi-ơ 26.38a,39b – BTTHĐ 2010
Những thử thách trong bước đường theo đuổi tình yêu nói lên chiều dài của tình yêu. Những nỗi đau đớn thống khổ vì yêu minh chứng cho chiều sâu của tình yêu đó. Và chiều cao của tình yêu, không gì khác hơn, chính là những hy sinh tận hiến cho người đối tượng của tình yêu.
Tình yêu không phải là một bầu không gian thể lý với sự phân biệt giữa chiều dài, chiều cao và chiều sâu. Nó là một bầu không gian quyện lại chiều dài, chiều sâu và chiều cao với nhau. Nó là một nơi kết hợp lại bản chất thắng mọi thử thách, lòng thống khổ và sự hy sinh tất cả. Và không ai, ngoài Chúa Giê-su, có được tình yêu đó.
Chiều dài, cao và sâu của tình yêu mà Chúa Giê-su đã dành mỗi người chúng ta và nhân loại là những chiều kích yêu thương vô tận với đầy quyền năng giải phóng người tin nhận Ngài ra khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết, và biến đổi người đó thành một con người mới đầy sự bình an, hy vọng và sức sống thiên thượng. Không ai có thể ví sánh với Ngài.
Mùa Thương Khó – Phục Sinh nhắc chúng ta ôn lại, tái khám phá, tận hưởng và đáp ứng với chiều dài, chiều cao và chiều sâu vô cùng của tình yêu của Chúa Giê-su dành cho con người chúng ta.
1. CHIỀU DÀI THỬ THÁCH
Tình yêu của Chúa Giê-su đổ ra cho con người chúng ta là một tình yêu thắng hơn mọi thử thách ở mức tận cùng. Phao-lô, nguyên là một người điên cuồng chống lại những người tin theo Chúa Giê-su nhưng sau khi được tình yêu của Ngài biến đổi, ông đã chiêm nghiệm về tình yêu thương của Chúa. Ông khám phá ra và viết trong thư ông gửi cho các tín hữu thành Phi-líp:
6 Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời,
Nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời
Là điều nên nắm giữ;
7 Ngài đã từ bỏ chính mình,
Mang lấy hình đầy tớ,
Và trở nên giống như loài người.
8 Ngài đã hiện ra như một người,
Tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết,
Thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2.6-8, BTTHĐ 2010)
Phao-lô nhìn thấy sự lạ lùng không thể giải thích được về những mỹ đức mà Chúa Giê-su bày tỏ trong lúc Ngài đối diện với những thử thách tột cùng. Gọi là tột cùng vì đây không phải là những thử thách đến từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong chính Ngài. Những mỹ đức này khiến cho Ngài có thể “thắng” chính mình để bởi đó mà Ngài có thể đến thế gian để cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và sự chết:
— Ngài đã “từ bỏ chính mình”, bỏ địa vị Ngôi Hai Đức Chúa Trời là bình đẳng với Đức Chúa Cha, để “hạ mình” trở thành một người “đầy tớ” phục vụ chương trình Cứu Chuộc loài người của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
— Ngài “trở nên giống như loài người;” Ngài “hòa mình” với mọi người. Trong thời gian thi hành chức vụ giảng Tin Lành, Ngài đến với và sẻ chia Tin Lành cho mọi thành phần trong xã hội từ kẻ ăn xin, gái điếm, người thu thuế cho đến giới trí thức và lãnh đạo Do Thái v.v.
— Ngài “hạ mình” đến mức chết trên thập giá là cái chết nhục nhã nhất theo hình luật La-mã thời đó.
Bởi Chúa Giê-su đã “bỏ mình”, “hòa mình” và “hạ mình” mà Ngài có thể đến thế gian, trở nên một con người như chúng ta để có thể chịu chết trên thập giá. Bởi cái chết chuộc tội của Ngài, Đức Chúa Trời là Cha có thể tha thứ xóa sạch mọi tội lỗi và hình phạt của tội lỗi cho con người chúng ta. Và cùng với Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh có thể vận hành ngự trọn vẹn ở trong và biến đổi con người chúng ta trở nên giống Ngài mà xứng hợp với sự sống đời đời trong nước Đức Chúa Trời.
Vì Chúa Giê-su đang sống trong trong mỗi người tin nhận và sống theo Lời Ngài (Ma-thi-ơ 28.20b; Giăng 15.4, 17.23; Ga-la-ti 2.20) nên tình yêu với năng quyền đắc thắng đó đang sinh ra từ trong chúng ta. Qua sự hiện diện của Đức Chúa Trời là Cha, Đức Thánh Linh tuôn đổ tình yêu thương đó vào trong chúng ta, “Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta.” (Rô-ma 5.5b).
Hãy hết lòng cảm tạ và tôn vinh Ba Ngôi Đức Chúa Trời về tình yêu thắng hơn mọi thử thách của Chúa Giê-su. Hãy sống bằng tình yêu này, sống tận hưởng tình yêu này, và sống sẻ chia tình yêu này trong gia đình, cho mọi người, hội thánh và xã hội. Hãy làm như vậy bằng tấm lòng và hành động yêu thương sẻ chia Tin Lành cho mọi người.
2. CHIỀU SÂU ĐAU ĐỚN THỐNG KHỔ
Nỗi đau đớn nhất của người đang yêu là bị từ khước, phản bội và bán đứng hay bị bỏ rơi.
Đức Chúa Trời đã ban Chúa Giê-su là Cứu Chúa cho tuyển dân cho Ngài là người Do Thái. Nhưng họ từ chối Ngài. Ngài chữa bệnh, đuổi quỷ, làm phép lạ hóa bánh cho hàng ngàn người ăn và giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời cho họ. Nhưng họ vẫn không tin nhận Ngài. Ngài chọn 12 sứ đồ nhưng một là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản bội và bán đứng Ngài; trong lúc 11 sứ đồ còn lại thì bỏ rơi Ngài và chạy trốn; Phê-rơ là sứ đồ đặc biệt trong số 12 sứ đồ lại chối Ngài 3 lần. Ở tòa án La-mã, khi tổng trấn Phi-lát muốn tha Chúa Giê-su thì những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái và đoàn dân lớn tiếng kêu hãy tha cho Ba-ra-ba là kẻ giết người nhưng đóng đinh Giê-su đi! Khi xảy ra biến cố Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết thì giới lãnh đạo Do Thái lại “thông tin” rằng các môn đệ lấy cắp xác của Ngài – trong lúc cửa mộ là tảng đá cần phải có vài người lăn để mở và đang được một đội lính canh gác!
Điều lạ lùng nhất của người đang yêu là dù bị từ khước, phản bội và bán đứng hay bị bỏ rơi – người đó vẫn yêu và vẫn tận hiến tất cả cho đối tượng mình yêu.
Điều không thể hiểu được, theo cách phản ứng của con người chúng ta, là Chúa Giê-su, dù bởi thần tính biết trước hầu hết mọi người sẽ chối bỏ và phản bội Ngài, nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương họ và chết trên thập giá vì họ và cho họ.
Đối tượng tình yêu của Ngài không chỉ là người Do Thái nhưng là toàn thể nhân loại. Tình yêu của Ngài là tình yêu siêu nhiên của Đức Chúa Trời vượt qua mọi thời gian và không gian. Dù bởi thần tính biết trước chúng ta là những tội nhân, Ngài vẫn yêu chúng ta đến nỗi chịu chết thay cho tội lỗi và hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu.
6 Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. 7 Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. 8 Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta. (Rô-ma 5.6-8)
Trên thập giá, trước khi chết, Chúa Giê-su đã nói những gì? Mỗi sách Phúc Âm, từ góc độ riêng, ghi lại 3 câu nói của Ngài. Ma-thi-ơ 27.46b và Mác 15.34b cùng ghi lại: “Đức Chúa Trời của Con, sao Ngài lìa bỏ Con?” Khi Chúa Giê-su gánh lấy tất cả mọi tội lỗi của nhân loại, trong đó của mỗi người chúng ta, thì Đức Chúa Trời, do bản tánh thánh khiết không chấp nhận tội lỗi, không thể tiếp tục tương giao với Con. Đức Chúa Trời là Cha phải ngăn cách với Chúa Giê-su. Còn nỗi đau đớn nào hơn là không chỉ loài người nhưng cả CHA phải lìa bỏ Ngài!
Nếu “điều đau đớn nhất của người đang yêu là bị từ khước, phản bội và bán đứng hay bị bỏ rơi” thì “điều mãn nguyện nhất của người đang yêu – là đối tượng đã từ khước, phản bội và bán đứng mình nay ăn năn và quay trở lại với mình.”
Chúa Giê-su đã sống lại vinh hiển. Vì Ngài đã làm trọn sứ mạng “chiên con” gánh lấy tội lỗi của nhân loại nên Ngài được phục hồi vinh hiển:
9 Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao,
Và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,
10 Để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus,
Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất.
Đều phải quỳ xuống,
11Và mọi lưỡi đều phải xưng nhận
Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa,
Mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Phi-líp 2.9-11).
Chúng ta không còn nhìn lại Đêm Thương Khó như là một biến cố thê thảm tuyệt vọng và sầu não; nhưng chúng ta ý thức được nỗi thống khổ của Chúa Giê-su. Chúng ta thấy được chiều sâu vô cực của tình yêu của Ngài. Chúng ta cảm ơn Ngài bằng cả linh thần và sự sống của chúng ta. Chúng ta đáp ứng với tình yêu của Ngài bằng lời hứa nguyện sẽ hết lòng ăn năn tội và sống vâng phục Ngài, để Ngài làm chủ mọi góc cạnh của cuộc đời của chúng ta; không để cho Ngài phải chịu thống khổ nữa. Chúng ta yêu thân thể của Ngài là hội thánh. Chúng ta yêu các chi thể của Ngài là các giáo hội, hệ phái, hội thánh địa phương và các cơ quan phục vụ cơ đốc v.v… Chúng ta khao khát Đức Thánh Linh vì Ngài là Đấng rải tình yêu thương của Đức Chúa trong chúng ta để chúng ta có thể yêu Ngài bằng một tình yêu cao sâu hơn là tình yêu bất toàn của con người.
3. CHIỀU CAO TẬN HIẾN
Chúng ta có thể cho mà không yêu nhưng chúng ta không thể yêu mà không cho.
Càng suy niệm và tái khám phá về chiều dài thử thách và chiều sâu thống khổ của tình yêu mà Chúa Giê-su dành cho con người chúng ta, chúng ta càng thấy rõ sự tận hiến toàn vẹn của Ngài cho nhân loại và mỗi người chúng ta.
Chúa Giê-su tận hiến cao hơn mức tuôn đổ ra tất cả những điều tốt nhất của Ngài.
Ngài đã tận hiến những điều tốt đẹp nhất của Ngài như địa vị Ngôi Hai Đức Chúa Trời (để đến thế gian sống là một con người như chúng ta), cuộc đời và sự sống trong thế gian của Ngài (để truyền bá Phúc Âm bằng mọi cách). Nhưng Ngài còn tận hiến cao sâu hơn nữa. Ngài đã gánh lấy mọi tội lỗi và hình phạt của nhân loại trên thập giá. Nói một cách khác, Ngài rút hết mọi sự xấu xa tội lỗi và hình phạt của chúng ta ra khỏi chúng ta và trút hết chúng vào chính Ngài.
Chúa Giê-su như là một người hiến tất cả máu sạch và tốt của mình cho một người khác (nhân loại) đang có máu huyết chứa tất cả các loại vi trùng và vi khuẩn hiểm độc mà thế giới đang có, từ hoại huyết, ebola cho đến HIV Aids. Con người không thể sống mà không có máu huyết. Đang lúc trút hết máu huyết sạch và tốt của để cho người đó được sống thì Ngài nhận lấy hết máu độc hại vô cùng của người khác đó vào trong thân thể của Ngài.
Giăng 19.30 ghi lại rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giê-su thốt lên: “Mọi việc đã hoàn tất” (Giăng 19.30). Ngài “thỏa lòng” vì đã tận hiến tất cả mọi điều tốt nhất và đã đem vào trong Ngài mọi tội lỗi của nhân loại (trong đó có chúng ta), để Đức Chúa Trời có thể xóa sạch mọi tội lỗi và hình phạt cho nhân loại. Ngài “thỏa lòng” vì đã làm trọn chương trình yêu thương cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Ngài tận hiến như vậy một cách thỏa lòng.
Hãy cảm tạ Chúa Giê-su vì Ngài đã yêu chúng ta bằng một tình yêu có chiều cao tận hiến tuyệt vời vô đối! Đừng nghi ngờ nữa, nhưng hãy tin nhận Ngài. Hãy để Ngài yêu thương chúng ta và hãy để chúng ta yêu thương Ngài. Hãy để cho dòng huyết của sự sống thanh tẩy và đổi mới của Ngài chảy trong tâm hồn, suy nghĩ, lời nói, việc làm và đời sống của chúng ta. Hãy theo gương Ngài mà dâng hiến đời sống của mình để phục vụ theo Lời Ngài kêu gọi. Hãy luôn suy niệm và ghi khắc rằng “”ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công Vụ 20.35c).
KẾT: Mùa Thương Khó – Phục Sinh là một thời điểm để chúng ta ôn lại và khám phá sâu xa hơn và tận hưởng tình yêu tuyệt đối của Chúa Giê-su. Để yêu thương và cứu chuộc chúng ta, Ngài phải từ bỏ chính mình. Cho dù người Do Thái ngày xưa, chúng ta ngày nay và nhân loại vẫn luôn từ chối, lìa bỏ và có khi phản lại Ngài; làm Ngài đau đớn thống khổ cùng cực, Ngài vẫn tiếp tục yêu và cứu chuộc mọi người. Ngài tiếp tục thỏa lòng trong sự ban cho những gì cao quý và tốt đẹp nhất của Ngài (trong đó có Đức Thánh Linh). Ngài tiếp tục thỏa lòng cất đi mọi tội lỗi và hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu, đem chúng vào trong Ngài (đang ở trong chúng ta) và thanh tẩy chúng.
Hãy để Chúa Giê-su yêu thương chúng ta và dùng tình yêu thương có quyền năng biến đổi của Ngài biến đổi chúng ta bằng cách tiếp nhận Ngài là Chúa của đời sống của mình. Hãy khao khát Đức Thánh Linh vì Ngài rải tình yêu thương lạ lùng vô đối đó trong chúng ta, để chúng ta sống bằng, tận hưởng và sẻ chia tình yêu thương đó cho mọi người.
Phạm Phi Phi.
Trừ khi có thông tin, dùng trong bài viết này là bản Kinh Thánh Truyền Thống Hiệu Đính 2010.