Mỗi khi đọc và suy gẫm lại sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh được ký thuật trong hai sách Tin Lành Ma-thi-ơ và Lu-ca, chúng ta không thể không thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời chọn Giô-sép làm người cha (và Ma-ri làm người mẹ) trong chương trình giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su. Mời bạn đọc cùng người viết đi ngược dòng lịch sử để nhận ra những phẩm chất và đức tính của Giô-sép vừa rất đẹp lòng Đức Chúa Trời vừa phản ảnh bản tính của Chúa Giê-su – khiến Đức Chúa Trời chọn Giô-sép làm “người cha”. Sau đó chúng ta, với tấm lòng muốn có những phẩm chất và đức tính như vậy để được Chúa dùng làm điều lớn cho Ngài, cùng suy gẫm về ba bước khởi đầu giúp chúng ta xây dựng những phẩm chất và đức tính này cho chính mình.
A. GIÔ-SÉP CÓ NHỮNG PHẨM CHẤT VÀ ĐỨC TÍNH ĐẶC BIỆT ĐẸP LÒNG CHÚA VÀ PHẦN NÀO PHẢN ẢNH BẢN TÍNH CỦA CHÚA GIÊ-SU.
Ma-thi-ơ 1.18-25 (bản Truyền Thống Hiệu Đính) ký thuật lại như sau: 18 Sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như sau: Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa hôn với Giô-sép, nhưng trước khi chung sống với nhau thì nàng mang thai bởi Đức Thánh Linh. 19Giô-sép, chồng nàng là người công chính, không muốn bêu xấu nàng nên định âm thầm từ hôn. 20Đang khi Giô-sép ngẫm nghĩ về việc nầy thì một thiên sứ của Chúa hiện đến với ông trong giấc chiêm bao và truyền rằng: “Hỡi Giô-sép con dòng Đa-vít, ngươi chớ ngại cưới Ma-ri làm vợ, vì thai mà nàng đang mang đó là bởi Đức Thánh Linh. 21Nàng sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” 22Những việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi nhà tiên tri: 23“Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai ấy là Em-ma-nu-ên,” nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. 24Khi tỉnh giấc, Giô-sép thực hiện đúng như điều thiên sứ của Chúa đã truyền và cưới Ma-ri làm vợ, 25nhưng không ăn ở với nàng cho đến khi nàng sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS.
1. Giô-sép sống “kính Chúa, yêu người” với đức tính trầm tĩnh và chín chắn.
Theo phong tục thời đó, và vẫn còn áp dụng ngày nay tại nhiều nơi ở Trung Đông, với lứa tuổi đính hôn và kết hôn cho người nam là từ trên 12 đến 18 và cho người nữ là từ trên 12 đến 16, Giô-sép là một chàng trai trẻ không hơn 18 tuổi. Phẩm chất đầu tiên mà Ma-thi-ơ 1.19 cho biết về chàng trai trẻ Giô-sép là “công chính” (c.19). Công chính trong thời Cựu Ước nói đến một đời sống tin kính, thờ phượng, vâng phục và một mối tương giao với Chúa thật đẹp lòng Ngài. Sự kiện thiên sứ hiện ra trong giấc mơ và bày tỏ mọi sự cho Giô-sép xác định phẩm chất này.
Câu 19-20a cho biết phẩm chất kế tiếp là “yêu thương và tha thứ” (c.19-20a). Cho đến thế kỷ 21 ngày nay chúng ta vẫn thường nghe tin tức nói đến ở những nước Trung Đông những người nữ mất trinh đều bị gia đình và xã hội đánh đập tàn bạo, ruồng bỏ và thậm chí giết chết vì coi đó là một tội lỗi và sĩ nhục cùng cực cho gia đình và dòng tộc. Thế nhưng cách đây trên 2015 năm cũng tại Trung Đông, khi biết tin Ma-ri mang thai thì phản ứng của Giô-sép là tìm cách âm thầm từ hôn (c.20).
Giô-sép để cho sự sống ‘công chính’, sự sống có Chúa, làm chủ đời sống. Giô-sép không để cho cái tôi của xác thịt lèo lái suy nghĩ và hành động của mình. Do đó khi biết Ma-ri đã có thai, dù bị sĩ nhục cùng cực về ‘sự cố’ có người đàn ông đã ngủ với vị hôn mình và đã có thai, nhưng Giô-sép không cay đắng, thù hận và trả đũa Ma-ri, ông cũng không tìm người đàn ông là tác giả của bào thai để trừng phạt. Trái lại trong Giô-sép có một tình yêu tha thứ lạ lùng. Giô-sép không muốn Ma-ri bị sĩ nhục, thậm chí có thể bị ném đá chết theo luật pháp Do Thái thời đó. Giô-sép phản ứng với bằng cách suy tư về cách nào giải quyết cho Ma-ri được tốt đẹp nhất. Phẩm chất yêu thương tha thứ này đã phản ảnh phần nào về tình yêu thương nhân loại tội lỗi của Đức Chúa Trời, cao sâu đến nỗi thay vì đoán phạt loài người thì lại có chương trình để Chúa Giê-su đến thế gian để chết thay cho mỗi người chúng ta.
Cách phản ứng “định âm thầm từ hôn” cho thấy dù là một thanh niên, nhưng khi so sánh với tính khí của một vài môn đệ của Chúa Giê-su như Phi-e-rơ hay Thô-ma, Giô-sép đã có một đức tính trầm tĩnh và trưởng thành một cách lạ lùng.
Giô-sép có hai phẩm chất sống thực hiện hai điều răn lớn nhất – “kính thờ Chúa và yêu thương người khác như chính mình” – mà Chúa Giê-su dạy trong Mác 12.28-31. Hai phẩm chất này là nền tảng cho ý định của Đức Chúa Trời chọn Giô-sép làm người cha trong gia đình của Chúa Giê-su.
2. Giô-sép tin và vâng phục Chúa cách tuyệt đối và sẵn sàng chịu sĩ nhục vì chương trình của Chúa.
Sau khi được thiên sứ giải thích về thai của Ma-ri là do Đức Thánh Linh vận hành làm nên thì Giô-sép “làm đúng như điều thiên sứ của Chúa đã truyền và cưới Ma-ri làm vợ” (c.20-24). Thoáng đọc đến đây người ta dễ nghĩ rằng mọi chuyện rắc rối về Ma-ri có thai đã được giải quyết ổn thỏa rồi. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy! Giô-sép và Ma-ri đang ở rong một tình cảnh bức xúc cùng cực. Luật pháp và xã hội thời đó phán quyết rằng hai người nam và nữ chưa cưới mà ăn ở với nhau là phạm tội tà dâm. Phần vinh quang của việc hài nhi Giê-su sẽ là Chúa Cứu Thế chưa thấy đâu mà hai người đã phải chịu sĩ nhục và trừng phạt bằng sự lên án bởi pháp luật và xã hội thời đó về tội tà dâm. Giô-sép không thể đơn giản nói rằng đây là do Đức Thánh Linh làm nên và thai nhi sẽ là Chúa Cứu Thế nên mọi người phải tôn trọng Giô-sép và Ma-ri. Ai sẽ tin được lời này? Mọi người sẽ cho rằng ngoài tội tà dâm hai người lại còn phạm thêm tội lấy Đức Thánh Linh làm lá chắn biện minh cho sự tà dâm của mình. Mọi người sẽ lên án hai người phạm thượng đến Đức Chúa Trời. Họ sẽ ném đá hai người. Chàng trai trẻ Giô-sép đã vâng phục tuyệt đối lời thiên sứ truyền rước Ma-ri về làm vợ với một tấm lòng sẵn sàng chịu mọi sĩ nhục cho chương trình của Chúa. Ông đồng thời đi trong sự dẫn dắt của Chúa là đem Chúa Giê-su qua Ai-cập để thoát khỏi sự giết hại của Vua Hê-rốt. Kinh thánh dạy rằng vâng phục tốt hơn của tế lễ (1 Sa-mu-ên 15.22). So với nhiều danh nhân trong Kinh Thánh cũng như nhiều người hầu việc Chúa nổi danh ngày nay, Giô-sép có thể thua sút họ nhiều mặt, nhưng rõ ràng chàng trai trẻ này không thua sút họ trong phẩm chất vâng phục Đức Chúa Trời.
Nền tảng của sự vâng phục tuyệt đối và sẵn sàng chịu mọi sĩ nhục như vậy đến từ lòng tin kính tuyệt đối của Giô-sép. Giô-sép, dù là một người trẻ và chưa kinh nghiệm về quyền năng của Chúa, nhưng hết lòng tin và làm theo lời thiên sứ truyền bảo trong giấc mơ. Do đó chàng trai trẻ này có đức tính quyết tâm vâng lời Chúa dạy. Ông tin một nữ đồng trinh sẽ chịu thai trong chiêm bao. Trái lại, thầy tế lễ đã không tin lời thiên sứ báo tin trực tiếp cho mình tại nơi dâng hương của đền thờ là vợ ông sẽ có con trai là Giăng Báp-tít (Lu-ca 1.5-25). Xa-cha-ri đã để cho thực tế và kinh nghiệm của con người ảnh hưởng tâm trí và đời sống – Ông nói rằng quá già thì không thể sinh con. Ông đã quên đi Đức Chúa Trời đã làm cho tổ phụ là Áp-ra-ham và Sa-ra dù hiếm muộn và đã trên 90 tuổi vẫn có thể sinh con.
Phẩm chất tin kính, vâng phục tuyệt đối và chịu mọi sĩ nhục của Giô-sép đã phần nào phản ảnh bản tính hạ mình vâng phục và chịu chết sĩ nhục của Chúa Giê-su mà Phi-líp 2.5-11 (bản dịch mới 2002) nói đến: 5 Hãy có cùng một tâm tình như Chúa Cứu Thế Giê-su đã có. 6 Vì Ngài vốn có bản thể của Đức Chúa Trời. Nhưng không coi sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều phải nắm giữ. 7 Nhưng chính Ngài tự bỏ mình, Mang lấy bản thể của một tôi tớ, Trở nên giống như loài người, có hình dạng như một người. 8 Ngài đã tự hạ mình xuống, Chịu vâng phục cho đến chết, Thậm chí chết trên thập tự giá. 9 Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên Và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; 10 Để khi nghe đến danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối. Trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, 11 Và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa. Mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.
3. Giô-sép sống trong sạch và có đức hạnh tiết chế rất cao.
Từ khi rước Ma-ri về cho đến lúc nàng sinh một con trai và họ theo lời thiên sứ dạy đặt tên cho hài nhi là Giê-su thì Giô-sép không ăn ở với Ma-ri (c.25). Giô-sép là một chàng trai trẻ trong sạch lạ lùng, là một gương sáng cho giới thanh thiếu niên trong xã hội ngày nay khi mà chung quanh chúng ta có đủ mọi loại cám dỗ và mọi phương tiện thác loạn tình dục. Chắc chắn là Giô-sép có nhiều điều không thể so được với hai anh hùng đức tin là Đa-vít và Sam-sôn (Hê-bơ-rơ 11.32). Tuy nhiên trong lúc cả hai dù đã kinh nghiệm ơn quyền lớn của Chúa nhưng đã phạm tội tà dâm thì chàng trai trẻ Giô-sép dù chưa từng kinh nghiệm ơn quyền lớn của Ngài đã vượt trổi hơn hai người về phẩm chất trong sạch. Giô-sép có một đức hạnh tiết chế vấn đề tình dục trai trẻ rất cao.
Giô-sép là một con người bất toàn nhưng phẩm chất trong sạch và đức tính tiết chế của Giô-sép rất xứng hiệp với bản chất ‘vô tội’ của Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su đến thế gian sống trọn vẹn với thân thể, tâm hồn và linh thần của một con người, nhưng Ngài đã không hề phạm tội và trong sạch toàn vẹn.
4. Giô-sép là người cha và chồng gương mẫu trong gia đình
Dù Kinh Thánh không nói nhiều về Giô-sép, nhưng chúng ta biết ông phải là người làm việc siêng năng để nuôi vợ và đàn con mình. Nghề thợ mộc là nghề rất bình dân, do đó côngviệc của Giô-sép rất vất vả. Dầu vậy qua đời sống công chính của ông để lại gương cho con mình. Không chỉ thế, ông có đời sống gương mẫu thuộc linh là dẫn con đến đền thờ dù phải đi vài ngày đường. Do đó ông đã có vợ là Ma-ri cầu nguyện và hầu việc Chúa với các sứ đồ. Các con của ông là những người hầu việc Chúa đóng góp quan trọng trong thời kỳ Hội Thánh đầu tiên.
Nói tóm lại, Giô-sép, dù là một chàng trai trẻ chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về bản chất và quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng đã sớm tỏ ra những phẩm chất và đức tính phản ảnh về bản chất của Chúa Giê-su. Giô-sép có những phẩm chất như:
- Hết lòng kính thờ Chúa và yêu thương người khác như chính mình, tuyệt đối tin kính, vâng phục và sẵn sàng chịu mọi sĩ nhục vì Chúa, trong sạch.
- Giô-sép có những đức tính đặc biệt như: trầm tĩnh và chín chắn, quyết tâm theo lời Chúa dạy, có tiết chế vv…
- Không có gì lạ khi Đức Chúa Trời chọn Giô-sép làm ‘người cha’ trong gia đình của Chúa Giê-su.
B. CHÚNG TA CÓ THỂ XÂY DỰNG NHỮNG PHẨM CHẤT VÀ ĐỨC TÍNH CỦA GIÔ-SÉP CHO CHÍNH MÌNH.
Chúng ta có thể xây dựng những phẩm chất và đức tính của Giô-sép cho chính mình để chúng ta được Chúa dùng cho những điều lớn lạ của Ngài. Dưới ánh sáng của đức tin, chúng ta có thể trả lời một cách dễ dàng là chúng ta có thể. Chúng ta hãy thực hiện ba bước đầu quan trọng để cùng với Chúa xây dựng những phẩm chất và đức tính này cho chính mình.
1. Nhận biết và vững tin rằng Chúa sẽ giúp chúng ta xây dựng những phẩm chất và đức tính này.
Chúa sẽ giúp chúng ta có những phẩm chất và đức tính như của Giô-sép. Chúng ta có kinh nghiệm của Phao-lô: ‘Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi’ (Phi-líp 4.13). Tôi có thể xây dựng những phẩm chất và đức tính này vì Chúa sẽ ban cho tôi năng lực xây dựng chúng. Lời Chúa xác định cho chúng ta rằng Đức Thánh Linh luôn vận hành biến đổi làm nên mới bản chất, phẩm chất và đức hạnh của người tin kính: ‘… nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới.’ (2 Cô-rinh-tô 5.17).
Khi chúng ta khao khát những điều chính đáng đẹp lòng Chúa thì những điều đó sẽ được ban cho chúng ta. Hãy lấy đức tin để tiếp nhận:
— Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ cửa, sẽ mở cho (Ma-thi-ơ 7.7).
— Con hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời con. Ta sẽ tỏ cho con những việc con chưa từng biết, những việc lớn lao và cao siêu, không ai đạt thấu (Giê-rê-mi 33.3).
— Bất cứ điều gì các con xin trong khi cầu nguyện với đức tin, các con sẽ nhận được (Ma-thi-ơ 21.22).
2. Để cho Chúa loại bỏ cái ‘tôi’ của chính mình.
Phẩm chất đầu tiên và nền tảng của cuộc đời của Giô-sép là sống ‘công chính’ tức là sống đẹp lòng Chúa. Giô-sép không để cho cái tôi của mình làm chủ lời nói, suy nghĩ, việc làm và sự tiếp thu vào. Giô-sép để cho phẩm chất ‘kính thờ Chúa và yêu thương người khác như chính mình’ làm chủ chúng.
Kinh Thánh cho biết chỉ có một người là Chúa Giê-su đã thắng cái chính con người của mình và qua đó thắng ma quỷ trong sự kiện 40 ngày đêm kiêng ăn cầu nguyện (Ma-thi-ơ 4.1-11). Chúa Giê-su dạy về phương cách và nếp sống từ bỏ ‘cái tôi’ như sau: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, hằng ngày vác thập tự giá mình và theo Ta” (Lu-ca 9.23b) Đây không phải là từ bỏ sự sống của mình nhưng từ bỏ cách sống theo ý riêng của mình mà vác thập tự giá mà Chúa ban cho mình. Thập tự giá là mục đích của cuộc đời của Chúa Giê-su. Thập tự giá của chúng ta là mục đích của Đức Chúa Trời hay sự kêu gọi của Ngài trên đời sống theo Chúa của chúng ta. Sống theo ý riêng sẽ mất đi sự sống có Chúa ngự trị và mất đi sự sống đời đời trong Chúa: ‘Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất’ (Lu-ca 9.24a). Nhưng hy sinh, bỏ đi ‘tính mạng’ là cuộc sống theo ý riêng để sống theo sự kêu gọi của Chúa thì được Chúa cứu vào một cuộc sống có Ngài làm chủ và ban mọi ơn quyền và phước hạnh; ‘nhưng ai hy sinh tính mạng vì Ta, thì sẽ cứu được’ (Lu-ca 9.24b).
Hãy để Chúa Giê-su thay thế vị trí của ‘cái tôi’ trong chúng ta. Hãy để cho Đức Thánh Linh và Lời Chúa vận hành trừ khử ‘cái tôi’ này. Hãy để Đức Thánh Linh vận hành sự sống mới của Chúa Giê-su trong suy nghĩ, lời nói, việc làm và sự tiếp thu vào của chúng ta trong mỗi ngày (2 Cô-rinh-tô 5.17). Hãy để Lời logos của Chúa, lời Chúa trong Kinh Thánh làm gươm hai lưỡi để giết chết bản chất ‘cái tôi’ này; và hãy để Lời rhema, lời Chúa nói trực tiếp với chính chúng ta, làm gươm hai lưỡi để giết chết từng hoạt động mỗi ngày rất mạnh và rất nguy hiểm của nó. Phao-lô đã kinh nghiệm sự chết cái tôi này và ông nói lại trong Ga-la-ti 2.20: ‘Tôi bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống, không còn là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và hiến chính mình Ngài vì tôi.’
3. Nhìn đến kết quả cho chương trình của Chúa hơn là nhìn vào quyền lợi riêng tư của mình.
Giô-sép và Ma-ri nhận được lời thiên sứ phán về Ma-ri hoài thai bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và về hài nhi Giê-su sau này trở nên Chúa Cứu Thế của nhân loại. Nhưng họ không vì đó mà đòi hỏi địa vị, quyền thế hay tư lợi cho vai trò là cha và mẹ của Ngài. Họ chịu sĩ nhục vì dưới con mắt của hầu hết mọi người thì chắc là Ma-ri và Giô-sép đã phạm tội tà dâm ăn ở với nhau trước khi cưới. Họ không thắc mắc phàn nàn hay nghi ngờ khi Ma-ri phải sinh hài nhi Giê-su nơi máng cỏ. Họ không lằm bằm trách móc Đức Chúa Trời đã cho họ sống ở Na-xa-rét là một vùng bị người Do Thái khinh khi như lời của Na-tha-na-ên: ‘Có gì tốt ra từ Na-xa-rét đâu!’ (Giăng 1.46). Họ sống một cách giản dị và có thể nói là nghèo hèn với nghề ‘thợ mộc’ của Giô-sép. Giô-sép và Ma-ri không đòi hỏi, không nhìn vào quyền lợi riêng tư. Họ chỉ nhìn vào điều đáng quý nhất là Đức Chúa Trời dùng họ để Chúa Cứu Thế ra đời cứu chuộc nhân loại.
Tất cả những người sống tìm kết quả cho sự vinh hiển của Chúa và vì vương quốc Ngài luôn luôn nhận được phần thưởng lớn lạ mà những kẻ chỉ nhìn đến quyền lợi riêng tư của mình không bao giờ có được và hiểu được. Vua Sa-lô-môn không xin Chúa sự giàu sang, sự tiêu diệt kẻ thù. Ông xin sự khôn ngoan để cai trị dân Chúa đẹp ý Chúa. Chúa ban cho ông đầy tràn sự khôn ngoan và thêm cho ông đầy tràn những điều ông không cầu xin: ’11 Vậy Đức Chúa Trời phán với vua: “Bởi vì ngươi có xin điều nầy mà không xin cho ngươi được sống lâu hay giàu có, ngươi cũng không xin cho những kẻ thù của ngươi bị tiêu diệt, nhưng lại xin sự khôn sáng để thi hành công lý. 12 Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi điều ngươi cầu xin. Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi tâm trí khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước ngươi chưa có ai bằng và sau ngươi sẽ không ai sánh kịp. 13 Hơn nữa, Ta sẽ ban cho ngươi những điều ngươi không cầu xin. Ngươi sẽ được cả giàu có lẫn tôn trọng, đến nỗi trọn đời ngươi, không một vua nào có thể sánh bằng ngươi. 14Nếu ngươi cứ bước đi trong đường lối Ta, vâng theo các luật lệ và điều răn Ta, như Đa-vít cha ngươi đã làm, thì Ta sẽ cho ngươi được trường thọ” (1 Các Vua 3.11-14).
Trái lại người tìm kiếm tư lợi cho mình trước sẽ mất tất cả. Như trường họp Vua Sau-lơ Ông muốn giữ cho mình những thú vật tốt nhất, muốn được người khác tôn cao cuối cùng phải tự tử chết, dù đã chết rồi còn bị người A-ma-léc chặt đầu. Do đó, những ai muốn mình được tôn cao sẽ chết trong sự xấu hổ.
Hãy để cho câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6.31-33 không chỉ là quen thuộc trong trí nhớ của chúng ta nhưng cũng là câu chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động sống phục vụ Chúa của chúng ta: ‘31Vậy, đừng lo lắng mà hỏi rằng chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hay là mặc gì? 32Vì tất cả những điều này, người ngoại vẫn tìm kiếm và Cha các con ở trên trời biết các con cần tất cả những điều ấy. 33Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, và Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa.’
Nói tóm lại, Giô-sép có những phẩm chất và đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời và phản ảnh bản tính của Chúa Giê-su nên Đức Chúa Trời dùng chàng trai trẻ này làm ‘người cha’ trong gia đình của Chúa Giê-su. Chúa muốn dùng mỗi người chúng ta cho những điều lớn lạ của Ngài. Chúa muốn giúp chúng ta và Ngài cần thấy lòng khao khát, tin cậy và cộng tác của chúng ta để Ngài có thể xây dựng những phẩm chất và đức tính của Giô-sép trong chúng ta.
Phạm Phi Phi