Billy Graham

Share

Mục đích duy nhất của cuộc đời tôi là giúp đỡ mọi người tìm được mối quan hệ cá nhân với Chúa, điều mà tôi tin rằng luôn đến qua việc nhận biết Đấng Christ.

Trong cuộc đời của Billy Graham, ông đã đích thân giảng cho gần 215 triệu người trên hơn 185 quốc gia và lãnh thổ – nhiều hơn bất kỳ người nào từng sống trên đất này. Hàng trăm triệu người được chinh phục qua ti-vi, video, phim, tài liệu và các buổi phát tin qua mạng. Trong 417 chiến dịch truyền giáo của ông, có hơn 3,2 triệu người đã bước lên đáp ứng với lời kêu gọi của ông. Con số này là chưa kể đến hàng triệu người khác đã đáp ứng với các sách, đài truyền hình, hay phương tiện truyền thông khác mà ông sử dụng để rao giảng Phúc Âm. Vào năm 1996, Hội Truyền Giáo Billy Graham đã tài trợ cho một chương trình phát thanh lại một trong những bài giảng của Billy đến với lượng khán giả khoảng 1,5 tỉ người trong bốn mươi tám thứ tiếng và 160 quốc gia, một kỳ tích đầy ấn tượng khi nó trình bày một chương trình phát thanh và truyền hình toàn cầu thật sự. Di sản của Billy sẽ tiếp tục sống qua các tổ chức của ông và của con trai ông, với vị trí bảo đảm của ông như một trong những nhà truyền giảng vĩ đại nhất của mọi thời đại.

William Franklin Graham, Jr. được sinh ra trong một trại nuôi bò sữa nằm ngoài Charlotte, Bắc Carolina, là nơi mà ông của cậu lần đầu xây một cái nhà gỗ sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Đó là bốn ngày trước khi thỏa thuận ngừng bắn của Chiến tranh Thế giới thứ I và một năm sau cuộc Cách Mạng Cộng Sản ở Nga. Billy được sinh ra cho William Franklin và Morrow Coffey Graham. Billy trở thành thiếu niên ở giữa thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cha mẹ của cậu rất sốt sắng trong nhiều cách. Họ thiết lập sự thờ phượng ở nhà mình trong ngày đầu tiên kết hôn và hết lòng đọc Kinh Thánh hằng ngày. Cha của cậu, được nuôi dưỡng thành một tín hữu Giám Lý, từng là người hỗ trợ mạnh mẽ cho luật cấm rượu. Vào ngày mà luật đó bị bãi bỏ năm 1933, ông đã mang về nhà một ít bia và dẫn Billy cùng em gái của cậu vào nhà bếp. Ở đó, ông bảo họ hãy uống cạn bia, cho đến khi họ buồn nôn. Ông nói: “Từ giờ trở đi, bất cứ đứa bạn nào của các con cố gắng ép các con uống rượu, thì các con chỉ cần nói rằng mình đã uống rồi và không thích. Đó là tất cả lý do các con cần phải đưa ra.”1 Billy là một người kiêng bia rượu trọn đời mình.

“Tớ thích người đánh nhau

Khi tiến sĩ Mordecai Ham tổ chức một buổi phấn hưng tại Charlotte lúc Billy mười lăm tuổi, cậu không muốn đi và gạt bỏ mọi lời mời đến dự các buổi nhóm trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, việc đó thay đổi sau khi Tiến sĩ Ham đưa ra một số lời cáo buộc về một căn nhà vô luân gần trường Phổ Thông Trung tâm ở Charlotte. Ông nói rằng mỗi ngày đều có một số học sinh thường xuyên lui tới nơi đó trong giờ ăn trưa. Việc nói rằng ông có bản khai có tuyên thệ để chứng minh cho lời tuyên bố của mình, câu chuyện đó đã lên trên báo Charlotte. Bị xúc phạm bởi lời cáo buộc, một nhóm học sinh từ trường học đã thề sẽ diễu hành trong buổi nhóm kế tiếp của ông và phản đối trước bục giảng. Thậm chí, một số học sinh đe dọa sẽ kéo ông ra khỏi bục giảng và dạy ông một bài học.

Hôm đó, một người bạn của Billy hỏi: “Sao cậu không đi xem vị diễn giả đánh nhau của chúng ta?”

 Billy đáp: “Ông ấy đánh nhau à? Tớ thích người đánh nhau.”2 Vì vậy, cậu đồng ý đi.

Đêm đó, Billy thấy mình khiếp sợ, không phải bởi những gì Tiến sĩ Ham nói, nhưng bởi quyền năng đằng sau đó. Khi ông viết điều này trong tự truyện của mình: “Tôi đang nghe một tiếng nói khác, giống như tiếng nói Dwight L. Moody thường nói khi ông giảng: tiếng phán của Đức Thánh Linh.”3

Từ đêm đó trở đi, Billy tham dự tất cả các buổi nhóm mà cậu có thể đến của Tiến sĩ Ham.Và rồi, một đêm không lâu sau lần sinh nhật thứ mười sáu của Billy, Tiến sĩ ham đã đưa ra lời mời gọi vào cuối bài giảng của mình với phần trích dẫn trong Rô-ma 5:8: “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” Vào câu cuối cùng của bài hát thứ hai họ hát trong khi chờ mọi người tiến lên phía trước, Billy đáp ứng với lời kêu gọi và bước lên trước sân khấu với khoảng ba trăm người khác. Khi Billy mô tả tối hôm đó với người viết tiểu sử William Martin trong quyển Nhà tiên tri đáng kính:

“Tôi không khóc, tôi không có cảm xúc nào cả, tôi chẳng nghe thấy tiếng sấm nào, chẳng có sấm chớp nào… Nhưng ngay tại đó, tôi đã quyết định dâng đời mình cho Đấng Christ. Chỉ đơn giản như thế thôi, và rồi kết thúc.”4

Trường đại học và Ruth

Tháng Năm năm 1940, Billy tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Florida sau một thời gian ngắn tại trường đại học Bob Jones. Theo truyền thống, trước lễ phát bằng sẽ có một thành viên trong lớp được mời đọc một “lời tiên tri” tại Buổi Tối của Lớp mà họ đã cầu nguyện và sắp xếp. Năm đó, việc đọc này đã đến rất giống như một lời tiên tri khi người phụ nữ được chọn đã đọc:

Mỗi thời điểm, Chúa đều có một người được chọn làm công cụ để chiếu ra sự sáng của Ngài trong nơi tối tăm. Những người như Luther, John và Charles Wesley, Moody, và những người bình thường khác, đều là những người nghe tiếng Chúa. Tình trạng xung quanh họ đen như đêm tối, nhưng họ có Chúa. “Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31). Có lời nói rằng Luther đã cách mạng hóa thế giới. Thật ra không phải là ông, mà là Đấng Christ vận hành qua ông. Thời điểm đã chín mùi cho một Luther khác, một Wesley, Moody, ______ khác. Có chỗ trong tên khác trong danh sách này. Đó là thách thức phía trước chúng ta.5

Trong suốt năm cuối cùng ở Trường Kinh Thánh Florida (không phải là trường đại học được chính thức thừa nhận), một luật sư từ Chicago tên là Paul Fischer nghe Billy giảng và đã dâng hiến học phí năm đầu tiên tại trường Đại học Wheaton ở khu vực Chicago nếu cậu đăng ký học. Sau một chút ấp a ấp úng, Billy nộp đơn và được chấp thuận.

Sau đó, tháng Mười Hai năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và nước Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ II. Khuynh hướng ban đầu của Billy là tình nguyện cho quân chủng này, nhưng là một mục sư, kế tiếp cậu phải đăng ký học để trở thành mục sư tuyên úy. Trong lúc theo đuổi khóa học này, cậu cần hoàn thành bằng cấp của mình, là điều đã giữ cậu ở lại Wheaton.

Vì quyết định ở lại nên cậu đã gặp cô Ruth Bell. Cha mẹ của cô từng là giáo sĩ tại Trung Quốc, là nơi cô chào đời, và cô đã dành hầu hết mười bảy năm đầu của cuộc đời mình ở Châu Á. Ngay lập tức, Billy bị hớp hồn bởi đôi mắt nâu vàng và dáng vẻ thu hút của cô. Bất kể thực tế rằng cô muốn trở thành giáo sĩ ở Tây Tạng, Billy bắt đầu hẹn hò với cô. Vài tháng sau, Billy đã cầu hôn.

Billy và Ruth đồng ý sẽ chờ cho đến khi họ tốt nghiệp mới kết hôn, là điều họ đã làm, tốt nghiệp cùng năm và kết hôn sau đó vào mùa hè ngày Thứ Sáu, ngày 13 tháng Tám năm 1943. Không lâu sau khi kết hôn, Billy trở thành quản nhiệm Hội Thánh Village ở Western Springs, Illinois, là nơi có chưa đến một trăm thành viên và trung bình chỉ có năm mươi người trong một buổi nhóm. Tuy nhiên, đến đầu năm 1944, số người tham dự đã tăng gấp đôi và vượt hơn một trăm người nhóm mỗi tuần. Billy vẫn hy vọng sẽ trở thành mục sư tuyên úy, nhưng vì chiến tranh đang dần kết thúc, cơ hội đã dẫn ông sang một hướng khác.

 

Chức vụ phát thanh bắt đầu

Một trong những mục sư địa phương thường ở trên đài phát thanh đã gọi Billy vào một ngày nọ và mời cậu tham gia một buổi phát thanh mà ông đã lên kế hoạch nhưng không có thời giờ để thu âm. Billy thăm dò hội chúng của mình về điều này, là những người ban đầu nghĩ rằng việc này sẽ tốn nhiều tiền, nhưng khi có được cách để trả số tiền đó, họ đã đồng ý. Điều đó minh chứng một bước ngoặc khác cho chức vụ của Billy – rằng giọng nói trầm vang của cậu rất phù hợp trên đài phát thanh. Khi chương trình gia tăng khán giả, Billy nhận được nhiều cuộc điện thoại để tổ chức truyền giảng trong nhiều khu vực khác nhau. Trong một thời gian ngắn, điều này bắt đầu đặt sự căng thẳng trên hội chúng của cậu, là những người cảm thấy họ đã trả tiền trọn thời gian cho một mục sư bán thời gian. Không lâu sau, cậu đã bước ra và trở thành nhà truyền giảng trọn thời gian.

Khi dịch bệnh quai bị và chiến tranh kết thúc đã chấm dứt, việc nộp đơn trở thành mục sư tuyên úy của Billy một lần đủ cả, cậu được đề nghị trở thành nhân viên và nhà tổ chức đầu tiên của một chức vụ chớm nở – Youth for Christ International (tạm dịch tổ chức quốc tế Người trẻ cho Đấng Christ). Tổ chức này phát triển nhanh chóng và lòng hăng hái của Billy dành cho Phúc Âm lan ra bất kỳ nơi nào cậu đi đến.

Billy có được biệt danh là “khẩu đại liên của Chúa”, vì việc trình bày nhanh như lửa và năng lượng dường như vô hạn của anh. Những người khác, không thích những lời đùa như thế, đã gọi các buổi truyền giảng của Giới trẻ cho Đấng Christ là “tạp kỹ Cơ Đốc” khi các sự kiện của họ trên sân khấu là bất cứ thứ gì từ ban nhạc cho đến chương trình đố vui, rồi biểu diễn thú vật với người dẫn chương trình đeo nơ phát sáng. Dầu vậy, các buổi nhóm ngày càng nhiều người đến khi một triệu người trẻ khắp đất nước tham dự những buổi nhóm như thế mỗi tuần.

 “Anh đã giảng điều mà tôi không có”

Vào mùa xuân năm 1946, Billy và đội Người trẻ cho Đấng Christ đi đến Châu Âu. Billy thích cuộc sống của một nhà truyền giáo, sự chân thành cùng năng lực của anh tiếp tục có lợi cho anh bất kể những khác biệt về nền văn hóa.

Vào tháng Mười năm 1946, Billy nghe nói về một vị mục sư tên Stephen Olford khi anh đang thi hành chức vụ ở trụ sở Hildenborough tại Kent. Câu Kinh Thánh của Olford ở Ê-phê-sô 5:18: “Đừng say rượu, vì rượu dẫn đến buông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh.” Cuối buổi nhóm, Billy gặp Olford và hỏi: “Thưa anh Olford, tôi chỉ muốn hỏi anh một điều: Vì sao anh không đưa ra lời kêu gọi? Tôi muốn là người đầu tiên bước lên trên. Anh đã chia sẻ một điều mà tôi không có. Tôi cũng muốn sự đầy trọn của Đức Thánh Linh trong cuộc đời mình nữa.”6

Billy và Olford đồng ý gặp ở xứ Wales trong một thời gian ngắn sau đó, gần nơi Billy có lịch giảng. Họ dành một ngày học Kinh Thánh cùng nhau cho đến khi Billy cầu nguyện: “Chúa ơi, con không muốn tiếp tục mà không nhận biết về sự xức dầu Ngài đã ban cho người anh em của con.”7 Ngày hôm sau, hai người lại gặp nhau, và Olford bắt đầu dạy về việc được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ông nói với Billy cách mà một người cần phải tan vỡ như Phao-lô khi ông tuyên bố về chính mình “đã bị đóng đinh với Đấng Christ” trước khi nhận được sự đổ đầy này. Ông đã dạy Billy rằng “nơi nào mà Thánh Linh thật sự là Chúa của một cuộc đời, nơi đó có sự tự do, có sự khai phóng – sự tự do siêu nhiên trong việc hoàn toàn đầu phục chính mình của một tình trạng liên tục phó dâng với sự ngự trị bên trong của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Đáp ứng của Billy là: “Stephen ơi, tôi hiểu rồi. Đó là điều tôi muốn.”

 

Hai người quỳ gối cầu nguyện với nhau vào khoảng giữa trưa. Khi họ cầu nguyện, Olford mô tả điều đã xảy ra: “Cả thiên đàng như đang tuôn đổ trong căn phòng nhỏ u ám đó. Giống như Gia-cốp cứ giữ chặt Chúa và kêu rằng: “Chúa ơi, con sẽ không để Ngài đi cho đến khi Ngài ban phước cho con.” Billy diễn tả điều ông cảm nhận sau khi cầu nguyện như: “Lòng tôi ngập tràn Đức Thánh Linh!… Tôi đã nhận được! Tôi được đổ đầy. Tôi được đổ đầy. Đây là bước ngoặc của cuộc đời tôi. Điều này sẽ cách mạng hóa chức vụ của tôi.”8

Các kết quả xảy ra ngay tức thì. Theo Olford: “Tối hôm đó, Billy phải chia sẻ ở một Hội Thánh Báp-tít lớn gần đó. Khi anh đứng lên giảng, anh là một người hoàn toàn được xức dầu. Những khán giả xứ Wales đầy ắp các lối đi giữa các dãy ghế. Đó là sự hỗn loạn. Thực tế, toàn bộ khán giả đều tiến về phía trước.” Olford nói với cha ông tối hôm đó: “Cha ơi, điều gì đó đã xảy ra với Billy Graham. Thế giới sẽ nghe giảng từ người này. Anh ấy sẽ ghi dấu lịch sử.”9

Chức chủ tịch trường Đại học

Năm tiếp theo, 1947, Billy trở lại để đi khắp nước Mỹ, và bắt đầu tập chú vào “các chiến dịch” của mình – điều anh đã gọi về chúng sau này giống như D. L. Moody đã có – trong các thành phố cụ thể. Năm đó, những chiến dịch đó ở Grand Rapids, Michigan và Charlotte, North Carolina. Năm 1948, các chiến dịch của Billy ở tại Augusta, Georgia và Modesto, California.

Một khoảng năm 1947, Billy được mời giảng tại trường Northwestern ở Minneapolis, Minnesota, nơi mà chủ tịch của trường, Tiến sĩ W. B. Riley, đã dẫn anh sang một bên để nói với Billy rằng ông cảm nhận Billy sẽ là vị chủ tịch kế tiếp của trường đại học. Dĩ nhiên, Billy rất sốc, chỉ mới hơn hai mươi tuổi, nhưng anh đã nghĩ có thể điều này sẽ là một điều gì đó dành cho những năm sắp đến.

Tuy vậy, Tiến sĩ Riley lúc đó tám mươi sáu tuổi và có sức khỏe kém. Vào ngày 5 tháng Mười Hai năm 1947, Tiến sĩ Riley trút hơi thở cuối cùng, và mặc dù sự thật là Billy không có hơn một tấm bằng và chỉ mới tốt nghiệp được bốn năm, ban giám đốc tôn trọng ước nguyện của Tiến sĩ Riley và đề nghị anh làm chủ tịch của trường Northwestern. Dẫu nghi ngại, Billy đã chấp nhận tạm thời, hy vọng đó chỉ là một thời gian ngắn. Khi cuối cùng anh rút khỏi chức vị đó vào năm 1952, trường học đó đã được cải thiện rất nhiều bởi nhiệm kỳ của anh.

Các chiến dịch truyền giáo của Billy bắt đầu

Năm 1949, Billy có bốn chiến dịch ở Miami, Florida; Baltimore, Maryland; Altoona, Pennsylvania; và Los Angeles, California. Chính tại chiến dịch cuối cùng ở Los Angeles là nơi Billy lần đầu có được sự chú ý của cả quốc gia, hay của cả thế giới.

Một tổ chức có tên gọi “Đấng Christ cho một Los Angeles tốt hơn” đã mời Billy giảng vào buổi nhóm phấn hưng tiếp đến của họ sẽ bắt đầu vào tuần cuối của tháng Chín và kéo dài trong ba tuần. Trong đợt này, Billy được mời để chia sẻ với những người nổi tiếng Hollywood ở Beverly Hills, nơi anh đã gặp Stuart Hamlin, người có một chương trình phát thanh địa phương nổi tiếng. Ông nói với Billy rằng có thể ông sẽ mời anh đến chương trình của mình, và nếu xảy ra, ông có thể lấp đầy rạp của anh. Billy nghĩ rằng ông ấy đang đùa, nhưng vẫn bày tỏ lòng biết ơn vì ý nghĩ đó.

Có một đội được sắp xếp để bao phủ sự kiện này bằng sự cầu nguyện. Trong lúc mọi người tham gia cầu nguyện khi nào họ có thể, có khoảng bốn mươi hay năm mươi người nhóm nhau lại cầu nguyện cho sự kiện đó mỗi tối và sau đó tham dự buổi nhóm. Một khi buổi nhóm bắt đầu, Stuart Hamlin giữ lời hứa mình và đã mời Billy đến buổi phát thanh. Billy biết một số người trong ban đó sẽ thất vọng với diện mạo của anh trên buổi diễn vì cớ sự kết nối của nó với Hollywood, nhưng Billy cũng cảm nhận rằng anh sắp dẫn các tội nhân vào rạp của mình, sau đó anh phải tìm ra cách trực tiếp mời họ. Lòng nhiệt thành của Stuart bày tỏ trên truyền thanh khi ông nói với khán thính giả “hãy đi xuống rạp của Billy Graham và nghe sứ điệp ở đó.”10 Thậm chí, Billy ngạc nhiên hơn khi Stuart thông báo rằng chính mình cũng sẽ đến dự. Stuart đã tham dự, nhưng tác động trên ông không đơn thuần là sự giải trí mà ông mong đợi. Ông nhận thấy chính mình giận dữ ra khỏi buổi nhóm nhiều lần vì lòng của ông tranh chiến với những điều Billy nói. Nhưng ông cứ tiếp tục quay trở lại.

Lúc 4 giờ 30 sáng hôm sau, Stuart gọi Billy và nói rằng ông đang ở tiền sảnh và cần gặp anh ngay tức thì. Billy đánh thức Ruth, cô đi sang phòng kế bên cầu nguyện cùng với Grady và Wilma Wilson. Billy mặc đồ vào và đi xuống nói chuyện với Stuart một khoảng thời gian, sau đó họ cùng nhau cầu nguyện khi Stuart dâng lòng mình cho Chúa. Vào buổi nhóm tối hôm sau, ông đã tiến về phía trước trong khi đáp ứng với lời kêu gọi. Từ điều này, Billy và ủy ban của mình nhìn thấy công việc của chiến dịch truyền giảng chưa kết thúc, vì thế họ tiếp tục mở rộng nó.

“Graham vênh-váo”

Tuần mở rộng đầu tiên, Stuart đã làm chứng trên đài phát thanh, và sự quan tâm bắt đầu gia tăng. Billy và đội của anh quyết định mở rộng chiến dịch lần nữa, đêm hôm sau, cả rạp đầy ắp phóng viên và nhiếp ảnh gia. Khi Billy hỏi một trong những phóng viên lý do vì sao họ đột nhiên có mặt ở đó, người đó trả lời rằng: “Ông chỉ vừa được William Randolph Hearst chạm đến thôi.” Bằng cách nào đó, ông trùm tờ báo Hearst nổi tiếng vì sự khó tính và việc sử dụng quyền lực báo chí của mình để khiến mọi thứ xảy ra, đã nghe đồn về Graham như một người yêu nước màu đỏ, màu trắng và màu xanh kêu gọi vì sự đổi mới tâm linh và khẳng định rằng anh sẽ có một thông điệp mà quốc gia này cần nghe. Vì thế, ông gửi một bức điện hai chữ đơn giản cho các nhà biên tập của mình: “Graham vênh-váo”. Điều đó thay đổi việc truyền giáo của Billy mãi mãi.

Các tựa đề câu chuyện của tờ Los Angeles Examiner Los Angeles Herald Express ngày hôm sau, cả hai đều là báo của Hearst, đều nói về chiến dịch đó. Câu chuyện lan khắp New York, Chicago, San Francisco, và Detroit, và các tờ báo cạnh tranh nữa. Ủy ban này đã có sự xác nhận khác rằng chiến dịch đó cần phải tiếp tục, cái rạp lớn hơn mà Billy yêu cầu không lâu sau đã đầy ắp người.

Trong tám tuần của chiến dịch này, hàng trăm ngàn người đến nghe và hàng ngàn người đã đáp ứng với lời kêu gọi – tám mươi hai phần trăm những người chưa từng là thuộc viên của Hội Thánh trước đó. Hàng ngàn người tiến về phía trước để tái dâng đời sống mình cho Chúa Giê-xu. Bấy giờ, Billy Graham trở thành người nổi tiếng và được cả quốc gia biết đến.

Vị mục sư của các tổng thống

Ngày 14 tháng Bảy năm 1950, Billy có chuyến viếng thăm đầu tiên ở Nhà Trắng để gặp Harry Truman. Billy trở thành bạn tâm giao của các tổng thống trong năm thập kỷ rưỡi kế tiếp. Ông đã gặp từng vị tổng thống, từ Eisenhower cho đến George W. Bush – tất cả là mười một vị tổng thống – và vì cớ điều này, George H. W. Bush gọi ông là “mục sư của nước Mỹ”.

Gerald Ford đã nói về Billy: “Billy đến Nhà Trắng để cho tôi sự vững lòng rất quan trọng trong các quyết định và thách thức trong nước lẫn ngoài nước… Bất cứ khi nào bạn ở cùng với Billy, bạn sẽ có một cảm nhận đặc biệt rằng người này ở đó để giúp đỡ và đưa ra lời hướng dẫn trong việc xử lý các vấn đề của bạn.”11 Gần đây, Bill Clinton đã nói về ông: “Khi ông ấy cầu nguyện với bạn ở Phòng Bầu Dục hay trên lầu của Nhà Trắng, bạn sẽ cảm nhận rằng ông ấy đang cầu nguyện cho bạn. Không phải cho Tổng thống.” Cũng tại sự kiện tán dương Billy vào tháng Năm năm 2007, Jimmy Carter đã nói: “Tôi chỉ là một phần mười trong vô số triệu người có đời sống tâm linh được phát triển nhờ Billy Graham.”12 Carter thật sự đã làm việc tại một trong những chiến dịch ở Georgia lúc trẻ.

Khi các tổng thống Hoa Kỳ muốn cầu nguyện, thường họ sẽ gọi Billy đến. Vào buổi tối Chiến tranh vùng vịnh bắt đầu năm 1991, Billy dành tối đó ở trong Nhà Trắng bên cạnh tổng thống Bush và vợ của ông, bà Barbara. Một lần nữa, những người phê bình nghĩ rằng việc đó cho thấy sự tán thành chiến tranh của ông, nhưng Billy nói rằng ông chỉ ở đó để hỗ trợ gia đình tổng thống Bush trong thời điểm khó khăn. Điều này có lý hơn, vì Billy là người bạn trung thành của gia đình tổng thống Bush. Năm 1985, ông đã đi dạo khá lâu trên biển với con trai của tổng thống, George W. Bush, thời điểm chuẩn bị người bán dầu bốn mươi tuổi cho con đường đến với sự cứu rỗi. Vào đêm sinh nhật lần thứ tám mươi chín của ông vào tháng Mười năm 2007, một lần nữa Billy là khách mời dùng bữa trưa ở Nhà Trắng với George W. Bush, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi bà Ruth Graham qua đời vào ngày 14 tháng Sáu năm đó. Tổng thống chỉ muốn nói lời khích lệ với người đàn ông có một Hội Thánh riêng – hơn bất kỳ tòa nhà nào khác – và đó có thể là Nhà Trắng.

Sáu thập kỷ truyền bá Danh Chúa Giê-xu

Khi tôi viết những dòng này, Billy đã một phần nghỉ hưu trong chức vụ, chín mươi tám tuổi, và trải qua bệnh Parkinson, cũng là căn bệnh đã khiến “người bạn thân” của ông là Ronald Reagan không còn xuất hiện trước công chúng. Billy vẫn có một bài phỏng vấn rõ ràng đầy ấn tượng cho Người rao giảng và các tổng thống được phát hành vào tháng Tám năm 2007. Dù không còn gắn liền với công việc mỗi ngày nhưng ông vẫn được con trai mình Franklin tham khảo ý kiến, người đã tiếp quản Hội Truyền Giáo Billy Graham. Ruth, người vợ sáu mươi ba năm của ông đã qua đời ngày 14 tháng Sáu năm 2007 ở tuổi tám mươi bảy. Ruth được chôn bên cạnh Thư viện Billy Graham ở Charlotte, nơi mà ngày kia Billy cũng sẽ được đặt bên cạnh bà. Hiện tại, ông đang sống ở Montreat, Bắc Carolina, trong nhà mà vợ ông đã xây như để tránh xa công chúng, gần nơi ông được sinh ra.

Các tác phẩm tham khảo

  1. Billy Graham, Như là chính tôi: Tự truyện của Billy Graham (San Francisco: HarperSanFrancisco, 1997), 17.
  2. Như trên, 26.
  3. Như trên, 24.
  4. William Martin, Nhà tiên tri đáng kính: Câu chuyện Billy Graham (New York: William Morrow and Company, Inc., 1991), 64.
  5. Graham, Như là chính tôi, 59-60.
  6. Sherwood Eliot Wirt, Billy: Một cái nhìn cá nhân về Billy Graham, Nhà truyền giáo được yêu thích nhất thế giới (Wheaton, IL: Crossway Books, 1997), 28.
  7. Wirt, Billy, 29.
  8. Như trên.
  9. Lá thư từ Stephen Olford, ngày 9 tháng Năm năm 1996, ở Wirt, Billy, 29-30.
  10. Graham, Như là chính tôi, 147.
  11. Nancy Gibbs và Richard N. Ostling, “Bục giảng Billy của Đức Chúa Trời”, Time, ngày 15 tháng Mười Một năm 1993, http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,979573,00.html.
  12. Nancy Gibbs và Michael Duffy, “Billy Graham: ‘Một món quà thuộc linh cho Mọi người,’” Time, ngày 31 tháng Năm năm 2007, http://www.time.com/time/nation/article/0,8599,1627139,00.html.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan