Các Loại Ân Tứ Phân Biệt – Phần 1

Share

"Người trưởng thành không phải là tín hữu lâu năm, có chức vụ trong Hội Thánh hay có học vị thần học cao; Nhưng là người nhờ thực hành mà luyện tập được khả năng phân biệt thiện, ác" (Theo Hê-bơ-rơ 5:13-14).

Là người lãnh đạo hội thánh, chúng ta được giao cho trọng trách quản trị Hội Thánh Đấng Christ. Đây là thiên chức cao cả, nhưng không dễ dàng vì "chúng ta chiến đấu, không phải với người phàm, nhưng chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời" (Ê-phê-sô 6:12). Đây là những kẻ từng đánh gục những người chưa bao giờ phạm tội như A-đam và Ê-va, mạnh sức như Sam-sôn, khôn ngoan như Sa-lô-môn, yêu mến Chúa như Đa-vít, gần gủi Chúa như các môn đồ Chúa Giê-su… và danh sách còn nhiều nữa.

Kinh Thánh cho biết trong Hội Thánh chúng ta sẽ phải đối diện với tín đồ giả, sứ đồ giả, giáo sư giả, tiên tri giả, thiên sứ giả và thậm chí Đấng Christ giả (2Ti-mô-thê 3:1-5; 1Cô-rinh-tô 5:11-13; 2Cô-rinh-tô 11:13,14; Khải huyền 3:15-16; 2Phê-rơ 2:1,2; Ma-thi-ơ 24:5,24). Ngoài ra, trong Hội Thánh còn có dê và sói lẫn vào với chiên (Ma-thi-ơ 24:31-46; Công vụ 20:28-30).

Hiện nay, mức độ tấn công của ma quỷ và cuộc chiến thuộc linh đang trở nên khốc liệt hơn trong nhiều hội thánh. Ma quỷ đang cài đặt người của nó trong hội thánh để phá hoại công việc Chúa, vì nó biết thì giờ của nó sắp hết rồi. Chúa Giê-su căn dặn là “Hãy đề phòng tiên tri giả là những người đội lốt chiên đến với các con, nhưng bên trong là lang sói tham tàn” (Ma-thi-ơ 7:15). Phao-lô kêu gọi hội thánh Rô-ma là hãy, “đề phòng những kẻ gây chia rẽ và gây vấp phạm, trái với giáo huấn mà anh chị em đã học; hãy lánh xa họ đi!” (Rô-ma 16:17). Ông cũng căn dặn Hội Thánh Ê-phê-sô phải “giữ mình và toàn thể bầy chiên mà Thánh Linh đã đặt anh em làm giám mục, để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời” vì “sẽ có muông sói dữ tợn xen vào giữa anh em, chẳng dung tha bầy chiên đâu” (Công vụ 20:28-30). Chúng ta không thể nào dùng sức con người để chống trả Satn và ma quỷ, nói cách khác không thể dùng sức người hay cách con người để làm việc Đức Chúa Trời. Chúng ta cần có Chúa đồng công với chúng ta, và cần các ân tứ Thánh Linh để chống trả chúng.

Ân tứ phân biệt không phải là để dùng đi tìm lỗi của anh em mình nhưng là một ân tứ thiên thượng giúp chúng ta có con mắt thuộc linh sâu nhiệm để nhìn thấy công việc của ma quỷ phía sau con người hay tổ chức hội thánh. Bài viết này nhằm mục đích giúp chúng ta tra xét, phân tích, phân biệt với sự soi sáng của Đức Thánh Linh để từ đó duyệt xét lại cái nhìn trước đây của mình, những quan niệm định kiến truyền thống của hội thánh và giáo hội trước ánh sáng Thánh Kinh, những công việc ma quỷ qua con người – hầu cho chúng ta có sự khôn ngoan thiên thượng để phân biệt đâu là phe ta và đâu là phe địch. Từ đó chúng ta nhận ra các mưu kế của Satan và không có định kiến xấu là chỉ trích nhau và lên án nhau. Chúng ta không chia rẻ nhau để tự hủy diệt, nhưng có tinh thần hiệp một để hủy phá công việc của ma quỷ, đắc thắng kẻ thù và mở mang vương quốc Chúa.

Kinh Thánh cho biết người trưởng thành không phải là tín hữu lâu năm, có chức vụ trong Hội Thánh hay có học vị thần học cao vì “13Ai phải bú sữa thì vẫn còn thơ ấu, chưa biết Đạo công chính. 14Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành là người nhờ thực hành mà luyện tập được khả năng phân biệt thiện, ác” (Hê-bơ-rơ 5:13,14). Thực hành Lời Chúa dạy dẫn đến khả năng phân biệt thiện, ác hay có ân phân biệt. Chữ phân biệt theo tiếng Hy Lạp là "diarist" (giống như ân tứ phân biệt các linh) chữ này có nghĩa là "phân biệt, nhận ra điều gì, như tòa án xét xử". Mục sư Nghê Thác Thanh (Watchman Nee) đã nói:

"Nhiều người có thể tự hào về chiều sâu của kiến thức Kinh Thánh và sự xuất sắc của giáo lý thần học của họ, nhưng những người có tâm linh sáng suốt nhận thức được rằng đó là sự chết."

Muốn có ân tứ phân biệt, Cơ đốc nhân phải cần có chiều sâu kiến thức Kinh Thánh hay bằng cấp thần học cao, hoặc giàu kinh nghiệm là những điều rất tốt. Dầu vậy vẫn chưa đủ. Những người Pha-ri-si, Sa-đu-sê và các nhà thông giáo, họ thuần thục Kinh Thánh, nhưng không nhìn ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, do đó họ bắt bớ, đóng đinh và giết Ngài. Ngay cả tiên tri Sa-mu-ên giàu kinh nghiệm thuộc linh cũng nhầm lẫn là Chúa sẽ chọn Ê-li-áp làm vua thế vua Sau-lơ. Đó là vì con người thiên nhiên tức con người xác thịt không thể nhìn biết những điều thiêng liêng nếu không có Đức Thánh Linh soi dẫn cho thấy. Phao-lô trước đây đã ở trong trường họp này, chính ông từng bắt bớ Hội Thánh, tham gia giết Ê-tiên nhưng cho là mình đang sốt sắng hầu việc Chúa. Ông nói: "Người thiên nhiên không thể nhận những ân phúc do Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban, vì cho rằng đó là những điều ngu dại; họ cũng không thể hiểu nổi vì phải nhờ Đức Thánh Linh mà suy xét” (1Cô-rinh-tô 2:14). Từ suy xét, tiếng Hy Lạp là "anakrino", nghiã là phân tách hoặc phân biệt bằng cách nhìn xuyên suốt, để kiểm tra, rà soát, đặc câu hỏi để hiểu.

Có 4 lãnh vực về ân tứ phân biệt sau đây:

  1. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực lãnh đạo
  2. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực niềm tin
  3. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực thời và kỳ
  4. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực các linh

1. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực lãnh đạo – Ân tứ khôn sáng và phân biệt để quản trị

Vị sứ giả phục hưng Charles Spurgeon đã nói: "Phân biệt không phải là một vấn đề đơn giản là chỉ nói sự khác biệt giữa đúng và sai, nói đúng hơn nó là nói sự khác biệt giữa đúng và gần đúng". Đây là điều rất khó khăn trong lãnh vực lãnh đạo, cho nên khi vua Sa-lô-môn lên ngôi, ông nhận biết mình chỉ là một đứa trẻ, không biết phải điều khiển việc nước như thể nào; còn Y-sơ-ra-ên là một dân lớn và thật đông đúc, ông cầu xin Chúa như sau: "Xin Ngài ban cho kẻ tôi tớ Ngài một tâm trí khôn sáng, một khả năng phân biệt chính tà để trị vì dân Ngài” (xem 1Các vua 3:7-9).

Có rất nhiều người cầu xin, nhưng không có nghĩa là tất cả đều được Chúa trả lời. Có một số người cầu xin và Chúa chỉ trả lời những gì họ xin; nhưng rất hiếm người cầu xin như vua Sa-lô-môn, chỉ xin Chúa một điều, và Chúa rất hài lòng vì ông đã xin điều ấy và Ngài đã cho ông vượt trên những điều ông xin, và những điều ông mơ ước, nhưng không dám xin, thì Ngài ban cho vượt xa điều lòng ông suy tưởng. Như thế cho thấy cầu xin để có tâm linh khôn sáng và khả năng phân biệt rất quan trọng với Đức Chúa Trời và Ngài đã trả lời với vua Sa-lô-môn như sau:

 “11Bởi vì ngươi có xin điều nầy mà không xin cho ngươi được sống lâu hay giàu có, ngươi cũng không xin cho những kẻ thù của ngươi bị tiêu diệt, nhưng lại xin sự khôn sáng để thi hành công lý. 12Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi điều ngươi cầu xin. Nầy, Ta sẽ ban cho ngươi tâm trí khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước ngươi chưa có ai bằng và sau ngươi sẽ không ai sánh kịp. 13Hơn nữa, Ta sẽ ban cho ngươi những điều ngươi không cầu xin. Ngươi sẽ được cả giàu có lẫn tôn trọng, đến nỗi trọn đời ngươi, không một vua nào có thể sánh bằng ngươi. 14Nếu ngươi cứ bước đi trong đường lối Ta, vâng theo các luật lệ và điều răn Ta, như Đa-vít cha ngươi đã làm, thì Ta sẽ cho ngươi được trường thọ” (1Các vua 3:10-14).

1.1 Tại sao Chúa nhậm lời cầu nguyện của Sa-lô-môn và ban cho ông sự khôn sáng và khả năng phân biệt?

  • Vì Sa-lô-môn khiêm nhường, ông nhận biết mình là đứa trẻ, còn dân Y-sơ-ra-ên là dân của Chúa thì quá đông, ông không thể cai trị họ được. Ông chia sẻ kinh nghiệm mình trong Châm ngôn 22:4 "Phần thưởng của sự khiêm nhường và kính sợ CHÚA, là giàu có, vinh dự và sự sống". Nhận biết sự giới hạn của mình để hạ mình nhờ cậy Chúa là bước vào cánh cửa của quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời.
  • Ông muốn làm hoàn thành sứ mạng Chúa giao cho mình là xây đền thờ cho Ngài.
  • Ông muốn chuyển tiếp đưa đất nước thời kỳ chinh chiến của cha mình sang thời kỳ hòa bình xây dựng nền kinh tế cường thịnh.
  • Ông muốn lãnh đạo quốc gia tốt trong sự khôn ngoan, thông sáng và khả năng phân biệt chính tà. Vì ông hiểu "Sự công chính và công lý là nền của ngôi Chúa" (Thánh thi 98:14)
  • Ông biết mình có nhiều kẻ thù và cần Chúa giúp đỡ để đối phó hiệu quả với họ
  • Quản trị tốt những gì Chúa giao để Ngài đýợc vinh hiển
  • Vua Sa-lô-môn xin sự khôn sáng và khả năng phân biệt để làm đúng những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi như chép trong sách Mi-ca 6:8 (BD2011). "Hỡi con người, Ngài đã bảo ngươi điều gì là tốt, Và điều CHÚA đòi hỏi ngươi chẳng phải là thực thi công lý, yêu mến thương xót, và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời của ngươi sao?"

Sa-lô-môn nhấn mạnh trong Châm ngôn 3:1, "Sự khôn ngoan quí hơn hồng ngọc; Tất cả mọi vật con ao ước đều không thể sánh được.” Thật đúng như vậy, ân tứ khôn sáng và ân phân biệt để làm công việc Chúa là điều phù hợp với tấm lòng của Ngài vì Chúa yêu công chính, công lý và sự thương xót. Đây là điều Ngài đòi hỏi nơi con dân Ngài đặc biệt người lãnh đạo. Lời cầu xin của Vua Sa-lô-môn được nhậm, được ban cho nhiều điều vượt hơn sự cầu xin và suy tưởng vì ông không xin cho mình nhưng xin để phục vụ vương quốc Chúa và vì sự vinh hiển Ngài.

1.2 Làm sao để có sự khôn sáng và khả năng phân biệt để quản trị?

a) Khao khát và cầu nguyện với đức tin xin Chúa thì sẽ được Chúa ban cho (Gia-cơ 1:5-7)

b) Yêu thích sự công chính, công lý, sự thương xót và muốn những điều này được thiết lập.

c) Có động cơ đúng là vì vương quốc Chúa và vì sự vinh hiển của Ngài

d) Ham thích lời Chúa và ở trong sự hiện diện Ngài vì đây là chổ Chúa tuôn đổ sự mặc khải.

e) Tìm người có ơn và kinh nghiệm đi theo học hỏi.

Nếu chúng ta hạ mình, biết những mình thiếu thốn điều gì trong việc phục vụ Chúa, thì hãy cầu xin Chúa ban ân tứ khôn sáng và khả năng phân biệt trong việc lãnh đạo Hội Thánh, để hoàn thành các công tác do Chúa giao. Chắc chắn Chúa sẽ đẹp lòng và ban cho chúng ta hơn những gì mình cầu xin và ước ao.

2. Ân tứ phân biệt trong lãnh vực niềm tin

Andrew Strom đã nói:

"Hãy nhận biết ĐẤNG THÁNH của bạn mật thiết. Khi bạn đã thấy vinh hiển của Chúa, sự thánh khiết và tình yêu của Ngài – bằng cách đến gần với Ngài trong sự cầu nguyện – sau đó bạn có thể 'dễ dàng nhìn thấy bất kỳ điều gì giả' bởi vì bạn 'thật quá thân thuộc với điều thật' ".

Có một số người ngày nay không có mối tương giao mật thiết với Chúa, sống trong định kiến, không nghiên cứu Kinh Thánh, không tìm hiểu tường tận về những giáo lý của những giáo hội khác, không cầu nguyện để Thánh Linh soi sáng mình, họ vội vàng lên án những đầy tớ của Chúa và các giáo hội không giống mình là tà giáo. Họ vô tình phạm "tội không biết", lý do vì không gần Chúa để biết, không học để biết, không nhờ Thánh Linh soi sáng để biết. Do đó họ nhanh chóng lên án điều mình không biết. Đây là cạm bẩy mà ma quỷ dùng hủy diệt nhiều người "vì thiếu hiểu biết" (Ô-suê 4:6). Do đó, ân tứ phân biệt trong lãnh vực niềm tin có 4 khía cạnh. Chúng ta cần phân biệt: Tín lý, giáo lý, truyền thống và tà giáo.

2.1. Phân biệt tín lý

Tín lý rút ra từ chân lý trong Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Tín lý đóng vai trò rất quan trọng là nền tảng niềm tin của Cơ đốc giáo. Tín lý bao gồm những chân lý về thân vị Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Cha, Con và Thánh Linh; Chúa Giê-su là Thượng Đế giáng sinh mang thân xác con người, Ngài đã chết, sống lại và sẽ tái lâm; sự cứu rỗi, đời sống nên thánh, cỏi đời sau… Đức Thánh Linh là Đấng Cha hứa ban cho chúng ta và Ngài tuôn đổ trong ngày Lễ Ngũ Tuần là Đấng Phù Hộ chúng ta và giúp đỡ Hội Thánh… Những điểm chính yếu của tín lý Tin Lành được tóm gọn trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.

2.2. Phân biệt giáo lý

Giáo lý là những gì mà giáo hội tin, hay còn gọi tín lý của giáo hội. Giáo lý dựa trên chân lý do Chúa mặc khải đến những những người sáng lập giáo hội và sau một thời gian được chứng nghiệm thì trở thành giáo lý. Giáo lý nào họ tin và nhấn mạnh là điểm nổi bật của giáo hội đó. Những ai tin theo giáo lý hay đi theo người sáng lập này thường được đặt tên theo nhóm/giáo hội đó. Thí dụ: Trong Công vụ 11:26, những môn đồ tin theo Đấng Christ (Cơ-đốc) “tại An-ti-ốt, lần đầu tiên, các tín hữu được gọi là Cơ-đốc nhân (Christians)”. Khi Martin Luther được Chúa bày tỏ về sự xưng công chính là “nhờ ân điển và bởi đức tin” nhóm người theo ông được gọi là Lutherans; Khi những người Anabaptist được Chúa soi sáng về chỉ làm báptem cho tuổi hiểu biết đủ về tội lỗi thì nhóm người theo đường hướng này được gọi là Báp-tít. Khi phong trào Ngũ Tuần đến qua sự tuôn đổ Thánh Linh nói tiếng lạ thì người ta gọi nhóm này là Ngũ Tuần. Trải qua một thời gian các giáo lý này trở thành truyền thống giáo hội.

2.3. Phân biệt truyền thống

Truyền thống là những quy củ được đặt ra và được truyền lại từ các thế hệ trước. Truyền thống có thể bằng văn tự hay là lời truyền khẩu. Truyền thống Cơ đốc gồm tín lý, giáo lý, giáo điều (luật lệ và điều lệ) và giáo nghi (như nghi lễ thờ phượng, các thánh lễ và tục lệ tùy theo giáo hội đề ra). Mỗi giáo hội đều có truyền thống và phong cách của riêng mình. Truyền thống được đặt ra để làm ranh giới cho phạm vi tín ngưỡng và hoạt động của giáo hội hay hội thánh nhằm mục đích bảo trì và phát triển. Đây là điều tốt. Điều quan trọng chúng ta cần biết là mục đích của truyền thống không phải đặt ra để trói con người và đặt Chúa vào cái hộp để điều khiển Ngài.

Tín lý và giáo lý có thể thành truyền thống, nhưng có một số truyền thống không phải là chân lý vì nó chỉ là những giáo điều và giáo nghi. Do đó, nhóm cải cách nào không làm theo truyền thống không phải là phản chân lý. Chúng ta không thể vội vàng cách ly với những người này và gọi họ là tà giáo.

Thí dụ: Giáo hội Báp-tít được khởi xướng từ Anabaptist là nhóm cải cách tách ra khỏi Công Giáo La-mã sau Martin Luther. Họ chống lại những giáo lý của Công Giáo La-mã không làm theo Kinh Thánh. Trong đó họ đặc biệt chống lại việc báp-tem nước bằng cách rưới nước trên trán cho em bé sau khi sinh. Nhóm Anabaptist tái xác nhận niềm tin nơi Chúa Giê-su rời Công Giáo La-mã, họ trở lại làm theo Kinh Thánh bằng cách làm báp-tem nước lần thứ hai là phải dầm mình hoàn toàn trong nước. Sau đó họ thu hút được nhiều người tham gia; họ khám phá và hiểu thêm về những chân lý mới vốn đã có trong Kinh Thánh; từ đó họ hình thành một nền tảng giáo lý của Báp-tít. Họ đã cải cách không làm theo truyền thống để đúng với chân lý thì không thể gọi là tà giáo. Cho đến nay họ tiếp tục duy trì những truyền thống tốt, những tín lý và giáo lý theo Kinh Thánh; nhưng họ đã chấp nhận thêm tín lý mới vì nó phù họp Kinh Thánh. Họ đã thay đổi những giáo nghi, giáo điều và cách tổ chức cho thích họp với nền văn hoá địa phương để công việc Chúa có hiệu quả hơn.

Con người có thể làm theo giáo lý truyền thống, nhưng trong lòng không hướng về Chúa và không sống theo Lời Ngài dạy. Điều này vô cùng nguy hiểm vì họ chú trọng nâng cao giá trị giáo lý, giáo điều và giáo nghi truyền thống mà không chú tâm đến sống theo chân lý. Đây là lý do Chúa Giê-su đã quở trách những người Pha-ri-si và những nhà dạy luật Do Thái là những kẻ đạo đức giả, Ngài phán: “6Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng; Nhưng lòng chúng nó xa cách Ta. 7 Họ thờ phượng Ta thật vô ích, Dạy giới luật con người như là giáo lý,’ 8 Gạt bỏ điều răn của Đức Chúa Trời; Để giữ tục lệ của loài người” (Mác 7:6-8). Thí dụ truyền thống của Ngũ Tuần là thờ phượng giơ tay, cầu nguyện tiếng mới, đặc tay cầu nguyện chữa bệnh, nói tiên tri, có phép lạ… nhưng nếu đời sống những người này chỉ có bề ngoài tốt đẹp, có quyền năng nhưng bên trong thì thù hằn ghen tị, tham lam và sống trong tội lỗi. Thì đến lúc họ gặp Chúa Ngài sẽ nói rằng "Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!" (Ma-thi-ơ 7:21-23). Nhà thần học gia Jaroslav Pelikan nói:

“Truyền thống là đức tin sống của người đã chết; Chủ nghiã truyền thống là đức tin chết của người đang sống. Những Hội Thánh nào yêu chủ nghiã truyền thống sẽ luôn giết thế hệ trẻ và niềm tin của chúng".

Có một số giáo hội nhấn mạnh niềm tin trên một số chân lý, nhưng có một số giáo hội khác thì không coi trọng và không tin các chân lý đó. Có những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh nhưng không được nhắc đến trong giáo hội và không có trong truyền thống của giáo hội. Có những sự dạy dỗ như vậy không có nghiã là tà giáo. Thí dụ, Kinh Thánh dạy là: "Hãy giơ tay cầu nguyện trong đền thánh, Hãy ca tụng CHÚA" (Thánh thi 134:2). Như vậy những ai giơ tay cầu nguyện hay thờ phượng họ không phải là tà giáo. Họ chỉ không làm theo truyền thống giáo hội của bạn – họ làm theo lời Chúa.

Tương tự như thế, Phao-lô nói: "Hãy theo đuổi tình yêu thương, hãy khao khát tìm kiếm các linh ân, đặc biệt là ân tứ nói tiên tri… Thế thì, thưa anh chị em, hãy khao khát tìm kiếm ân tứ làm tiên tri và đừng ngăn cấm việc nói tiếng lạ" (1Cô-rinh-tô 14:1,39). Những người sử dụng ân tứ Thánh Linh, như nói tiên tri, chữa bệnh, nói tiếng lạ là điều Kinh Thánh dạy họ khao khát tìm kiếm. Phao-lô cũng dạy chúng ta là "đừng ngăn cấm". Nếu giáo hội hay hội thánh của bạn không có thực hành những ân tứ Thánh Linh như là ân tứ nói tiếng lạ, chữa bệnh… vì đây là truyền thống của giáo hội bạn thì điều này là tự nhiên trong bối cảnh của giáo hội của bạn. Nhưng những người khác sử dụng những ân tứ này không phải là tà giáo vì họ đang làm theo Kinh Thánh và họ là anh em cùng niềm tin, và cùng chi thể của Đấng Christ với chúng ta.

Không phải điều gì không giống truyền thống của giáo hội mình là tà giáo, khi điều đó được chép trong Kinh Thánh. Nếu bạn chưa rỏ vấn đề, không có ân phân biệt thì đừng vội phê bình coi thường Lời Chúa và sứ giả của Ngài. Vì nếu điều bạn phê bình chỉ trích lại là đúng với Lời Chúa, thì bạn đang chống lại Lời Chúa và công việc Ngài. Bạn đang đá vào mủi nhọn thì tự hại mình (Công vụ 26:14) cho đến một lúc nào đó “cơn thịnh nộ của CHÚA nổi lên trừng phạt’ thì “không còn phương cứu chữa” (2Sử ký 36:16).

Riêng những anh em trong Ân tứ và Ngũ tuần cũng không được phê bình những anh em trong Truyền thống là yếu đuối hay thiếu quyền năng. Vì chúng ta có cùng thân thể và là chi thể của nhau. Chúng ta cần có tinh thần như Phao-lô dạy:

"22Nhưng trái lại, những chi thể xem có vẻ yếu đuối trong thân thể lại là cần thiết. 23Những chi thể xem có vẻ kém quan trọng trong thân thể thì ta phải tôn trọng nhiều hơn; và những chi thể ít được chú ý chúng ta phải chú trọng nhiều hơn" (1Cô-rinh-tô 12:22,23).

2.4. Phân biệt tà giáo

Tà giáo là những giáo lý sai trật với Thánh Kinh. Nó không phải là chân lý mà là những giáo lý lừa dối ma quỷ dùng để dỗ dành những người “nhẹ dạ, lương tâm chai lì. không gần gủi Chúa, không siêng năng tra cứu và học hỏi Kinh Thánh. Đây là những người sống “theo đường lối lòng mình muốn và mắt mình ưa thích”. Họ theo Chúa chỉ bề ngoài như Phao-lô nói trong 1Ti-mô-thê 4:1,2 như sau:

"1 Đức Thánh Linh phán rõ ràng: Vào thời đại cuối cùng, sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chú tâm vào các thần lừa dối và đạo lý của ác quỷ. 2 Họ đi theo những người giả nhân, giả nghĩa, nói dối, có lương tâm chai lì.”

Phê-rơ răn dạy tín hữu là:

“có những tiên tri giả trong dân chúng, cũng như có các giáo sư giả giữa vòng anh chị em. Họ sẽ bí mật đưa vào những tà giáo hủy hoại, ngay cả chối bỏ Chúa là Đấng đã mua chuộc họ, chuốc lấy sự hủy diệt nhanh chóng cho chính mình” (2Phê-rơ 2:1,2).

Ân tứ phân biệt vừa giúp chúng ta yêu chuộng sống theo chân lý, đề phòng và chống đối tà giáo vừa giúp chúng ta tôn trọng những truyền thống nào dựa trên chân lý, hợp lý và hợp thời. Những truyền thống nào do con người truyền lại, nếu không phù họp với Kinh Thánh thì chúng ta phải gạt bỏ. Những truyền thống nào không hợp thời thì cần thay đổi để thích ứng với thế hệ mới. Những truyền thống như giáo nghi, giáo điều có thể thay đổi, nhưng Phúc Âm thì không thể thay đổi. Chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh là quyển sách có thẩm quyền tối cao, cộng với sự nhờ cậy Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta phân biệt, tín lý, giáo lý, truyền thống và tà giáo.

Truyền thống đến từ con người, nhưng chân lý đến từ Đức Chúa Trời

(Ngoại trừ khi được ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Mục sư Trương Hoài Phong

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan