Ngôn Ngữ Thánh Linh Vượt Qua Kinh Nghiệm Lễ Ngũ Tuần – Phần 2

Share

CHƯƠNG 2

SỰ CỨU RỖI VÀ SỰ ĐẦY DẪY: HAI KINH NGHIỆM RIÊNG BIỆT?

Khi tôi còn là một người hầu việc Chúa non trẻ, tôi bắt đầu thấy trong Lời Chúa là dù tôi được cứu và tôi biết Đức Thánh Linh qua công việc của Ngài trong sự tái sanh, tôi vẫn chưa kinh nghiệm những gì mà những tín đồ Ngũ Tuần gọi là “nhận lãnh Thánh Linh”. Khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước, Thánh Linh của Chúa giúp tôi hiểu những đoạn Kinh Thánh liên quan đến đề tài này.

Qua Kinh Thánh tôi được thuyết phục rằng, nếu tôi nhận cùng một Thánh Linh mà những người Ngũ Tuần đã nhận thì tôi phải có cùng một dấu lạ siêu nhiên khởi đầu – bằng cớ của việc nói tiếng lạ. Tôi sẽ không thỏa mãn với tình trạng hiện tại.

Tôi đã được cứu bốn năm và đã được vực khỏi giường bệnh, được chữa lành hoàn toàn tới lúc đó là ba năm. Tôi biết tôi nhận sự xức dầu của Thánh Linh để rao giảng. Tôi cũng biết chính Đức Thánh Linh chữa lành người ta khi tôi cầu nguyện cho họ. Nhưng cuối cùng tôi nhận thấy rõ là tôi cần nhận Thánh Linh như là một kinh nghiệm riêng biệt với kinh nghiệm được cứu rỗi.

Tuy nhiên, nhiều người không hiểu lẽ thật này. Thật ra, phần lớn Hội Thánh Chúa khắp nơi trên thế giới không thấy rõ sự khác biệt giữa công việc của Thánh Linh trong sự tái sanh với sự đầy dẫy Thánh Linh. Tuy nhiên, Kinh Thánh định nghĩa đầy đủ hai kinh nghiệm này là hai kinh nghiệm riêng biệt.

Những lời phán của Chúa Jêsus về Thánh Linh trong Giăng 14 đề cập đến kinh nghiệm tái sanh:

GIĂNG 14:17

“Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể tiếp nhận được, vì không thấy Ngài và cũng chẳng biết Ngài. Nhưng chính các con biết Ngài, vì Ngài đang ở với các con và sẽ ở trong các con.”

Sau đó trong Công 1:5 8, Chúa Jêsus nói về Thánh Linh lần nữa, nhưng Ngài nói đến một kinh nghiệm khác.

CÔNG VỤ 1:5,8

“Vì Giăng đã làm báp-tem bằng nước nhưng ít ngày nữa, các con sẽ nhận báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Nhưng các con sẽ nhận lãnh quyền năng khi Đức Thánh Linh đến trên các con, và các con sẽ làm nhân chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng quả đất.”

Bạn có thể thấy rõ ràng là Chúa Jêsus đã đề cập đến hai kinh nghiệm khác nhau trong hai câu riêng biệt: Sự nội trú của Thánh Linh ở trong bạn và sự giáng xuống của Thánh Linh ở trên bạn bằng quyền năng Ngài.

‘Tôi đã có Thánh Linh đầy đủ rồi.’

Hội Thánh truyền thống mà tôi gia nhập lúc tôi hầu việc Chúa còn trẻ đã dạy tôi rằng nếu bạn được tái sanh, bạn đã có tất cả Đức Thánh Linh rồi – và thế là chấm hết. Bạn không có kinh nghiệm nào khác ngoài sự tái sanh.

Nhưng dù rằng sự dạy dỗ đó có đúng một phần, nhưng cũng sai một phần. Phần đầu là đúng bởi vì Đức Thánh Linh là Đấng ban sự sống đời đời cho tâm linh chúng ta. Chính Đức Thánh Linh qua Lời Chúa đã khiến tâm linh con người trở thành tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế Jêsus.

Vấn đề là người ta sai lầm khi cho rằng “Tôi là một Cơ Đốc Nhân, tôi đã có Đức Thánh Linh hết cả rồi.” Lẽ thật mà đúng một phần thì cũng làm hại người ta chẳng khác nào “lẻ giả”.

Bạn thấy đó. Thánh Linh hiện diện trong sự tái sanh để làm chứng với tâm linh bạn rằng bạn là con cái Chúa (Rooma 8:14.16). Kinh Thánh gọi kinh nghiệm tái sanh là nhận lãnh Chúa Cứu Thế (Giăng 1:12), nhận lãnh sự sống đời đời (1 Giăng 5:11), hay nhận lãnh sự tha tội (Công vụ 26:18).

Mặt khác, khi bạn đọc sách Công vụ, bạn để ý Kinh Thánh nói người ta nhận Thánh Linh, được đầy dẫy Thánh Linh, được báp-tem bằng Thánh Linh, hay nhận ân tứ của Thánh Linh. Cả bốn từ ngữ này đều dùng trong sách Công vụ nói về cùng một kinh nghiệm, và mỗi lần kinh nghiệm này đều đến sau khi một người được tái sanh.

Lời Chứng Của Chúa Jêsus và Sứ Đồ Phierơ

Chúng ta hãy xem Công vụ 8. Tôi tin đoạn Kinh Thánh sau giúp hiểu lẽ thật này hơn các đoạn Kinh Thánh khác – sự cứu rỗi và phép báp-tem trong Thánh Linh là hai kinh nghiệm riêng biệt.

CÔNG VỤ 8:12-17

“Nhưng khi nghe Phi-líp truyền giảng Phúc Âm và Nước Đức Chúa Trời và danh Chúa Cứu Thế Jêsus thì họ đều tin nhận và chịu phép báp-tem, cả nam lẫn nữ. Chính Si-môn cũng tin và sau khi chịu phép báp-tem, cứ theo sát bên Phi-líp. Khi Si-môn thấy các dấu lạ và việc quyền năng vĩ đại Phi-líp làm thì ngạc nhiên vô cùng. Nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Chúa, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem liền sai Phê-rơ và Giăng xuống thăm. Đến nơi, hai ông cầu nguyện cho các tín hữu nhận lãnh Thánh Linh, vì Thánh Linh chưa giáng xuống trên người nào cả; họ chỉ mới chịu phép báp-tem nhân Danh Chúa Jêsus mà thôi. Rồi hai ông đặt tay trên các tín hữu thì họ đều nhận lãnh Thánh Linh.”

Như tôi đã nói trước đó, trong Hội Thánh truyền thống mà tôi bắt đầu hầu việc Chúa khi còn trẻ, chúng tôi được dạy rằng nếu một người được cứu anh ta có Đức Thánh Linh hết cả rồi. Chẳng hạn, một vị Mục Sư lãnh đạo nọ trong giáo phái của tôi nói, “Khi quý vị được tái sanh, quý vị được sanh lại bởi Đức Thánh Linh. Nếu quý vị tiếp nhận Chúa Cứu Thế làm Cứu Chúa và xưng Ngài làm Chúa, quý vị có Đức Thánh Linh. Thế là chấm hết.”

Phần đầu của lời vị Mục Sư này nói là đúng. Khi bạn được tái sanh, bạn được sanh lại bởi Đức Thánh Linh (Gi 3:3-8). Nhưng phần sau của lời ông nói không đúng. Khi bạn được cứu, bạn chưa nhận tất cả những gì thuộc Thánh Linh. Đó là chỗ nhiều người gặp khó khăn.

Nhiều lúc người ta đưa ra quan niệm của họ, điều đó tỏ cho thấy tình trạng tăng trưởng thuộc linh của họ. Đó là lý do thật quan trọng cho chúng ta hiểu biết những gì con người nói không phải là thẩm quyền cuối cùng. Con người đó có thể là những con người đầy ơn hay là những Cơ Đốc Nhân tuyệt vời, nhưng vẫn có thể sai lầm về một đề tài nào đó. Lời Đức Chúa Trời luôn luôn là thẩm quyền cuối cùng.

Tôi học được bài học đó ngay từ bước đầu theo Chúa, tôi đã khựng lại bởi những lời của vị Mục Sư này nói hay bởi những gì mà các lãnh đạo khác trong giáo phái của tôi dạy về báp-tem trong Thánh Linh và nói tiếng lạ. Cuối cùng, tôi quyết định đến với Lời Chúa và để Đức Chúa Trời sửa sai tôi.

Đó là khi tôi đọc Công vụ 8:12-17 và nhận biết rằng lời dạy dỗ của vị Mục Sư này không hợp với Kinh Thánh. Những người Sa-ma-ri này đã được cứu khi Phi-líp giảng Chúa Cứu Thế cho họ, nhưng các sứ đồ Phierơ và Giăng chắc chắn không nghĩ rằng những người mới tin Chúa này có mọi sự của Đức Thánh Linh rồi.

Tôi tự nhủ, Hoặc là Tân Ước sai hoặc là vị Mục Sư này sai. Không thể nào cả hai đều đúng được!

Tôi đọc Công vụ 8:12 lần nữa. Phi-líp đến thành Sa-ma-ri và giảng Chúa Cứu Thế cho dân chúng. Họ tin lời giảng của ông về Nước Đức Chúa Trời và Danh Chúa Cứu Thế Jêsus và chịu phép báp-tem, có cả nam lẫn nữ.

Và ngay sau đó tôi nhận biết rằng không một Mục Sư nào trong cả giáo phái của tôi cho rằng những tín hữu này chưa được cứu. Làm thế chẳng khác nào gọi Chúa Jêsus – Đấng có quyền cao cả hơn hết – là kẻ nói dối. Nói cho cùng, Chúa Jêsus phán trong Giăng 16:15-16: “Tất cả những gì của Cha đều thuộc về Ta, nên Ta mới nói Thánh Linh nhận từ Ta và truyền lại cho các con. Chẳng bao lâu nữa các con sẽ không thấy Ta, nhưng rồi ít lâu sau các con lại sẽ thấy Ta.”

Những người Sa-ma-ri tin Chúa Jêsus và chịu phép báp-tem. Vậy họ có được cứu không? Theo Lời Chúa Jêsus thì họ đã được cứu. Tuy nhiên, điều này xảy ra trước khi Phierơ và Giăng đến cầu nguyện cho họ nhận lãnh Thánh Linh.

Rồi tôi quyết định tôi sẽ hỏi sứ đồ Phierơ: “Ông Phierơ ơi, những người Sa-ma-ri này có được cứu hay không? Có phải họ đã được tái sanh trước khi ông và Giăng đến đặt tay lên họ để họ nhận Thánh Linh không?” Tôi có ý nói rằng ai làm chứng tốt hơn là ông Phierơ, bởi vì ông chính là người được các sứ đồ khác sai đến Sa-ma-ri?

Phierơ đã viết cho tôi một lá thơ trả lời những thắc mắc của tôi, và ông cũng viết cho bạn nữa. Có phải những người Sa-ma-ri được tái sanh trước Phierơ và Giăng đến đặt tay lên cho họ để nhận lãnh Thánh Linh không? Phierơ đã trả lời câu hỏi này trong 1 Phierơ 1:23

1 PHI-E-RƠ 1:23

“Vì anh chị em đã được tái sanh không phải bởi những hạt giống hư nát nhưng bởi hạt giống không hư nát, là lời hằng sống và hằng còn của Đức Chúa Trời.”

So sánh những lời Phierơ với những gì chúng ta đọc trong Công vụ 8:14: “Nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận đạo Chúa, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem liền sai Phê-rơ và Giăng xuống thăm.”

Trong Giăng 1, Chúa Jêsus được gọi là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.

GIĂNG 1:1,12,14

“Trước khi sáng tạo vũ trụ đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.”

Nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin Danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở nên con Đức Chúa Trời.

Ngôi Lời đã giáng thế làm người, cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sủng và chân lý. Chúng tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, là vinh quang của Con Một đến từ Cha.

Những người Sa-ma-ri đã nhận Lời Chúa, nghĩa là họ đã tiếp nhận Chúa Jêsus, Lời sự sống. Và theo như Phierơ, những người Sa-ma-ri đã được tái sanh, không phải bởi hạt giống hư nát mà bởi hạt giống không hư nát, chính là Lời Đức Chúa Trời.

Theo lời Chúa Jêsus và Phierơ, thì những người Sa-ma-ri đã được cứu trước khi Phierơ và Giăng được sai đến Sa-ma-ri. Rồi khi Phierơ và Giăng đi xuống, họ cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri – không phải để các tín hữu này được cứu hay được tái sanh, mà để cho họ được đầy dẫy Thánh Linh.

Lời Chứng của Hội Thánh Đầu Tiên

Khi bạn trở lại và đọc toàn bộ mạch văn trong Công vụ 8, bạn cũng để ý điều này: Trước khi Phierơ và Giăng được sai đến Sa-ma-ri, Đức Thánh Linh chưa được nói đến trong chương này. Chỉ Chúa Cứu Thế được nói đến thôi. Báp tem nước được nói đến. Đức tin được nói đến. Phép lạ được nói đến. Sự chữa lành được nói đến. Sự vui mừng lớn trong thành được nói đến nhưng Danh của Thánh Linh không được nói đến. Tuy nhiên, dù Thánh Linh không được nói đến, chúng ta vẫn thấy công việc của Ngài trong suốt đoạn Kinh Thánh này.

Công vụ 8:5 nói Phi líp xuống Sa-ma-ri và giảng Chúa Cứu Thế cho họ. Chúng ta biết Đức Thánh Linh hiện diện khi Phi líp giảng nhờ những gì chúng ta đọc được trong Công vụ 6:3-5. Trong đoạn này, Kinh Thánh nói Phi líp là một trong bảy chấp sự được chọn để giúp đỡ những nhu cầu thực tế của các thánh đồ. Bảy người này là “những người có tiếng tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan…”  (Công vụ 6:3). Sau này khi Phi líp được gọi là nhà truyền giảng, chúng ta thấy công việc của Đức Thánh Linh một lần nữa khi Phi líp được xức dầu để giảng Chúa Cứu Thế cho những người Sa-ma-ri (Công vụ 8: 4-13). 

Chính Đức Thánh Linh qua Lời Chúa đã thuyết phục những người này và đem họ đến với Chúa Cứu Thế. Chính Đức Thánh Linh qua Lời Chúa đã tái tạo tâm linh của họ và chia phần sự sống đời đời cho họ. Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho tâm linh của họ rằng họ là con cái của Chúa. Chính Đức Thánh Linh vận hành trong chức vụ của Phi líp qua ân tứ Thánh Linh để chữa lành, làm phép lạ và đuổi quỷ.

Vì thế dù Thánh Linh không được đề cập trong các câu này nhưng chính Thánh Linh là tác nhân trong kinh nghiệm tái sanh của những người Sa-ma-ri. Bây giờ chúng ta hãy xem Công vụ 8:14-15 có đề cập đến Đức Thánh Linh.

CÔNG VỤ 8:14-15

“Nghe tin dân chúng Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Chúa, các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem liền sai Phê-rơ và Giăng xuống thăm. Đến nơi, hai ông cầu nguyện cho các tín hữu nhận lãnh Thánh Linh.”

Có phải Phierơ và Giăng cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri để cho họ được cứu không? Không.

Có phải họ cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri để họ tiếp nhận Chúa Cứu Thế không? Không.

Có phải Phierơ và Giăng cầu nguyện để cho họ được tái sanh không? Không.

Có phải họ cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri nhận lãnh sự sống đời đời không? Không.

Những người Sa-ma-ri đã tin Chúa rồi, tuy nhiên Phierơ và Giăng cầu nguyện cho họ để họ được nhận Thánh Linh. Rõ ràng là các sứ đồ và Hội Thánh đầu tiên hiểu rằng việc đầy dẫy Thánh Linh là một kinh nghiệm khác với sự tái sanh.

Lời Chứng Của Saulơ Thành Tạt-sơ

Sứ đồ Phao lô trước đây được gọi là Saulơ thành Tạt-sơ, và lời chứng của ông cũng làm chứng cho sự cứu rỗi và báp tem bằng Thánh Linh là hai kinh nghiệm riêng biệt.

Phao lô trở lại Chúa trên đường đến Đa-mách khi Chúa Jêsus hiện ra với ông trong ánh sáng chói lòa (xem Công vụ 9:1-9). Saulơ hỏi Chúa Jêsus trong câu 6, “Lạy Chúa, Ngài là ai? Ta chính là Jêsus mà ngươi đang bắt bớ! Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào trong thành phố, ngươi sẽ được chỉ bảo những điều phải làm.”

Nhiều năm sau đó, Phao lô viết lá thơ cho các thánh đồ tại Rôma, và trong lá thơ đó, ông nói, “Vì nếu miệng ngươi xưng nhận Đức Jêsus là Chúa và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” (Rôma 10:9). Khi Phao lô viết câu đó, tôi đoán chắc là ông đã nhớ lại lúc mà Chúa Jêsus hiện ra với ông trong khải thị trên đường đến Đa-mách và ông lúc đó còn là Saulơ của thành Tạt-sơ và ông tin Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Cứu Thế Jêsus sống lại từ kẻ chết. Nói cho cùng, chính là Chúa Jêsus phán với ông trong khải tượng đó.

Khi Saulơ hỏi, “Chúa ơi, Ngài muốn con làm gì?” Hãy để ý ông xưng nhận Chúa Jêsus là Chúa. Nói cách khác, ông đã đặt chính mình vào tay Chúa, xưng nhận quyền làm Chúa của Chúa Jêsus trên đời sống của ông.

Saulơ, người bị mù sau khi thấy khải tượng, vâng theo sự chỉ bảo của Chúa đi vào trong thành, nơi ông đã để suốt ba ngày bị mù mắt tại Đa-mách, cầu nguyện và chờ đợi Chúa. Rồi thì Chúa hiện ra với một môn đồ tên là Anania và chỉ bảo Anania đến gặp Saulơ và đặt tay trên ông. Hãy lưu ý những gì Anania nói với Saulơ khi ông gặp Saulơ lần đầu tiên:

CÔNG VỤ 9:17

“Anania ra đi, bước vào nhà ấy, đặt tay trên Saulơ mà bảo: Anh Saulơ! Chúa đã sai tôi đến, chính Đức Jêsus đã hiện ra với anh trên con đường anh đi đến đây, để anh được sáng mắt lại và đầy dẫy Thánh Linh!”

Anania nói với Saulơ, “Cùng một Jêsus đã hiện ra với anh trên con đường đến Đa-mách cũng hiện ra cùng tôi.” Điều này ám chỉ rằng Saulơ cũng đã quen biết với Chúa Jêsus và ông cũng đã gặp gỡ Chúa Jêsus trên đường đến thành phố. Không chỉ thế, mà Anania còn gọi Saulơ là người anh em, và không tín đồ nào gọi kẻ giết người không được tái sanh là anh em.

Anania đến và nói, “Saulơ ơi, anh là anh em của tôi, bởi vì có một điều gì đó xảy ra cho anh trên con đường đến Đa-mách. Và bây giờ cùng một Chúa Jêsus đã gặp anh trên đường đã sai tôi đến với anh!”

“Anania ơi, sao Chúa Jêsus sai anh đến với tôi?”

“Để anh được sáng mắt.”

“Có phải đây là lý do duy nhất mà Ngài sai anh đến với tôi không?”

“Không, Chúa Jêsus cũng muốn tôi đến để đặt tay trên anh để anh được đầy dẫy Thánh Linh!”

Hãy lưu ý Anania không nói Chúa Jêsus đã sai tôi đến đây để đặt tay trên anh để anh có thể được cứu. Saulơ đã được cứu trên đường tới Đa-mách khi ông thấy Chúa Jêsus. Và Anania đã gọi Saulơ là một Cơ Đốc Nhân khi ông gọi Saulơ.

Tất cả những bằng cớ này là bằng cớ thuyết phục rằng Saulơ thành Tạt-sơ đã được tái sanh trên con đường đến Đa-mách và sau đó ông được đầy dẫy Thánh Linh khi Anania đặt tay trên ông. Vì thế Saulơ đã hỗ trợ lời chứng của ông để xác chứng rằng sự cứu rỗi và phép báp-tem trong Thánh Linh là hai kinh nghiệm riêng biệt.

Ân Tứ Của Chúa Cho Con Cái Của Ngài

Chúng ta hãy trở lại Công vụ đoạn 8 một lát, bởi vì có một điều khác nữa mà tôi muốn nêu ra. Hãy lưu ý trong câu 5, khi Phi líp đến thành Sa-ma-ri, ông giảng Chúa Cứu Thế cho người Sa-ma-ri. Ông không giảng Đức Thánh Linh cho họ.

Bạn thấy đó, bạn không giảng Đức Thánh Linh cho thế gian; bạn giảng Chúa Cứu Thế cho thế gian để họ nhận sự cứu rỗi. Nhưng bạn có thể giảng Đức Thánh Linh cho Cơ Đốc Nhân. Chúa Jêsus xác chứng điều này trong Luca 11:13

LUCA 11:13

“Vậy, nếu các con là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt, huống gì Cha trên trời lại không ban Đức Thánh Linh cho những người cầu xin Ngài sao?”

Chúa Jêsus bảo chúng ta rằng Thánh Linh là món quà của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài, chứ không phải cho tội nhân.

Ngược lại, chúng ta biết từ Kinh Thánh rằng thế gian có thể nhận Chúa Cứu Thế và được cứu rỗi.

GIĂNG 3:16

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.”

Vậy Chúa Jêsus là món quà của Đức Chúa Trời cho thế gian, và Đức Thánh Linh là món quà của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài.

Dạo này bạn nghe rất nhiều về tình huynh đệ của con người và tình Thiên Phụ của Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này nghe có vẻ hay, nhưng mọi người không phải là con cái Chúa, và dù Đức Chúa Trời Đấng tạo hóa muôn vật, nhưng Ngài không phải là Cha của hết thảy mọi người. Ngài chỉ là Cha của những người đã được tái sanh và Đức Thánh Linh là món quà duy nhất của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài.

‘Thần Lẽ Thật Mà Thế Gian Không Thể Nhận’

Giăng 14 là một đoạn Kinh Thánh khác cho chúng ta biết phép báp-tem bằng Thánh Linh hay sự đầy dẫy Thánh Linh không dành cho tội nhân. Một người phải trở nên một con người mới trước khi người đó nhận sự đầy dẫy Thánh Linh.

GIĂNG 14:16-17

“Ta sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Phù Hộ ở cùng các con đời đời. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể tiếp nhận được, vì không thấy Ngài và cũng chẳng biết Ngài. Nhưng chính các con biết Ngài, vì Ngài đang ở với các con và sẽ ở trong các con.”

Chúa Jêsus đang nói gì ở đây? Chúa đang nói về thế gian không thể nhận Thần Lẽ Thật. “Thế gian” đề cập đến tội nhân – những người ở ngoài Chúa Cứu Thế. Chúng ta đã thấy trong GIĂNG 3:16 rằng thế gian có thể nhận lãnh sự tái sanh: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài…” Chúa Jêsus được sai đến để cứu thế gian.

Chúng ta biết rằng thế gian có thể nhận lãnh sự cứu rỗi và Thánh Linh là Đấng tái tạo tâm linh con người trong sự tái sanh. Điều đó có nghĩa là kinh nghiệm trong Thánh Linh mà Chúa Jêsus nói đến trong câu này – nhận lãnh “Thần Lẽ Thật” là một kinh nghiệm khác với sự cứu rỗi. Ngược lại, nếu một người đã có mọi sự của Thánh Linh rồi khi người đó được tái sanh và không có một kinh nghiệm nào khác ngoài sự cứu rỗi, thì bạn phải kết luận rằng Chúa Jêsus đã tuyên bố sai lầm.

Nhưng Chúa Jêsus không có tuyên bố sai trong Giăng 14:17. Thế gian không thể nhận Thần lẽ Thật – nghĩa là sự đầy dẫy Thánh Linh. Thật ra, Ngài cũng tuyên bố tương tự trong Mác 2:22 rằng tội nhân không thể được báp-tem trong Thánh Linh. Chúa Jêsus tuyên bố. “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy rượu sẽ làm nứt bầu, rượu chảy hết mà bầu cũng hỏng. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới.”

Trong câu này, rượu là hình bóng về Đức Thánh Linh. Vào thời Kinh Thánh, rượu được đổ vào bình da. Nếu rượu mới mà được đổ vào bình da cũ, bình da đó sẽ không chứa được rượu mới và nó sẽ rách đi.

Vậy tương tự, Chúa Jêsus nói rằng nếu một tội nhân được đầy dẫy sự vinh hiển và quyền năng của Thánh Linh, người đó sẽ “nổ tung” luôn. Không phải vậy, trước hết tội nhân phải trở nên tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế (2 Cô 5:17).

Đó là lý do qua sự tái sanh, sự tái tạo tâm linh chúng ta – nên Ngài mới có thể đầy dẫy chúng ta bằng rượu mới của Thánh Linh.

Hiểu Biết Giáo Lý Về Các Phép Báp Tem

Thật là một niềm vui và đặc quyền cho tôi để giúp vô số người, người hầu việc Chúa trong các giáo phái để họ được đầy dẫy Thánh Linh trải qua nhiều năm. Khi nói chuyện với các vị này về sự tái sanh và báp tem trong Thánh Linh có phải là hai kinh nghiệm riêng biệt hay không, tôi đã phát hiện ra rằng nhiều người lẫn lộn về từ ngữ “báp-tem.” Họ nghĩ chỉ có duy một phép báp tem dành cho tín hữu, vì thế họ lẫn lộn phép báp tem bằng Thánh Linh vào trong Thân Thể của Chúa Cứu Thế (1Cô 12:13).

CÔNG VỤ 1:5

“Vì Giăng đã làm báp tem bằng nước nhưng ít ngày nữa, các con sẽ nhận báp tem bằng Đức Thánh Linh.”

I CÔ RINH TÔ 12:13

“Vì trong cùng một Thánh Linh mà chúng ta chịu phép báp tem để sát nhập vào một thân thể, người Do Thái cũng như Hy Lạp, kẻ nô lệ cũng như tự do, tất cả chúng ta đều được uống cùng một Thánh Linh.”

Những người tin chỉ có một phép báp tem thường đề cập đến Êphêsô 4:5, chỗ Phaolô nói, “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.” Nhưng trong mạch văn này Phao lô đang nói về một phép báp tem mà cứu rỗi con người – báp tem vào trong Chúa Cứu Thế qua sự tái sanh. Đó cũng là phép báp tem vào trong Chúa Cứu Thế mà chúng ta đọc trong ICôrinhtô 12:13 “…Vì trong cùng một Thánh Linh mà chúng ta chịu phép báp tem để sát nhập vào một thân thể.”

Tuy nhiên, trong Hêbơrơ 6, Kinh Thánh nói về các phép báp-tem, số nhiều: 

HÊ BƠ RƠ 6:1-2

“Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ bài học vỡ lòng về đạo lý của Chúa Cứu Thế mà tiến lên bậc trưởng thành, tức là không cần phải đặt lại nền móng cho giáo lý ăn năn từ bỏ những công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời, giáo huấn về phép báp tem, lễ đặt tay, sự sống lại của người chết và sự phán xét đời đời.”

Trong đoạn này, tác giả thư Hêbơrơ đang nói về tất cả các phép báp tem có trong Giao Ước Mới. Trước hết có phép báp tem về sự cứu rỗi. Nói cách khác, khi một người được tái sanh, người đó được đặt vào, được báp tem, hay được nhận chìm bởi Thánh Linh vào trong Thân Thể Chúa Cứu Thế. Sau đó có phép báp tem bằng nước và báp tem bằng Thánh Linh.

Giếng Nước Khác Sông Nước

Bởi vì người ta lẫn lộn về vấn đề các “phép báp tem,” nên tôi dẫn họ đến ngay sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và tôi thường dùng ví dụ về nước để chỉ cho họ là có nhiều báp tem. Tôi nói với họ, “Thôi được, anh được tái sanh bởi Thánh Linh, nên anh có Thánh Linh. Cứ coi như là anh đã uống nước. Nhưng anh có no đầy nước chưa? Lòng anh có còn khát nước nữa không? Anh có muốn uống no luôn không?” Tôi nhớ mười lần như một câu hỏi đó đã khơi dậy sự đói khát Chúa hơn nữa trong lòng của những người mà tôi đang nói chuyện.

Nước là hình bóng về Thánh Linh trong Kinh Thánh. Có hai đoạn Kinh Thánh Chúa Jêsus dùng hình ảnh nước để minh họa rất hay về sự hiện diện nội trú của Thánh Linh trong sự tái sanh và trong sự đầy dẫy Thánh Linh. Những câu Kinh Thánh này giúp tôi rất nhiều khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh này giúp tôi rất nhiều khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh để hiểu biết quan điểm của Đức Chúa Trời về đề tài các phép báp tem.

Trước hết, có câu chuyện về cuộc nói chuyện của Chúa Jêsus với người đàn bà tại giếng nước ở Sa-ma-ri (Giăng 4).

GIĂNG 4:10, 13-14

“Đức Jêsus đáp: Nếu chị biết tặng phẩm Trời ban và biết Người xin chị nước uống là ai, chắc chị sẽ xin Người và Người sẽ cho chị nước trường sinh! Đức Jêsus đáp: Ai uống nước nầy rồi cũng khát lại, nhưng uống nước Ta ban cho sẽ chẳng bao giờ khát nữa. Nước Ta ban cho sẽ biến thành giếng nước trong người, tuôn tràn sự sống vĩnh phúc.”

Chúa Jêsus đang nói ở đây về việc nhận lãnh sự sống đời đời – cùng một điều mà Ngài nói với Ni cô đem trong Giăng 3:16. Kinh nghiệm Chúa Jêsus gọi là giếng nước văng ra trong chúng ta là công việc của Thánh Linh trong sự tái sanh, văng ra cho đến sự sống đời đời. Giếng cứu rỗi là dành cho ích lợi cá nhân của mỗi chúng ta.

Rồi thì trong Giăng 7, Chúa Jêsus nói về một kinh nghiệm khác trong Thánh Linh:

GIĂNG 7:37-39

“Đến ngày cuối của kỳ lễ là ngày long trọng nhất, Đức Jêsus đứng dậy, lên tiếng kêu gọi: “Người nào khát, hãy đến cùng Ta mà sống! Người nào tin Ta thì sông nước trường sinh sẽ tuôn tràn từ cõi lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã dạy.” Đức Jêsus nói điều này để chỉ về Thánh Linh mà những người tin Ngài sắp nhận lãnh, Thật ra, Thánh Linh chưa giáng xuống vì Đức Jêsus chưa được hiển vinh.”

Chúa Jêsus phán, “Từ trong lòng văng ra dòng sông nước sống.” Hãy để ý Chúa Jêsus không chỉ nói một dòng sông, mà là những dòng sông.

Giếng cũng có nước và sông cũng có nước. Nước trong giếng và sông đều giống nhau, nhưng nước trong giếng dành cho mục đích này còn nước trong sông dành cho mục đích khác.

Bởi vì nước trong cả hai đoạn Kinh Thánh này đều tiêu biểu cho Đức Thánh Linh, Chúa Jêsus nói với chúng ta rằng có hai kinh nghiệm trong Thánh Linh.

Một kinh nghiệm trong Thánh Linh là nhận sự sống đời đời, qua đó Thánh Linh chia phần sự sống đời đời, qua đó Thánh Linh chia phần sự sống đời đời cho tâm linh của bạn và làm chứng với tâm linh bạn rằng bạn là con cái của Chúa (Rôma 8:16).

Rồi có một kinh nghiệm khác, từ trong lòng bạn tuôn ra những dòng sông nước sống. Kinh nghiệm đầu tiên là sự tái sanh, chủ yếu là ích lợi cho bạn và là phước hạnh của riêng bạn. Nhưng còn kinh nghiệm kia, được báp tem bằng Thánh Linh, khiến quyền năng của Đức Chúa Trời tuôn ra từ bạn để ban phước cho người khác.

Sau này trong Luca 24, Chúa Jêsus gọi kinh nghiệm thứ hai là mặc lấy quyền năng từ trên cao.

LUCA 24:49

“Kìa, Ta ban cho các con điều Cha ta đã hứa; nhưng các con hãy đợi trong thành cho đến khi các con được mặc lấy quyền năng từ trời.”

Lưu ý Chúa Jêsus không nói, “Hãy chờ đợi tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi các ngươi được tái sanh hay được cứu.” Không, đây là kinh nghiệm khác, ấy là báp tem trong Thánh Linh. Thật ra, đây cũng là cùng một kinh nghiệm Chúa Jêsus nói đến trong Giăng 7 khi Ngài nói những dòng sông nước sống tuôn ra từ trong lòng của những người tin nơi Ngài. Và vào ngày lễ Ngũ Tuần, những lời của Chúa Jêsus trong Giăng 7 đã được ứng nghiệm.

CÔNG VỤ 2:2-4

“Thình lình có tiếng động từ trời như tiếng gió thổi mạnh, đầy cả nhà môn đệ ngồi. Có những lưỡi như lửa xuất hiện, rải ra và đậu trên mỗi người. Tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác theo như Thánh Linh cho họ nói.”

Lúc đó những dòng sông nước sống bắt đầu tuôn chảy qua các tín hữu – những người đã được tái sanh –để khiến họ trở thành nguồn phước cho người khác. Đây là sự đầy dẫy Thánh Linh, và ấy là món quà của Chúa Cha dành cho mọi con cái Ngài.

 

Kenneth E. Hagin

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan