Đừng Lo Lắng và Hãy Sống Vui – Chương 3

Share

Chương 3

Cha Nào Con Nấy

Đức Chúa Trời truyền lệnh cho mỗi loài thọ tạo, cả loài người, phải sinh sản theo giống nòi của mình. Thậm chí Chúa tự đặt cho mình một mẫu mực cho công trình sáng tạo của Ngài bằng cách tạo nên A-đam theo hình ảnh và thể loại của chính Ngài.

CHÚA HẰNG HỮU nắn nên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống.

— Sáng Thế ký 2:7

Những động vật kia đều khác biệt với A-đam, bởi vì Chúa không hà sinh khí vào trong chúng. Nhiều Cơ-đốc-nhân cho rằng nhờ Chúa thổi vào trong mũi của A-đam cho nên ông mới căng phồng dưỡng khí khiến ông có thể đứng dậy và bước đi. Nhưng không phải thế, những tạo vật khác mà Chúa đã tạo nên trước A-đam vẫn thở và hoạt động mà đâu cần nhận thêm hơi thở vào buồng phổi của chúng như A-đam đâu.

Theo nguyên văn Hi-bá, chữ ‘sinh khí’ đơn giản có nghĩa là Chúa thổi sự thông tuệ và cảm hứng thiên thượng vào trong con người A-đam. Nói cách khác, Chúa thổi vào con người, không phải chỉ là khả năng hít thở như các sinh vật khác, mà là Ngài đã cấy đặt trong con người chính Thần Linh cùng sự thông tuệ và cảm hứng thiên thượng của mình. Thực ra, Chúa truyền vào A-đam chính bản tính thiên thượng của Ngài, gồm cả chín trái Thánh Linh.

Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ, không có luật nào ngăn cấm các điều đó.

— Ga-la-ti 5:22-23

Xin lưu ý rằng chữ Thánh Linh trong thơ Ga-la-ti 5:22 được viết hoa hàm ý rằng những trái đều đến từ Chúa.

Vì hình thể vô sinh của A-đam được Chúa nắn từ trong bụi đất giữa Vườn, cho nên ông không giống như những sinh vật thượng đẳng khác lúc ấy đang đánh đu trên những cành cây trên đầu. Đối với nhà tiến hóa luận của thế kỷ 21 thì có vẻ như A-đam hẳn phải là một phiên bản nâng cấp của loài khỉ mà chúng ta thấy ngày nay, nhưng Chúa đã có một kế hoạch vĩ đại hơn.

Chúa không tạo dựng hữu thể siêu đẳng này theo hình ảnh của một tạo vật u-minh và vô cảm nào đó. Ngài tạo nên con người theo hình ảnh của chính mình, và đặt để trong người chính bản tánh của Ngài. Qua hơi thở của Chúa, con người đầu tiên đã thu nạp những hạt giống của muôn sự vốn tiềm ẩn trong bản tánh của Chúa, gồm cả trái của Thánh Linh.

Khi đọc qua sách Sáng thế ký, chúng ta thấy con người đặc biệt này đã bị ma quỷ cám dỗ ra sao, và cách thức con người đã quay lưng lại với mọi điều tốt lành mà Chúa định dành cho ông cùng dòng dõi mình. Chúa và người đã xa cách nhau vì tội lỗi, và theo nghĩa đen, tâm linh của con người đã chết. Từ ngày ấy trở đi, tất cả hậu duệ của người đều sinh ra trong tội, bị thôi thúc bởi tham dục và xác thịt. Thậm chí con trai đầu lòng của A-đam đã lên cơn ganh ghét và giận dữ rồi giết em trai mình là A-bên. 

Chính bản chất con người đã bị đảo ngược ngay lúc sa ngã, và vì tội lỗi xâm nhập, tình yêu thương của Chúa đã tự động đổi ra ganh ghét hận thù. Những hạt giống bình an nhường chỗ cho cơn thịnh nộ, ganh ghét và ích kỷ bộc phát. Ngày lại ngày con người tội lỗi càng trở nên lún sâu trong nếp sống băng hoại của mình. 

Con rắn trong khu vườn xưa đã hứa hẹn với A-đam và Ê-va rằng khi ăn trái cấm xong thì họ sẽ giống Chúa hơn. Vâng, quả là một sự dối trá trắng trợn, vì sao khi phạm tội họ đã trở nên khác biệt Chúa biết bao! Mặt dưới của câu chuyện buồn này ấy là con người được tạo dựng vốn để quản trị với thẩm quyền và năng lực nay chính mình lại bị cai quản và làm nô lệ cho tội lỗi. Con người đã đánh đổi Cha Thiên Thượng để nhận lấy một cha khác, kẻ đã và đang tước đoạt có hệ thống mọi phước lành của nhân loại kể từ ngày ấy đến nay.

Khi nghiên cứu lịch sử Cựu ước, chúng ta thấy qua thời gian con người càng gian ác trong mắt Chúa. Sự gian ác này thể hiện qua hành động bội nghịch khi mỗi người sống cho chính mình và cho làm điều đúng theo mắt mình. Ga-la-ti 5: 19-21 “Các hành động theo xác thịt thật rõ ràng, ấy là: gian dâm, ô uế, phóng đãng, thờ thần tượng, phù thủy, hận thù, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham vọng, ích kỹ, chia rẽ, bè phái, ghen tị, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự”. Nhiều thánh đồ gọi mười bảy tội danh này là ‘tham dục của xác thịt’, nhưng không phải thế. Chúa gọi đích danh chúng là những ‘hành động’ hay ‘công việc’ của ‘xác thịt’ và hai điều này khác nhau rất xa.  Theo sách chú giải của Strong, chữ ‘ham dục’ trong tiếng Hy Lạp là ‘epithumia’ có nghĩa là thèm khát một điều gì đó (nhất là đối với điều cấm)’. Trở lại vườn Ê-đen, Kinh Thánh không nói là Ê-va thèm trái cấm mà dùng cụm từ ‘một cây thu hút sự thèm muốn để mở mang trí khôn’ (Theo bảng dịch King Jame)

Sáng 3:6 “Người nữ thấy trái cây vừa ngon, vừa đẹp mắt, vừa quý, lại là cây thu hút sự thèm muốn mở mang trí khôn, liền hái và ăn rồi trao cho chồng đang ở đó; chồng cũng ăn nữa”. (KJV). Chữ ‘thèm muốn’ trong Hi-bá và trong ngữ cảnh của sự kiện xảy ra tại vườn Ê-đen có nghĩa là, ‘cưu mang dục vọng’ hoặc ‘bị mê hoặc bởi khuynh hướng tham muốn’. Ê-va đã ngày đêm thèm cắn một miếng trái cây ấy từ lâu trước khi Sa-tan bước vào sân khấu. Theo nguyên văn, bà đã cưu mang dục vọng từ thuở nào. Và đây là cơ hội ma quỷ ngồi chờ và nó đã nắm ngay dịp tiện để bước vào ra tay sát thủ. Khi con rắn đến nơi, chẳng phải nhọc công phí sức để thuyết phục Ê-va đầu hàng dục vọng. Nó chỉ cần tưới nước vào những dục vọng đã được gieo sẵn trong tâm trí bà. Gia-cơ 1:13-15 “Người đang bị cám dỗ đừng nên nói: “Sự cám dỗ này đến từ Chúa” vì Đức Chúa Trời không cám dỗ ai cũng không bị điều ác nào cám dỗ. Nhưng mỗi người bị dục vọng mình lôi cuốn và cám dỗ. Dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành đem đến sự chết”. 

Khi Chúa dựng nên A-đam, Ngài trồng vào tâm linh ông những hạt giống thiện lành nhằm sản sinh sự sống, sự lành mạnh và thạnh vượng. Nhưng khi Sa-tan đến và đem tội lỗi vào thế gian, một loại hạt giống khác đã gieo vào tâm trí loài người mà chúng ta biết dưới dạng gọi là tham dục của xác thịt. Sáu ngàn năm sau, Chúa vẫn tiếp tục gieo hạt giống thiện lành, và ma quỷ cứ làm cái công việc cố hữu của nó. Điều quan trọng phải nhớ ấy là cả hai hột giống ấy sẽ luôn luôn sinh sản theo giống loại của nó. 

Trong Phúc Âm Giăng 15:1, Chúa Giê-su nói, “Chính Ta là cây nho thật, Còn Cha Ta là người trồng nho”. Kinh Thánh Tân ước mô tả Đức Chúa Cha là người trồng nho. Một cách giải thích khác về từ này là ‘người làm trồng’. Các ẩn dụ của Chúa Giê-su cho thấy nông dân luôn luôn gieo giống tốt để rồi đúng thời vụ thâu hoạch hoa màu. Điều quan trọng cần lưu ý là nông dân thời xưa và cả ngày nay không bao giờ trồng trái ngoài đồng. Họ hiểu rằng làm như thế là phí phạm, bởi lẽ nó sẽ héo và mãi mãi mất đi. Nhưng điều lạ lùng ấy là hạt giống không bao giờ chết, và sự sống trong nó chỉ nằm trong trạng thái ngủ. Sau khi trái của nó tiêu biến và mất đi thì nó luôn có thể sống lại. Chúa đã dùng nguyên tắc này vào ngày thứ ba trong công cuộc sáng tạo khi Ngài phán trong sách Sáng Thế Ký 1:11, “Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt và cây kết quả có hạt tuỳ theo loại”, thì có như vậy. Chúa không tạo cây trái và bông hoa vào ngày thứ ba, vì hạt giống đã nằm sẵn trong đất chờ đợi hồi sinh. Chúa đã tác động những hạt giống ấy bằng lời của Ngài và hạt giống tuân lệnh nảy mầm, lớn lên và kết hạt theo loại của chúng.

Vào buổi sáng thế, Chúa dựng nên con người theo hình thể và ảnh tượng của Ngài. Lúc ấy, Chúa đã thổi vào A-đam chính cái bản tánh của Ngài. Thế rồi ma quỷ đến dỗ dành và con người phạm tội khiến cho tâm linh của con người chết cùng với bông trái Thánh Linh ở bên trong mình. Tuy nhiên, hạt giống của bông trái ấy vẫn còn đấy. Khi được cứu rỗi, tâm linh con người được tái sanh và Đức Thánh Linh làm sống lại những hạt giống mà Chúa trồng sẵn trong chúng ta ban đầu. 

Giờ đây trách nhiệm của chúng ta là sinh sản những bông trái ấy. Cũng cần hiểu rằng dù tội lỗi và bệnh tật của chúng ta đã được cất bỏ, nhưng ‘tham dục của xác thịt’ thì không. Những hạt giống tham dục này, nếu cứ được nuôi dưỡng và phát triển, cuối cùng sẽ sinh ra bông trái của chúng và Chúa gọi đó là ‘công việc của xác thịt’. Vậy nên Ga-la-ti 5:16-18 nói, “Nếu anh chị em sống theo Thánh Linh thì sẽ không thi hành theo dục vọng xác thịt. Vì bản tính xác thịt ham muốn những điều trái với Thánh Linh và Thánh Linh ước muốn những điều trái với bản tính xác thịt; hai bên chống nghịch nhau như vậy, nên anh chị em không làm được những điều mình muốn. Nhưng nếu anh chị em được Thánh Linh hướng dẫn thì không lệ thuộc dưới Kinh Luật”. Có vài phân đoạn Kinh Thánh rất diệu kỳ khả dĩ đem lại cho tín hữu niềm hy vọng trong tương lai cả về lãnh vực tâm linh lẫn thể chất.

2 Phê-rơ 1:14, “Qua những điều này Ngài đã ban cho chúng ta những lời hứa lớn lao và quý báu, bởi đó anh chị em có thể thoát khỏi dục vọng hư hoại của thế gian mà được dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời”. Câu này cho chúng ta biết rằng, dầu hơn sáu ngàn năm trước A-đam đã đánh mất bản tính thiên thượng của Chúa để đổi lấy cái bản chất xấu xa, vô dụng của ma quỷ, thì nay Chúa Giê-su đã hoàn toàn phục hồi chúng ta trở lại tình trạng ban đầu. Con người thuộc linh của chúng ta được tái sanh, kèm theo mọi thẩm quyền và đặc quyền mà A-đam đã có từ lúc ban đầu. Tuy nhiên, phải hiểu rằng dầu đã được sanh lại và là chi thể trong Thân của Chúa Cứu Thế, chúng ta vẫn không được tự động miễn nhiễm đối với sự cám dỗ và ‘kẻ ác’. Cơ đốc nhân vẫn có quyền lựa chọn hoặc nhượng bộ hoặc kháng cự sa-tan, cũng là quyền chọn lựa mà A-đam đã ở vườn Ê-đen. Rô-ma 6:16, “Anh chị em không biết rằng anh chị em hiến mình làm nô lệ và vâng phục ai thì anh chị em làm nô lệ cho người mà anh chị em vâng phục sao? Hoặc nô lệ cho tội lỗi dẫn đến sự chết, hoặc cho sự vâng phục để đưa đến sự công bình sao?” 

Mỗi người chúng ta sớm muộn gì cũng trở thành nhà nông, không gieo hạt giống này thì cũng gieo hạt giống khác. Hạt giống chúng ta gieo chung cuộc sẽ quyết định bông trái mình sẽ gặt. Tuy nhiên, nếu qua dục vọng xác thịt hoặc qua tham vọng ích kỷ, chúng ta gieo những hạt giống hủy diệt như giận dữ, cay đắng và tranh cãi, thì chúng ta có thể cứ chờ mà ăn lấy bông trái của của công lao mình.

Ga-la-ti 6:7, “Đừng để bị lừa dối, Đức Chúa Trời không chịu khinh thường đâu. Vì ai gieo điều gì thì sẽ gặt điều ấy”. Nếu gieo hạt giống vui mừng, là một bông trái Thánh Linh, thì chúng ta sẽ thâu gặt một mùa vụ sức mạnh đúng như Chúa đã hứa. Nê-hê-mi 8:10, “Vì niềm vui trong CHÚA là sức mạnh của ông bà anh chị em”.

 

Chuyển ngữ: THIÊN HỰU

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan