Hơn bao giờ hết, Y-sơ-ra-ên đang bị đủ mọi kẻ thù nghịch hay chống đối tấn công về mọi mặt từ chính trị, khủng bố, văn hóa vv. Sự tấn công đến từ những nguồn khác nhau: những nước thù nghịch Y-sơ-ra-ên, những nước không có lý do để thù nghịch nhưng chịu ảnh hưởng của những nước thù nghịch này để có thái độ thù nghịch với Y-sơ-ra-ên, những nước trước là bạn nhưng nay vì quyền lợi của họ mà hùa theo sự thù nghịch vv…
Những nước và những thế lực chống Y-sơ-ra-ên cùng những tổ chức văn hóa và tôn giáo (đáng buồn thay một số lớn là Cơ đốc!) phê phán Y-sơ-ra-ên đã thành công khi vẽ lên một hình ảnh bóp méo và vu khống cho Y-sơ-ra-ên: Y-sơ-ra-ên là thế lực chiếm đóng Pha-lét-tin, là nguyên nhân của tình trạng người tỵ nạn Pha-lét-tin, là kẻ cản trở những cơ hội hòa bình cho Trung Đông vv…
Trong loạt bài 3 phần, người viết tổng hợp các tư liệu để sẽ chia với bạn đọc những điểm chính như sau: (1) Vị trí đặc biệt của năm 2018 trong dòng lịch sử và tương lai của dân Y-sơ-ra-ên; (2) Khái Quát Nguồn Gốc Y-sơ-ra-ên Của Vùng Pha-lét-tin và Giê-ru-sa-lem; (3) Những âm mưu dùng chính trị, văn hóa và thần học để kéo thế giới vào chỗ chống lại chủ quyền hợp pháp của Y-sơ-ra-ên trên lãnh thổ và thành phố Giê-ru-sa-lem.
1/ VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT CỦA NĂM 2018 TRONG DÒNG LỊCH SỬ VÀ TƯƠNG LAI ĐẦY THÁCH THỨC CỦA Y-SƠ-RA-ÊN
[bs-quote quote=”Ta sẽ đem dân Y-sơ-ra-ên Ta từ chốn lưu đày trở về;
Họ sẽ lập lại các thành bị tàn phá và sống ở đó.
Họ sẽ trồng vườn nho và uống rượu nó,
Họ sẽ cày cấy vườn mình và ăn trái nó.
Ta sẽ lại trồng Y-sơ-ra-ên trên đất của họ
Và họ sẽ không hề bị nhổ khỏi đất mà Ta đã ban,”
Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ngươi phán vậy ” style=”style-10″ align=”center” author_name=”A-mốt 9:14-15″ author_job=”BTTHĐ 2010″][/bs-quote]
Năm 2018 là một năm rất quan trọng cho dân tộc và quốc gia Y-sơ-ra-ên với nhiều kỷ niệm có con số đặc biệt và tầm vóc lịch sử lớn lao như:
1/ Đánh dấu 120 năm Hội Nghị Si-ôn (Zionist Congress) là hội nghị khởi đầu phong trào vận động thành lập nước Y-sơ-ra-ên kể từ khi toàn thể người Y-sơ-ra-ên phải lưu vong trên 2000 năm.
2/ 100 năm Tuyên Ngôn Balfour công bố nước Anh, nước sẽ được Hội Quốc Liên ủy trị trên Pha-lét-tin, nhìn nhận phải có một quốc gia Do Thái ở vùng Pha-lét-tin trong tương lai.
3/ 70 năm Nghị Quyết 118 của Liên Hiệp Quốc về vấn đề phân chia đất Pha-lét-tin để thành lập nước Y-sơ-ra-ên và sau đó vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, Ben Gurion, lãnh đạo Phong Trào Nước Do Thái công bố khai sinh quốc gia Y-sơ-ra-ên.
4/ 50 năm kể từ Cuộc Chiến 6 Ngày với kết quả là Y-sơ-ra-ên kiểm soát được toàn bộ thành phố Giê-ru-sa-lem (với chính sách vẫn tôn trọng mọi quyền tự do tôn giáo và sự tự trị hành chánh của những khu vực trước đó không phải là của người Do Thái vv…).
Nhưng năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự lớn mạnh vượt bực của phong trào chống Y-sơ-ra-ên trên thế giới. Có thể thấy được cường độ của phong trào này qua phản ứng lên án quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông, vào ngày 6/12/2017, quyết định thi hành chính sách đã có từ năm 1995 thời Tổng Thống Bill Clinton là chính thức dời Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đến Giê-ru-sa-lem. Ngay trong vòng 15 ngày sau đó, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thứ năm 21/12/2017 đã biểu quyết lên án quyết định này với 128 phiếu thuận, 35 vắng mặt và 9 phiếu chống. Hầu hết các nước trong khối Liên Âu, đặc biệt một nước luôn sát cánh với Hoa Kỳ là nước Anh, bỏ phiếu thuận lên án. Hầu hết các nước trong số 128 nước bỏ phiếu thuận lên án là những nước đã được Hoa Kỳ viện trợ và một số trong đó được viện trợ rất nhiều. Rất đáng chú ý là khi đem vấn đề này ra biểu quyết lên án, chính Liên Hiệp Quốc đã vi phạm hiến chương của mình là không xen vào thẩm quyền ngoại giao của một nước thành viên!
Nhìn lại, kể từ thập niên 1990s, phong trào chống Y-sơ-ra-ên không chỉ phát triển trong phạm vi chính trị quốc tế nhưng còn lan rộng và lớn mạnh trong các tổ chức văn hóa của Châu Âu và Liên Hiệp Quốc. Phong trào này ăn sâu vào trong cả nhiều cơ quan từ thiện quốc tế có nguồn gốc Cơ Đốc mà một thí dụ điển hình là Hội Khải Tượng Hoàn Cầu – World Vision (xem trên Từ Vụ Án Mohammad El Halabi Đến Văn Hóa Chống Y-sơ-ra-ên). Nhưng đáng nguy hại hơn nữa là nhiều nhánh của dòng “Thần Học Thay Thế” đang chiếm ưu thế trong các trường Kinh Thánh ở Châu Âu và Hoa Kỳ, để trở nên một trong những động lực chính đưa đến những thay đổi tiêu cực sâu xa của các hội thánh Tin Lành Evangelical trong cái nhìn của họ về vị trí thần học cũng như chính trị của Y-sơ-ra-ên (xem thêm Những Hủy Phá Y-Sơ-Ra-Ên Của Thần Học Thay Thế). Người viết sẽ trình bày vấn đề này trong một bài khác, “Y-sơ-ra-ên Qua Những Cơn Bão Thần Học Và Văn Hóa.”
Dĩ nhiên, phong trào chống Y-sơ-ra-ên trên thế giới không kêu gọi bạo lực (mặc dù không lên án khủng bố mạnh bằng lên án Y-sơ-ra-ên); không chủ trương diệt chủng người Do Thái như Hít-le (Đức Quốc Xã). Nhưng nó đánh vào chỗ trọng yếu nhất của dân tộc và đất nước Y-sơ-ra-ên bằng cách vẽ lên cho thế giới những hình ảnh bóp méo về bản chất và chủ quyền của nước Y-sơ-ra-ên. Những hình ảnh như sau:
1/ Pha-lét-tin và Giê-ru-sa-lem là của người Pha-lét-tin, không phải là của người Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên là “kẻ chiếm đóng bất hợp pháp” trong lúc người tỵ nạn Pha-lét-tin là chủ nhân thực của vùng đất này.
2/ Y-sơ-ra-ên là kẻ dùng bạo lực đàn áp người Pha-lét-tin.
3/ Để tránh tranh chấp, không thể để cho Giê-ru-sa-lem là thủ đô Y-sơ-ra-ên nhưng hoặc là phải trao cho Liên Hiệp Quốc quản trị hoặc là chia cắt ra làm hai, một nữa thuộc Y-sơ-ra-ên và một nữa còn lại thuộc Pha-lét-tin.
Những hình ảnh kể trên đảo lộn sự thực, đổi trắng thành đen, biến nạn nhân thành phạm nhân và kẻ phá hoại trở thành nạn nhận – để thế giới và nhiều hội thánh lên án Y-sơ-ra-ên. Đây là một trong những thách thức lớn cho dân tộc và đất nước Y-sơ-ra-ên. Vì vậy chúng ta cần thấy rõ sự thật trọn vẹn về những điều này bằng một cái nhìn quân bình và công bằng cho cả người Y-sơ-ra-ên lẫn người Pha-lét-tin. Phần đầu tiên của cái nhìn này là thấy rõ sự thật về danh xưng Pha-lét-tin và chủ quyền trên lãnh thổ này và thành phố Giê-ru-sa-lem hiện đại.
2/ KHÁI QUÁT NGUỒN GỐC Y-SƠ-RA-ÊN CỦA GIÊ-RU-SA-LEM VÀ PHA-LÉT-TIN TỪ NĂM 1003 TCN ĐẾN TRƯỚC THẾ CHIẾN THỨ NHỨT (1914-1918)
Vua Đa-vít lập Giê-ru-sa-lem làm kinh đô của vương triều và trung tâm tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên vào năm 1003 trước Công Nguyên (TCN). Khoảng 40 năm sau đó, một con trai của ông là Sô-lô-môn xây đền thờ Giê-ru-sa-lem và biến thành phố trở thành một thủ đô trù phú của một tiểu đế quốc trải dài từ sông Ê-rơ-phát đến Ai-cập.
Vào năm 586 TCN vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nét-xa chiếm Giê-ru-sa-lem, hủy phá đền thờ và lưu đày hầu hết dân Y-sơ-ra-ên đến những vùng đất xa xôi trong đế quốc. Nhưng 50 năm sau, vua Ba-tư là Si-rút cho phép họ được trở về và xây dựng lại thành phố và đền thờ Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem và lãnh thổ thời trước năm 586 TCN được kể là một tỉnh tự trị của người Y-sơ-ra-ên trong Đế Quốc Ba-tư.
Trong những chiến dịch mở mang Đế Quốc Hy-lạp, A-lịch-sơn Đại Đế chiếm Giê-ru-sa-lem. Sau khi ông đột ngột chết mà không chỉ định người thừa kế, Đế Quốc bị 4 tướng lãnh của ông chia ra thành 4 phần. Một trong 4 tướng là Antiochus làm vua của một phần đế quốc và dựng lên vương triều Seleucid có lãnh thổ bao gồm Giê-ru-sa-lem và Giu-đa như là một tỉnh trong đế quốc và tỉnh này tiếp tục được tự trị về tôn giáo và hành chánh. Chính sách này bị thay đổi khi Antiochus IV làm ô uế, xây tượng và dâng lễ cho tà thần trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, khiến dân Y-sơ-ra-ên nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Judah Maccabbee. Họ dành độc lập và thanh tẩy đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 164 TCN. Những biến cố kế tiếp dẫn đến các vương triều của dòng vua Hasmonean cai trị Giê-ru-sa-lem.
Một thế kỷ sau đó, người La-mã bành trướng đế quốc và cai trị Giê-ru-sa-lem. Tướng La-mã Pompey đặt Hê-rốt (Đại Đế) làm vua xứ Giu-đa từ năm 37 đến 4 TCN. Sau khi Hê-rốt Đại Đế chết, La-mã phân chia xứ thành 4 tỉnh tự trị cho 4 người con. Chính sách hà khắc của La-mã khiến người Y-sơ-ra-ên nổi dậy vào năm 66 sau Công Nguyên nhưng đến năm 70 thì tướng Ti-tút dẹp tan cuộc nổi dậy và hủy phá toàn bộ đền thờ Giê-ru-sa-lem với mục đích hủy phá “lý lịch” tôn giáo và văn hóa của Y-sơ-ra-ên. Người Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Bar Kochba dành độc lập trong một thời gian ngắn ngủi từ 132 đến 135. Sau khi dẹp tan cuộc nổi dậy này người La-mã trục xuất và ngăn cấm không cho người Y-sơ-ra-ên được vào thành Giê-ru-sa-lem. Một lần nữa người Y-sơ-ra-ên phải sống lưu đày và kể từ đây chữ Do Thái bắt đầu được dùng thường hơn chữ Y-sơ-ra-ên.
Để xóa bỏ mọi liên hệ giữa người Y-sơ-ra-ên với Giê-ru-sa-lem và lãnh thổ ngày xưa của họ, người La-mã đổi tên Giê-ru-sa-lem thành Aelia Capitolina và dùng tên Pha-lét-tin cho cả một vùng rộng lớn từ Ai-cập đến phía nam Syria ngày nay. Đây là tên người La-mã phát âm từ chữ Phi-lít-tin là tên của dân Phi-lít-tin thù nghịch lịch sử của Y-sơ-ra-ên.
Sau khi Đế Quốc La Mã Byzantine chinh phục Giê-ru-sa-lem vào năm 313, Hoàng Đế Constantine biến Giê-ru-sa-lem thành một trung tâm Cơ Đốc với nhiều nhà thờ được xây cất nguy nga tráng lệ trên những mảnh đất mà người ta tin là đã xảy ra những biến cố lớn trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su.
Đến năm 634, các đạo quân Hồi Giáo xâm lăng và 4 năm sau đó Vua Omar chiếm được Giê-ru-sa-lem. Thập Tự Quân chiếm lại Giê-ru-sa-lem vào năm 1099, tàn sát cư dân Do Thái lẫn Hồi Giáo, và lập thành làm kinh đô của Vương Quốc Thập Tự Chinh. Họ hủy phá các nhà hội Do Thái và xây lại những nhà thờ Cơ Đốc cũng như đổi những đền thờ Hồi Giáo thành nơi Cơ Đốc Giáo.
Năm 1187 Hoàng Đế Hồi Giáo Saladin chiếm thành Giê-ru-sa-lem và toàn xứ Pha-lét-tin. Đến năm 1247 Giê-ru-sa-lem lọt vào tay Ai Cập dưới sự cai trị của dòng Mamluks cho đến khi Đế quốc Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chiếm lấy vào năm 1517. Giống như người La-mã, Đế quốc Ottoman tiếp tục dùng tên Pha-lét-tin một cách không chính thức, và tên này được dùng cho đến nay.
Vào nữa sau của thế kỷ 19, Đế Quốc Ottoman suy sụp và các nước Châu Âu chú ý đến những mối lợi lớn ở Trung Đông khiến cho thành phố Giê-ru-sa-lem được tái tạo trở lại. Sau khi cách mạng 1905 ở Nga thất bại, người Do Thái ở Nga và Đông Âu bắt đầu di dân trở về Pha-lét-tin, vào lúc đó chỉ có khoảng vài ngàn người Do Thái.
3/ KHÁI QUÁT NGUỒN GỐC Y-SƠ-RA-ÊN CỦA GIÊ-RU-SA-LEM VÀ PHA-LÉT-TIN TỪ THẾ CHIẾN THỨ NHỨT ĐẾN NGÀY KHAI SINH NƯỚC Y-SƠ-RA-ÊN.
Trong thế chiến thứ nhứt, người Anh chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 1917 và cũng trong năm này, Ngoại Trưởng Anh viết thư xác minh, sau này gọi là Tuyên Ngôn Balfour (Balfour Declaration), rằng Anh Quốc ủng hộ sự thành lập một nước Do Thái tại Pha-lét-tin.
Sau khi liên minh Đức-Thổ thua trận trong thế chiến thứ nhứt và đồng minh của Đức là đế quốc Thổ Ottoman sụp đổ, để giải quyết những phức tạp địa chính và chính trị cho những sắc dân sống trộn trấu trong những mãnh vụn của đế quốc này, Hội Quốc Liên (The League of Nations, tiền thân của Liên Hiệp Quốc) đề ra chính sách ủy trị. Đây là một chính sách rất tốt đẹp về lý thuyết với chủ trương những nước lớn mạnh và phát triển sẽ tạm thời quản trị những vùng lãnh thổ và giúp đỡ những dân tộc ở đó để họ sẽ trở thành những nước độc lập và tự đứng trên chân của họ.
Hiệp Ước Versaille 1919 trao quyền ủy trị vùng Pha-lét-tin cho nước Anh với mục đích “làm việc” với người Do Thái và Ả-rập theo tinh thần chính sách ủy trị để trong tương lai sẽ có hai nước Do Thái và Ả-rập trong vùng Pha-lét-tin. Từng chữ của tuyên ngôn Balfour được chép lại trong Ủy Định Thư của Hội Quốc Liên vào năm 1920 xác định nước Anh được ủy thác trách nhiệm quản trị vùng Pha-lét-tin với mục đích dần dần trao quyền lại cho người Do Thái và Ả-rập trong vùng Trung Đông. Theo kế hoạch nguyên thủy của Hội Quốc Liên và người Anh vào thời đó, cũng như sau này của Liên Hiệp Quốc sau thế chiến thứ hai – thì trong tương lai, một nữa đất Pha-lét-tin sẽ được trao cho một quốc gia Do Thái; một nữa kia gồm dãy Gaza và vùng Tây Ngạn Giô-đanh sẽ được trao cho một chính quyền Ả-rập; và thành phố Giê-ru-sa-lem hiện đại (khác với thành phố cổ Giê-ru-sa-lem) sẽ nằm trong sự ủy trị quốc tế.
Nhưng hai sự kiện rất quan trọng làm ý định “lý tưởng“ của Hội Quốc Liên sẽ thất bại trong tương lai. Thứ nhứt là người Ả-rập hoàn toàn chống lại sự thành lập một quốc gia Y-sơ-ra-ên trong vùng Pha-lét-tin. Thứ hai, sau năm 1922 do những quyền lợi chính trị, quân sự và kinh tế vv… nhất là nhu cầu được lòng các lãnh chúa và thế lực Ả-rập Hồi Giáo ở Trung Đông và Bắc Phi, người Anh trở nên “bài” Do Thái. Chính quyền Anh dùng đủ mọi cách để ngăn cấm và trục xuất những người Do Thái muốn trở về quê hương sinh sống hợp pháp. Kết quả là kể từ năm 1929 những xung đột giữa người Do Thái và Ả-rập trong vùng Pha-lét-tin xảy ra thường xuyên, hầu hết là do người Ả-rập chủ xướng. Từ những năm 1930s, để giới hạn con số đã nhỏ nhoi số người Do Thái có thể tái định cư ở Pha-lét-tin, chính quyền Anh ở Pha-lét-tin bắt đầu cấm việc bán đất cho người Do Thái.
Trước thế chiến thứ hai, khi người Do Thái tìm cách rời Đức đến Châu Âu để tránh nạn kỳ thị chủng tộc của Đức Quốc Xã, các nước Châu Âu, trong đó có nước Anh, đều từ chối hoặc giới hạn rất khắt khe mức chấp nhận người Do Thái tỵ nạn. Những cố gắng của Cơ Quan Đại Diện Do Thái Quốc Tế (Jewish Agency, tổ chức duy nhất đại diện cho người Do Thái trên thế giới) đem người Do Thái trốn được Đức Quốc Xã trước và trong thế chiến thứ hai về Pha-lét-tin đều bị người Anh chặn đứng trên mặt chính trị, ngoại giao lẫn biên giới!
Nhưng sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng năm 1945 và sau khi biến cố diệt chủng 6 triệu người Do Thái bắt đầu được cả thế giới biết đến, người Anh không thể tiếp tục chính sách cũ. Chính quyền Hoa Kỳ, vốn có ảnh hưởng lớn trong Liên Hiệp Quốc (United Nations, thay thế cho Hội Quốc Liên), khuyến cáo tăng số người Do Thái tái định cư ở Pha-lét-tin lên 100.000 trong năm 1946. Thấy được tình hình thế giới càng ngày càng thuận lợi cho việc thành lập một quốc gia Do Thái ở Pha-lét-tin, sự chống đối và vũ trang của người Ả-rập càng gia tăng với sự tham dự từ phía sau (đã có từ trước) của các nước Hồi Giáo có cùng biên giới với Pha-lét-tin như Li-băng, Ai-cập, Giô-đanh, Sy-ri và những nước khác như Ma-rốc, I-rắc vv…
Trước những khó khăn lâu dài và gánh năng chính trị cũng như tài chánh mà chính sách vuốt ve khối Ả-rập và kiềm chế Do Thái của người Anh không thể giải quyết được chính quyền Anh quyết định trao lại Pha-lét-tin lại cho Liên Hiệp Quốc vào năm 1947. Trong suốt năm 1947, Ủy Ban Đặc Biệt Liên Hiệp Quốc Về Pha-lét-tin xem xét và đề nghị phân chia Pha-lét-tin thành hai quốc gia Y-sơ-ra-ên và Ả-rập. Vào ngày 29-11-1947 Hội Đồng LHQ chấp thuận Nghị Quyết 181 về phân chia Pha-lét-tin theo kế hoạch như đã có, với tháng 5-1948 sẽ là ngày chấm dứt thời hạn nước Anh được ủy trị Pha-lét-tin và Giê-ru-sa-lem và vùng chung quanh tiếp tục nằm trong sự ủy trị của Liên Hiệp Quốc.
Dù đã có kế hoạch như trên, vì quyền lợi dầu hỏa và chính trị, người Anh tiếp tục nâng đỡ ngầm người Ả-rập ở Pha-lét-tin. Người Anh không kể đến những sự kiện như: (1) Vài năm trước thế chiến thứ hai, Đại Giáo Chủ Hồi Giáo vùng Pha-lét- tin đã đến Đức gặp gỡ giao hảo với Hít-le với tinh thần chống người Do Thái!; (2) Trong suốt thế chiến thứ hai, đa số người Ả-rập và các chức sắc Hồi Giáo có tinh thần chống “đế quốc Anh” và ủng hộ ngầm Đức Quốc Xã; (3) khi người Anh hô hào cư dân vùng Pha-lét-tin gia nhập quân đội Anh thì dù là thiểu số trong vùng, số người Do Thái gia nhập đông gấp 10 lần số người Ả-rập và Hồi Giáo! Từ những năm 1945 đến 1947 là thời gian mà trên lý thuyết thì người Do Thái và người Ả-rập bắt đầu được phép vũ trang thì người Anh dễ dãi cho người Ả-rập sẵn đã có vũ trang từ trước có thêm vũ khí nặng nhưng lại rất giới hạn việc người Do Thái có vũ khí tự vệ. Trước ngày rút khỏi Pha-lét-tin, tại nhiều đồn bót hay căn cứ quân sự, quân đội Anh để lại toàn bộ vũ khí và trang bị cho người Ả-rập!
Trong nhiều tháng trước ngày quân đội Anh rút khỏi Pha-lét-tin, phong trào Ả-rập diệt Do Thái tuyên truyền kêu gọi mọi người Ả-rập đang sống trong vùng mà Liên Hiệp Quốc sẽ phân chia cho Y-sơ-ra-ên hãy tạm rời khỏi nhà đất và tài sản của họ trong một thời gian ngắn vài tuần để cho phong trào này tiêu diệt hết người Do Thái. Cũng cần biết là trước năm 1948 trong các văn thư ngoại giao hay truyền thông quốc tế chữ “người Pha-lét-tin” là để nói về người Do Thái sống ở Pha-lét-tin! Và một thành phần không nhỏ người Ả-rập có thiện cảm và sống chung hòa bình với người Do Thái ở Pha-lét-tin. Nhưng trước đe dọa sẽ bị hủy diệt những người Ả-rập ôn hòa này cũng di tản. Những diễn biến này sẽ khiến cho trên 300.000 người Pha-lét-tin không thể trở lại đất của họ sau này và trở nên những người tỵ nạn.
Ngày 14-5-1918, thành phần sau cùng của người Anh là quân đội Anh rời khỏi Pha-lét-tin.
Chủ Tịch Cơ Quan Đại Diện Do Thái là Ben Gurion công bố thành lập nước Y-sơ-ra-ên. Ngay lập tức, một lực lượng quân sự lên đến gần hai chục ngàn người gồm người Ả-rập Pha-lét-tin, và các tiểu đoàn chính quy từ Li-băng, Sy-ri, Ma-rốc, I-rắc, Giô-đanh và Ai-cập có thiết giáp và không quân Ai-cập yểm trợ tấn công quốc gia non trẻ Y-sơ-ra-ên chỉ có một lực lượng dân quân Y-sơ-ra-ên với quân số ít và trang bị vũ khí yếu kém không có không quân và thiết giáp.
Do những phép lạ, nhưng cũng với tinh thần anh dũng, chiến thắng của Đa-vít trước Gô-li-át tái diễn trong thế kỷ 20. Y-sơ-ra-ên không bị đẩy xuống biển như phong trào Ả-rập diệt Do Thái ở Pha-lét-tin tuyên truyền. Y-sơ-ra-ên giữ được những vùng đất được phân chia cho mình, và chiếm thêm một dãy lãnh thổ quan trọng như Ga-li-lê, ven biển Pha-lét-tin, trong lúc dãy Gaza do Ai-cập kiểm soát và vùng Tây Ngạn Giô-đanh do Giô-đanh. Chủ quyền của Y-sơ-ra-ên trên những vùng này được hợp thức hóa qua những hiệp ước đình chiến do Liên Hiệp Quốc bảo trợ được ký kết giữa Y-sơ-ra-ên với Ai-cập vào ngày 24-2, Li-băng 23-3 và Sy-ri 30-3.
4/ VÀI NHẬN ĐỊNH
Nhìn lại dòng lịch sử vùng Pha-lét-tin và trong khung cảnh lịch sử thế giới từ năm 1003 TCN cho đến ngày thành lập nước Y-sơ-ra-ên 14-5-1948 không ai có thể bác bỏ những sự kiện và sự thật như sau:
1/ Từ ngữ Pha-lét-tin không có nghĩa là lãnh thổ quốc gia Y-sơ-ra-ên hiện nay là chiếm lấy của người tỵ nạn Pha-lét-tin. Cần thấy rõ rằng trong suốt 2000 năm qua các đế quốc và các cường quốc trên thế giới đã dùng từ ngữ này với mục đích xóa bỏ nguồn gốc văn hóa, tôn giáo và chủ quyền dân tộc cũng như lãnh thổ của Y-sơ-ra-ên. Sự hiện hữu của một nước Y-sơ-ra-ên và chủ quyền của nước này trên thành phố Giê-ru-sa-lem là một sự thực hiển nhiên.
2/ Từ đầu thế kỷ 20, người Do Thái đã trở về và sống ở Pha-lét-tin với một ý thức dân tộc và quốc gia. Tuyên Ngôn Balfour 1917, Hiệp Ước Versaille 1919, Ủy Định Thư Hội Quốc Liên 1920 và Nghị Quyết 118 của Liên Hiệp Quốc là những văn kiện quốc tế xác minh sự tái lập nước Y-sơ-ra-ên dựa trên lịch sử 3000 năm và ý chí quốc gia của người Y-sơ-ra-ên.
3/ Thất bại năm 1948 của khối Ả-rập không thể tiêu diệt được Y-sơ-ra-ên và trái lại càng làm vững chắc sự khai sinh ra quốc gia này gây ra ba hậu quả rất lớn kéo dài cho đến ngày nay. Thứ nhứt, nó là một trong những nguyên nhân chính góp phần đến các cuộc đảo chánh đưa các chính quyền cách mạng độc tài quân sự lên nắm quyền ở Ai-cập và Sy-ri không lâu sau đó. Với viện trợ quân sự và ủng hộ chính trị của Khối Liên Sô, các chính quyền này theo đuổi chủ trương chiến tranh tiêu diệt Y-sơ-ra-ên với những cuộc chiến tranh 1967 và 1973. Những thất bại trong hai cuộc chiến tranh này chỉ làm gia tăng nhân bội chủ trương tiêu diệt Y-sơ-ra-ên của giới lãnh đạo những nước Hồi Giáo cực đoan và Pha-lét-tin.
Thứ hai, trên 300.000 người Pha-lét-tin tỵ nạn không thể trở về vùng đất mà lúc đó kế hoạch của Liên Hiệp Quốc dự kiến phân chia cho một chính quyền Ả-rập. Những phức tạp chồng chéo dày đặc của chính trị thế giới từ những thành phần như Khối Ả-rập Hồi Giáo, Khối Cộng Sản Liên Sô, Khối Tư Bản Âu-Mỹ, Các Chính Quyền Y-sơ-ra-ên vv… gây ra trên người tỵ nạn Pha-lét-tin làm khai sinh ra trong lòng người tỵ nạn Pha-lét-tin mối thù hận và chủ trương xóa bỏ sự hiện hữu của Y-sơ-ra-ên.
Thứ ba, vấn đề chủ quyền quản trị thành phố Giê-ru-sa-lem là nơi có thánh địa của ba tôn giáo lớn trong vùng: Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo – luôn luôn là một vấn đề tranh chấp nóng bỏng.
Những vấn đề kể trên là những giao điểm để mọi thế lực chống Y-sơ-ra-ên khác nhau kết hợp để gây nên những cơn bão còn nguy hiểm và hủy hoại hơn là những cuộc chiến. Người viết sẽ tiếp tục trình bày trong Phần 2: “Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem Qua Những Cơn Bão Chính Trị, Văn Hóa & Người Tỵ Nạn Pha-lét-tin.”
Naphtali và Phạm Phi Phi