5 Câu Hỏi Quyết Định Tương Lai Hội Thánh

Share

Để cho các hội thánh của chúng ta có một tương lai, chúng ta phải sẵn sàng tự hỏi những câu hỏi nền tảng này.

Một bài viết trên báo Atlantic kể ra 17 câu hỏi mỗi trường đại học nên đặt ra. Điểm chính yếu là “chúng ta cần có một cuộc đối thoại nghiêm túc về tương lai của các trường đại học của Mỹ.”

Họ thật đúng.

Chúng ta cần như vậy.

Và những câu hỏi đưa ra là những câu hỏi rất tốt, gồm có những câu như sau:

• Phẩm chất là gì, và đo lường chúng bằng cách nào? 

• Nếu chúng ta bắt đầu từ con số không, chúng ta có muốn làm hầu hết các chương trình trong mỗi khóa (4 năm) như nhau không? 

• Chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của phẩm chất cao, cách học trên mạng với chi phí thấp. Chúng ta nên nghĩ như thế nào về những chọn lựa học trình tổng hợp – có nghĩa là phối hợp những nguyên tắc và phương pháp sư phạm, và cách truyền thông sự giảng dạy mới và cũ với nhau? Điều này sẽ ảnh hưởng đến mô hình giảng dạy tại trường lớp như thế nào?

• Liệu những học viện hiện hữu theo cách dạng giảng dạy hiện nay sẽ tồn tại được trước những cách dùng các kỹ thuật truyền thông để chuyển tải các chương trình giảng dạy?

Trong cùng một tâm tình như trên, những câu hỏi gì là những câu mà mỗi hội thánh nên hỏi, nếu chúng ta có một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh về tương lai của hội thánh?

Có quá nhiều câu hỏi có thể được đặt ra mà chúng phản ảnh những vấn đề cấp bách trong khuôn khổ các trường đại học, nhưng với hội thánh, chúng ta cần bắt đầu với những câu hỏi có tính nền tảng nhất;

Trong tâm trí tôi có 5 năm câu hỏi và tôi muốn lập luận cho những câu trả lời theo sau.

1. Mục Đích Của Hội Thánh Là Gì?

Nói theo ngôn ngữ của thị trường, hiểu rõ mục đích là hiểu rõ chúng ta đang làm gì. Công vụ hay mục đích của hội thánh là gì?

Từ những bức chân dung sớm nhất về hội thánh trong Công Vụ, trong ánh sáng của sự dạy dỗ của Tân Ước, thật rõ ràng là mục đích của hội thánh có 5 mặt: truyền đạo, môn đồ hóa, mục vụ, thờ phượng và cộng đồng (thí dụ., Công Vụ 2:42-47). Chúng ta truyền đạo cho người bị hư mất tin nhận Chúa, đội ngũ hóa những người tin, môn đồ hóa người đã được đội ngũ hóa, và đưa họ vào mục vụ và truyền đạo. Đây là điều hội thánh làm.

Dĩ nhiên, các hội thánh thường đánh mất hình ảnh này. Thay vì thờ phượng hay truyền đạo, một hội thánh có thể làm mồi cho suy nghĩ rằng mục đích là giữ lấy truyền thống, bám vào một sự kiện đặc biệt, đáp ứng ngân sách hay duy trì cơ sở. Những hoạt động này có thể tuôn chảy ra từ một mục đích, nhưng tự chúng không hoàn thành mục đích của hội thánh.

Những mục đích nền tảng của một hội thánh phải ở vị thế cai trị tuyệt đối. Khi được như vậy, sự phục hưng tuôn chảy. Theo một nghiên cứu về các cộng đồng đức tin trong phần tóm lược chính yếu của một báo cáo về tôn giáo trong United States Today, các hội chúng có một sự hiểu biết rõ ràng về mục đích cảm biết sức sống và sự sống động. Một tâm trí được mục đích hướng dẫn có thể nhìn đến tương lai, đối nghịch lại với một tâm trí bám víu vào cảm xúc hiệp một dựa trên những gì đã đạt được trong quá khứ.

2. Sứ Mạng Của Hội Thánh Là Gì?

Hãy nghĩ đến sứ mạng của hội thánh trong ngôn ngữ quân sự. Biết mục đích của một đơn vị quân đội là một điều. Biết mục tiêu được chỉ định riêng biệt cho đơn vị đó, đánh chiếm một “ngọn đồi,” là một điều khác. Đây là điều phải làm với sứ mạng. 

Một hội thánh có thể hiểu được những mục đích của mình nhưng không cố gắng làm những gì để hoàn thành những mục đích đó. Nếu mục đích của hội thánh là truyền đạo, môn đồ hóa, mục vụ, thờ phượng và cộng đồng, thì câu hỏi về sứ mạng rất đơn giản nhưng thật nền tảng: Hội thánh dốc đổ cho những mục tiêu cụ thể nào để qua đó hoàn thành những mục đích này? Nói một cách khác, hội thánh đang cố gắng làm gì để truyền đạo, môn đồ hóa, mục vụ, thờ phượng và cộng đồng?

Chúa Giê-xu đã làm nhiều tuyên ngôn nói lên rằng Ngài muốn những mục đích khác nhau của hội thánh cùng chan hòa với nhau trong một sứ mạng. Cái được biết đến nhiều nhất thường được gọi là Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:18-20). Theo phân đoạn này, sứ mạng của hội thánh là đến với những người chưa tin và phát triển họ, cùng với những tín hữu đang hiện hữu, trở thành những người cam kết sống theo Đấng Christ. Đây là sứ mạng mà những mục đích của hội thánh chủ ý hoàn thành.

Tôi không phải là người đầu tiên quan sát rằng nhiều hội thánh có những sứ mạng khác cho những người bước qua những cánh cửa của hội thánh, như là muốn người ta “hành xử như chúng ta” về mặt tín lý, đạo đức, hay “có một kinh nghiệm như của chúng ta,” hay “trở nên như chúng ta” về văn hóa, hay “hỗ trợ hội thánh như chúng ta” về tổ chức như thời gian và tiền bạc, hay “dự phần với chúng ta” về giáo nghi qua phép báp-tem, xác định hay tiệc thánh. Những mục tiêu này tự chúng không có gì sai. Vấn đề là chúng ta có thể thực hiện tất cả chúng trong đời sống nhưng vẫn chưa phải là một Cơ đốc nhân. Nói một cách khác, nếu chúng không phục vụ mục đích của hội thánh thì chúng dự phần rất ít với sứ mạng thực tế của hội thánh. Tệ hại hơn nửa là có những thăm dò cho thấy là đại đa số các thành viên của hội thánh tin rằng sứ mạng của hội thánh là tồn tại để chăm sóc những nhu cầu của họ — đối nghịch lại với sự thắng lấy thế gian cho Đấng Christ.

3. Những Ai Là Người Mà Chúng Ta Dốc Lòng Đến Cho Đấng Christ?

Câu trả lời phổ thông nhất là “tất cả mọi người.” Đây không phải là một câu trả lời tốt.

Lẽ thật là không một hội thánh đơn lẻ nào có thể vươn đến mỗi người có lòng tiếp nhận với một sự hữu hiệu như nhau. Càng tập chú vào đối tượng mà hội thánh cố gắng vươn đến, kết quả càng tốt hơn cho hội thánh. 

Cho nên không có đáng ngạc nhiên khi trong những thời kỳ đầu tiên của hội thánh, như được chép lại trong Tân Ước, dường như là Đức Thánh Linh đẹp lòng làm sinh ra sự đa dạng rộng rãi của các hội thánh để các hội thánh có thể vươn đến sự đa dạng rộng rãi của con người. Cho nên các hội thánh cần khôn ngoan xem xét những vấn đề như là địa lý, dân số, thành phần dân cư, và văn hóa của vùng hoạt động của mình.

Ảnh hưởng của sự hiểu biết đó thật là sâu xa. Một khi một hội thánh biết ai là người mình phải vươn đến, hội thánh thu thập được những cái nhìn sâu sắc vào trong vấn đề làm cách nào đạt được những mục đích và sứ mạng của mình. 

Bất cứ ai ở thương trường cũng sẽ bảo cho quý vị rằng, một khi quý vị biết ai là khách hàng của mình, quý vị biết những gì quý vị đang đem đến, ai là đối tượng quý vị đem đến, cách đem đến và nơi mà quý vị cần đem đến cho họ. Biết ai là người mà quý vị đang vươn đến ảnh hưởng không chỉ trên những gì quý vị làm để đem đến nhưng cũng trên cách quý vị đem đến.

Nhưng có một cái nhìn về thành phần mà từ đó chúng ta phải bắt đầu phân định ra. Nếu sứ mạng của hội thánh là làm cho người không tin trở thành những người sống tận hiến theo Đấng Christ, thì mục tiêu chính của một hội thánh phải là những người không tin và không có hội thánh.

4. Điều Gì Định Đoạt Rằng Hội Thánh Sống Động Và Tăng Trưởng?

Một khi một hội thánh nhận ra mục đích, sứ mạng và đối tượng vươn đến, câu hỏi nền tảng kế tiếp – một câu hỏi rất thường bị bỏ qua trong đời sống của nhiều hội thánh nhưng lại là cốt lõi cho sự tái thẩm định – liên hệ đến định nghĩa về kết quả.

Quý vị nói, “Chúng ta không được kêu gọi để thành công nhưng trung tín.”

Vâng và Không. Trung tín không luôn luôn được thưởng với cái thường được gọi là “thành công” trong con mắt của thế gian, nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn muốn một hội thánh dốc sức và đạt đến trọn mức tiềm năng cứu chuộc của nó.

Nên ở đây là một định nghĩa của sự thành công đáng cho chúng ta vật lộn với: Sự thành công với một hội thánh liên hệ đến sự làm trọn những mục đích trong cách vươn đến đối tượng mục tiêu và hoàn tất sứ mạng. Nói một cách khác, quý vị có đang vươn đến những người bị hư mất và giúp họ trở thành những người sống tận hiến theo Đấng Christ? Hầu hết các hội thánh, ở mức tốt nhất, thành công với một nửa phía sau của Đại Mạng Lệnh (môn đồ hóa), nhưng về một nửa kia phía trước (truyền đạo) thì thất bại thê thảm, tăng trưởng chỉ dựa trên sự chuyển đổi hội thánh hay sự sinh sản trong hội thánh. 

5. Bằng Cách Nào Chúng Ta Hoàn Thành Sứ Mạng Đức Chúa Trời Ban Cho Chúng Ta?

Khi còn trẻ, tôi chơi bóng rổ trong nhiều năm. Sau khi thời là cầu thủ đã qua đi, tôi có cơ hội làm huấn luyện viên bán thời gian trong lúc theo học trường Kinh Thánh. Đã từng là cầu thủ và nay là huấn luyện viên, tôi học biết rằng chìa khóa để thành công trong một trận đấu là có chiến lược dựa trên những gì chúng tôi biết về đội bên kia. Kế hoạch đấu banh không chỉ là gom cầu thủ lại trước trận đấu và nói “Được lắm, các bạn, hãy ra quân đánh bại chúng!” Nếu tầm vóc chiến lược của chúng tôi chỉ đến mức đó thôi, chúng tôi chắc là sẽ thua mỗi một trận thi đấu. 

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất một hội thánh cần vật lộn với – phải là câu hỏi về chiến lược.

Bằng cách nào chúng ta hoàn thành sứ mạng Đức Chúa Trời ban cho và đạt đến sự thành công?

Không may thay, đây là một câu hỏi mà tôi không thể mạo hiểm đưa ra một câu trả lời đơn giản và súc tích. Nó nằm ở chỗ quyết định đến từ bao nhiêu truy cứu, viết ra, hội nghị và thử nghiệm cá nhân của tôi.

Dù vậy qua trả lời bốn câu hỏi đầu tiên mà một hội thánh có thể bắt đầu tương tác với câu hỏi thứ năm. Hội thánh có một mục đích năm mặt, một sứ mạng độc đáo và thách thức hoàn thành những mục đích đó, và những phương cách mà bởi đó hội thánh có thể biết là thành công hay không. Giờ đây chúng ta phải phát triển một chiến lược cho chúng ta dưới ánh sáng của những trụ cột nền tảng vượt thời gian đó. 

 

Ánh Dương & Trần Ngọc

(Lược dịch theo: churchandculture.org)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan