Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình: Tôi Sẽ Cố Gắng Thành Thật Hơn (P.4)

Share

Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ cố gắng thành thật hơn. Khi tôi nói như thế tôi thấy hơi lúng túng, vì lúc nào tôi cũng xem trọng vấn đề thành thật. Tôi luôn cho mình là thành thật ở chỗ không hề thấy một xu nào không phải của mình, cũng chẳng cố tình nói dối bao giờ. Tôi cũng không chủ tâm xuyên tạc bất cứ điều gì.

Thế nhưng, qua kinh nghiệm riêng, tôi biết nhiều khi phụ huynh vẫn có lối sống thiếu thành thật, tuy thật tinh tế nhưng lại rất tai hại. Đó là sự thiếu trung thực khiến kẻ khác nghĩ mình là hoàn hảo, hoặc ngụ ý là lúc còn bé, tôi không chỗ trách được.

Một ông bố thổ lộ với tôi là ông không hề biết mình thiếu trung thực cho đến khi ông học được một bài học đích đáng. Đứa con trai học lớp bốn của ông bị điểm thấp về chính tả. Mặc dù bị la rầy và học chăm, cậu bé vẫn không kiếm được điểm cao hơn. Một hôm, cậu bé nói với cô giáo: “Hồi còn đi học, bố con được toàn điểm A về chính tả”.

Cô giáo hỏi: “Sao con biết? Bố kể cho con nghe hả?”

Cậu bé đáp: “Dạ không, nhưng con biết qua cách bố rầy con”.

Người cha nói: “Qua cách la rầy con, tôi đã truyền đạt một điều không thật. Sự thật là tôi cũng rất yếu về chính tả. Khi tôi nói với con là mình hồi trước cũng khổ sở về môn chính tả, tôi thấy mắt nó vụt sáng ngời hy vọng. Từ đó trở đi, con tôi học khá hơn. Khi tôi tạo cho con mình cảm tưởng là tôi luôn đạt điểm A, thằng bé cảm thấy thua kém và vô vọng. Khi tôi thành thật về chính mình thì thằng bé nuôi hy vọng là vì cớ bố mình làm được, thì mình cũng làm được thôi”.

Cách cha mẹ kể về quá khứ hoặc về “cái vang bóng một thời” có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên cá tính, trên phẩm giá cùng cách so sánh của con cái. Trẻ con có được sự hy vọng nhờ vào sự thổ lộ thành thật của cha mẹ là chính họ cũng đã từng trãi qua những chiến đấu và cám dỗ tương tự. Chúng yêu mến và kính trọng những cha mẹ thành thật với chúng.

Đặc biệt khi một đứa trẻ chán nản, cha mẹ cần phải thành thật chia sẻ những thua thiệt cùng chiến thắng, những thất bại cũng như thành công của con mình. Khi đứa bé cảm thấy là bố mẹ cũng gặp cùng một nan đề mà vẫn mạnh mẽ, thì nó có được niềm tin cùng sức lực mới.

Tôi sẽ cố gắng thành thật hơn nếu con tôi đến nói: “Bố ơi, con sợ bóng tối”. Nếu trả lời: “Đừng có vớ vẫn; sợ cái gì mà sợ”, hoặc trách mắng con thì chỉ làm nhục sức mạnh nội tâm cần thiết trong trẻ con mà thôi. Thay vì vậy, nên nói: “Khi bố ở tuổi con, Bố cũng sợ như vậy” thì sẽ giúp đứa trẻ tạo được niềm tin.

Nói như vậy, tôi không có ý bảo rằng cha mẹ phải nói cho con nghe hết mọi thất bại trong quá khứ. Một số phụ huynh vẫn khoe khoang các chuyện nghịch ngợm cùng tình tiết phá phách trong quá khứ. Điều này dĩ nhiên là chỉ có hại. Tuy nhiên, nhìn nhận với con cái là những vấn đề của chúng không phải là riêng biệt, chính bạn cũng đã từng đối diện, sẽ giúp con bạn nuôi hy vọng và giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống. Giúp con cái nhận biết rằng bố mẹ chúng, những người mà chúng ngưỡng mộ, cũng đã đối đầu với cùng những trở ngại tương tự, tức là khơi dậy lòng can đảm và sự đắc thắng đã có sẵn trong lòng và trí của chúng.

Còn nếu cha mẹ cứ làm ra vẻ toàn hảo, không nhìn nhận lầm lỗi của mình, sẽ khiến cho con trẻ sống trong một thế giới bị hạn chế chỉ nhìn thấy thất bại cùng sự thiếu hụt của bản thân chúng.

Bây giờ tôi biết rằng một đứa trẻ vui vẻ, dễ hòa mình, chẳng phải xuất thân từ một gia đình toàn hảo trên mọi phương diện hoặc từ một gia đình ít lầm lỗi. Đứa bé đó xuất thân từ một gia đình có cha mẹ cũng phạm nhiều sai lầm nhưng biết thành thật, cởi mở và yêu thương đủ để nhìn nhận lỗi lầm.

Bây giờ tôi biết rằng một đứa bé lớn lên trong một gia đình nhiều cãi lẫy vẫn khá hơn đứa sống trong một gia đình có bố mẹ hiềm khích nhau mà vẫn giả vờ như không có gì xảy ra vì muốn giấu con. Đứa bé này vẫn cảm nhận được sự thù địch nhưng không biết cư xử ra sao khi sự thù địch vẫn bị che giấu. Một đứa bé có thể đối diện những nghịch thù tỏ tường nếu những nghịch thù đó được giải quyết bằng hành động yêu thương và tha thứ.

Bây giờ tôi biết rằng đòi hỏi sự chuẩn mực bằng cách ngụ ý chính bản thân mình không bao giờ vứt đồ dùng bừa bãi, không bao giờ gian lận trong thi cử hoặc không hề làm cho cha mẹ thất vọng, có thể khiến cho trẻ cảm thấy mình không ra gì và bất an.

Vâng, nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ cố gắng thành thật hơn.

 

Dịch:  Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam (1998)

(Nguồn:  John M. Drescher, Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan