Con người được dựng lên từ cát bụi nên đến cuối đời, con người phải trở về cát bụi.
Chúa bảo loài người trở vào bụi tro. Ngài phán: “Hỡi con cái loài người, hãy trở về bụi tro” (Thi Thiên 90:3).
“Cả người lẫn thú đều qui về một nơi: bụi đất, vì cả hai đều do bụi đất mà ra” (Truyền đạo 3:20).
Bất cứ ai được sinh ra từ bụng mẹ, theo thời gian biết nghe, biết ngồi, biết bò, biết đứng, biết đi, biết nói. Đi đứng vững vàng, đủ tuổi khôn, con người bước vào đời để vẫy vùng với núi sông. Cuối cùng rồi già cả, bịnh tật, ai ai cũng chết, thân xác trở về bụi đất, còn linh hồn đi vào đâu chưa ai rõ!
Chết là một sự kiện phải có trong đời người mặc dù không ai muốn chết cả!
“Ai là người sống mà chẳng thấy sự chết? Ai cứu linh hồn mình khỏi quyền âm phủ?” (Thi Thiên 89:48).
Thông thường ai cũng nghĩ, chết là hết, là chấm dứt, là không còn nữa. Chết là xa cách gia đình, xa cách người thân. Chết là ghê sợ, là tối tăm, không còn hy vọng gì nữa. Đây là lối nói, lối suy nghĩ của người đời. Còn con dân Thiên Chúa, những người được sinh từ trên, bởi Thiên Chúa, thì sao? Có hy vọng gì hơn?
Theo Thánh Kinh, ai tin Chúa Jêsus cũng sinh sống, đi đứng trong đời, đến già cũng chết, nhưng linh hồn được trở về với Cha trên trời, thân xác nằm ở đất chờ ngày Chúa trở lại để được đổi mới thích hiệp với thiên đàng.
“Nầy, tôi cho anh chị em biết một sự huyền nhiệm: Không phải tất cả chúng ta đều sẽ ngủ, nhưng tất cả đều sẽ được biến hóa. Trong tích tắc, trong nháy mắt, khi tiếng kèn chót thổi. Vì kèn sẽ thổi lên, những người chết sẽ sống lại không hư nát và chúng ta sẽ được biến hóa” (1 Cô 15:51-52).
Có một câu truyện trong Thánh Kinh (Luca 15:11-24) nói về đứa con hoang đàng trở về nhà cha như sau:
“Một người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha: ‘Cha ơi, xin cha cho con phần tài sản của con. Người cha chia gia tài sản lên đường đi đến một nơi xa, ở đó ăn chơi trác táng, tiêu sạch gia tài mình. Khi nó đã tiêu hết tiền, cả xứ ấy bị nạn đói trầm trọng, nên nó bắt đầu túng ngặt. Nó đi làm thuê cho một người dân bản xứ, và được sai ra đồng chăn lợn. Nó mơ ước được ăn vỏ đậu lợn ăn để lấp đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Nó tỉnh ngộ, tự nhủ:’ Bao nhiêu kẻ làm thuê của cha ta đều có bánh ăn dư dật, mà nơi đây ta đang chết đói. Ta sẽ đứng dậy đi trở về với cha ta và thưa: ‘Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha coi con như người làm thuê của cha.’
Rồi nó đứng dậy, trở về nhà cha mình. Nhưng khi nó còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, liền chạy ra ôm cổ nó mà hôn. Người con thưa “ ‘Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa.’ Nhưng cha nó bảo các đầy tớ: ‘Hãy mau mau đem áo dài đẹp nhất mặc cho cậu, đeo nhẫn vào tay, mang dép vào chân. Cũng hãy bắt con bò to mập làm thịt đề ăn mừng, vì ‘con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà tìm lại được.’ Vậy họ bắt đầu ăn mừng”.
Cậu con trai út thật là bất hiếu, đòi chia gia tài khi cha còn sống. Có tiền trong tay, bỏ nhà cha đi theo bạn bè ăn chơi, tiêu phí cả tiền tài sức lực. Gặp lúc kinh tế khó khăn, cậu chết đói, đi chăn heo mong được ăn thức ăn của heo ăn mà ông chủ cũng không cho. Quá đau khổ, cậu thức tỉnh thấy mình có tội với Trời, với cha. Cậu trở về với cha, chỉ hy vọng được cha đối xử như đầy tớ trong nhà. Song người cha quá rộng lượng, mở rộng vòng tay đón con trở về, rồi bảo đầy tớ làm việc mừng vì lý do, ‘Con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà tìm lại được.’
Đức Chúa Trời dựng nên con người và vũ trụ đẹp đẽ bao la cho con người thụ hưởng nhưng con người phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời nên phải mang hậu quả của tội lỗi là sự chết:
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh phúc trong Chúa Jêsus, Chúa chúng ta” (La Mã 6:23).
Chết là đen tối, là ghê rợn. Chết là cái gì con người không ưa nhưng phải miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng trong câu chuyện người con hoang đàng vừa kể ở trên cho ta thấy điều mà người đời ít thấy, ấy là con người có thể sửa soạn cho sự chết được an toàn và cũng thay đổi được những cảnh ghê rợn sau khi nhắm mắt, thay đổi được cục diện sau khi chết. Do đó, chết chưa hẳn là đen tối. Người con trai hoang đàng đã tìm được lối thoát. Người con chẳng những được cha yêu thương tha thứ, được đối xử như con ruột chứ không phải đầy tớ trong nhà mà cũng được Đức Chúa Trời tha tội nữa. Người cha là hình ảnh của Đức Chúa Trời Tạo Hóa, Đấng có quyền tha tội cho ông bà và tôi vì Chúa Jêsus, Thượng Đế Ngôi Hai, đã chịu chết thay thế tội của chúng ta cách đây hơn hai ngàn năm rồi. Chúng ta là những tội nhân được hưởng ơn Trời, thở không khí của Trời, được Trời cho sức khỏe, học hành thành tài, làm ra tiền mà tiêu xài phí phạm, lìa bỏ Chúa, bỏ Trời giống như người con trai hoang đàng. Chỉ khi nào ta thức tỉnh, nhận mình có tội với Đức Chúa Trời, quay trở về nhận tội và tin nhận Đức Chúa Trời Ngôi Hai là Chúa Jêsus thì chúng ta mới được Đức Chúa Trời tha tội như lời Kinh Thánh xác nhận:
“Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài vốn là Đấng trung tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Giăng 1:9)
Huyết của Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội của chúng ta. Cả đến thiên sứ trên trời cũng vui mừng khi một tội nhân như chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội cho. Đây là niềm vui thiên thượng mà người cha trong câu truyện đã nói: ‘Con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm lại được’. Sống như người con trai hoang đàng bị Đức Chúa Trời kể là chết, là lạc mất, là tách biệt với Đấng dựng nên mình, dù người con trai đó đang sống như mọi người khác. Vì vậy, chết thể xác chưa hẳn là chấm dứt. Chết chỉ là hậu quả của tội lỗi mà mọi người đều phải chịu. Nhưng sau sự chết có sự sống đời đời cho những ai khi còn sống trên đất bằng lòng tin nhận và sống làm theo lời dạy của Chúa Jêsus. Thật vậy, đối với con dân Thiên Chúa, chết là trở về nhà Cha trên thiên đàng vì họ chết trong Chúa (Khải Huyền 14:13). Còn những ai chết mà không có Chúa Jesus trong đời sống là chết ngoài Chúa thì phải trở về đất, về địa ngục, về hồ lửa đời đời (Luca 16:22-23).
Câu truyện hai tử tội bị đóng đinh chung với Chúa Jêsus, một tên phỉ báng, ngạo nghễ, thách thức Chúa Jêsus hãy tự cứu lấy mình và cứu hắn thù hắn mới tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Còn anh tử tội kia nhận biết Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, là Đấng công bình ngay thẳng và quở trách tên tử tội kia rồi cầu xin Chúa Jêsus đoái thương nhớ đến anh khi Ngài trở về nước của Ngài. Chúa Jêsus liền đáp:
“Quả thật ta nói cùng anh, hôm nay anh sẽ được ở với ta trong nước Ba-ra-đi tức thiên đàng” (Luca 23:34-44).
