CHƯƠNG 10:
BIỂU HIỆN VỀ SỰ NỔI LOẠN CỦA CON NGƯỜI (2)
Kinh Thánh: II Cô-rinh-tô 10:4-6
TƯ TƯỞNG
Mối Liên Quan Giữa Các Lý Lẽ Và Tư Tưởng
Sự nổi loạn của con người không những biểu hiện trong những lời nói và lý lẽ, mà còn biểu hiện trong tư tưởng của con người nữa. Con người nói ra những lời nổi loạn vì con người có những lý lẽ nổi loạn. Nhưng những lý lẽ được biểu hiện trong những tư tưởng của con người. Vì vậy, tư tưởng là trung tâm sự nổi loạn của con người.
II Cô-rinh-tô 10:4-6 là một trong những phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất, vì nó dặc biệt chỉ ra phần nào của con người cần phải thuận phục Đấng Christ. Câu 5 nói đến việc “giam cầm mọi tư tưởng để đạt đến sự vâng phục Đấng Christ”. Sự nổi loạn của con người là sự nổi loạn trong tư tưởng. Phao-lô nói rằng chúng ta phải đánh đổ những thành trì, lý luận và mọi sự cao ngạo nổi lên nghịch với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Con người dùng các lý luận để xây dựng thành trì vây quanh những tư tưởng của mình. Lý luận ấy phải được đánh đổ và các tư tưởng ấy phải được bắt giữ. Quăng đi các lý lẽ, nhưng lấy lại những tư tưởng. Ngày nay lý luận là thành trì của con người và những tư tưởng bị cầm tù ở trong đó. Cuộc chiến thuộc linh liên quan đến việc công phá chiếm lấy thành trì ấy và đoạt lại những tư tưởng. Nếu không đánh đổ những lý lẽ thì các tư tưởng của con người không thể thuận phục Đức Chúa Trời được. Tất cả các lý luận ngăn trở con người nhận biết Đức Chúa Trời. “Những điều cao ngạo” giống như các kiến ốc cao ngất. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, các lý lẽ của con người là một kiến ốc cao ngất, một chướng ngại vật to lớn [phong tỏa] con đường hiểu biết Đức Chúa Trời. Một khi con người lý luận thì các tư tưởng của người ấy bị bao vây; chúng không còn có thể thuận phục Đức Chúa Trời được nữa. Thuận phục là vấn đề của các ý tưởng. Nếu các lý luận biểu lộ thì chúng trở nên lời nói. Nếu các lý luận giấu kín thì chúng bao vây những tư tưởng và sự thuận phục không thể thực hiện được. Phao-lô không xử lý những lý luận bằng cách lý luận. Các lý luận của con người rất nghiêm trọng đến nỗi không thể xử lý chúng trừ khi phải chiến đấu. Tâm trí cùng với các lý luận của nó chỉ có thể được xử lý bằng áo giáp thuộc linh, bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Đó là một trận chiến giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Chúng ta đã trở nên đối thủ của Đức Chúa Trời. Tâm trí lý luận của con người được thừa hưởng từ cây kiến thức về thiện và ác. Khó mà tưởng tượng nổi mức độ tâm trí ấy gây rắc rối cho Đức Chúa Trời. Sa-tan trói buộc chúng ta qua những loại lý luận khác nhau để chúng ta trở nên tù nhân của các lý luận, không thể được Đức Chúa Trời chinh phục và do đó chúng ta cũng trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời.
Sáng-thế Ký chương 3 là một bức tranh về II Cô-rinh-tô chương 10. Sa-tan lý luận với Ê-va. Khi Ê-va trông thấy trái của cây ấy ăn được, bà cũng lý luận. Bà không vâng lời Đức Chúa Trời vì một lý luận. Một khi lý luận đến thì các tư tưởng của con người bị dính vào đó. Các lý luận và tư tưởng đi với nhau. Lý luận bắt lấy các tư tưởng. Một khi tư tưởng bị bắt giữ thì con người không còn có thể thuận phục Đấng Christ nữa. Nếu muốn thuận phục Đức Chúa Trời thì chúng ta phải chạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời và phá vỡ mọi thành trì của các lý luận.
Giam Cầm Các Tư Tưởng
Trong bản Tân Ước Hi-lạp, chữ tư tưởng là noema. Chữ Hi-lạp ấy được dùng sáu lần trong Tân Ước, trong Phi-líp 4:7, 2; II Cô-rinh-tô 2:11; 3:14; 4:4; 10:5; và 11:3. Chữ ấy được dịch một cách đúng đắn là “tư tưởng”, có nghĩa là những đề nghị của tấm lòng. Tấm lòng là cơ quan và những đề nghị là các hoạt động của nó. Chúng là sản phẩm của tâm trí con người. Con người khẳng định chính mình qua quyền tự do đề nghị và nêu ý kiến. Để bảo vệ quyền tự do của mình, tất cả những đề nghị của người đó đều phải được chứng minh là tốt và đúng. Những đề nghị ấy phải tránh bị chống đối. Vì vậy, người ấy phải vây quanh chúng bằng nhiều lý lẽ. Một người không chịu tin Chúa thường là vì một hai lý do mà người ấy dùng tự vây lấy mình như các thành trì. Ví dụ, có người nói rằng họ sẽ tin nhận khi về già, hoặc họ không nhìn thấy những tấm gương tốt giữa vòng các Cơ Đốc Nhân đã tin nhận, hay họ phải chờ đến khi cha mẹ mình qua đời rồi mới có thể tin. Cũng có nhiều lý do làm cho các Cơ Đốc Nhân không yêu mến Chúa. Các sinh viên nói rằng họ quá bận rộn với công việc học hành của mình. Những nhà kinh doanh thì nói rằng họ quá bận rộn với công việc hay họ không cảm thấy khỏe trong người. Nếu Đức Chúa Trời không phá vỡ những thành trì này thì con người sẽ không bao giờ được tự do. Sa-tan dùng các lý luận xây những thành trì để nhốt con người. Con người bị những thành trì lý luận ấy vây quanh bên ngoài. Tự mình con người không thể xuyên phá để được tự do. Chỉ nhờ uy quyền của Đức Chúa Trời bắt giữ những tư tưởng và làm cho chúng trở thành nô lệ của Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có thể thuận phục Đấng Christ.
Người nào muốn nhận biết uy quyền thì trước hết phải phá đổ những lý luận. Khi con người nhìn thấy Đức Chúa Trời như được trình bày trong Rô-ma chương 9 thì mọi lý luận đều bị vỡ tan. Khi thành trì của Sa-tan bị phá hủy thì không còn lý luận nữa và những tư tưởng phải được giam cầm để đạt đến sự vâng phục Đấng Christ. Con người chỉ gặp uy quyền trong lời nói của mình không cũng chưa đủ. Cất bỏ tất cả những lý luận cũng chưa đủ. Những tư tưởng của người ấy phải được giam cầm để dẫn đến sự vâng phục Đấng Christ. Chỉ khi nào những tư tưởng của người ấy bị bắt giữ thì người ấy mới có thể thật sự thuận phục Đấng Christ.
Để biện biệt xem một người đã gặp uy quyền chưa, chúng ta cần quan sát xem người ấy đã được xử lý trong lời nói, lý luận và ý kiến chưa. Khi một người đã đối diện với uy quyền, thì miệng lưỡi của người ấy không còn bất cẩn, các lý luận của người ấy sẽ không táo bạo và sâu sắc; hơn nữa những ý kiến của người ấy không còn được vận dụng. Một người bình thường có nhiều ý kiến và sử dụng nhiều lý luận bên ngoài để củng cố các ý kiến của mình. Sẽ tới một ngày khi uy quyền của Đức Chúa Trời đến để loại bỏ các thành trì mà Sa-tan đã dựng lên qua những lý luận và để bắt giữ những tư tưởng của con người, làm cho người ấy trở nên một nô lệ tự nguyện của Đức Chúa Trời, tức một nô lệ tự thuận phục Đấng Christ mà không có ý kiến gì cả. Chỉ khi ấy mới có một sự cứu rỗi triệt để.
Một người chưa từng gặp uy quyền luôn luôn muốn làm cố vấn cho Đức Chúa Trời. Những tư tưởng của người ấy chưa được Đức Chúa Trời bắt giữ. Khi người ấy đến một nơi nào đó, ý tưởng đầu tiên nẩy ra trong người ấy là “cải tiến”. Khi những tư tưởng chưa được sửa trị, thì người ta sẽ nhìn thấy nhiều lý luận và tình trạng không tan vỡ. Vì vậy, những tư tưởng của chúng ta phải bị cắt rất sâu để chúng được đoạt lại cho Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể nhìn thấy uy quyền của Đức Chúa Trời. Chỉ khi ấy chúng ta mới không dám ẩn nấp dưới những lý luận và bày tỏ ý kiến của mình một cách bất cẩn.
Thường thì dường như có hai người trên khắp thế giới hiểu biết mọi sự – một là Đức Chúa Trời và hai là chính tôi. Tôi là vị cố vấn. Tôi biết mọi sự. Trường hợp đó, rõ ràng cho thấy những tư tưởng vẫn chưa được bắt giữ và không có sự hiểu biết về uy quyền. Một người mà thành trì lý luận của mình đã được uy quyền của Đức Chúa Trời phá vỡ thì những tư tưởng của người ấy sẽ được Đức Chúa Trời bắt giữ; người ấy có thể thuận phục Đấng Christ và thoát khỏi việc bày tỏ các ý kiến của mình. Thật ra, người ấy sẽ không còn thích thú bày tỏ những ý kiến của mình. Những tư tưởng của người ấy sẽ trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời và người ấy sẽ không còn là một người tự do nữa. Sự tự do thiên nhiên là một miếng mồi cho Sa-tan. Sự tự do như vậy phải được từ bỏ. Chúng ta chỉ là những người vâng phục. Chỉ có hai cách mà nhờ đó những tư tưởng của con người có thể được sử dụng. Một là ở dưới sự điều khiển của các lý luận và hai là ở dưới sự kiểm chế của uy quyền Đấng Christ. Thật ra, trên khắp thế giới không có cái được gọi là quyền tự do lựa chọn. Chúng ta hoặc bị các lý luận bắt giữ hoặc được Chúa bắt giữ. Chúng ta hoặc là nô lệ của Sa-tan hoặc là nô lệ của Đức Chúa Trời.
Để biện biệt xem một anh em đã gặp uy quyền chưa, trước hết chúng ta cần tìm xem người ấy có những lời nói nổi loạn hay không; thứ hai, chúng ta cầm tìm xem người ấy có bày tỏ ý kiến không. Trước mặt Chúa, chúng ta phải lưu tâm đến việc phá vỡ các lý luận của mình, nhưng đó chỉ là phương diện tiêu cực. Các lý luận phải được phá vỡ hầu những tư tưởng có thể được giam cầm để dẫn đến sự vâng phục Đấng Christ và chúng ta không còn dám bày tỏ ý kiến riêng của mình nữa. Trước kia, tôi có nhiều lý luận căn cứ trên các ý kiến riêng của mình. Ngày nay, tất cả những lý luận của tôi không còn nữa. Tôi phải thuận phục đối với người nào đã bắt giữ tôi. Một người bị bắt không có quyền tự do. Cho dầu người ấy có bày tỏ một ý kiến thì cũng vô dụng. Một tù nhân không thể bày tỏ ý kiến của mình. Người ấy chỉ có thể tiếp nhận ý kiến [của người khác]. Khi chúng ta được Chúa bắt giữ thì cũng vậy. Chúng ta không còn bày tỏ các ý kiến hay đề nghị. Thay vào đó, chúng ta chỉ tiếp nhận ý kiến của Đức Chúa Trời.
Lời Cảnh Cáo Dành Cho Những Người Khăng Khăng Giữ Ý Kiến
Phao-lô
Phao-lô là một người thông minh, có khả năng, khôn ngoan và nhạy bén. Ông đầy khả năng và tự tin trong công tác của mình và hầu việc Đức Chúa Trời bằng sự nhiệt thành của bản thân. Khi cùng với một nhóm người trên đường đến Đa-mách để bắt các Cơ Đốc Nhân, thình lình ông gặp một ánh sáng lớn, đánh ông ngã xuống đất. Ngay khi ấy, tất cả những ý kiến và phương pháp của ông không còn nữa. Mọi khả năng của ông đều bị tiêu tan. Ông không trở lại Tạt-sơ, cũng không về Giê-ru-sa-lem. Không những chuyến đi đến Đa-mách của ông bị hủy bỏ mà mọi lý luận của ông cũng bị vứt bỏ. Khi nhiều người gặp khó khăn, thì họ xoay sang một hướng khác. Nếu đường đi bị bế tắc thì họ thử một con đường khác. Trong suốt thời gian ấy, họ vẫn đi dông dài theo những phương pháp và ý kiến riêng của mình. Nhiều người ngu dại đến nỗi không ngã xuống thậm chí khi họ bị Đức Chúa Trời đánh đập. Họ chỉ bị Đức Chúa Trời đánh đập trong biến cố ấy, nhưng Ngài vẫn chưa đánh ngã được họ trong lý luận của họ. Những tư tưởng của họ vẫn còn. Nhiều người đã bị chặn lại không đến được Đa-mách, nhưng vẫn tìm cách đến Tạt-sơ hay Giê-ru-sa-lem. Nhưng một khi Sau-lơ bị đánh đập thì mọi sự đều chấm dứt. Không cần nói thêm gì nữa. Không cần suy xét thêm gì nữa. Ông không biết gì nữa. Ông hỏi Chúa: “Thưa Chúa, tôi phải làm chi?” Đó là một người thuận phục từ trong lòng. Tư tưởng của ông được Chúa bắt phục. Sau-lơ từng là một người nổi bật và xuất sắc tại bất cứ nơi nào ông đến, nhưng khi ông gặp uy quyền của Đức Chúa Trời, thì tất cả những ý kiến của mình không còn nữa. Dấu hiệu lớn nhất của một người đã gặp Đức Chúa Trời là không có thành kiến và mưu trí. Chúng ta phải cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời để chúng ta trở nên đơn sơ trong ánh sáng. Ai gặp uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ ngã xuống trước mặt Ngài và tự phát không còn ý kiến nữa. Phao-lô nói rằng ông đã được Đức Chúa Trời bắt làm tù nhân của Ngài. Bây giờ không phải là lúc để chúng ta bày tỏ ý kiến. Vị trí của chúng ta là chỉ lắng nghe và thuận phục.
Vua Sau-lơ
Sau-lơ bị Đức Chúa Trời từ bỏ, không phải vì trộm cướp mà vì dâng lên một sinh tế cho Đức Chúa Trời, đó là chiên và bò mà ông xem là tốt nhất. Đó là ý kiến của ông. Ông cố làm vui lòng Chúa bằng những ý tưởng riêng của mình. Những tư tưởng của ông chưa được bắt phục, do đó ông bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Người ta không thể nói Sau-lơ không nhiệt thành hầu việc Đức Chúa Trời. Ông không nói dối. Đó là chiên và bò tốt nhất. Tuy nhiên, vấn đề là ông quyết định căn cứ trên ý kiến riêng của mình (I Sa-mu-ên 15). Một đầy tớ của Đức Chúa Trời không thể bày tỏ ý kiến riêng của mình, mà chỉ có thể thi hành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải chỉ có mỗi một nỗi ao ước là: “Thưa Chúa, Ngài muốn con làm chi?” Nếu đó không phải là thái độ của mình thì chúng ta hoàn toàn sai trật. Vâng phục tốt hơn là sinh tế. Không có chỗ để con người bày tỏ ý kiến của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Khi vua Sau-lơ nhìn thấy rất nhiều chiên bò mập mạp, ông muốn giữ lại vài con để làm lễ vật dâng lên. Tấm lòng của ông là dành cho Đức Chúa Trời, nhưng ông thiếu sự vâng phục. Có một tấm lòng dành cho Đức Chúa Trời không thể thay thế cho những lời: “Tôi không dám nói gì cả”. Những của lễ mập béo không thể thay thế thái độ “không có tiếng nói” trước mặt Chúa. Đức Chúa Trời đã truyền lệnh phải tiêu diệt hoàn toàn mọi người A-ma-léc cùng với chiên và bò của họ, nhưng Sau-lơ lại không muốn làm như vậy. Về sau, người A-ma-léc giết ông và triều đại của ông chấm dứt. Người nào nêu lên một đề nghị để cứu người A-ma-léc thì cuối cùng người ấy sẽ bị người A-ma-léc giết.
Na-đáp Và A-bi-hu
Na-đáp và A-bi-hu cũng nổi loạn trong vấn đề dâng sinh tế. Họ đã không thuận phục uy quyền của cha mình, mà tự tiện nêu lên lời đề nghị. Họ phạm tội xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Đó là tội dâng lên lửa lạ, là vấn đề vượt quyền hạn người phụng sự của Đức Chúa Trời. Dù họ không nói gì và cũng không lằm bằm lý luận gì cả, nhưng họ đốt hương theo ý muốn và cảm giác riêng của mình. Họ nghĩ phục vụ như vậy là một điều tốt. Nếu họ sai trật thì họ nghĩ rằng đó chỉ là một lầm lỗi trong sự phục vụ. Đối với họ, đó không phải là một trọng tội. Nhưng kết quả hóa ra họ lập tức bị Đức Chúa Trời khước từ và chết ngay tức khắc.
Chỉ Có Sự Thuận Phục Mới Làm Cho Chứng Cớ Của Vương Quốc Trở Thành Hiện Thực
Đức Chúa Trời không xem xét việc chúng ta nhiệt thành vì Phúc Âm hay tự nguyện chịu khổ, mà xét xem chúng ta có vâng phục hay không. Tự kiềm chế các ý kiến, chấm dứt tất cả lý luận, ngưng lại mọi lời nói xấu và hoàn toàn thuận phục Đức Chúa Trời là khởi đầu của vương quốc. Đó sẽ là một ngày vinh hiển, tức là ngày Đức Chúa Trời đã và đang chờ đợi từ khi sáng thế. Đức Chúa Trời có một Con Trưởng, là Đấng đã thuận phục rồi, là trái đầu mùa. Nhưng Đức Chúa Trời đang chờ đợi mọi người con đều đồng hóa theo y như Con ấy. Nếu có một Hội Thánh trên đất thật sự thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời thì sẽ có chứng cớ của vương quốc và Sa-tan sẽ bị đánh bại. Sa-tan không sợ hãi công việc của chúng ta. Hễ chúng ta đứng trên nguyên tắc nổi loạn và tự ý hành động một cách độc lập thì Sa-tan sẽ cười thầm.
Theo luật pháp của Môi-se, lẽ ra rương chứng cớ phải được người Lê-vi khiêng. Nhưng khi người Phi-li-tin trả lại rương chứng cớ cho người Y-sơ-ra-ên, thì họ chở rương ấy bằng xe bò. Khi Đa-vít muốn rước rương chứng cớ vào thành Đa-vít, ông đã không tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngược lại, ông đưa ra đề nghị riêng của mình và dùng bò kéo rương chứng cớ. Khi bò bị vấp, chiếc rương ấy rơi xuống và U-xa đưa tay ra dỡ chiếc rương. Lập tức, ông bị Đức Chúa Trời đánh chết. Cho dầu rương chứng cớ không rơi xuống, cùng lắm là nó chỉ nằm trên xe bò, chứ không ở trên vai của người Lê-vi. Khi người Lê-vi vác rương chứng cớ sang sông Giô-đanh, thì có những cơn sóng thật cao. Nhưng rương chứng cớ vẫn yên ổn. Điều này bày tỏ cho chúng ta biết một điều: Đức Chúa Trời không thích những đề nghị của con người. Con người phải mãi mãi thuận phục Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào Đức Chúa Trời làm chúng ta trống không hoàn toàn thì ý chỉ của Ngài mới được thực hiện mà không bị ngăn trở. Nếu chúng ta đến với những ý kiến của con người mình thì không bao giờ có cách nào hầu việc Đức Chúa Trời được. Mọi sự đều được thực hiện do sự cai trị của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi sự trù tính của con người. Ý kiến của con người phải bị hủy bỏ cách triệt để. Những tư tưởng của con người phải bị đóng lại; phải cấm những tư tưởng ấy nêu lên các đề nghị. Trước kia, chúng ta tự do sống bằng bản ngã, nhưng khi những tư tưởng bị bắt phục thì chúng ta không còn quyền tự do nữa. Kết quả là chúng ta có thể vâng phục Đấng Christ và có sự tự do thật, tức sự tự do ở trong Chúa.
II Cô-rinh-tô 10:6 nói: “Chúng tôi sẵn sàng trừng phạt mọi sự không vâng phục, sau khi sự vâng phục của anh em đã được trọn vẹn rồi”. Chỉ khi nào những tư tưởng của chúng ta bị bắt phục thì sự vâng phục mới được trọn vẹn. Người nào vẫn có thể sử dụng và bày tỏ những ý kiến của mình trước mặt Đức Chúa Trời thì sự vâng phục của người ấy chưa được làm cho trọn vẹn. Chúa đang sẵn sàng. Khi sự vâng phục của chúng ta được trọn vẹn, Ngài sẽ chỗi dậy để báo ứng những kẻ không vâng phục. Nếu chúng ta hoàn toàn xoay khỏi và [biết] sợ những ý kiến, đề nghị của mình, sự vâng phục của chúng ta sẽ được trọn vẹn và Đức Chúa Trời sẽ biểu lộ uy quyền của Ngài trên đất ngày nay. Nếu Hội Thánh không thể thuận phục thì nói chi đến việc thế gian thuận phục. Nếu Hội Thánh không thuận phục thì hy vọng những người khác thuận phục Phúc Âm cũng vô ích. Chỉ một Hội Thánh thuận phục mới có sự đáp ứng thuận phục đối với Phúc Âm. Tất cả chúng ta đều phải học tập để được giới hạn. Môi miệng chúng ta phải được sửa trị để ngưng nói. Tâm trí chúng ta phải được sửa trị để ngưng lý luận. Tấm lòng chúng ta phải được sửa trị để ngưng đề nghị. Nếu chúng ta làm như vậy thì con đường vinh hiển sẽ ở trước mặt mình và Đức Chúa Trời sẽ biểu lộ uy quyền của Ngài trên đất.