Từ Vực Sâu Lên Chốn Cao – Phần Năm

Share

Phần Năm

SỐNG LƯNG CHỪNG NÚI!

Từ Hội Thánh ở Paris trở về, lòng tôi tan nát. Vì luôn từng được hữu dụng và tôn trọng, nên nay đụng tới sự khinh miệt không ngờ trước này khiến tôi đau đớn khôn nguôi. Biết tỏ cùng ai. Không một người bạn.

   Ở ký túc xá thì mình được tôn trọng. Vào Hội Thánh thì bị coi thường. Sao lại vậy? Nỗi buồn chôn chặt trong tim. Rồi năm mới đến. Ông Giám đốc khu ký túc luôn quan tâm tôi, nhiều lần ông mời tôi về nhà ông chơi cho đỡ buồn. Tôi tránh vì sợ bị khinh bỉ bởi sự lạc hậu của mình. Hội Thánh còn coi thường mình vậy, huống chi là người Pháp chính tông. Cho đến một hôm, vì không còn từ chối được nữa, tôi đành phải chấp nhận. Đến ngày hẹn, bỗng nhiên cô Helene đến mời tôi đi xem một cuốn phim lịch sử mà gia đình cô và dân trong làng được đóng, tôi đến gặp ông để khước từ.

   Không ngờ ông rất bực tức. Tôi giải thích với vốn liếng tiếng Pháp ít ỏi của mình, xin ông thông cảm. Trên đường đi, tôi kể cho cô Helene nghe, mong cô giúp tôi xin lỗi ông ta, ai ngờ cổ trố mắt lên nhìn tôi bảo:”Chúa cứu em rồi đó.” Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, thì mới hay. Ông ta là một người không lương thiện, đã hãm hiếp bao cô thiếu nữ ngây thơ, làm có con riêng với ông ta mà tôi đã từng thấy vài đứa rất dễ thương.Ông ta dẫn họ về nhà, cho xem phim khiêu dâm rồi ăn nằm với họ. Tôi nghe mà nổi da gà. Tôi thốt lên, “Chúa ơi, Ngài thật nhân từ đã giải cứu con.”

   Kinh khủng quá. Từ hôm đó, ông ta cắt hết mọi tiêu chuẩn trợ cấp hằng tháng của tôi, bảo là tôi đã nhận quá lố trong những tháng trước. Ông làm vậy để gây áp lực hầu cho tôi phải đến cầu cứu ông.

   Ông đâu ngờ là tôi đã biết sự thật, nên tôi ráng chịu, không tiêu pha gì nên cũng chẳng cần có tiền. Dù rằng tiền tôi nhận là để gửi cho bạn đồng nghiệp còn nghèo ở quê hương thôi. Gia đình tôi thì không thể liên lạc. Thư đi sáu tháng vẫn không tới nhà, chính quyền lúc đó giữ lại hết để kiểm tra.

   Không bạn bè, không người thân, không gia đình, để chia sẻ, tâm sự, người trong Chúa thì khinh thường… Những oái oăm này mấy ai hiểu được.Ngày ngày, ngoài giờ học thì tôi vào rừng lang thang, vì căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa một cái giường chiếc và một cái bàn nhỏ thôi. Lang thang thơ thẩn vào ra, nhìn cây, nhìn lá, nhìn gà, nhìn chim…

   Không ngờ anh họa sĩ người Nhật, cũng lang thang tìm ý như mình. Anh vẽ rất đẹp và rất tài tình, mặt thì khá đẹp trai, rất Nhật. Tôi thì vừa làm thơ, vừa ngâm. Anh cũng chẳng quan tâm gì đến tôi vì anh đã có bạn gái rồi. Buồn nên tôi quen cho vui thế thôi, hoàn toàn không có một nghĩ suy gì khác.

   Dần dần, khung cảnh hữu tình, lại có người cũng có chút hiểu biết hơn những người ít học khác, nên hai chúng tôi thân nhau hơn. Không ngờ, mẹ anh ta cũng người Đà Lạt. Ôi, sao trùng hợp vậy. Tự nhiên thấy mến như người cùng quê… Thế rồi, có một chút nhớ nhung khi ít gặp. Tôi đấu tranh: Không thể được vì anh ta là người ngoại, không thể nào quen anh ta được. Cuộc chiến nội tâm diễn ra âm thầm.

   Một hôm, bỗng dưng tôi nhận được thư mẹ tôi. Ôi, đã cả năm rồi không tin tức. Nét bút của mẹ đây mà. Tôi run lên sung sướng. Tôi tìm anh để chia sẻ niềm vui. Anh ta nói: “Em còn có mẹ cha, tôi thì mồ côi mẹ từ nhỏ, ba cũng mất năm 75 sau khi đất nước thống nhất, chưa kịp về lại Nhật”.

   Tôi nghe mà mất nửa niềm vui. Một niềm thương cảm từ đâu xuất hiện cách âm thầm, kín đáo, nhưng mãnh liệt không kém. Tôi quan tâm anh hơn. Trong thư mẹ tôi còn bảo đi bảo lại nhiều lần là: Con nên lập gia đình đi để có người bên cạnh chăm sóc con, để mẹ bớt lo! Phần thì ý mẹ, phần thì tình cảm dành cho chàng. Điều tôi ưu tư nhất, đó là anh chưa tin Chúa.

   Một hôm tôi mạnh dạn hỏi: “Sao anh không chịu tin Chúa đi. Chúa Giê-su là Đấng Cứu thế mà, Ngài đã cứu đời em đó.” Anh ta bảo: “Ừ thì anh cũng thấy hay đó, nhưng anh mồ côi và nhờ các sư trong chùa nuôi anh nhiều năm, nên bảo đổi cũng khó. Anh sẽ tìm hiểu xem”.

   Mỗi Chúa Nhật anh đều đến phòng học nhóm với chúng tôi, và tôi luôn nói về Chúa cho anh nghe. Điều anh tin nhất, đó là đời sống của tôi. Tôi không đẹp như những người bạn gái khác của anh, nhưng đức tính thì chắc tôi hơn họ. Tôi cũng vui khi nghe điều đó.

   Mùa xuân năm ấy tôi tròn 30 tuổi ở xứ người 08/03/1989, không có ai để làm sinh nhật. Thầy Võ tặng tôi một lọ nước hoa OPIUM, mà tôi không bao giờ quên. Anh không tiền, không bạc, chỉ cho tôi những đóa hoa dại ven đường.

   Tôi nhớ vô cùng quê hương, đặc biệt là Đà Lạt. Nắng ấm tràn về rọi trên thảm cỏ xanh mọc đầy hoa dại trắng vàng. Đẹp không thể tưởng, khiến bài thơ NHỚ ĐÀ LẠT ra đời:

“Đà lạt ơi, đã bao ngày rồi nhỉ,

Ta xa nhau không một tiếng giã từ,

Hôm nay đây rộn rã với trời xuân,

Rợp nắng mới ta nhớ về quê cũ.

Năm xưa ấy, giữa mùa đông mưa phủ,

Ta chờ xuân về sưởi ấm dáng gầy,

Rừng mai hồng đứng ngẩn gió heo may,

Ta chiu chắt từng luồng hơi em thở!

Đã mấy Xuân, Thu tàn hoa nở,

Mà ta, em nay cách trở muôn trùng,

Hôm nay ngồi dưới giọt nắng sưởi chung,

Ta quay quắt nhớ em ngày xưa đó!

Nắng với gió, Đồi cù ơi, yêu dấu!

Hồ Xuân Hương sóng nước gợn lăn tăn,

Thủy tạ ơi, biết mấy mùa trăng

Ta ngây ngất tim lăn về Thanh Thủy!

Ly ghế đá, ta ngồi mơ tri kỷ,

Ly cà phê ngọt, đắng đượm trên môi

Nhớ về em trong hoang vắng xa xôi,

Ta ôm ấp mộng đời không nói được!

Hồ than thở; bản tình ca thuở trước,

Khi yêu em, hồn kiêu hãnh bùng lên,

Thác Cam-ly, nước đổ sóng mông mênh,

Tình thi vị, gái, trai tìm cuộc sống!

Gửi về em mối tình ta sau, trước,

Vượt mây ngàn chung hưởng một mùa Xuân,

Cùng gửi em một nửa vầng trăng,

Ta ôm ấp hẹn em ngày tao ngộ!”

   Họa sĩ, thi sĩ như dần gần lại. Ngắm trăng, ngắm cảnh một mình cũng thiếu chút niềm vui. Rồi một hôm, ông bà Mục Sư Tốt cùng một số thành viên trong Hội Thánh xuống thăm tôi. Tôi đâu ngờ được là Ông bà Mục Sư thương chúng tôi đến thế.

   Có Huỳnh và Giăng là hai thanh niên tin Chúa trên Hội Thánh và tôi hướng dẫn họ học lời Chúa ở đây, đức tin tốt lắm.Trong cuộc thăm viếng đó, lại có thêm 26 người tin Chúa, trong đó có anh. Ô, tôi vui biết làm sao. Vậy là bây giờ tôi có thể mở cửa trái tim mình rồi. Cuộc tình thi vị dần lớn lên, song song với những nỗi lo vì chưa có đủ giấy tờ ở Pháp, chưa có gì cả.Nhưng khi yêu rồi, biết tính sao đây. Không biết Chúa có chấp nhận không, nên đành xin Chúa chìu theo ý mình vậy. Liều rồi đó!

   Trong thời gian ở ký túc xá, bà Tassigny đã bắt những nhân viên làm trong cơ quan thất nghiệp đến giúp chúng tôi tìm khóa học nghề. Nhìn vẻ mặt còn trẻ của tôi, họ tưởng tôi còn nhỏ, nhưng khi xem lý lịch mới biết tôi đã 30.

   Tất cả đều lắc đầu, xin lỗi, vì mọi khóa học đều chỉ dành cho những người dưới 26 tuổi. Đó là điều ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Bà ấy không muốn tôi bị mất cơ hội tiến thân, nhưng luật là vậy biết làm sao giờ. Tôi rất biết ơn bà.

   Một tháng sau, ông Lafouge, giám đốc ký túc xá tìm cho tôi một việc gia sư ở dưới tỉnh Nice, miền Nam nước Pháp. Tôi rất vui vì đúng nghề của mình. Đi xe lửa một mình đến đó với vốn tiếng Pháp còn ba que của mình. (Lúc ấy người dân Pháp không chịu nói tiếng Anh).

   Họ là chủ của một nhà hàng ăn lớn tầm cỡ ở đó: 150 bàn, ngay sát bờ biển. Tôi làm nghề giữ trẻ và dạy tiếng Anh cho một cậu bé lên 5 tên là Romain. Nghề vô cùng nhàn hạ: sáng, trưa, tối được sang nhà hàng ăn, rồi chơi với cậu ấy.

   Mỗi ngày chỉ dạy cho cậu ấy dăm ba chữ thôi! Con nhà giàu mà, đâu có ép được. Sau đó, họ đề nghị tôi làm thêm việc dọn dẹp phòng tắm và phòng ngủ của họ. Tôi lên phòng thấy quần lót, đồ dơ vất tứ tung… Tôi khựng lại tự hỏi: Mình đang làm nghề gì đây này? Buồn vì chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới. Sao xuống thấp nhanh vậy. Chới với, tôi xin ông bà chủ cho tôi về lại ký túc để suy nghĩ lại.

   Về lại ký túc, tôi phải tự bỏ tiền túi để mua vé tàu lửa. Tôi chấp nhận và bỏ về luôn.

(Đón xem phần 6)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan