Xét Lại Vấn Đề Đối Thoại Với Những Người Vô Thần

Share

Có nhiều Cơ đốc nhân cho mình cái tự do để đối xử với những người vô thần (hay những người mà họ không đồng ý) bằng một thái độ kẻ cả. Nó được ngụy trang dưới dòng chữ “lẽ thật trong tình yêu thương” nhưng nó chỉ kích thích và làm tăng lên sự tiêu cực. Bài viết này sẽ bày tỏ một điều đã xưa cũ về cách làm bạn với một người vô thần. Dù vậy phần thưởng phụ ở đây là lời khuyên này sẽ giúp bạn đọc trong việc xây dựng quan hệ với bất cứ ai. 

1. Hãy Bỏ Đi Ý Định Cứu Họ Nếu Chưa Yêu Thương Họ

Nếu bạn nghĩ đến chuyện làm bạn một người vô thần chỉ vì các bạn đang có một kế hoạch giúp người đó được cứu thì ĐỪNG NÊN. Con người không phải là một vụ việc, và chứng đạo dựa trên một quan hệ giả vờ là không tốt, cho dù với bất cứ ai.

Chúa Giê-su dường như là luôn bị vây quanh bởi những người mà giới lãnh đạo tôn giáo khinh khi. Hiển nhiên là những người này kéo đến với Ngài vì Ngài đánh giá họ đúng như họ thực là như vậy. Người ta có thể dễ dàng nhận ra ý định bên trong của chúng ta… cho dù chúng ta gọi đó là tình bạn.

Trước khi tiếp xúc với ai, bạn cần hỏi chính mình nếu mình sẵn lòng yêu thương và chấp nhận họ dù họ không bao giờ thay đổi. Nếu câu trả lời là không, hãy đóng màn hình đang tải trang này và làm điều gì đó khác hơn. Người vô thần không cần bạn làm bạn với họ.

Điều oái ăm là một tình bạn thật không có những ý định che giấu bên trong sẽ khiến bạn có nhiều cuộc nói chuyện sâu xa về đời sống và đức tin, nhưng nó sẽ diễn ra một cách tự nhiên bởi vì bạn có một quan hệ. Dĩ nhiên điều này không phải là lý do để bạn có mối quan hệ.

2. Bạn Không Cần Phải Bảo Vệ “Tin Lành”

Tôi có viết một bài tựa đề “Tin Lành Có Quá Dại Dột Chế Diễu Các Niềm Tin Khác.” Điểm chính yếu của bài viết là khi chúng ta thật sự nhìn vào đức tin của mình từ một chỗ đứng của một người không phải là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có thể thấy là chúng ta tin một số chuyện điên dại. Vậy thì chúng ta đừng đối xử với người ta bằng cách người ta chế diễu Cơ đốc giáo. Đức tin của chúng ta nói rằng chúng ta sẽ không tin trừ khi được bày tỏ (Giăng 6:65).

Một người bạn của tôi là một mục sư, đã chế riễu cho rằng những bài viết của tôi dù với ý tốt là làm sáng tỏ niềm tin nhưng đem đến kết quả nghịch lại với ý tốt đó. Rằng chúng làm cho người ta không chú tâm đến Tin Lành. Tôi giải thích cho ông biết họ là những người vô thần – họ đã sẵn không quan tâm gì đến Tin Lành. Nhưng lý do là ở chỗ này: những người vô thần đọc trang mạng của tôi. Tôi có nhiều người bạn là người vô thần. Tôi không nghĩ là phải hạ thấp đức tin của mình để cầm giữ họ. Lý do mà họ sẵn lòng trao đổi với tôi là vì trong mối quan hệ sẻ chia với họ, tôi không đứng trong chỗ tiêu cực bảo vệ phòng thủ cho mình và đức tin của mình.

Nếu niềm tin Cơ đốc là thật, thì chúng ta đừng che chắn giữ gìn nó trước những người không tin và ác ý theo một cách để cho người khác hiểu lầm rằng thật đúng là niềm tin của chúng ta có những lổ hổng cần phải được che chắn! Chúng ta cần thành thật đứng vào góc cạnh của người khác để nhìn vào đức tin của chúng ta. Chúng ta cần hết sức rõ ràng về vấn đề niềm tin Cơ Đốc có thể bị chính chúng ta vặn vẹo làm cho không rõ ràng. Đây thường là do những người chống đối chúng ta một cách xảo quyệt. Họ biết cách tận dụng sự ngây thơ của chúng ta. Họ tấn công chúng ta bằng những lý luận sắc bén và khôn ngoan để ngụy biện tạo ra những điểm yếu trong niềm tin của chúng ta. Thế là chúng ta vội dùng sự khôn ngoan và lý luận của con người để “bảo vệ” hay “giữ thể diện” cho niềm tin Cơ Đốc của chúng ta.

Nếu có bị chất vấn, tôi “luôn luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong” tôi (1 Phi-e-rơ 3:15, BTTHĐ 2010). Ở đây không có nghĩa là tôi có giấy phép để nhúng mình vào những tranh luận không bao giờ chấm dứt. Ở đây nói rằng tôi hãy tập chú vào những người chất vấn tôi với lòng tìm hiểu. Ở đây không cho phép tôi tìm đến những người mà tôi sẽ áp đặt quan điểm của tôi lên họ. Bạn có nhận thấy điều này không? Trọng tâm là sẵn sàng chứ không phải là đối đầu. Phi-e-rơ khuyến khích cách đáp ứng là đáp ứng với thái độ “phải ôn tồn và trân trọng.” 

3. Hãy Mềm Mại

Tôi có “theo” một vài người bạn vô thần trên Twitter có số người tham gia rất đông. Tôi thấy có một vấn đề lầm lẫn mà nhiều Cơ đốc nhân trên đó mắc phải. Khi có ai đó nói thô lỗ và tấn công bác bỏ niềm tin, một số đông Cơ đốc nhân cho đó là bị tấn công vào chính mình, rồi phản ứng theo xác thịt tự nhiên là cũng trả đũa lại như vậy. 

Đồng ý là lý lịch nhận diện của chúng ta là Tin Lành. Nhưng hãy hít lấy một hơi thở sâu trong một phút… hãy bình tĩnh… Chỗ nổi bật sáng tỏ của chúng ta đến từ đâu? Nếu là Cơ đốc nhân, tôi hy vọng là bạn sẽ nói đó là Đấng Christ. Không một điều gì có thể bác bỏ được bạn, và bạn không phải xăn tay áo mà tranh cãi với những quan điểm của những người khác.

Tôi có một người bạn tốt là một người vô thần giỏi ăn nói. Tôi cảm biết rằng quan hệ của chúng tôi đã phát triển vượt qua mức lý tưởng riêng của mỗi người. Thật tốt cho chúng tôi vì chúng tôi có nhiều ý kiến về nhiều vấn đề và chúng hòa hợp với nhau. Một ngày kia, chúng tôi tranh luận với một Cơ đốc nhân trên Facebook về một chuyện không quan trọng gì lắm và anh bạn gửi tin nhắn riêng cho tôi:

“Tôi đang cố gắng giải thích rằng người không tin (vô thần) chỉ đơn giản là không tin Chúa. Cũng y như anh (Cơ đốc nhân) không tin vào thần tượng con người. Từ góc cạnh của tôi, tôi không tìm được cách giải thích nào để không phải nói là anh mất trí (insane). Thế nên tôi phải kết luận: tôi nghĩ là anh mất trí rồi.”

Tôi chỉ trả lời “Vậy thì sao?” 

Tôi hiểu được làm sao mà anh bạn cảm thấy như vậy. Trong một mặt nào đó thì người môn đồ của Chúa là người “điên.” Mi-canh không thể hiểu được tại sao vua Đa-vít làm chuyện “điên cuồng” cởi bỏ áo xống để cởi trần nhảy múa hết sức trước mặt Đức Giê-hô-va, trước mặt công chúng và các tỳ nữ (2 Sa-mu-ên 6:15,20).

Có lần tôi gặp một người. Người này có cả một hệ thống lý luận biện chứng giải thích tại sao anh ta tin vào các thần linh cổ tích La-mã. Tôi chắc là bạn của tôi nghĩ rằng mọi lập luận trình bày niềm tin Cơ đốc chỉ là những lập luận khờ khạo. Nhưng tận cùng trong tôi, tôi quan tâm về tình bạn với anh ta hơn là chuyện anh ta phải chịu phục niềm tin của tôi. 

Không Ai Mắc Nợ Bạn

Điều này dấy lên một vấn đề LỚN. Tôi không chắc ở đâu ra mà nhiều Cơ đốc nhân có ý nghĩ rằng chúng ta phải được suy phục và tôn trọng vì cớ chúng ta có niềm tin Cơ đốc. Toàn bộ Tân Ước, từ Chúa Giê-su trở đi, nói rằng chúng ta sẽ không được tôn trọng vì cớ đức tin của chúng ta. Nếu bạn nghĩ rằng thế giới này cần phải trân trọng niềm tin của bạn, bạn không thuộc về loại Cơ đốc giáo của Kinh Thánh.

Điều tôi biết là Chúa Giê-xu muốn chúng ta đối xử với người khác theo cách mà chúng ta muốn họ đối xử với chúng ta. Vậy thì nếu chúng ta muốn được họ tôn trọng, chúng ta hãy tôn trọng họ. Đừng quan tâm đến chuyện liệu họ sẽ tôn trọng chúng ta. Chúa Giê-xu không theo nguyên tắc đạo đức kiểu “bánh ít ném đi bánh quy ném lại” của người đời (Ai đối xử với tôi ra sao thì tôi đối xử lại với họ như vậy!). Một số Cơ đốc nhân đã có những thái độ và phản ứng tệ hại với những người vô thần rồi lại than trách là họ bị đối xử như vậy. 

Chúng ta cần phải gạt cái tôi của mình ra một bên. Nó không giúp ích gì cho chúng ta.

4. Thật Lòng Và Chú Tâm Lắng Nghe

Tôi rất chú trọng đến sự cảm thông. Khả năng nhìn thấy góc cạnh và kinh nghiệm trong hoàn cảnh riêng của người khác qua những cảm xúc của họ là một sức mạnh siêu việt. Tôi kinh ngạc khi có những Cơ đốc nhân bảo tôi, “Tôi không cần phải thông cảm với họ.”

Tôi kể ra ở đây một số lý do làm tôi thật lòng lắng nghe những người bạn vô thần của tôi:

1. Tôi không là một Cơ đốc nhân bịt tai lại để ngăn cản mọi phê bình lọt vào trong. Tôi thích thú khi suy nghĩ phân tích bình luận và tin rằng chúng ta cần sẵn sàng tìm hiểu đến nơi đến chốn.

2. Đôi khi những kinh nghiệm đau thương bị lẫn lộn vào với những cái nhìn của những người vô thần về niềm tin Cơ đốc, trong đó có một số là do Cơ đốc nhân gây ra. Tôi không đồng ý với điều gợi ý trong cuốn phim God’s Not Dead, cho rằng quan niệm vô thần có dính dáng đến sự tổn thương. Nếu chỉ do như vậy thì chữa lành tổn thương là giải quyết được chủ nghĩa vô thần của họ. Nhưng chúng ta cần tháo dỡ những tổn hại gây ra bởi những người xưng là muốn sẻ chia những giá trị của chúng ta.

3. Tôi cho là mỗi một người tiến đến quan điểm của họ sau khi đã suy nghĩ và tra cứu kỹ càng. Vì vậy họ đáng được quyền nghi ngờ những gì khác với kết luận của họ và đáng được chúng ta lắng nghe.

4. Tôi thường nghe nhiều người vô thần cho rằng tôi tin những điều tôi không thật tin. Tôi không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu người vô thần hỏi tôi tin những gì và tại sao tin chúng. Trong một mặt khác, Cơ đốc nhân chúng ta cũng có suy nghĩ như vậy. Thế là cả hai bên đều độc thoại thay vì đối thoại. Như vậy thì chẳng có ích lợi gì cả. 

5. Sự Biến Đổi Quan Trọng Hơn Là Những Thông Tin 

Xin đọc cẩn thận – đây là điều quan trọng nhất trong bài viết này (vâng, tôi dành nó cho những người có tấm lòng).

Tôi tin những ai đã dùng 1 Cô-rinh-tô 13 để chưng bày, dùng trong những lá thiệp và lời hứa nguyện hôn nhân hiểu ý của phân đoạn này. Không ai quan tâm đến việc bạn đã đọc bao nhiêu sách về biện giáo học. Chẳng ai chú ý đến việc nếu bạn là người khôn ngoan nhất trong phòng. Chúng ta có thể tranh luận về những thông tin, góc cạnh nhìn, và kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng sẽ không có một biện luận nào chống lại một niềm tin làm cho con người có thể yêu thương, vui mừng, bình an, nhân từ, rộng lượng, trung tín, mềm mại và tiết độ. 

Vấn đề của chúng ta là trong các cuộc tranh luận, chúng ta vừa bảo vệ chủ đề của chúng ta vừa làm suy yếu nó. Một phần của đức tin mà chúng ta đang cỗ vũ cho là Chúa Giê-xu đang bảy tỏ về một con người mới làm khuôn mẫu cho mọi người – nhưng ít người kinh nghiệm được con người mới này, những Cơ đốc nhân được biến đổi.

Tôi không thích phải nhìn nhận là có nhiều người nói về Cơ đốc nhân với một hình ảnh trái nghịch. Chúng ta có khuynh hướng làm cho người khác thành ra giáo điều hơn, cứng ngắc hơn, không tha thứ hơn, làm kẻ cả hơn. Nếu phải làm như vậy, chúng ta đang bán hàng giả, và những người vô thần biết rõ. 

Chúng ta không thể làm ngơ trước những thái độ ấu trĩ rằng “Tôi không hoàn toàn nhưng đáng được tha thứ.” Tân Ước dạy rằng chúng ta được “biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài” (2 Cô-rinh-tô 3.18). Sự biến đổi này xảy ra theo chiều sâu bên trong nhưng nó cũng phải xảy ra trong biểu hiện đang xảy ra. Toàn bộ ý nghĩa của1 Cô-rinh-tô 13 nói rằng không có tình yêu thương thì tất cả những biện chứng của chúng ta là vô giá trị – cho dù chúng thật là đúng lý lẽ.

Nếu có ai muốn hạ thấp định nghĩa của tình yêu thương, Phao-lô nói thật chính xác đó là gì: 

[bs-quote quote=”Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 Cô-rinh-tô 13:4-7″][/bs-quote]

Tôi ít khi thấy những truyền đạo đơn như trên trong những cuộc tranh luận mà Cơ đốc nhân có dự phần. Câu trả lời thực tiễn phải là như thế này: công việc của chúng ta không phải là làm cho văn hóa sắp hàng theo Kinh Thánh, nhưng khiến người tin đi theo đường lối của Kinh Thánh.

Chúng ta cần bỏ đi việc tập chú tất cả năng lực vào việc xây dựng một sự biện luận tốt hơn và tập chú vào việc đời sống của chúng ta trở thành một sự biện luận tốt hơn. Công việc hàng đầu của chúng ta là nối kết với cây nho (Giăng 15) chứ không phải là vướng vào những biện luận không bao giờ chấm dứt và không sinh bông trái. 

 

Văn Bình

(Lược dịch theo: faithit.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan