36. Thập Giá Là Một Điều Cơ Bản
Thập giá của Ðấng Christ là điều mang tính cách mạng nhất từng xuất hiện giữa vòng loài người.
Thập giá của thời La Mã xa xưa không biết đến sự thỏa hiệp nào; nó chưa bao giờ nhượng bộ ai. Nó được biết đến bởi khả năng giết chết kẻ thù mình và khiến anh ta câm lặng mãi mãi. Nó không tha cho Ðấng Christ, mà còn giết chết Ngài như bao người khác. Ngài còn sống lúc họ treo Ngài lên trên thập giá, và hoàn toàn đã chết lúc họ đưa Ngài xuống sáu giờ sau đó. Ðó là cái thập giá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Cơ Ðốc.
Sau khi Ðấng Christ sống lại từ cõi chết, các sứ đồ đi ra và rao giảng sứ điệp của Ngài, và điều mà họ rao giảng là thập giá. Bất cứ nơi nào họ đi ra trên thế giới rộng lớn này, họ mang theo thập giá, và cùng một quyền năng mang tính cách mạng đó (quyền năng phục sinh Ðấng Christ – ND) đi với họ. Sứ điệp cơ bản của thập giá đã biến đổi Sau-lơ ở Tạt-sơ, và biến ông từ một con người dữ tợn, chuyên bắt bớ Cơ Ðốc nhân trở thành một tín hữu mềm mại và một sứ đồ của đức tin. Quyền năng của thập giá biến đổi người xấu thành người tốt. Quyền năng đó tháo gỡ mọi sự trói buộc của ngoại giáo và thay đổi hoàn toàn cái nhìn của thế giới phương Tây về đạo đức và tinh thần. Thập giá đã làm tất cả những điều này và sẽ tiếp tục làm cho đến chừng nào nó vẫn còn được xem là thập giá theo ý nghĩa ban đầu của mình. Sức mạnh của nó mất đi khi nó bị biến đổi từ một vật của sự chết sang một vật của cái đẹp. Khi con người biến nó thành biểu tượng, đeo nó quanh cổ họ như một món đồ trang sức hay đưa nó ra trước mặt họ như là một thứ bùa chú giúp tránh khỏi ma quỷ; rồi thì nó trở thành một biểu tượng yếu ớt xét ở mức độ tốt nhất, và ở mức độ tệ nhất thì nó rõ ràng là một vật thờ cúng. Như thế, ngày nay thập giá được tôn sùng bởi hàng triệu người hoàn toàn không biết tí gì về quyền năng của nó.
Thập giá hoàn tất mục đích của nó bằng cách hủy diệt mẫu hình đã có sẵn, của nạn nhân, và tạo nên một mẫu hình khác, của chính nó. Vì thế nó luôn có phương cách của mình. Nó thắng bằng cách đánh bại đối thủ và áp đặt ý muốn mình lên anh ta. Nó luôn luôn chiếm ưu thế. Nó không bao giờ thỏa hiệp, không bao giờ đổi chác, hay hội ý, không bao giờ đầu hàng một điểm nào vì lợi ích của hòa bình. Nó không quan tâm đến hòa bình; nó chỉ quan tâm đến việc kết thúc kẻ thù mình nhanh hết mức có thể.
Vì biết rất rõ mọi điều này, Ðấng Christ đã phán, “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” Vì thế, thập giá không chỉ đưa sự sống Ðấng Christ trên trần gian này đến chỗ kết thúc, nó cũng chấm dứt đời sống đầu tiên, đời sống cũ, của mỗi người là người thực sự theo Ngài. Nó tiêu diệt mẫu hình cũ, mẫu hình A-đam, trong đời sống người tin, và chấm dứt nó. Rồi thì Ðức Chúa Trời, Ðấng đã khiến Ðấng Christ từ kẻ chết sống lại, làm cho người tin sống lại và đời sống mới bắt đầu.
Ðiều này hoàn toàn là Cơ Ðốc giáo thật, dầu chúng ta không thể nhận ra sự bất đồng tinh vi của quan niệm này với quan niệm của những người Tin Lành ngày nay. Nhưng chúng ta không dám đề cao vị trí của mình. Thập giá vượt quá mọi sự đánh giá của con người và đối với thập giá đó, mọi tư tưởng cuối cùng phải chịu sự đoán xét. Sự lãnh đạo nông cạn và thế tục sẽ sửa đổi thập giá để làm vừa lòng hậu duệ của các thánh nhân, những con người tiêu khiển trong cuồng dại, những người sẵn sàng bày trò vui của họ ngay cả trong nơi rất thánh; nhưng làm như thế tức là chuốc lấy thảm họa thuộc linh và liều lĩnh trước cơn thịnh nộ của Chiên Con biến thành Sư Tử.
Chúng ta phải làm một điều gì đó về thập giá, và chúng ta chỉ có thể làm một trong hai điều mà thôi – chạy trốn nó hay chết trên nó. Và nếu chúng ta dại dột chạy trốn nó, bởi hành động đó, chúng ta sẽ quăng xa mọi niềm tin của cha ông và biến Cơ Ðốc giáo thành một thứ gì đó khác hơn bản chất thực của nó. Rồi thì chúng ta sẽ chỉ còn lại một ngôn ngữ sáo rỗng về sự cứu rỗi; quyền năng sẽ lìa bỏ cùng với sự lìa bỏ thập giá thật của chúng ta.
Nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ làm điều mà Ðức Chúa Jêsus đã làm: Vác thập giá và xem thường sự xấu hổ của nó vì niềm vui đang được đặt ở phía trước chúng ta. Làm việc này tức là trao phó trọn vẹn kiểu đời sống cũ cho thập giá để bị tiêu hủy đi và xây dựng lại đời sống mới trong quyền năng của sự sống đời đời. Và chúng ta sẽ thấy rằng điều đó còn tuyệt vời hơn cả thơ ca, hơn cả những bài thánh thi ngọt ngào và cảm xúc hân hoan. Thập giá sẽ cắt sâu vào đời sống chúng ta, nơi nó gây đau đớn nhiều nhất, nó không dung tha chúng ta cũng như những danh tiếng tốt mà chúng ta đã cẩn thận gây dựng. Nó sẽ đánh bại chúng ta và chấm dứt đời sống ích kỷ của chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể sống lại trong sự đầy trọn của sự sống để hình thành một mẫu hình sống hoàn toàn mới và tự do, tràn đầy những công việc tốt lành.
Thái độ sai lạc về thập giá mà chúng ta thấy trong giới chính thống hiện đại không chứng minh rằng Ðức Chúa Trời đã thay đổi, hay Ðấng Christ đã giảm nhẹ đòi hỏi của Ngài về việc chúng ta phải vác thập giá mình; nó có nghĩa là Cơ Ðốc giáo ngày nay đã đi khỏi những tiêu chuẩn của Thánh Kinh Tân Ước. Cho đến nay, quả thật chúng ta đã đi xa, xa đến độ không có gì khác ngoài một cuộc tân cải chánh mới có thể khôi phục và trả thập giá về đúng vị trí của nó trong thần học cũng như trong sự sống của Hội Thánh.