Cuộc Ðời Của Sadhu Sundar Singh – P.6

Share

11/ HIỂM NGUY VÀ CHẾT CHÓC (1914 – 1918)

“Thật không thể có được, bạn không thể tin được. Những chuyện ấy ông ta tưởng tượng đó thôi!” Những người nghe ông kể chuyện thường nói với nhau như vậy.

Nhiều người chán ngán khi nghe ông làm chứng về quyền năng của Chúa bày tỏ trong những chuyến đi mạo hiểm truyền giáo của ông. Họ xem Sundar như là một người bịa chuyện, vì họ không có những kinh nghiệm sống, không có sự hiểu biết rộng rãi và họ cũng chưa từng có những chuyến du hành như ông. Dầu vậy, ngoài ông ra có khá nhiều người chứng kiến kể lại những câu chuyện khó tin ấy làm hậu thuẫn để chẳng ai có thể tranh cãi được.

Lần kia, khi Sadhu Sundar đi tàu lửa từ Bombay trở về miền Bắc, một người đàn ông thấp lùn, cặp mắt sắc bén bước vào trong toa, mang theo cái không khí ghê rợn. Chốc lát sau, hắn ta nói với hành khách trên tàu rằng mình là thầy phù thủy, một người trong đám hành khách cười và thách thức điều hắn ta nói. Trước khi người ấy có thì giờ phản đối thì đã bị hắn ta thôi miên rồi. Sundar can thiệp vào việc của tên phù thủy bằng cách gióng tiếng lên nói thu hút sự chú ý của mọi người trên tàu. Người đàn ông thấp lùn ấy ném ánh mắt nhọn hoắt nhìn chòng chọc vào Sundar. Sundar cúi đầu cầu nguyện. Khoảng nửa giờ, người phù thủy lâm râm trong miệng. lật ra bùa quẻ và đợi chờ. Ðột nhiên hắn ta la lên, nơi Sundar có một cuốn sách trong túi làm ngăn trở hiệu năng của bùa phép. Sundar lấy ra cuốn Phúc Âm Giăng và để trên chỗ ngồi. Thử lại một lần nữa, người phù thủy không hề quen biết Sadhu bảo rằng còn có một giấy duy nhất của cùng cuốn sách ấy trên người của Sadhu. Thật vậy, Sundar có nhặt được một trang sách của quyển Kinh Thánh Tân Ước trên sàn tàu vì ông không muốn để có kẻ vô tình dẫm chân lên rồi ông cất nó lên trên cuốn sách Phúc âm của ông. Sau cùng người phù thủy yêu cầu ông Sadhu cởi hết áo vàng ra, nhưng chẳng thấy có giúp được gì cho quyền lực thôi miên của ông.

Khi người phù thủy thua cuộc, Sundar khởi sự hành động. Ông nói về một quyền năng lớn hơn quyền năng của sự độc ác. Quyền năng đó nằm trong cuốn sách bị nhiều người khinh chê và như thế Sundar đã có dịp để rao truyền Phúc âm.

Quyền năng của Chúa trong ông đối với dã thú cũng vĩ đại như đối với loài người. Bạn bè của ông đã từng chứng kiến quyền năng phi thường trên những thú rừng để chúng chẳng dám hãm hại ông. Ngày nọ, ông ở lại với bạn tại Cao Nguyên Simla. Sau cơm tối, họ ngồi chơi trước hiên cửa nhà và Sadhu yên lặng tiến về phía bụi cây , ngang qua sân cỏ hướng về đám cây rừng bọc quanh vườn. Ông đứng nhìn chăm chú qua thung lũng những đóm đèn sáng của ngôi làng đằng xa. Bỗng nhiên, người bạn còn ngồi trước hiên cửa đứng thẳng dậy, rợn người khi thấy một con báo trườn ra khỏi chòm cây bên cạnh vườn, đuôi nó duỗi thẳng ra, bụng nó sà đụng mặt đất. Nó dừng lại không cử động. nhìn chăm chú vào Sadhu rồi tiến về phía ông. Người bạn như nghẹn thở, chẳng dám la lớn vì sợ gây cớ cho con thú nhảy tới. Sadhu yên lặng quay lại nhìn thấy con báo, nhẹ nhàng đưa cánh tay về phía nó. Con báo đứng lại, rồi tiến lên đứng bên cạnh Sundar bất động. Ông lấy tay vỗ nhẹ trên đầu bóng mướt của con báo như vỗ về một con vật bình thường trong nhà. Người ban đứng trong nhà thở phào nhẹ nhõm. Không cần phải lo sợ nữa. Con báo đứng, thân mình đu đưa nhè nhẹ, thỉnh thoảng ngước lên nhìn ông Sundar đang trầm ngâm cho đến khi Sundar xong việc tĩnh nguyện. Ngay sau khi Sundar quay trở vô nhà, con báo dài xọc, dễ thương, dáng dấp hùng dũng cũng khuất bóng sau đám cây rừng.

Những câu chuyện như thế không thể nào đặt thành nghi vấn được. Có nhiều nhân chứng độc lập xác nhận dù có nhiều chuyện Sadhu không nhắc đến. Ðối với ông những chuyện như thế là những sự kiện trong đời sống hằng ngày không thể không có được nơi một người như ông. Người thanh niên này nhận ơn từ ai để có sự an toàn, tránh được gian nguy, hãm hại từ những kẻ độc ác và dã thú? Chính Sudar không do dự xác nhận rằng Ðức Chúa Trời đã che chở và ban quyền phép cho bất cứ ai tin cậy nơi Ngài.

Sundar tin cậy nơi Ðức Chúa Trời về thực phẩm, về tài chánh, về sự che chở và về sự dẫn dắt của Ngài. Chuyện này đến chuyện khác chứng tỏ rằng Chúa không ngăn ngừa ông ta vào sự cám dỗ hay sự áp bức khó khăn và khủng bố. Ðức tin không phải là thứ bảo hiểm chống lại phần khốn khó, khác hơn người không tin cậy Chúa. Tuy nhiên ông luôn luôn có thể nói rằng Ðức Chúa Trời đã giữ lới hứa của Ngài với ông và cứu ông thoát khỏi sự dữ. Trong đức tin ấy, ông có thể đối diện với tất cả mọi việc.

Có người quả quyết rằng ông ta có được quyền năng kỳ diệu để bày tỏ sự bất năng của tội ác nơi những người khác và còn là những cơ hội để chứng tỏ rằng quyền năng của Ðức Chúa Trời là một điều hiển nhiên.

Sundar chẳng bỏ cơ hội nào để rao truyền Phúc Âm. Ông nói một cách đơn giản, mạnh mẽ với bất cứ ai gặp ông. Người ta có thể hiểu mọi điều ông rao truyền từ hai cuốn sách: thiên nhiên và Thánh Kinh.

“Trong mọi nhà đều có con nhện. Nhiều người chúng ta cố trút hết tội lỗi cũng giống như các bà nội trợ quét hết các mạng nhện mà không diệt những con nhện”. Sundar thuờng nhắc điều đó.

Ði ngang qua miền Hy mã lạp sơn, Sundar phải đi ngang qua một vùng có loại cây cỏ làm cho du khách ngủ khi hít thở, nhưng chất độc của cây không làm hại ông. Sundar đã phát biểu như sau: “ làm thế nào lời cầu nguyện nghèo nàn của tôi giúp được người khác khi chính tôi là kẻ có tội? Sundar chỉ đám mây và nói: “ Mặt trời đem nước mặn từ biển lên cao, đến khi nó rơi xuống đất nước trở nên trong lành và uống được. Mặt trời đã làm sạch nước. Ðức Chúa Trời và lời cầu nguyện của chúng ta cũng thể ấy”. Ðó là phương cách ông thường nói chuyện với những ai muốn nghe. Trên toàn xứ Ấn độ hàng trăm người ông đã gặp trên đường, trong khu chợ, trên chuyến tàu và với những người ông giới thiệu để gặp Chúa Cứu Thế.

Cơ đốc nhân là người ở trong tình yêu của Chúa Cứu Thế

12/ QUYỀN NĂNG VÀ VINH HIỂN (1918-1919)

Ðầu năm 1918, Sadhu Sundar Singh là một trong những nhà truyền giáo trứ danh tại Ấn độ. Danh tiếng của ông không những đồn ra trong vòng những người Cơ đốc giáo mà còn lan rộng ra giữa những người ngoại giáo như Ấn độ giáo, Hồi giáo, Sikh và Parsees (Thần Lửa Giáo). Người ta nhìn thấy dáng đi đu đưa, cặp mắt lương thiện, lòng thanh sạch của ông khác biệt với tính luồn cúi, gây rối rắm, dối trá của nhiều nhà tu hành khác. Những chuyến mạo hiểm dũng cảm qua những biên cương cấm cửa đã làm say mê ngay cả những người chưa nghe qua chưa đọc một lời truyền giảng nào của ông. Trên tất cả, đối với những người tầm đạo chân thành, thông điệp giản dị, ngay thẳng và thực tiễn của ông về Ðức Chúa Trời và con người đã thu hút người ta kính nể và bước theo ông.

Trước tuổi hai mươi, danh tiếng ông đã đồn khắp nơi trên bán đảo Ấn độ. Khi người ta nghe ông sẽ đến nói chuyện tại một thành phố nào, những người nhiệt thành hay những người tò mò nô nức họp lại đông đảo trên đường phố hay các hội trường để nghe ông nói. Mỗi khi ông từ các chuyến mạo hiểm Tây Tạng trở về nơi cư trú ở Simla Hills, hàng đống thư từ chờ đợi ông mở ra. Phần nhiều là các bạn bè hay những người quen biết tình cờ, nhưng càng ngày càng có nhiều hơn từ những người xa lạ cố nài xin thuyết phục ông mở rộng sự truyền giảng đến tận thành phố của họ.

Sadhu thường hội thảo với các bạn bè thân tình tại Simla và Delhi. Dĩ nhiên ông không thể từ chối các lời yêu cầu của họ. Ông có một thông điệp mà cả Ấn độ nên nghe. Còn những ai đã từng tiếp xúc với ông ở miền Bắc thì sau này họ trở nên những thành viên khác biệt và hữu hiệu cho sự sống còn của các Hội Thánh Ðấng Christ. Sinh viên thuộc trường Cao Ðẳng Stephen tại Thủ đô Delhi, nơi ông đã từng lưu trú trong 10 năm trước, đã từng nói chuyện với họ trong hội trường hay tại nhà của Susil Rudra, nay họ là những lãnh đạo các Hội Thánh Ấn theo phương cách mà Sundar từng mơ tưởng đến là tách rời và độc lập khỏi ảnh hưởng của các giáo sĩ Tây Phương mà có niềm tin Cơ đốc và cách thờ phượng diễn đạt theo người bản xứ.

Thật là một chàng thanh niên lạ lùng và hoàn toàn đúng. Ơng sẵn sàng bỏ sự an toàn sống tại trường Cao đẳng và giáo khu để đổi lấy sự tự do và sự hiểm nguy của đời sống một Sadhu, tu sĩ áo vàng. Dầu vậy, vẫn có nhiều bạn bè lắc đầu nghi ngờ rằng làm sao tránh được những hiểm nguy lớn hơn, khác hơn đang chờ đón ông. Trở lại 10 năm về trước, khi ông bắt đầu chuyến hành trình qua Tây Tạng, danh tiếng của Sundar đã từng vang dội khắp nơi. Quý vị tưởng rằng Sundar cũng sẽ chịu cùng chung số phận như các thanh niên khác đã bước chân trên các con đường lót thảm họa – thành công, nịnh hót, kiêu hãnh và cuối cùng đi đến thảm họa khốc liệt sao?

Những người thân thuộc của ông không sợ những tấn công kịch liệt của sự xúi dục như thế. Họ biết ông là một tín hữu Cơ đốc bình thường, quăng bỏ con người cũ để hướng về Chúa Jesus , khiêm nhường trước tình yêu của Ðấng Cứu Thế của mình. Thật vậy, thế giới không có nghĩa nhiều đối với ông. Ông sống trong một thế giới nội tâm thuộc linh mới lạ. Thật khó mà biết về những kinh nghiệm của ông bày tỏ ở thứ bậc nào. Những bản viết tay của ông để lại thật sâu sắc như những bản Trung cổ huyền bí. Ý thức về sự hiện diện thân mật của Ðức Chúa Trời có thể làm cho người khác kính sợ và thực tế của thế giới tâm linh làm cho ông nổi giận mãnh liệt với chủ nghĩa duy vật của thính giả của ông.

pastedGraphic.png

Vào đầu năm 1918 Sadhu Sundar đi về miền Nam. Ðại hội lớn lần đầu tiên của ông được tổ chức tại Madras và ngôn ngữ là một trở ngại. Tiếng mẹ đẻ của ông là Hindustani, một ngôn ngữ thông dụng ở miền Bắc. Tại quê ông cũng vậy, có nhiều tiếng nói địa phương và ông học cả tiếng Anh để giao thiệp. Nhưng chuyến đi miềm Nam này, ông đối diện với một Hội Thánh mà tiếng nói là tiếng Tamil. Có một thông dịch viên, tuy rằng lời dịch thuật không thích đáng lắm nhưng lời của ông cũng làm cảm động mạnh mẽ nhiều thính giả.

Từ Madras, ông tiếp tục chuyến du hành từ thành phố này sang thành phố kia Tiếng tăm ông đi trước và các Hội Thánh lớn lên : Arcot, Travancore, Trivandrum – xuyên qua các trung tâm sinh hoạt Cơ đốc. Nhiều thành phố nơi Ấn độ giáo cổ kính đã bị ông xâm nhập và ông bước đi trong chiến thắng của Cơ đốc giáo. Vào buổi sáng, ông nói chuyện với các giáo sĩ, thầy truyền đạo, giáo sư và những người lãnh đạo Hội Thánh. Ông thuyết giảng tại các buổi họp học Kinh Thánh, làm chứng về những ơn phước Chúa ban cho. Người ta họp nhau dưới bóng mát của các cây dừa bên lề đường, tại những khu đất trống trước những ngôi đền miếu , ngay cả bên bờ sông. Nhiều khi 500 lắm lúc có cả 10,000 thính giả. Sau mỗi lần hội họp như vậy thường có những câu hỏi, thảo luận hoặc có những nhóm người muốn thảo luận về những vấn đề riêng tư. Trong mỗi thành phố cộng đồng người Cơ đốc giáo được phục hưng và hàng trăm thân hữu bắt đầu chú ý tìm kiếm lẽ thật.

Sadhu không quen tham dự những buổi họp cộng đồng thảo luận đông đảo và liên tục như vậy. Việc tổ chức những nơi nào ông đi qua và sắp xếp chương trình bất cứ tại nơi nào ông đến đều do nhiều người . Vào những lần như thế, rất khó tìm thì giờ để đọc Kinh Thánh và tĩnh nguyện riêng với Chúa, làm cho ông khắc khoải trong lòng. Ông hầu như muốn từ chối nhưng có nhiều người kêu gọi yêu cầu đừng bỏ quên Tích Lan trong chuyến đi này.

Trên hòn đảo có vẻ đẹp vô giá này, với các loại hoa quả rau cải tươi xanh ngon ngọt, với bờ cát trắng thoai thoải, với những làn sóng trắng vỗ vào bờ, đám dân trang phục vui vẻ hồn nhiên, những sinh viên lúc nào cũng hăng say, Phật giáo chính thống còn lưu tồn thì một quyền năng mới đến với Sadhu. Người ta yêu cầu ông thăm một cậu con trai có tên là Williams đang nằm tại bệnh viện. Ông nhận lời đến bên giường và cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cậu bé. Sáng hôm sau, toàn ban nhân viên bệnh viện đều kinh ngạc và cộng đồng người Cơ đốc hết sức kích động, cậu bé Williams chổi dậy khỏi phòng bênh hoàn toàn bình phục. Tin này đồn ra khắp nơi trong thành phố, trên đảo và bay về đất liền ở Ấn độ.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan