Phần Chín
CHẶNG ĐƯỜNG TÌM LỐI THOÁT
Quyết định dứt khoát, tôi mua vé cho 3 mẹ con đi Mỹ. Vì quá quẫn trí, tôi cầu nguyện lấy lệ, chứ không thật sự tìm ý Chúa.
Thời gian làm thủ tục xin nghỉ việc, trả nhà, nghỉ học của các con, đóng thùng gửi đồ đạc đi trước, tôi phải nhẹ nhàng với anh ta để không bị làm khó dễ. Vì đã ly dị, tôi không thể dẫn con ra khỏi nước Pháp nếu không có sự đồng ý của người cha. Tôi nói khi đã sang đó, anh ta có thể sang theo, vì bên Mỹ kiếm tiền rất dễ. Anh đồng ý.
Trước ngày đi, không biết vì lý do gì, tôi chặt gà nấu ăn, chặt luôn vào ngón tay, gần đứt, phải cấp cứu bệnh viện. Họ băng bó và dặn tôi phải trở lại để thay băng. Tôi nói ngày mai tôi đi New York rồi, không trở lại được. Thế là họ cho toa để tôi mua đủ thuốc và băng hầu có thể tự thay băng một mình. Tôi giao nhà cho anh, bảo anh phải tự trả tiền trong 3 tháng báo trước. Anh đồng ý. Hôm sau ra phi trường Charles De Gaulle, Paris, anh và anh chị Hiếu đi tiễn. Ba mẹ con tôi với 4 vali to đựng mọi đồ dùng và quần áo của cả ba.
Vừa đến nơi, hãng máy bay thông báo là máy bay American Airlines sẽ bay sớm hơn 2 tiếng đồng hồ vì lý do bão bên ấy. Không kịp làm thủ tục gì cả, họ mở cửa cho tất cả chúng tôi vào thẳng máy bay với hành lý cồng kềnh như vậy, và cũng không có thì giờ để chào chia tay nữa. Vừa vào chỗ ngồi, là máy bay cất cánh. Thiên-An gần 5 tuổi, Thiên-Ân hơn 3 tuổi. Thật sự, lên máy bay rồi, lòng tôi mới bồi hồi. Nỗi lo lắng từ đâu ập đến vì tương lai vô định.
Nói là em gái, nhưng tôi và em ít khi gần nhau. Em lớn lên trong thời gian tôi học Đại học Sư phạm Huế 4 năm, rồi sau đó lên Đà Lạt dạy, nên không biết chúng tôi có thuận thảo không.
Tôi lớn lên trong một gia đình gia giáo, nhưng thật sự bên trong rất không ổn. Bà nội tôi dành quyền quyết định hết, ba tôi không làm gì, chỉ ở nhà bên bà nội để báo hiếu vì ông là con một. Mẹ tôi phải làm việc lo kinh tế cho gia đình, không được có ý kiến gì cả. Chúng tôi ít khi được đoàn tụ bên nhau, vì bà nội và ba rất khắc nghiệt với chúng tôi. Chị em chúng tôi ít hiểu nhau, hơn nữa đứa em gái út này cách tôi 7 tuổi nên tôi rất ít hiểu em, dù em rất thương tôi, luôn gởi tiền giúp tôi khi tôi cần.
Máy bay bay càng xa, thì lòng tôi càng nặng trĩu. Lần này tôi không một mình, mà trên lưng còn có hai con. Chúng vô tư ngủ ngon lành, khi thức dậy thì đi làm quen với những hành khách khác trên máy bay. Nhìn chúng vô tư mà tôi đau lòng. Ngón tay trỏ của tôi bị băng một lớp băng dày, thẳng cứng ra không co được bây giờ mới thấy đau khi lên độ cao. Bình thường, chỉ 8 tiếng là tới phi trường JFK, New York. Lần này, phi hành trưởng thông báo liên tục, và máy bay cứ chòng chành. Nói thật, trong đầu tôi bỗng dưng hiện ra một suy nghĩ tiêu cực là xin Chúa cho máy bay nổ đi, để tất cả đều chết và các con tôi cũng được lên thiên đàng, còn tôi, có xuống địa ngục cũng đáng. Tôi cầu nguyện khẩn thiết như vậy. Tạ ơn Chúa là Ngài không nghe lời cầu nguyện bậy bạ đó của tôi.
Hơn 10 tiếng rồi mà vẫn chưa đáp xuống. Sau đó họ thông báo vì không liên lạc được với phi trường JFK New York, họ phải đáp tạm ở phi trường Boston, cách đó hơn 2 tiếng. Đã bay sớm hơn, mà bây giờ bị kẹt trên không, rồi đáp xuống phi trường khác, mất thêm 6 tiếng đồng hồ đợi. Mọi người lo lắng, bất an, nhưng hai cháu thì ngây thơ đi chọc phá, làm quen với mọi người. Nhờ vậy mà họ quên đi nỗi sợ hãi và có cảm tình với chúng tôi.
Về đến phi trường JFK, New York, thì đã trễ 15 tiếng. Các em tôi chờ mãi, và cứ thấy báo máy bay sẽ hạ cánh trễ liên tục nên đã về lại nhà. Xuống phi trường mới thấy đáng sợ: bão tuyết lớn, ngập cả đường bay, dây điện cũng bị đứt. Tôi không có điện thoại để liên lạc, đành phải xếp hàng chờ Taxi thôi. Người hành khách bên cạnh thấy tay tôi bị thương, lại lo cho hai con nhỏ, nên gắng ở lại giúp tôi.
Vì hành lý chúng tôi quá nhiều, nên Taxi nào cũng từ chối. Chúng tôi xếp hàng ngoài trời với cái lạnh dưới 5, 6 độ gì đó, tay chân tôi lạnh cóng, lại thêm ngón tay đau buốt nữa. Thê thảm không tả nỗi. Chờ 2 tiếng đồng hồ mà không tìm được Taxi đủ chỗ, ông ta bèn cầu cứu xin cảnh sát giúp chúng tôi, vì ông cũng phải về nhà. Đã trễ quá rồi! Vị cảnh sát Châu Á, nhưng lại là người Tàu, đến giúp chúng tôi thuê xe. Đến 4g sáng chúng tôi mới tìm được một xe để về nhà.
Trễ tổng cộng là 26 tiếng. 5g sáng đến nhà, các em tôi cũng không ngờ. Gian nan ngay từ bữa đầu. Sau đó phải lo phòng ốc. Chẳng có gì cả ngoài các tấm chăn dày trải tạm dưới sàn để ngủ. Em tôi không biết chuẩn bị, vì làm nghề móng tay, gọi là Nails, rất bận. Biết mẹ con tôi sang, nhưng em cũng không có thì giờ đi chợ mua sắm giường và nệm. Các thợ cũng ngủ như vậy thôi. Tôi hơi choáng, nhưng biết làm sao. Vì khác giờ với Pháp, nên các con tôi không ngủ theo giờ Mỹ được. Họ dậy thì chúng ngủ, họ ngủ thì chúng thức. Lộn xộn cả lên. Rồi em tôi phải đi làm.
Chúng tôi ở nhà không biết làm gì, vì không đi đâu được bởi không biết đường, không có xe, tuyết dày đặc. Ở nhà thì không làm được gì nhiều vì ngón tay què. Phải nói là đường phía trước dường như hẹp dần và đầy sương mù!
Một tuần sau, em tôi xin cho các con tôi vào trường học. Mỹ và Pháp có hai hệ thống giáo dục khác nhau. Pháp thì miễn phí tất cả, chỉ trả thêm phí cho giờ gửi con trước và sau giờ học trong ngày, 7g sáng đến 7g tối, với chi phí rất thấp, chỉ 4 đô một ngày thôi.
Còn bên Mỹ này thì tất cả đều phải trả tiền, từ trường học đến giữ trẻ sau giờ học. Khổ nhất là thuê người giữ cháu ngoài giờ học. Ba giờ chiều đã tan học, mà giờ đó thì khách mới đông, tôi phải giúp em tôi làm việc mà, đâu bỏ về được. Thuê người giữ từ 3g chiều đến 8g tối phải trả 50 đô, tiền đâu mà trả. Sao đắt quá vậy. Đã thế, người giữ trẻ nói tiếng Mễ, các con tôi không hiểu gì cả, luôn bị đánh.
Thấy tình trạng như vậy, tôi thật đau lòng. Làm nghề Nails lúc này khách quá đông, từ khi mở cửa tiệm lúc 9 giờ sáng là làm quần quật đến hơn 9 giờ tối luôn. Thấy em tôi cực khổ như vậy tôi không dám than. Thương con thì để bụng thôi.
Vì chỉ được ở Mỹ tối đa có 90 ngày, nên em tôi lên kế hoạch để tôi được ở lại. Em giới thiệu tôi với một người quen, rồi hẹn ở Tòa thị sảnh làm hôn phối. Tôi thật khó xử, nhưng phải nhắm mắt đưa chân chứ biết làm sao! Bây giờ tôi mới thấy khủng hoảng. Tôi không muốn nói dối và làm dối. Nhưng muốn ở lại Mỹ thì chỉ có cách này thôi. Vì không sành việc dối trá nên tôi vô cùng lúng túng khi phải diễn tuồng trước chính quyền. Suýt nữa là bị lộ. Em tôi rất bực tức. Em đã trả tiền cho người ta rồi. Sau việc đó lòng tôi càng bất an hơn.
Một hôm đang trong tiệm, ngoài đường tuyết dày đến ống chân, khách đông thật đông. Tôi chưa sành việc nên em tôi bảo tôi sơn móng tay cho khách dùm cho các thợ đắp móng. Vì nhiều thợ và cũng nhiều khách nên tôi nhầm lẫn, em nổi nóng mắng tôi như tát nước. Bao nhiêu lời lẽ thiếu suy nghĩ cứ thế trào ra. Tôi khóc nghẹn không biết nói thế nào.
Cuối cùng tức quá, em bảo tôi về nhà đi, em không muốn thấy mặt đần của tôi nữa. Cơn tức, tủi của tôi như tràn ra. Không trả lời lại, tôi lặng lẽ mặc áo khoác ra khỏi tiệm. Vì đi xe hơi ra tiệm nên tôi chỉ mang đôi giày mỏng thôi. Giờ lội bộ về nhà, tuyết ngập đến ống chân lạnh cóng. Tôi bước đi mà nước mắt cứ chảy nhòe không thấy rõ đường. Cứ đi và đi thôi, vô định, vô hướng, cũng chẳng có 1 xu trong túi. Cả tiếng đồng hồ như vậy, chân tôi tê cứng vì lạnh, không bước được nữa. Tôi ngồi ven đường, muốn mình tắt thở đi. Một hồi lâu, nghĩ đến con, tôi gắng đứng dậy tìm đường đến nhà bà giữ trẻ để đón con. Vì không có chìa khoá vào nhà, tôi phải ở nhà bà giữ trẻ đợi đến tối. Em rể tôi đến đón con tôi, mới biết tôi ở đó. Trên đường về tôi buồn rũ rượi.
Phải sống sao đây? Ngón tay thì còn đau kinh khủng, không thể làm việc rửa ráy, bếp núc được. Em tôi giận không thèm nói chuyện với tôi. Tôi cũng không dám ra tiệm nữa, cứ trốn ở nhà với con và khóc. Tôi kêu than với Chúa, nhưng tiếng tôi dường như bị chôn dưới lớp tuyết. Sự bất an càng lúc càng lớn. Đi đâu được nữa bây giờ.
Sang tháng một, bỗng dưng ba các con tôi sang. Ông ta đến mà tôi chưng hửng. Sao ông dám đến nhà em tôi nhỉ? Ông bảo là nhớ con nên sang thăm, và cũng báo với tôi đã trả nhà xong xuôi. Vì nhà bên Pháp là tôi đứng tên thuê; ông ta đại diện trả giùm.
Trước khi tôi đi, ông hứa trả tiền nhà ba tháng tôi để ông ở, nhưng rốt cuộc ông để họ rút tiền trong ngân hàng của tôi thôi. Tôi giận quá hỏi lý do, ổng bảo nhà của tôi nhờ ổng coi giùm, sao ổng phải trả tiền. Tôi ngọng luôn. Em tôi sắp xếp cho ông ở với thợ dưới hầm, và chỉ cho ông ở một tuần thôi. Ông ta không biết chuyện gì xảy ra cả.
Sau khi ông về rồi, tôi cũng bối rối không biết quyết định thế nào. Tôi kiêng ăn cầu nguyện, xin Chúa bày tỏ. Còn một tuần nữa là hết hạn ở Mỹ. Tôi vẫn không an lòng với giấy tờ hôn thú giả kia.
Một hôm đang cầu nguyện, bỗng dưng tôi nghe Chúa phán cách rõ ràng: “Hãy trở về Pháp.” Tôi nghe mà hốt hoảng. Nhà vừa mới trả rồi, việc làm cũng bỏ rồi. Về đó sống ra sao? Tôi hỏi lại: “Chúa ơi, có thật Ngài bảo con về Pháp không? Con sống ở đâu? Con đã xoá sổ ở đó rồi mà?” Tiếng Ngài lại vang lên một cách rõ ràng: “Ta không bảo con sang Mỹ, nơi Ta đưa con đến là Pháp. Muốn sống cho đúng thì phải trở về nơi Ta đã định cho con.”
Lời thật rõ ràng như vậy, tôi làm sao dám cãi. Nhưng để bảo đảm, tôi đặt điều kiện với Ngài, xem có thật là Ngài bảo tôi về không?
Tôi xin: “Chúa ơi, nếu thật Chúa bảo con về thì xin có người chịu giúp chúng con chỗ ở vì con không còn nhà, không còn việc làm.”
Cầu xin xong, tôi tìm trong trí xem là ai. Bỗng dưng trong trí hiện ra hình ảnh một chị trong Hội Thánh, người cũng có nan đề hôn nhân như tôi. Khi còn ở Pháp, tôi đã luôn giúp đỡ chị từ tinh thần đến phương tiện và vật chất, vì chị bị bệnh tim. Tôi liền gọi điện thoại cho chị. Nghe giọng tôi, chị mừng lắm, bảo rất nhớ tôi và thật khổ khi không còn tôi bên cạnh để giúp chị. Tôi giả giọng đùa, bảo: “Bộ chị muốn em về sao, nhà đâu nữa mà về.”
Chị bảo: “Về ở nhà chị nè, vì cả năm nay chị không đủ tiền trả tiền nhà, khi chồng chị bỏ đi, nên họ muốn tới xiết nhà.” Bảo đảm trong lòng, tôi nói với chị, với vẻ còn lưng chừng, là hỏi ý kiến em tôi trước khi khẳng định với chị. Nói vậy thôi chứ tôi đã quyết định rồi. Em tôi bắt đầu hối hận, nhưng không dám nói gì, chỉ đùa với các con tôi là sẽ dẫn chúng đi chơi, mua quần áo, dẫn đến trường…
Tôi lặng lẽ sắp đồ vào lại Va-li. Lần về này chỉ còn ba va-li quần áo thôi, những đồ khác bỏ lại hết. Thấy tôi sắp Va-li, nó hoảng lên bảo tôi không được về. Nó la hét, năn nỉ rồi làm áp lực… nhưng tôi vẫn cương quyết, Chúa đã bảo rồi mà. Đi theo ý Chúa là tốt nhất.
Ngày tôi ra phi trường, tôi nhờ chồng nó gọi giùm Taxi. Sáng đó chúng nó ra khỏi nhà rất sớm, đến giờ tôi đi vẫn không thấy về. Sốt ruột vì sợ trễ, tôi định ra đường tìm Taxi, ai ngờ đã thấy một chiếc Limousine đợi sẵn bên đường. Tài xế thấy tôi mở cửa nhà, liền chạy đến xách va-li.
Tôi ngạc nhiên hỏi, tôi mà đi xe Limousine à? Chao ôi, có mơ cũng không được. Phải đi thôi. Trên xe rất tuyệt vời, có đủ mọi tiện nghi như trong phòng khách vậy.Tôi còn đầu óc đâu mà hưởng thụ cơ chứ. Xe vừa đậu bến, là các phu xe lật đật đẩy xe tới phục vụ ngay. Tôi và các con chỉ đi tay không đi vào thôi, như người giàu vậy, tiền đã thanh toán rồi. Sau này tôi mới biết giá là 200 đô, thay vì 50 đô.Vào đến quầy làm hành lý, ông đẩy xe cứ đứng đó chờ, tôi chả hiểu gì cả. Ổng cứ cười cười nhìn tôi, thấy lạ tôi hỏi, mới hay ổng chờ tiền tips. Khách xịn Limousine mà. Tôi phải bấm bụng móc cho ổng 20 đô.
Đến phi trường Pháp, tôi không dám báo cho ba mấy nhỏ ra đón. Tôi đi Taxi về nhà chị ấy. Vài ngày sau anh ta mới biết. Bề gì tôi cũng xấu hổ. Đã tuyệt đường với Pháp rồi mà, bây giờ thất thểu về, không quê sao được, hơn nữa phải ở nhờ. Nhà cũ vừa mới trả cách đó có ba tuần, bây giờ đâu vào lại được nữa, hơn nữa cũng chẳng còn lương.
Tiền tiết kiệm tôi đưa cho em tôi nhờ gửi vào ngân hàng, chỉ mười ba ngàn thôi. Nhưng khi về tôi cũng không nhớ hỏi. Tiền còn trong ngân hàng thì ba tháng ông chồng cũ không trả tiền nhà, bị họ rút hết rồi. Chị ấy than vãn đủ điều, đưa giấy nợ tiền nhà của chỉ ra và giấy đe dọa siết nhà, nếu chị ấy không trả đủ vài tháng. Tôi nghe vậy, bao nhiêu tiền mặt còn trong túi tôi đổ ra hết cho chị xem, cũng mong giữ lại nhà để cho mẹ con mình có chỗ ở ổn định.
Cũng may trước khi sang Mỹ, tôi nhường chiếc xe lại cho một cặp đồng hương Quảng Ngãi với tôi. Anh chị chưa đủ tiền trả, tôi cho trả góp với lời bọc hậu, là nếu không ổn, tôi về lại thì xin anh chị trả lại xe cho tôi. Anh chị giữ lời hứa, vì cũng chưa trả tôi đồng nào, trả xe lại cho tôi. Thế là, dù không nhà, nhưng tôi cũng còn chiếc xe.
Vì hồ sơ, giấy tờ tôi đều bị cắt hết trước khi sang Mỹ, nên bây giờ phải làm lại hết. Không còn tiền sống, ngày mùng một Tết ta năm 1998, tôi chính thức làm người ăn xin trong một hội từ thiện, gọi là Restaurant Du Coeur, có nghĩa là Nhà hàng của tấm lòng. Xấu hổ, nhục nhã khi sắp hàng với những người già, vô gia cư…, để xin ăn, nhưng phải làm mặt dày thôi.
Hai tháng sau, khi tôi không còn tiền nữa, chị ta viết thư, bức thư ấy tôi còn giữ đến giờ, bảo tôi đi tìm nhà thuê đi chứ chị không muốn chứa nữa. Một cú sốc lớn, tôi không biết phải xử trí thế nào. Tôi mang hai đứa nhỏ đến gửi nhà ba nó. Ông ở trọ trong nhà của một ông trong Hội Thánh tôi quen, rồi tôi ngủ trên xe.
Ôi những đêm đậu xe bên lề đường ngủ, mới thấy nó lắc lư thế nào. Ban trợ cấp xã hội giúp tôi làm lại hồ sơ. Họ bảo tôi không được ngủ trong xe vì vừa nguy hiểm, vừa không có bằng chứng là tôi không nhà, để họ có cớ giúp đỡ. Tôi phải nghe lời họ vào thuê khách sạn rẻ tiền để ở. Người chủ khách sạn sợ tôi tự tử nên theo dõi mãi.
Hôm ấy, tôi dậy sớm đến nhà anh để đón con đi học. Thiên-Ân bị ho. Anh ta bảo tôi không biết lo cho con, tối đi ngủ với trai ở khách sạn. Tôi cãi lại, thế là anh nhào vào đánh tôi túi bụi, mặc cho hai con la hét, khóc gào. Anh vật tôi xuống đánh, đạp trên người tôi. Vùng vẫy một hồi, tôi thoát ra được bèn chạy thẳng ra đường. Anh rượt theo đập vỡ cả cửa nhà. Tôi ra ngoài đường, người run lên vì đau và sợ. Tôi thấy quần mình ướt đẫm, mới khám phá ra tôi đã tiểu ra quần. Thiên-Ân nhảy bám lên hàng rào đòi theo mẹ, tôi dẫn cháu theo.
Bỗng dưng có một ông cảnh sát đi tới, tôi đâu biết là ổng đã thấy tôi từ nhà chạy ra. Ổng dẫn tôi tới văn phòng cảnh sát gần đó để lập biên bản. Làm xong, tôi phải đến trình diện ở ban trợ cấp xã hội, vẫn với cái quần ướt đó. Đang khi ngồi đợi, tôi ngất xỉu. Họ gọi xe cấp cứu chở tôi vào bệnh viện.
Cháu Thiên-Ân hốt hoảng khóc ré lên, khi thấy người ta đưa tôi đi. Tiếng khóc của cháu khiến tôi tỉnh lại, tôi muốn xuống xe với cháu nhưng họ không cho. Nôn nóng vì không biết ai lo cho cháu, chờ bệnh viện khám xong, tôi xin họ cho về. Vì phần quần ướt, hôi, phần cháu Thiên-Ân không biết thế nào, tôi xin họ cho tôi về. Sau đó, bụng tôi cứ âm ỉ đau, và mỗi lần muốn đi tiểu thì nước tiểu cứ chảy ra, không cầm được.
Một hôm đang học trong lớp hướng nghiệp, tôi đau bụng quá nên vào bệnh viện khám. Họ giữ tôi lại qua đêm để làm siêu âm, mới biết là tôi bị sa bọng đái.Thời gian khám nghiệm thật là xấu hổ tột cùng với những tư thế cần thiết. Tháng 8 họ bắt tôi phải mổ, vì không thể để lâu hơn. Cháu Thiên- An thì ngoan theo ba. Còn cháu Thiên-Ân thì vì sợ mất mẹ, nên bám tôi không rời.
Ngày vào bệnh viện để giải phẫu, cháu nhất định không buông, cứ đòi đi theo. Một cô hàng xóm xưa, có con học cùng lớp với Thiên-Ân, dụ cháu đến nhà rồi giữ cháu ở đó với họ luôn.
Vì theo lời bác sĩ, cuộc giải phẫu bằng phương pháp hiện đại không khó, nhanh chóng, nên tôi lái xe đến đó, những tưởng qua một đêm sáng mai sẽ về. Ai ngờ, có lẽ tôi là người đầu tiên cho ông thực hành phương pháp mới hay sao ấy. Họ chụp thuốc mê xong, bắt đầu bơm hơi vào bụng cho căng lên, rồi ổng đục thủng ba lỗ trên bụng tôi để lòng ống soi vào để mổ. Không ngờ không thành công, ổng bèn mổ bụng tôi ra một đường dài 12cm để hoàn thành cuộc giải phẫu. Nhưng xui thay, khi họ vừa mới cắt xong, thì thuốc mê hết hiệu nghiệm, tôi tỉnh dậy với một cơn đau khốc liệt. Tôi hét lên thất thanh, rồi tôi nghe tiếng la, tiếng nói, tiếng người chạy, cảm nhận những bàn tay đang xoa bóp cho tôi, rồi tôi lại chìm vào hôn mê.
Đến sáng hôm sau, tỉnh dậy, tôi thấy mình trong phòng cá nhân, trên bụng căng cứng, băng một tấm băng to tướng chiếm hết vùng bụng. Người y tá ân cần hỏi tôi xem có biết gì không và có đau không. Tôi hỏi tại sao bụng tôi to thế này, ông ta mới giải thích. Tôi cũng chưa hiểu rõ nữa. Họ luôn vào chuyền thuốc cho tôi kèm theo một túi thuốc nhỏ. Ngày khi vừa cạn là họ thay cái mới liền.
Một hôm, thấy các y tá và hộ lý quá bận bịu khi nghe tiếng chân họ chạy lui tới bên ngoài. Túi nhỏ đã hết, tôi ngại không dám gọi. Không ngờ cơn đau ập đến tưởng đứt hơi luôn. Tôi có cảm giác như có một con thú đang chạy trong thân thể mình vậy. Đau quá tôi hét lên không kìm chế được. Khi đi đẻ, tôi đau nhưng còn kìm chế được, nhưng cơn đau này rất kỳ lạ, nó đau không tưởng tượng được.
Nghe tôi hét, y tá lật đật chạy vào đổi ngay túi thuốc mới và xoa bóp cho tôi. Năm phút sau cơn đau mới dịu xuống. Họ bảo tôi là lần sau phải gọi họ ngay, lý do là khi mổ bụng tôi họ không có thì giờ để rút hơi mà họ đã bơm vào bụng ra, cho nên bây giờ hơi nó bị bí, nó chạy khắp trong thân khiến cho đau.
Ôi chao, sao mà tôi khổ thế này. Thay vì chỉ ở một ngày, tôi phải nằm lại đến 8 ngày. Cháu Thiên-Ân ở với hàng xóm, gắng làm đẹp lòng họ. Cháu vốn không thích ăn rau, nhất là hành. Vậy mà, cô này cho, nó ăn hết, còn khen ngon nữa và luôn miệng cảm ơn cô. Tôi nghe mà lòng đau như cắt. Nó cố gắng chìu lòng người để không bị bỏ rơi. Ngay từ khi mới biết nói, hể có người tới nhà là nó hỏi: Cô có thương con không? Chị có thương em không? Bác có thương con không?… Ai nó cũng hỏi vậy cả. Bây giờ xa mẹ, nó không chịu ở với ba, nó luôn khen món ăn cô đó nấu mà nó rất ghét, để lấy lòng cô ấy.
Ngày tôi ra viện mới biết cái bụng mình to như bà bầu 6 tháng. Quần Jean tôi mặc khi nhập viện bây giờ không cài được. Tôi phải nhờ chị đồng hương kiếm cái áo đầm nào to nhất của chỉ cho tôi mượn đỡ. Ba tụi nhỏ thấy tôi ra khỏi bệnh viện với hình hài như vậy, ông ta đồn là tôi vào bệnh viện phá thai chứ không phải mổ. Cái ác của ông ta không biết làm sao mới giảm xuống bớt.
(ĐÓN XEM PHẦN 10)