Người con trai hoang đàng trở về nhà cha nhận mình có tội với Trời, với cha, nên cậu được cả Đức Chúa Trời ở thiên đàng và cha trần gian tha thứ. Chắc chắn đời người của cậu ta lúc còn sống trên đất đầy vui tươi, phước hạnh. Còn anh tử tội sắp lìa trần gian nhưng anh ta biết tin cậy Chúa Jêsus nên được Ngài cho phép vào thiên đàng. Tuy anh ta không còn cơ hội để sống cuộc đời con dân Thiên Chúa có phước hạnh ở trần gian như cậu con trai hoang đàng, nhưng đối với anh ta, chết không còn là đen tối, sợ sệt nữa, nhưng chết là về với Chúa Jêsus, ở với Ngài đời đời trên thiên đàng.
“Vì đối với tôi, sống là sống cho Thiên Chúa và nếu tôi chết thì vẫn có lợi cho tôi” (Phi líp 1:23).
Tôi còn nhớ, lúc còn nhỏ ở Thành Lợi, tôi bước vào nhà của một cụ tín đồ, tôi thấy ngay một cái quan tài để giữa nhà. Tôi sợ quá, tự hỏi, chắc trong nhà có ai chết? Ngay sau đó, cụ ông đi ra chào đón và nói chuyện vui vẻ với ba mẹ tôi trong một khoảng thời gian khá lâu. Tôi ngạc nhiên hết sức, tôi tưởng cụ ông qua đời mới để quan tài trong nhà, vì cụ bà đã qua đời vài năm trước còn lại một mình cụ ông trong nhà mà thôi. Sau đó tôi mới hiểu, cụ ông thật sự còn sống nhưng lo trước cho việc qua đời của mình. Thật vậy, con dân Thiên Chúa coi sự chết như là dời đổi nhà, rời nhà dưới đất đi đến nhà trên thiên đàng với Cha.
Cũng giống như kinh nghiệm chờ đón Chúa Jesus trở lại thế gian này mà ta thường nói nôm na là ngày tận thế. Chính Chúa Jesus đã giáng thế cách đây hơn hai ngàn năm, nên sự trở lại thế gian lần thứ hai đúng ra không có gì quá ngạc nhiên cho con dân Ngài. Vì ai tin nhận Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế là Đấng đến từ Đức Chúa Trời để giải cứu nhân loại thì có ngay Chúa Jêsus trong đời sống mình rồi. Ngoài ra vì vâng lời, tin cậy, yêu kính Chúa nên người tín đồ hay con dân Thiên Chúa thật sự đã quên, hiểu, gần gũi với Chúa. Vì vậy việc Chúa Jêsus trở lại đất, đem con cái Ngài về trời là việc gần như bình thường, không có gì ngạc nhiên, khó hiểu. Ngay khi sống ở đất con dân Thiên Chúa có Đức Thánh Linh trong lòng nên họ có thể cầu nguyện, nói chuyện điện đàm với Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Hát thánh ca, đọc và suy gẫm Thánh Kinh hằng ngày, thường xuyên làm cho con dân Thiên Chúa sống tương giao gần gũi thân mật với Đức Chúa Cha ở trên trời. Vì vậy thỉnh thoảng đó đây trong Thánh Kinh và lịch sử Hội Thánh có một số con dân Thiên Chúa được Đức Chúa Trời đem về trời ngay khi họ còn sống tại thế như cụ Hê-Nóc (Sáng Thế Ký 5: 23-24), cụ tiên tri Ê-li (2 Các Vua 2) hoặc được Đức Chúa Trời bào trước cho việc qua đời như cụ Môi-Se (Phục Truyền 31:14; 33:4-6). Gần đây một số đầy tớ Chúa sống tại Mỹ cũng được gặp Chúa trước khi chết do thân nhân, bạn bè của các cố Mục Sư Nguyễn Xuân Tín và Nguyễn Bá Quang kể lại.
Nói tóm lại, bất cứ ai sống càng gần Chúa càng có kinh nghiệm gần gũi thân thiết với Chúa phục sinh của mình. Do đó họ coi sự chết nhẹ nhàng như là một sự chuyển tiếp để về với Cha trên trời. Vợ chồng chúng tôi có thăm một bà tín đồ người Mỹ ở Harrisonburg tên là bà Lehman vài tuần trước khi bà chết. Bà cụ nằm trên giường nói chuyện vui vẻ với ai đến thăm, lúc nào bà cũng thưa với Chúa, “Chúa ơi, xin cho con về với Chúa, về nhà Chúa sớm, Chúa ơi.” Có biết bao con dân Thiên Chúa, không những an tâm, bình tĩnh đối diện với sự chết mà còn chuẩn bị cho cái chết của mình một cách đầy đủ. Nào là để lại chúc thư cho con cháu, cho nhà thờ, nào là sửa soạn sẵn cho chương trình tang lễ của mình; có vị lại viết sẵn bài giảng, giảng cho tang lễ của mình nữa, như cố giáo sĩ Paul Contento đã làm.
Có an tâm về ngày trở về nhà Cha ở trên thiên đàng, con dân Thiên Chúa mới cảm thông và bước ra lo giúp anh em, bà con, bạn bè đang đối diện với tử thần. Trong quyển sách Đối Diện Với Sự Chết Và Đời Sống Sau Khi Chết, Mục Sư Billy Graham dùng từ ngữ “chiến đấu với tử thần”. Ai cũng biết đánh giặc thì phải chuẩn bị, nghiên cứu để thắng huống chi ta đánh giặc với sự chết. Khi ta biết chắc bên kia sự chết có Cha trên trời mở rộng vòng tay tiếp đón chúng ta, chúng ta mới có thể giúp người khác đang bị giặc tấn công cũng như thân nhân của họ nữa. Xung quanh ta có biết bao bạn bè trong nhà thờ, bà con họ hàng đang mang những chứng bịnh ngặt nghèo chờ ngày chết.
Khi một người ra đi, dù cho gia đình người đó biết chắc người thân mình về với Chúa, những người còn lại gặp biết bao đau thương khó khăn như là tiền nhà, bảo hiểm, mồ mả, việc học hành của con cái, công ăn việc làm của người vợ hay chồng còn lại, cha mẹ đôi bên…Ngay ngày tang lễ, một tuần sau ngày tang lễ, một tháng sau ngày tang lễ là những chuỗi ngày cô đơn, buồn nhớ của những người thân còn lại. Dĩ nhiên nhà thờ, Mục Sư, tín đồ, cộng đồng bạn bè hết sức chăm sóc, giúp đỡ gia đình có tang chế trong những ngày đầu nhưng nếu tổ chức được, nhà thờ nên chủ động sắp xếp cho một số bạn thân của gia đình người chết thay phiên nhau ở gần bên người có tang chế để giúp đỡ chia sẻ gánh nặng cho gia đình tang chế suốt tuần, suốt tháng càng tốt. Chẳng hạn như ngày thăm mộ có bạn bè trong Hội Thánh đến chở gia đình ra thăm mộ rồi mời cả gia đình đi ăn chung.. Dĩ nhiên niềm tin, sự hy vọng hết sức quan trọng trong đời sống chúng ta. Dù biết chắc người thân mình về với Chúa nhưng nếu có tình người giúp thêm khiến cho gia đình tang chế sớm phục hồi, sinh sống bình thường trở lại thì gia đình tang chế đó có thêm kinh nghiệm quý báu để thương giúp gia đình khác cách hữu hiệu khi họ gặp cảnh đau thương giống như chính mình đã gặp.
Kính mời quý độc giả suy gẫm lại cuộc đời của mình, hầu sớm quyết định chọn cái chết trong Chúa Cứu Thế Jêsus để được trở về nhà Chúa và sống với Chúa đời đời ở thiên đàng. Quý hơn nữa là trọn thời gian sống trên đất kể từ khi quý vị tin nhận Chúa Jêsus và sống theo lời Ngài dạy trong Thánh Kinh thì đời người của quý vị thật có ý nghĩa, có phước hạnh, hữu ích cho người xung quanh đúng như lời Đức Chúa Trời hứa trong Thi Thiên 33:12: “Đức Chúa Trời ban phước cho dân tộc nào, cho cá nhân nào thờ kính Ngài”.
Câu hỏi thảo luận:
1. Từ “trở về” cát bụi và trở về nhà Cha trên trời có nghĩa gì?
2. Bạn có muốn chuẩn bị trở về thiên đàng không? Nếu muốn thì bạn chuẩn bị bằng cách nào và như thế nào? Mời bạn chia sẻ giúp một người có đi nhà thờ mà chưa biết chuẩn bị trở về nhà Cha trên trời.
Nguồn: Mục sư Lê Ngọc Cẩn, Trở Về (2002)