CHƯƠNG 8:
UY QUYỀN TRONG THÂN THỂ
Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 12:12-21; Ma-thi-ơ 18:15-18
THÂN THỂ LÀ NƠI BÀY TỎ CAO NHẤT VỀ UY QUYỀN
Biểu hiện cao nhất của uy quyền Đức Chúa Trời thì ở trong Thân Thể Đấng Christ, tức Hội Thánh. Mặc dầu Đức Chúa Trời đã thiết lập hệ thống uy quyền trên thế giới, nhưng không mối liên hệ nào đối với chính quyền hay giữa cha con, chồng vợ và chủ tớ có thể biểu hiện uy quyền một cách hoàn hảo.
Tuy Đức Chúa Trời đã lập nên nhiều uy quyền trên thế giới, nhưng chúng chỉ là các hệ thống uy quyền được Đức Chúa Trời lập nên. Con người có thể thuận phục chúng cách bề ngoài mà trong lòng không [thật sự] thuận phục. Ví dụ, nếu chính quyền thông qua một sắc lịnh, người ta có thể vâng theo sắc lịnh ấy từ trong tấm lòng, hay họ có thể vâng theo mà không phải tự đáy lòng. Không cách nào nhận ra [họ] đang vâng phục như thế nào.
Cũng vậy, không cách nào nói được một đứa trẻ thuận phục cha mẹ từ tấm lòng hay đó chỉ nông cạn và có tính cách hành vi [bề ngoài]. Vậy nên, con cái thuận phục cha mẹ mình hay đầy tớ thuận phục chủ mình không thể tiêu biểu cho sự thuận phục uy quyền, huống chi là việc người ta thuận phục chính quyền. Tất nhiên, nếu không có sự thuận phục thì không có sự thiết lập uy quyền của Đức Chúa Trời. Thuận phục bên ngoài mà không có sự tương ứng bên trong thì vẫn không thiết lập uy quyền của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nhiều loại thuận phục căn cứ trên mối quan hệ giữa con người với con người – ví dụ, cha với con, hay chủ với tớ. Nhưng chủ tớ có thể tách rời và cha con cũng vậy. Vậy nên, chúng ta không nhìn thấy sự thuận phục tuyệt đối và hoàn hảo trong các mối liên hệ ấy.
Chỉ Đấng Christ và Hội Thánh mới có biểu hiện cao nhất về uy quyền và sự thuận phục. Đức Chúa Trời đã không thiết lập Hội Thánh để làm cho Hội Thánh trở nên một tổ chức mà làm cho trở nên Thân Thể Đấng Christ. Chúng ta nghĩ rằng Hội Thánh là sự tập hợp các tín đồ có cùng một đức tin với nhau, hay đó là một sự tụ họp lại với nhau trong tình yêu thương.
Nhưng Đức Chúa Trời lại thấy một cách khác. Hội Thánh không chỉ là một sự đồng tâm nhất trí trong đức tin hay tình yêu thương, mà Hội Thánh còn là một thân thể. Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh. Cha con, chủ tớ hay ngay cả vợ chồng cũng có thể bị tách rời, nhưng thân thể và đầu không bao giờ có thể tách ra, mà mãi mãi được kết hiệp làm một.
Tương tự như vậy, Đấng Christ và Hội Thánh không bao giờ có thể tách rời nhau. Đối với Đấng Christ và Hội Thánh có một sự thuận phục tuyệt đối và một uy quyền tuyệt đối vượt trổi hơn mọi uy quyền và mọi sự thuận phục khác. Dù cha mẹ yêu thương con cái, họ vẫn có thể phạm lỗi. Họ có thể lạm dụng uy quyền của mình. Cũng vậy, uy quyền của một người chủ cũng có thể sai trật. Trên thế giới, không những sự thuận phục bất toàn, mà uy quyền cũng bất toàn. Do đó, Đức Chúa Trời phải thiết lập một uy quyền tuyệt đối và một sự thuận phục hoàn toàn, là Đấng Christ và Hội Thánh, tức Đầu và Thân Thể.
Có một số cha mẹ làm hại con cái mình; có những người chồng làm hại vợ mình; có những người chủ làm hại đầy tớ mình; và có những người cai trị làm hại dân mình. Nhưng không có cái đầu nào lại làm hại thân thể của chính nó. Vậy nên, uy quyền của đầu không thể sai trật, mà hoàn hảo. Hãy nhìn xem sự thuận phục của thân thể đối với đầu; sự thuận phục ấy rất hoàn hảo. Hễ đầu mong muốn điều gì thì ngón tay sẽ chuyển động. Không cần đến lời nói; không cần phải bắt buộc. Mọi sự đều rất hài hòa.
Ý chỉ của Đức Chúa Trời là chúng ta thuận phục cách hoàn toàn. Chúng ta phải được Đức Chúa Trời mang đến một tình trạng giống như thân thể thuận phục đầu. Chỉ khi ấy Đức Chúa Trời mới thỏa lòng. Điều này không thể được tiêu biểu bởi [mối liên hệ] vợ chồng và những liên hệ tương tự như vậy. Uy quyền thuộc về Ngài và sự thuận phục cũng thuộc về Ngài. Uy quyền và sự thuận phục là một điều. Không phải như thế gian, là nơi mà uy quyền và sự thuận phục là hai điều khác biệt. Thân thể muốn chuyển động thì không cần đầu phải dùng hết sức mạnh mà truyền lệnh. Ngay khi một ý tưởng xuất hiện thì thân thể sẽ chuyển động. Trong điều này có sự hòa hợp hoàn toàn. Nếu chúng ta chỉ có thể thuận phục đến mức độ như con cái thuận phục cha mẹ hay vợ thuận phục chồng, thì Đức Chúa Trời sẽ không thỏa lòng. Đức Chúa Trời mong muốn sự thuận phục của chúng ta cũng như thân thể thuận phục đầu. Đó không phải là một sự thuận phục bởi ép buộc, như được thấy tại các quốc gia. Nhưng, đó là sự thuận phục của thân thể đối với đầu. Ngay khi đầu có một ý định nhỏ thì có một sự thuận phục hài hòa.
Nếu thường xuyên thuận phục Đức Chúa Trời, anh em sẽ nhận thấy rằng mạng lịnh và ý chỉ của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác biệt. Mạng lịnh của Ngài là một lời ra từ miệng Ngài và ý chỉ của Ngài là một ý niệm ra từ lòng Ngài. Một mạng lịnh phải được phát biểu, nhưng một ý chỉ không cần phát biểu. Chúa Jêsus không những thuận phục đối với lời Đức Chúa Trời mà còn thuận phục đối với ý chỉ của Ngài. Nơi nào có một ý chỉ thì Chúa chuyển động và hành động. Đức Chúa Trời phải hành động để đem vào trong Đấng Christ và Hội Thánh một mối liên hệ giống như mối liên hệ giữa Đấng Christ và Cha. Đức Chúa Trời phải hành động trong chúng ta cho đến khi chúng ta có thể thuận phục Đấng Christ như Đấng Christ thuận phục Đức Chúa Trời.
Trong phần thứ nhất của công tác Ngài, Đức Chúa Trời lập chính Ngài làm Đầu của Đấng Christ. Trong phần thứ hai của công tác Ngài, Đức Chúa Trời lập Đấng Christ làm Đầu của Hội Thánh. Ngài phải hành động cho đến khi có sự thuận phục mà thậm chí không cần đến Thánh Linh xử lý. Hễ Ngài có một nỗi ao ước thì lập tức chúng ta sẽ vâng phục. Trong phần thứ ba của công tác Ngài. Đức Chúa Trời sẽ làm cho các vương quốc của thế gian trở nên vương quốc của Chúa và của Đấng Christ Ngài. Phần thứ nhất đã được hoàn thành rồi và phần thứ ba chưa xảy ra.
Ngày nay chúng ta đang ở phần giữa. Nếu công tác trong phần thứ hai chưa hoàn thành thì công tác trong phần thứ ba không thể bắt đầu. Chúng ta ở đây thuận phục và để Đức Chúa Trời tự do hành động, hay chúng ta ở đây bất tuân và cản trở Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời chưa bao giờ có được uy quyền trong vũ trụ. Nơi mà uy quyền của Ngài sẽ nhìn thấy sự thành công trọn vẹn và nơi mà tình thế sẽ được xoay chuyển là Hội Thánh. Hội Thánh là phần giữa; đó là bước ngoặt. Do đó, Đức Chúa Trời để dành vinh quang lớn lao nhất cho chúng ta. Nếu không nhìn thấy uy quyền thì không có cách nào tiếp tục tiến lên. Nếu vấn đề này chưa được giải quyết trong chúng ta thì sẽ không được giải quyết trong những người khác. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm biểu hiện uy quyền.
THÂN THỂ THUẬN PHỤC ĐẦU LÀ ĐIỀU TỰ PHÁT VÀ HÒA HỢP NHÂT.
Ngày nay Đức Chúa Trời đã làm sẵn mọi sự rồi. Thân Thể và Đầu đã có cùng một sự sống và bản chất rồi. Vì vậy, sự thuận phục rất tự phát, trong khi không thuận phục thì hơi kỳ lạ. Ví dụ, nếu bàn tay đưa lên theo ý muốn của đầu thì điều đó không có gì lạ cả. Nhưng nếu bàn tay không chuyển động thì đó là một chuyện lạ. Có lẽ bàn tay bị bệnh. Linh sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cũng giống như Linh ở trong Chúa.
Cũng vậy, sự sống và bản chất mà Ngài ban cho chúng ta giống như sự sống và bản chất ở trong Chúa. Một lần nữa, ở đây, sự không hòa hợp hay bất tuân không thể xảy ra. Một số chuyển động trong thân thể chúng ta có ý thức, trong khi những chuyển động khác thì vô thức. Sự hiệp một của thân thể đối với đầu không những tùy thuộc vào sự thuận phục có ý thức mà còn tùy thuộc vào sự thuận phục một cách vô thức. Điều này cũng giống như việc hít thở. Có thể có loại hít thở sâu cách có ý thức hoặc có thể có loại hít thở bình thường, tự phát và không có ý thức. Điều đó cũng giống như tim đập mà không có ý thức. Không cần phải truyền lệnh; tự động quả tim cứ tiếp tục đập. Đó là sự thuận phục trong sự sống. Thân thể mà thuận phục đầu thì không còn sự ồn ào, ép buộc và xích mích. Mọi sự đều hài hòa. Một số người chỉ phục tùng những mạng lịnh thì vẫn chưa đủ. Trong những mạng lịnh là ý chỉ và trong ý chỉ là luật sự sống. Chỉ khi nào một người thuận phục luật sự sống thì sự thuận phục của người ấy mới hoàn hảo. Nếu sự thuận phục không giống như thân thể thuận phục đầu thì không thể gọi là sự thuận phục. Sự thuận phục của một số người thật miễn cưỡng đến nỗi hành động ấy không thể được xem là sự thuận phục.
Chúa đã đặt chúng ta vào Thân Thể. Tại đây, sự liên hiệp thật hoàn toàn và sự thuận phục thật hoàn hảo. Thật là một điều kỳ diệu, thậm chí tâm trí của Thánh Linh có thể được các chi thể hướng dẫn. Không thể nào tách rời hai chi thể khỏi các chi thể khác để làm cho chúng thành một tổng thể riêng biệt. Một sự hòa hợp hiện hữu giữa các chi thể một cách tự phát. Thậm chí không cần phải suy nghĩ về sự thuận phục ấy. Sự hòa hợp của nó vượt quá lời mô tả của con người và sự thuận phục uy quyền của nó là điều hoàn hảo nhất có thể tìm thấy được. Do đó, chúng ta không thể làm một chi thể bệnh hoạn, tức một chi thể làm ồn ào và gây xích mích. Chúng ta đang sống trong sự hành động của uy quyền Đức Chúa Trời; cần phải có một sự thuận phục rất tự nhiên. Hội Thánh không chỉ là nơi tương giao của các anh chị em, mà còn là nơi biểu hiện uy quyền.
KHƯỚC TỪ UY QUYỀN TRONG CÁC CHI THỂ LÀ KHƯỚC TỪ ĐẦU
Uy quyền trong Thân Thể đôi khi không biểu hiện một cách trực tiếp mà được biểu hiện một cách gián tiếp. Không những thân thể thuận phục đầu, mà các chi thể của thân cũng thuận phục và giúp đỡ lẫn nhau. Tay trái và tay phải không có mối tương giao trực tiếp với nhau. Đầu chuyển động tay phải và chuyển động tay trái. Tay trái không điều khiển tay phải, cũng như tay phải không điều khiển tay trái. Bàn tay không ra lịnh cho mắt phải nhìn thấy, mà chỉ báo cho đầu biết. Sau đó, đầu hướng dẫn cặp mắt để nhìn. Bất kể các chi thể có cách xa đầu bao nhiêu đi nữa, mối liên hệ của chúng với đầu cũng như nhau và mọi công tác của chúng đều liên hệ trở lại với đầu. Nếu cặp mắt của tôi nhìn thấy, đôi tay của tôi làm việc hay đôi chân của tôi di chuyển, thì tôi nói rằng tôi nhìn thấy, tôi làm việc hay tôi di chuyển. Vậy, nhiều khi quyết định của các chi thể là quyết định của đầu. Uy quyền của các chi thể là uy quyền của đầu. Bàn tay tự nó không thể nhìn thấy, mà cần đến quyết định của cặp mắt. Bàn tay cầu xin đầu để được nhìn thấy hay tự đòi hỏi nó phải nhìn thấy là điều sai trật. Cả hai điều ấy đều không thể xảy ra được.
Nhưng đây thường là nan đề đối với con cái Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta phải chấp nhận các chi thể khác làm uy quyền đại diện của Đầu. Chức năng của bàn tay chỉ thuộc về bàn tay, chức năng của bàn chân chỉ thuộc về bàn chân và chức năng của cặp mắt chỉ thuộc về cặp mắt. Chúng ta phải chấp nhận chức năng của những người khác làm chức năng của mình. Chúng ta không thể khước từ chức năng của các chi thể. Nếu bàn chân khước từ bàn tay thì nó khước từ đầu. Do đó, khi chúng ta chấp nhận uy quyền của các chi thể, là chúng ta chấp nhận uy quyền của Đầu. Mỗi chi thể đều là uy quyền của tôi trong mối tương giao. Tuy chức năng của bàn tay thật to tát, nhưng nó phải chấp nhận chức năng của bàn chân trong vấn đề đi lại. Bàn tay không thể cảm thấy màu sắc, mà cần đến uy quyền của cặp mắt. Chức năng của các chi thể là uy quyền của các chi thể.
UY QUYỀN LÀ SỰ PHONG PHÚ CỦA ĐẤNG CHRIST
Ngày nay, mỗi chi thể trở nên toàn bộ thân thể là điều không thể có được. Do đó, mỗi người cần phải đứng vào vị trí của mình với tư cách là một chi thể, tiếp nhận chức năng của các chi thể khác. Khi những người khác nhìn thấy và lắng nghe, thì tôi nhìn thấy và lắng nghe. Tiếp nhận chức năng của các chi thể là tiếp nhận sự phong phú của Đầu. Không có một chi thể nào là độc lập cả. Tôi chỉ là một chi thể. Một chi thể không thể làm công tác của Thân Thể. Những gì các chi thể khác thực hiện là những gì Thân Thể thực hiện. Đó cũng là những gì các chi thể thực hiện.
Trong tình trạng ngày nay thì mắt đã nhìn thấy, nhưng bàn tay lại nói rằng nó chưa nhìn thấy và đang chờ đợi để được nhìn thấy. Con người muốn có mọi sự và có khả năng làm mọi sự, mà không tiếp nhận sự cung ứng của các chi thể. Điều đó làm cho người ấy nghèo nàn và Hội Thánh bị sa vào tình trạng nghèo nàn. Uy quyền là sự phong phú của Đấng Christ. Tiếp nhận chức năng của những người khác, có nghĩa là chấp nhận uy quyền của họ, là tiếp nhận sự phong phú của toàn Thân Thể. Nếu thuận phục uy quyền của mỗi chi thể thì chúng ta có được sự phong phú của mọi chi thể. Nếu khước từ uy quyền thì chúng ta sống trong tình trạng nghèo nàn. Khi cặp mắt được soi sáng, thì cả thân thể được soi sáng. Khi đôi tai lắng nghe, cả thân thể lắng nghe.
Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng mục đích của uy quyền là để đàn áp, đập vỡ và làm cho chúng ta khó chịu. Nhưng Đức Chúa Trời không có ý tưởng như vậy. Chúng ta thật sai lầm. Đức Chúa Trời dùng uy quyền để bù vào những gì thiếu hụt trong chúng ta. Đức Chúa Trời lập nên uy quyền của Ngài để ban phát sự phong phú của Ngài cho chúng ta và để bù vào sự thiếu hụt của tất cả những người yếu đuối. Đức Chúa Trời không thể chờ đợi cho đến khi chúng ta đạt đến một giai đoạn nào hay cho đến khi một số năm tháng nào trôi qua rồi Ngài mới chỉ cho chúng ta thấy một điều gì đó. Nếu như vậy thì chúng ta phải trải qua vô số những ngày tháng tối tăm và đau khổ và vô số người sẽ bị dẫn vào sự tối tăm. Đó thật là người mù dẫn dắt người mù. Đức Chúa Trời sẽ phải chịu mất mát biết bao! Đó là lý do tại sao trước hết Đức Chúa Trời hành động một cách triệt để trong những người được Ngài dùng hầu khi Ngài ban họ cho chúng ta với tư cách là uy quyền của chúng ta để giúp đỡ chúng ta học biết sự thuận phục, thì chúng ta có thể tiếp nhận những gì mình không bao giờ có thể nhận được bằng một cách nào khác. Sự phong phú của họ sẽ trở nên sự phong phú của chúng ta. Nếu bỏ qua điều ấy thì chúng ta có thể phải trải qua năm mươi năm mà vẫn không đạt đến được những gì họ đã học biết.
Ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta có hai mặt. Một mặt, ân điển trực tiếp đến với chúng ta. Điều này không thường xuyên xảy ra. Mặt khác, [ân điển] có sự phong phú [đến với chúng ta cách] gián tiếp. Trong Hội Thánh, Đức Chúa Trời đã lập các anh chị em đi trước chúng ta để làm uy quyền của chúng ta. Nhờ sự biện biệt của họ trở nên sự biện biệt của chúng ta, chúng ta có thể nhận được sự phong phú của họ mà khỏi phải trải qua những nỗi khổ của họ. Trong Hội Thánh có nhiều ân điển Đức Chúa Trời chỉ ban cho những người khác chứ không ban cho anh em. Mỗi vì sao đều có vinh quang riêng của nó. Vì vậy, uy quyền là sự phong phú của Hội Thánh. Sự phong phú của mỗi cá nhân là sự phong phú dành cho nhiều người. Nổi loạn là đi con đường nghèo nàn. Khước từ uy quyền là khước từ đường lối tiếp nhận ân điển và sự phong phú.
CHỨC NĂNG ĐƯỢC ỦY THÁC LÀ UY QUYỀN ĐẠI DIỆN
Không ai dám nói rằng mình sẽ thuận phục uy quyền của Chúa. Nhưng cũng có uy quyền của các chi thể trong sự phối hợp mà chúng ta phải thuận phục. Chúng ta phải nhận thức rằng mọi chi thể đều được kết hiệp với nhau. Nếu chúng ta không tiếp nhận sự giúp đỡ từ các chi thể khác thì chúng ta ở trong tình trạng nổi loạn. Đôi khi Chúa trực tiếp dùng một chi thể. Vào những lúc khác, Chúa dùng chi thể này để cung ứng cho chi thể khác. Khi đầu hướng dẫn mắt để nhìn, thì toàn thân thể tiếp nhận sự nhìn thấy của mắt làm sự nhìn thấy của chính mình vì khi mắt nhìn thấy, toàn thân thể cũng nhìn thấy. Chức năng được ủy thác này, tức uy quyền đại diện, cũng là uy quyền của Đầu. Nếu các chi thể nào khác nghĩ rằng họ có thể tự nhìn thấy thì họ đang ở trong tình trạng nổi loạn. Chúng ta không thể ngu dại đến nỗi nghĩ rằng mình toàn năng.
Đừng bao giờ quên rằng chúng ta chỉ là các chi thể. Chúng ta cần tiếp nhận chức năng của các chi thể khác. Khi thuận phục đối với uy quyền của chức năng thị giác, chúng ta sẽ không còn ngăn cách với Đầu, vì nguồn cung ứng ở trong uy quyền. Người nào có ân tứ thì có chức vụ, và người nào có chức vụ thì có uy quyền. Không chi thể nào khác có thể nhìn thấy ngoại trừ cặp mắt. Nếu muốn nhìn thấy thì chúng ta phải thuận phục uy quyền của cặp mắt và tiếp nhận sự cung ứng của chúng. Chức vụ được Đức Chúa Trời chỉ định là uy quyền của Ngài. Đừng ai khước từ điều này. Mọi người đều muốn tiếp nhận uy quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời lại muốn chúng ta thuận phục các uy quyền gián tiếp (chẳng hạn như uy quyền đại diện) để chúng ta có thể nhận được nguồn cung ứng thuộc linh.
DỄ DÀNG THUẬN PHỤC BẰNG SỰ SỐNG
Đối với những người vô tín và người Do-thái, thuận phục là một vấn đề khó khăn vì họ không liên hệ với những người vô tín và người Do-thái khác trong sự sống. Tuy nhiên, chúng ta liên hệ với nhau trong sự sống. Vì vậy, thuận phục không phải là điều khó, vì ở bên trong tất cả chúng ta là một, chia sẻ cùng một sự sống và cùng một Thánh Linh. Thánh Linh hướng dẫn mọi sự.
Sự thuận phục hỗ tương mang đến một trạng thái vui tươi và một cuộc đời yên nghỉ cho chúng ta. Nếu chúng ta tự mình mang vác mọi gánh nặng thì đó sẽ là một công việc mệt nhọc. Nếu các gánh nặng ấy được phân phối giữa vòng các chi thể, thì vấn đề đó sẽ thoải mái. Nếu sẵn lòng để Chúa giới hạn thì chúng ta sẽ có sự yên nghỉ thật sự. Vậy nên, thuận phục uy quyền của các chi thể là một sự giải thoát lớn lao. Nếu không thì chúng ta đứng vào vị trí của những người khác, trong khi chúng ta tự gây cho mình [sống] trong tình trạng vô cùng căng thẳng. Đối với chúng ta, thuận phục là điều tự phát và bất tuân là điều không thoải mái dễ chịu. Tại sao chúng ta phải cắn nuốt lẫn nhau? Tại sao chúng ta phải chỉ trích lẫn nhau? Đối với chúng ta, những hành động ấy cần phải là những điều không thoải mái dễ chịu.
Chúa đã dạy chúng ta không những học biết thuận phục trong gia đình và trong thế gian, mà còn phải học biết thuận phục trong Thân Thể, tức trong Hội Thánh. Nếu học biết thuận phục trong Thân Thể một cách tốt đẹp, chúng ta sẽ học biết thuận phục trong mọi nơi khác một cách tốt đẹp. Đó là chỗ duy nhất để bắt đầu. Vậy, Hội Thánh là nơi thử nghiệm và cũng là nơi để làm cho hoàn hảo. Nếu tại đây chúng ta không học tập một cách tốt đẹp thì có làm gì ở bất cứ nơi nào cũng không thành công. Nếu bài học này được học tập tại Hội Thánh một cách tốt đẹp thì nan đề của vương quốc sẽ được giải quyết, các nan đề trên thế giới sẽ được giải quyết và các nan đề trong vũ trụ sẽ được giải quyết.
Trước kia, uy quyền đã quá khách quan đối với nhiều người và sự thuận phục cũng khá khách quan. Chúng ta đã cố gắng áp dụng sự thuận phục theo bề ngoài cho một thân thể có thể kinh nghiệm được bên trong. Ngày nay, uy quyền đã trở nên vấn đề sự sống. Nói cách khác, uy quyền đã trở nên vấn đề ở bên trong. Trong Thân Thể Đấng Christ, uy quyền và sự thuận phục gặp nhau trong một Thân Thể và cả hai đều đã trở nên kinh nghiệm, sống động và liên kết [với nhau]. Đó là biểu hiện cao nhất của uy quyền Đức Chúa Trời. Uy quyền và sự thuận phục ở trong Thân Thể và chúng được nâng lên đến tuyệt đỉnh. Chúng ta hãy để cho mình được làm cho hoàn hảo tại đây. Nếu không thì chúng ta sẽ không còn cách nào khác để tiếp tục tiến lên. Nơi để gặp uy quyền là ở trong Thân Thể. Đầu là nguồn của uy quyền ở trong Hội Thánh. Các chi thể hoạt động theo mức lượng của mỗi phần, với một sự cung ứng hỗ tương giữa những người đại diện cho uy quyền và những người thuận phục uy quyền, cũng ở trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không gặp uy quyền tại đây thì chúng ta không còn hy vọng ở nơi nào khác.