Uy Quyền Thuận Phục (P.11): Giới Hạn Đúng Đắn Về Sự Thuận Phục Uy Quyền

Share

CHƯƠNG 11

GIỚI HẠN ĐÚNG ĐẮN VỀ SỰ THUẬN PHỤC UY QUYỀN

Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 11:23; Xuất Ê-díp-tô Ký 1:17; Đa-ni-ên 3:17-18; 6:10; Ma-thi-ơ 2:13; Công vụ 5:29

 

THUẬN PHỤC THÌ TUYỆT ĐỐI, CÒN VÂNG LỜI THÌ TƯƠNG ĐỐI

Thuận phục là vấn đề thái độ, nhưng vâng lời là vấn đề hành vi. Công vụ 4:19 nói: “Nhưng Phi-e-rơ và Giăng trả lời và nói với họ: Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, nghe theo các ông hơn nghe theo Đức Chúa Trời thì có đúng hay không, xin các ông hãy xét”. Tuy nhiên, các vị sứ đồ ấy không nổi loạn trong linh mình; họ vẫn thuận phục tất cả những người có quyền hành. Sự vâng lời thì không tuyệt đối. Đối với một số uy quyền, chúng ta phải vâng lời, nhưng đối với các uy quyền khác thì chúng ta không thể vâng lời. Loại sau bao gồm những uy quyền chạm đến những vấn đề cơ bản thuộc đức tin Cơ Đốc, chẳng hạn như đức tin của chúng ta trong Chúa và quyền tự do rao giảng Phúc Âm. Một người con có thể nói bất cứ điều gì với cha mình. Nhưng không được có thái độ nổi loạn. Sự thuận phục của chúng ta cần phải luôn luôn tuyệt đối. Đối với một số vấn đề, chúng ta có thể vâng lời và đồng thời cũng thuận phục. Đối với những vấn đề khác, chúng ta không thể vâng lời, nhưng vẫn có thể duy trì thái độ thuận phục. Tất cả những điều này là vấn đề thái độ.

Công vụ chương 15 là một kiểu mẫu về một hội nghị trong Hội Thánh. Trong một hội nghị, chúng ta có thể đề nghị và tranh luận. Nhưng khi đã đi đến quyết định thì mọi người đều cần phải thuận phục.

GIỚI HẠN CỦA VIỆC VÂNG LỜI UY QUYỀN ĐẠI DIỆN

Nếu có những bậc cha mẹ ép buộc con mình không được dự các buổi nhóm Hội Thánh thì những người con cần phải có thái độ thuận phục, nhưng không cần phải vâng lời. Điều này giống như việc các sứ đồ rao giảng Phúc Âm. Khi nhà hội Do-thái ngăn cấm họ, họ có thái độ thuận phục, nhưng trong hành động, thì họ cứ tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Họ quyết định rao giảng Phúc Âm, thay vì để nhà hội kiểm chế. Đó không phải là kháng cự bằng những lời cải vã và la lối, mà là bất tuân với thái độ bình tịnh. Bất cứ trường hợp nào cũng đừng bao giờ có thái độ ương ngạnh hay những lời phản đối chống lại những người có quyền hành. Một khi gặp uy quyền thì một người trở thành mềm mại và hòa nhã. Sự thuận phục của một người trong tấm lòng, thái độ và lời nói phải thật tuyệt đối. Đừng có thái độ ương ngạnh hay nổi loạn nào.

Khi uy quyền đại diện (tức người đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời), thì chúng ta phải thuận phục uy quyền đại diện ấy nhưng không phải vâng lời. Chúng tôi sẽ tóm tắt vấn đề này trong ba điểm:

(1) Vâng lời là vấn đề hành vi và tương đối. Thuận phục là vấn đề thái độ và tuyệt đối.

(2) Chỉ Đức Chúa Trời mới là đối tượng để được thuận phục không giới hạn. Con người thấp kém hơn Đức Chúa Trời chỉ nên tiếp nhận sự thuận phục có giới hạn.

(3) Nếu uy quyền đại diện truyền lệnh hoàn toàn trái ngược với lệnh của Đức Chúa Trời thì chúng ta chỉ có thể thuận phục mà không thể vâng lời. Chúng ta chỉ thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Chúng ta đừng vâng theo những lệnh trái với Đức Chúa Trời.

Nếu cha mẹ yêu cầu con cái đi đến những nơi chúng không thích và vấn đề ấy không liên hệ gì đến tội lỗi, thì chúng ta đối diện với một trường hợp khó xử. Thuận phục là tuyệt đối. Nhưng vâng lời lại là một vấn đề khác. Nếu cha mẹ ép buộc, thì anh em không có quyền lựa chọn nào khác ngoại trừ phải đi. Nhưng nếu cha mẹ không ép buộc, thì anh em không phải đi. Nếu tất cả những người làm con đều có thái độ như vậy thì Đức Chúa Trời sẽ giải phóng họ trong các hoàn cảnh của mình.

(1) Những bà đỡ và mẹ của Môi-se không vâng theo lịnh của Pha-ra-ôn để mạng sống của Môi-se có thể được bảo toàn. Kinh Thánh gọi họ là những người đàn bà của đức tin.

(2) Ba người bạn của Đa-ni-ên không thờ phượng hình tượng bằng vàng của Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Họ không tuân theo lịnh vua, nhưng họ thuận phục chịu nhà vua thiêu sống.

(3) Đa-ni-ên không tuân theo sắc lệnh mà cứ cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nhưng ông thuận phục sự xét xử của nhà vua mà chịu quăng vào hang sư tử.

(4) Giô-sép cùng với Chúa Jêsus chạy trốn qua xứ Ai-cập để tránh bị Vua Hê-rốt giết.

(5) Phi-e-rơ đi ngược lại mạng lịnh của những người trong nhà hội và rao giảng Phúc Âm. Ông cũng nói rằng thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời loài người. Nhưng ông thuận phục chịu nhà cầm quyền xiềng xích và cầm tù.

NHỮNG DẤU HIỆU CỤ THỂ VỀ SỰ THUẬN PHỤC UY QUYỀN

Làm sao chúng ta biết được một người có thuận phục uy quyền hay không? Đây là một vài dấu hiệu:

(1) Ngay khi một người đã gặp uy quyền thì người ấy sẽ tìm kiếm uy quyền ở khắp mọi nơi. Hội Thánh là cơ quan huấn luyện Cơ Đốc Nhân thuận phục uy quyền. Trong cả thế giới, không có điều nào như sự thuận phục. Nhưng một Cơ Đốc Nhân phải học biết thuận phục. Hơn nữa, người ấy phải thuận phục từ trong lòng chứ không chỉ hời hợt bên ngoài. Một khi học biết thuận phục thì người ấy sẽ tìm kiếm uy quyền ở bất cứ nơi nào mình đi đến.

(2) Khi một người đã gặp uy quyền của Đức Chúa Trời, người ấy sẽ mềm mại, khô héo và yếu đi. Đó là vì người ấy đã bắt đầu biết sợ gây lầm lỗi; người ấy thật là một người mềm mại.

(3) Những người đã gặp uy quyền sẽ không thích làm uy quyền. Họ sẽ không ao ước hay quan tâm đến việc làm một người có quyền hành. Họ không vui thích gì trong việc đưa ra ý kiến hay điều khiển người khác. Những người thuận phục uy quyền luôn luôn sợ gây lầm lỗi. Nhưng nhiều người rất thích trở nên cố vấn của Đức Chúa Trời. Chỉ những người chưa biết đến uy quyền mới thích làm người có quyền.

(4) Những người đã gặp uy quyền sẽ ngậm miệng mình lại. Họ sẽ được kiểm chế và không dám nói năng một cách khinh suất, vì chính họ ý thức về uy quyền.

(5) Nếu một người đã gặp uy quyền thì người ấy sẽ lập tức nhận ra bất cứ vi phạm nào trong những người khác. Người ấy sẽ nhìn thấu nhiều sự bất pháp và nhận biết nhiều sự nổi loạn. Sau đó, người ấy sẽ đến chỗ nhận biết nguyên tắc bất pháp đầy dẫy khắp nơi, trên thế gian cũng như trong Hội Thánh. Chỉ những người đã gặp uy quyền mới có thể dẫn dắt người khác học biết thuận phục. Chỉ khi nào các anh chị em thuận phục uy quyền thì Hội Thánh mới có một chứng cớ và có một đường lối trên đất.

TUÂN THEO UY QUYỀN  TÙY THUỘC VÀO SỰ HIỂU BIẾT VỀ UY QUYỀN

Nếu một người chưa từng gặp uy quyền và không nhận biết nguyên tắc thuận phục uy quyền, người ấy không thể đem những người khác vào con đường thuận phục và uy quyền. Nếu để hai con chó sống với nhau, anh em không thể lập một con làm uy quyền và bắt con kia thuận phục uy quyền. Làm như vậy cũng vô ích. Nếu một người gặp uy quyền thì mọi sự đều được giải quyết. Một khi xúc phạm đến uy quyền thì người ấy sẽ nhận thấy rằng mình đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Nếu một người chưa từng gặp uy quyền thì có vạch ra những lỗi lầm của người ấy cũng vô ích. Khi tình trạng ấy xảy ra, chúng ta phải rút lui và cẩn thận coi chừng mình rơi vào một lãnh vực nổi loạn giống như vậy.

MARTIN LUTHER VÀ VIỆC RỜI KHỎI CÁC GIÁO PHÁI 

Martin Luther dấy lên giảng về nguyên tắc cơ bản của việc xưng công chính bởi đức là điều đúng đắn. Chúng ta rời khỏi các giáo phái để đứng với tư cách là chứng cớ của sự hiệp một tại Hội Thánh địa phương cũng là điều đúng đắn. Vì chúng ta đã thấy vinh quang của Đấng Christ và Thân Thể Đấng Christ nên chúng ta không thể có danh nào khác ngoại trừ danh Chúa. Danh của Chúa là điều tối quan trọng. Tại sao sự cứu rỗi không những chỉ nhờ huyết của Đấng Christ mà cũng nhờ danh của Chúa? Đó là vì danh Chúa có nghĩa là sự phục sinh và thăng thiên. Đức Chúa Trời chỉ có một con đường cứu rỗi và Ngài đã đặt điều này ở dưới danh của Chúa. Trong Báp-tem, chúng ta được Báp-tem vào trong danh của Chúa và chúng ta nhóm lại với nhau ở trong danh của Chúa. Vì vậy, duy chỉ thập tự giá và huyết thì không thể giải quyết nan đề giáo phái. Nếu nhìn thấy vinh quang của sự thăng thiên thì một người sẽ không thể khăng khăng đòi bất cứ danh nào khác hơn là danh của Chúa. Chúng ta chỉ có thể tôn cao danh Chúa. Không thể có danh nào khác. Ngày nay, các tổ chức giáo phái đều lật đổ vinh quang của Chúa. Đối với Chúa, đó là một sự phạm thượng.

SỰ SỐNG VÀ UY QUYỀN

Hội Thánh được duy trì bởi hai điều: sự sống và uy quyền. Sự sống là để chúng ta thuận phục uy quyền. Rất ít khi những nan đề trong Hội Thánh dấy lên vì không vâng lời, mà chủ yếu là vì không sẵn sàng thuận phục. Nguyên tắc sự sống của chúng ta là thuận phục, cũng như nguyên tắc sự sống của loài chim là bay trên không trung và nguyên tắc sự sống của loài cá là bơi lội dưới nước.

Hiện nay, đường lối hiệp một trong Ê-phê-sô chương 4 dường như xa vời. Nhưng nếu con người gặp uy quyền thì đường lối ấy sẽ không xa rời nữa. Có thể mọi thánh đồ đều có ý kiến khác nhau, nhưng không có sự nổi loạn. Thuận phục là từ tấm lòng. Khi ấy chúng ta đều sẽ đạt đến sự hiệp một của đức tin. Ngày nay sự sống ở tại đây và nguyên tắc sự sống cũng được mở ra cho chúng ta. Nếu Chúa thương xót chúng ta thì chúng ta sẽ có thể nhanh chóng nhận lấy đường lối này. Ngày nay, sự sống không những chỉ để chúng ta đối phó với tội. Đó chỉ là phương diện tiêu cực. Sự sống cũng để thuận phục. Điều này trọng yếu hơn và là phương diện tích cực của sự sống. Một khi linh nổi loạn đi khỏi chúng ta thì linh thuận phục sẽ được phục hồi và tình trạng trong Ê-phê-sô chương 4 sẽ được biểu hiện trước mắt chúng ta. Nếu mọi Hội Thánh đều tiếp nhận đường lối thuận phục thì những sự kiện vinh hiển ấy sẽ mở ra trước mắt chúng ta.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan